VÀO TRUYỆN

Ông Ruông thôi dạy học, nằm nhà đọc sách hơn phần ba thế kỷ. Nói nằm nhà đọc sách hơn phần ba thế kỷ không có nghĩa rời bục giảng, về nhà, ngày ngày ông chỉ làm mỗi công việc là lên giừơng nằm đọc sách. Vì để có thể tồn tại, khi đã thôi dạy học để kiếm cơm, ông cũng phải tuân thủ đúng theo cách tồn tại của mọi người ở làng quê ông.
Tức phải đi cày ruộng. Tức cũng tuân thủ đúng theo cách tồn tại của mấy chục đời tổ phụ nhà ông.
Ngoài ra, ông còn phải gánh vác nhiệm vụ hậu duệ của một dòng họ dưới mắt người đời chẳng đáng giá mấy, có nghĩa nếu không có dòng họ ấy cuộc đời này cũng chẳng sao. Nhưng dù gì dòng họ ông cũng đã lỡ có mặt ở trần gian, mà đến đời ông dòng họ ông chỉ còn lại mỗi ông, nên ông chẳng nỡ để nó chấm hết: Ông phải có vợ, sinh con nối dõi. Chuyện cày ruộng là chuyện cơm áo, chuyện lớn, chiếm nhiều thì giờ đã đành. Mới đầu ông cho việc cưới vợ sinh con chỉ là việc giản đơn. Không ngờ nó cũng ngốn nhiều thời gian và công sức của ông. Có điều, ông luôn giữ được một nề nếp chắc ít ai giữ được, là lúc đi cày hay lúc ăn nằm với vợ, đầu óc ông vẫn không quên nghĩ đến sách. Quả tình ông cũng có thề trong lòng là chỉ đẻ một đứa, cho khỏi tốn quá nhiều công sức nuôi con, để còn thời giờ đọc sách. Nhưng có lẽ chủ yếu do cơ chế sinh đẻ, vợ ông chỉ đẻ được một lần, với lại vợ ông từ giã ông qua thế giới bên kia cũng hơi sớm. Cũng xin nói thêm, ở làng Dầu của ông, làm sao để làm ăn cho giàu có là cũng khó như việc con trâu chui lỗ trôn kim, nhưng khả năng sinh đẻ có lẽ ít nơi nào sánh kịp. Hầu hết ở trong làng, một đôi vợ chồng cho đến khi không còn đẻ nổi nữa, ít nhất cũng đã đẻ được năm bảy đứa. Ở làng Dầu, khi ông còn dạy học, người ta gọi ông là ông giáo Ruông.
Còn khi hết dạy học, ở nhà vừa cày ruộng vừa đọc sách, thì người ta gọi là ông Ruông sách. Nhưng đấy là cách gọi trước mặt ông. Còn khi cảm thấy buồn cười cho một kẻ suốt ngày treo mình trên võng hay nằm vắt chân chữ ngũ trên giừơng để đọc sách, người ta lại gọi ông là mọt sách.
Có lẽ đấy là chỗ người làng chưa chịu hiểu ông. Ông song được là nhờ chén cơm do chính tay ông làm ra, sau đó là do con trai ông làm ra. Ông ăn cơm, chứ không phải ăn sách để sống. Nhưng phải nói một câu, phải nhờ những người như ông, sách mới sống nổi. Cũng có thể nói, sau khi đã có đứa con trai nối dõi, công việc ăn nằm với vợ chỉ còn là việc phụ, là ông đã chuyển sang thời kỳ thực sự ăn nằm với sách. Được chu du thiên hạ bằng sách. Đây là niềm vui ông đã nhận ra lúc ăn nằm với sách. Cứ ở yên một chỗ mà gặp được các vị vua chúa, trông thấy được bao đền đài lăng tẩm của bao đế chế từng tồn tại trong lịch sử loài người. Chỉ ở một chỗ mà nghe được các bậc đại gia trên thế giới cãi vả nhau, vạn hữu biến đổi hay không biến đổi, vật chất với tinh thần là cái nào sinh ra cái nào.
Chẳng phải môn đồ của Phật mà ông cũng bày đặt đi hỏi Phật, như người ta nói ông là mọt sách như thế, liệu khi gắng sức tu dưỡng thì ông có vào được niết bàn không, một con mọt sách mà lọt vô niết bàn thì có gì trái khuấy không? Ông đã rất đắn đo trước khi đi hỏi đức Khổng Tử. Nếu là chuyện cao siêu như con người ta có linh hồn không, nếu có, thì sau khi ta chết cái vật thể ấy có đeo đẳng theo mớ xương tàn của ta không, nếu là chuyện đại loại thế, ông đã tìm đến ông Plato hay ông Aristốt của nước Hy Lạp cổ đại, chẳng hạn. Nhưng đây là chuyện đời thường, một trăm phần trăm là chuyện đời thường. Ông biết đức Khổng tử chỉ thích luận bàn những chuyện như khi vào chốn công đường ta có nên nín hơi làm như không thở được hay không, hay ông vua nào nên phò tá, ông vua nào nên tránh xa, lúc nào thì xuất chính, lúc nào thì lui về quê tắm sông, gảy đàn sắt. Cái chính phủ trả lương dạy học cho ông bị đổ. Người đứng đầu chính phủ là ông Diệm thì bị giết. Đã ngồi vào chỗ cao nhất thiên hạ trong nước mà chẳng chắc ăn chút nào, huống hồ là cái ghế ngồi dạy học của ông. Thôi, cứ lui về, cầm lại cây cày tổ phụ để lại, là chắc ăn hơn hết. Ông muốn gặp đức Không tử là để hỏi thử cách xử sự của ông như thế là tiểu nhân hay quân tử. Những chuyện đại loại thế xảy ra khi đọc sách là quá nhiều. Còn đây là chuyện khi nhớ lại ông cứ thấy man mác buồn. Vào một chiều, ông nằm ở võng mắc chỗ nhà cầu, để nghĩ ngợi, chứ không phải đọc sách. Ở bên ngoài đang xảy ra đủ thứ chuyện. Trời sắp tối mà vợ chồng anh Rác, con trai và con dâu ông, vẫn còn ngoài ruộng. Cặp heo trong chuồng đòi ăn, la hét như ai đương thọc cổ chúng. Đám gà con, con mấy mái gà đẻ, cũng xúm nhau kêu như ong. Cặp bò cày chiều ấy là do thằng cu Cỏ, cháu nội ông, lừa đi ăn ở gò Tháp, thằng Cỏ biến đi đâu chẳng biết, để cặp bò kéo về húc cổng rào rầm rầm. Thường, trong trường hợp này, ông Ruông đi nhốt bò và cho heo gà ăn. Nhưng chiều ấy là do ông mắc đeo đuổi thứ ý nghĩ thật ra chỉ có các vị triết gia hay những nhà khoa học mới dám nghĩ đến. Là tại sao loài người hiện tại cũng chỉ có hai con mắt như nhiều loài thú khác, lại làm chủ được các loài thú? Cớ sao to lớn như con voi, cũng là loài có vú và có hai con mắt như con người, lại không làm được chuyện của con người? Cứ cho là công cuộc lao động làm phát triển bộ não ở loài người. Nhưng loài voi không lao động ư? Cũng lao động tìm kiếm thức ăn, lao động chống chõi với thiên nhiên và các loài thú khác để tồn tại… Nghĩ một hồi ông thấy mệt óc, nhắm cả hai mắt, thôi, không thèm nghĩ nữa. Chợt thấy có ông già râu cũng bạc trắng như râu cha ông hồi ấy. Ông già cầm đầu võng, giục dặc. Cứ tưởng ông Rường sang. Thường, cứ mặt trời sắp lặn, ông bạn hàng xóm ấy lại sang rủ ông ra ngồi ở đồng làng, nhìn rán chiều để đoán thời tiết. Mở mắt nhìn chẳng thấy ai, ông Ruông lại nhắm mắt để thư giãn đầu óc. Nhưng ông già râu bạc lại hiện ra nữa. Đích thị là cha ông. Ông Ruông cứ lim dim mắt nhìn, không dám mở to, vì sợ mất đi hình ảnh người cha yêu quí của mình. Đây là lần đầu, kề từ ngày cha ông mất, ông nhìn thấy lại cha mình. Ông cụ nhìn ông, rồi quay lại, ôm chầm lấy ông nội ông, khóc. Ông nội ông cũng khóc. Rồi quay lại, ôm chầm lấy ông cố của ông. Ông cố ông cũng khóc. Rồi quay lại ôm chầm lấy người đàn ông to lớn ông gọi là ông cao.
Ông Ruông thấy các vị tổ phụ của mình khóc nức nở. Chỉ thấy khóc, chứ chẳng nghe tiếng khóc. Ông cứ tiếp tục lim dim mắt để giữ hình ảnh các vị tổ phụ của ông. Đến lúc cố nhìn thử, ông mới nhận ra các vị ấy chẳng người nào còn da thịt. Bốn bộ xương người cứ xoắn lấy nhau, vừa đung đưa, vừa khóc. Một chặp thì biến mất hết. Hình như là biến thành ngọn gió. Vì ông chợt cảm thấy hơi se lạnh. Sát bên ngoài cửa sổ nhà cầu là cây mít lâu niên do cha ông trồng tự hồi ông cụ còn trai trẻ. Đám lá mít úa rụng, chạm vào nhau lào xào tựa như đang có mưa. Ông Ruông biết đây chẳng phải là mơ (thứ giấc mơ các vị tiểu thuyết gia hay đem vô tiểu thuyết của mình ) Là hoạt động của trí não. Ông luận ra thế. Trí não ông vừa làm một cuộc đi quá xa, trải qua đời cha mình, đời ông nội và ông cố mình, đến tận đời vị tổ phụ thứ tư của mình, tính ra là hơn một trăm năm (bốn thế hệ cha ông ít nhất cũng dài hơn trăm năm ) Trí não cứ theo đà này có ngày tê liệt mất. Mà chết vì tê liệt trí não là chết bất đắc kỳ tử. Luận đến đây ông thấy giật mình.