TỔ QUỐC

Quan niệm về tổ quốc của ông Sáu Mươi Lăm có vẻ duy nghiệm. Nhưng đấy là chuyện xảy vào thời đầu công nguyên. Một thế kỷ rưỡi sau thì quan niệm về tổ quốc đã diễn ra cách khác trong suy nghĩ của vị tổ phụ thứ Sáu Mươi của dòng họ Lê Ruông.
Ta muốn kể cho con cháu nghe câu chuyện về tổ quốc. Nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Thôi được, cứ bắt đầu từ chiếc áo vải cát bối. Vải cát bối là dệt bằng sợi chế từ cây cát bối.
Cha ta bảo:
-Thằng Sáu Mươi hãy lấy cái áo ấy mà bận.
Đấy là chiếc áo vải cát bối ông nội ta để lại. Ông nội ta, rồi cha ta, cả hai đều bận chiếc áo vải ấy để đi tìm trầm. Tổ quốc là gì thì ta chẳng thể diễn bằng lời. Nhưng ta biết là ta đã sinh vào thời tổ quốc của ta đã bị vua phương bắc lấy mất. Cũng như ông nội và cha ta, ta cũng bận áo cát bối đi tìm trầm để nộp cho vua phương bắc.
Cha ta nói bận chiếc áo ấy đi vào rừng thì thú dữ tránh xa, nhưng cây trầm hương lại gần. Ông nói vậy vì thuở ấy cả ông cả ông nội đi tìm trầm đều đã gặp được trầm, và đều trở về bình yên. Cây gió trên rừng bị thương thì thành trầm. Bao lâu thì thành trầm chỉ trời mới biết. Cũng như đi tìm trầm có gặp được trầm không cũng chỉ trời mới biết. Bọn ta cả thảy là năm thằng vừa tới tuổi thành niên cùng vào rừng núi Tượng vào một ngày tháng sáu gió nam thổi rộ. Ngoài hướng mặt trời, đi rừng mùa nam thổi thêm được hướng gió. Bọn ta chia ra mỗi thằng một ngả, cứ ngược hướng gió mà đi, tức đi về hướng mặt trời lặn. Như thế là chỉ còn trông thấy nhau qua tiếng hú. Và cứ thế mà đi, như thể chẳng biết là sẽ đi đến đâu, và đi đến bao giờ. Thì đã nói chỉ trời mới biết đến lúc nào mới gặp được trầm. Thức ăn ta mang theo là cơm khô. Nước uống thì lấy ở các suối nươc trên rừng. Cha ta bảo tổ tiên con người vốn sống trên rừng, nên khi đã vào rừng thì chớ sợ đói rét, chỉ giữ sao cho khỏi bị thú dữ ăn thịt. Có một đêm ta vừa cột người vào cành cây cao, chuẩn bị ngủ, thì nghe có mùi hôi thối trong gió. Cha ta bảo khi con cọp ngủ hơi thở của nó rất thối. Cả đêm ta nằm im trên cành cây để chờ thử có con cọp nào tìm đến ta không. Rừng về đêm không còn là của con người, nên ta chỉ nằm im chờ bất trắc, chẳng dám lên tiếng gọi mấy đứa kia. Sáng ra, lẽ ra ta phải hú gọi bọn chúng như thường lệ. Nhưng đằng này, để tỏ là kẻ gan dạ sau một đêm đã đối đầu với mùi cọp, ta lặng lẽ tụt xuống khỏi cành cây, và lặng lẽ tiến lên phía trước. Mãi lúc trời sắp tối, ta không còn cầm lòng nổi, đã lên tiếng gọi bọn chúng, nhưng chẳng có đứa nào đáp lại. Những ngày tiếp sau đó, ta tiếp tục gọi bọn chúng, song, chỉ có tiếng dội lại của núi rừng. Như thế là bọn ta đã đi cách nhau quá tiếng hú. Như thế là ta đã lạc đàn. Lúc mới lạc nhau ta cũng thấy sợ. Cứ nghĩ ngợi, coi thử mình sợ cái gì, thì thấy là sợ chết. Một mình mà chết ở trên rừng thì coi như mất xác. Cha ta tất nhiên sẽ rất buồn. Còn mẹ ta ở chín suối thì còn buồn hơn. Nhưng sau khi nghĩ đi nghĩ lại thì thấy nếu có chết thì coi như ta không được cha mẹ sinh ra, chứ cũng chẳng có chuyện chi. Cha ta bảo một cây gió đã thành trầm gốc to đến hai ba người ôm. Phải có hai ba người mới đốn được một cây gió đã thành trầm. Như thế là ta phải quyết định quay về, vì có gặp được trầm ta cũng chẳng làm được chi. Lại xuôi theo hướng gió mà đi. Tức đi theo huớng mặt trời mọc. Vào một ngày trên đường về, suýt chút nữa là ta đã được tận hưởng sự sung sướng nhất trong cuộc đi. Ta đã gặp được một vùng núi non đầy hang động. Có nghĩa đêm ấy ta sẽ chọn một cái hang an toàn nhất để mà ngủ, thay vì phải cột người trên cành cây cao, như mọi đêm. Có thể là ta sẽ lưu lại đó mấy hôm để ngủ cho đã trước khi đi tiếp. Nhưng trong khi ta đang sắp đặt các ý định thì từ các hang hốc chui lên những con người gần như trần truồng, vì cả đàn ông lẫn đàn bà chỉ treo một cành lá để che chỗ kín. Bọn họ, người nào tay cũng lăm lăm con dao sáng quắc, cùng xông đến vây lấy ta. Chợt nhớ lời cha ta kể là tổ tiên loài người thì ở hang và ăn thịt người, ta cầm chắc đời ta đến đó là chấm hết.
Ta nói:
-Thưa các tổ tiên loài người, trước khi ăn thịt con, hãy để cho con chỉ cho một giống cây quí trên rừng, kẻo sau khi con chết thì chẳng ai biết giống cây quí ấy.
Người già nhất bọn họ tiến đến gần ta:
-Ngươi là người ở đâu? Đến đất nước bọn ta để ăn cắp cây quí phải không?
Ta liền cãi:
-Không phải. Con là người ở núi Tượng sông Tượng. Do tổ quốc của con bị vua phương bắc lấy mất, nên người sông Tượng núi Tượng phải lên rừng tìm trầm để nộp cho vua ấy.
Người già nhất liền ra hiệu cho bọn họ theo ta.
Lúc đứng trước một cây gió, ta bắt đầu giảng giải theo cách giảng giải của cha ta:
-Đây là cây gió. Khi bị sét đánh thủng da thịt, hay bị gió bão làm thân cành gãy đổ, tức khi nó bị thương, thì một ngày nào nó sẽ thành trầm. Ngày nào thành trầm thì chẳng ai biết. Nhưng khi đã thành trầm, đẽo bỏ phần vỏ đi sẽ được phần gỗ lõi rất thơm, tức là trầm hương. Trầm hương dùng làm gì con không rõ. Chỉ biết là vua phương bắc quí hơn vàng. Chuyện cây gỗ quí con đã nói xong. Giờ thì các tổ tiên loài người có thể ăn thịt con được rồi.
Không hiểu sao cả bọn họ rố lên cười.
Người già nhất nói:
-Ngươi là đứa bất hạnh, nên bọn ta tha chết cho. Hãy tiếp tục đi tìm trầm để nộp cho vua của ngươi.
Ta suy nghĩ kỹ thì thấy mình quả là đứa bất hạnh. Cha mẹ ta chỉ có một mình ta. Không có trầm để nộp cho vua phương bắc, tất ta phải làm thân lính thú của vua, tưc cũng đi vào cõi chết.
Thấy ta còn sống trở về, cha ta nói:
-Tính ra con đã ra đi gần ba tháng mười ngày. Nếu về chậm chút nữa, cha đã cúng tuần trăm ngày cho con.
Ta chỉ nói mình bị lạc, nên phải quay về, chẳng dám kể lại những chuyện đã xảy ra trên rừng. Dẫu gì thì ta cũng đã trật, vì sáng ra không chịu hú gọi mấy đứa kia, để đến nỗi phải lạc nhau. Còn chuyện gặp tổ tiên loài người ta biết có nói ra cha ta cũng không tin.
Ta hỏi:
-Mấy đứa kia đã có đứa nào về chưa?
Cha ta lắc đầu:
-Mới mỗi mình con trở về thôi.
Nghĩ đến mấy thằng kia chẳng biết sống chết thế nào, ta thấy buồn ghê gớm. Cũng do tổ quốc gặp lận đận, nên trai tráng bọn ta mới lâm vào cảnh ngộ như thế.
Ta nói:
-Nay không có trầm để nộp, tất con phải đi lính cho vua, tức sẽ phải chết ở xứ người, cha chẳng còn được trông thấy xác con.
Cha ta nói:
-Nay đã có vua của người mình, con đừng lo.
Ta hỏi vua nào.
Cha ta bảo là vua Khu Liên.
Hoá ra lúc ta ở trên rừng thì ở nhà đã lấy lại được tổ quốc. Bấy giờ thì tổ quốc của
ta có tên là Lâm Ap. Bốn tháng, năm tháng, rồi một năm trôi qua, mấy đứa đi tìmtrầm với ta vẫn không về. Điều này có nghĩa là lũ nó đã chết trên rừng. Cứ nghĩ tổ quốc
lấy lại rồi mà lũ nó không còn để vui hưởng, ta lại thấy rất buồn ở trong lòng. Nhất là khi cha ta sắm quần áo mới cho ta cưới vợ.
Cha ta nói:
-Nay đã có vua người mình, không còn phải đi tìm trầm, không còn phải làm lính thú, nên cha phải cưới vợ cho con, để con đẻ con nối dõi.
Như thế là ta và vợ ta lại bắt đầu làm công việc trước kia cha mẹ ta đã làm. Có điều mẹ ta chỉ đẻ mỗi mình ta. Còn vợ ta, ngay lứa đầu, đã đẻ cho ta một cặp con trai.
Trước lúc tắt thở cha ta còn tỏ ra rất vui. Ta biết là ông rất mãn nguyện vì đã nhìn thấy được hai đứa cháu trai trước khi theo ông bà.
Quả tình khi lấy lại tổ quốc rồi, người ta chửa đẻ rất thoái mái. Ở trong làng, vợ ta cũng thuộc loại chửa đẻ giỏi. Hai thằng sinh đôi giáp năm thì vợ ta đã chửa đứa nữa. Nói tóm lại, trong sáu năm vợ ta đẻ được năm thằng con trai. Nếu không có chuyện xây tháp, chắc chắn là vợ ta cứ tiếp tục chửa đẻ theo mức ấy. Theo lệnh của vua Khu Liên ta phải cùng đám đàn ông con trai trong làng đi xây tháp để thờ hai vị thần mới có tên là Shiva và Vichnu. Nghe vua bảo đi xây tháp, ai nấy đều hí hửng vui mừng vì sắp được tận mắt nhìn thấy vua. Nhưng nào phải thế. Trong sáu năm xây tháp, lâu lâu quan huyện lệnh lại đến truyền bảo bọn ta hãy gắng hết lòng với vua, để được các vị thần ở trên trời ban phúc cho. Thì ta có mong gì hơn là được thần linh phù hộ để còn sống trở về với vợ con. Do tháp xây một nơi mà đá núi để xây tháp ở một nẻo, nên việc lấy đá chuyển đá cũng khá cực nhọc. Mấy người lớn tuổi, yếu sức, cứ chết dần. Nhưng do làm việc nặng nhọc mà miếng ăn miếng uống thiếu, nên đám trai trẻ đang sức làm sức ăn, cũng chết. Tính ra, sau sáu năm, số dân làng đi xây tháp đã chết hơn nửa. Ta tuy lớn tuổi nhưng cũng may là nằm trong số còn sống quay về. Hai thằng sinh đôi đã được mười hai tuổi. Ta tính ráng cày ruộng năm sáu năm nữa là giao cây cày cho hai đứa nó. Nhưng đến năm chúng mươi tám tuổi thì đích thân quan huyện lệnh về làng truyền bảo lệnh của vua là tất cả con trai tới tuổi thành niên phải đăng lính.
Ta hỏi:
-Nay đã lấy lại tổ quốc rồi, sao còn phải đăng lính?
Quan huyện lệnh nói:
-Nước phải có vua. Có vua thì phải có kinh đô. Có kinh đô thì phải có lính tráng canh giữ.
Biết không thể cãi được lệnh vua, vợ chồng ta lo may sắm cho hai đứa nó hai bộ quần áo vải cát bối mới.
Ta nào biết kinh đô ở chốn nào. Nên đối với ta đi làm lính cho vua mình ở kinh đô thì cũng mù mịt như làm lính cho vua phương bắc. Không dám nói ra, chứ trong lòng đã có ý nghĩ, như thế là coi như vợ chồng ta cúng cho vua hai thằng con trai đầu lòng. Quả như ta nghĩ, biền biệt năm này qua năm khác, vợ chồng ta chẳng còn nghe tăm hơi về hai đứa nó.
Vợ ta buồn rầu, ta phải theo phân giải:
-Như chưa lấy lại được tổ quốc thì hai đứa nó cũng phải đi lính cho vua phương bắc.
Tức đằng nào con ta cũng không thể tránh được cảnh này. Giờ chỉ còn cách là vợ chồng ta phải đẻ thêm hai đứa nữa để bù vào chỗ thiếu hai đứa nó.
Tính là tính vậy, chứ sau khi đi xây tháp về, dường như ta không còn đủ sức để sinh con. Thằng con trai thứ ba vừa tròn mười lăm tuổi là ta đã giao cây cày cho nó. Hai thằng đầu vẫn bặt tăm. Vợ ta vẫn chưa chửa được. Vua chết. Ta nghe người ta bảo vua Khu Liên chết mà không có con trai nối ngôi, nên cháu ngoại là vua Phạm Hùng lên thay. Vua mới làm vua đâu vài ba tháng thì quan huyện lệnh lại về làng tuyển lính. Lần này thì con trai từ mười lăm trở lên phải đăng lính.
Ta nói:
-Nhà này đã có hai đứa đi làm lính kinh bao nhiêu năm chưa về. Xin quan trên hãy tuyển con cái nhà khác.
Quan huyện lệnh nói:
-Vua muốn tổ quốc Lâm Ấp ta to rộng hơn. Tức phải nới ra ở phía nước Au Lạc. Tức phải đánh nhau với vua phương ấy. Mà lính kinh hiện thời quá ít, nên phải tuyển thêm lính mới.
Như thế là hai thằng con trai đầu của ta sắp lâm trận. Giờ để một đứa nữa đi tiếp, hoá ra ta phải cúng cho vua tới ba đứa hay sao?
Ta liều mạng nói:
-Có nới rộng tổ quốc thêm bao nhiêu thì nhà này cũng chỉ được mấy khỏanh ruộng trên đồng Đất Sét.
Quan huyện lệnh nói:
-Ngươi hãy đi mà cãi với vua.
Nếu đến được kinh đô, ta đã cãi với vua thật. Nhưng vợ ta thì cho rằng thêm một đứa nữa vào lính, anh em chúng đỡ buồn hơn. Có nghĩa vợ chồng ta đã tốn thêm một bộ áo quần vải cát bối mới. Đêm nằm nghĩ, không khéo đánh nhau với vua ấy thì sẽ chết không còn người nào, hai đứa con còn lại của ta lại phải vào lính. Nghĩ thế, nên ta lại phải ráng ăn nằm với vợ để may ra có đẻ thêm được đứa nào không.
Khi nhớ lời cha ta kể, ta cũng thấy giật mình. Người sông Tương núi Tượng xưa cũng thuộc tổ quốc Âu Lạc. Nay lũ con ta lại đi đánh nhau với người Au Lạc là nồi da xáo thịt. Nhưng vợ ta nói làm vua mà không nghĩ, làm dân có nghĩ cũng chẳng được chi. Vợ chồng ta đợi hết năm này qua năm khác vẫn không thấy ba đứa con trai trở về. Mà quan huyện lệnh lại về làng tuyển lính nữa.
-Tổ quốc đang lâm nguy, các trai tráng trong làng hãy đầu quân giúp vua.
Lời quan huyện lệnh rất thiết tha.
Ta hỏi:
-Lâm nguy là do nới rộng tổ quốc không được có phải không?
Quan huyện lệnh đáp:
-Vua phương bắc đã xua quân chiếm nước Âu Lạc, và đang xâm lấn tổ quốc ta
Lần này thì đích thân ta hối vợ ta may hai bộ áo quần vải cát bối cho hai đứa con trai cuối cùng của ta đăng lính. Lũ nó có chết thì chết cho vua mình, còn hơn là để cho vua phương bắc tới bắt đi.
Cũng may bấy giờ vợ ta bảo là đã mang thai. Ta liền quyết định giết một con heo để cúng. Ta tính, chỉ tốn một con heo mà được cả hai việc. Một là để tạ ơn trên trước đã trợ giúp cho vợ ta có chửa. Hai là để cầu trên trước phù hộ cho năm thằng con trai ta ở chốn trận mạc.
Mười tám năm sau thì thằng con trai út của ta, thằng Năm Mươi Chín, được mười tám tuổi, còn lũ anh nó thì đứa nào cũng đã yên bề nơi chín suối.
Quan huyện lệnh lại về làng tuyển lính.
Ta hỏi:
-Nghe nói đã đuổi được quân phương bắc từ lâu, sao còn tuyển lính?
Quan huyện lệnh nói:
-Lần này vua quyết sóng mái với vua phương bắc một phen để nới rộng tổ quốc ta ra phía ấy, nên phải cần nhiều binh lính.
Đến lúc ấy ta mới thấy thắc mắc ở trong lòng: Việc nới rộng thêm là do tổ quốc muốn hay do vua muốn?
Nhưng dù gì thì ta cũng không thể cưỡng được lệnh vua. Nên đã đem thằng Năm Mươi Chín giao cho quan huyện lệnh.
Quan huyện lệnh nạt:
-Nhà ngươi muốn đùa dỡn với vua ư?
Do là không còn đủ sức để đẻ mà vợ chồng ta lại rán đẻ, nên thằng Năm Mưoi Chín đã mười tám tuổi mà cứ như đứa mới lên bảy.
Ta nói:
-Năm nay nó tròn mười tám tuổi, tức tuổi đăng lính. Nên chẳng dám trốn lệnh vua.
-Thế thì phải nuôi thêm năm mười năm nữa mới đăng lính được.
Quan huyện lệnh nói.
Tất nhiên là ta phải tiếp tục nuôi dưỡng con của ta.
Tổ quốc là gì ta chẳng thể diễn bằng lời. Nhưng cũng do chuyện tổ quốc mà ta đã mất đứt năm thằng con trai với năm bộ quần áo vải cát bối.
Trên đây đâu phải lời thuật lại của ông Sáu Mưoi. Mà ông Ruông giả dụ ông là ông Sáu Mươi, thì sẽ thuật lại thế đấy.