Có lẽ lá quân kỳ "Thốc Hắc" vẫn còn lưu lại anh linh của Dã Tốc Cai. Một bộ phận bá tánh của bộ lạc Khất Nhan đã quay trở lại theo Kha Ngạch Luân cùng trở về vùng cư trú cũ. Nhưng, mẹ con của Kha Ngạch Luân làm sao có được sức hiệu triệu như Dã Tốc Cai. Chỉ ít lâu sau, do họ bị sự uy hiếp của Tháp Lý Hốt Đài, nên cũng lần lượt bỏ đi hết, chỉ còn gia đình của Mông Lực Khắc là ở lại bên cạnh Kha Ngạch Luân. Hai năm đã trôi qua. Cuộc sống tách rời khỏi người trong bộ lạc thật quá khó khăn. Mông Lực Khắc trước sau vẫn như một, nhưng bà vợ của ông ta thì không còn kiên nhẫn được nữa, suốt ngày suốt đêm luôn cằn nhằn bên tai chồng, làm cho Mông Lực Khắc bắt buộc cũng phải nghe theo ý kiến của vợ, quyết định rời bỏ gia đình của Thiết Mộc Chân. Nhưng, Mông Lực Khắc không có mặt mũi nào từ biệt Thiết Mộc Chân và Kha Ngạch Luân, nên đành phải lợi dụng đêm tối âm thầm dùng cỗ xe riêng của mình để chở lều trại và dẫn một số bò, ngựa, dê cừu chuẩn bị bỏ đi. Mông Lực Khắc đưa mắt nhìn lại vùng đất cư trú giữa gia đình ông ta với gia đình Thiết Mộc Chân, buồn bã thở dài, nói: - Thực tình tôi không biết nên bỏ đi hay không? Bà vợ sợ chồng thay đổi ý kiến, liền nói: - Tại sao lại không đi? Hai năm qua ông đã chăm sóc cho Thiết Mộc Chân và các em của nó giống như người cha chăm sóc các con. Chúng nó đều gọi anh là cha Mông Lực Khắc, như vậy còn chưa đủ hay sao? - Câm miệng lại, em đúng là con dê cái lưỡi dài! - Mông Lực Khắc biết việc làm của mình đã làm cho bà vợ sinh ghen và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến bà ta chủ trương rời bỏ gia đình Thiết Mộc Chân ra đi. Thực ra Mông Lực Khắc với Kha Ngạch Luân thì không có vấn đề chi cả. Cơn ghen của bà vợ lại nổi dậy: - Tại sao tôi không thể nói? Giữa chúng ta và Dã Tốc Cai không phải là một gia tộc, thế nhưng so với tất cả những người cùng một họ với gia đình ông ấy, chúng ta đã tỏ ra hết sức tận tình. Đến nay thì chúng ta không còn có thể duy trì được cuộc sống nữa, vậy không đi thì phải làm gì? Bộ muốn cùng chết chung với Kha Ngạch Luân hay sao? Mông Lực Khắc không muốn tranh cải với bà vợ nữa, đưa cao ngọn roi đánh mạnh vào mông con bò, chiếc xe bắt đầu chuyển bánh đi về phía trước. - Định bỏ đi êm như thế sao? - Từ trong bóng đêm bỗng có người lên tiếng. Thì ra Kha Ngạch Luân đã phát hiện được. Chiếc xe bò đang chuyển bánh liền dừng lại. Mông Lực Khắc cúi gầm đầu. Bà vợ của Mông Lực Khắc thì ngó đi chỗ khác. - Đáng lý mọi người nên nói cho chúng tôi biết trước, để chúng tôi chuẩn bị tiễn đưa - Kha Ngạch Luân nói tiếp -Anh chị xem kìa, đi vội vàng như thế làm cho tôi thật là... Mông Lực Khắc cảm thấy đôi má nóng bừng lên, nói: - Này Kha Ngạch Luân, chị đừng làm cho tôi cảm thấy xấu hổ hơn nữa! - Không, cả nhà anh có ơn rất lớn đối với chúng tôi. Cho dù tôi có thiếu hiểu biết tới đâu cũng không bao giờ có sự thất kính đối với anh chị cả! - Lời nói của Kha Ngạch Luân rất chân thành - chỉ đáng tiếc là Dã Tốc Cai chết quá sớm, trong khi đó người trong thân tộc tôi lại quá vô tình, nên mới đẩy các con tôi vào nước vào lửa như thế này. Đứng trước tình hình đó, điều làm cho chúng tôi cảm thấy trong cuộc sống khó khăn này anh chị mới là người có chân tình, thực chẳng khác nào người một nhà với chúng tôi. Trong lòng tôi luôn luôn cảm kích một cách chân thành. Thiết Mộc Chân đâu, hãy mau đến quì lạy từ giã cha Mông Lực Khắc đi! Hãy lạy từ giã thím đi! Từ trong bóng tối Thiết Mộc Chân bước ra, quì xuống trước mặt Mông Lực Khắc dập đầu, ứa lệ nói: - Thưa cha Mông Lực Khắc, thưa thím, xin các vị bảo trọng trên đường đi! Mông Lực Khắc kéo Thiết Mộc Chân đứng dậy, nói: - Này Thiết Mộc Chân, chú thật có lỗi đối với các con? Và cũng rất có lỗi đối với Dã Tốc Cai. Nhưng chú... Thiết Mộc Chân vẫn quì mãi dưới đất không chịu đứng lên, nói: - Thưa cha Mông Lực Khắc, như vậy cha có thể tiếp tục ở lại không? Kha Ngạch Luân ngăn con: - Này Thiết Mộc Chân, con hãy đứng dậy để cho cha Mông Lực Khắc ra đi? Vợ Mông Lực Khắc mạnh dạn nói thẳng: - Này Kha Ngạch Luân, Thiết Mộc Chân, các người đừng có giận chúng tôi. Thực ra bản thân chúng tôi hiện nay về mặt đời sống hết sức khó khăn. Hãy xem các con của tôi nó đói đến nông nỗi này! - Tôi biết! Tôi biết! Thay vì mọi người cùng ở đây chết đói với nhau, thì chi bằng chia ra để mạnh ai nấy tự lo vẫn hay hơn! Mông Lực Khắc tự cảm thấy xấu hổ, nói: - Sau khi chúng tôi ra đi, gia đình của chị càng thêm khó khăn hơn nữa, vậy chi bằng chị giữ lại hai con bò, ba con dê cho mấy đứa trẻ vậy! - Này, Mông Lực Khắc! - Bà vợ cảm thấy ngạc nhiên, lên tiếng hỏi - Nếu không có sữa bò và sữa dê, thì con chúng ta ăn gì? Mông Lực Khắc cảm thấy vợ mình đứng trước mặt Kha Ngạch Luân lại tỏ ra quá ích kỷ, làm cho anh ta cảm thấy mất mặt, bèn lên tiếng quát: - Bà câm miệng lại cho tôi! - Thôi được rồi! - Kha Ngạch Luân vội vàng lên tiếng - Do chịu liên lụy với chúng tôi, hai anh chị gần như bị mất đi hết tất cả tài sản và nô lệ. Nay chỉ còn lại một ít gia súc này, nếu anh chị chia cho chúng tôi thì cả anh chị lấy gì để sống! Bà vợ của Mông Lực Khắc nghe vậy không khỏi thầm cảm ơn lời nói đó của Kha Ngạch Luân. Bà ta im lặng chẳng nói gì thêm nữa. Mông Lực Khắc suy nghĩ thấy cũng phải, cho nên anh ta thở một hơi dài rồi bước đến trước mặt Thiết Mộc Chân nói: - Này Thiết Mộc Chân, hãy mau đứng dậy đi! Nên nhớ, khi nào cậu cần tới tôi thì Mông Lực Khắc này sẽ thực hiện những lời trối trăn của thủ lãnh Dã Tốc Cai tức khắc! Thiết Mộc Chân ứa lệ khẽ gật đầu. Mông Lực Khắc lên ngựa, đưa cao ngọn roi đánh con bò để chúng kéo xe lên đường. Hai cỗ xe bò đã chở hết cả nhà của Mông Lực Khắc ra đi. Bà vợ nhỏ của Dã Tốc Cai, Khoát A Hắc Thần và các em trai và em gái của Thiết Mộc Chân từ trong lều cùng bước ra đứng bên cạnh Kha Ngạch Luân và Thiết Mộc Chân. Cả nhà đứng yên như vậy tới khi trời hừng sáng. Từ địa vị lãnh tụ của bộ lạc, trong chốc lát cuộc sống đã trở thành khó khăn hơn cả những người nô lệ. Sự thay đổi tồi tệ đến mức không thể nào tồi tệ hơn đã làm cho Kha Ngạch Luân hết sức bình tĩnh. Lúc Dã Tốc Cai chết, Kha Ngạch Luân phu nhân đã sinh được bốn con trai, một con gái: con trai cả là Thiết Mộc Chân, con trai thứ hai là Cáp Tát Nhi, con trai thứ ba là Hợp Xích ôn, con trai thứ tư là Thiết Mộc Cách và con gái là Thiết Mộc Luân. Dã Tốc Cai còn có một bà vợ nhỏ, cũng giống như "Thiếp" của người Hán. Bà này sinh được hai đứa con trai: một đứa tên gọi Biệt Cách Thiếp Nhi, còn đứa thứ hai tên gọi Biệt Lặc Cổ Đài. Kha Ngạch Luân nói với tất cả mọi người: - Bò, dê cừu, lạc đà và ngựa của nhà ta đều bị người Thái Xích Ô lùa đi hết. Giờ đây hộ cuối cùng trong bộ lạc cũng bỏ chúng ta ra đi. Chúng ta chỉ còn lại ba ngươi đàn bà, bảy đứa trẻ con, một cái lều Mông Cổ và năm con ngựa ngân hợp. Vậy từ đây về sau chúng ta phải sống như thế nào? Mọi người có ý kiến gì xin nói ra nghe thử? Người vợ nhỏ của Dã Tốc Cai với nét mặt buồn rầu, lên tiếng trước: - Lương tâm của Tháp Lý Hốt Đài đã bị chó ăn rồi! Hắn chẳng những vứt bỏ chúng ta ở lại đây, mà còn lùa hết bò, dê cừu và gia súc của chúng ta đi hết. Gia súc là nguồn sống của người Mông Cổ, nếu không có một bầy gia súc thì từ nay về sau chúng ta phải sống như thế nào. Lão bộc Khoát A Hắc Thần cũng nói: - Chuyện không có gia súc còn là chuyện nhỏ. Ngay từ xa xưa người ở thảo nguyên bao giờ cũng tập họp thành thị tộc và bộ lạc. Nay chúng ta đã tách rời thị tộc và bộ lạc, vậy đời sống của chúng ta lấy gì để bảo đảm? Những lời nói của họ đều đúng cả. Đứa con trai lớn của bà vợ nhỏ qui tất cả tội lỗi đó vào một mình Mông Lực Khắc vừa bỏ ra đi. Cậu ta nói một cách bất mãn: - Cái gã Mông Lực Khắc đó bỏ đi mà cũng không muốn từ biệt chúng ta! Thế mà Thiết Mộc Chân còn gọi ông ta là cha Mông Lực Khắc. Ông ta không xứng đáng đâu! Thiết Mộc Chân đối với người em trai khác mẹ này từ bấy lâu không có cảm tình, sau khi nghe cậu ta lên tiếng công kích Mông Lực Khắc bèn cãi lại: - Này Biệt Cách Thiếp Nhi, cha Mông Lực Khắc là người rời bỏ chúng ta sau cùng, cho nên chúng ta nên tôn kính ông ấy chứ đừng oán trách! Biệt Cách Thiếp Nhi từ lâu không xem Thiết Mộc Chân ra gì. Cậu ta trừng đôi mắt lên tiếp tục nói theo ý mình: - Nhưng cuối cùng thì ông ta cũng bỏ rơi chúng mình! Bỏ đi sớm hay bỏ đi muộn thì có khác chi đâu? Giọng nói của Thiết Mộc Chân còn to hơn giọng nói của Biệt Cách Thiếp Nhi: - Có phân biệt chớ! Ông ấy đã vì chúng ta nên một phần lớn ngựa, bò, dê cừu, lạc đà của ông ấy đã bị lạc mất. Thế mà ngươi còn nói xấu ông ta như vậy là vong ân phụ nghĩa đó! Kha Ngạch Luân bực bội nói: - Đủ rồi! Vì bà mẹ của mình là vợ nhỏ, nên Biệt Cách Thiếp Nhi có lòng tự ái rất mạnh, hay nói đúng hơn là rất nhạy cảm về địa vị của mình. Do vậy, cậu ta cũng dễ trở mặt để bảo vệ sự tự trọng. Trong những ngày bình thường cậu ta tỏ ra cô độc, kiêu ngạo, tính khí thất thường. Giờ đây cậu ta lại giở chứng cũ, cố ý gây chuyện, bèn nói: - Hừm! Ông ta bỏ đi e rằng có một nguyên nhân khác đấy! Bà vợ nhỏ của Dã Tốc Cai giật mình đánh thót, vội vàng ngăn đứa con trai: - Biệt Cách Thiếp nhi, con nói bậy gì đó? Biệt Cách Thiếp Nhi cãi lại: - Con không nói bậy đâu! Con nghe Mông Lực Khắc và vợ của ông ấy cãi lộn nhau. Người đàn bà đó không muốn chồng mình trở thành “cha Mông Lực Khắc" của con người khác! - Mầy?!- Bà vợ nhỏ của Dã Tốc Cai tát cho đứa con trai của mình một cái tát. Việc bà vợ của Mông Lực Khắc do ghen mà cãi nhau với chồng mọi người đều biết, nhưng không ai muốn đem chuyện không hay đó nói trắng ra. Nay Biệt Cách Thiếp Nhi lại nói huỵch toẹt ra như vậy, rõ ràng là không biết nể nang ai. Thiết Mộc Chân là người đầu tiên nhảy tưng lên, tuốt thanh đao mang ở cạnh sườn: - Ngươi!? Biệt Cách Thiếp Nhi, ngươi hãy thu hồi câu nói đó của ngươi! - Thiết Mộc Chân trợn tròn xoe đôi mắt, nhìn thẳng vào Biệt Cách Thiếp Nhi nhưng Biệt Cách Thiếp Nhi vẫn không chịu nhận sai. Kha Ngạch Luân rất tức giận trước thái độ đó của Biệt Cách Thiếp Nhi, nhưng nói cho cùng vì cậu bé này là con của bà vợ nhỏ, nên đành phải trút sự tức giận đó lên đầu đứa con trai ruột của mình: - Này, Thiết Mộc Chân, Biệt Cách Thiếp Nhi là con trai của cha con, vậy thanh đao của con chỉ có thể chém lũ chó Kim, chém những người Tháp Tháp Nhi và những người Miệt Nhi Khất mà thôi! - Thiết Mộc Chân nhìn mẹ một lượt, rồi ngoan ngoãn tra đao vào vỏ. Kha Ngạch Luân không muốn tiếp tục nói đến chuyện ấy nữa. Vì hiện nay điều trước tiên là làm thế nào để phát động mọi người cùng vượt qua mọi khó khăn. Bà nói tiếp - Này, Thiết Mộc Chân, con là trưởng nam và là người đàn ông lớn nhất tại bãi chăn nuôi này, vậy con phải biết trách nhiệm của con! Thiết Mộc Chân cắn mạnh vành môi: - Con biết, bất kể là có người giúp đỡ chúng ta hay không, bất kể là trước mắt chúng ta gặp khó khăn gì, chúng ta cũng phải tiếp tục sống. Nếu không, thì làm sao trả thù cho cha được? Kha Ngạch Luân đưa mắt nhìn mọi người: - Mọi người có đồng ý hay không? - Tất cả đều khẽ gật đầu. Kha Ngạch Luân đi trở vào lều. Một chốc sau, bà ta quay trở ra và đã cởi bỏ chiếc áo dài Mông Cổ xinh đẹp, đầu đội một chiếc mũ được dùng nhành liễu làm sườn, dùng thảm xanh bao bọc, nịt một sợi dây nịt bằng da bò, sắc mặt bình tĩnh nghiêm nghị. Mọi người trong nhà đều nhìn bà với đôi mắt tôn kính. Kha Ngạch Luân xúc động nói: - Các người có biết nguồn gốc của người Mông Cổ chúng ta không? - Mọi người đưa mắt nhìn nhau, hoang mang không biết bà muốn nói gì? Kha Ngạch Luân đưa mắt nhìn về phía chân trời xa, tiếp tục nói: - Hơn hai nghìn năm trước, người Mông Cổ và người Đột Quyết (Tu Chuch) xảy ra một cuộc xung đột nội bộ và đã bị người Đột Quyết đánh bại. Sau một cuộc tàn sát đẫm máu, người Mông Cổ chỉ còn sống sót hai người đàn ông và hai người đàn bà. Họ phải bỏ trốn đến một địa phương có tên gọi là Cổ Nhi Niết Côn và đã ẩn náu trong rừng núi. Một năm trôi qua, 10 năm trôi qua, 100 năm trôi qua. Họ sinh đẻ rất nhiều con cháu, ngày một đông, đông đến đổi rừng núi không còn đủ sức chứa. Để thoát ra khỏi vùng thung lũng lạnh lẽo chỉ có những hẻm núi chật hẹp, họ phải đi khắp nơi tìm quặng sắt và bắt đầu nấu sắt. Trước hết họ tập trung toàn thể những người trong bộ lạc lại vào rừng đốn rất nhiều củi và tìm than đá. Họ lại giết đến 70 con bò, con ngựa để lột da làm nhiều cái bễ thổi gió. Thế là họ đem củi và than đá chất đống dưới triền núi, rồi dùng 70 cái bễ nói trên để quạt cho lửa cháy bùng lên, khiến hơi nóng làm chảy quặng sắt. Qua đó, người Mông Cổ đã tạo ra rất nhiều sắt và những hẻm núi chật hẹp cũng được mở rộng ra. Tất cả họ bắt đầu đi ra khỏi vùng thung lũng từng sống hằng trăm năm để di dời đến đồng cỏ. Qua câu chuyện này Thiết Mộc Chân đã hiểu ra, nói: - Thưa mẹ, con hiểu rồi. Chúng ta không có bò, không có dê cừu, nhưng đồng cỏ vẫn còn đây. Chúng ta không còn đông đảo người trong bộ lạc nữa, nhưng chúng ta vẫn còn hai cánh tay. Một điều quan trọng hơn, ấy là chúng ta vẫn còn lòng thù hận, trên vai vẫn còn gánh nặng, nhất quyết phải tiếp tục sống! - Đúng! Cầu cứu với người khác không bằng cầu cứu với chính ta; phải tự cường thì mới có thể tự lập - Kha Ngạch Luân đưa mắt nhìn về hướng đồng cỏ, nói một cách kiên định - Đồng cỏ có thể nuôi sống tổ tiên chúng ta, vậy thì nó cũng có thể nuôi sống được hậu duệ của gia tộc hoàng kim chúng ta! Này! Thiết Mộc Chân, con là con cả, tức là người kế thừa của cha con. Giờ đây con sẽ trở thành thủ lĩnh ở nơi này, mai sau khi người Mông Cổ được chấn hưng trở lại, thì con sẽ là Khả Hãn của Mông Cổ. Vậy con hãy bắt đầu hành sử quyền lực của con đi - Kha Ngạch Luân lại trang trọng nói với mọi người chung quanh - Mọi người hãy nghe đây, bắt đầu từ hôm nay tiếng nói của Thiết Mộc Chân sẽ là mệnh lệnh tối cao, tất cả đều phải phục tùng nó. Thiết Mộc Chân cảm thấy mình như trở thành vĩ đại hơn. Cậu ưỡn ngực, nói: - Mọi người hãy nghe đây: Cáp Tát Nhi, ngươi hãy đi đẽo lấy một thanh kiếm bằng gỗ Cối, rồi dẫn Hợp Xích Ô đi đào một ít rau rừng như Địa du, Cẩu thiệt. Ngươi có biết những thứ rau rừng đó không? Cáp Tát Nhi lắc đầu. Khoát A Hắc Thần nói: - Này tiểu chủ nhân, tôi sẽ cùng đi với họ vậy? - Tôi đồng ý! Thiết Mộc Chân quay sang nói với người mẹ thứ - Nhị nương có thể ở lại nhà để thay thế Khoát A Hắc Thần chăm sóc cho Thiết Mộc Cách và Thiết Mộc Luân, còn mẹ thì dẫn Biệt Cách Thiếp Nhi và Biệt Lặc Cổ Đài đi đào lấy một số hẹ núi và hành hoang. Riêng tôi sẽ đi chăn ngựa - nói dứt lời, cậu nhìn Kha Ngạch Luân - thưa mẹ mẹ thấy như thế có được không nào? Kha Ngạch Luân đối với những lời nói của Thiết Mộc Chân không trả lời dứt khoát đúng hay sai, nhưng dùng hành động để tỏ thái độ ủng hộ: - Tân thủ lĩnh đã ban mạng lệnh rồi, vậy chúng ta chỉ có phục tùng. Thôi, hãy mau đi thực hiện nhiệm vụ đi các con! Người vợ nhỏ và Thiết Mộc Cách, Thiết Mộc Luân vẫn đứng yên trước cửa lều còn bao nhiêu người khác thì đi vào đồng cỏ hoặc đi vào rừng. Kể từ đó, trong rừng thường thấy bóng dáng của Kha Ngạch Luân dẫn Biệt Cách Thiếp Nhi và Biệt Lặc Cổ Đài, tay cầm những cây cọc nhọn bằng gỗ Cối đi đào rau rừng. Trong khi đó trên đồng cỏ thì anh em Thiết Mộc Chân và Cáp Tát Nhi lo việc chăn ngựa, cũng như lo việc cắt cỏ để dành cho ngựa ăn qua mùa đông... Mọi người trong nhà nhờ vào một ít sữa ngựa và hẹ rừng, hành rừng để sống. Thỉnh thoảng cũng ăn được thịt, nhưng đó là thịt của những con chuột đồng! Cả nhà của Thiết Mộc Chân đã tiếp tục sống trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng họ vẫn không bị khó khăn làm cho nản lòng hoặc dồn ép tới chỗ chết. Họ không bao giờ quên lời trối của Dã Tốc Cai, nên cùng một lúc với việc lao động để sống, Thiết Mộc Chân còn dẫn các em đi luyện tập cưỡi ngựa bắn cung. Có một điều lạ ấy là mặc dù họ ăn uống kham khổ chỉ để duy trì mạng sống, thế mà bắp thịt của người nào người nấy đều nở nang rắn chắc. Riêng mấy con ngựa ngân hợp thì luôn làm việc không biết mệt mỏi và đã báo đáp lại cho những người chủ nhân bé nhỏ của mình bằng cách sinh ra thêm hai con ngựa con khỏe mạnh dễ thương. Như vậy là họ đã có đến bảy con ngựa ngân hợp. Ngay như đứa em gái nhỏ nhất là Thiết Mộc Luân cũng có thể làm việc giúp cho mẹ. Trong khi Kha Ngạch Luân vắt sữa ngựa, thì cô ta biết đem những con cúi bện bằng cỏ khô đốt lên để gần bà mẹ cho muỗi bay đi. Người lão bộc Khoát A Hắc Thần đã học hỏi từ câu chuyện đời xưa được truyền tụng ở vùng thảo nguyên để chăm lo việc nuôi dưỡng bảy tiểu chủ nhân của mình: "Sau khi tiên tổ của quí tộc hoàng kim là Đóa Bôn Miệt Nhi qua đời, bà vợ của ông là A Lan Khoát A lại sinh ra thêm ba đứa con trai nữa. Hai đứa con trai do bà sinh trước nghi ngờ mẹ mình ngoại tình với người khác, nên luôn tỏ ra kỳ thị với ba đứa em trai sinh sau. Vào một đêm mùa xuân, tổ mẫu A Lan Khoát A nấu một nồi thịt dê khô, rồi cho gọi năm đứa con trai đến trước mặt, bảo chúng ngồi thành một hàng dài. Xong, bà liền trao cho mỗi đứa một mũi tên, bảo chúng bẻ. Tất cả năm đứa con trai đều lần lượt bẻ gãy mũi tên của mình. Sau đó, tổ mẫu A Lan Khoát A lấy năm mũi tên khác bó lại, rồi trao cho từng đứa con trai bảo chúng bẻ, nhưng không ai có thể bẻ gãy được. Tổ mẫu A Lan Khoát A liền nói cho hai đứa con trai lớn biết gần đây cứ hằng đêm có một người da vàng pha trắng đã nương theo ánh sáng của mặt trời mật trăng xuyên qua ống khói để sờ vào da bụng của bà. ánh sáng đó đã ngấm vào bụng bà. Sau đó, người này cũng theo ánh sáng của mặt trời mặt trăng chui qua ống khói đi ra ngoài. Do vậy, bà đã liên tiếp sinh thêm ba đứa con trai và ba đứa con này chắc chắn là những người con trai từ trên trời đưa xuống, khác hẳn người phàm trần. Như vậy, năm anh em của các con đều từ trong bụng ta chui ra. Nếu các con chia rẽ nhau như từng mũi tên lẻ loi một thì sẽ rất yếu đuối, bất cứ ai cũng có thể đánh bại được. Trái lại, nếu các con đồng tâm hợp lực, cũng giống như năm mũi tên được bó thành một bó, thì sẽ trở nên chắc chắn, không có sức mạnh nào đối phó nổi với các con...". Thế nhưng, giữa Thiết Mộc Chân và hai đứa em trai khác mẹ thì không đồng tâm hợp lực được như những đứa con trai của tổ mâu A Lan. Giữa họ luôn kình chống nhau. Biệt Cách Thiếp Nhi đối với địa vị thủ lãnh của Thiết Mộc Chân tỏ ra không tôn trọng: "Anh ta dựa vào đâu để làm thủ lãnh? Anh ta có chiến công gì không? Anh ta chẳng qua là đứa con do Ngột Chân sinh ra mà thôi. Để ta giữ chức thủ lãnh sẽ tốt hơn anh ta nhiều!" . Vì trong lòng của Biệt Cách Thiếp Nhi có ý nghĩ như vậy, nên bình nhật anh ta luôn gây khó khăn cho Thiết Mộc Chân. Tình hình đó được tích lũy qua nhiều tháng năm, rốt cục đã dẫn đến một tội ác đẫm máu vào giữa trưa trong một ngày hè. Kha Ngạch Luân do làm việc quá cực khổ nên đã sinh bệnh. Thiết Mộc Chân bèn gọi Cáp Tát Nhi, Hợp Xích ô, Thiết Mộc Cách và Thiết Mộc Luân lại, với nét mặt nghiêm nghị như người lớn, lên tiếng nói với các em: - Các em hãy nghe đây, mẹ chúng ta vì cực nhọc quá nên mới sinh bệnh, vậy hôm nay chúng ta phải đi tìm thức ăn ngon để tẩm bổ cho mẹ. Đứa em gái nhỏ Thiết Mộc Luân nghe nói đi tìm thức ăn ngon thì vui mừng, vỗ tay nhảy tưng lên: - Hay quá! Sẽ có thức ăn ngon rồi! Nhị đệ Cáp Tát Nhi lên tiếng mắng em: - Này Thiết Mộc Luân, em hãy nghe kỹ đây: chúng ta đi tìm thức ăn ngon là để tẩm bổ cho mẹ kia mà? - Thiết Mộc Luân tiu nghỉu. Sau đó, Cáp Tát Nhi dẫn các em cùng lên đường đi tìm thức ăn. Thời bây giờ người Mông Cổ không ai ăn cá, nhưng trong hoàn cảnh này nếu không ăn cá thì còn gì để tẩm bổ cho mẹ nữa? Họ không có dụng cụ để bắt cá, nên Thiết Mộc Chân đã nghĩ ra một cách đắp đập tát nước bắt cá. Họ cùng nhau rinh những tảng đá chung quanh bờ suối chặn dòng nước lại, không cho nước từ trên nguồn chảy xuống. Họ làm việc rất cật lực, người nào người nấy dính bùn đất tèm lem. Sau khi đắp đập xong, họ lại họp sức tát cho cạn để tìm bắt cá. Trời xanh quả không phụ lòng người, cuối cùng họ đã bắt được một con cá khác lớn. Thiết Mộc Chân đem cá bỏ vào túi da để trên bờ suối, rồi lại tiếp tục xuống mò cá nữa. Những đứa em nhỏ ngồi trên bờ suối, trong đó có Thiết Mộc Cách và Thiết Mộc Luân. Chúng đến chiếc túi da để xem cá. Thiết Mộc Luân thò tay vào bắt cá, còn Thiết Mộc Cách thì vỗ vào tay của Thiết Mộc Luân nói: - Đừng có phá! Thiết Mộc Luân vội vàng rút tay ra và làm cho chiếc túi da bị ngã, cá trong túi liền phóng ra. Thiết Mộc Luân vội vàng bò trên mặt đất để bắt lại con cá. Thiết Mộc Chân hết sức giận dữ, từ dưới suối bước lên tát cho Thiết Mộc Luân một cái tát, khiến cô bé khóc òa, rồi bắt con cá bỏ vào túi da. Xong, cậu ta lại tiếp tục xuống suối mò cá. Cáp Tát Nhi bước tới dỗ dành đứa em gái: - Này Thiết Mộc Luân, mẹ đối với chúng ta có tốt không? - Tốt! Tốt! - Mẹ chúng ta ngày ngày làm việc quá cực nhọc nên hiện nay rất gầy. Ca ca muốn bắt cá về cho mẹ ăn để mẹ khỏe trở lại. Vậy mà em còn đến đây phá, vậy em có đúng không? Nghe nhị ca giải thích, Thiết Mộc Luân không khóc nữa. Cô ta đi xuống sát bờ suối thấy Thiết Mộc Chân đang mò cá, bèn lên tiếng nói: - Đại ca ơi, Thiết Mộc Luân là một cô bé hư, vậy đại ca hãy đánh thêm nữa đi! Thiết Mộc Chân quì xuống ôm lấy em gái rồi áp sát chiếc má của mình vào má em nói: - Không! Em hiểu như vậy là đã trở thành đứa em gái ngoan rồi! - Một vết bùn trên mặt của Thiết Mộc Chân đã làm bẩn mặt của đứa em gái, khiến cho năm đứa trẻ nhìn qua đều phá lên cười. Tiếng cười của họ rất ngọt ngào, rất vui vẻ. - Chào Thiết Mộc Chân an đáp! Thiết Mộc Chân quay đầu nhìn lại, thấy đó là Trát Mộc Hợp người anh em kết nghĩa của mình, đang cưỡi một con ngựa đi tới, cho nên anh ta vui mừng bước tới nghênh đón: - Chào Trát Mộc Hợp an đáp! Trát Mộc Hợp xuống ngựa hỏi qua giọng ngạc nhiên: - Các anh bắt cá để làm gì vậy? Không chờ cho Thiết Mộc Chân trả lời, Biệt Cách Thiếp Nhi và Biệt Lặc Cổ Đà trên đường đi lấy củi trở về, vừa nhìn Trát Mộc Hợp vừa cười nhạt, nói: - Đây là người Trát Đáp Lan đó chăng? Biệt Lặc Cổ Đà với tính tình đôn hậu, không hiểu ý nghĩa câu nói của anh, nên hỏi: - Này anh, cái gì gọi là Trát Đáp Lan? Biệt Cách Thiếp Nhi trả lời một cách đầy ác ý: - Có ai biết họ là những người mang dòng máu dị tộc? Trát Mộc Hợp giận tái mặt. Thiết Mộc Chân tròn xoe đôi mắt. Biệt Cách Thiếp Nhi lại nói to hơn: - Trát Đáp Lan có nghĩa là người mang dòng máu ngoại tộc. Vì thủy tổ của họ là một người đàn ông do người đàn bà chữa được tổ tiên của người Mông Cổ là Bột Đoan Sát Nhi cướp về sinh ra; cho nên từ bấy lâu nay họ luôn bị mọi người bài xích và xem khinh, bộ câu chuyện đó mà em cũng không biết sao? Thiết Mộc Chân không đè nén được cơn giận, lên tiếng dạy dỗ Biệt Cách Thiếp Nhi: - Chả lẽ họ không phải là người cùng uống dòng nước Tam Hà lớn lên hay sao? Biệt Cách Thiếp Nhi thấy Thiết Mộc Chân đã nắm được vấn đề bèn lên tiếng chống thẳng Thiết Mộc Chân: - Họ là những người không xứng đáng uống dòng nước Tam Hà! Những bắp thịt trên mặt của Trát Mộc Hợp đều căng thẳng, lòng tự trọng của anh ta bị xúc phạm nặng nề. Thiết Mộc Chân bước tới một bước, đưa tay chỉ thẳng vào mặt Biệt Cách Thiếp Nhi nạt lớn: - Này Biệt Cách Thiếp Nhi, anh không cho phép em nhục mạ người an đáp của anh? Biệt Cách Thiếp Nhi vẫn giữ thái độ trêu chọc: - Bộ anh không thể tìm được một người an đáp nào tốt hơn hay sao? Thiết Mộc Chân nhìn thẳng vào mặt Biệt Cách Thiếp Nhi. Biệt Cách Thiếp Nhi cũng nhìn thẳng vào mặt Thiết Mộc Chân chứ không hề tránh né. Trát Mộc Hợp vốn có ý định phản ứng, nhưng anh ta nghĩ rằng để Thiết Mộc Chân trấn áp Biệt Cách Thiếp Nhi thay thế mình vẫn tốt hơn. Do vậy, anh ta giả vờ bỏ đi đến con ngựa của mình, làm ra vẻ như sợ bị Biệt Cách Thiếp Nhi hành hung. Thái độ đó rất có hiệu quả. Thiết Mộc Chân vội vàng đuổi theo, kéo anh ta lại nói: - Này anh Trát Mộc Hợp, hãy trở lại đây, chúng ta sẽ lạy trời kết thành an đáp một lần nữa? - Nói dứt lời, Thiết Mộc Chân bèn từ sau lưng Trát Mộc Hợp rút ra một mũi tên và nắm chặt một đầu, còn một đầu kia thì đưa cho Trát Mộc Hợp. Trát Mộc Hợp cũng nắm chặt đầu mũi tên, rồi hai người nhìn về hướng núi xa quì xuống, nói lớn: - Tôi là Thiết Mộc Chân, tôi là Trát Mộc Hợp, đôi bên bằng lòng kết làm an đáp. Kể từ nay trở về sau, chúng tôi sẽ đồng sinh đồng tử, không bao giờ bỏ nhau, vĩnh viễn sẽ không phản lại lời thề! Biệt Cách Thiếp Nhi vẫn giữ thái độ trêu chọc hai người. Vừa lúc đó Biệt Lặc Cổ Đài phát hiện chiếc túi da đựng cá nên thò tay vào túi để bắt con cá ra. Cáp Tát Nhi xô Biệt Lặc Cổ Đài, nói: - Mầy đừng phá! Biệt Lặc Cổ Đài liền chạy ngay đến gần Biệt Cách Thiếp Nhi để nhờ anh mình bênh vực, nói: - Bớ anh, em muốn xem con cá? Biệt Cách Thiếp Nhi bước tới định chụp lấy chiếc túi da đựng cá, nhưng Cáp Tát Nhi đã chụp lấy chiếc túi da trước và giấu ra sau lưng. Biệt Cách Thiếp Nhi đứng cao hơn Cáp Tát Nhi nửa cái đầu, cho nên cánh tay của anh ta cũng dài hơn, nhanh nhẹn xoay đôi vai của Cát Táp Nhi lại, rồi giật lấy chiếc túi da đựng cá đưa cho Biệt Lặc Cổ Đài. Vừa nhận được chiếc túi da đựng cá, Biệt Lặc Cổ Đài cắm đầu bỏ chạy. Cáp Tát Nhi cũng nhanh nhẹn đuổi theo. Nhưng Biệt Cách Thiếp Nhi đã đưa chân ra chận Cáp Tát Nhi lại, làm cho Cáp Tát Nhi bị té lăn quay, trong khi đó bản thân Biệt Cách Thiếp Nhi cũng vội vàng bỏ chạy. Cáp Tát Nhi lồm cồm bò dậy, trông thấy Biệt Cách Thiếp Nhi đổ nước từ trong túi da ra và bắt lấy con cá đưa lên cao vừa cười vừa chọc tức mọi người, rồi tiếp tục chạy bỏ thẳng. Biệt Lặc Cổ Đài cũng bám sát theo sau, nói: - Anh ơi, đưa nó cho em! ... Thiết Mộc Cách và Thiết Mộc Luân cùng òa lên khóc. Cáp Tát Nhi nghiến đôi hàm răng, nói: - Hôm qua chúng mình bắn được con chim nhỏ cũng bị chúng nó giật mất; ngày nay chúng mình đi bắt cá cho mẹ lại bị chúng giật một lần nữa. Nếu tiếp tục tình hình này thì làm sao sống được trong một căn lều? Thiết Mộc Chân trừng đôi mắt đầy chỉ máu đỏ. Trát Mộc Hợp cảm thấy đây là một cơ hội tốt, bèn lên tiếng sách động: - Chúng có phải là con bà vợ nhỏ của Dã Tốc Cai thúc thúc hay không? Chúng nó giống như hai con cọp, hai con sói vậy! Thiết Mộc Chân nghiến răng lập lại câu nói của Trát Mộc Hợp: - Chúng nó là hai con cọp, hai con sói! Trát Mộc Hợp lại đổ dầu vào lửa: - Chúng nó chỉ có hại thôi! Cáp Tát Nhi lên tiếng hối thúc Thiết Mộc Chân: - Này anh, mẹ đã nói anh hiện nay là thủ lãnh của chúng em. Bọn chúng không phục tùng anh, vậy anh nên giết quách chúng đi! Nghe qua câu nói đó, Thiết Mộc Chân có cảm giác mình là một nhân vật quan trọng, là thủ lĩnh. Quyền uy của thủ lĩnh tại vùng thảo nguyên là không thể thách thức được. Đối vối những bộ hạ không phục tùng thì họ chỉ còn con đường chết mà thôi. Anh tuốt thanh đao mang bên cạnh sườn, rồi ban bố mạng lệnh như một vị thủ lĩnh: - Này Cáp Tát Nhi! - Có mặt! - Hãy theo ta giết chết bọn chúng! Hai anh em Thiết Mộc Chân chạy bay về hướng chiếc lều Mông Cổ Mục đích của Trát Mộc Hợp đã đạt được rồi, anh ta cảm thấy rất vui sướng, vội vàng lên ngựa bỏ đi. Hai anh em của Thiết Mộc Chân lấy cung tên từ trong lều ra, tiếp tục chạy bay về hướng khu rừng. Khoát A Hắc Thần đang vắt sữa ngựa trông thấy thế lấy làm lạ, quay lại hỏi Hợp Xích ô: - Đại ca của các anh đi làm chi thế? Hợp Xích Ô không trả lời. Thiết Mộc Luân liền nói nhanh: - Tôi biết, họ cùng đi giết Biệt Cách Thiếp Nhi và Biệt Lặc Cổ Đài ca ca đó? - Hả?! Tại sao lại như vậy?? - Vì họ đã cướp con cá mà các anh ấy định bắt đem về cho mẹ! - Nguy rồi? - Khoát A Hắc Thần vội vàng chạy về hướng đồng cỏ - Bớ phu nhân! Bớ phu nhân! Sau khi vượt qua khu rừng, Thiết Mộc Chân và Cáp Tát Nhi nghe được trên núi có tiếng cười của Biệt Cách Thiếp Nhi và Biệt Lặc Cổ Đài. Hai người cũng ra hiệu, rồi chia thành hai đường để bao vây. Trên một tảng đá lớn trên đỉnh núi, Biệt Cách Thiếp Nhi và Biệt Lặc Cổ Đài đang đốt một đống lửa, dùng cành cây xuyên qua con cá đưa vào lửa để nướng, chín tới đâu thì họ chia nhau ăn tới đó. - Này anh, tới phiên em ăn một miếng rồi đó? Biệt Cách Thiếp Nhi vừa đưa con cá lên miệng thì dừng lại trao nó cho Biệt Lặc Cổ Đài. Anh ta vừa ăn xong một miếng cá thì phát hiện Thiết Mộc Chân với sắc mặt đầy sát khí đang từ dưới vượt lên núi. - Bớ ca ca! - Biệt Lặc Cổ Đài vừa gọi xong thì liền bỏ chạy. Biệt Cách Thiếp Nhi nghe tiếng gọi ngửa mặt nhìn lên, trông thấy Cáp Tát Nhi đang đứng cách xa mình chừng mười mấy bước và đã lắp tên giương cung. Anh ta quay mặt định bỏ chạy thì Thiết Mộc Chân đã xuất hiện từ phía sau lưng và cũng đang lắp tên giương cung... - Anh...các anh định làm gì thế?! - Biệt Cách Thiếp Nhi đi thụt lùi ra phía sau. - Mầy là một đứa con ngỗ nghịch, tao cần phải dạy cho mầy một bài học! - Thiết Mộc Chân nói qua một thái độ rất hung tợn. Biệt Cách Thiếp Nhi thấy tình hình trước mắt đã bắt đầu sợ hãi, nói to: - Bớ Thiết Mộc Chân! Bộ người Thái Xích Ô gây đau khổ cho chúng ta còn chưa đủ hay sao? Sau này còn chưa biết ai là người có thể trả thù, vậy tại sao các anh lại xem tôi là cây đinh trong mắt, cái gai trong thịt? - Ngươi không phải là cái đinh trong mắt, cái gai trong thịt của ta, mà ngươi là loài cọp báo, sài lang trong gia tộc chúng ta! Hôm nay ta phải diệt trừ nhà ngươi! - Thiết Mộc Chân kéo thẳng dây cung. Biệt Cách Thiếp Nhi đoán biết sắp xảy ra chuyện gì. Anh ta nghiến răng và ưỡn ngực lên như một người anh hùng ở vùng thảo nguyên, nói: - Vậy cũng được? Thiết Mộc Chân, nếu ngươi muốn làm một vị anh hùng ở vùng thảo nguyên Mông Cổ, thì chắc là không khi nào lại giương cung bắn một người trong tay không có tấc sắt. Nhà ngươi có gan thì đưa cho ta một cây cung, một mũi tên đi nào! Thiết Mộc Chân nghe qua lời nói đó không khỏi khen thầm Biệt Cách Thiếp Nhi. Vì anh ta không xin tha mạng, mà sẵn sàng đối địch với mình như là một kẻ thù thật sự. Nếu làm như vậy thì mình sẽ có lý do chính đáng để đọ sức cao thấp với thằng em một cha khác mẹ này. Thiết Mộc Chân liền quay sang Cáp Tát Nhi nói: - Em hãy trao cung tên của em cho Biệt Cách Thiếp Nhi! Cáp Tát Nhi nghe theo lời, liền trao cung tên cho Biệt Cách Thiếp Nhi, còn bản thân thì lui ra xa. Biệt Cách Thiếp Nhi nhận cung tên xong liền cùng Thiết Mộc Chân đi dang ra một khoảng xa và cùng đứng yên tại vị trí của mình. Thiết Mộc Chân nói: - Ngươi bắn trước đi! Cáp Tát Nhi to tiếng nói: - Hãy bắn cùng một lúc! Thiết Mộc Chân không nhìn đứa em, nói: - Ngươi đừng chen vào! Biệt Cách Thiếp Nhi vui mừng vì được bắn trước. Anh ta sợ Thiết Mộc Chân thay đổi ý kiến, nên đã nhanh nhẹn giương cung bắn ngay. Có lẽ anh ta quá nôn nóng và quá căng thẳng, nên mũi tên chỉ đi phớt ngang vành tai của Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân không hề nháy mắt. Biệt Cách Thiếp Nhi bắt đầu hoảng hốt. Anh ta nuốt nước bọt và nhìn chăm chú vào hai cánh tay của thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân bình tĩnh giương cung lắp tên. Sau một tiếng chấn động của sợi dây cung, mũi tên đã bắn trúng vào ngực Biệt Cách Thiếp Nhi. - Trời ơi! Biệt Cách Thiếp Nhi té quị xuống một tảng đá, gắng gượng nói tiếp - Tôi và Biệt Lặc Cổ Đài mặc dù là con của mẹ sau, nhưng chúng ta đều cùng một cha sinh ra cả! Sau khi tôi chết, xin các anh đừng phá hủy bàn thờ của chúng tôi! Đừng bỏ rơi em trai của tôi đừng.... đừng bỏ rơi Biệt Lặc Cổ Đài! - Nói tới đây Biệt Cách Thiếp Nhi ngoẻo đầu sang một bên, tắt thở. Thiết Mộc Chân và Cáp Tát Nhi chạy lại. Cáp Tát Nhi nói qua giọng run run vì sợ hãi: - Anh ta chết rồi! Anh ta thực sự chết rồi! - Biệt Lặc Cổ Đài từ sau một gốc cây chạy bổ tới, ôm lấy xác anh òa lên khóc, rồi bỏ chạy xuống núi. Kha Ngạch Luân và người vợ nhỏ của Dã Tốc Cai nghe tin Khoát A Hắc Thần báo, vội vàng cùng chạy lên quả núi nhỏ. Họ vừa chạy vừa gọi tên Thiết Mộc Chân. Khi chạy đến lưng chừng núi thì họ gặp Biệt Lặc Cổ Đài từ trên núi chạy xuống và biết tin chuyện bất trắc đã xảy ra không còn cứu vãn được nữa. Người vợ nhỏ của Dã Tốc Cai phủ phục lên xác chết của Biệt Cách Thiếp Nhi khóc rất thấm thiết. Kha Ngạch Luân nhổ cây tên ghim trên ngực Biệt Cách Thiếp Nhi, giận dữ quắt mắt nhìn Thiết Mộc Chân đang quì trước mặt, vừa dùng cây tên đánh mạnh vào đứa con vừa to tiếng quát mắng: - Ngươi! Thiết Mộc Chân, khi ngươi mới sinh ra trong tay ngươi nắm một hòn máu... Ngươi...ngươi cũng giống như con chó Cáp Tát Nhi tự ăn nhau của mình, tánh tình của ngươi hung dữ như loài mèo rừng, như loài báo hoang, hay là như loài hải đông thanh tự mình xông vào đá cái bóng của mình?! - Cây tên đã đánh gãy. Kha Ngạch Luân quay mình tìm "vũ khí". Bà nhặt cây cung nằm trên mặt đất, gở bỏ sợi dây, rồi dùng thân cung quất mạnh vào người Thiết Mộc Chân Mầy là đồ sói hoang, thừa dịp gió tuyết tập kích người chăn gia súc! Mầy là chim cốt trào tàn nhẫn ăn thịt con! Mầy là người hãm hại bè bạn ăn thịt đồng đội, tao phải đánh chết một tên súc sinh như mầy! Khoát A Hắc Thần vừa chạy lên núi, nhìn thấy mặt mày của Thiết Mộc Chân bị đánh đỏ máu, liền ôm lấy Kha Ngạch Luân khuyên: - Phu nhân ơi! Đừng đánh nữa! Đánh như thế này nó sẽ bị thương tật mất! Kha Ngạch Luân không bằng lòng tha thứ, nói: - Hãy buông tôi ra, tôi phải đánh cho chết thằng nghiệt chướng này!- Thiết Mộc Chân cởi bỏ chiếc áo đang mặc, để lộ cả lưng ra nói: - Bớ bà Khoát A Hắc Thần ơi, hãy cứ để cho mẹ tôi đánh chết tôi đi nào! Khoát A Hắc Thần vẫn ôm cứng Kha Ngạch Luân không buông, nói: - Phu nhân ơi, Thiết Mộc Chân là thủ lĩnh, nay vì Biệt Cách Thiếp Nhi giật lấy con cá mà cậu ấy bắt được định mang về cho bà, khiến cậu ấy giận dữ. Vậy xin bà hãy nghĩ tới chữ hiếu của cậu ấy tha chết cho cậu ấy một lần! Thiết Mộc Cách và Hợp Xích Ô từ dưới núi chạy lên, quì xuống trước mặt Kha Ngạch Luân, nài nỉ: - Má ơi, xin má hãy tha cho anh cả! Thiết Mộc Luân cũng bò lên vừa khóc vừa gọi: - Má ơi! Con sợ quá! Kha Ngạch Luân dừng rồi lại, nhưng khi bà nhìn thấy cảnh bi thảm của ba mẹ con người vợ nhỏ thì lại đưa cao cây cung lên quất túi bụi vào Thiết Mộc Chân, nói: - Hừm! Mầy còn hung dữ hơn cả sài lang, hơn cả hổ báo, hơn cả loài linh cẩu, vậy mầy làm sao xứng đáng trở thành Khả Hãn của Mông Cổ? Ta để cho mầy sống, thử hỏi có ích lợi gì? ... Kha Ngạch Luân nói tới đây thì ngã xuống ngất xỉu. Chờ khi bà tỉnh dậy, thấy mọi người đã khiêng bà vào lều. Trên đầu Kha Ngạch Luân quấn một chiếc khăn xanh, sắc mặt tái mét. Bà cất giọng bi thảm nói với Thiết Mộc Chân đang quì trên mặt đất: - Các người đều nghe Khoát A Hắc Thần kể lại câu chuyện tổ mẫu A Lan Khoát A bẻ từng mũi tên để dạy con rồi. Hiện nay, hoàn cảnh của chúng ta còn khó khăn và nguy hiểm hơn cả thời tổ mẫu A Lan Khoát A nữa. Mối đại thù của chúng ta đối với người Kim, người Miệt Nhi Khất, người Tháp Tháp Nhi vẫn chưa trả được. Trong khi đó, bộ lạc Thái Xích Ô của Tháp Lý Hốt Đài và bộ lạc Chủ Nhi Khất của Tát Sát Biệt Khất lại bỏ rơi và tước đoạt gia súc của chúng ta, khiến chúng ta ngoài cái bóng của mình, không còn bạn bè nào nữa! Ngoài cái đuôi ngựa ra, không còn ngọn roi nào nữa. Ngày báo thù rửa nhục hãy còn xa, trong khi đó ngươi là thủ lãnh mà người Mông Cổ đang đặt hy vọng, tại sao lại tàn sát anh em của mình? Thiết Mộc Chân ngước đôi mắt đầm đìa lên, nói: - Thưa mẹ, con đã biết tội rồi! - Thiết Mộc Chân dập mạnh đầu xuống đất đến đổi trán chảy máu ra. Trên sườn núi xuất hiện một ngôi mộ mới, cả nhà im lặng rời đi. Thiết Mộc Chân quay mặt nhìn lại, trong lòng hết sức đau đớn mà cũng hết sức hối hận. Cậu quì trở xuống đất, nói: - Này, người anh em Biệt Cách Thiếp Nhi ơi, tôi sẽ nhớ đến người anh em suốt cả cuộc đời. Tôi hứa suốt đời tôi sẽ đối đãi tốt với Biệt Lặc Cổ Đài để chuộc tội. Tôi nhất định không bao giờ xóa bỏ bàn thờ cha của anh em đâu! Biệt Lặc Cổ Đài đưa tay chùi nước mắt, nói: - Thưa anh, từ nay về sau em sẽ luôn luôn nghe theo mạng lệnh của anh. Thiết Mộc Chân ôm lấy Biệt Lặc Cổ Đài, nói: - Người em trai tốt của tôi, từ nay về sau chúng ta nhất định phải sống hoà thuận với nhau, có họa cùng chia, có phúc cùng hưởng, để lo việc trả mối thù sâu cho cha và cho tổ phụ, khôi phục lại cơ nghiệp của tiền nhân. Này, Biệt Cách Thiếp Nhi, xin em hãy tha thứ tội của anh! Sự hoạn nạn khổ sở có thể làm cho người ta trở thành kiên cường, cũng rất dễ khiến cho người ta trở thành nóng nảy, hung tợn; có thể làm cho người ta trở thành người biết khoan dung nhẫn nại, nhưng cũng dễ làm cho người ta trở thành tàn nhẫn vô tình. Anh em của Thiết Mộc Chân đều có cá tính kép như thế. Nhưng, Thiết Mộc Chân sau khi học được một bài học bi thảm và đau đớn, giữa các anh em với nhau đã trở thành những người đồng tâm hiệp lực, cùng vì sự nghiệp khôi phục gia tộc hoàng kim, ai ai cũng có một sự đóng góp khác nhau.