Cô gái tâm thần

     hững cô, bác, anh, chị, em - những ai giàu lòng trắc ẩn, sau khi đọc bài viết này, nếu có dịp đi ngang qua chợ Phú Định, hoặc khu vực cư xú Phú Lâm A, bắt gặp một cô gái điên chỉ mỗi ở tuổi đôi mươi, đang lang thang đâu đó trên đường, xin vui lòng dừng lại ít phút. Đừng hỏi chuyện, đừng an ủi, đừng khuyên lơn... bởi có thể sẽ còn làm cho cô gái hãi hùng thêm. Những cố gắng để vực dậy cô gái ấy bởi những người xa lạ và không chuyên môn như chúng ta, chắc sẽ chẳng có kết quả gì. Tôi mong mỏi cô bác anh chị nhìn thấy cô gái điên không phải để cho bản thân cô ấy - bởi điều đó giờ đây quá muộn - mà để hy vọng có thêm người cùng góp bàn tay chống lại một tội ác ghê tởm...
Cách đây không lâu, N.T.K.V. - Tên cô gái ấy - còn là một cô gái trong trắng, hiền lành. Mẹ ly dị về bên ngoại ở, chỉ còn V và một đứa em gái nhỏ sống với người cha nay ốm mai đau. Ngày ngày V phụ gánh chè đi bán cùng với người cô ruột, rồi phụ bán quán nước. Người cô này cho biết tuy đã bước vào tuổi hai mươi nhưng V không được lanh lợi như những người bạn đồng trang lứa. Có lẽ chính tính chất này đã đưa cô gái vào thảm kịch. V có người bạn trai tên là Dương Ngọc Vinh, sinh năm 1973, ngụ tại phường 12, quận 6. Tối 27/2/1994, sau khi uống say ở một quán nhậu trên đường Hậu Giang cùng với Hà Minh Tùng, Trần Thanh Phong, Lưu Tấn Đạt, Võ Hoàng Nguyên, Trần Ngọc Châu, Dương Minh Thuận - Vinh và Lê Thanh Hải đến nhà V. Cả hai đánh lừa V bằng cách rủ cô đi uống nước giải khát, nhưng sau đó đưa V vào chợ Phú Định, và dùng bạo lực để cưỡng hiếp V. Sự việc chưa dừng lại ở đó. Sau đó, Vinh còn đưa các tên Đạt, Phong, Châu, Tùng, Nguyên đang ngồi hát karaoke tại một quán trong xóm đến chợ Phú Định. Cả nhóm thay nhau hiếp dâm V cho đến khi cô gái ngất xỉu. Song sự việc vẫn chưa hết. Đến 1 giờ sáng 28/2, Đạt và Châu bảo đồng bọn về trước, cả hai sẽ đưa V về sau. Khi đến một con hẻm trong khu vực cư xá Phú Lâm A, cả hai tên lại dùng vũ lực hiếp dâm cô gái một lần nữa.
Vinh, Tùng, Đạt bị bắt, Phong, Hải ra đầu thú. Năm bị cáo đứng trước tòa [1] (ba tên Nguyên, Châu, Thuận bỏ trốn) đã có hai ở tuổi vị thành niên. Đây là một phiên tòa có rất đông người tham dự - trong phòng xử lớn chỉ có vài chiếc ghế trống - và chỉ trừ vài nhà báo, cô và em ruột của người bị hại, còn lại đều là thân nhân, bạn bè của 5 bị cáo. Có rất nhiều gương mặt thiếu niên non trẻ, nhiều cô gái trạc tuổi 20, nhiều ông, bà già... Ngồi phía sau của phòng xử, tôi được nghe những tiếng cười rúc rích và những tiếng chửi thề mỗi khi có một bị cáo nào đó thật thà mô tả chi tiết cuộc hiếp dâm.
Chiếc bàn luật sư có tới ba người ngồi, hai người được luật sư đoàn chỉ định bào chữa cho hai bị cáo vị thành niên là Đạt và Tùng, và một người được gia đình nhờ bào chữa cho bị cáo Phong. Trước đó, trong phần thẩm vấn, luật sư của bị cáo Đạt đã hỏi mẹ của bị cáo, và bà mẹ này cho thấy trước nay không biết gì về những hành vi của con mình (từ tháng 9/1992 đến tháng 1/1994: bị cáo Đạt đã 6 lần bị công an quận 6 bắt cảnh cáo, giáo dục về tội trộm cắp tài sản công dân, và gây rối trật tự công cộng). Luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét những tình tiết giảm nhẹ để khoan hồng cho bị cáo, và dẫn lời mẹ của bị cáo hứa sẽ chăm sóc, giáo dục con mình sau khi ra tù. Luật sư được chỉ định bào chữa cho bị cáo Tùng thì thừa nhận Viện Kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội nhưng xin xem xét mức độ phạm tội. Khi phạm tội, Tùng mới 16 tuổi, không tiền án, thật thà khai báo. Ngoài ra luật sư còn dẫn: “Bút lục 68 thể hiện rất rõ mức độ phạm tội của bị cáo. Bị cáo chỉ thực hiện được... nửa chừng thì bị cáo Châu vào bảo xuống...”, ngoài ra bị cáo Tùng còn tưởng V là gái mại dâm do Vinh kiếm về, chứ không chủ tâm phạm tội hiếp dâm, gia đình bị hại có làm đơn xin bãi nại cho bị cáo Tùng, cuối cùng, luật sư xin cho bị cáo Tùng được hưởng án treo. Với Trần Thanh Phong, luật sư cũng thừa nhận đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng bào chữa rằng vụ án có ba giai đoạn thì bị cáo Phong chỉ... có tham gia giai đoạn 2, tức là hiếp dâm sau những tên khác, không đánh, không chặn tay, chặn chân nạn nhân, nên hành vi có hạn chế hơn những tên khác. Bị cáo cũng tưởng V là gái mại dâm chứ không biết là bạn gái của Vinh, ngoài ra bị cáo cũng đã tự ra đầu thú, gia đình bị cáo cũng đã tích cực thăm hỏi gia đình nạn nhân, đồng thời gia đình nạn nhân đã làm đơn xin giảm nhẹ tội cho bị cáo... Do đó theo luật sư, mức án Viện Kiểm sát đề nghị (4 - 5 năm tù) đối với Phong là quá nghiêm khắc - nếu cân đối với những bị cáo khác có hành động phạm tội quyết liệt hơn...
Đại diện người bị hại là một phụ nữ lam lũ, ẵm theo một đứa nhỏ lếch thếch. Chị đứng lọt thỏm, nói ít và nói quá nhỏ. Khi tòa hỏi tại sao V - cháu chị, không tới dự phiên tòa, chị cho biết sau khi sự việc xảy ra, V bị bệnh tâm thần, và đã bỏ nhà đi mất cách đây hai tháng, không tìm được. Tòa cũng nói trong đơn, gia đình có yêu cầu bồi thường 10 triệu đồng tiền thuốc, nhưng trong hồ sơ không có hóa đơn nào, nếu như chị không xuất trình được hóa đơn bây giờ thì tòa sẽ tách riêng phần bồi thường sang một phiên xử khác.
Khi tòa tuyên án Vinh 8 năm tù, ngay dưới hàng ghế tôi ngồi, nhiều tiếng xuýt xoa “Nặng quá!”, “Sao xử nặng quá vậy?”... những tiếng xuýt xoa tiếp theo nhưng mức độ ít hơn - dành cho bốn bị cáo kia: Đạt và Hải mỗi người bốn năm tù, Phong và Tùng mỗi người ba năm tù. Các bà mẹ khóc nhiều nhất, bà nào bà nấy mắt đỏ hoe. Các bà vây quanh lấy luật sư, hỏi thăm cách xin kháng cáo. Mẹ của Tùng chỉ nói được lửng câu “...Thằng Tùng còn nhỏ quá...” rồi khóc.
Phiên tòa cuối cùng tan đã lâu, nửa giờ sau, đám đông vẫn còn ngồi đầy sân tòa án gần chỗ xe tù. Hai bà mẹ tiếp tục khóc, một số bà khác tất bật hỏi thăm một vài nhân viên tòa án, rồi mừng rỡ ghi ghi chép chép điều gì đó. Không ai để ý đến người phụ nữ đại diện cho người bị hại vừa nhận ra sự vụng về của mình, đang chạy hỏi thăm người thư ký phiên tòa. Chị nói rằng 10 triệu đồng là số tiền gia đình xin bồi thường danh dự cho cháu, chớ không phải tiền thuốc, còn hóa đơn thuốc thì sau khi đưa V đi khám hai lần tại bệnh viện Chợ Quán, chị đã có nộp vô cho cơ quan điều tra. Người thư ký bảo là trong hồ sơ không có, vì vậy chị phải trở lại nơi nào đã nộp hóa đơn để hỏi. Còn tại sao lúc nãy khi được hỏi, chị lại không nói những điều này cho Hội đồng xét xử biết? Chị nói rằng chị run quá, nên không nghe rõ.
Ngoài chi tiết chỉ mới “phạm tội nửa chừng” hay “chỉ phạm tội giai đoạn 2”, còn lại những lời bào chữa của các luật sư rằng các bị cáo còn ở tuổi vị thành niên, không tiền án v.v... nghe không phải là không có lý; nỗi xót xa của các bà mẹ về mức án dành cho con mình xét về góc độ tình mẹ cũng không phải là điều không hiểu được, chỉ có một điều xót xa là dường như không ai để ý tới hình ảnh một cô gái điên đang lang thang đầu đường, xó chợ, không còn hiện tại, không có tương lai, chỉ có những mảng ký ức quá khứ thảm khốc!...
Chú thích:
[1] Phiên tòa ngày 24/]0/1994.