Phần Cuối

    
ến đây, anh ta nghiêm giọng hỏi liền tới:
- Sao, bây giờ mình tính... chuyện đó như thế nào?
Bác Năm đưa mắt dò xét Tư Cầu rồi huỡn đãi đáp:
- Dễ mà chú Tư! Anh em mình cứ việc kích sẵn chỗ tụi nó hay vô đó thì... ăn tiền. Qua bảo đảm chắc với chú Tư hễ ghe máy của tụi nó cập bến thì... bà cứu tụi nó bây giờ cũng hổng khỏi!
Tư Cầu có vẻ trầm ngâm:
- Nhưng sau đó, chắc anh em mình phải... cuốn gói dông cho gấp khỏi vùng này chớ hông thôi binh ôn thần tướng của tụi nó ở ngoài chợ kéo rốc vô thì mình chịu đời gì thấu. Cha, phải chi anh em mình được nhiều nhiều một chút để chận hết mấy ngả vô thì tui chấp tụi nó hết thẩy!
Bác Năm vui vẻ đáp:
- Đã đành như vậy rồi! Nhưng mình có ít xài theo ít, và cố nhiên là phải dông đi liền qua miệt giồng Thường Lạc thì bà nội nó kiếm cũng hổng ra, rồi mình đợi cho yên yên bò dìa ở như cũ.
Tư Cầu gật đầu:
- Thì chỉ có nước đó. Tối nay mình cắt đặt và dặn dò anh em trước và bắt đầu ngày mai là mình kích sẵn hễ ghe máy ngoài đồn vô là mần liền.
Bác Năm vói tay bẻ một nhánh tre khô nhỏ vạch vẽ dưới đất:
- Đây chú Tư, qua tính anh em mình “nằm” như vầy có được hông?
Tư Cầu nghiêng đầu nhìn xuống:
- Thì phải như vậy rồi.. nhưng rủi hai ba ngày liền tụi nó hổng vô nữa, anh em mình tính làm sao? Rủi có thằng chết bầm nào nó đi mạch bậy cái là anh em mình... mệt ứ hơi đa!
Giọng bác Năm trở nên quả quyết:
- Vô mà! Qua dò chắc rồi, tụi nó vô đều đều để đốc thúc mấy ông hương chức hội tề mới lãnh... áo mão đây nè! Chú Tư đừng lo mình đặt liên lạc đều trời hết, hễ có rục rịch gì khác là anh em họ cho mình hay liền mà!
Tư Cầu liếc xéo bác Năm rồi hỏi đùa:
- Bác có... xủ quẻ chưa mà tui coi bộ bác nói ăn chắc quá vậy?
Bác Năm cười rộ lên rồi nghiêm giọng lại đáp:
- Có. Qua bói thì hổng sai chạy đi đâu được. Nói nào ngay cũng nhờ qua... có biết chút đỉnh về môn đó nên từ trước tới nay, qua gặp biết bao trận dữ dằn lắm mà cũng.. bình yên hết.
Tư Cầu bỗng nhớ trực đến lời của mẹ vợ nên hỏi bác Năm luôn:
- À, tui nghe nói năm nay tui... hơi kỵ, như vậy bác coi có sao hông?
Bác Năm nhíu mày tính lẩm nhẩm rồi đáp:
- Thiệt ra thì có kỵ đó. Nhưng cái quẻ của qua thì tốt lắm thế nào mình cũng thắng... Mà muốn chắc bụng, hôm đó chú Tư... đứng dang ra giữ mặt hậu đi, còn để qua trấn ở mặt tiền...
Đoạn bác vỗ vai Tư Cầu tươi cười nói tiếp:
- Thôi để qua một trận này rồi chú Tư dìa bên nhà lo than củi trước cho nó... kịp nghen chú Tư!
Tư Cầu có vẻ mắc cở:
- Ối, dìa trước nghe... đàn bà đau bụng đẻ nhức mình nhức mẩy lắm, bác à!
° ° ° ° °
Trời hãy còn tối mò, Tư Cầu và anh em đã có mặt sẵn tại chỗ “kích” và người nào người nấy cũng đã túc trực nơi vị trí của mình.
Tiếng gà trong xóm đua nhau gáy dồn. Vài người trong xóm đã bắt đầu bơi xuồng vô đồng thăm mấy giàn câu...
Sương khuya đọng lại trên mấy tàu lá chuối rơi lộp bộp mỗi lúc có gió sớm thổi đong đưa.
Tự nhiên, Tư Cầu thấy ớn lạnh. Anh ta đưa tay quấn chặt lại chiếc khăn tắm quàng nơi cổ, dụi mắt liền mấy cái rồi khều bác Năm hỏi nhỏ:
- Cha, sao con mắt tui giựt quá bác Năm à!
- Giựt bên nào?
- Bên mặt nè.
- Cái này cũng... tùy người, chắc tại hồi hôm chú trằn trọc ngủ không được nên xốn con mắt mới sanh ra vậy.
Tư Cầu đáp giọng xụi lơ:
- Chắc vậy...
Bác Năm chẳng nói chẳng rằng dơ tay bứt đại một nhánh cây de ra ngang chỗ bác đứng rồi chăm chú đưa mấy ngón tay mò đếm từng nấc lá của nhánh cây...
Tư Cầu thấy thoáng qua nên tò mò hỏi:
- Bác làm cái gì vậy bác Năm?
Bác không trả lời ngay mà vẫn im lặng tẩn mẩn đếm đi đếm lại mấy chiếc lá và mãi một lát sau bác mới đáp:
- Qua bói lá cây chú Tư à!
Tư Cầu cười thành tiếng:
- Ý trời ơi, có cái gì đâu mà bác phải... bói chớ! Mà bác bói làm sao đó!
Bác Năm chậm rãi trả lời:
- Qua cũng hơi hồ nghi trong bụng nên bói thử một quẻ xem sao... Chú Tư hổng biết chớ cái môn bói lá cây này coi lơ mơ vậy mà cũng trúng lắm, qua đã nghiệm nó mấy lần rồi.
Tư Cầu rụt rè nói:
- Vậy hả? Mà bác thấy... trong quẻ bói lá cây mới rồi đó ra làm sao?... Có tốt hông bác?
Bác Năm gật gù rồi trịnh trọng đáp:
- Theo như quẻ đã ứng thì cái trận này mình... nằm ngủ bây giờ cũng thành công nữa! Đúng như vậy, thế nào mình cũng thắng... Nhưng sao lại có một chỗ hơi... trục trặc...
Tư Cầu cười xòa:
- Thắng mà... trục trặc sao lại... tréo ngoe như vậy bác?
Bác Năm chắc lưỡi:
- Ậy, quẻ nó ứng như vậy thì mình cũng... biết vậy! Qua thấy sao lạ quá nên tự nãy giờ qua tính lung lắm mà tìm không ra lời giải...
Tư Cầu vui vẻ nói gạt ngang:
- Mà thôi, miễn thắng là được rồi! Bây giờ bác phải lo sao cho mấy tay liên lạc mần ăn cho nhặm lẹ lút ga thì mới ăn chắc được. Phần mấy anh em nằm cản mặt hậu phòng khi bất trắc thì tui đã sắp đặt đâu đó đàng hoàng hết rồi. Tui để thằng Mãnh trông coi mặt đó cũng được, phần tui, tui sẽ ở luôn đây với bác...
Bác Năm chận lời Tư Cầu liền:
- Thôi chú Tư. Chú để một mình qua trấn tại đây cũng đủ... ăn xài lớn với tụi nó rồi. Chú đi dìa mặt sau đi.
- Trời ơi, bác đẩy tui dìa chỗ... dưỡng già thì buồn chết!
Bác Năm hạ thấp giọng xuống như có vẻ khẩn cầu:
- Chú chỉ huy mà chú Tư! Chú cứ đứng ở trỏng đi rồi có cái gì qua sẽ cho liên lạc vô hỏi chú liền và nếu tụi ngoài này... ba trật bốn vuột thì có đám của chú nhào ra... bề gì có chú đứng chận ở mặt đó qua mới vững bụng hơn.
Tư Cầu vừa cười vừa vỗ vai bác Năm:
- Bác làm khó tui đó nghen!
Bác Năm níu nhẹ lấy cánh tay Tư Cầu dắt đi cho khuất mấy chỗ anh em đang “kích” rồi thủ thỉ nói:
- Chú Tư, qua biết chú... phiền qua lắm, nhưng thiệt tình ra thì qua nghĩ đến cái quẻ hồi nãy nhiều lắm nên qua mới dẫn chú Tư ra chỗ này, chớ ở trỏng rủi anh em họ nghe lọt mấy thứ chuyện này thì... không tiện.
Tư Cầu gật đầu:
- Bác nói phải. Tui đây cũng không ưa mấy thứ chuyện coi thầy coi bà bá vơ bá láp đó. Mình đánh giặc mà bác!
Bác Năm ngập ngừng đáp:
- Đối với mấy anh em nhỏ thì qua hổng dám nói gì hết thiệt, nhưng đối với chú Tư... qua phải nói thẳng: dầu sao chú cũng nên... gìn giữ một chút, năm nay cái tuổi của chú đó... đen còn hơn lọ nồi nữa!
Tư Cầu cười mũi:
- Nói như bác vậy thì năm nay tui chỉ có nước nằm xuôi cò ở nhà chớ đừng nên nhúc nhích cục cựa gì hết phải không?
Bác Năm chắc lưỡi:
- Đâu phải vậy! Mình biết như vậy để mình tính toán cho kỹ, giữ gìn cho gắt mỗi khi bắt tay vô một việc gì. Nhưng dầu sao cũng có những... thứ khác chẳng hạn như mình có quới nhơn độ mạng hay là kiếp trước mình khéo ăn hiền ở lành...
- Thời buổi bây giờ mà bác nói mấy thứ chuyện đó nghe mệt quá!
Bác Năm xô nhẹ Tư Cầu đi tới:
- Hổng ai ép chú tin nhưng.... (đến đây, bác hạ thấp hẳn giọng xuống)... còn có một điều này nữa... chú Tư bộ quên rằng thiếm sắp nằm chỗ đến nơi sao! Thôi chú Tư vô trỏng lo đỡ cái mặt hậu đó cho anh em đi!
Tư Cầu “ờ’ một tiếng không mấy hăng hái rồi thẫn thờ bước về phía trong xóm...
Trời tờ mờ sáng...
Tư Cầu đứng dựa lưng vào một gốc ô-môi gần bờ kinh ngó mông về phía ngoài vàm. Anh ta hút thuốc liên miên, điếu này nối đuôi điếu kia. Hai chân anh ta đổi kiểu đứng liền liền và bàn tay còn rảnh thì quơ đập lia lịa đám bù mắt đang bu cắn...
Anh em đứng gần đó nhìn thấy dáng điệu Tư Cầu như vậy, người nào người nấy cũng nín khe và hồi hộp nghe ngóng...
Bỗng những tiếng súng nổ như khua lộn cả không khí còn mù sương buổi sáng.
Tư Cầu thở ra quăng mạnh điếu thuốc đang hút dở rồi day qua cười nói với anh em:
- Đụng rồi đó mấy cha!
Không một ai lên tiếng trả lời.
Tư Cầu cầm khẩu các-bin lên chạy thẳng xuống phía cây cầu ván bắc de ra ngoài mặt kinh.
Súng đủ cỡ nở rộ lên một hồi, và độ mười phút sau Tư Cầu chỉ còn nghe có lác đác một vài tiếng.
Tư Cầu cau có lẩm bẩm chửi thề một mình:
- Bộ mấy thằng liên lạc mắc toi ngủ gục hết, hay chui vào xó nào rồi sao mà!
Anh ta vừa nói dứt lời thì đã thấy một thanh niên bơi xuồng rẽ nước lướt tới nghe ồ ồ...
Tư Cầu thở phào ra một hơi rồi nhón chân đưa tay ngoắc lia:
- Dữ hông! Mau mau đi cha nội!
... Anh liên lạc chưa kịp cặp xuồng vô là Tư Cầu hỏi liền:
- Sao em? Êm hết chớ?
Anh liên lạc cắm dầm cho xuồng khỏi trôi đi rồi nhảy phóc lên cầu, vui vẻ trả lời:
- Thì... êm chớ sao anh Tư!
Tư Cầu nắm lấy tay anh ta lắc lắc:
- Êm... ra làm sao? Em nói rõ một chút coi!
Anh liên lạc vênh mặt lên:
- Thì êm là... mình thắng hoàn toàn. Cú này anh em mình “no” nghen. Tụi nó xụm gần hết... Bác Năm kêu tui vô cho anh hay...
- Sao bác và anh em chưa theo em vô luôn?
- Anh em còn phải ở nán lại để tốp thì lục lọi ba cái tụi chạy trốn trong mấy đám sậy, tốp thì lặn xuống kinh mò vớt súng ống...
Tư Cầu bước ngay xuống xuồng và hối anh liên lạc:
- Thôi em bơi đưa qua rút ra ngoải coi! (đoạn anh ta day qua nói vọng lên bờ) Mấy anh dìa trước và lo chuẩn bị mấy chiếc xuồng cho sẵn hết đi nghen! Tui ra ngoài bác Năm một chút!
° ° ° ° °
Thấy Tư Cầu ra tới, bác Năm Quắn nhăn nhó cự nự anh liên lạc:
- Sao tao dặn mầy nói chú Tư ở trỏng đợi tao vô mà mầy quên hổng nói hả?
Tư Cầu vội đỡ lời anh liên lạc:
- Tại tui nóng lòng muốn ra đây mà bác! Sao bác, xong hết rồi hả? Anh em mình có ai hề hấn gì không?
Bác Năm chỉ về phía một xác chết nằm dưới gốc cây trên phủ bằng một chiếc chiếu bông cũ:
- Chỉ có thằng Ba Nhỏ... tại nó ẩu quá mà chú Tư.
Tư Cầu bước lại hé dở manh chiếu lên, thở dài:
- Tội nghiệp thằng nhỏ! Nó còn trẻ tuổi quá!... Má nó gởi nó cho tui, bây giờ nó... như vầy, tui biết ăn nói với má nó sao đây?
Đoạn day qua bác Năm, Tư Cầu hỏi thêm:
- Có một mình thằng Ba Nhỏ không thôi hả bác Năm?
- Ờ, ngoài ra đôi ba anh em khác... trầy trụa chút đỉnh thôi, còn tụi nó thì rụm gần hết, thằng chỉ huy thì chưa tìm thấy xác, chắc nó lủi vô đám ô-rô cốc kèn hay lau sậy gì trốn mất rồi. Thôi chú Tư cho anh em lui lần vô miệt trong sâu đi chớ hông thôi tụi nó vô tới bên đít bây giờ nghen!
Vừa lúc ấy có tiếng lao xao nơi phía sau ruộng, rồi có người reo lên:
- Bắt được thằng quan một người mình rồi anh em ơi!
Cả bác Năm lẫn Tư Cầu đều vội nhìn vô. Hai thanh niên đang áp giải viên sĩ quan tù binh trờ tới. Bộ quân phục trận mạc của người này lấm lem bùn đất và ông ta đang thất thểu đi tới, một tay ôm lấy bả vai bê bết máu.
Bác Năm đứng chống nạnh hất hàm hỏi anh đội viên:
- Dẫn cha nội này dìa đây làm gì vậy? Bộ mấy em tính chở nó theo để nuôi cơm hả? Sao hổng cho thằng chả một phát cho rồi.
Nghe bác Năm nói như thế, viên thiếu úy tù binh bước mau tới và lên tiếng hỏi:
- Xin cho tôi biết ở đây ai là chỉ huy?
Tư Cầu hỏi lại:
- Chi vậy?
- Tôi muốn... mấy ông đưa tôi về giáp mặt với thượng cấp của mấy ông...
Tư Cầu cười xòa:
- Ở đây hổng có ai là... thượng cấp hết, ở đây anh em với nhau không hè!
Viên thiếu úy có vẻ chán nản:
- Tôi tưởng binh đội nào cũng có cấp chỉ huy chớ!
Tư Cầu nhún vai:
- Tụi này... vậy đó!
Viên thiếu úy cau mày, hết nhìn bác Năm đến Tư Cầu rồi ấp úng hỏi nữa:
- Chắc một trong hai... ông đây là người chỉ huy đám quân này phải không?
Bác Năm gầm gừ bước xích tới:
- Mà ông hỏi chi hỏi hoài vậy hả?
- Tôi cần biết ai là người chỉ huy để thỉnh cầu một điều này...
Tư Cầu chận ngang:
- Đâu ông muốn... thỉnh cái gì đó thì ông nói phứt đi coi nghe có được hông?
Viên thiếu úy quay sang phía Tư Cầu:
- Tôi xin mấy ông áp dụng đúng đắn luật lệ tù binh và dẫn tôi về trình với thượng cấp của quý ông...
Bác Năm khều Tư Cầu:
- Thằng cha này lộn xộn quá chú Tư! Chú cho anh em... tiêu thằng chả cho rồi để mình còn khơi sớm chớ hông thôi tụi nó vô tới bên đít bây giờ!
Viên thiếu úy hấp tấp buông tay giữ vết thương, nắm lấy tay Tư Cầu lắc lắc và hốt hoảng kêu lên:
- Ông, ông... chắc ông chỉ huy ở đây hả? Xin ông nói với mấy... anh em này tôn trọng luật lệ tù binh...
Tư Cầu nhẹ gỡ tay của ông ta xuống và vừa ngó bác Năm vừa đáp:
- Ở đây, cái gì... phải thì làm, chớ hổng có luật lệ gì ráo...
Muốn không để cho viên thiếu úy kỳ kèo gì thêm nữa, bác Năm liền lên tiếng hối thúc Tư Cầu:
- Thôi mà chú Tư! Hơi sức đâu chú ở đó nghe thằng chả nói trời nói đất hổng biết! Anh em mình rủi lọt vào tay mấy chả thì có đòi này đòi nọ hông!
Tư Cầu nhìn viên thiếu úy lắc đầu:
- Đó ông coi, thiệt tình thì dầu tụi tui có muốn dẫn ông cho làm tù binh cũng hổng được. Lát nữa bên ông kéo vô ruồng bố lung tung tụi này chỉ lo chạy thục mạng còn ai đâu mà lo giữ ông. Đó là tui chưa nói đến mấy cha nội V.M hay phe phái khác còn chực sẵn để nhảy vô... ăn có tụi này nữa...
Nghe vậy, bác Năm chêm vô luôn thêm một câu:
- Anh em thâu dọn xong xuôi hết rồi chú Tư và chỉ chờ chú ra lịnh...
Tư Cầu thở dài bước ra chỗ khác rồi quay lại nói trống không:
- Anh em... lo cho xong hết mau mau đi!
Nói xong, Tư Cầu bỏ đi xuống mé kinh.
Bỗng một đội viên hấp tấp chạy xuống cầm đưa cho Tư Cầu một chiếc bóp da:
- Bác Năm biểu tui đem xuống đưa trình anh cái bóp của ông quan một đó... (thấy Tư Cầu nhướng mắt lên có ý ngạc nhiên, anh nọ nói tiếp)... Dạ, ở trỏng có tiền khá bộn.
Tư Cầu cầm lấy chiếc bóp làm bằng một thứ da mắc tiền mềm dịu, mở ra. Anh ta bỗng chú ý đến một tấm ảnh khổ 6x9 lồng dưới một miếng mi-ca trong suốt. Trong bức ảnh có hình của một thiếu phụ trẻ đẹp và hai đứa bé gái xinh xắn.
Tư Cầu nhíu mày nhìn kỹ những gương mặt tươi cười trong ảnh. Anh ta mím môi có vẻ suy nghĩ lung lắm rồi hấp tấp hỏi anh đội viên:
- Thằng cha quan một đó bây giờ ở đâu hả?
Anh đội viên thản nhiên đáp:
- Dạ, mấy anh em dắt ổng ra mé sau ruộng rồi, chỗ đó hơi khuất một chút... phần ông một đó ổng cự nự quá trời...
Tư Cầu vội vã xô anh đó chạy trở lên:
- Em dông lên nói với anh em khoan... làm gì hết nghen! Để qua lên rồi hãy tính!
Anh đội viên định hỏi lại nhưng thấy Tư Cầu quắc mắt một cách thật dữ dội nên đành vừa chạy rút đi, vừa kêu réo vọng lên:
- Khoan, khoan! Để ông một lại đó, anh em ơi!
Độ nửa phút sau, bác Năm đích thân dẫn viên thiếu úy xuống cùng với một số anh em khác. Gặp mặt Tư Cầu, bác cau mày hỏi liền:
- Gì vậy nữa chú Tư?
Tư Cầu ngó xuống đất:
- Tui tính... mình nên thả thằng chả cho rồi...
Bác Năm trợn mắt:
- Chú nói giỡn sao chớ! Đến cái việc mình bắt thằng chả theo cũng còn hổng được nữa thay, huống hồ gì chú tính thả thằng chả đi! Bộ ngày nào mình cũng vớt được một.. trự có gạch vàng như vậy sao?
Tư Cầu mở banh bóp ra rụt rè trao cho bác Năm xem tấm ảnh:
- Tui cũng biết vậy, nhưng bác ngó vô tấm hình này coi... Tui nghĩ ông này (Tư Cầu hất hàm chỉ về phía viên thiếu úy)... còn vợ trẻ con thơ nheo nhóc ở nhà...
Bác Năm cười khan:
- Vậy chớ ở đây anh em mình hổng ai có vợ con gì hết sao? Mà ai biểu thằng chả theo Tây?
Viên thiếu úy vội lên tếng:
- Tôi ở vào cái thế... kẹt. Hồi nãy tôi có nghe ông này nói (ông ta chỉ vào Tư Cầu) mấy ông cũng... kẹt như tôi, nhưng biết sao, tôi rủi ro bị đổi về đây và gặp mấy ông trong một hoàn cảnh như vậy... Tôi cũng muốn nuớc nhà mình độc lập...
Bác Năm chép miệng:
- Cha nội nào cũng khoe là mình xếp bót về cái chuyện độc lập hết mà rốt cuộc... đập lộn nhau thiếu điều không còn miếng da mẹ đẻ! Thiệt nghe mấy cha nội riết tui cũng hết biết đâu mà rờ...
Nghe bác Năm hơi dịu gọng, viên thiếu úy mạnh dạn nói thêm:
- Mấy ông muốn biểu làm sao thì biểu, chớ thật tình thì tôi... như vậy đó! Nhưng rủi một việc nữa là tôi lại thuộc vào hạng người cầm súng nên có lúc cũng... khó ăn khó nói quá!
Tư Cầu cười nói chen vô:
- Thì tụi này cũng cầm súng vậy! Có điều là tụi này hổng có ưa thực dân thì... đánh giặc chơi. Mai kia mốt nọ đâu đó bình yên hết rồi thì tụi này cũng rã đám dìa cầm cày cầm cuốc trở lại chớ làm vương làm tướng gì!
Viên thiếu úy cúi đầu thở dài:
- Mấy ông có phước hơn tôi là ở chỗ đó!
Tư Cầu lại cười to:
- Thôi đi cha!
Bác Năm sốt ruột tằng hắng một tiếng rồi hỏi lại Tư Cầu:
- Bây giờ chú Tư tính sao đây? Chẳng lẽ anh em mình cứ đứng đây nói chuyện năm trên năm dưới hoài với ổng để chờ... tây vô nó xúc hết cả bọn!
Tư Cầu mím môi cúi xuống nhìn bức ảnh trong bóp còn cầm nơi tay, rồi ngước lên hỏi viên thiếu úy:
- Bộ hình vợ con của ông đây hả?
- Phải.
- Có nội bây nhiêu đây thôi hay là còn nữa?
Giọng viên thiếu úy trở nên bùi ngùi:
- Tôi mới được hai đứa con gái như ông thấy trong hình đó, và cũng sắp có thêm một đứa nữa... Kỳ này, chúng tôi đều ao ước sanh một đứa con trai... (ông ta nhìn Tư Cầu cố gắng gượng cười nhưng mắt chớp lia) Vợ tôi ham một đứa con trai lắm nhưng chuyện này, dầu trai hay gái thì cũng phải đành... mở mắt chào đời trong cảnh... mồ côi rồi!
Tư Cầu nuốt nước miếng và thấy cổ như khô lại:
- Vậy hả... Tội nghiệp quá há! Tháng này con vợ tui nó cũng...
Tư Cầu kịp ngừng lời ngay chỗ đó và đưa mắt rụt rè nhìn bác Năm. Bác Năm nhăn mặt như cắn phải ớt, nhưng rồi lại lắc đầu thở ra một hơi dài. Giọng bác đã không còn gay gắt mà trở nên trầm trầm:
- Thôi chú Tư có tính gì đó thì tính phứt đi.
Tư Cầu tươi hẳn mặt lên:
- Tui tính mình thả ông quan một này dìa cho rồi. Thêm người chết nữa, anh em mình cũng chẳng lợi lộc gì mà để khổ cho vợ con người ta. Vợ ổng cũng gần ngày sanh... Mình cũng nên để phước dìa sau...
Một đội viên đứng gần đó, ý chừng còn bực mình vì vết thương nơi da đầu mới lãnh trong trận vừa rồi nên lớn tiếng nói chen vô:
- Ý trời ơi, sao anh tính thả thằng chả chi cho uổng vậy anh Tư! Vợ thằng chả có gần sanh gần đẻ thì ăn thua gì đến cái chuyện đánh giặc đánh giã này chớ!
Tư Cầu vừa hất mạnh khẩu súng mang trên vai cho đứng ngay lại vừa quay phắt sang phía anh đội viên, mắt lườm lườm:
- Ăn thua gì không, thì tao hổng cần biết đách gì hết! Tao thả người ta là tao... thả vậy thôi!
Bác Năm vội bước đến níu lấy tay anh đội viên xô nhẹ đi tới:
- Thôi đi chú mầy! Chú mầy hổng lo băng bó còn đứng xớ rớ ở đây làm chi nữa! Việc này trên có chú Tư, dưới có qua định liệu là đủ lắm rồi, chú mầy còn xía vô làm gì nữa hả?
Anh đội viên đành lủi thủi bước thẳng xuống mé kinh...
Bác Năm đi lại gần viên thiếu úy và nghiêm giọng bảo:
- Thôi, ông đi dìa đi... chắc ông biết đường chớ!
Viên thiếu úy mở to mắt nhìn bác rồi nhìn Tư Cầu và lấp bấp hỏi lại:
- Bộ... mấy ông... thả tôi thiệt sao?
Tư Cầu khẽ gật đầu. Bác Năm nói thêm:
- Tui này đâu có nói giỡn đó ông! Ông cứ đàng hoàng ra dìa hổng ai làm gì đâu mà ông sợ. Như vậy để cho ông có dịp thấy rằng tụi này tuy không cần biết luật lệ tù binh khỉ gì hết mà vẫn... bảnh như thường!
Viên thiếu úy nghẹn ngào đáp:
- Tôi biết... tôi dư biết rồi. Thật tôi may mắn lắm mới được... gặp mấy ông...
Bác Năm bỗng cười xòa:
- Thôi ráng dìa lo săn sóc vết thương đi rồi... còn gặp tụi này nữa! Mà lần sau chắc hổng được may mắn hoài hoài như vầy nữa đâu nghen! (liếc xéo Tư Cầu, bác Năm ỡm ờ nói tiếp) Ông hổng biết chớ cái may... bự bằng chiếc đệm của ông là ở chỗ bà một ở nhà gần ngày nằm chỗ đó, ông dìa ráng lo o bế nưng niu bả cho gắt đó nghen ông!
Tư Cầu cười tủm tỉm trong lúc viên thiếu úy tuy không hiểu gì nhưng cũng lên tiếng cám ơn rối rít hai người:
- Thật tôi không bao giờ dám quên ơn hai ông và tất cả anh em ở đây...
Tư Cầu gấp cái bóp lại trịnh trọng trao trả cho ông ta:
- Đây tui trả lại ông.
Viên thiếu úy cung kính đỡ lấy:
- Cám ơn...
Tư Cầu mỉm cười gạt ngang:
- Ối chút đỉnh mà ơn nghĩa khỉ gì!
Viên thiếu úy mở bóp móc xấp giấy bạc ra, khép nép nói:
- Cái này là do lòng thành của tôi: tôi xin gởi số tiền mọn gọi là để... ủy lạo anh em ở đây...
Tư Cầu ngó bác Năm:
- Ý trời, ủy lạo... ngược nè bác! Đó, bác tính sao thì tính.
Bác Năm gãi đầu:
- Thì... ông một ổng có lòng thành...
Tư Cầu cầm lấy xấp bạc trao cho bác Năm rồi quay lại viên thiếu úy:
- Thôi bây giờ... đâu đó xong xuôi hết rồi, mạnh ông, ông đi, mạnh tụi này, tụi này dông... đường ai nấy theo nghen!
Tư Cầu dơ tay ngoắc anh em rồi xoay lưng đi xuống mé kinh.
Bỗng viên thiếu úy chạy theo níu lấy tay Tư Cầu. Ông ta chưa kịp nói gì thì bác Năm thấy vậy đã vội vàng bước lại hỏi chận liền:
- Gì nữa đó ông nội? Tụi này hổng có dư thì giờ nghen!
Viên thiếu úy gượng cười:
- Tôi chỉ xin hỏi ông này một việc... riêng.
Tư Cầu nhíu mày:
- Việc riêng?
- Không dám nào ông cho tôi biết... quý danh...
Tư Cầu hơi mỉm cười:
- Ông này sao ăn nói kiểâu cọ quá... mà ông hỏi tên tui làm chi vậy! Để dễ... tóm cổ sau này hả?
Viên thiếu úy lắc đầu lia lịa:
- Tôi đâu có đến nỗi quá tệ như vậy! Sở dĩ tôi muốn biết quý danh của ông là để mai mốt gì đây, một khi đứa con thứ ba của tôi ra chào đời xin ông cho tôi được phép dùng quý danh để đặt tên lót cho nó...
Tư Cầu thở ra:
- Ý thôi đi, ông này sao rắc rối tổ mẹ! Tên với họ gì cho nó lộn xộn thêm nữa hổng biết!
Viên thiếu úy nắm lấy Tư Cầu, giọng tha thiết:
- Tôi muốn xin ông thêm một đặc ân đó. Tôi muốn rằng mãi mãi về sau này, con tôi sẽ ghi nhớ và kể lại cho mọi người khác nghe rằng, sở dĩ nó có một cái may mắn tột cùng tránh khỏi được cái số phận mồ côi cha trong bụng mẹ nó là nhờ một người mà tôn danh còn lưu lại trên cái tên lót đó.
Tư Cầu có vẻ cảm động, nhưng cũng ráng cười nói đùa:
- Thôi, tui cũng... ăn ở cho trót với ông. Tui tên Cầu, nhưng nếu bà một sanh con trai thì lấy chữ Cầu đặt tên lót được, chớ nếu sanh con gái thì... lót chữ ấy nghe trúc trắc lắm!
Viên thiếu úy ngậm ngùi đáp:
- Dạ, chỉ có bấy nhiêu thôi...
Tư Cầu giơ tay ra dấu hối ông ta đi:
- Ờ nếu xong hết thì mạnh ai nấy dông. Nè, ông nhớ lội ra phía sau ruộng rồi nhắm hướng đó dìa thẳng tới Hồng Ngự, chớ ông đừng thả lang bang trong xóm... hổng nên đa!
Viên thiếu úy có vẻ bịn rịn:
- Không biết đến bao giờ tôi mới có dịp gặp lại mấy ông...
Bác Năm nhăn mặt nói chen vô:
- Ý thôi, cái chuyện đó cho tui xin đứt đi! Mệt lắm!
Tư Cầu gật gù tiếp lời bác Năm:
- Ông dìa chuyến này nên... xin đổi đi chỗ khác, chớ ông lẩn quẩn ở đây thế nào cũng... gặp nhau, mà như vậy là khó ăn khó nói lắm!
Bỗng bác Năm vừa nghển cổ lên nghe ngóng, vừa giơ tay ra hiệu bảo im:
- Tây nó bắt đầu vô tới rồi nghen anh em! Có tiếng tàu chạy xình xịch ngoài sông cái, đúng rồi, nước lớn nên mình nghe rõ lắm!
Tư Cầu liền ra lịnh:
- Anh em mạnh ai nấy xuống xuồng bơi rút vô trong ngọn đi!
Bác Năm cũng vội chạy đi đốc thúc anh em.
Tư Cầu quay lại nhìn viên thiếu úy:
- Thôi, tui cũng xin kiếu ông.
Giọng viên thiếu úy trở nên nghẹn ngào:
- Mấy ông đi cho được... bình yên... mạnh giỏi!
Tư Cầu mỉm cười dơ tay vẫy chào:
- Ông dìa mạnh giỏi! Nhớ nói với bà Một ráng sanh con trai đó nghen!
Nói xong Tư Cầu quày quả rảo bước đi xuống mé kinh.
Trong lúc ấy, tiếng súng bắt đầu nổ. Bên ngoài sông cái, tàu Tây đã vô tới và đang cho ria đạn để dọn đường. Vài trái moọc-chê đã lác đác rơi nổ ành ành hai bên bờ kinh.
Viên thiếu úy đứng xớ rớ ở đó một chút rồi cũng vội vàng chạy ra phía mé ruộng...
Bỗng có tiếng chân chạy thình thịch rồi tiếp theo tiếng Tư Cầu réo gọi xen lẫn với tiếng đạn súng cối nổ ầm ì:
- Ê, ông Một!
Viên thiếu úy vội quay phắt lại và vừa lúc ấy Tư Cầu cũng vừa hớt hải chạy đuổi theo, tay cầm bộ áo quần bà ba cũ cuộn tròn lại.
Viên thiếu úy lo lắng hỏi liền:
- Sao ông không lo cho anh em rút đi gấp mà còn quay trở lên đây?
Tư Cầu hấp tấp đáp:
- Rút hết trơn rồi. Đây, tui chạy vụt lên để đưa cho ông bộ quần áo này để bận thay vào bộ trây-di kia. Tui sợ ông đi làng chàng gặp mấy cha nội khác họ... bắt lại thì... uổng cái công tụi này thả ông quá!
Viên thiếu úy cầm chặt lấy bộ quần áo trong hai bàn tay:
- Cám ơn...
- Thôi, tui... lui nghen!
Dứt lời, Tư Cầu đâm đầu chạy thẳng.
Viên thiếu úy ngùi ngùi ngóng theo hình bóng của một ân nhân mà ông ta khó thể gặp mặt lại nữa được, rồi tần ngần cúi xuống nhìn bộ quần áo đen đang cầm trong tay.
Mấy phát moọc-chê nổ như muốn... bứng luôn mấy khóm tre dày bịt sau xóm. Một số dân quê hớt hải chạy túa ra phía sau ruộng để tìm chỗ núp trốn. Viên thiếu úy vội lủi vào một đám sậy gần đó để thay đổi quần áo...
Thấy Tư Cầu vừa ló mặt ra khỏi mấy bụi chuối, anh đội viên ngời đợi dưới xuồng vội cầm dầm lên và gọi to:
- Mau mau đi anh Tư ơi, tụi nó đổ bộ ngoài mé sông cái rồi!
Tư Cầu vừa chạy rút xuống, vừa đáp:
- Qua tới đây nè!
Bỗng một tiếng nổ đinh tai điếc óc làm văng đất lên tứ tung... Tư Cầu chưa kịp nhào xuống tránh là đưa tay ôm lấy một bên ngực, buột miệng chửi thề lớn lên:
- Đ.m. trúng tao rồi Tám ơi.
Anh Tám (tên đội viên ngồi đợi dưới xuồng) đang nằm mọp xuống khoang để núp đạn nghe tiếng gọi thất thanh của Tư Cầu vội ngẩng đầu lên...
Anh Tám thấy Tư Cầu một tay giữ ngực, một tay nắm lấy một tàu lá chuối rủ xuống để gượng lại cho khỏi ngã.
Tư Cầu cố nhoai người tới để bước đi nhưng tàu lá chuối vì bị trì xuống quá nặng nên tróc tuột dọc theo bẹ, khiến cho anh ta té chúi nhủi về phía trước.
Anh Tám vội quăng dầm chạy lên nâng Tư Cầu dậy:
- Có sao không anh Tư?
Tư Cầu nhăn nhó rút bàn tay đang ôm một bên ngục giơ ra trước mặt: bàn tay ấy dính đầy máu.
Đạn moọc-chê vẫn được câu vô đều đều như muốn vây quanh lấy hai người rút lui sau cùng ấy...
Tư Cầu day qua, ráng lấy giọng bình thản bảo anh Tám:
- Em lấy khăn tắm quấn đỡ cho qua đi... rồi mình xuống xuồng cho gấp... Đem dùm cây súng cho qua... sao nó nặng chình chịch vậy nè...
Anh Tám lính quýnh làm y lời Tư Cầu, đoạn dìu anh ta đi rút xuống xuồng sau mấy lần vấp ngã...
Đến nơi, Tư Cầu buông người nằm dài lên trên sạp xuồng; anh Tám vội vã níu lấy be xô lần tới, rồi nhảy phóc lên ngồi phía sau lái, quơ lấy dầm bơi ồ ồ...
Tư Cầu lại cất tiếng hỏi:
- Anh em đi trước lâu mau rồi hả em Tám?
- Dạ, lâu lắm. Bây giờ hổng chừng họ đã chống xuồng băng qua ruộng để vọt về phía bên giồng... Dạ, hễ qua tới bển là kể như vững rồi... Anh nhắm anh... có sao hông anh Tư?
- Ờ... chắc hổng sao. Em bơi xăng lên để dìa bển cho kịp... nhờ bác Năm cầm máu dùm...
Anh Tám cắm đầu cắm cổ bơi rút... Tiếng súng như đuổi theo phía sau lưng và dòng kinh bỗng nhiên trở nên vắng tanh, dài mút một cách... dễ sợ vô cùng.
Tư Cầu chợt cựa mình rên nho nhỏ, buông thõng một cánh tay ra ngoài be xuồng. Mấy đầu ngón tay chấm xuống mặt nước và kéo lê thành một lằn dài theo trớn xuồng đi tới.
Anh Tám vội gác dầm bò lên khẽ nhấc cánh tay Tư Cầu để xuôi lại. Anh ta cúi xuống nhìn chỗ băng vết thương và hoảng kinh khi chợt thấy khoảng nước đọng trong khoang xuồng đã biến sang màu đỏ lợt.
Anh ta hớt hải bò rột trở lại chụp lấy dầm lên, cong lưng bơi xuồng đi như lướt trên mặt kinh...
Vô tới đồng rau muống, anh Tám gác dầm lên, chụp lấy sào chống rút đi về phía giồng... và khi anh Tám vừa tới nơi, thì đã thấy bác Năm cùng một số anh em chực sẵn đợi trên bờ. Anh ta hấp tấp kêu lớn lên để báo tin dữ:
- Bác Năm ơi, anh Tư bị thương rồi!
Bác Năm bươn lội đại xuống mé nước:
- Chú Tư bị thương hả? Mà nặng hay nhẹ?
Mũi xuồng vừa lướt tới là bác chụp kéo cập vô bờ và lấp bấp kêu Tư Cầu:
- Chú Tư! Chú Tư... Chú bị thương ra sao đó chú?
Tư Cầu từ từ mở mắt ra, nhăn nhó... nhưng khi nhìn ra bác Năm, anh ta cố gắng nhoẻn miệng cười:
-... Bác Năm!
Bác Năm xem sơ qua chỗ băng và sắc diện của Tư Cầu rồi quay lên kêu réo đám anh em đang đứng bu nghẹt trên bờ:
- Bây đâu! Hai ba đứa gì xuống khiêng chú Tư! Mà nhớ nương nhẹ chớ dừng để động hay lắc chú đó nghen!
Bốn năm anh em dành nhau lội xuống...
Bác Năm kềm sát một bên Tư Cầu:
- Khiêng chú đem để ở chỗ cao ráo, khuất nắng gió ở phía sau cái nhà sàn ngói đó!... Thằng Tám mầy chạy lại xuồng tao lấy gói thuốc đen lên nghen!... Còn đứa nào đó lo đi muợn chiếc chiếu trải sẵn đi!
Bác Năm vừa tháo chiếc khăn tắm ra là chắc lưỡi hỏi Tư Cầu:
- Trời ơi, sao chú để bị... như vầy hả chú Tư?
Nhớ trực lại Tư Cầu cần được nằm yên, bác vội chận liền:
- Thôi chú đừng nói! Để qua hỏi thằng Tám cũng được...
Và trong lúc anh Tám thuật sơ lại trường hợp Tư Cầu bị trúng miểng đạn, bác Năm vừa nghe vừa lui cui lo rịt buộc thuốc cầm máu...
Nhìn sắc mặt xanh lét và đôi mắt mất thần của Tư Cầu, bác Năm lẩm bẩm cằn nhằn một mình:
- Máu chảy gần sạch bách mà cầm đách gì nữa được!
Rồi bác quay sang cự anh Tám:
- Chắc mầy bơi xuồng như rùa bò mới ra nông nỗi này! (chợt nhận thấy mình vô lý, bác thở dài rồi chép miệng than thở) Thiệt hễ xểnh tui ra một chút là có chuyện rồi!
Đoạn bác ghé sát xuống mặt Tư Cầu, giọng nửa như oán trách, nửa như xót thương:
- Chú Tư... sao qua nói hoài mà chú hổng chịu nghe!... Chú có thương thiên hạ thì cũng vừa vừa nó...
Tư Cầu cau mày làm bác Năm im bặt, rồi Tư Cầu phều phào nói:
- Bác Năm, làm sao... bác lo chở tui... dìa nhà... cho kịp...
Bác Năm gật đầu lia lịa:
- Được mà! Kịp mà!
Vừa lúc đó, có tiếng lao xao ngoài mé ruộng. Anh Tám vội chạy đi nghe ngóng và khi quay trở lại có dẫn theo cậu bé trạc mười bốn, mười lăm tuổi.
Bác Năm hất hàm hỏi anh Tám:
- Thằng nhỏ nào đó mậy?
Anh Tám nắm tay cậu bé dắt lại gần:
- Dạ, đây là em vợ của anh Tư qua cho ảnh hay... chỉ ở nhà sanh rồi...
Tư Cầu mở choàng mắt ra, nặng nhọc nhấc bàn tay lên một chút để ngoắc cậu bé lại:
- Em Ba qua đó hả... Bộ chị Hai...
Thằng Ba (em vợ Tư Cầu) thấy anh rể kêu tới, nó khóc òa lên, chạy tới quỳ xuống một bên cạnh, rồi nó vừa hít mũi, vừa mếu máo nói:
- Chị Hai sanh rồi anh ơi... Chỉ sanh hồi chiều hôm qua... chỉ biểu em bơi xuồng qua cho anh hay liền... Em kiếm anh lung tung mấy nơi... kế gặp Tây bố và sau đó, em hỏi thăm gần chết, người ta mới chỉ em qua bên này... em có dè đâu anh bị... như vậy.
Nét mặt Tư Cầu có vẻ tươi tỉnh lại đôi chút. Anh ta đưa tay ra dấu cho thằng Ba cúi sát mặt xuống:
- Trai hay... gái..
Thằng Ba sốt sắng đáp liền:
- Trai. Chị Hai chỉ mong anh dìa dữ lắm! Đây nè, chỉ có viết thơ kêu em đem qua cho anh (vừa nói, thằng Ba vừa móc túi lấy một tờ giấy gấp làm tư, mở banh ra trao cho anh rể).
Tư Cầu lẩy bẩy cầm lấy lá thơ và tờ giấy run run trên bàn tay đã mỏn sức. Anh ta nhăn mặt, chớp mắt liền mấy cái: những dòng chữ trên lá thơ như nhòe hẳn đi. Anh ta khẽ lắc đầu buông thõng tay xuống:
- Em Ba... em đọc...
Thằng Ba nhẹ rút tờ giấy ra khỏi mấy ngón tay đã bắt đầu đờ cứng của anh rể, rồi vừa sịt mũi mếu máo đọc:
“Mình,
Em sanh con trai hồi năm giờ chiều ngày mùng tám mình à. Em đợi hoài đợi hủy mà chẳng thấy mình về. Nhớ lời mình dặn, em sẽ đặt tên nó là Kỳ. Nó có chút xíu nhưng tía má nói nó giống mình lắm. Mình bắt được thơ này...”
Bác Năm bỗng đưa tay khều nhẹ thằng Ba và thở dài bảo:
- Thôi em...
Thằng Ba cúi xuống nhìn Tư Cầu. Nó bỗng kinh hãi đứng rột dậy, bước lùi lại phía sau một bước, rồi khóc òa lên. Mắt Tư Cầu đứng tròng và một tia máu nhỏ chảy rỉ nơi khóe miệng hãy còn phảng phất giữ một nụ cười...
Bác Năm rút lấy bức thơ nơi tay thằng Ba xếp kỹ lại, cúi xuống nhét vô túi áo Tư Cầu, đoạn kính cẩn đưa tay vuốt mắt kẻ xấu số, rồi cầm lấy hai mí chiếu đắp phủ lên xác chết...
Dưới mé ruộng, một con chim vịt cất tiếng kêu thảm thiết trong đám cây điên điển và bay vụt lên làm những cánh hoa vàng úa rơi lả tả trên mặt nước, để rồi lững lờ trôi đi... trôi đi....
Ở phía kinh Cầu Muống, tiếng súng vẫn còn nổ đều đều...

HẾT

Xem Tiếp: ----