Chương I

     on sông rộng, nước đang ròng sát, những mảng lục bình lá xanh hoa tím cùng rác rến thi nhau lao nhanh, do sức cuốn của dòng phù sa đục bẩn.
Bãi sình đen ngòm, lún phún những ngó bần trăng trắng, những rễ vẹt xám ngắt, hằn những vết chân người cùng khắp; những chiếc xuồng con biếng nhác, nằm thườn thượt đó đây, khiến bến chợ có vẻ buồn nhìn. Những cơn gió lộng đột biến, đột hiện, đưa hơi nóng, mùi bùn từ bãi nắng, tạo những con trốt tung bụi mù, khiến nản lòng kẻ bán, người mua.
Bạn hàng thôn xa, lần lượt quảy gánh xuống thuyền. Cầu ngắn, nước xa, người người đều xăn quần tận vế, lội bì bõm qua bãi lầy, miệng không ngớt hàn huyên lắm chuyện.
Trời càng trưa, nắng như đổ lửa, hàng vơi, khách vắng, chỉ còn lại đám dân nghèo kỳ kèo quà ế. Tân đang thất thu, ông kiên nhẫn ở lại chào hàng cho ông đi qua, bà đi lại. Từ ngày kinh tế thị trường được nhà nước chấp nhận, cái chợ trời quận nhỏ đã biến thành nơi doanh thương của các cán bộ về hưu, gốc tập kết. Nhờ họ mà Tân mượn gió bẻ măng, đổi nghề bán thuốc lá lẻ ra quán tạp hóa khiêm nhường. Họ có thế buôn bán lớn, ông nghèo mạt gom đồ cũ, sản phẩm địa phương, buôn qua bán lại cho đầy bát cơm. Ngày nào cũng như ngày nào, chỉ có những người biết nguồn cội của ông, mới ghé mua ủng hộ, mặc cho phẩm chất ra sao. Những lúc ế ẩm, là dịp ông suy gẫm thương thân: “Đời ta phong trần vô độ, nghề dạy không hay, nghề buôn không giỏi, quốc biến nên sự nghiệp lụn tàn. Nếu duy tâm một chút, mình là tuổi con cọp nên gàn là số; lão lai tài tận nên mạt là thời; sinh lộn địa dư, quốc chính hóa ngụy. Ối thôi! Duy tâm, duy vật, hợp nhân, thuận quả là niêm luật, chạy đâu cho khỏi ách trời, âu là đem thân già, gia hàng chợ cho qua một đời”.
Châu đưa ông trở lại thực tế:
- Ba cho ít tiền để làm mâm cơm giỗ mẹ!
Tân nhìn con cảm khái đức hiếu thuận. Châu là đứa con độc nhứt của gia đình ông. Từ ngày giải phóng, thằng bé theo cô để nương tựa. Nay hai cô cháu dẫn lũ trẻ về thăm ông, nhân ngày kỵ cơm của Mỹ, vợ ông. Đang miên man nghĩ ngợi, tiếng trẻ ồn ào khiến Tân hướng mắt về hoạt cảnh ngoài hiên. Mai đòn hàng đàng đầu, Minh lèo lái đàng đuôi. Hai con gà giò đang gấu ó trong giỏ hẹp, hai con vịt thi nhau mổ vào nhượng của Mai. Con bé than đau từng chặp. Hai trẻ đến bên ông, quẳng gánh. Mai tranh công:
- Mẹ con còn đang đi chợ mua thêm vài món cần thiết. Mẹ bảo chúng con mang quà về trước, chốc nữa mẹ về làm cỗ cúng mợ!
Tân xúc động, ông thay lời khen ngợi bằng cử chỉ chăm sóc các cháu ngoan. Ông kéo vạt áo lau mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt của đôi trẻ thơ, ông thầm nhủ: “Mình có phước thật, vợ tuy qua đời, nhưng được đứa em gái có lòng, cháu hiền, con thảo, ai bảo nghèo là đơn, khó là bạc!”
Để kéo dài cái hạnh phúc bất chợt hôm nay, để tưởng niệm người quá cố chung tình, Tân bảo con:
- Châu! Con đưa hai em về trước, cha ở lại chờ cô con một tí!
Đợi con, cháu khuất dạng, Tân lùi vào trong, khép cửa quầy hàng, rót chung rượu đầy vừa ngồi nhâm nhi, vừa trầm tư về đường xưa lối cũ...
Tân nhớ lại phong thái của mình qua bao năm tháng xuân thì và ngày tàn tạ khi vợ đã mất, tiền tài, danh vọng không cánh mà bay. Lỡ thời, để quân bình kiếp sống, ông trang điểm cho mình chút tư cách hiền nhân, cái khoan hòa của người yếm thế. Tân không còn cái háo của một gian thương, cái ngông của tay chơi bạt mạng.
Những bạn già ngày cũ, kẻ lão bệnh, người tật vong vì họ tiếp tục đánh bạc cuộc đời với thất tình, lục dục, trong khi Tân bình chân như vại.
Tân ngẫm, mình trụ chẳng phải tự căn, mình lành không do cốt thánh, nhưng duyên khởi là ở ngoại vi. Người xưa có dạy “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Ngày mình còn đơn độc, mình hư chẳng lụy đến ai, mình hoang chẳng ai bình mình. Người mình nên gia thất, mình loạn thân bại, gia nhục, con bình, cháu luận.
Một dữ kiện khác là mối tương giao ngộ nghĩnh giữa Tân và cụ Chánh, thân phụ của Tân.
Cụ Chánh, một tác nhân, già khổ hạnh, lão thức thời. Cụ sống nặng với sách vở Tây, Tàu, kim, cổ. Cụ tự nhào nắn, pha chế, làm một phương thức cho nếp sống cá biệt. Mới trông qua có vẻ lập dị, nhưng xét kỹ, nó có chút hài hòa, nhờ hương vị tiếu lâm.
Một trong những cái lập dị của cụ mà Tân thấy rõ, cụ hay lẩm bẩm lời của một đại lão: “Thất nội cơ thô xú, vãn phản giảm sở khẩu, dạ ngọa bất phúc thủ!” để tránh dâm, phòng bệnh, ngừa dục.
Tân là trai mới lớn, tuy nể cha nhưng thà chết chứ không chịu vợ xấu, ăn kiêng, nằm ngửa.
Cụ Chánh là giáo làng, vợ mất sớm, gà trống nuôi con là cảnh. Con gái út, bản tính hết xôi rồi việc. Cô bé thích giao du ngoại giới. Thằng cả, thuần ân, thích hàn huyên cùng cha hơn la cà hàng xóm. Nghề giáo làm méo mó cuộc đời của cụ. Cụ giả nghiêm, giả bác với xã hội, nhưng cụ dồn các món nhân vô thập toàn và đại học chỉ đạo cho cận thần Tân, đứa con trai mến cha, nửa bước khôn rời!
Tình cha con càng đậm, sự tương đắc càng cao, khi thằng bé biết luận, suy, phản ảnh, phản pháo!
Trò chơi giữa một già, một trẻ khởi sắc hơn khi Tân đã thành cậu thanh niên. Cha con nhà nẫu trở nên ít nói, sống bằng vận dụng nội tâm, giao trả cho nhau bằng bút ký khi rơi vào hoàn cảnh khó diễn bằng lời. Những dòng bút ký dặn dò, chỉ phương gỡ rối, khi có loạn sự, thường thấy xảy ra.
Mức hữu hiệu các bút ký của cha, Tân tiếu lâm, gọi đấy là cẩm nang, bởi lẽ Tôn Tẫn khi bị Bàng Quyên chặt chân do tranh vị, gã phải giả điên để thoát hiểm, vì khi xuống núi, sư phụ trao cẩm nang, trong ấy chỉ ghi một chữ “cuồng”.
Tâm ngẫm, lời cha tuy thâm, nhưng mình luận cho tới thì mới hữu hiệu, lười suy, qui mạng hoạn! Cái đầu làm việc liên tục, tâm tưởng nhờ đấy không rỉ sét, cha gián tiếp đánh bóng và khai triển túi khôn cho mình, bảo cha lập dị là đắc tội!
Ở đời, mỗi người có một phương thức sống riêng, hành riêng, suy riêng, miễn đừng lấn phạm kẻ khác là được, đấy là tự do có giới hạn chính lý.
Đời của Tân, khởi đi là thất tình, xế bóng là thất thế, giữa đời có lắm cái thất khác đã nhờ cẩm nang của cha hóa giải, nhưng lắm lúc bị tổ trác, nên rước họa chất chồng!
Thông minh vốn sẵn tính trời, nhưng vướng phải tật lười ở tuổi ấu thơ, cậu Tân may mắn có bà mẹ hiền, biết cách dạy con.
Ngày Tân còn mài đũng quần ở cours enfantin, cours préparatoire, mẹ đôn đốc sự học hành bằng lời khuyên ngọt ngào, bằng kẹo gừng, mứt chuối. Khi lên cours moyen un, moyen deux, mẹ đem gương xưa đọ chuyện mới, tiếp trợ bởi bánh petit beurre, bánh champagne.
Gần cuối cours moyen deux, mẹ bị bạo bệnh qua đời, cha lâm cảnh gà trống nuôi con, cha bệnh, con đau. Phượng cảm cúm dài dài, mũi dãi lúc nào cũng thò lò. Thuở ấy chưa biết thương nhau, nên Tân gọi Phượng là Thủy Long công chúa, mũi tủa vòi rồng. Đến khi Tân bị đau ban bạch, đầu bị rụng tóc đến trơ miểng gáo, Phượng đáp lễ, gọi Tân là dị tăng Lỗ Trí Thâm, cậu cam tâm chịu đựng!
Trận đau thập tử nhất sinh đó, gốc ban bạch lậm vào nội tạng, Tân lâm cảnh nay đau mai yếu. Sự học do đấy tuột dốc. Cậu trở thành thùng rác để thầy trút cơn ẩn ức khi gặp ưu phiền. Tội nhẹ, thầy hành Tân làm ống thụt hơi. Hai tay nắm trái tai, động tác ngồi xuống đứng dậy liên tục đến khi nào thầy miễn mới được về chỗ ngồi. Tội nặng, thầy khẻ mấy đầu ngón tay đến sưng vù, hoặc roi mây thầy bổ lên lưng đau điếng. Cái đau thể xác không thấm thía bằng tia mắt khinh thường của mấy con bạn đồng môn!
Tân học cours moyen deux với thầy Tâm vào buổi chiều. Cụ Chánh dạy cours supérieur cũng ở phòng này, vào buổi sáng, nên hai ông giáo thường gặp nhau. Quà trao đổi câu chuyện lúc nào cũng đề cập đến Tân. Cha của Tân chỉ phì cười, cụ luận: “Bụt nhà không thiêng, nhờ thầy thẳng tay giáo hóa, cháu sẽ khá hơn!” rồi cụ lại làm một so sánh: “Tập quán của người Hoa thường đem con đợ bạn, nhờ vậy mà thân nên, nghề giỏi!” Bởi thế, thầy Tâm có bầm gan, tím ruột cũng ngậm tăm ra về!
Tân có nhiều khuyết điểm. Một số trong đó là lời ăn tiếng nói kém cỏi; hành vi, cử chỉ vụng về.
Kỷ niệm ghi thảm trạng khó quên đó, lúc Tân còn thiếu thời, điển hình như sau:
Vốn ân sư của Tân tuy nghiêm, nhưng vướng phải tâm tình nhiều kịch tính. Học trò của ông muốn có điểm cao, muốn chiếm lòng thầy, khi trả bài, ngoài trí nhớ giỏi, lời lẽ thanh tao, còn phải diễn xuất đạt. Lớp học của thầy do đó linh hoạt vô cùng, đối với những đứa học trò có khả năng, nhưng với Tân, nó là địa ngục lầm than!
Tân ham chơi, thường trốn học nên cả lớp mệnh danh cậu là le prince de l’école buissonnière. Tả thừa tướng của Tân là Chương, có tật ngủ gục trong lớp nên được gọi là Hibou. Hữu thừa tướng là Hân, thường ăn vụng trong lớp nên mang ám danh le citoyen mangeur.
Bộ ba đầy tật xấu này được bỏ xó ở cuối lớp, tuy cùng cảnh nhưng khác lòng: Tân cả tin; Hân nịnh hót; Chương ăn đầu sóng, nói ngọn gió!
Một hôm, thầy gọi Thiện, con của thầy Hương quản lên trả bài récitation, un bon écolier.
Mở đầu, bằng giọng ngọt ngào, Thiện phun châu nhả ngọc: “Chaque matin... je vais... à... l’école...”
Miệng đọc, thân hắn rảo quanh bằng những bước chân âm thầm, ngắn gọn, nhẹ nhàng như loài ma hoang lướt trên ngọn cỏ đêm sương!
Sau đó, hắn thánh thót: “... Le sac... qui pend... à... mon épaule...”
Miệng ngâm, ngón tay cái trỏ sau lưng, ngầm bảo gã đang sở hữu một túi kinh luân. Đoạn gã xòe năm ngón tay ngà, duyên dáng sờ nhẹ lên vai để nói lên, ta đang gánh một giang sơn bát nhã!
Nhưng tuyệt nhất và cải lương nhất là lúc gã vừa cười mím chi, vừa gục gật đầu, nhón gót, đặt tay lên đỉnh đầu để diễn tả sự trưởng thành: “... Dit que... je suis... un grand... garcon..!”
Sự nhịp nhàng cực hảo trong tri, hành của Thiện làm Tân mê mệt đến đánh rơi quyển tập, cậu đang lén dò bài. Tiếng động khẽ trong cõi tĩnh hóa ra tiếng sấm cảnh cáo kẻ gian. Mọi cặp mắt đổ dồn về Tân, ngầm bảo họa rơi trước mặt.
Khi Thiện hoàn tất nghĩa vụ, mặt thầy tươi như hoa nở. Thiện được thầy khuyên điểm cao và không quên kèm theo lời khuyến dụ đầy hoa gấm.
Chương nhột nhạt, cậu quay sang Tân, công kích:
- C’est le fantôme de l’opéra!
Tân bị kích động tâm tình nên quên giữ kẽ, cậu a dua phê:
- Dans les pays des aveugles, les borgnes sont rois!
Tiếng xầm xì qua lại, khiến thầy cật vấn:
- Hân! Chúng nó nói gì thế?
Hân ngoan ngoãn phúc trình:
- Thưa thầy! Anh Chương bảo “đó là con ma nhà hát lớn!”. Anh Tân phụ họa “Trong xứ mù thằng chột làm vua”, để bình phẩm anh Thiện.
Thầy giữ thản mặt, gằn:
- Trò đồng ý với chúng chứ?
Hân lắc đầu. Thầy lại vấn:
- Nếu không đồng ý thì phản kháng bằng cách nào để khỏi bị tội đồng loã?
Hân rét, nên đề nghị ngay:
- Xin thầy cho hai anh ấy trả bài theo kiểu intercalé. Hay, dở tùy thầy định tội.
Thầy nghiêm mặt:
- Được lắm! Tân, Chương lên trả bài!
Hai con chiên ghẻ riu ríu trình diện thầy. Thầy nhìn Tân soi mói. Tân cúi đầu tránh ánh mắt nghiêm khắc của thầy. Cậu ngẫm, một kẻ chuyên làm école buissonnière như mình thì làm sao thủ diễn cho trọn vai un bon écolier đây? Tân buồn, sinh ra sợ; từ sợ, cậu thấy tay chân vụng về. Bỗng thầy phán:
- Tân! Hãy ngẩng đầu cao, mặt thanh thoát, dáng hồn nhiên. Nào! Khởi sự!
Tân như cái máy, đầu cậu ngẩng cao, mắt hướng lên trần nhà, mặt cậu chưa kịp thanh thoát thì cậu bắt gặp một con nhện đen ngòm đang giăng tơ. Tân lo lắng! Người Tây phương đã từng nói sáng chagrin, chiều souci để tuyên báo nỗi niềm cho kẻ gặp nhện. Tân nghĩ, chắc mình sẽ sa lầy!
Thầy lại giục. Tân cuống cuồng, cậu cố gào: “Chaque matin, je... je vais...”. Cậu gắng thực hiện bước chân âm thầm của Thiện, nhưng vì đứng quá cận bục bàn của thầy nên khi vừa cất bước, cậu đã vướng chân đến té bò càng.
Tiếng cười của bạn, lời quở của thầy, sự ngượng của mình, khiến chữ nghĩa viễn du, để lại sau lưng tấm thân Tân, bầm dập bởi hình phạt, roi đòn. Ôi! Thần khẩu đã hại xác phàm là thế ấy!
Khuyết điểm kế của Tân là dại gái.
Tân đau ban mới lành, đầu óc khi nhớ lúc quên. Học hành do đó ngày càng kém cỏi. Cậu bị bỏ xó cuối phòng, cùng phường biếng học. Tập đoàn chiên ghẻ chia chác cho nhau các tật hư đa dạng. Sách vở khi mang về, khi bỏ sót lại trường. Mực, viết bỏ vung vãi trong hộc bàn. Học giỏi, học dở chẳng màng. Điểm cao, điểm thấp không kể. Đúng là cùi không sợ lở!
Tân có một người bạn đang học trường Tàu, tên A Phùng. Hắn hào phóng, chơi với bạn khá chí tình. Hắn nghe Tân đau bịnh ngặt nghèo, đưa Tân về cho cha hắn xem mạch, hốt thuốc cho đến khi lành bịnh. Nay, hắn nghe Tân mất đà chăm học, nhân dịp theo cha lên tỉnh bổ hàng, hắn mua cho Tân một hộp ngòi bút lá tre, một lọ mực hiệu Waterman, đoạn hắn đích thân đến tận trường, giao tận tay Tân các món quà ấy và không quên dán trên lọ mực miếng giấy có ghi “nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”, bên dưới ghi sở hữu chủ “Tân”.
Sự cẩn thận của A Phùng, không ngờ là một lời khích bác kẻ tiểu nhân, chia xa tình bằng hữu. Tân bị lôi vào cơn trốt rối bời, làm đảo lộn lời nguyền tu tâm dưỡng tính theo ý nguyện A Phùng đã khuyên.
Một hôm, vào giờ orthographe, lọ mực waterman đã bị một đứa học trò gái của lớp buổi sáng, thay mực bằng nước mồng tơi. Lời khuyên của A Phùng được đổi bằng dòng chữ “nhà em có giậu mồng tơi, tặng chàng sắc mực, ngỏ lời gió trăng!”
Tân chết điếng. Tâm động, trí lo. Chuyện yêu thương chưa biết giả, chơn, nhưng bài ám tả lấy chi để viết? Chương, Hân khi vui thì cho chấm nhờ, lúc hờn thì lấy tay che. Bài ám tả của Tân hôm đó, lúc màu xanh, khi màu tím, lúc chừa trống trắng tinh. Tội lỗi bạn khuyên quên bẵng, sinh tình dỗ ngọt đối phương, Tân gỡ mảnh giấy của cô bé và thay vào câu: “Nhà anh thiếu giậu mồng tơi, có giàn thiên lý, đổi người trong mơ!”
Mấy hôm sau, Tân vào lớp, chưa an vị, cậu đã ngửi thấy mùi mứt me. Bởi đau ban mới mạnh, cơn thèm át hẳn lời khuyên của A Phùng, Tân lén nhấm nháp dần cho đến lúc chỉ còn lại miếng lá chuối khô ngoằn ngoèo.
Tối hôm ấy, Tân chột bụng, cậu đi cầu liên tục đến lờ đờ đôi mắt. Cậu hiểu ngay mình bị đối phương trát. Khổ chủ của gói mứt me đã pha thuốc xổ để hại mình.
Chẳng những thế, khi vào lớp, cậu nhận lời trong thơ với ý mắng mỏ: “Con thầy tối dạ, ham ăn; vướng mưu Tháo đuổi, họa giăng đêm dài!”
Hôm ấy ra về, Tân nghĩ, đánh gái bằng cành hoa còn không nỡ, thôi thì lấy văn chương ô mỵ cho xong: “Mực ta nàng mượn vẽ trăng, bùa mê trong mứt, khiến giăng tơ sầu!”
Tân đinh ninh câu ghẹo bất nhã này sẽ làm cho cô bé ngượng mà buông tha cho cậu yên vui học hành. Nhưng Tân đã lầm, vì trong bọn có một chàng đực rựa, giận Tân đã trêu hoa, nên phang cho cậu một câu đau điếng: “Nếp xôi cam phận nếp xôi; thằng Bờm yêu vói, họa rơi có ngày!”
Tân nổi máu anh hùng, quên cả lời dặn của A Phùng, cậu đáp lễ: “Với hoa ta dụng văn chương; với phường thịt bắp khoa trương sức hùng!”
Thế là buổi học hôm sau Tân bị bọn họ chận đường gây sự. Khi điểm mặt, Tân nhận ngay tất cả đều là bạn cùng lớp trước kia, nhưng vì bệnh nên Tân bị redoublank. Bọn họ lên học lớp do cha của cậu phụ trách. Vì bạn cũ nên Tân có tí nhân nhượng:
- Tôi nợ giang hồ đông đến chừng ấy người vậy sao? Thôi được! Vay lắm thì trả nhiều! Các bạn muốn gì cho biết?
Tân thủ thế. Nguyệt vênh váo:
- Ơ! Ham gây quá đi! Hãy nghe cô nương đọc thiệu, hài tội trước đã!
Này! Chúng tớ là bạn chung bàn. Đàng ấy bứt dây nên động rừng. Nếu biết điều thì mau mau tạ lỗi, cô nương niệm tình bỏ qua. Bằng chậm trễ, lệnh xé xác ban ra, e te tua phút chốc.
Mỹ tiếp lời:
- Người nhà cả mà! Anh vì lọ mực mồng tơi mà nỡ lòng ô mỵ thân em. Eo ôi! Con người có trái tim bằng đất sét!
Cả bọn bụm miệng cười. Tân ngượng. Mỹ thêm mắm nên Minh dặm muối:
- Anh đau ban mới mạnh hả? Ăn mứt me của em, anh thấy thế nào? Cái thứ bệnh ngặt nghèo của anh rất thích chua, ưa ngọt ác. Em hiểu thấu nên muốn giúp anh đã khẩu, dứt tật. Thế mà anh chưa vừa lòng, lại buông lời nghẹo nguyệt, trêu hoa.
Nguyệt cướp lời:
- Eo ôi! Lời con Thị Mầu tình quá chàng ơi! Chàng chớ tin con quỷ cái trắc nết ấy! Chính em mới là kẻ cho chàng tẩy đàm, xổ độc đó! Thị Kính của em hãy quay về đường xưa lối cũ, đừng để em giận, một sợi tóc trên đầu chàng cũng không còn để ngoáy mũi, váy tai!
Minh đấm Nguyệt thùm thùm, vừa cười ngặt nghẽo vừa đính chính:
- Mày yêu chàng đến phát điên nên ăn nói lộn lẹo hết rồi! Thị Mầu mê Thị Kính là gái giả trai. Còn tao với mày là con nhà lành, chàng là trai tơ, đừng để người ta tương tư, tội nghiệp!
Nguyệt mỉa:
- Thiện tai! Thiện tai! Chàng ơi, chàng thấy đó, năm phút trước, nó tỏ tình! Năm phút sau, nó trở mặt lạnh lùng. Còn em, em biết chàng đau ban, nên vẫn giữ một lòng khuyên: “Đầu chàng tóc rụng lơ thơ, chàng nên thí phát, em chờ kiếp sau!”
Cả đám ôm bụng cười bò. Tân bị trêu, cậu tức đến ói máu, nhưng mê Nguyệt nên cậu nhịn. Bây chừ nghe lời tuyệt tình, vừa buồn vừa giận, cậu hết kiên nhẫn, cất tiếng trả đòn:
- Má em lum lúm đồng tiền, cho anh hôn nhẹ, thử duyên kiếp này!
Nguyệt thẹn đến ngẩn ngơ. Côn yêu Nguyệt nên bất kể phải trái. Cậu thẳng tay vừa đấm vào mũi Tân, vừa hét:
- Mày đừng ỷ mày được tía của con Nguyệt để ý nên mày hách! Hôn này!
Tân bị đấm bất ngờ, cậu té ngửa. Máu mũi tuôn có dòng. Cậu vừa đau vừa ngượng và biết mình lỡ lời nên bụm mặt, bỏ đi.
Khi Tân đến cội đa đầu làng, thoáng thấy A Phùng và chàng trai lạ, cậu toan quay đi, nhưng đã trễ. A Phùng vội nhốt gà, cậu đon đả đến bên Tân, vừa chăm sóc vừa trách cứ:
- Hày! Ngộ nói có sai đâu! Ngộ bảo nị đừng ăn quế khâu và kẹo da trâu. Hai thứ đó tích nhiệt, dễ làm chảy máu cam lắm!
Nói đoạn, chàng quay sang chàng trai lạ, bảo:
- A Điệp! Nị đến đây giúp ngộ một tay. A Tân chảy máu nhiều quá!
Tân rầu rầu thố lộ:
- Bọn con gái làm nhục ngộ, thằng bạn trai của chúng hờn ghen nên trút giận vào ngộ!
A Phùng thở dài:
- Hày! Nị vướng ái tình rồi! Nị đưa bàn tay cho ngộ xem coi.
A Phùng vừa lầm bầm, vừa chọn tay Tân:
- Nam tả, nữ hữu, nị đưa bàn tay trái cho ngộ.
A Phùng quan sát, đoạn bình:
- Hày! Trí đạo của nị có vấn đề. Cả tâm đạo cũng chẳng khá hơn, chằng chịt đứt đoạn, rễ tre. Lắm mối tối nằm không. Nhiều người yêu, yêu nhiều người, nhưng chẳng ai lâu bền!
Tân nóng lòng, cậu gắt:
- Hiện tại, mình thương người ta, người ta có thương lại hay không?
A Phùng mò túi quần, rút ra bộ bài tây. Tân thoáng thấy vội xua tay, khẽ bảo những điều cần giữ trước khách lạ:
- Hôm nay ngộ buồn, lại có mặt Điệp, không nên bài bạc, dẫu có ghiền xập xám cũng chớ có binh!
A Phùng mỉm cười, đáp lại:
- Quỷ sứ mà mặc cà sa là nị đó! Bói bài chớ không phải binh. Chuyện xa thì xem chỉ tay, lấy tử vi; chuyện gần thì bói bài, lấy quẻ.
Tân gật gù:
- Ngộ tin mấy thứ này lắm. Thế nào ngộ cũng bảo A Phượng dẫn đến mấy con bạn của nó để cầu cơ và sau đó, có lẽ đến chùa Bà để xin xăm, coi lành dữ thế nào!
A Phùng xào bài, bảo Tân kinh, chọn nước. Sau đó gã sắp bài, rồi luận:
- Có ba con nữ đang hướng về nị. Hai con chằn ăn trăn quấn. Một con đa tình, yêu tha thiết nhưng rồi cách trở núi sông.
Tân chặn lại:
- Gần? Xa? Nị nói vậy, ngộ ở vá hay sao?
A Phùng xem kỹ. Nghiệm xong, gã tiếp:
- Người yêu tha thiết sẽ gặp trong tháng này, người tình trăm năm cũng lảng vảng không xa, nhưng sắt cầm thì còn xa xăm lắm! Quới nhân đó, nhưng có điều thiên cơ bất khả lậu!
Tân nài nỉ điều gì, A Phùng cũng chỉ nói chừng ấy thôi.
Điệp thấy vậy, chen vào:
- Câu A Phùng nói sau cùng, cần xem tử vi mới chính xác.
A Phùng trố mắt:
- Nị biết lấy tử vi?
Điệp gật gù:
- Chẳng những biết tử vi mà còn hiểu đôi chút về phong thủy nữa.
Tân mừng như bắt được vàng, nhưng e dè:
- Anh có thể chấm cho tôi một lá số không?
Điệp dài dòng:
- Tuy mới gặp già, nhưng qua tư cách, tôi rất kết, già chơi được!
A Phùng giục:
- Nị kết thì chấm tử vi cho nó đi. Đây là dịp nị tìm hiểu nó nhiều hơn.
Điệp quay sang Tân, cật vấn:
- Tân có thể cho tôi chi tiết về ngày, tháng, năm sinh ngay bây giờ?
Sau khi Tân cung cấp những gì Điệp cần, Điệp luận sơ:
- Tân tuổi Dần, sanh tháng Thân, vào ngày Dần, lúc giờ Hợi. Được hai Dần kèm. Thân, Hợi có chút xung khắc. Những hung, kiết tùy đắc địa hay hãm địa. Sự gia, giảm do tuần, triệt mà ra. Nói chung, căn cứ vào sự đối chiếu của các vì sao định mạng của Tân. Hay dở, đúng sai buộc kẻ lấy số phải luận cho tới nên mất thời gian khá dài. Bạn nên châm chước và thư thả cho tôi một ít lâu.
À này! Nội tổ sinh ở vùng nào? Lâm chung ở đâu?
Tân nhanh nhảu đáp:
- Tiền Giang là nơi sinh và nơi tử của nội tôi.
Điệp gật gù:
- Tiền hay Hậu Giang đều là phù sa nê địa, đất bồi không chân, mộ bia đè nặng, con cháu khó phát!
Sau này có tạo mãi vườn đất thì bạn cũng nên tránh đất gần nghĩa trang, tái dụng từ bãi rác, thế đất đầu voi đuôi chuột, gần cầu, cạnh xa lộ, thiết lộ, bốn mặt là đường xá sẽ gây ly tán. Nhà cửa nên tránh trước mặt có cây to, đá lớn, hồ nước bên phải; phía sau tránh hố sâu, đất lún, hồ to.
A Phùng bàn:
- Nị đi quá xa rồi, chỉ cần xem hai đứa nó hợp, xung thì tốt hơn.
Điệp gật gù:
- A Phùng nói rất đúng. Người sinh ra ảnh hưởng bởi ngũ hành. Mạng vợ, mạng chồng có thuận, có khắc tùy tương sinh hay tương khắc.
Tương sinh thì Kim dưỡng Thủy, Thủy dưỡng Mộc, Mộc dưỡng Hỏa, Hỏa dưỡng Thổ, Thổ dưỡng Kim.
Tương khắc thì Kim khắc Hỏa, Hỏa khắc Thủy, Thủy khắc Thổ, Thổ khắc Mộc, Mộc khắc Kim.
Điệp chắp tay sau lưng đi tới đi lui, bàn:
- Bạn bè giúp nhau khi lâm nạn mới quý. Tuy nhiên, để hữu hiệu hóa vấn đề, bạn chịu khó ngồi đây nghỉ, tôi luận cùng A Phùng một đôi điều, trước khi chúng ta bắt tay vào việc.
Điệp kéo tay A Phùng ra sau đình, gã bàn:
- Tân bị đánh đến sặc máu mà lẳng lặng ôm mặt tháo lui, chứng tỏ anh ta không có bản lãnh chi cả. Nị bảo phục thù thì phục thù bằng cách nào?
A Phùng phì cười:
- Nị lầm!
Điệp chận:
- Lầm? Có lẽ thế! Nị thân với anh ta tới mức độ nào?
A Phùng trầm ngâm:
- Ba nó là thầy giáo, ba ngộ là thầy thuốc, hai người cùng bàn chính sự, cùng chén thù chén tạc với nhau. Hai người quen biết nhau lâu lắm. Do đó nó và ngộ có dịp trở nên thâm tình. Ngộ hiểu tính nết của nó. Ai hiếp đáp nó, nó gắng chịu, sau đó nó sẽ đáp lễ trăm lần hơn.
Điệp gật gù:
- Ngộ thân với nị. Nị thân với hắn. Nị giúp hắn, ngộ sẽ hết lòng. Việc đầu tiên là tìm cách ngăn trở, nếu không, căn cứ lời nị tả, người ta đấm hắn, hắn sẽ đáp lại bằng dao găm thì khốn!
A Phùng gật đầu tán đồng:
- Bây giờ ta phải tìm thế hoãn binh. Chuyện trả đòn thì dùng cách luyện võ, yếu tố thời gian sẽ giúp hận lòng phôi pha. Còn chuyện đau tim vì gái thì hơi nan giải.
Điệp nghiêm nét mặt, phát biểu:
- Chuyện dù to như núi, nếu thực tâm giúp, đều có phương giải.
Điệp rảo quanh ao sen để tạo hứng, đoạn quyết định:
- Trước hết, luyện công cho hắn thoát cảnh bụng ỏng da chì. Kế đó, truyền võ giữ thế. Sau cùng, ngộ đưa em gái của ngộ hàn huyên để hắn vơi nỗi đắm nguyệt say hoa!
A Phùng xua tay, phản đối:
- Chuyện giúp nhau chỉ là hương hoa qua đường, sao lại đem cành vàng lá ngọc bẹo dáng trước chằng? Thằng Tân háo sắc có tiếng, lỡ chúng nó mê nhau thì nị mất cả chì lẫn chài!
Điệp nghiêm sắc mặt, cả quyết:
- Em gái của ngộ sành đời lắm! Gái Sài gòn có nanh có vuốt mà! Tuy nhiên, thằng Tân là người như mọi người, nó đâu có cái đuôi chồn ngoe nguẩy khác lạ đến em ngộ phải sợ lụy thân!
Nếu là duyên nợ hai đứa nó nên vợ nên chồng thì cũng tốt.
A Phùng chau mày:
- Nị liều mạng và chí tình quá! Ngộ chưa gặp người thanh niên nào toàn vẹn như nị. Có lẽ nị là người đã trải qua lò luyện thép về nhân tâm, nị là...
Điệp chận lại:
- Là gì cũng được, miễn là mọi chuyện, dù nhỏ hay to, dễ hay khó, đều phải hoàn thành tới nơi tới chốn.
Điệp tiến thêm một cấp:
- Tân chơi được lắm! Ta không nên đánh giá hắn qua học đòi, yêu vặt. Trí thức mà khoa trương tha nhân, nhưng khi dân nguy, quốc biến lại co đầu rút cổ thì còn thua cục phân!
A Phùng không an tâm:
- Nị nói toàn luận điệu đao to búa lớn. Ngộ có hai điều ngại. Ngại tri, hành bất nhất. Ngại đem khuôn vàng thước ngọc đo lường chuyện đùa của con trẻ.
Điệp mỉm cười đầy tự tin, lặp lại lời đã nói:
- Chuyện đời, dù có tính cá nhân hoặc cộng đồng, trò chơi hoặc quốc sự, nên nỗ lực bằng một phương thức duy nhất; trước để đạt quả, sau để nội luyện cho thuần thục. Những thành quả hôm nay là kinh nghiệm cho toàn thiện công tác trong tương lai.
Nói hay làm dở. Cố gắng để dở hóa hay. Cố gắng hơn để hay hóa tuyệt. Lúc bấy giờ, nói hay làm tuyệt. Hôm nay làm việc có tính trẻ con, ngày mai làm việc tiến bộ có tính rường cột nước nhà, sau này làm việc có tính của kẻ lãnh đạo quốc gia!
Thiếu tự tin là mầm chiến bại. Quan niệm của Tây phương cho rằng thiên tài chẳng qua là thành quả của sự cố gắng.
Thiếu tự tin khác hẳn với đức khiêm nhường. Đức khiêm nhường không có nghĩa là sợ phát ngôn chí quyết thắng, sợ ăn to nói lớn.
Ngoa ngôn là khi nào nói hay mà không gắng làm. Cộng đồng đa diện sẽ có đa sự để bàn. Đi cày, luận chính, cầm quân, giáo dục... đều là xây dựng quốc gia, dân tộc, đều có giá trị đáng kính như nhau.
Điệp suy nghĩ và bổ túc:
- Muốn thắng kẻ mạnh, quân nhà nhược phải dụng chiến tranh tâm lý. Niềm tin là đòn thắng. Triệt hạ đối phương là đáp số, yếu tố tinh thần mà niềm tin là ẩn số, sắc bén như gươm đao.
Về chuyện của mình, Côn mạnh, Tân nhược. Bọn mình không biết võ công, phải dùng chước. Nị chuyên môn đá gà, múa lân, hãy quan sát các thế liên hệ để đúc kết bằng những thế võ tưởng tượng, đặt những danh xưng thật kêu, thật kiếm hiệp để huy động tinh thần quyết thắng cho Tân. Riêng ngộ, ngộ biết chút đỉnh về luyện công, điều khí, ngộ sẽ chỉ vẽ cho Tân hàng ngày để phục hồi sức khỏe của hắn. Cường thân, võ dỏm, tinh thần sung mãn, xác suất thắng cao hơn!
A Phùng gật gù:
- Có lễ mới...
- Gạt bạn, theo luân lý là một cấm kỵ, nhưng phạm điều để đạt nghĩa cũng có thể châm chước, ta cứ như thế mà tiến hành.
Hai sư kê quay lại tìm Tân. Tân đang tựa gốc đa, mặt buồn xa vắng. A Phùng đến cạnh, ôn tồn:
- Nị thấy trong mình ra sao?
Tân đáp khẽ:
- Khá hơn! Kế hoạch hóa giải tâm tình ra sao?
Điệp ủy lạo:
- Tất nhiên là hoàn hảo. Với điều kiện bạn cần gắng sức một tí, có công tác tích cực thì chuyện tất thành.
A Phùng dỗ dành:
- Theo quẻ đã giao, mười mấy ngày nữa nị sẽ gặp người ngọc, tình yêu tuy sóng gió nhưng có quới nhân phù trợ thì cũng hài hòa. Tình thương như sương mai, tinh sạch nhưng dễ vỡ. Mỗi lần tan tác là một kinh nghiệm thương đau. Cái đau hiện hữu sẽ vun quén cho tình yêu mai hậu được vĩnh trường. Ngộ mong nị gắng vượt qua cái đau hôm nay để đón phúc ngày mai.
Còn chuyện rửa nhục giữa các đấng nam nhi, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ; thân bị chạm thì tay vuốt ve, nên ngộ buộc lòng luyện võ, A Điệp ra sức luyện công cho nị. Khi thủ đắc tài sức, tâm tình tùy nị liệu phân, vì môn phái của ngộ có lời nguyền thế thân hành hiệp, bênh kẻ yếu, khuyên kẻ dữ, luyện quân tử, sửa tiểu nhân, nợ máu được trả bằng ân tình mà thôi.
A Phùng nhìn Tân dò xét phản ứng, đoạn bảo:
- Về võ thuột, thuở xưa Đại Thánh, Trư Bát Giới dùng chiêu thức cá nhân của khỉ, lợn để chống ma quỷ. Điểu tước, xà thú, kình ngư... nói chung vạn vật đều có thế thủ, thế công lợi hại để tự vệ, để tấn công đối thủ.
Môn phái của ngộ là môn phái gia truyền, rút tỉa từ những tuyệt chiêu của mỗi chủng loại trên, nhất là kim kê và kỳ lân. Quyền hư tuyệt kỹ của A Điệp phối hợp linh nghiệm truyền chiêu của ngộ, sẽ giúp nị thành nam nhân tự toại.
Tân sung sướng đến run người, cậu vội vàng vấn:
- Thế có cần lễ bái sư ngay không?
Điệp nhanh trí, vội vẽ:
-Có lễ mới giữ nghĩa. Nhưng nghĩa mà quá quỳ lụy thì mất đi tinh thần thượng võ. Thầy trò ta nên vòng tay bái nhau như các đại quan ngày xưa là tương kính vừa đủ.
Nói đoạn, les trois mousquetaires bái nhau rất ư là trọng nghĩa.
Sau đấy, A Phùng giở bội, ôm gà giới thiệu:
- Võ sĩ của ngộ có sắc lông đỏ đẹp, danh xưng Tam Dương Đại Trảm, cái tên nói lên cái thế lợi hại, nếu đấu thủ là người, đối thủ dùng chiêu này thì nạn nhân đã sinh ly tử biệt, bởi đầu là nơi tập trung Thủ, Túc tam dương kinh gồm có Đốc Mạch, Dương Kiêu Mạch, Dương Duy Mạch.
Điệp ôm gà, giới thiệu:
- Võ sĩ của tôi có sắc lông hoa đen, trắng của loài dạ điểu, cái đặc điểm trời cho là thế ngủ thòng đầu như gà chết nhưng thế võ thần kỳ, nên mệnh danh Phụng Y Tử Mỵ.
A Phùng tiếp lời:
- Bây giờ ta quan sát chiêu thức của các hiệp sĩ.
Hai sư kê thả gà. Hai con vật háo chiến thoát khỏi tay sư kê, ào ạt tấn công nhau túi bụi, đoạn dang xa vừa tầm thủ, cổ vươn thẳng, lông dựng đứng, đầu lắc lư, mắt đổ lửa, ghìm nhau tìm sơ hở của đối phương. Đoạn luân phiên nước nạp.
Một lúc sau, con gà điều bị vết thương ở ngực, nên rúc đầu vào cánh của con gà cú, dùng thế xoay dĩa.
A Phùng vội cất tiếng, bình:
- Thế xoay dĩa là thế chờ, thế du kích, tương quan đến thao tác của tứ linh, gọi là Kỳ Lân Vờn Địa, tìm sơ hở của đối phương để xuất chiêu kết chiến tình.
Con gà cú bị xoay vòng mãi, phần vết thương ở bàng quang do Tam Dương Đại Trảm ghi điểm lúc trước nên có vẻ mệt mỏi, lơ là. Tức thì, con gà điều bung cánh, ghi một vết nữa ở mí mắt của con gà cú. Con gà cú kêu lên đau đớn.
A Phùng phụ nhĩ:
- Đấy là thế Bàng Quang Đại Trảm. Nếu vết thương ấy áp dụng cho người, thì nạn nhân sẽ bị chạm đốc mạch và bàng quang kinh, kích động hiệu năng của não bộ, chạm thần kinh, tinh thần sa sút.
Con gà điều bồi thêm một nhát nữa vào cạnh bầu diều của con gà cú.
A Phùng lại bàn:
- Đấy là thế Kim Kê Đoạt Ngọc, nếu là người, nạn nhân sẽ bị giảm công năng tim, phổi. Nếu trịch xuống tí nữa sẽ ảnh hưởng đến Trung Tiêu gồm Tì Vị, thiệt hại đến công năng tiêu hóa. Thế này không gây nội thương thì cũng ngoại tật.
Mấy đòn của Tam Dương Đại Trảm làm Phụng Y Tử Mỵ ngất ngư, nhưng Phụng Y cố giữ thế tấn để hồi lực.
A Phùng bảo:
- Đấy là bảo kiện để khí túc qui nguyên, tạo điều kiện dưỡng thể để tấn kích tồn sinh.
Con gà điều háo thắng bay thật cao, quyết lấy đầu con gà cú. Con gà cú chờ con gà điều hạ vừa tầm, tung cước. Con gà điều bật ngửa, bầu diều bị xé rách, nó kêu lên đau đớn, chân chòi vào không gian.
A Phùng kết:
- Đấy là thế Phi Phụng Lại Quả. Con gà cú đã chuyển bại thành thắng, nhờ phép thu công!
A Phùng quay sang Điệp:
- Phần lý thuyết của ngộ đã xong, phần thực hành, ngộ xin nhường lại cho A Điệp.
Điệp chắp tay sau lưng, di động tới lui, cậu nói:
- Học chữ có chuyên thì mới thâm, học võ có cần thì mới tuyệt. Ngoài chuyên và cần, ứng sinh cần có chút năng khiếu thì mới siêu. Tôi chỉ giúp cho Tân phần chiêu thức, phần quyền biến thì do bản năng của Tân. Hơn nữa, vì Tân muốn sớm đương đầu với bọn họ nên tôi chỉ lược sơ một vài thế căn bản cho Tân mà thôi.
Tân mừng lắm, cậu sốt sắng đề nghị:
- Tôi y lời anh, tôi sẽ đến nhà anh hàng ngày để luyện tập.
Điệp nghiêm giọng:
- Tôi là người xa, xứ lạ mới đến đây. Cha tôi tính cẩn trọng. Em gái tôi tâm tình lãng mạn, nên chúng ta hãy chọn hồ sen ở hậu đình làng. Nơi ấy đất rộng, thoáng mát và yên tĩnh, rất thích hợp cho việc tập võ luyện công.
Từ ngày hẹn, Tân siêng năng tập luyện theo sự chỉ bảo của Điệp. Gần hai mươi ngày đều trôi qua.
Đầu tiên, Điệp nói về lý thuyết. Nhập thuyết, Điệp chỉ cách điều khí, phục hồi sinh lực và bảo kiện.
Về điều khí, nạp tâm là hít vào, thở cố là thở ra. Một chu kỳ điều khí gọi là thổ nạp.
Thổ nạp thông thường gồm nhu hòa tức thở đều; hoãn viên tức thở cắt nhịp; quân bình tức thở vừa; thâm trường tức thở dài hơi.
Thổ nạp thái cực, lưỡi co nơi nướu răng; miệng hé; bụng căng để nạp tâm; bụng thót để thổ cố; lưỡi hạ.
Thu công là huy liễm chân khí nảy sinh để khỏi loạn khí, sau khi luyện nội, ngoại công.
Đầu là nơi hội tụ: Thủ Tam Dương Kinh gồm: Thủ Thái Dương Tiểu Trường Kinh, Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu Kinh, Thủ Dương Minh Đại Trường Kinh. Túc Tam Dương Kinh gồm: Túc Thái Dương Bàng Quang Kinh, Túc Thiếu Dương Đởm Kinh, Túc Dương Minh Vị Kinh. Các mạch dương có: Đốc Mạch, Dương Kiêu Mạch, Dương Duy Mạch.
Do đó ta phải dùng phép xoa nắn Thái Dương để điều hòa dương khí của Vị Kinh, Tam Tiêu Kinh; xoa nắn mắt để thông Đốc Mạch, Bàng Quang Kinh; chà sát hai bên má đả thông Vị Kinh, Đại Trường Kinh, Âm Kiêu, Dương Mạch Kiêu; ấn nhân trung, bóp ngăn mũi để kích Đốc Mạch; cào mỏ ác để điều hòa kinh khí; xoa quai hàm làm thông chân khí; xoa cổ để kích thích giáp trạng tuyến.
Các mạch kinh ở thân, tay, chân lên đầu đều đi ngang qua cổ nên khí huyết thường bế tắc ở đấy, nên:
Điệp bắt Tân ngồi chững chạc trên thềm đình, chân thòng xuống, đầu luân phiên quay sang trái, phải, ngửa cao, cúi xuống để thông khí đầu.
Để kích thích công năng tâm, phế; Điệp chỉ cho Tân hai tay đặt lên ngực, cánh chỏ liên tục đưa lên, hạ xuống.
Cườm tay có huyệt Đại Lăng, Thần Môn, Thái Uyên nên Điệp bảo Tân cọ mặt nắm tay cho tâm và phế bào tăng công năng.
Lưng bàn tay có huyệt Dương Trì, Dương Khê, Dương Cốc thuộc kinh Tam Tiêu, Tiểu Trường, Đại Trường, nếu cọ lưng nắm tay vào nhau khí hành sẽ lưu thông.
Nắm tay, hướng ngón cái là huyệt Hiệp Cốc thuộc Đại Trường Kinh; cọ sát nắm tay hướng ngón cái làm thông khí toàn bộ mặt và miệng.
Nắm tay hướng ngón út có huyệt Hậu Khê thuộc Thủ Thái Dương, Tiểu Trường Kinh. Cọ xát nắm tay hướng ngón út để thông kinh khí lưng cánh tay và phía sau đầu.
Các ngón tay là đầu của ba kinh Dương và Âm nên ma xát khẩu cái, kẽ tay, đấm lòng bàn tay khiến đả thông kinh Âm, Dương.
Để thông khí huyệt cùi chỏ; hai tay luân phiên; một tay nắm, đặt trước ngực; một tay xòe, duỗi thẳng trước mặt.
Để khích động trung tâm Tỳ, Vị; hai tay luân phiên; một tay nắm, đặt trước ngực; một tay nắm, duỗi thẳng sang trái hoặc sang phải.
Để tăng cường sức mạnh của tay, vai và điều hòa tỳ vị; hai tay luân phiên; một tay xòe, duỗi thẳng lòng bàn tay hướng đất; một tay xòe, duỗi thẳng lòng bàn tay hướng trời.Để tăng sức mạnh cho vai, lưng và điều hòa thận khí; hai tay luân phiên; tay bên này, choàng qua ngực, vịn vai; tay bên kia, nắm lại, đấm sau thắt lưng.
Để tăng hiệu năng của bụng và điều hòa khí huyết, hai tay đè lên đùi, người luân phiên xoay tròn phần lưng trở lên theo chiều thuận, nghịch.
Để trợ tiêu hóa, tăng cường thận, lưu huyết toàn thân; hai chân luân phiên; một chân duỗi thẳng theo thế ngồi; một chân co bó gối, đoạn đá lên trời.
Sau khi được luyện Bảo Kiện, Tân được chỉ phép Thu Công. Đó là sự tập trung ý chí để dẫn khí tại hai bàn tay, hai bàn chân cùng lúc lên cùi chỏ, đầu gối; tiến dần lên vai, lên háng; đoạn đưa vào Trung Đan Điền, tức Tỳ, Vị. Dùng phương pháp thổ nạp thông thường, khởi từ Trung Đan Điền, từ trong ra ngoài theo vòng trôn ốc, từ vòng nhỏ đến vòng lớn theo chiều kim đồng hồ, đúng ba mươi sáu vòng, vòng nhỏ nhất là một điểm ở Trung Đan Điền, vòng lớn nhất ở sát trái tim. Sau đó dụng ý chí dẫn khí theo vòng trôn ốc từ ngoài vào trong, từ vòng lớn đến vòng nhỏ ngược chiều kim đồng hồ, đúng hai mươi bốn vòng, vòng lớn sát trái tim, vòng nhỏ là một điểm ở Trung Đan Điền.