à có thể kêu to lên, khắng định với quan tòa, với tất cả mọi người rằng thằng Chánh, con bà, không có tội. Trái tim người mẹ cho phép bà làm điều đó, thế nhưng bà đã không làm. Bà phó thác sinh mạng con cho sự công minh của tòa án. Bà nói: “Nếu con tôi có tội, tôi sẵn sàng chấp nhận mất nó như mất một đứa con hư. Nhưng nếu con tôi vô tội, nó phải được giải oan...” Vì thế mà với một bản án tử hình còn nhiều điều chưa rõ, suốt tám năm trời, bà mẹ đau khổ đó đã lặn lội khắp nơi.Năm 1986. Án mạng xảy ra chiều 19/11. Nạn nhân là chị Nguyễn Ngọc Hà, nhân viên bảo vệ xí nghiệp sắt tráng men, đã bị giết chết tại xí nghiệp với 59 vết dao đâm!Ngày 9/12, Phạm Minh Chánh, công nhân xí nghiệp, bị bắt vì tình nghi là thủ phạm!Năm 1989. Ngày 27/4, Tòa án Nhân dân TP. HCM xử sơ thẩm, kết án tử hình Phạm Minh Chánh. Ngày 18/9, Tòa phúc thẩm xử y án sơ thẩm. Cả hai bản án đều dựa vào lời khai nhận tội của Phạm Minh Chánh trước cơ quan điều tra là đã cùng một người tên Đảng, không rõ họ và nơi cư trú, hợp tác giết cô Hà (Chánh ở ngoài canh cửa để Đảng giết), và kết quả giám định số tóc thu ở hiện trường (gồm tóc thu trong lòng bàn tay của nạn nhân, và tóc rơi trên nền nhà) đều phù hợp về đặc điểm và cùng nhóm máu với tóc của Chánh!Bà là người chạy chợ. Sáng ra chợ coi ai nhờ làm gì thì làm, khi thi làm gà, làm vịt lấy công, khi buôn bán lặt vặt, có việc nào hay việc ấy. Chồng làm bốc xếp tại cảng Bình Đông. Cả nhà không có ai giỏi giang để có thể chạy lo được cho thằng Chánh. Chồng bà được anh sui đưa tới gặp một ông luật sư nổi tiếng để nhờ bào chữa cho con. Thời bao cấp, chẳng biết ăn nói thế nào mà ông bị vị luật sư này mắng té tát có con không biết giáo dục, để đi giết người còn bao che, còn đi mướn luật sư. Ông về, bỏ luôn cho bà lo từ đó đến nay.Mà có đúng thằng Chánh giết không? Bà vô thăm nuôi, hỏi gặng nó. Con bà một mực nói không có giết, xử tới đâu nó đi tới đó. Sở dĩ nó nhận với cơ quan điều tra có đồng mưu giết cô Hà là vì bị ép cung.Hai lần tòa xử sơ thẩm và phúc thẩm, hai lần Chánh đều kêu oan, khai là bị ép cung. Con khẳng định vô tội, bà mẹ vác đơn chạy tiếp. Suốt mấy năm trời, người ta chỉ chỗ nào bà cũng tìm tới, dù nhà lúc đó quá nghèo, không có cái áo bà ba để mặc, phải mặc áo túi ra đường, không có xe gắn máy để đi, toàn lếch thếch đi bộ và đi xe buýt.Cả hai lần xử, hai lần tòa đều kêu án tử hình. Sáng thứ sáu, anh hai của Chánh xách đồ vô thăm nuôi, người ở trại giam nói thằng Chánh bị thi hành án rồi. Anh về nhà báo tin, đi không muốn nổi. Cả nhà òa khóc. Lúc đó bà chững lắm, kêu đừng khóc, đừng làm náo động. Thứ bảy bà vô trại hỏi, anh cán bộ nói: “Chia buồn với bác”. Sáng thứ hai, bà với đứa con gái thứ năm đón xe lên bến xe Văn Thánh rồi lên xe Tam Hiệp, vừa đi vừa hỏi thăm trường bắn.Sau mấy tiếng đồng hồ, hai người mới tìm được đến sân bắn. Một khoảng đất trống chừng vài trăm mét vuông, vài chục ngôi mộ tử tù hiu quạnh. Bà chạy ùa tới hai ngôi mộ còn mới, hai miếng gỗ ghi tên họ, ngày thi hành án, quê quán... Không có ai tên Phạm Minh Chánh. Thứ sáu đó vô trại giam, bà làm gan đi đại vô trong sâu, tới chỗ gửi đồ thì được anh cán bộ cho biết Chánh trông bà quá chừng, mấy tuần nay không có quà bánh gì ăn, anh vừa mới mua cho một gói đậu phộng... Tới chừng đó, bà mới tin con mình còn sống.Năm 1990, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (ngày 16/3), nêu rằng tính chất của thời gian gây án có nhiều mâu thuẫn, hồ sơ không có biên bản thực nghiệm hiện trường để chứng minh Chánh có đủ thì giờ thực hiện tội phạm, điều tra không xác minh được là có tên Đảng. Chánh một mực kêu oan qua cả hai lần xử sơ thẩm và phúc thẩm, khai bị ép cung. Hồ sơ không thấy có biên bản thu giữ tóc trong tay nạn nhân, không có biên bản lấy tóc và phân loại mẩu tóc trước khi gởi đi giám định, Chánh bị lấy tóc nhiều lần... Xét các lý do nêu trên, ngày 9/6/ 1990, Tòa án Nhân dân tối cao xử phiên giám đốc thẩm hủy bỏ cả hai bàn án nêu trên, và yêu cầu giải quyết lại từ giai đoạn điều tra!Trước đây bà không biết chùa, miễu là gì. Từ ngày Chánh bị bắt, bà bắt đầu đi chùa. Không có tiền đóng một lần thì trả góp, mỗi ngày góp 1.000 đồng. Khắp nơi: Châu Đốc, Chứa Chan, Trà Cú, Tây Ninh, Phật Cô Đơn, chùa Ông... cho tới các đình, miễu gần nhà. Bà cầu khấn Phật Trời nếu thằng Chánh quả thật giết người thì xui khiến nó nói cho bà biết, còn không phải thì phù hộ cho nó được minh oan. Tất cả các tiền cúng chùa, cúng dường, bà đều ghi tên Chánh để nó sống được phước, chết được siêu thoát.Cực nhọc nữa là chuyện thăm nuôi. Tuy thằng Chánh không hề đòi hỏi gì, cho tiền nhiều nó còn không lấy nữa là khác, nhưng mỗi lần vô trại thấy món gì bà cũng muốn mua cho con. Rất nhiều khi mua xong rồi không còn tiền để về xe, bà phải lội bộ từ Chí Hòa về quận 8. Mỗi lần thăm không có bao nhiêu tiền, nhưng thấm thoát tám năm đã trôi qua, đi riết kiệt quệ mà không dám bỏ một lần nào, bởi trước có mấy lần kẹt chuyện không vô được, thấy nó giựt gió, tưởng nó bệnh, hỏi, nó nói không phải, tại thấy gia đình không vô thăm, nó lo nghĩ rồi nhức đầu. Nghe đứt ruột. Đã vậy, nó còn lo thêm cho người khác. Tuần rồi, nó kêu mua một vỉ ăm-pi, hỏi đau làm sao, té ra nó mua cho thằng Thanh cùng tù bị ghẻ. Nó ở tù ai cũng thương, vì hiền và hay giúp đỡ mọi người.Mẹ nào mà chẳng nói tốt cho con! Tôi nghĩ vậy khi nghe bà kể liên tu bất tận về Chánh. Nhưng... Ngày 22/7/1994, lịch thông báo Tòa án Nhân dân TP. HCM mở phiên sơ thẩm xử lại vụ án Phạm Minh Chánh. Bên ngoài sân tòa án, đông đảo những nông dân ở quê lên, bà con lao động nghèo ở quận 8 ngồi chờ để được gặp mặt Chánh. Lối xóm đi dự phiên tòa gần 30 người. Bà Năm bán gà gần 80 tuổi, thằng Chánh hay ra phụ làm gà, làm vịt cũng bỏ buổi chợ mà tới. Còn bà mẹ của Chánh, từ sáu giờ sáng đã đi xe buýt tới tòa để đón bà con dưới quê lên, ấy vậy mà tới nơi đã thấy mọi người có mặt sẵn từ lúc năm giờ! Bà con tò mò hay sao? Chắc cũng có một phần, nhưng theo lời bà mẹ nói có lẽ là do “họ thương thằng Chánh”.Trong một lần trò chuyện, tôi hỏi thật bà có tin con bà vô tội không? Nếu bà nói bà tin, cũng chẳng ai trách, bởi bà nói theo trái tim người mẹ. Thế nhưng, bà đã không làm thế. Bà nói rất thẳng thắn, mộc mạc, kiểu nói của người lao động nghèo: “Tôi cũng không biết nó có giết cô Hà hay không. Nếu thấy rõ ràng con tôi có tội, tôi chấp nhận chuyện mất nó. Còn giờ thì không ai thấy con tôi giết người, lối xóm cũng không ai thấy con tôi hung dữ, đánh lộn hay quậy phá gì ai. Tóc thì thiếu gì người vô chải đầu trong phòng bảo vệ làm rớt tóc ở đó; vả lại lúc đó tóc thằng Chánh dài chấm vai, đâu phải tóc ngắn! Tôi chỉ mong tòa xử công minh”.Bản án sắp tới sẽ ra sao? Tuần rồi đi thăm nuôi, bà nói Chánh buồn lắm, vì vừa được tống đạt cáo trạng, vẫn bị kết tội y như cũ. Thấy con vậy bà mới rầy: “Sống phải lo thân đã đành, để ra tù còn được khỏe mạnh mà làm ăn, còn chết cũng phải lo thân để chết cho đàng hoàng”. Ngày 22/7 phiên tòa hoãn xử. Tối đó, bà lo lắng đến nỗi không ngủ được, không biết có phải điềm xấu gì không? Luật sư trấn an, nói không sao, nhưng bà vẫn cứ lo, cứ sợ.Trái tim người mẹ lại một lần nữa chịu thử thách.