Chương 26

Căn nhà của Đắc Phong nằm thụt sâu trong con hẻm nhỏ. Cha anh đã mất cách đây hai năm trong một vụ tai nạn giao thông. Mặc dù chỉ còn lại hai mẹ con, nhưng căn nhà lúc nào cũng được dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ. Phương đã không nhầm lẫn khi chọn nhà anh làm địa điểm tốt nhất để sửa máy, vừa yên tĩnh vừa tránh được cặp mắt dòm ngó của mọi người.
Đắc Phong đang ngồi trong phòng đọc sách, thì nghe tiếng xe Honda dừng lại trước nhà. Bỏ quyển sách xuống bàn, định bước ra đón khách thì:
– Ủa! Cậu Phương mới đến à.
Hùng Phương sáng nay chỉnh tề trong bộ đồ Âu được cắt may rất khéo. Trông anh đẹp như một minh tinh trong TTT. Phương gật đầu kèm theo câu hỏi:
– Anh Phong đang đọc sách gì vậy?
– Quyển “Tự học tiếng Anh” đó mà.
Phong bước đến tủ lạnh lấy nước, vừa rót đầy hai ly nước, trao cho Phương một ly anh nói:
– Hôm nay, ba mẹ hay chị Mỹ Phương trông hàng?
– Ba mẹ đang chuẩn bị đi dự tiệc ở nhà một người bạn, chị Phương phải trông hàng. – Ngừng lại vài giây, Phương hỏi luôn – Máy chạy tốt hả anh Phong?
– Sẵn có cậu ở đây, ta thử lại một lần nữa xem nào.
Đắc Phong và Phương cùng bước về chỗ để máy. Phong mở tấm nhựa đậy máy ra, anh tiện tay xếp lại ngay ngắn. Trong khi đó Phương bấm một số nút cần thiết, chiếc máy bắt đầu quay đều, tiếng nổ giòn và êm, Phương mỉm cười nhìn Phong:
– Thế này thì tốt quá.
– Nhưng chủ máy lại không cần nữa.
– Em sẽ tìm cách đế bắt chúng phải chịu giao tiền cho ta.
– Bằng cách nào?
– Chờ cho chúng khánh kiệt và tự mò đến chỗ mình. – Phương đưa tay tắt máy.
– Cậu biết chính xác vậy à? – Đắc Phong đậy máy lại.
– Tất nhiên đó chỉ là dự đoán.
Hai anh em chở lại chỗ ngồi cũ trong phòng khách.
– Hình như chuyện này, cậu không cho gia đình biết?
– Em không muốn mọi người lo lắng cho mình.
– Liệu như thế mạo hiểm không?
– Em và Bá Vinh cùng làm mà. Chắc là không có chuyện gì đâu.
– Cậu đừng lên chủ quan. Phải lường trước những tình huống bất ngờ lúc nào cũng có thể xảy ra.
Có tiếng con Mina sủa trước nhà. Đắc Phong đứng dậy ra ngoài. Một lúc sau, anh đi vào, trên tay cầm một tờ giấy nhỏ.
– Bức thông điệp từ phía bên kia gởi cho cậy đây.
Phương cầm lấy tờ giấy trên Phong, anh đọc thật kỹ những dòng chữ nhỏ trên giấy: “Hẹn gặp ông Phương tại quán cà phê “Thương” nằm trên đường N, lúc tám giờ ba mươi phút.
A Sừng”.
Phương vò nát bức thông điệp trên tay, anh nhíu mày lại. Đắc Phong cắt ngang dòng suy nghĩ của anh.
– Cậu có định đến đó không?
Phương đứng lên đi lại phía cửa sổ, vài phút sau anh quay lại nhìn Đắc Phong.
– Em phải đến ngay chỗ hẹn.
– Nhưng bây giờ vẫn còn sớm.
– Em muốn đến trước hắn.
Phương nói dứt khoát. Xong, anh cho hai tay vào túi quần và đi về phỉa cửa.
– Tôi cùng đi với cậu nhé?
– Không cần đâu, anh Phong.
Phương cho xe nổ máy và phóng thẳng, không cần nhìn lại phía sau.
Quán cà phê “Thương” đã hiện ra trước mặt. Không hiểu hắn là người thế nào mà lại chọn địa điểm này để nói chuyện nhỉ? Bên ngoài nhìn vào, người ta không khỏi có ác cảm vì cái vẻ tồi tàn của nó. Phương liếc nhìn đồng hồ tay. Còn mười lăm phút nữa mới đến giờ hẹn. Phương thong thả tìm chỗ gởi xe và bước vào quán. Quán vắng khách quá, có lẽ “hắn” đã chú ý đến đặc điểm này cũng nên. Phương chọn cho mình một chỗ ngồi cách xa mọi người, nơi co kê một cái bàn tròn và bốn chiếc ghế mây được đặt cách một chậu hoa cẩm chướng. Đúng tám giờ ba mươi phút. Nhưng tại sao vẫn chưa thấy bóng dáng hắn đâu nhỉ? Phương đốt thêm một điếu thuốc lá nữa, anh vừa đưa thuốc lên môi thì một cô gái bước vào quán gây cho anh chú ý đặt biệt. Ngoài chiếc áo trắng trên người ra, toàn thân hình cô toát lên một màu đen huyền hoặc. Đó là chiếc váy màu đen, cặp kính màu đen, chiếc xắc tay màu đen, thậm chí cả đôi bao tay cũng màu đen nốt. Cô gái đi thẳng vào bên trong nói gì đó với chủ quán, rồi không cần nhìn quanh quất, cô ta bước những bước đầy tự tin đến bàn Phương đang ngồi.
– Xin lỗi, ông là Hùng Phương, phải không?
Phương lịch sự đứng lên bắt tay cô gái.
– Có lẽ tôi đang đối diện với người của A Sừng chăng?
Cô gái vừa đưa tay gỡ cặp kính trên mắt vừa ngồi xuống ghế. Bấy giờ Phương mới có dịp nhìn kỹ cô nàng. Nói chung mắt, mũi, miệng đều đẹp nếu đem từng cái ra phân tích. Nhưng khi được xếp trên khuôn mặt đầy đặn ấy, thi cô gái chỉ được xếp ở dạng trung bình. Thì ra người mà Phương tưởng tượng suốt từ nhà Đắc Phong đến đây không phải là một đấng mày râu với nhiều vết sẹo trên mặt mà lại là một cô gái mảnh mai này.
– Cô uống cà phê nhé?
– Không, tôi chỉ thích uống bia thôi.
“Mới sáng sớm đã đòi uống bia. Đúng là một tay đáng gờm đây”.
Phương gọi cho cô gái một lon bia xong, anh vào đề ngay:
– Tôi muốn biết mục đích của buổi nói chuyện hôm nay?
– Làm gì mà nóng nảy thế ông Phương? Ta không thể hỏi nhau vài câu xã giao sao? – Cô gái không giấu được nét bí hiểm trong nụ cưới của mình.
– Tôi thiết nghĩ điều đó không cần thiết ở đây.
Cô gái bưng ly bia kề lên môi, nhấm nháp từng ngụm nhỏ, giọng cô bắt đầu đanh lại:
– Ông có quan hệ thế nào với gia đình bà Thi?
– Cô biết điều đó để làm gì? – Phong không trả lời thẳng mà tìm cách hỏi lại cô gái.
– Nhưng ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi kia mà.
Phương bắt đầu cảm thấy bực dọc.
– Tôi sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào của cô, nếu như chưa biết ý đồ của kẻ chất vấn.
Cô gái vẫn giữ được vẻ mặt bình tĩnh, không có dấu hiệu gì chứng tỏ cô ta đang giận dữ. Chỉ có đôi mắt như hai ngọn đèn pha chiếu thẳng vào mặt Phương:
– Với tư cách là một người bạn mới quen, tôi thành thật khuyên ông một câu thế này: “Chiến thắng không bao giờ đến với những kẻ nóng nảy đâu nhé”.
Phương đứng phắt dậy, mặt anh đỏ lên một cách giận dữ:
– Nếu cô cứ tiếp tục thế này, ta nên chấm dứt câu chuyện ở đây là hơn.
Nói xong, Phương bước ra khỏi bàn định quay gót.
– Ông Phương! Ông đùa đấy à? – Rõ ràng cô ta vẫn không hề lúng túng trước thái độ của Phương.
“Chẳng lẽ vì một chút tự ái cỏn con mà ta đành bỏ qua cơ hội lớn hay sao? Có lẽ cô ta nói đúng. Ta nông nổi quá chăng? Hay là cô ta định giở trò bịp bợm ra đây? Không, đôi mắt cô ta đã phủ nhận điều đó. Có thể đó chỉ là những câu bông đùa mà thôi”.
Phương quay lại ngồi vào chỗ cũ, anh rít liên tục vài hơi thuốc để dằn đi cơn bực dọc.
– Xin lỗi, tôi đã vô tình làm ông nổi giận. – Ngừng lại vài giây cô tiếp – Ông không mời bạn bè hút với mình một điếu thuốc sao?
“Lại cái quái quỷ gì nữa đây? Đàn bà cũng bày đặt hút thuốc, đúng là… dân chẳng ra gì mà”. Phương miễn cưỡng để gói thuốc trước mặt cô gái. Anh buông thong:
– Mời cô!
Cô gái nhẹ nhàng mở chiếc xắc tay lấy ra một gói thuốc khác và đốt một điếu. Cô ta mìm cười rồi buông giọng châm chọc:
– Đàn ông lúc họ giận, trông cũng dễ thương đấy chứ.
Phương hơi sững trước thái độ của cô gái, anh mím môi lại nghĩ: “Ít ra cô ta cũng còn một chút tự trọng chứ”.
– Bây giờ chúng ta vào đề được rồi hả? – Phương cố lấy giọng thật dịu dàng.
Cô gái như chẳng thèm để ý đến những lời dỗ ngọt của Phương. Cô nhẹ nhàng nhả ra từng làn khói trắng, đôi mắt lim dim như để tâm hồn tận nơi nào. Mãi một lúc sau, cô ta mới cất giọng thật trầm:
– Ông nghĩ sao nếu tôi yêu cầu ông giao máy?
– Đơn giản thế à?
– Vâng.
– Nếu như tôi bảo không bao giờ cô thỏa mãn điều đó khi không kèm theo điều kiện.
– Điều kiện gì?
– Phía cô phải trả tiền đủ cho chúng tôi.
Cô gái bật cười thành tiếng:
– Ông trẻ con lắm, ông bạn thân mến ạ. Ông tưởng bọn A Sừng có tiền để hoàn lại à?
Phương sửng sốt thật sự trước câu nói vừa bật ra từ miệng cô gái:
– Chẳng lẽ hắn lại giỏ trò ăn cướp tại đây?
– A Sừng có thể làm bất cứ chuyện gì mà hắn muốn.
– Mục đíh của cuộc gặp gỡ này là do cô muốn khuyên chúng tôi đầu hàng sao?
– Không phải khuyên mà là bắt buộc.
– Cô hãy về mà nói lại với A Sừng rằng: chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc.
– Ông sẽ trả giá cho việc mình làm.
– Tôi sẽ thắng.
Một nụ cười khó hiểu thoáng hiện trên đôi môi cô gái. Hình như nó không đanh đá chua cay mà thật ngọt ngào ấm áp.
Cô gái đứng lên đi cùng với Phương ra chỗ gởi xe. Một câu nói còn sót lại phía sau lưng cô mà Phương vừa cảm nhận được:
– Cầu cho mọi điều tốt lành đến với ông!
Về đến nhà, Phương cứ suy nghĩ mãi về câu nói của cô gái. Cô ta là ai nhỉ? Cô không giống một kẻ bịp bợm, càng không phải là một cô con gái nhà lành, có cái gì đó ẩn sâu trong đôi mắt mà người đối diện khó có thể đoán nổi. Cô ta là gì của A Sừng – một tên lường gạt có tiếng ở Sàigòn? Hay cô cũng chính là nạn nhân của chúng? Đầu óc rối tung, Phương không buồn nói chuyện với ai, anh muốn ngủ một giấc để đầu óc thật tỉnh táo.
Phương thức dậy khi cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm chiều. Bà Linh nhìn anh, lo lắng hỏi:
– Con bị bệnh hay sao mà ngủ li bì vậy?
– Dạ, đâu có. Con chỉ hơi mệt thôi.
– Lúc nãy Từ My học thi, không gặp cô nàng được, nó bệnh đó mẹ.
– Người ta học nhiều mà không bệnh, còn con không học thì cũng bệnh, vậy là sao?
– Nó đang bị nỗi nhớ hoành hành mà mẹ. – Mỹ Phương nói và tai bà Linh.
– Chị suy bụng tar a bụng người đó, phải không? – Phương không giấu được sự lúng túng khi bị tấn công liên tục.
– Mình đường đường là một đấng mày râu, dù có bị phụ nữ ăn hiếp cũng chẳng sao mà Phương. – Ông Linh cũng góp vào.
Cả nhà cười vang, còn Hùng Phương thì lẳng lặng bỏ vào phòng tắm.
Cơm chiều vừa xong, Phương nói với bà Linh:
– Tí nữa con đến chỗ anh Đắc Phong ngủ nghe mẹ.
– Bộ nhà mình không có chỗ ngủ sao?
– Không, con muốn đến chơi với anh ấy một bữa mà.
– À! Như vậy thì được.
Phương dắt xe ra ngoài còn quay lại trêu Mỹ Phương.
– Ai đó có nhắn gởi gì “người ta” không vậy?
Mỹ Phương vờ như không nghe thấy.
– Không ai dặn dò gì thì tối nay mình rủ “người ta” đi bia ôm mới được.
– Í! Cái đó bệnh chết à nghe.
Phương bật cười thành tiếng:
– Như vậy em cắt chữ “SIDA” thật to dán vào bàn làm việc của Đắc Phong và bảo đó là tác phẩm của chị, phải không?
– Mẹ! Phương nói bậy kìa. – Mỹ Phương nũng nịu.
Phương lên xe biến đi, anh có cảm giác như tiếng cười ai đó vẫn còn đuổi theo phía sau lưng.
Phương vừa vào đến nhà Đắc Phong thì Bà Vinh đã có mặt ở đó từ lúc nào. Mọi người cũng đang có ý chờ anh tới. Không cho bạn ngồi xuống, Bá Vinh hỏi ngay:
– Đầu đuôi thế nào?
Phương thuật lại câu chuyện gặp gỡ cô gái kỳ lạ cho Đắc Phong và Bá Vinh nghe. Cuối cùng, anh kết luận:
– Có lẽ chúng sẽ tổ chức cướp máy thật.
– Nhưng biết thời điểm nào, chúng mới tiến hành? – Bá Vinh hỏi.
– Cũng có thể đêm nay, vì chúng đã động.
– Vậy ta phải làm sao? – Đắc Phong cũng lo lắng không kém.
Phương phác nhanh kế hoạch canh giữ cho ba người xong, anh nói với Bá Vinh:
– Bọn chúng sẽ không ngờ sự có mặt của tao và mày ở đây đâu.
Đêm đó, mọi người hầu như không ai ngủ được. Phong nhường phòng mình cho Phương và Bá Vinh. Riêng anh nằm lại trong phòng làm việc, nơi cất giữ chiếc máy.
– Mấy giờ rồi Phương?
– Một giờ mười lăm phút.
– Nếu đêm nay chúng không đến thì sao?
– Như vậy chúng đã chấp nhận cuộc trao đổi.
Hai anh chàng lại tiếp tục đọc sách để giết thời gian.
– Phương! – Bá Vinh kêu lên khi nghe những tiếng động lạ.
– Suỵt!
Phương ra hiệu cho bạn im lặng. Hai người bước vội xuống giường. Phương cúi nhìn vào khe hở nhỏ thông qua phòng khách. Tim Hùng Phương bắt đầu đập dồn dập khi anh thấy một bóng đen xuất hiện. Mồ hôi vã ra như tắm, anh ra hiệu cho Bá Vinh tiếp tục theo dõi. Có lẽ Đắc Phong đã nghe thấy tiếng động, nhưng anh vẫn giả vờ nằm im. Lại một bóng đen nữa xuất hiện. Hai tên trộm từ từ bước lại chiếc máy đúng như dự kiện của Phương. Bá Vinh tiến hành công việc của mình là lên gác xem bọn chúng vào nhà bằng cách nào và gồm những ai.
Chúng đã đến gần chỗ Đắc Phong nằm, một tên canh chừng anh, tên còn lại đang tìm cách đưa máy ra ngoài. Chừng yên tâm Đắc Phong đã ngủ say, hai tên cùng vịn tay vác máy. Chỉ chờ có thế, Bá Vinh nhảy từ trên cầu thang xuống bịt miệng một tên, tên còn lại được Phương và Đắc Phong bắt gọn. Chúng chưa kịp chống cự thì ba chàng đã dùng dây cột gô lại:
– Ai bảo các anh làm việc này?
– Dạ, tụi em chỉ làm để kiếm thêm tiền thôi mà.
– Nhưng ai bảo làm?
– Dạ, cô Như Hà.
– Cô ta là gì của A Sừng?
– Con gái.
Phương hơi chau mày lại “Phải chăng là cô gái ấy?”
– Thả bọn chúng ra đi. – Phương nói như ra lệnh.
– Sao không giữ chúng lại làm con tin? – Bá Vinh hỏi.
– Chúng ta đã trúng kế của cô ta rồi.
– Thế là thế nào?
– Chúng chỉ kiểm tra xem chiếc máy có ở đây không thôi.
Chợt Bá Vinh sáng mắt lên khi thấy một miếng giấy nhỏ rơi vào nhà qua khe cửa sổ:
“Rạp Z lúc mười tám giờ ba mươi ngày… Chú ý người đàn ông mặc bộ đồ veston đen. A Sừng”.
Phương bắt tay Bá Vinh, mắt anh sáng lên mừng rỡ.
– Chúng ta thành công một nửa rồi.