Một ngày vào mùa thu năm 1146, tại phủ Hội Ninh thủ đô của nước Kim, tiếng tù và thổi kéo dài và nghẹn ngào. Cờ phướn rợp trời giũ phần phật giữa những cơn gió lộng. Các võ sĩ cận vệ đứng thành đội hình vuông, xa xa nhìn thấy những chiếc mũ sắt và những ngọn giáo dài của họ phản chiếu lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời, làm lóe mắt mọi người. Trong một cỗ tù xa (xe chở tù) bằng gỗ, đang nhốt một người Tartary (Thát Đát) có thân hình cao lớn. Tiếng xe lộc cộc chạy qua khu chợ đông rồi tiếp tục hướng về khu pháp trường cao nơi xử tử những phạm nhân quan trọng. Cỗ xe làm cho những người buôn bán trong các cửa hiệu, buôn bán dưới lề đường, kể cả những người dẫn lạc đà, những người khuân vác, những khách qua đường đều cùng chú ý nhìn theo. Thế kỷ thứ 12 sau công nguyên, người Nữ Chân đánh bại và tiêu diệt nước Đại Liêu từng cường thịnh một thời, rồi lại tiếp tục đánh chiếm thủ đô của vương triều nhà Tống là thành Biện Lương, bắt sống hai vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, xây dựng chánh quyền nước Kim, cùng chong mặt với triều đình Nam Tống đang sống cầu an ở một góc, trở thành người thống trị cả khu vực miền bắc của Trung Quốc. Thời bấy giờ, tại đồng cỏ ở phía nam và phía bắc của vùng sa mạc rộng lớn mênh mông, đang sống rất nhiều bộ lạc độc lập riêng biệt. trong đó có những bộ lạc tương đối lớn như Nải Man, Khắc Liệt, Miệt Nhi Khất, Tháp Tháp Nhi, Mông Cổ, cùng gọi chung là Đại Ngột Lỗ Tư, tức khối liên minh năm bộ lạc hoặc năm quốc gia mới hình thành bước đầu. Ngoài ra, còn có các bộ lạc khác như Uông Cổ, Hoàng Cát Thích. Do họ sinh sống ngoài rìa của vùng thảo nguyên, nên có mối quan hệ với nước Kim tương đối mật thiết và cùng các bộ lạc khác luôn xảy ra những cuộc chiến tranh cướp đoạt, cũng như những cuộc chiến tranh nhằm thôn tính nhau để xưng bá. Người thống trị tối cao của nước Kim do muốn chia để trị, nên chẳng những họ không ngăn chặn những cuộc chiến tranh đó, mà trái lại còn xúi bẩy các bộ lạc đó tàn sát lẫn nhau. Hôm nay họ ủng hộ bộ lạc này đánh bộ lạc kia, ngày mai họ lại ủng hộ bộ lạc kia đánh lại bộ lạc này. Họ thậm chí còn cứ cách ba năm thì phái quân đội tiến vào vùng thảo nguyên để “giảm đinh" (Giết người, cướp người, cướp đoạt dê cừu bò ngựa). Do vậy, người sống tại thủ đô của nước Kim đối với việc xử tử hoặc áp giải người ở vùng thảo nguyên đã xem quen mắt như chuyện cơm bữa, không có chi gọi là lạ. Nhưng hiện nay chưa phải là năm "giảm đinh”, thế tại sao lại có chuyện giết người? Kìa! xa giá của hoàng đế đã đến. Hoàng thượng của nước Kim "Hy Tông" ăn mặc hết sức lộng lẫy, nét mặt tươi vui ngồi trên chiếc kiệu rồng do 32 người khiêng. Dưới sự bảo vệ của đội nghi trượng gồm toàn cấm vệ quân, kiệu vua tiếp tục đi tới giữa sự tiền hô hậu ủng. Người cưỡi con ngựa cao lớn đi ở phía sau kiệu vua chính là Thiếc Mộc Chân Ngột Cách, thủ lĩnh của bộ lạc Tháp Tháp Nhi. Quần thần văn võ cũng đã kéo tới. Xem ra phạm nhân này chắc chắn là một nhân vật quan trọng! Vua Kim bước lên và ngồi xuống ghế đặt chính giữa đài cao của pháp trường. Văn võ quần thần chia thành hai hàng đứng hai bên. Riêng Thiếc Mộc Chân Ngột Cách do được đãi ngộ đặc biệt, nên đứng sát bên cạnh vua Kim. Vị quan chủ trì buổi hành hình to tiếng xuống lệnh: - Dẫn tử tù ra.... - Dẫn tử tù ra!... Dẫn tử tù ra!... Mạng lệnh được theo từng cấp truyền xuống phía dưới. Bốn võ sĩ từ từ áp giải người tù lên. Khắp thân mình của người tù này tuy mang đầy thương tích, nhưng vẫn có thái độ ngạo mạn không chịu khuất phục. Ông ta vừa giẫy giụa vừa gầm thét giống như một con mãnh thú sa cơ. Người này bị áp giải đến trước chiếc ghế của nhà vua ngồi, các võ sĩ muốn đè ông ta quì xuống, nhưng ông ta vừa nhảy tưng lên vừa giận dữ thét vào mặt Thiếc Mộc Chân Ngột Cách đang đứng bên cạnh vua Kim: - Bớ Thiếc Mộc Chân Ngột Cách! Bọn người Tháp Tháp Nhi của nhà ngươi có phải là con chó đi bằng bốn chân không? Không phải nhà ngươi hứa gã em gái cho ta để giữa người Tháp nháp Nhi và người Mông cổ vĩnh viễn hòa hiếu với nhau sao? Thế tại sao nhà ngươi lại bán đứng ta cho lũ chó Kim? Thiếc Mộc Chân Ngột Cách cười nhạt, đáp: - Này Yểm Ba Hài, để ta nói cho nhà ngươi nghe kẻo khi chết vẫn còn ấm ức: việc đó là do ta nhận mật chỉ của hoàng đế Đại Kim để bắt tên phản nghịch triều đình nhà ngươi đem xử tử! Chỉ đáng trách là con lạc đà ngu xuẩn nhà ngươi lại thích dệt mộng đẹp. Vậy bây giờ nhà ngươi còn muốn cưới em gái của ta nữa sao? - Một chuỗi cười to hết sức hả hê của Thiếc Mộc Chân Ngột Cách, làm cho vua Kim và toàn thể quần thần có mặt đều cười rộ lên. Thì ra, Yểm Ba Hài Hãn của Mông Cổ, chỉ dẫn theo có mấy tên tùy tùng cùng đến bộ lạc Tháp Tháp Nhi để cầu hôn. Thủ lĩnh của Tháp Tháp Nhi là Thiếc Mộc Chân Ngột Cách hứa hẹn sẽ gã em gái của mình cho Yểm Ba Hài Hãn, để dụ ông ta uống rượu say, rồi bắt trói chở đến nước Kim dâng lên cho hoàng đế Hy Tông của nước này. - Bớ lũ chó Kim! - Yểm Ba Hài nhìn thẳng vào vua Kim quát to một tiếng, làm cho trận cười đột ngột ngưng hẳn. Ông ta nghiến răng nói tiếp - ngươi hãy đưa cao lưỡi dao lên đi nào! Nếu Yểm Ba Hài ta có nhíu mày thì không phải là con cháu của người Mông Cổ! - Khá khen cho nhà ngươi! - Vua Kim đứng phắt dậy, đưa tay chỉ thẳng vào Yểm Ba Hài nói tiếp - Bộ nhà ngươi muốn chết nhanh hả? Không, ta sẽ cho nhà ngươi thưởng thức mùi vị của cảnh dở sống dở chết. Bây đâu, khiêng con lừa gỗ ra đây! Vị quan chủ trì hành hình đứng ở phía dưới dài cao to tiếng ra lịnh: - Khiêng lừa gỗ lên!... Tám tên binh sĩ cùng khiêng một con lừa gỗ to lớn đi lên đài cao của pháp trường. Trên mình con lừa gỗ hãy còn lốm đốm những vệt máu khô, khiến ai nhìn vào cũng phải rởn tóc gáy. Theo “luật trừng trị những bộ lạc làm phản" của nước Kim, thủ lĩnh của những bộ lạc nào dám cả gan làm phản chống lại người Kim, đều bị bắt đóng lên con lừa gỗ này để xử tử. Viên quan chủ trì cuộc hành hình lại to tiếng ra lệnh: - Đem tên phản nghịch Yểm Ba Hài đóng lên lừa gỗ!... Tám tên binh sĩ nhắc bổng Yểm Ba Hài đưa đến trước con lừa gỗ. Yểm Ba Hài to tiếng quát mắng: - Bớ lũ chó Kim! Bớ người Tháp Tháp Nhi! Con cháu của ta sẽ ghi nhớ mãi ngày hôm nay, ghi nhớ mãi món nợ máu này, cho dù có mài mòn hết năm móng tay của chúng, cho dù có bẻ gãy hết 10 ngón tay của chúng, chúng nhất định cũng sẽ báo thù! Các binh sĩ đặt Yểm Ba Hài lên con lừa gỗ, trói chặt. Một tên đao phủ thủ mình cởi trần, ngực mọc đầy lông, miệng cắn những cây đinh dài, tay cầm chày vồ gỗ, bước đến trước con lừa, bắt đầu đóng một cánh tay của Yểm Ba Hài vào thân con lừa. Đóng xong cánh tay bên này, hắn lại đóng cánh tay bên kia. Yểm Ba Hài cắn răng chịu đựng sự đau đớn, không hề buột miệng kêu lên một tiếng nào. Tên đao thủ phủ lại bắt đầu đóng đinh vào chân của nạn nhân: cộp, cộp, cộp...! Đôi môi đang cắn chặt của Yểm Ba Hài đã chảy xuống một dòng máu tươi, đầu nghiêng hẳn qua một bên và chết ngất đi. Thiếc Mộc Chân Ngột Cách bước đến bên cạnh Yểm Ba Hài, dùng gáo múc nước lạnh đựng sẵn trong thùng gỗ tưới lên đầu Yểm Ba Hài cho ông ta tỉnh lại, cười hỏi: - Thế nào, ông em rể của ta? Nhà ngươi còn muốn cưới em gái của ta nữa thôi? Yểm Ba Hài vừa thở hổn hển, vừa trừng to đôi mắt rồi bất thần phun một ngụm máu tươi vào mặt Thiếc Mộc Chân Ngột Cách, thét lớn: - Bớ Thiếc Mộc Chân Ngột Cách! Bớ ông chủ của nhà ngươi hãy cùng nghe đây! Người Mông Cổ uống nước của dòng sông Onon để lớn, sẽ không bao giờ chịu khuất phục! Chắc chắn sẽ có một ngày người anh hùng tại khu vực đồng cỏ sẽ đứng lên rữa mối nhục của người Mông Cổ chúng tao ngày hôm nay. Tất cả bọn sát nhân chúng bây sẽ cùng bị đóng đinh lên con lừa gỗ! Nói dứt lời, Yểm Ba Hài dùng sức cắn mạnh đứt cả đôi môi và chiếc lưỡi của mình... Một vị anh hùng oai phong lẫm liệt đã chịu chết như thế đó. Những tiếng thét cuối cùng của ông ta ngân vang mãi trên bầu trời của thủ đô nước Kim, rồi nương theo những áng mây trắng bay đến vùng đồng cỏ bay đến đầu nguồn của con sông Onon, bay đến những chiếc lều của người Mông Cổ sống từ đời này qua đời khác, bay đến tai con cháu của Yểm Ba Hài. Chính mối thù truyền kiếp đó đã dẫn tới những cuộc chinh chiến trường kỳ tại bên trong lẫn bên ngoài vùng thảo nguyên và đã hun đúc nên một bậc Con Cưng Của Trời, luôn lấy việc chinh chiến làm nội dung chủ yếu của cuộc sống.