PHẦN 3
8:32 SÁNG THỨ NĂM
CHƯƠNG 38

     ước vào hội trường trên tầng sáu cùng mười bảy quân nhân khác từ tất cả các đơn vị quân đội, trung sĩ lục quân Mỹ Lucy Richter thoáng mỉm cười với chồng cô. Cô cũng nháy mắt với các thành viên gia đinh – cha mẹ và bà dì – đang ngồi phía bên kia căn phòng.
Lời cảm ơn có lẽ là hơi quá ngắn gọn, hơi xa cách. Nhưng Lucy không ở đây với tư cách vợ của Bob hay con gái, cháu gái. Cô ở đây với tư cách một quân nhân được tuyên dương, với sự có mặt của các sĩ quan cấp trên, các đồng đội nam cũng như nữ.
Lúc này, khi gia đình và bạn bè đã lên hội trường, các quân nhân vẫn tụ tập dưới gác. Chờ đợi tới phút tiến vào đầy kiêu hãnh, Lucy nói chuyện phiếm với một chàng trai trẻ, lính phi công đến từ texas và trở về Mỹ để điều trị y tế (một quả lựu đạn rocket chết tiệt đã đập trúng ngực anh ta, trước khi nẩy bật ra phát nổ cách đó vài thước). Anh ta nói rất háo hức được trở về nhà.
“Nhà à?”, Lucy hỏi. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ tái ngũ mà.”
Anh ta nháy mắt. “Tôi sẽ tái ngũ. Tôi muốn nói tới đơn vị của tôi. Đó chính là nhà.”
Băn khoăn đứng trước chiếc ghế của mình, Lucy liếc nhìn cánh phóng viên. Cái cách họ quan sát xung quanh, hau háu tìm kiếm cơ hội viết bài y như những tay bắn tỉa tim kiếm mục tiêu khiến cho cô cảm thấy căng thẳng. Rồi cô gạt họ ra khỏi đầu óc và chăm chú dồn ánh mắt vào các bức ảnh treo trên tường phục vụ buổi lễ. Những hình ảnh ái quốc. Cô xúc động trước hình ảnh lá cờ Mỹ, ảnh chụp tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại, các biểu ngữ và biểu trưng quân đội, các sĩ quan đeo huân, huy chương cùng những hàng vạch thể hiện những khoảng thời gian và địa điểm họ đi chiến đấu.
Và suốt trong lúc đó, tâm trạng cân nhắc diễn ra dữ dội. Suy nghĩ về điềuKathryn Dance nói, Lucy tự hỏi: Vậy sự thật đối với mình là gì?
Quay lại vùng đất đầy sương mù đắng nghét?
Hay cứ ở đây?
Có hay không?
Những cánh cửa phụ mở ra và hai người đàn ông ánh mắt linh lợi – người thuộc Cơ quan Mật vụ – bước vào, theo sau là sáu người cả nam lẫn nữ mặc com lê hoặc quân phục với phù hiệu nhân viên cao cấp, các dải băng màu, huân, huy chương phủ kín ngực. Lucy nhận ra mấy người này là những nhân vật quan trọng từ Washington và chính quyền thành phố New York, tuy nhiên, cô cảm thấy xáo động hơn trước sự hiện diện của những nhân vật quan trọng từ Lầu Năm góc, bởi họ đến từ cái thế giới mà cô đã biến nó trở thành một phần cuộc đời mình.
Tâm trạng cân nhắc đầy mệt mỏi vẫn diễn ra trong cô.
Có hay không...
Sự thật… Sự thật là gì?
Khi các quan chức đã ngồi xuống, một vị tướng từ New Jersey nói mấy câu bình luận và giới thiệu một người đàn ông đẹp trai, đĩnh đạc, mặc quân phục màu xanh lam thẫm. Tướng Roger Poulin, Tổng Tham mưu Trưởng Liên quân, đứng dậy và bước tới trước cái mic.
Poulin gật đầu với người dẫn chương trình, rồi với những người ngồi trong căn phòng. Bằng một giọng trầm, ông nói: “Thưa các tướng lĩnh, các vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, và thành phố New York, các anh chị em binh sĩ, cùng các vị khách quý… Tôi vui mừng được chào đón các vị đã có mặt tại đây ngày hôm nay, dự buổi lễ long trọng này, tuyên dương mười tám cá nhân dũng cảm, những con người chấp nhận nguy hiểm tới tính mạng và thể hiện tinh thần sẵn sàng hy sinh cao nhất, để bảo vệ tự do cho đất nước chúng ta, và để đưa sự nghiệp dân chủ đến khắp nơi trên trái đất”.
Khách khứa vỗ tay nhiệt liệt và đứng cả dậy.
Tiếng ồn ào tắt dần. Tướng Poulin tiếp tục bài phát biểu. Đầu tiên, Lucy Richter lắng nghe, nhưng rồi cô dần dần mất tập trung. Cô nhìn những người dân thường trong căn phòng – gia đình và bạn bè các quân nhân. Những người như cha, mẹ, chồng, và dì cô, những người vợ, người chổng, con cái, cha mẹ, ông bà, bè bạn.
Những con người này sẽ rời khỏi đây sau buổi lễ, trở về với công việc, với ngôi nhà của họ. Họ sẽ quay lại sống cuộc đời ngoài kia từng ngày, từng giờ, từng phút.
Tất nhiên, nghi thức quân đội không cho phép cô mỉm cười, nhưng Lucy Richter có thể cảm thấy gương mặt cô đang giãn ra và sự căng thẳng trên đôi vai cô tan biến tựa sương mù đắng nghét tan biến theo một cơn gió nóng bỏng. Nỗi tức giận, chán nản, phủ nhận – tất cả những gì Kathryn Dance bảo cô hãy xem xét – đột ngột tan biến.
Cô nhắm mắt lại chốc lát, rồi sự chú ý trở về với người đàn ông mà, sau Tổng thống Hợp chủng quốc, là vị chỉ huy cao nhất của cô, hiểu rõ ràng rằng, dù bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời cô, cô cũng đã quy định và cô bằng lòng với quyết định ấy.
Charles Hale ở trong phòng vệ sinh nam một quán cà phê gần tòa nhà HUD. Trong cái ngăn bẩn thỉu, gã rút từ dưới áo lót ra một chiếc túi đựng rác. Gã cởi bộ quân phục, thay bằng quần bò, áo len, áo khoác ngắn, đeo găng tay, những thứ gã vừa mua xong. Gã nhét bộ quân phục, áo khoác dài và mũ vào chiếc túi đựng rác, giữ lại khẩu súng. Gã tháo pin và sim khỏi điện thoại di động, nhét cả vào chiếc túi. Rồi, đợi tới lúc khu vệ sinh không có ai, gã tống chiếc túi vào thùng rác, bước ra khỏi quán cà phê.
Khi đã lại ở ngoài phố, Hale mua một thẻ điện thoại trả trước bằng tiền mặt, đi thơ thẩn dọc theo vỉa hè rợp bóng cây cho tới lúc cách tòa nhà HUD ba khối phố. Từ vị trí thuận lợi này, gã nhìn được một khoảng hẹp phía sau tòa nhà và con hẻm nơi người ta phát hiện “nạn nhân” đầu tiên của Thợ Đồng Hồ. Gã có thể quan sát một ô cửa sổ màu bạc của hội trường trên tầng sáu nơi buổi lễ đang diễn ra.
Chiếc áo khoác mỏng và Hale nghĩ mình sẽ bị lạnh, nhưng lúc này trong tâm trạng phấn chấn, gã không cảm thấy khó chịu gì. Gã nhìn đồng hồ đeo tay hiện giờ bằng con số, nó đã được điều chinh cho khớp với thiết bị hẹn giờ của ngòi nổ hai quả bom.
Bây giờ là 12:14:19. Buổi lễ bắt đầu lúc mười hai giờ. Một điều Hale rút ra được từ sự nghiên cứu kỹ lưỡng là khi đánh bom, hãy luôn luôn để cho người ta yên vị đã, để cho những người chậm trễ tới kịp, để cho những nhân viên bảo vệ bắt đầu lơ đễnh.
12:14:29.
Một khía cạnh thú vị của hai quả bom lần này, một cái gì đó ngẫu nhiên thôi, gã nghĩ thầm, là Joanne, cô thợ cắm hoa, đã đổ đầy hai chiếc bình bằng hàng trăm viên bi thủy tinh bé tí. Bất cứ ai nếu chưa chết hoặc chưa bị thương nặng vì chỗ thuốc nổ cũng sẽ bị găm những viên đạn thủy tinh đó.
12:14.44.
Hale thấy mình quỳ sụp xuống, cúi về phía trước. Luôn luôn có khả năng một cái gì đó gặp trục trặc – bộ phận an ninh tiến hành rà soát bom mìn vào phút cuối cùng hay ai đấy trông thấy gã trên camera đi vào tòa nhà rồi nhanh chóng đi ra rất đáng ngờ vực.
12:14:52.
Tuy nhiên, nguy cơ thất bại khiến thắng lợi trong cuộc chiến đấu với nỗi buồn chán thêm ngọt ngào. Cặp mắt Hale dán chặt vào con hẻm đằng sau tòa nhà HUD.
12:14:55.
12:14:56.
12:14:57.
12:14-58.
12:14.59.
12:15:00.
Một nắm đấm khổng lồ của lửa và các mành vỡ im lìm phá tung cửa sổ hội trường. Nửa giây sau, mới đến tiếng nổ long trời lở đất.
Những giọng nói lao xao xung quanh Hale. “Ôi, lạy Chúa. Cái gì...?” Những giọng la hét. “Nhìn kìa! Cái gì thế?”
“Lạy Chúa, không!”
“Gọi 911! Kẻ nào đó...”
Người đi bộ túm tụm trên vỉa hè, nhìn chăm chăm.
“Bom à? Máy bay à?”
Vẻ lo lắng, Hale lắc đầu, nấn ná một chút thưởng thức hương vị của thành công. Vụ nổ xem chừng lớn hơn gã dự đoán tức người chết sẽ nhiều hơn số lượng mà Charlotte và Bud hy vọng. Hầu như không thấy được ai đó có thể sống sótbằng cách nào.
Hale chậm rãi quay đi và tiếp tục bước ngược lên bên trên phố, nơi gã lại xuống ga tàu điện ngầm, bắt chuyên tàu tiếp theo đến khu Uptown. Gã lên khỏi ga và nhằm hướng khách sạn nhà Allerton đang ở. Tại đó, gã sẽ lấy nốt tiền công.
Charles Hale cảm thấy thỏa mãn. Gã tạm thời ngăn chặn được nỗi buồn chán, đồng thời kiếm được một món lớn.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là sự tinh vi hết sức hấp dẫn của việc gã vừa làm. Gã đã nghĩ ra cái kế hoạch được thực hiện thật hoàn hảo – giống như chiếc đồng hồ, gã tự nhủ, thích thú với hình ảnh ví von đó.