Chương 5

Đến thành phố, Từ My thả bộ về nhà. “Giờ này chắc cu Kỳ đi học về rồi”. Tự dưng cô sợ cô đơn, sợ căn nhà vắng lặng khi không có ai. Và cô sợ những lúc ngồi đối diện với chính mình.
Không có ai ở nhà, Từ My đi thẳng vào phòng mình. Đi xa căn nhà chỉ vài tiềng đồng hồ thôi mà cô có cảm giác như đã lâu lắm. Mọi cái đều nằm yên chỗ cũ, buồn bã như tâm trạng cô lúc này.
Từ My mở tủ soạn quần áo và đi vào phòng tắm. Dòng nước mát làm cô tỉnh hẳn, vẻ mệt mỏi biến đâu mất chỉ còn lại gương mặt đẹp một cách khả ái. Cặp mắt đen có hàng mi cong vút trong gương kia đã nói gì với cô. Tại sao lại trẻ con như vậy? Cô không có quyền làm khổ mình như thế. Mọi ý nghĩ ngông nghênh phải dẹp bỏ ngay. Nhiệm vụ trước mắt của cô là phải học để chuẩn bị thi học kỳ một vì đây là năm cuối cấp, nó quyết định toàn bộ cuộc đời cô bé.
Rời phòng tắm, Từ My bỗng nghe đói cồn cào, cô bé đi vào nhà bếp. “Không biết cu Kỳ ăn cơm chưa mà mọi thứ đều nguội lạnh”. Cô bé nhóm bếp lò dầu để hâm nóng thức ăn. Dù đói thật, nhưng ăn một mình cô cũng chẳng thấy ngon. Dọn dẹp xong đâu đấy, cô đi về phía phòng mình. Nhưng khi đi ngang qua phòng cu Kỳ, cô ghé mắt nhìn vào, mọi thứ vẫn ngăn nắp. Dù là con trai, nhưng ngay từ nhỏ, cu Kỳ đã ghét sự bừa bãi. Tự nhiên Từ My muốn kiểm tra việc học của cậu quý tử. Cô bé bước thẳng đến bàn học, cô lục tìm túi đựng bài kiểm tra. “Cái gì thế này?” Từ My không rời mắt khỏi bài kiểm tra văn mười lăm phút gần đây nhất. Với lời phê ngắn gọn của giáo viên “Không học bài” và “cây gậy” đỏ rực “dựng” bên cạnh. Câu hỏi của bài kiểm tra là: “Từ đơn là gì?”
Phía dưới: Phần bài làm của cu Kỳ như sau:
“Từ đơn là từ rất nhỏ mà mắt thường chúng ta không thể nào nhìn thấy được. Muốn quan sát được nó, người ta phải dùng kính hiển vi. Ở đó, “từ đơn” sẽ được phóng đại từ hai ngàn đến ba ngàn lần”.
Đọc đến đó mặc dù rất bực bội, nhưng Từ My không khỏi phì cưới.
Như vậy là những ngày gần đây, hắn không học hành gì cả. Trước đây hắn học khá lắm mà. Năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến cả.
– Chị My làm gì mà vô phòng em vậy? Bộ tính tìm kho báu hở?
Từ My xoay người lại, cô muốn mắng cho cậu em một trận nên thân, nhưng không hiểu sao cô lại dịu giọng:
– Cái gì đây, Kỳ? – Vừa nói cô vừa đưa bài kiểm tra khi nãy ra.
Cu Kỳ chẳng những không hề nao núng, mà cậu ta còn thản nhiên trả lời:
– Đó là bài kiểm tra không có trong chương trình.
– Vì thế cho nên em làm như thến này đây à?
Ngồi chéo chân trên giường, cậu bé thủng thỉnh nói:
– Hôm đó không biết cô giáo dạy văn em có chuyện gì không vui. Cô vào lớp không giảng bài gì cả. Cô cho bọn em chép một mạch vào tập rồi bảo: hôm sau sẽ giảng. Nhưng chép bài xong vẫn còn thời gian, bọn em đùa giỡn búa xua, thì cô bảo lấy giấy ra để làm bài kiểm tra. Vì nghĩ là cô sẽ không đọc, do đó em mới viết tếu như vậy.
– Nhưng em có biết chính bài kiểm tra này đã tố cáo sự lười biếng của em trước các bạn không?
– Nhưng em chỉ đùa thôi mà.
– Nếu đùa sao em không hủy nó đi?
– Em muốn giữ nó để cho vào “kho tang kỷ niệm”.
Không thể nhịn được cười trước sự nghịch ngợm của cậu bé. Từ My cốc vào đầu em.
– Nếu muốn nó trở thành kỷ niệm, sao không gởi cho trang Mực Tím?
– Đơn giản là em không thích trở thành người nổi tiếng. Cậu bé vẫn hóm hỉnh.
– Nổi tiếng cà khịa à?
– …
– Suỵt! Có ai vào nhà mình kìa.
Cu Kỳ lách mình qua cửa, chuồn vào nhà bếp và lẻn cửa sau ra vườn.
“Đúng là có tiếng chân ai đó thật”. Từ My rời phòng cu Kỳ, cô lên thẳng phòng khách nhìn qua khe cửa.
– Ồ! Sao hôm nay mẹ nghỉ làm kìa? Còn ai đi phía sau mẹ vậy? Cũng lại là ông ấy, quái lạ! Làm gì ông ấy cứ bám theo mẹ thế?”
Từ My mở toang cánh cửa phòng khách. Thoáng thấy cô bé, bà Thi giật mình, môi mấp máy:
– Con có gặp Từ Anh không mà về sớm thế?
Thì ra nghĩ rằng cô chưa về, nên bà mới mời ông khách này về đây.
– Thưa mẹ, có ạ. – Cô trả lời nhát gừng.
– Thế chị con có hỏi gì mẹ không?
Vừa hỏi, bà Thi vừa ngồi xuống bộ xa lông ở phòng khách.
– Chị ấy bảo: thứ bảy chị sẽ về.
Người đàn ông bấy giờ đã vào đến phòng khách, người “hộ tống” phía sau ông là cu Kỳ.
– Chào bác Luân đi các con. – Bà Thi nói, giọng khẽ khàng.
Cu Kỳ và Từ My miễn cưỡng làm theo lời mẹ, sau đó hai cô cậu lần lượt lủi xuống sau nhà.
– Chị My!
– Gì? – Từ My bực mình vì cu Kỳ đã làm gián đoạn suy nghĩ của cô.
– Hình như mẹ và ông Luân có quan hệ buôn bán gì với nhau đó. Em phải theo dõi mới được.
– Nhưng em theo dõi bằng cách nào?
– Nấp sau cánh cửa… nghe lén. – Kỳ đáp tỉnh queo.
Từ My nhăn mặt.
– Lỡ mẹ phát hiện được thì sao?
Hai chị em đang thì thầm với nhau, thì có tiếng bà Thi gọi:
– Kỳ ơi! Ra khóa cửa cho mẹ đi con.
– Có lẽ mẹ và ông ấy đi đâu đấy để bàn kế hoạch, vì mẹ không ngờ có cả hai chị em mình ở nhà.
– Có lý.
Nói xong cu Kỳ chạy nhanh ra cổng, lúc này bà Thi và ông Luân đã đi khá xa.
Cu Kỳ lững thững đi vào nhà, tỏ ra tiếc rẻ như vừa vồ hụt “con mồi”. Thấy Từ My ngồi im lặng trong phòng khách, cậu vỗ trán than:
– Tưởng đâu phen này mình trở thành thám tử, nào ngờ trở thành thám… giữ nhà.
Từ My cười gượng nhìn em:
– Thôi, bỏ qua chuyện đó đi.
– …
– Từ My này!
– Chuyện gì?
– Kết quả chuyến đi của chị ra sao rồi?
– Sao giờ này em mới hỏi chị chuyện đó?
– Vì đến bây giờ, em vẫn còn bực bà Từ Anh.
– Giận dai thế à?
Cu Kỳ bĩu môi, vẻ giễu cợt.
– Chứ ai như nữ nhi thường tình mấy “bà”. Nếu em nhớ không lầm thì có một câu danh ngôn nổi tiếng thế này: “Đàn bà có nước mắt khóc để vơi đi nỗi niềm đau khổ, còn đàn ông chỉ khóc thầm trong tâm tưởng”.
– Chà! Bữa nay em tôi triết lý quá ta.
– Có dịp em sẽ trổ tài cho My xem. Hãy đợi đấy.
Từ My không nhịn được cười, cô bé cốc vào đầu cậu bé một cái rõ đau.