ÔNG CHÁU

Đời người rốt cuộc chỉ còn là cơn gió thoảng?
Ông Ruông dấu kỹ ý nghĩ chẳng vui trong lúc đi lấy cỏ mồng gà với thằng cu Cỏ. Đến tuổi ông là hay nghĩ ngợi như thế. Không phải sợ chết mà nghĩ tới việc sau khi chết thì hoá thành thứ gì. Sách cũng đã nói nhiều về cái chết. Ông Êpicur của Hy Lạp cổ đại, chẳng hạn, bảo cái chết chẳng làm gì được ta khi ta sống. Nhưng không phải sách, mà là thằng cu Cỏ, cháu nội ông, đã cải tạo cái tuổi già hay nghĩ ngợi của ông. Ngoài việc kể chuyện cho cháu nghe, ông còn cùng thằng Cỏ chơi những trò chơi của đám trẻ nít làng Dầu. Ông cũng không ngờ đến tuổi già lại thấy thích những trò chơi ấy. Chơi với thằng Cỏ là chơi theo mùa. Xuân, đánh trổng đem u. Thu, đá kiện, nhảy chuôn. Đông, mưa dầm, thì ngồi trong nhà đổ bồ. Còn hôm ông dấu kỹ trong lòng ý nghĩ chẳng vui để đi lấy cỏ mồng gà với thằng cu Cỏ thì những cơn mưa đầu mùa đông đã đổ xuống từ lâu. Cỏ mồng gà đang trổ bông đầy các bờ ruộng đồng làng. Cỏ mồng gà trổ bông là đám trẻ làng Dầu bước vào mùa chọi cỏ. Ông Ruông luận về các trò chơi của lũ trẻ làng ông: Đá kiện, nhảy chuôn là cách thử thách của con người trước sự tàn phá của thời gian. Đổ bồ, còn gọi là trỉa bồ, là phản ánh quá trình phân hóa giàu nghèo trong xã hội loài người. Đánh trổng đem u coi như thể nghiệm một tư tưởng về sự biến hoá giữa ngựa và người ( trong trò chơi này, thắng làm người còn thua làm ngựa ) Còn chọi cỏ là chiến tranh theo nghĩa có đánh nhau và có chết ( trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ, khi chép về thời ấu thơ của mình, ông Ruông bàn khá kỹ về các trò chơi của lũ trẻ ở quê ông )
Lúc ông và thằng cu Cỏ lên gò Tháp để bắt đầu cuộc chiến thì mặt trời lên độ cây sào. Theo thuật ngữ của chọi gà cỏ thì sáng ấy ông cháu ông đã gom được đám quân chân xanh, tức đám cỏ vừa mới trổ bông. Bao giờ cũng phải đi lấy cỏ vào sáng sớm như thế để cho cỏ có độ dẻo dai. Nên cuộc chiến bao giờ cũng xảy ra vào buổi sáng sớm.
-Vào trận đi cháu. Xong trận này, ta gầy mấy trận nữa, vì ngày mai trời mưa, ông cháu ta sẽ không ra đồng được.
Ông Ruông nói, cứ thấy háo hức như mọi lần sắp vào trận đánh nhau với thằng cháu nội.
Thằng Cu Cỏ lấy ra con gà cỏ lớn nhất, nhưng chưa chịu vào cuộc
-Ai nói với ông mai trời mưa?
-Mặt trời mới mọc mà đỏ như chảy máu thế là sắp có mưa
Ông Ruông nói theo kinh nghiệm đoán thời tiết của người làng Dầu. Nhưng thằng cu Cỏ thì bị cuốn ngay vào chỗ kiến thức coi như hoàn toàn mới lạ với nó.
-Ông nói mặt trời chảy máu?
Thằng cu Cỏ ném hết cỏ mồng gà xuống gò Tháp, coi như đơn phương hủy bỏ cuộc chiến, để xông vào tra gạn ông Ruông vì sao mặt trời chảy máu.
Nếu bắt đầu bằng việc giảng cho thằng cu Cỏ hiểu mặt trời vốn sinh ra từ một đám tinh vân, ông chẳng thể dẫn tới cái kết cuộc chảy máu
-Chúa phán rằng trái đất đứng im. Nhưng có một ông thầy tu lại dám trái lời Chúa, bảo trái đất không đứng im, mà cùng với trăng sao quay chung quanh mặt trời.
Ông Ruông quyết định phải bắt đầu câu chuyện kể bằng cuộc đối đầu đầu tiên có vẻ quyết liệt giữa khoa học và tôn giáo ở phương Tây. Nhưng bắt đầu kiểu ấy lại khiến cho thằng Cỏ xoay sang chất vấn ông về lĩnh vực tôn giáo
-Ông bảo Chúa phán, mà Chúa là ai, Chúa phán là sao?
-Phải. Chúa nói trái đất đứng im, còn mặt trời thì quay chung quanh trái đất. Theo sách vở của người theo đạo Chúa thì Chúa là kẻ làm ra mặt trời, làm ra ông cháu ta, làm ra trái đất nơi ông cháu ta đang chọi gà cỏ. Chúa lớn vậy, nên lời Chúa nói ra gọi là phán
-Cháu hiểu ra rồi. Bữa hôm nay mặt trời chảy máu là cũng do Chúa phán.
Ông Ruông bảo không phải thế. Tất cả là tại tòa án của Chúa. Ông lại phải giảng cho thằng Cu Cỏ nghe toà án của Chúa là do những người trên trần gian lập ra để kết tội những kẻ làm trái ý Chúa. Ông thầy tu người Ba Lan có tên Copernic ấy sợ bị kết tội, không dám công bố phát minh của mình. Nhưng gần một trăm năm sau, có một ông khác tên là Galilé đã công bố cho nhân loại biết chuyện quả đất tự xoay tròn một vòng trong một ngày, và đi giáp một vòng quanh mặt trời trong một năm. Toà án của Chúa liền đem ông Galilé ra xử. Sợ bị chém, ông phải rút lại tuyên bố kia trước mặt các quan tòa. Nhưng vừa ra khỏi tòa ông đã nói với mọi người dù gì thì quả đất vẫn quay
-Thế là mấy ông quan tòa tức mình đem ông ta ra chém?
Thằng Cu Cỏ có vẻ sốt ruột.
Ông Ruông nói không phải
Thằng Cu Cỏ tỏ ra nghi ngờ:
: -Hay là ông dấu cháu?
-Ông chẳng dấu cháu điều chi. Ông Galilé không hề bị chém. Nhưng mặt trời thì cứ thấy buồn cười. Vì rõ ràng là nó không quay quanh trát đất, mà người ta cứ bảo là nó đang làm chuyện ấy. Mỗi lần nghĩ chuyện ấy, nó lại cười đến chảy nước mắt
-Cười mà chảy nước mắt sao?
-Phải. Nước mắt của mặt trời là máu. Như sáng nay đây, ông cháu ta đang nhìn thấy máu của mặt trời
-Mà sao ông biết chuyện ấy?
Thằng Cỏ có vẻ sợ hãi trước những hiểu biết của ông mình. Còn ông Ruông thì rất vui, vì câu chuyện kể của ông coi như đã thuyết phục được cháu, ông bảo:
-Là do mặt trời đã nói cho ông biết.
-Mặt trời nói với ông? Mà nói hồi nào?
-Là vào lúc ông nghĩ về nó
Vì không đủ lời lẽ để diễn sự khâm phục trước người ông có vẻ khác thường của mình, thằng Cỏ cứ nhảy lên la khan:
-Ông của cháu lạ lắm…