ư Cầu xô nhẹ tấm cằng–tăng chắn trước cửa “nhà” của con Ba. Tiếng kêu kẹt kẹt làm con Ba vội quay đầu ra hỏi lớn: - Ai đó hả? - Anh đây... Tư Cầu đây mà! Con Ba la rộ lên: - Dữ hông! Tự hổm nay đâu mất biệt, bây giờ mới vác cái mặt lại vậy! Tư Cầu tươi cười bước vô: - Ờ... mắc công chuyện nhiều quá, hổng có ở không em Ba à! Con Ba cũng hớn hở chạy ra, vồn vập hỏi thêm: - Ủa, sao hôm nay anh nghỉ sớm vậy?... Bây giờ chừng gần chín giờ tối chớ gì! - Ừ bữa nay rằm nên khách tới ăn uống trong quán cũng không có là bao, nên anh xin phép cô Năm nghỉ sớm để lợi thăm em một chút. Con Ba nắm tay nó lôi lại bộ ván: - Ý, đêm nay bắt cóc anh ở lợi đây chớ “một chút” khỉ khô gì! Anh nói sao dễ nghe quá! Rồi không đợi Tư Cầu kịp trả lời, nó nói dồn thêm: - Bây giờ còn sớm... trước hết hai đứa mình đi coi hát bóng nè, rồi đi ra kiếm chè cháo gì ăn nè, rồi dìa thẳng đây ngủ nè! Và nó nhảy xổ lại một tay câu quặp lấy cổ Tư Cầu, một tay bụm lấy miệng không cho Tư Cầu nói năng gì hết: - Mà tui cấm hổng cho anh cãi! Anh có chịu hông thì nói tiếng một? Tư Cầu vừa ú ớ trong miệng vừa gật gật đầu và vùng vẫy... chiếu lệ trong hai cánh tay của con Ba. Con Ba buông anh ta ra. Tư Cầu vội chạy sụt lùi và nói lớn: - Mà bây giờ tui hổng chịu đó có sao hông? Con Ba đứng chống nạnh nhìn nó rồi bĩu môi: - Hổng chịu cái mốc xì họ! Nội cái việc anh đến đây sớm bửng, tóc tai láng cót, quần áo mướt rượt như thế kia... cũng đủ biết anh ở hay hổng ở rồi!... Nói như vậy có trúng tim đen anh hông hả anh Tư? Tư Cầu cười xẻn lẻn: - Giỏi đa! - Giỏi thì lợi đây cưng! Tư Cầu tìm cách nói lảng: - Mà anh hổng đi coi hát bóng đâu! Chóng mặt thấy mồ, rồi nghe tây đầm nó nói xí xô xí xào đã, rồi ôm hun chụt chụt dị... hợm quá! - Xời ơi, nói như anh vậy thì chết một cửa tứ! Tại anh ngồi hạng cá kèo nên mới chóng mặt chớ ngồi mấy hạng trên đâu có sao! Anh phải tập xem riết cho nó quen đi chớ! Để em dắt anh đi coi tuồng này: tuồng “lính kín, ăn cướp” hay gắt củ kiệu à anh! Tư Cầu nói xụi lơ: - Thì ráng coi thử một chuyến vậy! Cha, phải chi có hát cải lương thì đỡ khổ biết mấy! - Ừ... nhưng ở trên này có hát quảng, hát dù kê, chớ cải lương thì năm thuở mười thì mới có gánh ở Sài Gòn lên một chuyến anh à! Nói xong nó ôm chầm lấy Tư Cầu và ngước mặt lên nhõng nhẽo nói: - Hun em một cái rồi đi anh Tư! Tư Cầu nhăn mặt hôn phớt lên má nó. Con Ba cự nự: - Hun gì như... phủi bụi, hổng ăn nhằm gì hết! Có hun lợi hông thôi chết với tui bây giờ! Tư Cầu kề mũi đặt lại lên má con Ba, rồi... thận trọng hít một hơi nhè nhẹ. Con Ba cười rộ lên, xô nó ra: - Thiệt anh hổng biết khỉ gì ráo! Vậy mà hổng chịu đi coi hát bóng cho thường! Thôi, để em sửa soạn mặt mũi, tóc tai qua loa một chút rồi đi coi cho kịp suất chín giờ nghen anh. Nói xong, con Ba vội bưng đèn lại đặt trên một cái thùng cây kê gần sạp ván, rồi lấy kiếng, lược ra chải đầu. Không biết làm gì, Tư Cầu rề lại đứng gần một bên ngắm nhìn... ... Con Ba vuốt vuốt cặp lông mày nhổ tỉa nhỏ rứt, lấy cây son thoa nhẹ một lớp lên môi, rồi mím mím để cho đều màu. Thấy vậy, Tư Cầu nhớ lại hồi còn ở dưới vườn, anh ta từng đứng rình xem mấy đứa con gái lấy áo nhang thoa môi son, đánh má hồng đỏ chót. Con Ba chợt bắt gặp cặp mắt của Tư Cầu phản ảnh trong mặt kiếng và tự nhiên nó đâm ra mắc cở, quay phắt đầu lại hỏi: – Anh nhìn gì dữ vậy? Tư Cầu cười chúm chím: - Thì coi em sửa soạn vậy mà!... Lịch sự lắm đa! Vậy mà lời khen ngô nghê của Tư Cầu cũng làm cho con Ba thấy thích. Nó nguẩy đầu đi, “hứ” một cái rồi trở lại xăm xoi trước mặt kiếng một hồi nữa. Xong nó đứng dậy kéo vạt áo cho ngay phẳng. Lần đầu tiên, Tư Cầu tự nhiên để ý nhìn đến khuôn ngực nhỏ gọn nhưng tròn vun như vừa đủ rướn căng lên dưới lớp vải bông xanh đậm của chiếc áo xẩm bó sát eo... Nhưng rồi anh ta quay đầu đi và lên tiếng hối con Ba: - Thôi đi chớ em! Con Ba thổi tắt đèn rồi hí hửng nắm lấy tay anh ta dắt ra cửa. Vừa bước đi, Tư Cầu bỗng nhớ trực đến thằng Năm nên lên tiếng hỏi con Ba: - Ủa, còn thằng Năm đâu nãy giờ hổng thấy nó? - Ối anh hơi sức nào mà lo cho nó: nó lang bang suốt ngày suốt đêm hổng có giờ giấc gì ráo. Tụi tui thường thường là như vậy đó anh à! Tư Cầu chép miệng than: - Khổ quá há! Con Ba làm mặt giận giậm chân mạnh xuống đất: - Nữa! Khổ hay không gì thây kệ mồ tụi tui, ai biểu anh rên la hoài vậy! Từ rày sắp lên, anh mà còn kêu như vậy nữa thì... nghỉ chơi anh đa! Tư Cầu vội đáp: - Ừ mà! Anh nhớ rồi! Con Ba đưa tay vuốt má nó: - Vậy phải được hông! Tụi mình đang vui đang sướng mà cưng... ° ° ° ° ° ... Sau khi tan hát bóng ra, con Ba và Tư Cầu còn ghé qua quán bán đồ ngọt rồi mới lững thững đi về nhà. Đến hẻm vô nhà con Ba, bỗng nhiên Tư Cầu đứng lại: - Thôi tui đưa tới đây, tui dìa nghen em Ba! Con Ba đứng phắt lại, trừng mắt nhìn anh ta rồi lôi tuột anh đi vô hẻm: - Anh đừng có giỡn chớ? Đừng có để em phải nói hoài hổng được đa! Tư Cầu thở dài một cách... cam phận. Vào đến nhà, con Ba bảo Tư Cầu: - Anh đứng yên đó nghen, để em đốt đèn lên cái đã! Ánh đèn dầu vàng vàng như làm tăng thêm vẻ ấm cúng của căn nhà vốn đã nhỏ bé. Tự nhiên, Tư Cầu đâm ra lúng túng. Anh ta hết rờ cái này mò cái kia, rồi bẻ mấy lóng tay nghe răng rắc. Sau cùng anh ta tìm ra một câu để hỏi con Ba: - Bộ thằng Năm chưa dìa sao em Ba? Con Ba vừa lấy cây quạt lá kè phủi phủi sạp ván vừa đáp: - Ối, anh hơi sức đâu mà hỏi nó! Thường thường tối nó tấp vô thớt thịt hay hàng ba nào đó ngủ, chớ có mấy khi nó dìa đây. Thôi, anh cởi áo ra đi rồi lên đó nằm nghỉ. Tư Cầu buông một tiếng “ờ” rồi cứ đứng xớ rớ ở đó. Thấy vậy, con Ba chạy lại dựa vào ngực anh ta vừa đưa tay cởi hàng nút áo: - Thôi để em cởi cho... anh sao khó biểu quá! Tư Cầu thụt lùi lại mấy bước nhưng con Ba vẫn đeo dính theo và tấm vách nhà làm cho anh ta hết đường thối lui nữa. Con Ba mỉm cười ranh mãnh rồi hỏi: - Chịu trận rồi phải hông? Tư Cầu nhún vai thở dài. Con Ba đưa tay nắn nắn hai bả vai của anh ta rồi xòe tay xoa nhẹ lên hai bắp thịt ngực và chắc lưỡi khen: - Cha, da thịt anh chắc nịch há! Tư Cầu hởi dạ nói liền: - Ý, phải em thấy anh hồi còn ở dưới ruộng... anh mập mạnh như con trâu cui! Bây giờ xọp bớt rồi đó! Rồi anh ta nhìn con Ba cắc cớ nói thêm: - Cũng tại mấy bà mà tui thành thân tàn ma dại như vầy đó! Con Ba nguýt dài: - Hứ, tại ai thì anh biết, chớ hổng phải tại con này đâu nghen! Tư Cầu cười: -... Thì để rồi coi! Nói xong anh ta đi lại sạp ván ngồi xuống, cởi tuốt áo ra rồi thò tay vô túi móc gói thuốc rê ra vấn hút. Con Ba thấy vậy chạy lại chụp lấy gói thuốc giấu đi ra sau lưng. Tư Cầu chưng hửng hỏi: - Bộ cấm hổng cho hút thuốc nữa sao? Người ta đương thèm thấy mồ đây nè... Con Ba nghênh mặt hỏi lại: - Bộ anh thèm thuốc hơn thèm... em hả? Tư Cầu nhăn nhó: - Thèm cái gì thì thèm chớ cũng để người ta mần vài hơi cái đã! - Nhưng anh hút thứ thuốc rê mắc dịch đó khét nghẹt ai chịu nổi! Để em lấy thuốc thơm cho anh hút nghen! Tư Cầu chắc lưỡi: - Trời đất ơi, thuốc thơm lạt nhách ai mà hút được! Con Ba không nói năng gì hết, chạy lại đầu nằm moi ra một gói thuốc ách chuồn, rút một điếu dộng dộng lên móng tay cái, kê vô đèn đốt hút vài hơi, rồi đem lại nhét vô miệng Tư Cầu. Tư Cầu buộc lòng bập bập vài hơi rồi rút ra cầm chăm bẳm nơi tay và nói như than thở một mình: - Thiệt còn quá bà nội người ta nữa! Con Ba nghe vậy cười hăng hắc rồi đưa tay ra mở mấy cái khuy áo xẩm cởi tuột ra... Tư Cầu vội đứng nhổm dậy giơ tay ra đằng trước như để cản ngăn và kêu lên: - Coi... Con Ba cầm cái áo xẩm quây quây trong tay, đôi chân thì nhún nhẩy như theo một điệu nhạc tưởng tượng, rồi nó khẽ hất hàm nhìn Tư Cầu... nửa như thách thức, nửa như hỏi han. Tư Cầu luống cuống quay mặt tránh đi nhìn vô phía vách. Trên vách... cây đèn dầu đặt dưới thấp rọi nghiêng một bên người của con Ba và in lên thành một cái bóng đen to lớn lồ lộ những đường cong kiêu hãnh. Tư Cầu bối rối ngồi xuống lại trên sạp ván và rít liền bốn năm hơi thuốc khói mịt mù. Thấy vậy con Ba lại cười rộ lên... Những tiếng cười lanh lảnh càng làm cho Tư Cầu thêm mướt mồ hôi trán và đánh trống ngực thình thịch. Và không biết có phải vì say thuốc hay vì quá hồi hộp, Tư Cầu bíu chặt mười đầu ngón tay xuống dưới mặt chiếu. Con Ba chậm rãi bước lại gần anh ta đưa tay giựt lấy điếu thuốc liệng xuống đất lấy guốc chà lên, rồi ôm ghì lấy cổ anh ta và âu yếm hỏi nhỏ: - Cái gì mà khớp quá như trai tơ mới lớn lên vậy? Tư Cầu cười gượng: - Bậy nà... Con Ba kê mặt sát lại mặt của Tư Cầu và đôi bàn tay thì mân mê lấy chân tóc của anh ta... Ánh đèn chiếu lên làm Tư Cầu chú ý nhìn đến đôi mắt mở to và ngời sáng của con Ba, đến đôi môi ướt hé mở để lộ hai hàng răng trắng bóng... và nhứt là một chiếc răng lòi xỉ chìa ra... Tự nhiên Tư Cầu muốn cắn vồ lấy chiếc răng quá có duyên ấy. Con Ba ú ớ trong miệng rồi phều phào nói qua một hơi thở dài: - Dữ hông... ... Rồi nó nằm trườn lên trên ván dang một cánh tay ra kêu Tư Cầu: - Nằm gối đầu lên đây cưng! Tư Cầu ngần ngại ngó ngọn đèn dầu rồi ấp úng nói: - Anh thổi tắt đèn nghen em! Để chong suốt đêm như vậy... hao dầu và chói mắt chớ ích gì... Con Ba ngóc đầu dậy nói chận ngang: - Để đèn y nguyên đó đa! Tư Cầu chắc lưỡi: - Bộ ăn cơm ăn cá gì sao mà sợ mắc xương hổng biết! Con Ba bò rột dậy: - Cha, chớ hổng phải tại anh nhát đèn hả! Và không đợi Tư Cầu nói thêm một câu gì nữa, con Ba nhoai mình tới ôm ghịt lấy cổ anh ta vật mạnh xuống. Bị mất thăng bằng một cách bất ngờ, Tư Cầu té ngửa xuống chiếu và để yên cho con Ba ngồi lên trên. Tư Cầu chịu thua một cách... thú vị. Dưới ánh đèn dầu vừa đủ sáng, anh ta tò mò nhìn lên: đôi mắt con Ba long lanh một cách dị thường, mái tóc đen nhánh của nó xổ tung vắt lên đôi vai trắng nõn, rũ cả xuống ngực Tư Cầu... và Tư Cầu càng nhìn kỹ càng thêm hoa mắt vì cái ức không gì ràng buộc kia. Phần con Ba, tự nãy giờ nó vẫn rình sát Tư Cầu. Nó mỉm cười đắc ý rồi từ từ rướn mình lên ấp lấy mặt của người yêu. ... Bên ngoài mặt trăng rằm đã xế về tây. Tiếng guốc kéo lê trên đường vắng của một anh “tẩm quất”, cũng như tiếng kêu lẹt rẹt từng hồi của xâu tiền thiếc nơi tay anh ta, vang lên một cách mệt mỏi trong đêm tàn... ° ° ° ° ° Tư Cầu đi lại với con Ba đã trên một tháng. Khi thì con Ba đến rủ anh ta đi chơi, khi thì anh ta có thì giờ rảnh rang thả rề lại gian nhà bé nhỏ nằm khuất sâu trong ngõ hẻm quen thuộc. Tư Cầu tuy không mê mệt lắm với cuộc tình duyên mới mẻ này nhưng rất bằng lòng con Ba và vẫn thầm phục đó là một cô gái sỏi đời biết tránh những cái gì phiền phức thường tình và không đòi hỏi những sự săn sóc lặt vặt của người đàn ông. Tối nay, rảnh việc sớm nên Tư Cầu ăn diện sạch sẽ thả bộ lại thăm con Ba như mọi khi. Anh ta vừa rảo bước đi, vừa khoan khoái ngước mắt lên nhìn mấy vì sao lấp lánh trên mà ánh đèn điện của thành phố không lấn át đi được. Anh ta khẽ hút gió một bài hát quen thuộc, một bài hát Nhựt buồn buồn mà mấy đứa làm chung đằng quán cơm của cô Năm nghêu ngao hát suốt ngày làm cho anh ta nghe riết rồi cũng quen điệu. Thấy còn rộng thì giờ, Tư Cầu quẹo ra ngã bờ sông vì nơi đó gió lộng mát và nhứt là Tư Cầu có nhiều kỷ niệm lúc mới đặt chân lên sống trên đất lạ quê người này. Ra đến chỗ thoáng gió, Tư Cầu đưa thẳng hai tay lên trời vuôn vai một cách khoái trá... Vừa lúc đó, một tiếng quát to ở phía sau: “Ê, thằng kia đứng lại!” làm cho Tư Cầu giật mình đánh thót và quay phắt lại. Tư Cầu bật cười: - Ối, anh Sáu mà tui tưởng ai chớ! Anh làm tui hết hồn hết vía! Đó là thằng Sáu Cẩu, và Tư Cầu rất đỗi ngạc nhiên khi nhận thấy nó không nói không rằng mà cứ gầm gầm đi thẳng tới. Tiếng “cắc” của lưỡi dao sáng dới bật ra khỏi tay Sáu Cẩu làm cho Tư Cầu hoảng kinh nhảy lùi ra sau một bước. Anh vội khoát tay và lấp bấp nói: - Ê ta, đừng giỡn gì kỳ vậy chớ! Sáu Cẩu cười gằn: - Tao mà giỡn với mầy hả! Tao đâm thấy mẹ mầy bây giờ đây nè! Tư Cầu nghe nói vậy đâm ra bực mình “mầy tao” hỏi lại: - Bộ mầy điên hả? Tao làm gì mà mầy đâm tao hả? - Làm gì thì mầy biết đó! - Coi, mầy nói mờ ớ như vậy bà nội tao đoán cũng hổng ra nữa. Sáu Cẩu sấn lại gần thêm một bước: - Mầy muốn biết hả! Được, vậy tao hỏi mầy đi đâu giờ này đó? Tư Cầu khoanh tay trước ngực đứng yên và cười lại đáp: - Tao đi đâu thây kệ tía tao, mắc mớ gì đến mầy chớ? - Thứ đồ thỏ đế! Mầy có gan mầy nói thiệt mới bảnh chớ! Bị Sáu Cẩu chê là nhát, Tư Cầu không thấy tức mình mà chỉ bắt buồn cười và nói trống không: - Bộ thằng này nó tính nói cho sướng miệng sao mà! (rồi anh ta mỉm cười nhìn thẳng vào mặt Sáu Cẩu thân mật hỏi) Bộ người anh em nghi tui phá khuấy công việc mần ăn, đi mạch cho tây tà lính tráng gì sao chớ? - Hứ, mầy mà làm vậy thì mầy đã chết nhăn răng năm bẩy đời vương rồi! - Ủa, vậy chớ chuyện gì mà mầy tính sanh sự với tao đây? Hay là... hay là mầy phiền tao về cái việc tao... đi thăm chị thằng Năm chắc? Sáu Cẩu gầm lên: - Té ra mầy cũng biết như vậy nữa hả? Và nó sấn lại dí mũi dao nhọn hoắc vào chí ngực Tư Cầu, rồi nói gằn từng tiếng: -... Bởi vậy, tối nay đời mầy mới tàn! Tư Cầu chỉ đi thụt lùi được vài bước thì đụng lưng vào một đống củi chất dọc theo mé sông. Mũi dao của Sáu Cẩu vẫn chĩa thẳng vô đụng tới ngực Tư Cầu và anh ta đã thấy đau đau. Không nghe Tư Cầu nói lại, Sáu Cẩu cười đắc ý: - Bộ mầy sợ quá rồi á khẩu luôn hả? Bây giờ mầy có lạy tao, tao cũng quyết không tha! Tự nãy giờ Tư Cầu nín thinh để nghĩ cách đối phó, nay nghe Sáu Cẩu nói như vậy đâm ra nổi “sùng” lên: - Mầy thiệt là thứ đồ cà-xốc chó! Hè chi con Ba nó đá đít mầy cũng phải lắm! Sáu Cẩu tức giận điếng người ấn mạnh con dao thêm một chút nữa và hét lên: - Mầy nói một tiếng nữa, tao đâm mầy liền! Tư Cầu cũng quát lại: - Mầy đâm tao kêu mầy bằng cha! Đừng nói gì tao chết cho mắc công, thử thời tao bị trầy da một chút xíu thôi, con Ba nó hay được thì trời cứu mầy đa Sáu! Nghe Tư Cầu nói vững như vậy, Sáu Cẩu cũng đâm ra chột dạ và nó làm bộ hỏi thêm: - Đêm nay chỉ có tao với mầy ở đây thì ai mà vô biết được mậy? Tư Cầu “xì” một tiếng rồi đáp: - Thứ đồ gì mà u mê ám chướng quá! Óc trong đầu của mầy đem chiên mỡ ăn thì may ra còn được, chớ mầy hổng biết dùng để suy nghĩ đách gì hết! Tao hỏi mầy: hễ tao mà biến đi thì con Ba nó còn nghi cho ai vô đây nữa? Chỉ có mầy thôi! - Sao lại tao? - Mầy cũng là tay anh chị mà sao hổng có... mở mang gì hết! Hồi tao mới gặp mầy, tao thấy bộ vó của mầy xăng xái, phùng xòe một bên con Ba là tao biết liền... sau đó, tao đã nói với con Ba rằng tao hổng muốn để cho có chuyện mích lòng mích bề với mầy... - Mầy biết vậy sao mầy còn lớn mật. Tư Cầu chận ngang: - Để tao nói hết cho mà nghe! Con Ba nó nói hễ nó khoái ai thì nó chấm người nấy, chớ hổng có thằng nào được lộn xộn gì ráo. Còn cái chuyện hễ tao có rủi ro bề gì thì con Ba nó ăn thịt mầy liền... chuyện đó tao tưởng mầy biết nhiều hơn tao. Tụi bây kết bè kết đảng mần ăn, thì đâu phải thằng nào muốn mần ông mần cha gì cũng được hết! Nói tới đó, Tư Cầu để ý thấy Sáu Cẩu vẫn nín thinh và mũi dao đã bắt đầu run run trên ngực của anh ta chớ không có ấn sát như lúc ban đầu. Nhanh như chớp, Tư Cầu vừa hót mình cong lại phía sau, vừa đánh vẹt cánh tay cầm dao của Sáu Cẩu ra. Con dao văng rớt trên đá lót đường kêu loảng xoảng, và trong lúc Sáu Cẩu còn đang loạng choạng chưa kịp định thần lại thì Tư Cầu đã phóng tới quất thêm một đá nữa vào bả vai làm cho nó té bật qua một bên. Cho rằng như vậy cũng đủ rồi, Tư Cầu đứng yên. Sáu Cẩu lồm cồm bò vậy về phía chỗ con dao rớt xuống, Tư Cầu liền nhảy tới lấy chân hất con dao ra xa, rồi cúi xuống lượm lên, bẻ cái lưỡi quặp vô cán. Đoạn anh ta từ từ đi lại chỗ Sáu Cẩu đang còn ngồi xổm dưới đất hai tay chống lấy bộ để tung người lên. Tư Cầu đưa tay mặt ra và dịu dàng nói: – Thôi đứng dậy anh Sáu! Sáu Cẩu ngạc nhiên ngó sững Tư Cầu một hồi, rồi thận trọng lui một bước đứng phắt dậy. Tư Cầu lên tiếng: - Đây, tui trả lợi cho anh con dao. Vừa nói Tư Cầu vừa liệng con dao bổng lên về phía Sáu Cẩu. Sáu Cẩu vội chụp lấy, rồi hết ngó con dao nằm trong lòng bàn tay đến nhìn sang Tư Cầu. Nó lấp bấp trong miệng: - Ủa... bộ anh... Tư Cầu cười tiếp lời: - Phải, con dao của anh thì tui trả lại anh chớ có gì đâu! Cha, con dao coi bộ tốt đa, để khi nào rảnh tui phải nhờ anh kiếm mua cho tui một cái giống như vậy mới được! Nghe Tư Cầu nói lảng ra chuyện khác một cách tỉnh khô, Sáu Cẩu đâm ra cảm động và lúng túng: - Anh Tư! Tui xin lỗi anh. Tại tui nóng quá... - Ối, ai mà hổng có lúc nóng... ngang xương (và Tư Cầu cười nói tiếp) Nhưng hễ có nóng thì phải có nguội, chớ hè nhau nóng ráo thì... hư bột hư đường hết anh Sáu à! Sáu Cẩu vội gật đầu: - Phải đó anh. - Chắc anh Sáu dư biết, ở dưới thiếu gì chuyện đáng để... mần thịt nhau, bởi vậy mình hổng nên vì con đàn bà mà để cho nhẹ thể đó anh! Sáu Cẩu cũng thở dài: - Cố nhiên rồi! Tư Cầu nhìn ra phía bờ sông rồi chậm rãi nói tiếp: - Thiệt ra, cái chuyện vừa rồi làm cho tui áy náy lắm anh Sáu à! (liếc thấy Sáu Cẩu định mở miệng. Tư Cầu vội giơ tay như để tốp lại) Ậy, anh để tui nói cho hết đã! Tui nói đây có Bà Cậu mần chứng, hổng phải tui muốn tranh dành con Ba với anh Sáu đâu... - Ai... nói anh tranh dành hồi nào? Tư Cầu gượng cười nói thêm: - Anh nói vậy, chớ trong bụng anh sao khỏi hồ nghi này nọ! Nhưng tui nói thiệt với anh Sáu: Tui đã từng bị chết lên chết xuống vì một con đàn bà rồi thì còn ham mê gì nữa mà nghĩ đến chuyện tranh giành của thiên hạ anh Sáu? Sáu Cẩu vỗ nhẹ tay Tư Cầu: - Chuyện đó thì tui đã có nghe thằng Năm kể lại rồi! Tư Cầu vội nói: - Đó, anh Sáu chắc đã hiểu rõ bụng tui rồi! Sáu Cẩu cười đáp: - Tui hiểu rồi mà và tui phục anh nữa! - Cha, phải chi anh nhập bọn với tụi tui thì ngon lành quá! Thêm một tay của anh nữa, tụi mình làm vua một cõi, biệt có sợ thằng nào làng chàng ở chợ Nam Vang này nữa! - Ý thôi đi cha nội! Tôi ngán cái chuyện đó lắm! Hổng phải tui sợ chết yểu hay sợ mang thẹo gì, nhưng tui nói hoài: ở đời thiếu gì chuyện đáng để cho mình... ăn thua đủ! Anh hổng thấy lóng rày trong nhựt trình người ta đăng chuyện đánh giặc, bỏ bom lung tung đó sao? (rồi nó hạ giọng xuống) Người ta còn nói: Nhựt-bổn nó qua đây đi lền khên ngoài đường đó, là sắp có chuyện lớn đa anh! - Ừ tui cũng có nghe thiên hạ xầm xì dữ lắm... - Thì đó thế nào cũng có chuyện đánh giặc đánh giã và chừng đó thiếu gì dịp để... sanh tử một phen như tui nói với anh hồi nãy! Sáu Cẩu lắc đầu: - Ối anh hơi sức nào tính chuyện bao đồng hổng biết! Tây Tàu hay Nhựt gì đó họ có quánh nhau thì cũng ở trên trời hay dưới biển, hay ở tí mú nào đó chớ ăn nhập gì đến tụi mình! - Coi, nói như anh vậy sao được! Đành rằng mình hổng ăn nhập gì, nhưng rủi đến chừng đó nói họ hổng nghe, họ “nhập” đại mình vô rồi mới tính sao đây! Sáu Cẩu cười rộ lên: - Nhập vô để tế mồ họ hay để làm gì chớ? Tui cho rằng nếu có lộn xộn gì đi nữa thì cũng chẳng ai cần đến cái thứ tụi mình. Thiên hạ dầu cho ai làm ông làm cha đi nữa thì... Sáu Cẩu này vẫn hoàn là Sáu Cẩu! - Nói điệu.. chìm xuồng như anh vậy thì hết chuyện rồi! Đã đành rằng mình hổng mần ông hoành ông trấn gì hết, nhưng nếu có chuyện thì mình cũng bị dính chùm theo ráo anh Sáu à? Sáu Cẩu vẫn cãi lý: - Coi, tui sống sao thây kệ tía nội tui chớ mắc mớ tới ai mà “dính chùm” vô đó? Tư Cầu lúng túng cắt nghĩa: - “Dính” chớ sao hổng “dính”!... Đây, nội cái chuyện con mèo cũ của tui trước đây cũng vậy: tui có muốn “dính” vô nó đâu! Tui muốn ở yên chăn trâu, chăn vịt hè!... Nhưng rồi đó anh coi: ý là tui khăng khăng một mực như vậy mà hổng muốn đèo bòng gì ráo trọi mà rốt cuộc rồi cũng xất bất xang bang, trôi giạt lên tới trên này đó!... Còn như cái nghề của anh - tui nói đây xin anh cảm phiền đừng để bụng nghe! - tui nghe người ta kể: một khi Nhựt nó ở đâu, hễ ai ăn cắp ăn trộm gì mà tụi nó bắt được thì... a lê, lấy gươm chặt cái tay nào lấy đồ đó liền! Như vậy anh có chịu hông! Sáu Cẩu cự nự: - Như vậy đâu có được ta! Nó mà chơi cái mửng đó, tui rình đâm thấy bà cố nó, chớ bộ giỡn sao! Tư Cầu đắc ý vỗ vai Sáu Cẩu: - Thì đó anh nghĩ lại coi có “dính” như tui nói hông? Sáu Cẩu cười xòa: - Thì cũng có “dính” chút đỉnh... Nhưng cái này là đụng chạm đến chuyện mần ăn của mình mà! - Đúng đa! Nhưng ở đời này, ai muốn sống mà hổng mần ăn đó anh Sáu? Có ai há họng lên trời hứng sương hay cúi xuống kê mỏ cạp đất mà sống được đâu! Sáu Cẩu nín thinh một hồi rồi thở khì ra đưa tay cặp kè Tư Cầu lôi đi: - Thôi dẹp cái chuyện đó qua một bên... chớ nói riết tới nó đi lùng tung tui nghe nhức óc lắm! Bây giờ tui rủ anh đi lợi đằng quán cóc gần đây uống bậy một cái đờ-mi với tui cho vui, rồi kế đó... (nói đến đây, Sáu Cẩu mỉm cười nháy nháy Tư Cầu) tui thả cho anh muốn đi đâu thì đi... Tư Cầu xô nó ra: - Bậy mà! Đi uống chút đỉnh la-ve với anh cho có bạn thì được, chớ sau đó tui dìa thẳng chớ hổng đi đâu nữa hết! Sáu Cẩu níu tay nó lại: - Tui nói thiệt, chớ hổng phải lẫy đương gì đâu anh Tư à! Thằng này coi lơ mơ vậy chớ cũng điệu lắm, hổng phải ẹ như người ta đâu! Trước đây, tui tưởng anh tranh giành con Ba và muốn làm tay tổ với tui nên tui mới... hơi bực mình một chút vậy thôi! Bây giờ tụi mình hiểu nhau quá xá rồi thì xin anh đừng ngại gì hết! Đối với con Ba... chim trời cá nước ai bắt được nấy hưởng, hổng tui thì anh, hổng anh thì thằng khác. Tui nói thiệt đa anh Tư, anh cứ lợi đằng con Ba như thường đi! Tư Cầu đáp bằng một giọng vừa chí tình vừa quả quyết: - Được rồi! Nhưng đêm nay tui buồn ngủ quá, để đi nhậu với anh ba sợi rồi dìa ngủ thẳng cẳng một giấc cho sướng thân! Sáu Cẩu vội đưa tay ra chụp lấy bàn tay của Tư Cầu gục gặc lên xuống mấy cái liền: - Thiệt anh mới là tay bảnh hổng ai qua mặt nổi! (rồi nó thiệt thà hỏi thêm Tư Cầu) Hồi nãy, rủi tui lỡ đâm anh một dao chết tiệt đi... rồi sao anh Tư? Tư Cầu mỉm cười độ lượng: - Bậy nà! (rồi nói đùa thêm) mà tui có gồng Xiêm thì anh đâm lủng khỉ gì được! Thôi, anh bao tui đi nhậu chớ bộ tính lơ ra rồi sao! Sáu Cẩu vội đáp: - Ý, mần lơ sao được anh Tư! Mấy cái dịp này mà hổng có rượu thì còn hay ho gì nữa! Nói đoạn, nó cặp kè Tư Cầu đi thẳng lên phía chợ... ° ° ° ° ° Thấm thoát Tư Cầu ở trên Nam Vang được hơn một năm. Số tiền công của anh ta làm cho cô Năm dành dụm trước sau gần cả ngàn đồng bạc. Mỗi tháng anh chỉ lấy một ít tiền để xây xài lặt vặt, hay khi nào có cần mua sắm món gì mới lãnh ra thêm, chớ bao nhiêu tiền lương đều gởi cho cô Năm cất giùm hết. Tư Cầu có ý định là khi nào được một số tiền kha khá anh ta xin nghỉ để trở về xứ. ... Mấy hôm nay, gió cuối năm lào rào thổi làm cho Tư Cầu khoắc khoải nhớ nhà hơn bao giờ hết. Mấy chiếc ghe chở dưa hấu tấp nập dưới bờ sông càng làm cho anh ta động lòng nhớ cố hương. Hơn nữa, Tư Cầu tính nhẩm số tiền gởi cho cô Năm cũng khá bộn rồi nên bụng sẽ hỏi cô Năm lãnh hết ra và xin nghỉ làm để quay trở về nhà. Số tiền ấy kể ra cũng là một số vốn khá quan trọng mà Tư Cầu hằng mơ ước và nay đã được mãn nguyện. Với số tiền ấy, anh ta có thể vững tâm trở về gặp tía má mình và mở mặt cùng bà con chòm xóm để vớt vát lại tiếng “bỏ nhà ra đi lưu linh” lúc trước. Anh ta nhớ lại từ hồi nào tới giờ, gia đình mình chưa hề biết mặt biết mũi một số tiền lớn như vậy ở trong nhà. Một bữa tối nọ, sau khi dọn dẹp và đóng cửa quán xong về nghỉ, Tư Cầu bèn vào nhà trong tìm gặp cô Năm để nói rõ cái ý định mà anh ta đã tính đi tính lại cả trăm lần suốt cả một tuần lễ nay. ... Cô Năm đang ngồi trên bộ ngựa gõ giữa nhà ăn trầu xỉa thuốc, thấy Tư Cầu cứ đứng xớ rớ gần đó như muốn nói điều gì, cô Năm bưng ống nhổ nhỏ bằng đồng lên chậm rãi nhổ cốt trầu, lấy cái khăn vải tây điều lau hai bên vành miệng rồi ngước mặt lên hỏi anh ta: - Ủa, tối nay bộ mầy hổng thả rểu đi chơi sao Tư? Tư Cầu vội tiến đến gần bộ ngựa và đáp: - Dạ, lâu lâu mới đi chơi một lần chớ đêm nào cũng vậy hết chịu sao nổi cô Năm! Cô Năm cười nói: - Vậy mà tao tưởng mầy cà rà ở đó để hỏi lấy chút đỉnh tiền dằn túi đi chơi chớ! Bữa nay nghỉ sớm, bộ mầy không lại thăm con nhỏ gì mà thường hay lại đây nẹo lôi mầy đi chơi mọi khi đó? Tao tưởng tụi bây mèo chuột với nhau khắng khít lắm mà! Tư Cầu cũng cười đáp: - Ối, thứ con nhỏ quỷ đó mà kể số gì cô Năm! Thì cũng... lăng nhăng cho qua ngày vậy chớ ăn đời ở kiếp gì! - Cha, tao coi bộ mầy nói bảnh đa! Hết chết vì con nhỏ gì... à con Phấn phải hông mậy? Tư Cầu thở dài: - Thì cô Năm nghĩ coi: thét rồi nó cũng... chai đi (rồi nó ngập ngừng nói thêm) Dạ thưa cô Năm, cháu muốn xin cô một việc này... - Việc gì thì mầy nói phứt đi! Sao bữa nay coi bộ mầy lừng khừng quá vậy? Tư Cầu bẻ bẻ mấy lóng tay: - Dạ... cháu muốn xin phép cô Năm cho cháu trở dìa xứ... Cô Năm đang xỉa thuốc ba ngoe vội ngừng tay lại: - Coi, làm gì mà gấp vậy? Mầy dìa dưới hổng sợ tía mầy sao? Rồi công việc mua bán đăng đăng đê đê ngoài quán cơm ai vô đây thay thế cho mầy? - Dạ... cháu đã nhứt định như vậy rồi. Cô Năm vói tay níu Tư Cầu xích lại gần và dịu dàng nói: - Cháu Tư à, chắc cháu cũng dư biết là hồi nào tới giờ cô đối đãi với cháu hổng phải giống như mọi người làm công khác. Cô coi cháu cũng hổng khác chi ruột thịt và có việc này cô tính để thủng thẳng rồi bàn tính với cháu, nhưng sẵn có dịp đây cô cũng nói luôn cho cháu rõ... Tư Cầu ngạc nhiên hỏi lại: - Có chuyện chi vậy cô Năm? Cô Năm dịu dàng đáp: - Chắc cháu cũng dư biết rằng: nhà cô trước sau hiu quạnh chỉ có một mình cô thôi, bởi vậy từ lâu cô thấy cháu hiền lành dễ thương, chịu khó mần ăn và cũng cui cút có một mình, cô tính nhận cháu làm con nuôi... Tư Cầu nhìn sững cô Năm: - Dạ thưa cô, cháu... - Ậy, để cho cô nói hết cái đã!... Phải, cô muốn nhận cháu làm con nuôi chớ cô càng ngày càng trọng tuổi, công việc mua bán ngoài chợ bề bề ra đó nếu hổng có người tin cậy coi sóc thì cô khó lòng kham nổi đó cháu! Tư Cầu cảm động đáp: - Thiệt cháu không dè cô Năm thương cháu như vậy, cháu hổng biết nói sao để cám ơn. Nhưng cô Năm còn có em, cháu ở dưới Châu Đốc thiếu gì... - Thì đã đành như vậy rồi, nhưng tụi nó ở xa lắc xa lơ và cũng hổng rành công việc mua bán trên này bằng cháu được. Hơn nữa, tụi nó đứa nào đứa nấy cũng có đất đai vườn tược đời nào nó chịu bỏ xứ lên trên này! - Nhưng cháu bề gì cũng là người dưng và cháu khi không nhảy vô như vậy tránh sao cho khỏi tiếng đời dị nghị... - Coi, cháu để ý làm gì chuyện đó! Ăn thua một mình cô đây là đủ rồi. Mai kia mốt nọ cô có nhắm mắt buông tay thì phải có người lo cúng quảy giỗ chạp cho cô chớ! Và rủi khi trái gió trở trời, cô có nằm xuống thì cũng có người lo thuốc men và nhứt là trông nom công chuyện mần ăn cho nó chạy như thường chớ! - Cô nói vậy cũng phải nhưng... Cô Năm gạt ngang: - Hổng nhưn nhị gì hết, cháu phải nghe lời cô! Tư Cầu vội nói mau: - Dạ thưa cô Năm, cháu dư hiểu cô Năm thương cháu lắm, nhưng cháu đã nhứt quyết trở dìa xứ...