Chương 16

- Mày đậu xe vào chỗ đó đi...
Hiền chỉ cho Hùng bãi đậu xe thật lớn đối diện với miếng đất trống đầy cỏ xanh dùng làm sân đá banh. Dọc theo con đường bằng xi măng có nhiều chiếc bàn bằng cây và cạnh đó là những lò nướng lớn. Tay ôm bịch bánh mì tay xách mấy chai nước ngọt hai người đi tới chỗ đám đông đang đứng ngồi cười nói ồn ào và vui vẻ.
- Lẹ lên đi hai ông tướng... Tụi này chờ hai ông tới mục xương luôn...
Hữu cười nói. Anh là trưởng toán 1 còn Định là trưởng toán 2. Họ là hai người có cấp bậc và thâm niên quân vụ cao nhất nên được mọi người bầu làm trưởng toán. Nhìn mọi người đang đứng ngồi Định lên tiếng.
- Anh em đã tới đủ. Vậy bây giờ mình điểm danh. Mời anh Hữu điểm danh trước...
 
Lần lượt Hữu gọi tên các chiến hữu trong toán 1 của mình là Hùng, Hiền, Mạnh, Tạo, Xinh, Sang, Thăng, Vũ, Bảo, Ấn và Bình. Tiếp theo toán 2 của Định có Chung, Đông, Hòa, Giang, Gia, Hưng, Hạnh, Khang, Khanh, Long và Linh.
 
Để tránh sự tò mò và dòm ngó của người chung quanh họ chia làm hai đội đá banh đấu giao hữu với nhau. Hai mươi bốn người ngồi thành vòng tròn chính giữa sân cỏ rộng. Định toán trưởng toán 2 kiêm trung đội trưởng lên tiếng.
- Anh em đều biết về mục đích của chuyến trở về nước của chúng ta. Có anh em nào thắc mắc về điều này nữa không?
Tất cả đều im lặng. Nhìn hai mươi ba anh em Định trầm giọng.
- Anh em cũng biết là đây là một cuộc hành quân quyết tử do đó anh em nào muốn rút lui cứ việc đứng lên ra về...
 
Định ngừng nói và không có ai đứng lên. Mỉm cười hài lòng Định cất giọng nhỏ nhưng nghiêm nghị.
- Trước khi bàn sâu vào chi tiết của cuộc hành quân đột kích Phú Quốc tôi cần nhấn mạnh một vài điều. Thứ nhất là vấn đề an ninh và bảo mật. Các anh em không thể tiết lộ bất cứ điều gì về mục tiêu và hoạt động của mình cho bất cứ ai ngay cả những người thân yêu nhất như vợ con, cha mẹ hoặc anh chị em hay bạn bè và người quen biết. Tất cả mọi liên lạc giữa các anh em trong toán đều được hạn chế tối đa. Sau khi bàn soạn với nhau tôi và Hữu đã chọn bốn người phụ tá để đảm nhận bốn hoạt động chính. Hiền sẽ là sĩ quan thông tin và liên lạc. Tất cả mọi tin tức và lệnh lạc mà các anh em nhận được đều do Hiền đưa chuyển tới. Nếu có bất cứ ai ngoài Hiền ra lệnh hoặc thông báo tin tức thời anh em không cần phải thi hành bởi vì người đó không có thẩm quyền. Hùng sẽ là sĩ quan tài chánh...
Nhìn mọi người giây lát Định cười tiếp.
- Cuộc đột kích Phú Quốc được tiến hành một cách nhanh chóng là do sự đóng góp tích cực về tiền bạc của Hùng. Ngoài tiền trúng số Hùng còn bán nhà lấy tiền bỏ vào quỷ để mua vé máy bay hoặc các dụng cụ cần thiết cho công tác mà chúng ta sắp thi hành...
Ngừng lại giây lát Định trầm giọng nói xuống thật thấp.
- Sang và Thăng sẽ là hai sĩ quan an ninh và tình báo. Cả hai sẽ trở về nước trước nhất để thu thập tin tức cũng như xếp đặt mọi chuyện. Khanh và Long sẽ là sĩ quan hành quân có nhiệm vụ phác họa kế hoạch đánh chiếm các vị trí quan trọng của đảo Phú Quốc. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên và duy nhất của hai mươi bốn người của chúng ta. Sau cuộc họp này anh em sẽ nhận lệnh hoặc tin tức bằng điện thoại, email bởi người sĩ quan thông tin và liên lạc... Anh em có thắc mắc gì không?
Chung đưa tay lên như xin lệnh rồi mới lên tiếng.
- Chừng nào mình mới trở về thưa anh?
- Vì vấn đề an ninh nên tôi không thể tiết lộ giờ giấc tuy nhiên tôi có thể nói cho anh em biết là chúng ta không về cùng một lượt. Có người sẽ về trước, có người sẽ về sau. Điều này tùy thuộc nhiệm vụ mà họ sẽ đảm nhận... Có một điều tôi khuyên anh em là nên giữ gìn sức khỏe, siêng năng tập thể dục để có sức chịu đựng bền bỉ và dẻo dai. Hơn ba chục năm rồi anh em chúng ta không có cầm súng...
Mọi người im lặng. Ai nấy đều có vẻ buồn buồn như nhớ lại quá khứ hào hùng và bi thảm của mình. Hữu chợt lên tiếng.
- Bây giờ là tới phần ăn mừng để kỷ niệm cuộc gặp gỡ hôm nay...
Mọi người giải tán để lo nấu nướng. Trong lúc một số anh em đá banh còn một số khác lo nướng thịt, Hữu và Định họp riêng với các sĩ quan chỉ huy trực tiếp như Hiền, Hùng, Sang, Thăng, Hữu, Khanh và Long. Nhìn mọi người Hữu cất giọng thấp và nhỏ như không muốn cho ai nghe trừ những người trong nhóm.
- Khoảng giữa tháng 3 Sang và Thăng về trước để lo chuyện mướn ghe hay tàu. Nếu không mướn được thời mình mua cũng được. Hai em cũng lo chuyện móc nối và làm quen với tụi " bò vàng " để thu lượm tin tức...
Ngừng lại giây lát Hữu tiếp.
- Sau khi nhận được báo cáo của Sang và Thăng thời tôi với Xinh và Tạo sẽ lên đường. Theo như dự trù thời ba đứa tôi sẽ lên máy bay vào khoảng đầu tháng tư... Sau khi tìm thấy chiếc ghe chở súng đạn tôi sẽ báo tin cho Hiền để anh Định lo xếp đặt chuyến bay cho anh em lần lượt trở về. Khanh và Long phải về sớm hơn để nghiên cứu trận địa... Có lẽ khoảng giữa tháng tư...
Hữu mỉm cười nhìn Khanh với Long.
- Hai chú là dân nhảy dù và thủy quân lục chiến nên tôi với anh Định giao khoán chuyện đánh nhau cho hai chú...
Khanh cười lớn.
- Anh đừng lo. Đây là trận đánh để đời của một lính dù lưu vong nên tôi sẽ xả láng...
Quay qua Định Hữu cười tiếp.
- Anh còn muốn nói thêm điều gì nữa không?
Trầm ngâm giây lát Định nói nhỏ.
- Khi về tới Phú Quốc mình sẽ liên lạc bằng cách nào?
Thăng ứng tiếng.
- Gặp nhau thường xuyên tôi nghĩ không tiện lắm. Mình nên dùng điện thoại...
Sang lắc đầu.
- Không dùng điện thoại được vì có thể bị nghe lén. Ngay cả điện thoại cầm tay có thể cũng sẽ gặp nhiều khó khăn...
Hùng xen vào.
- Tôi nghĩ mình nên dùng cả hai thứ là điện thoại cầm tay và máy truyền tin. Mình có thể xử dụng walkie talkie. Bây giờ thứ đồ chơi này dễ mua và cũng dễ xài nữa. Một bộ chừng trăm đô la có sức liên lạc xa hai mươi cây số và có tới năm bảy tần số để thay đổi...
Sang gật đầu.
- Hùng có ý kiến hay. Tôi sẽ mua xài thử... Nếu được mình đem về chừng năm bảy cái là đủ rồi...
Định vỗ tay cười nói.
- Xong rồi... Gọi anh em vào ăn uống rồi giải tán để cho các anh em ở xa lo trở về nhà...
 
Hai mươi bốn người ngồi chật trên hai dãy bàn bằng cây vừa ăn uống cười đùa với nhau hơn hai tiếng đồng hồ mới chia tay. Người nào ở xa thời lên máy bay còn người nào ở gần hơn thời lái xe để trở về.
 
Tuy đã hơn 11 giờ đêm mà Hữu, Định, Hiền và Hùng vẫn còn thức uống trà và bàn bạc với nhau. Hữu với Định nhìn vào bảng liệt kê chi phí mà Hùng đã soạn ra giây lát rồi Định mới lên tiếng hỏi.
- Em tính như vầy liệu mình đủ tiền không?
Hùng nhẹ gật đầu.
- Dư sức thưa anh. Vé máy bay cho mỗi người trung bình là một ngàn rưởi cộng thêm tiền khách sạn, ăn uống và mọi thứ lặt vặt thành bốn ngàn đô la. Mình có hai mươi bốn người tổng cộng chín mươi sáu ngàn. Tiền mua hay mướn tàu cộng thêm với tiền mua dụng cụ để lặn khoảng năm chục. Tôi trích ra hai mươi lăm ngàn để dành cho Thăng hối lộ tụi cộng sản bên đó...
Hữu và Định gật gù tỏ vẻ hài lòng rồi Định mới lên tiếng.
- Anh để Hùng lo chuyện tiền bạc... Sau khi anh em về hết rồi Hùng và Hiền hãy đi một lượt...
Hữu chậm chạp rút điếu thuốc, gõ gõ đầu điếu thuốc xuống mặt bàn kính mấy cái rồi quẹt diêm đốt thuốc. Hít hơi dài, nhả khói ra từ từ anh thong thả lên tiếng.
- Chung, Đông và Hòa thuộc toán 2 là nhóm về sau cùng. Hai em sẽ đi sau họ vài ngày nhưng cũng đừng về trễ quá vì mình còn phải tính toán và xếp đặt nhiều thứ lắm...
Hùng gật đầu.
- Hiền và tôi sẽ đem về một số tiền để phòng khi trục trặc mình có mà tiêu xài...
Hùng ngưng nói khi nghe giọng hát trầm buồn của Xuân Thanh trong Nhớ Sài Gòn của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng.
 
- Biết đến bao giờ gặp lại người xưa
Thương cho mùa mưa qua thành phố vắng.
Lang thang miệt mài năm tháng.
Bao nhiêu luyến tiếc xa ngàn.
Buồn thương vương lên màu áo...
 
Nhớ đến em nhiều này Sài Gòn ơi.
Xa xôi ngàn khơi đâu tà áo trắng.
Duy Tân im lìm phố vắng.
Thương cây lá hoang tàn.
Người xây giấc mơ hồi hương.
 
Này Sài Gòn yêu thương,
Hãy còn đây vấn vương.
Nhớ bờ sông nước êm.
Ghế đá chốn công viên....
 
Và còn nhiều tiếc nhớ,
Thoáng về trong giấc mơ.
Khu đại học hoang phế.
Mong ngày đó anh về...
 
Ước đến bao giờ gặp lại người mơ,
Đem theo vần thơ lên bờ sông đó.
Đêm khuya nghe từng cơn gió,
Nơi xa ánh mắt trông chờ.
Sài Gòn yêu dấu ngàn năm....
 
Bốn người lính không ai nói với ai lời nào. Dường như tâm tư của họ bị tiếng đàn và giọng hát dẫn đưa họ về thành phố xưa cũ trong một ca khúc nữa cũng mang tên Nhớ Sài Gòn.
 
- Sài Gòn hôm nay có lá rơi buồn
Sài Gòn hôm nay thiếu vắng một người
Một người nơi đây tiếc nuối Sài Gòn
Sài Gòn đẹp lắm em ơi
Khung trời áo trắng chơi vơi
Sài Gòn tôi yêu nhớ mãi tôi buồn
Buồn vì bên đây nắng đã đi rồi
Còn lại không gian tuyết trắng ngoài trời
Sài Gòn không có tuyết rơi
Khung trời ấm mãi em ơi
 
Bên này mùa đông tuyết rơi
Ước gì được ôm lấy em
Nắng Sài Gòn mùa nầy vẫn chiếu lung linh
Chiếu vào lòng một người lữ khách tha phương
Kỷ niệm trong tôi cứ mãi êm đềm
Từng chiều lang thang phố vắng đông người
Giờ nầy trong tôi đã vắng người rồi
Sài Gòn em có biết không
Ta là lữ khách tha hương...
 
Ở quê nhà còn gì  vui không em?
Chắc hôm sau, giong nước vẫn êm đềm
Những con đò nằm yên phơi dưới nắng
Khói lam chiều cao vút cánh diều lên.
 
Ở quê nhà tháng Bảy mưa ngâu chưa
Luống ngô, khoai, vươn nhãn chắc xanh mau
Lũy tre già, bờ ao in bóng mát
Tiếng nô đùa mục đồng cởi lưng trâu
 
Nhớ, nhớ sao là nhớ
Nhớ lúa vàng thơm chín rụng trên đồng
Nhớ cánh cò bay nhớ lời mẹ hát
Nhớ, anh vẫn nhớ
Nhớ những ngày mưa lúa tràn bát ngátt
Nước tràn đồng gần, nước tràn đồng xa..
 
Hùng chợt buông tiếng thở dài. Tiếng hát nhỏ dần dần. Không khí lặng trang. Bốn người lính già xa quê hương ngồi lặng câm. Bên ngoài mặt trời xuống từ từ.
Hằng ngồi im trên giường. Nàng không muốn khóc mà nước mắt vẫn ứa ra. Nàng  buồn, giận, tức và ghét Hùng. Mười ngày qua Hùng bỗng nhiên biệt tích. Nàng gọi lên nhà ở Denver thời tổng đài điện thoại cho biết số điện thoại của Hùng đã bị cắt. Gọi điện thoại cầm tay thời Hùng cũng không trả lời khiến cho nàng băn khoăn, thắc mắc, lo âu và buồn phiền không biết Hùng đi đâu hay là có chuyện gì xảy ra như tai nạn lưu thông. Điều khiến cho nàng bực dọc và tức giận nhất là Hùng không điện thoại nói với nàng một lời dù một lời ngắn ngủi.
- Ổng xem mình như con nít... Mai mốt gặp mặt khỏi thèm nói chuyện với ổng luôn... Thấy ghét... thấy ghét cái mặt...
Hằng lẩm bẩm. Vói tay lấy điện thoại nàng bấm nút định gọi lần nữa nhưng nghĩ sao nàng lại tắt và vất nó xuống giường. Nước mắt đầm đìa nàng gục đầu vào gối khóc lặng lẻ.
- Chú ơi...
Tiếng kêu vang thầm lặng trong căn phòng nhỏ. Không biết làm gì nàng mở cái MacBook Pro. Trên mặt kính hiện ra khuôn mặt của Hùng. Hằng nhìn chăm chú vào cái miệng mím lại như muốn cười. Đôi mắt buồn. Mái tóc tuy còn đen nhưng cũng có vài chỗ bạc. Khuôn mặt xương xương. Hùng của nàng đó. Người tình của nàng bây giờ đang ở đâu? Làm gì? Mãi vui chơi với ai nên không có thời giờ để gọi cho nàng. Chú ơi... Chú đang làm gì mà sao chú không gọi cho Hằng. Chú đang ở đâu mà sao chú chẳng gọi nói với cháu một lời. Chú có biết cháu đang buồn, đang khổ và đang khóc không?
Gần như là hành động vô thức Hằng nhích mũi tên tới chữ " Thơ của Chú " đoạn bấm  chuột hai lần liên tiếp. Tên của những bài thơ hiện ra. Nàng chọn một bài thơ mang tên " Lá Thư Từ Việt Nam "
 
- Kính thưa ba
Mấy năm rồi giải phóng
Con có gì trong tay
Lá cờ đỏ sao vàng
Thay cuốn tập học trò
Học tố cha cáo mẹ
Học vét mương đào kinh
Ngày hai bữa cháu rau
Con thở ra hơi phiền muộn
Kính thưa ba,
Mấy năm rồi độc lập
Người ta bảo con đã có tự do
Mà sao con cứ sợ với lo
Đêm hồi hộp vì  tiếng người kêu cửa
Kính thưa ba,
Người ta nói nước đã được ấm no
Mà sao con cứ ăn mãi bo bo
Mẹ tão tần buôn bán
Con lê la xó chợ
Mấy đứa em ăn mày
Con xin ba
Gửi cho con lon đồ hộp
Miếng thịt thừa ba để quên trong tủ lạnh
Con xin ba,
Gửi cho con chút khí trời tự do ba đang thở
Đôi giày trận
Bộ quân phục ba đã mặc ngày xưa
Con xin ba,
Gửi cho con khẩu súng cầm tay
Viên đạn đồng khắc chữ Made In USA
Để con theo người ta vào bưng kháng chiến
Mai này khi tự do về lại với non sông
Ba với con
Gặp nhau cùng hát khúc khải hoàn ca...
 
Hằng mỉm cười. Dù đang bực dọc, tức giận và ghét nàng cũng thầm vui sướng và hãnh diện khi đọc bài thơ của Hùng. Nàng kính phục và ngưỡng mộ người tình ở điểm là Hùng có tâm hồn của một người dù đi xa và đang sống trong giàu sang, sung sướng nhưng không bao giờ quên lãng quê hương nghèo khổ của mình.
Hằng mở bài thơ " Đêm nằm nghe sóng vỗ ". Nhìn dòng chữ nhỏ cuối bài thơ nàng biết Hùng đã làm bài thơ này ở Bidong năm 1982 tức là hai mươi lăm năm trước.
 
- Sóng ơi sóng vổ chi hoài
Đẩy ta bước nữa lạc loài phương xa
Biển xanh xanh mất quê nhà
Ta nằm nghe sóng nghe ta thở dài
Quanh ta giờ chẳng còn ai
Mẹ cha xa cách bóng phai nhạt mờ
Người yêu thoáng hiện dật dờ
Tỉnh ra mới biết ơ hờ mộng mơ
Sóng ơi sóng vổ vô bờ
Mình ta mở mắt mong chờ canh thâu
Sóng ơi sóng vổ về đâu
Đêm nằm nghe sóng nghe ta rầu rầu
Sóng ơi sóng vổ về đâu
Ta ngồi nghe sóng viết câu thơ buồn
Ngày qua ngày lại không hồn
Sáng trưa chiều tối bồn chồn ngóng tin
Người quen đi, ta một mình
Nằm nghe sóng vổ như kinh nguyện cầu
Mai này ta biết về đâu
Hồn ta sóng vổ cho sầu lên cao
Quê hương ta ở nơi nào
Cho ta gửi tới lời chào biệt ly...
 
Lấy miếng giấy chùi mũi Hằng lau mắt rồi qua làn nước mắt nhạt nhòa nàng đọc tiếp bài thơ " Chiều Trên Sông Mississipi " được Hùng làm năm 1985.
 
- Tàu ai thở khói trên sông
Lòng ta hoang vắng mênh mông là sầu
Nhìn con nước chảy cúi đầu
Nhớ thương theo gió lên mầu xót xa
Chiều nay chỉ một mình ta
Xuôi dòng nước lạ biết nhà ở đâu
Em ơi xin hỏi vài câu
Quê hương xa quá như hầu muốn quên
Làm sao ta giữ cho bền
Tình yêu giờ đã chênh vênh góc trời
Ba mươi tuổi, hết nửa đời
Mấy năm đất khách tơi bời lòng ta
Phần em chịu khổ quê nhà
Phần ta cay đắng xót xa nghẹn ngào
Bây giờ em ở nơi nào
Cho ta gửi tới biết bao lời buồn...
 
Hằng sụt sùi thương cho ông chú già của mình. Bây giờ nàng mới hiểu và cảm thông với nỗi buồn đau của người lính già xa quê hương. Ông ta ra đi trong hối hả, vội vàng tới độ không kịp mang theo cái gì ngoại trừ quá khứ hay chút kỷ niệm rồi cũng tàn phai nhạt mờ theo tháng ngày lưu vong lận đận. Người lính già xa quê hương như Hùng nếu không chết thời cũng tàn lụn dần theo lớp bụi thời gian. Hằng hiểu đó mới chính là nỗi thống khổ âm thầm của ông chú già. Sự bất lực trước hoàn cảnh, trước đổi thay của cuộc đời đã khiến cho chú Hùng của nàng vẫn mãi mãi xem đất này như là đất tạm sống để nuôi ý chí, để rèn quyết tâm cho một ngày nào đó trở về quê hương yêu dấu với sứ mạng giải phóng đồng bào ra khỏi ách cai trị độc tài chuyên chế của cộng sản. Người lính già xa quê hương như chú Hùng của nàng là người lính thua trận nhưng chưa chịu đầu hàng và không bao giờ đầu hàng.
- Chú ơi... Cháu thương chú...
 
Hằng gọi lên hai tiếng thân yêu như ông chú già của mình đang đứng trước mặt hoặc có thể nghe nàng gọi.
 
Trở lại giường nàng nằm lăn ra cảm thấy người rã rời mệt nhọc. Nhắm mắt lại nàng thấy Hùng đang đứng chờ nàng ở trường.