Chương 5

Hùng lững thững bước trên hành lang tráng xi măng từ cửa phòng nơi mình làm việc ra tới bãi đậu xe. Năm giờ chiều. Giờ tan sở lại nhằm thứ sáu nên mọi người đều vui vẻ và hối hả ra về sau một ngày làm việc mệt nhọc. Trời giữa tháng năm nhưng ở Denver, thành phố mà độ cao hơn một ngàn năm trăm mét trên mặt biển nên thời tiết vẫn còn lạnh và nhiều khi tuyết rơi bất thình lình. Cỏ lún phún xanh tuy vẫn còn một màu vàng. Cây Japanese maple lá xanh mơn mởn. Bãi đậu xe lơ thơ năm bảy chiếc. Mở cửa ngồi lên ghế Hùng tra chìa khóa vào ổ khóa nhưng chưa vội đề máy xe. Anh bần thần không biết làm gì cho hết hai ngày cuối tuần dài lê thê. Đối với một người đàn ông độc thân như anh thời hai ngày cuối tuần dài lắm. Có thể đối với một thanh niên độc thân thời không dài nhưng đối với một ông già độc thân thời dài, dài thê thảm, dài đằng đẵng. Một " ông già " mà tuổi đời gần sáu mươi, không vợ con, không ở gần anh chị em và cha mẹ thời hai ngày cuối tuần quả nhiên vô vị và nhàm chán. Một điều khác khiến cho hai ngày cuối tuần của Hùng lại dài ra thêm vì tính tình của anh. Hùng không thích những nơi ồn ào và náo nhiệt. Vào mấy cái bar của Mỹ uống rượu thời anh cảm thấy  mình không thích hợp với không khí đó. Đi vào các nơi vui chơi của người đồng hương anh lại cảm thấy cô đơn và buồn tủi. Gặp người quen, bạn bè có cặp có đôi anh cảm thấy sự hẩm hiu và quạnh quẻ của mình. Vì thế anh ít khi lui tới hoặc giao tiếp với đồng hương trừ những người quen thân và quen lâu.
 
Ngồi im lìm thật lâu cho tới khi bãi đậu xe không còn chiếc nào Hùng mới thở dài vặn chìa khóa. Chiếc Honda Accord từ từ nhập vào dòng xe cộ đông đúc của chiều thứ sáu. Tạt vào một tiệm bán rượu nơi ngã tư Hùng mua một kết bia Coors xong trở về ngôi nhà của mình. Hai mươi năm anh ở yên một chỗ cũng như chỉ làm có một sở. Bạn bè nói anh may mắn vì đa số bị thất nghiệp phải tìm việc mới hoặc di chuyển về các tiểu bang khác.
 
Đậu xe trong nhà xe, Hùng mở cửa đi thẳng vào nhà bếp. Chất bia vào tủ lạnh xong anh nhìn quanh quất. Không có cái gì có thể ăn liền được. Tặc lưỡi anh cầm chai bia với lon củ kiệu và bịch tôm khô rồi trở ra phòng khách. Khui chai bia hớp một ngụm anh bật máy hát. Căn phòng khách tràn ngập âm thanh. Buông mình xuống ghế Hùng im lặng nhìn ra ngoài khung cửa sổ rộng. Đây là chỗ ngồi quen thuộc của anh mỗi khi uống rượu và nghe nhạc một mình. Chiều xuống chầm chậm. Chút nắng vàng rơi rớt trên tàng cây maple bên hông nhà. Xa thật xa rặng núi Rocky trắng mờ vì hầu như quanh năm tuyết phủ. Hùng là một ông già độc thân gần sáu mươi do đó cái thú nghe nhạc của anh cũng cổ lỗ sĩ. Nhạc đối với anh là cây cầu để đưa về quá khứ, về kỷ niệm và quê hương giờ đã xa, thật xa...
 
Giọng hát của Ý Lan như tiếng than dài trùng trùng chất ngất nhớ thương trong ca khúc Đỗ Quỳnh Hương của Đức Huy. Có nhiều người đã hát bản nhạc này nhưng đối với anh Ý Lan là người hát hay nhất vì giọng của nữ ca sĩ này có chút gì phảng phất giọng nói của Quỳnh Hương.
 
- Ở nơi đây mùa Đông mưa rơi
Từng cơn gió về làm run người
Tuyết trắng bay đầy trời
Ngủ mơ về vùng nắng ấm
Từng ngày qua chập choạng lênh đênh
Nghe ray rức buồn về nơi này
Anh nhớ em từng ngày
Giờ em làm gì bên ấy...?
 
Âm thanh chập chùng. Đây là bản nhạc mà Hùng đã nghe đi nghe lại hàng ngàn lần nhưng không bao giờ chán. Lý do khiến anh nghe hoài bản nhạc Đỗ Quỳnh Hương của Đức Huy vì người yêu của anh cũng tên Đỗ Quỳnh Hương. Cô nữ sinh của trường trung học tỉnh lỵ Cà Mau là người yêu duy nhất và suốt đời của Hùng. Thùy mị, dịu dàng, dễ thương và xinh xắn, cô gái có tên Đỗ Quỳnh Hương đã làm rung động trái tim của cậu thanh niên quê Sài Gòn nhưng đi lính ở Cà Mau. Gặp nhau trong tiệc cưới của một người bạn làm chung ở tiểu khu Hùng chú ý và tìm cách gặp gỡ. Họ quen nhau, yêu nhau thắm thiết và dự định tiến tới hôn nhân. Nhưng ngày 30 tháng 4 như lưỡi dao cắt đứt tình yêu của họ. Hùng bị đi cải tạo. Không thể sống với cộng sản, toàn gia đình của Quỳnh Hương vượt biên. Đau đớn thay họ không bao giờ tới được bến bờ tự do. Chiếc thuyền vượt biên chở gia đình của Quỳnh Hương đã mất tích trên biển. Sau khi ra khỏi trại cải tạo Hùng trở lại Cà Mau tìm người yêu và được biết tin Quỳnh Hương đã ra đi tìm tự do. Thời gian sau Hùng cũng vượt biên và được định cư ở Hoa Kỳ nhưng không bao giờ gặp lại người con gái mang tên Đỗ Quỳnh Hương. Dù vậy anh vẫn chờ, vẫn đợi, vẫn không chịu lập gia đình. Dường như trong thâm tâm anh vẫn không chấp nhận chuyện Quỳnh Hương đã chết. Hai mươi mấy năm anh sống với hình bóng, kỷ niệm hiện về trong giấc ngủ trở trăn nằm nghe gió hú và nhìn tuyết rơi trắng xóa; qua cơn say ngầy ngật nghe hoài một bản nhạc để nhớ, để thương hoài một hình bóng chỉ còn trong trí tưởng ngày thêm mỏi mòn và nhọc mệt.
 
- Nhớ trời xanh công viên mắt cay
Nắng hiền hòa, chiều nào mình ngồi bên nhau.
Những ngày vui qua như thoáng mây.
Những ngày buồn chập chùng tựa giòng sông sâu.
Đỗ Quỳnh Hương nhớ em muôn ngàn sầu...
 
Hùng cảm thấy mắt mình cay cay. Qua màn nước mắt mờ mờ anh thấy rặng núi Rocky lung linh nhạt nhòa như khuôn mặt của người tình. Nụ cười. Ánh mắt. Tà áo dài trắng ngây thơ của cô nữ sinh. Chiếc nón lá che nghiêng nghiêng như để dấu sự thẹn thùng đồng thời cũng không cho ông lính Sài Gòn thấy được nụ cười khuyến khích và ngầm đồng ý của mình khi ông ta theo cua mình.
 
- Ở nơi đây mùa Thu lá bay
Ngày hiu hắt dù là cuối tuần
Anh lấy ai chuyện trò,
Ngồi nghe hồn làm bão tố.
Từng ngày qua chập choạng lênh đênh,
Nghe ray rức buồn về nơi này
Anh nhớ em từng ngày,
Giờ em làm gì bên ấy?
 
Hùng uống cạn chai bia. Anh muốn say để quên dù biết mình sẽ buồn, sẽ nhớ nhiều hơn. Bao nhiêu năm rồi anh uống rượu một mình, say một mình và nỗi buồn, niềm nhớ không những không nguôi ngoai mà lớn dần theo tuổi đời chồng chất. Người thanh niên năm nào bây giờ đã thành ra một ông già tóc có chỗ bạc. Đời sống không có niềm vui mà chỉ là nỗi sầu. Sầu xa xứ, sầu nhớ người yêu lãng đãng, bàng bạc trong không khí.
 
-  Nhắn gió, nhắn mây về bên ấy rằng ta còn luôn thiết tha.
Xa vắng ngày qua,
Ta vẫn mong chờ
Chờ nhau nhé từng ngày...
Chờ nhau nhé đừng quên...
Chờ nhau nhé đừng quên...
 
Anh không bao giờ quên em Quỳnh Hương... Dù anh biết không bao giờ gặp lại em... Hùng lẩm bẩm. Anh nghe như có tiếng người yêu thì thầm bên tai. Hai người ngồi trên bãi cỏ xanh bên dòng sông Gành Hào nước đục của một buổi chiều sắp tắt nắng. Quỳnh Hương đẹp đơn sơ trong chiếc áo bà ba trắng và chiếc quần đen khi hai đứa ngồi trên chiếc cầu ván bắc qua con rạch nhỏ sau nhà...
Chuông điện thoại reo. Hùng vặn nhỏ âm thanh xong từ từ nhấc lấy điện thoại. Chưa kịp nói " A lô " anh đã nghe tiếng cười vui vẻ của Hiền, thằng bạn thân cùng xóm hiện sống ở Atlanta.
- Mày đang làm gì vậy?
- Đang uống...
- Uống với ai?
Hùng cười nói nhỏ.
- Uống riêng ta, ta buồn không bạn hữu
  Không người tình chuốc rượu, ủ hơi men...
Hùng nghe tiếng bạn cười ha hả bên kia đầu giây điện thoại rồi sau đó là tiếng thở dài.
- Nhân dịp 4 tháng 7 tao muốn rủ mày xuống đây chơi...
- Có chuyện gì không?
- Không... Lâu quá tụi mình không có gặp nhau...
- Mày cày hùng hục mà rủ tao xuống chơi...
Hiền nói trong tiếng cười.
- Tạm ngưng cày rồi... Tao tính lấy hai tuần vacation...
Tới lúc này Hùng mới bật thành tiếng cười.
- Tao có ba tuần vacation... Tao sẽ lấy hai tuần xuống thăm mày. Bà Ngọc chịu nuôi cơm không?
Hiền cười hì hì.
- Đừng lo chuyện đó. Bả không chịu nuôi cơm thời tao với mày đi ăn nhà hàng...
Hùng cười hà hà.
- Cái mục đó coi bộ hơi tốn tiền nhưng mà khỏe. Được... Khi nào đi tao sẽ điện thoại cho mày biết...
Sau khi cúp điện thoại Hùng đứng dậy đi vào nhà bếp lấy thêm chai bia xong nhìn lên tấm lịch. 4 tháng 7 chỉ còn hơn tháng. Trở ra phòng khách anh ngồi im nhìn ra ngoài trời đêm lấp lánh sao. Tiếng xe cộ vọng rì rầm. Trong vùng trí tưởng Hùng nghe văng vẳng tiếng máy đuôi tôm nổ phành phạch, tiếng xuồng vỏ vọt rẻ nước và tiếng hò của Quỳnh Hương vang lên trong đêm trăng mờ bên bờ sông Gành Hào.
 
- Cà Mau đi dễ khó dìa
  Trai đi có vợ... mà... gái dìa có con...
 
Sau khi quen nhau thời gian Quỳnh Hương thường hò hai câu đó như để diễu Hùng. Thị trấn buồn, hiu quạnh với những con sông hay dòng kinh nước đục và mằn mặn. Kinh Sáng đi Hộ Phòng. Sông Gành Hào đi ra biển. Sông Bảy Hạp cạn nước lười chảy. Sông Trèm Trẹm. Sông Giồng Riềng. Sông Quản Lộ đi Phụng Hiệp. Cà Mau với những địa danh là lạ. U Minh. Tắc Thủ. Bến Gỗ. Những con đường tráng nhựa đìu hiu về đêm. Ánh đèn đường không đủ điện sáng vàng vọt. Những ngôi nhà cũ kỹ. Mái ngói rêu mốc. Dàn hoa giấy rực rở. Khu vườn im bóng mát dưới tàng cây vú sữa xum xê. Cây mận trái xanh. Gốc xoài già. Chỗ ngồi quen thuộc của đôi tình nhân trẻ. Chiếc cầu khỉ bắc qua con rạch nhỏ. Tiếng cười trong như pha lê của Quỳnh Hương khi thấy ông bồ lính bò lom khom trên chiếc cầu khỉ bắc qua con rạch nhỏ. Hớp ngụm bia Hùng mỉm cười như nhớ lại kỷ niệm. Anh không bao giờ đi hết chiếc cầu khỉ để qua tới bờ bên kia. Cây cầu khỉ làm bằng thân cây nhỏ cỡ nắm tay, quặt quà quặt quại, đong dưa theo bước chân và được nửa đường là Hùng lảo đảo rồi ùm xuống nước khiến cho Quỳnh Hương ôm bụng cười sặc sụa. Hùng cười đùa.
- Yêu em mấy núi anh cũng trèo... Mấy sông anh cũng lội mà qua cầu khỉ thời anh hổng có qua...
Quỳnh Hương nhăn mặt.
- Nếu nhà em ở bên kia thời anh làm sao?
- Anh đứng bên này hú em qua... Còn em không qua thời anh làm cây cầu xi măng đi cho chắc ăn...
Máy hát chuyển sang một bản nhạc khác. Giọng ca Duy Khánh buồn não lòng.
 
- Người lính già xa quê hương
Nghe trong tim đêm ngày trăn trở
Nhớ quá một thời chinh chiến gian lao
Nhớ phút nguy nan đi vào binh lửa
Sắt thép trong tay đang đối diện thù
Bỗng tiếng loa vang lệnh truyền buông thả
Nửa đời còn gì cung kiếm ngang trời...
 
Hùng thở dài uống cạn chai bia như muốn nuốt hết uất nghẹn vào tận cõi lòng của mình.
 
- Người lính già xa quê hương
Bao nhiêu năm anh nằm không ngủ
Nhớ quá mẹ hiền nhớ quá anh em
Nhớ những đêm mưa quân hành đất đỏ
Nhớ những đêm xuân nơi chốn địa đầu
Nay quá xa xăm đường về thăm thẳm
Nửa đời ngậm ngùi mang kiếp tha hương...
 
Từng chữ, từng âm hưởng như mũi khoan cùn khoan từ từ, chậm chạp vào tâm hồn của  người lính chiến xa quê hương. Đời sống lưu vong đằng đẵng những buồn phiền, thống khổ xâu lại thành chuỗi tháng ngày lừng lững đi. Quê hương xa mù. Đường về không có. Trong tâm của người lính già kiêu hãnh không chấp nhận một sự trở về khi quê hương vẫn còn bị cai trị bởi cộng sản. Anh không muốn trở về bằng cái visa khi chiếc phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất có lá cờ nền đỏ sao vàng bay trong gió. Anh chỉ trở về khi nào lá cờ vàng ba sọc đỏ ngạo nghễ bay trên trời nắng đẹp của Sài Gòn và Hà Nội. Có người bạn bảo anh mơ. Hùng cười im lặng. Phải anh đang sống trong mơ, trong mộng. Người lính già xa quê hương như anh gần ba mươi năm qua vẫn xem nơi đây chỉ là đất tạm. Vẫn thầm hẹn với lòng mình một ngày về lại quê hương. Về để chết giữa quê hương dấu yêu.
Hùng khui tiếp lon bia. Khói thuốc bay lờ lững trong căn phòng nặng hơi nước của một ngày xuân chớm sang.
 
- Ôi còn đâu
Ôi còn đâu
Bạn bè ta
Những anh hùng hào kiệt
Không tiếc chi xương máu giữ màu cờ
Ôi còn đâu
Ôi còn đâu
Một thời trai một thời súng gươm
Nay bỗng dưng thành kẻ lưu vong
Người lính già xa quê hương
Nhưng trong tim chưa tàn ánh lửa
Vẫn ước một ngày theo gót Quang Trung
Vẫn thấy quê hương đêm ngày réo gọi
Vẫn thấy trong tim canh cánh đường về
Vẫn thấy nơi đây chỉ là đất tạm
Thầm hẹn ngày về chết giữa quê hương...
 
Hùng thở dài u uất. Tiếng hát như ngọn roi quất vào trái tim ri rỉ máu của anh. Quê hương. Hai chữ đó thật xa, xa ngàn trùng nhưng thấp thoáng hiện về trong giấc ngủ rời rã, đứt đoạn của một ngày mùa thu nhìn lá vàng rơi bên hông nhà. Mùa đông của Denver lạnh và tuyết rơi thật nhiều, anh ngồi co ro uống ly cà phê mà nhớ tới Sài Gòn của một thời hoa niên rong chơi. Đường Hiền Vương. Pasteur. Phan Thanh Giản. Cà phê Ngọc Anh. Thạch chè Hiển Khánh. Với Khôi, Hòa, Hoàng, Hiền... Ổ bánh mì thịt được chia làm năm làm ba. Với Sa Sương Trinh. Người Huế lưu lạc vào Sài Gòn. Tốt nghiệp quốc gia âm nhạc mà đói triền miên, cuối cùng phải tình nguyện vào lính như là một lối thoát.
Hùng lại khui lon bia. Anh muốn say và cần say để...
 
- Khi nào em vượt biển
Mang giùm tôi nỗi buồn
Trong nhà giam hiu quạnh
Đêm mịt mờ mưa tuôn
Khi nào em vượt biển
Mang giùm tôi quê hương
Dù chỉ là chiếc lá
Em nhặt nơi cuối đường...
 
Hùng úp mặt vào hai bàn tay của mình. Hình ảnh của Quỳnh Hương đang giơ tay vẩy vẩy trên mặt biển bao la hiện ra. Ánh mắt tuyệt vọng. Miệng nàng mấp máy như gọi tên người yêu lần cuối cùng trước khi chìm sâu xuống đáy biển.
 
- Mang giùm tôi kỷ niệm
Thuyền đêm lướt trên sông
Tôi đàn cho em hát
Mơ những sớm mai hồng
Mang giùm tôi uất ức
Từ khám tối âm u
Mang giùm tôi máu trào
Dưới đòn chế độ thù
 
Mang giùm tôi lệ mẹ
Từng đêm trắng đêm tuôn
Con vùi thây đất Bắc
Con chết giữa khơi trùng
 
Mang giùm tôi bóng mát
Tàng trứng cá trong sân
Bên rào giam nữ tội
Em nhìn tôi đôi lần
 
Hùng cảm thấy tâm hồn rời rã theo từng lời ca, tiếng hát, nốt nhạc da diếc lặng thầm. Ngoài sân tuyết bay lất phất, bám vào cửa sổ làm căn phòng thêm lạnh lùng rét mướt.
 
- Khi nào em vượt biển
Mang giùm tôi đầy hồn
Một Việt Nam bom đạn
 Và một vành khăn tang
 
Khi nào em vượt biển
Mang giùm tôi quê hương
Dù chỉ là chiếc lá
Em nhặt nơi góc đường
Dù chỉ là chiếc lá
Tàn úa ở cuối đường...
 
Hùng nằm dài xuống ghế. Dù nhắm mắt anh cũng nghe được giọng hát nào đó vang lên trong tiềm thức.
 
- Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhoà
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu...
 
Phòng khách sáng mờ mờ. Không khí tịch mịch và rét mướt. Gió gào. Gió hú. Gió rít từng cơn vật vả cây maple ngoài sân. Xa xa đỉnh Rocky trắng mờ. Tuyết lất phất bay. Hùng mở mắt. Ba giờ sáng. Gượng ngồi dậy anh đi vào nhà bếp. Mở tủ lạnh anh rót đầy ly nước cam uống một hơi cho đã khát đoạn trở ra phòng khách. Những chai bia nằm trơ vơ trên mặt bàn. Gạt tàn thuốc đầy ắp. Thân thể rã rời sau cơn say anh nằm xuống mà cảm thấy đầu óc choáng váng. Ngẫm nghĩ giây lát anh gượng ngồi dậy đi vào nhà tắm. Nước nóng gần bỏng da nhưng cũng không đủ sức xua đuổi cái lạnh của Denver. Hơi nước bốc lên mờ mịt bám đầy trên mặt gương. Tuy nhiên cũng nhờ vậy mà anh cảm thấy tỉnh táo lại. Nấu tô mì gói, pha ly cà phê mang ra phòng khách anh vừa ăn mì vừa nhìn những cà phê phin nhểu chầm chậm từng giọt. Tiếng nhạc cất lên buồn da diếc.
 
-... Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi anh em còn ai hay mất ai
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù
Ở đây có những chiều mưa rất nhiều
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn đêm rừng thưa vắng tiếng bom
Ngày vui ơi giờ đâu nữa không còn
Cho tôi xin lại ngọn đồi ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bờ rừng nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lần chào chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi một mộ phần bên ngàn chiến hữu của tôi...
 
Hùng thở dài. Anh nhớ tới những thằng bạn cùng xóm, cùng trường, cùng lớp, cùng khóa hay cùng đơn vị. Những kẻ bất hạnh đang còn kẹt lại ở quê hương. Họ phải gồng mình đi hết con đường khổ nạn.
Đang lui cui chất mì gói vào tủ Hùng hơi ngưng tay khi nghe tiếng chuông điện thoại. Đợi cho điện thoại reo lần thứ ba anh mới chịu nhấc lên.
- A lô...
- Chú ơi...
Chỉ cần nghe giọng nói thanh thanh đó Hùng biết ngay người gọi là ai.
- Hằng mạnh không cháu?
- Dạ mạnh... Cháu vừa thi xong mệt đừ chú ơi...
- Thôi ráng đi... Mai mốt thành " Cô Đốc " thời khỏe re...
Hùng nghe tiếng cô cháu gái cười hắc hắc bên kia đầu dây.
- Chú đang làm gì vậy?
- Hôm nay thứ tư nên chú đi chợ...
Hùng nghe bên kia đầu dây có tiếng cười hăng hắc rồi giọng nói vui vẻ lại vang vang.
- Ai bảo chú không chịu lấy vợ cho nên chú phải đi chợ và nấu ăn...
Hùng cười trong ống điện thoại.
- Chỉ sợ lấy vợ rồi chú cũng phải đi chợ và nấu ăn luôn cho cả hai người...
Hằng lại cười lớn hơn.
- Ba má cháu có nhà không?
- Dạ không... Ba má cháu đi thăm ngoại ở Dallas tuần sau mới về... Chú ơi... Cháu kể chuyện trượt tuyết ở Denver cho mấy nhỏ bạn nghe. Tụi nó đòi năm tới lên gặp chú dẫn đi trượt tuyết...
- Ừ... Năm tới cháu lên đây...
Ngập ngừng giây lát Hùng nói nhỏ.
- Chú ước gì được nghe cháu hát...
- Cháu cũng vậy... Cháu muốn được nghe chú ngâm thơ. Cháu phổ xong bản nhạc Người Tình California° của chú rồi...
- Nghe hay không cháu?
- Hay lắm chú ơi... Cháu muốn chú là người đầu tiên được nghe...
- Chú cũng vậy... Hay là như thế này...
Hùng ngập ngừng, ấp úng thật lâu nhưng ở bên kia đầu dây Hằng vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Lát sau nàng nghe ông chú già của mình thở hắt một hơi thật dài cùng với giọng nói trầm và chậm rãi cất lên.
- Chú mua vé máy bay cho cháu lên đây thăm chú hai ngày cuối tuần này... Cháu chịu không?
Đầu dây bên kia im lặng một chút rồi có tiếng cười khúc khích và giọng nói vui vẻ của Hằng.
- Chú nói thật hả chú?
- Thật mà... Chú cháu mình sẽ đi núi...
- Lên núi làm gì hả chú?
Hùng cười đùa.
- Đi tu...
Bên kia đầu dây Hằng cười hắc hắc.
- Ok... Cháu bằng lòng theo chú lên núi tu. Chú mua vé máy bay đi rồi chú gọi cho cháu biết. Số điện thoại cầm tay của cháu là...
Ghi số điện thoại của Hằng xong Hùng nói nhanh.
- Bây giờ mình ngưng nói chuyện để chú gọi mua vé xong rồi chú gọi lại cho cháu...
- Dạ...
Lật sổ tay mà lần trước anh đã ghi lý lịch của Hằng xong Hùng gọi hãng máy bay để mua vé. Tuy nhiên hãng máy bay cho biết là vé thường đã hết chỗ chỉ còn first class thôi. Không ngần ngại Hùng trả tiền rồi gọi cho Hằng.
- Chú ơi...
- Chú đây... Có vé cho cháu rồi. Thứ sáu 3 giờ trưa từ Oklahoma City đi Denver và trở về ngày chúa nhật 4 giờ chiều. Chuyến bay 7115 hãng Continental. Chú lấy first class cho cháu đó...
- Chú mua first class làm chi cho tốn tiền...
Hùng cười nói.
- Chú cưng cháu vả lại cháu xứng đáng đi first class. Cháu nhớ mang đàn lên nghe...
- Dạ... Cháu sẽ gặp chú sau...
Gác điện thoại Hùng ngồi thừ trên ghế. Bây giờ nghĩ lại anh mới cảm thấy lo âu vì không biết chuyện mình làm có gây ra phiền phức hay là không. Mặc dù anh với Hằng không có chuyện gì bậy bạ xảy ra nhưng rủi ba má của nàng biết được anh không biết phân trần như thế nào. Ngay cả Hằng không phải là trẻ vị thành niên nhưng nàng còn quá trẻ so với anh. Sự chênh lệnh về tuổi tác khiến cho anh trở thành một đề tài diễu cợt và đàm tiếu của tất cả người quen biết. Nhưng bây giờ thời anh không thể rút lại được vì biết Hằng sẽ giận và buồn. Anh không muốn cô cháu gái mới quen buồn. Vả lại trong thâm tâm anh cũng muốn gặp Hằng để được trò chuyện, đi chơi với nhau và nghe cháu gái hát hò. Bao nhiêu thứ đó đủ khiến cho anh vui vẻ và sẵn sàng lao vào cuộc phiêu lưu tình cảm mặc cho mọi phiền phức xảy ra.