Chương 17

Một người đàn bà đứng tuổi, mặc bộ đồ bà ba màu tím có thêu rô– đê rất đẹp. Bà ta bước về phía cánh cổng sắt sơn xanh của căn nhà nằm cách đại lộ khoảng hai trăm mét. Nhìn chung quanh chừng như không thấy ai, bà rụt rè đưa tay bấm chuông.
Một cô gái trạc tuổi con gái bà ra mở cổng.
– Bác tìm ai ạ?
– Đây có phải nhà cậu Hùng Phương không cô?
– Dạ, đúng rồi. Mời bác vào nhà. Phương là em trai cháu.
– Vậy cô đây là…
– Dạ, cháu là Mỹ Phương.
Vào đến phòng khách, Mỹ Phương đon đả:
– Mời bác ngồi nghỉ. Cháu sẽ gọi nó ngay.
– Cám ơn cô.
Nói xong, cô gái đi vào nhà trong. Vài phút sau, Phương bước ra. Anh ngạc nhiên khi thấy người đàn bà trước mặt.
– Cháu chào bác. Bác đến một mình à?
Người đàn bà cười thật hiền:
– Từ My và cu Kỳ đi học chưa về. Bác đến một mình.
Người phụ nữ ấy không ai khác hơn là bà Thi.
Hùng Phương rót một ly nước trà nóng trao cho bà Thi:
– Mời bác uống nước.
– Được rồi, cháu cứ để đó cho bác. Anh chị đi đâu cả rồi Phương hả?
– Dạ, ba mẹ cháu vừa đi chợ.
– Thế à!
Phương vào đề ngay:
– Hôm nay bác đến tìm cháu chơi hay có việc gì không ạ?
Gương mặt bà Thi trở về với nỗi buồn muôn thưở:
– Cái máy thế nào rồi cháu?
– Thưa bác, khoảng tuần sau, ta có thể giao cho họ được.
Mắt bà Thi vụt sáng lên mừng rỡ:
– Bác định bàn với cháu việc ấy đấy.
Hùng Phương thoáng một chút trầm tư, anh hỏi:
– Ông Luân đã biết việc này chưa bác?
– Bác có nói là gởi cho cháu sửa giùm, ông ấy bảo cháu đến gặp ông ta bàn kế hoạch giao hàng.
Hùng Phương bàng hoàng trước câu nói của bà Thi. “Đến gặp ông ta ư? Không thể được. Ta có thể làm bất cứ điều gì cho người đàn bà trước mặt, nhưng dứt khoát không bao giờ tìm gặp ông ta”
Bà Thi như không hiểu được những ý nghĩ trong đầu của Phương, bà hỏi một cách thản nhiên:
– Thế bao giờ cháu có thể đến gặp ông Luân được? Bác có địa chỉ…
– Thưa bác, cháu không muốn dính đến người nào khác. – Anh cắt ngang câu nói của bà, dù biết thế là không nên, nhưng không còn cách nào khác.
Tuy không hiểu hết những tình cảm phức tạp đang diễn biến trong Phương, nhưng nhìn thấy gương mặt và thái độ của anh, bà biết rằng không còn hy vọng nữa. Bà đứng lên khước từ:
– Có lẽ bác đã làm phiền cháu nhiều. Bác rất ân hận về việc đó, nhưng dù sao mọi việc đã lỡ rồi. Tuần sau, bác cho người đến lấy máy và thanh toán tiền bạc với cháu. Cho bác gởi lời chào đến ba mẹ và chị Mỹ Phương của cháu. Bác về.

*

Về đến nhà, bà Thi hầu như đã kiệt sức vì kiềm chế quá lâu. Bà biết rằng việc này hoàn toàn do bà gây ra, vì vậy hậu quả tất nhiên phải gánh chịu một mình. Bà Thi khóc thật nhiều rồi thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, bà đã thấy Từ My và cu Kỳ ngồi bên cạnh.
– Mẹ! Có việc gì vậy mẹ? – Từ My lo lắng hỏi.
Bà Thi xua tay:
– Không có việc gì đâu con, đừng lo nhiều cho mẹ. – Bà nấc lên – Trước kia ba con còn sống, mẹ đã không lo gì cho các con và đến bây giờ cũng vậy. Mẹ là người đàn bà vô trách nhiệm.
Mặt Từ My nhòa lệ, cô ngắt lời mẹ:
– Mẹ! Mẹ đừng nói nữa, con sợ lắm.
– Chúng con đã biết tất cả những chuyện làm của mẹ rồi. Đó chỉ là mẹ muốn có tiền thật nhiều để lo cho chúng con thôi mà. – Cu Kỳ anh ủi bà.
– Không, mẹ chỉ lo cho bản thân mẹ thôi. Mẹ chưa bao giờ biết nghĩ đến ai cả. Mẹ thật đáng nguyền rủa mà. Phải chi mẹ chết đi thì hơn.
– Mẹ! Đừng nói thế mẹ Ơi.
Bà Thi lại khóc thật nhiều, chừng như đã vơi đi phần nào đau khổ, bà nói:
– Kỳ! Con có thể giúp mẹ được không?
Cu Kỳ sốt sắng:
– Con sẵn sàng làm vì mẹ mà.
– Được rồi. Tuần sau, con lại nhà anh Phương nhận máy và cùng đi giao hàng với mẹ nha.
Cu Kỳ thắc mắc:
– Còn anh Phương?
– Cậu ấy không thích làm việc này.
Cu Kỳ nhíu mày, hẳn là anh đã thay đổi ý kiến. “Phải nhờ “bà” My thuyết phục anh ấy thôi”.
– Được rồi, mẹ cứ để con lo liệu. Bây giờ mẹ cứ nghĩ cho khỏe đi đã.
Nói xong chú nháy mắt với Từ My, hai chị em cùng ra ngoài phòng khách.
Cu Kỳ làm ra vẻ quan trọng:
– Chị có muốn tham gia vào “chiến dịch” này không?
Từ My không còn bụng dạ nào đùa được, nhưng cô bé không nhịn được cười trước thái độ kỳ lạ của em:
– Có chuyện gì, em cứ nói.
– “Ông” Phương không chịu tham gia vào trận này, thì “bà” phải có nhiệm vụ thuyết phục “ông ta”.
– Việc gì phải đầu lụy người ta thế? Chị em ta sẽ làm. – Từ My bực bội nói.
Cu Kỳ bĩu môi:
– Bộ My tưởng dễ ăn lắm à? “Nữ nhi thường tình” như chị có nước khóc ròng khi gặp… địch.
– Ê! Đừng có khi dể nghe. Hãy đợi đấy!
– Mà em hỏi “bà” có chịu gặp anh Phương không thì nói?
– Không.
– Không thì em không cho tham gia trận này.
Từ My bối rối:
– Lỡ “hắn” không đồng ý thì sao?
“Bà này ghê thật! Chở nhau đi chơi cả buổi bây giờ bày đặt gọi “hắn” này “hắn” nọ, thấy ghét”.
– Nếu anh Phương không đồng ý, thì em và chị “bụp” luôn, vì mẹ thân yêu của chúng ta.
Bây giờ thì Từ My không thể nào không cười được. Cô bé không quên cốc một cái vào đầu chú bé.