DẤU HIỆU CỦA THIÊN TÀI

Phải nói đến lúc có mưu toan trở nên vĩ đại với con cháu, ông Ruông mới thấy chỗ lớn lao trong việc cưới vợ của mình. Chính là ông đã làm rung rinh khái niệm siêu hình về gái lỡ thì đã tồn tại bao nhiêu đời ở miền sông Tượng núi Tượng chưa ai phản bác nổi. Và ông đã quyết định kể lại toàn bộ sự việc này cho thằng Cu Cỏ nghe, vì nó là cháu đích tôn, phải biết những sự kiện trọng đại đã xảy ra trong đời các bậc tổ phụ của nó.
-Thiên hạ ngã ngửa ra khi thấy ông làm đám cưới với bà nội cháu.
Ông kết thúc câu chuyện bằng câu này.
Lập tức thằng Cỏ đem những kiến thức vốn có của nó ra để vừa bình luận vừa chất vấn về cuộc cưới vợ của ông.
-Vậy là bữa đó có cả người lớn lẫn trẻ nhỏ trong làng đến ngõ nhà mình chờ xem mặt cô dâu.
-Phải. Có cả trẻ nhỏ lẫn người lớn
-Rồi khi cô dâu đến thì cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đã giật mình ngã ngửa ra hết
Thằng Cu Cỏ nói, vừa dựa vào kiến thức rút được từ những lần đi xem đám cưới trong làng, vừa dựa vào câu nói của ông mình.
Ông Ruông không cho là cháu ông dám chế nhạo ông:
-Ai bảo cháu là thiên hạ giật mình?
-Thì ông mới nói ra chứ ai. Ông bảo thiên hạ ngã ngửa ra, thế không phải giật mình là gì?
-Không phải vậy đâu. Ý của ông khác kia
-Không giật mình, tự nhiên ngã ngửa hay sao? Mà cháu đoán ra rồi
-Cháu đoán thế nào?
-Vì tức cười quá, không chịu được, thiên hạ ngã ngửa ra hết.
Đến lượt ông Ruông bị thằng Cu Cỏ thu hút
-Mà sao cháu cứ nhìn râu ông thế? Còn vì sao thiên hạ lại tức cười đến ngã ngửa ra hết?
Thằng Cỏ vẫn cứ chăm chắm nhìn vào bộ râu của ông nó (mà nó vẫn cho là ở trong làng chẳng có râu người nào đẹp hơn)
-Hỏi ông làm sao mà không tức cười. Cả người lớn cả trẻ nhỏ đều ngã ngửa ra cười, ông biết không, vì chú rể là ông của cháu, lại có râu
-Ừ. Cứ cho là thế
Ông Ruông cứ chiều theo cách bình luận của cháu
-Ông nói cứ cho là thế là sao? Cháu thì chưa bao giờ thấy đám cưới nào chú rể có râu.
-Ừ. Có lẽ là thế.
-Cháu vẫn chưa hiểu ông nói thế là sao. Hay là lúc làm đám cưới với bà nội cháu thì ông chưa có râu?
-Chắc là thế
-Tức là lúc ấy, ông cũng giống như cháu, là còn nhỏ, chưa có râu.
Ông Ruông vẫn chiều theo cách bình luận của cháu, đáp:
-Phải rồi. Cháu cứ nói tiếp đi
-Cháu biết trước mà. Là khi cô dâu đến, cả người lớn cả trẻ nhỏ đều ngã ngửa ra cười, vì cô dâu đã lớn ầm, mà chú rể là ông của cháu lại giống như cháu, là còn nhỏ, chưa có râu.
Ông Ruông định giảng giải cho thằng Cu Cỏ hiểu ý nghĩa mấy từ ‘’ngã ngửa ra”, nhưng nó đã không để ông nói
-Nhưng như thế thì không được. Cháu chưa bao giờ thấy có đám cưới nào có chú rể còn nhỏ như cháu. Hay là ông còn dấu cháu một điều?
-Ông dấu cháu điều gì nào?
-Có đấy. Ông vừa nói với cháu là ông đã ôm bà nội cháu ở ngoài ruộng có phải không?
-Phải.
-Thế lúc cô dâu đến thì chú rể có làm như thế không? Tức là ông cũng ôm bà nội cháu, y như hôm ở ngoài ruộng?
-Chuyện này thì không có đâu
-Đấy, cháu biết mà. Là ông đã dấu cháu chuyện này
-Nhưng nếu có chuyện này thì sao?
-Nếu có chuyện này thì cháu đoán ra rồi. Là lúc ấy ông cũng có râu như bây giờ.
-Nhưng sao cháu cứ thắc mắc là lúc ấy ông đã có râu hay chưa?
-Phải, vì còn thắc mắc, nên cháu chưa có ý kiến dứt điểm với ông. Còn bây giờ thì cháu đóan ra rồi.
Thằng Cu Cỏ chợt nhìn ông Ruông, và bật cười
Ông Ruông cũng bật cười
-Sao cháu nhìn râu ông rồi cười?
-Hỏi ông làm sao không cười. Cháu thì chưa bao giờ thấy có đám cưới nào chú rể đã có râu mà đi ôm cô dâu trước mặt cả người lớn cả trẻ nhỏ ở trong làng.
Cách chất vấn và bình luận của thằng Cu Cỏ khiến ông Ruông không còn dám chắc là lúc ông cưới bà Ruông thì mình đã có râu hay chưa. Một cuộc tình lớn tựa một tác phẩm văn chương lớn, bàn mãi không hết. Ông Ruông đã dùng phương pháp so sánh đó, và cho rằng cháu ông cũng có thể gọi là một nhà biện luận trẻ tuổi. Nhưng để sự nhận định của mình chắc ăn hơn, ông còn phải tiếp tục chất vấn cháu ông về vấn đề có râu hay chưa có râu.
-Theo cháu thì người có râu với người chưa có râu khác nhau ở chỗ nào?
Thằng Cu Cỏ nhìn ông với vẻ làm như giờ nó là ông, là người lớn, còn ông là nó, là trẻ thơ:
-Ông hỏi cháu câu hỏi khác đi.
-Còn câu hỏi đó thì sao?
-Chuyện đó ông đã biết, còn hỏi cháu làm gì?
-Để biết cháu suy nghĩ thế nào.
-Cháu thấy hơi lo
-Cháu lo gì?
-Người già thì hay lẫn lộn
-Có lẽ là vậy. Nhưng cháu hãy trả lời câu hỏi của ông đi đã.
-Ông bảo người có râu thì khác với người chưa có râu?
-Phải
-Thế cháu chưa có râu thì cháu có phải là người hay không?
-Cháu tuy chưa có râu, nhưng cũng là một con người
-Tức là có râu hay chưa có râu đều là con người?
-Phải.
-Thế sao con dê ông Hai Rường cũng có râu nhưng ai cũng kêu nó là con dê, cháu chẳng nghe ai nói nó là con người?
Ông Ruông hơi choáng một chút trước câu hỏi của cháu. Không phải vì giận, mà vì mừng. Tra vấn của thằng Cu Cỏ mang màu sắc của một triết học mới mẻ. Có phải ở một bình diện nào đó người ta có thể xem con người cũng là con dê, và con dê cũng là con người? Một tra vấn có tính cách ngoại lý. Ông Ruông thật sự vui mừng, vì có thể nói rằng ông đã nhìn thấy được dấu hiệu thiên tài ở cháu ông.