Ngày hôm sau Marijana không đến. Ngày thứ Sáu chị cũng không đến. Sự u ám ông tưởng đã tan vĩnh viễn, nay trở lại. Ông gọi điện đến nhà Jokić, nghe một giọng nữ nhưng không phải Marijana, (nhưng ai? Của cô con gái kia chăng?) trên máy trả lời tự động. - Paul Rayment đây, gọi cho Marijana – ông nói – Có thể cho tôi nói chuyện với chị ấy được không? Không có tín hiệu. Ông ngồi xuống viết một bức thư. Marijana thân mến, ông viết, tôi e rằng chị đã hiểu lầm tôi. Ông xoá chữ "tôi" và viết "ý tôi". Nhưng chị có thể hiểu lầm ý gì? ông viết, bắt đầu một câu mới. Khi gặp chị lần đầu, tôi đang trong tình trạng tan vỡ. Câu này không đúng. Đầu gối và triển vọng của ông vỡ tan chứ không phải là tình trạng của ông. Nếu ông biết có từ miêu tả tình trạng của ông khi gặp Marijana, ông cũng sẽ biết ý nghĩa của nó, vì là hôm nay. Ông xoá chữ "tan vỡ". Nhưng thay bằng chữ nào đây? Trong lúc ông đang xao động thì chuông cửa reo. Tim ông nảy lên. Sau tất cả, chả lẽ một từ rắc rối, một lá thư phiền hà lại hoá ra vô ích sao? - Ông Rayment? – có tiếng nói trong điện thoại ở lối vào – Elizabeth Costello đây. Tôi có thể nói chuyện với ông được không? Elizabeth Costello, bà ta có là ai đi nữa cũng đang ung dung trèo lên cầu thang rồi. Lúc đến cửa bà thở hổn hển: ông sẽ bảo là một phụ nữ trạc sáu mươi (sau này mới biết bà đã ngoài sáu mươi), mặc bộ váy áo lụa sặc sỡ, cắt thấp ở đàng sau để lộ một phần vai đầy tàn nhang chẳng mấy hấp dẫn. - Tim tôi yếu – bà ta vừa nói vừa thở hổn hển – cũng rách việc gần bằng (bà dừng lại để thở) một cái chân tồi. Nhận xét có vẻ không thích hợp và bất lịch sự của một người lạ làm ông sửng sốt. Ông mời bà ta vào và mời ngồi. Bà nhận một ly nước. - Tôi sắp nói tôi từ Thư viện Quốc gia đến, - bà nói – tôi sắp giới thiệu tôi là một trong những người tình nguyện của Thư viện, đến vì mục sử dụng vốn quyên góp của ông về mặt vật chất, tôi định nói về một kích cỡ để chúng tôi có thể lên kế hoạch. Sau rồi mới biết thực ra tôi là ai. - Bà không phải là người của thư viện? - Không. Đấy chỉ là chuyện bịa. - Vậy bà là…? Bà ta liếc nhìn khắp phòng khách, có vẻ ưng ý. - Tên tôi là Elizabeth Costello – bà nói – như tôi đã nói. - Chà, vậy bà chính là Elizabeth Costello ấy ư? Tôi xin lỗi, tôi không ngờ. Xin bà tha lỗi. - Không cần đâu – Lún sâu trong chiếc sofa, bà ta vùng vẩy đôi chân – Chúng ta vào việc nhé? Đây không phải là việc tôi làm trước đây, ông Rayment ạ. Ông đưa tay cho tôi được không? Ngay lập tức, ông cảm thấy bối rối. Đưa tay ông cho bà ta? Bà duỗi bàn tay phải và ông nắm lấy. Bàn tay của bà đầy đặn và khá mát mẻ nằm yên trong tay ông giây lát, và ông bực mình vì tay ông xanh xám do không hoạt động quá lâu. - Thế đấy – bà nói – Ông thấy không, tôi là kẻ khá đáng ngờ đấy – Và thấy ông lúng túng – Ý tôi là muốn thử thăm dò xem ông thuộc loại người nào. Tôi muốn biết chắc chắn – bà tiếp, và lúc này ông thực sự không hiểu bà – là thân thể chúng ta sẽ không trải qua cùng nhau. Đương nhiên là vô tội rồi. Chẳng ai trong chúng ta là hồn ma, tại sao tôi không nghĩ thế chứ? chúng ta cứ làm nhé? Bà lại nặng nề ngồi xuống, kênh ngang vai lên và bắt đầu đọc thuộc lòng "Tai hoạ vồ lấy ông từ bên phải, đột ngột, bất ngờ và đau đớn như một tia chớp điện, nhấc bổng ông khỏi chiếc xe đạp. Bình tĩnh nào! Ông tự nhủ lúc bay trong không khí, và vân vân". Bà ngừng lại và dò xét gương mặt ông, như đo ảnh hưởng của bà. - Ông có biết lần đầu tiên nghe thấy những lời này, tôi tự hỏi điều gì không, ông Rayment? Tôi tự hỏi, Sao mình cần người đàn ông này? Sao không để ông ta yên, thanh thản lao xuống trên chiếc xe đạp, quên hẳn Wayne Bright hay Blight, chúng ta cứ gọi là Blight, rồ lền từ đàng sau hại đời ông ta và làm ông ta ngã nhào, đầu tiên là nằm viện rồi sau đó trở lại trong căn hộ này với những bậc thang bất tiện? Paul Rayment là ai với mình? Cái người đàn bà lỗ mãng này là ai mà mình phải mời vào nhà? mình xua bà ta đi bằng cách nào bây giờ? - Trả lời những câu hỏi của bà như thế nào nhỉ? – ông thận trọng nhắc lại – Tôi là ai với bà? - Ông đã đến với tôi – bà ta nói – Trong một số mặt nhất định, tôi không kiềm chế nổi những thứ đến với mình. Ông đến cùng với vẻ tái nhợt, tư thế lom khom trên đôi nạng, với bộ sưu tập ảnh phong phú và nhiều thứ khác nữa. Cùng với anh chàng tị nạn Miroslav Jokić người Croatia, phải, Miroslav chính là tên anh ta, bạn bè đều gọi là Mel, và bắt đầu gắn bó với vợ anh ta. - Đấy không phải là mới bắt đầu. - Đúng thế chứ. Với một người ông thổ lộ mọi cảm xúc thay vì giữ kín trong lòng, dù ông không coy' định và ông biết ông không có ý định xem kết quả sẽ ra sao. Hãy nghĩ cho kỹ đi, Paul. Ông có ý định nghiêm túc rủ rê người làm thuê của ông bỏ gia đình và chung sống với ông không? ông có nghĩ sẽ mang lại hạnh phúc cho cô ta không? con cái cô ta sẽ giận và hoang mang, chúng sẽ không nói chuyện với cô ấy nữa, cô ấy sẽ nằm suốt ngày trên giường ông, khóc nức nở và không thể nguôi. Ông có thích như thế không? hay là ông có những dự định khác? Hay ông xếp đặt cho Mel đi lướt sóng rồi mất tích, để vợ con lại cho ông? Trở lại câu hỏi đầu tiên của tôi. Ông là ai hở ông Paul Rayment, và khuynh hướng thiên về tình cảm say đắm của ông có gì đặc biệt? ông có cho ông là người đàn ông duy nhất trong tuổi xế chiều, có thể nói tận cuối buổi rồi mà vẫn chưa hề tìm thấy một tình yêu đích thực? ông Rayment ạ, những câu chuyện rẻ tiền như thế này rất dễ kiếm. Ông sẽ làm ông thành một vụ nổi đình đám đây. Elizabeth Costello: ông chợt nhớ ra bà ta là ai. Trước kia ông đã cố đọc tác phẩm của bà, một cuốn tiểu thuyết, nhưng đành bỏ dở vì ông không thấy hấp dẫn. Thỉnh thoảng bắt gặp những bài viết của bà về sinh thái học và quyền lợi của động vật trên báo, ông thường bỏ qua vì chẳng mấy quan tâm. Có thời bà ta lừng tiếng vì chuyện này chuyện kia nhưng hình như tất cả đã qua rồi, hay có thể đấy chỉ là cuộc tấn công ồ ạt của phương tiện truyền thông. Tóc hoa râm, mặt xám xịt và như bà ta nói, tim yếu. Bà ta đang thở dốc. Bà ta đang ở đây, thuyết giảng cho ông, bảo ông phải sống ra sao! - Bà muốn tôi làm cho vụ này thành cái gì? – ông nói – Chuyện của tôi đáng để bà quan tâm thế ư? - Tôi nên hiểu thế nào ư? Ông nghĩ một cái gì đi chứ! Mụ đàn bà ngu xuẩn! Ông những muốn tống cổ bà ta đi. - Cố lên nào! – bà ta giục. Cố? cố cái gì? cố lên nào! Chỉ nên nói câu ấy với một người đàn bà đang đau đẻ. - Xé toang cái màn chí tử - bà ta nói – đường phố Magill chính là cái cổng dẫn đến cái chết, ông cảm thấy ra sao lúc ông bay trong không khí? Cả cuộc đời ông có vụt sáng loé trước mắt ông không? làm thế nào để ông hồi tưởng lại lúc cuộc sống sắp bỏ ông ra đi? Điều ấy là thực sao? Ông suýt chết ư? Chắc có sự khác biệt giữa người có nguy cơ bị chết với người đang mấp mé cái chết. Người đàn bà này chia sẻ cái mà ông không có? Ngày hôm ấy, lúc bay trong không khí, ông đã nghĩ những gì nhỉ? Ông không cảm thấy tự do như hồi còn bé, khi nhảy từ trên cây, thậm chí từ trên mái nhà xuống mà không sợ. Rồi sau đó là thở hổn hển khi ông đập xuống đường, hơi thở như hắt ra trong cú ngã đánh bịch. Có thể nào tiếng thở hắt ra được hiểu là ý nghĩ cuối cùng, lời cuối cùng? - Tôi thấy buồn – ông nói – đời tôi dường như là phù phiếm. Tôi cho là một sự phi hoài. - buồn ư. Ông ấy bay trong không khí rất chi là dễ dàng, chỉ một chàng thanh niên liều lĩnh bay trên xà ngang mới như thế, và ông ấy cảm thấy buồn. Nhìn lại dĩ vãng, đời ông ta dường như phù phiếm. Còn gì nữa? Còn gì nữa ư? Chẳng gì nữa hết. Người đàn bà này đang moi móc cái gì? Nhưng hình như bà ta đã mất hứng cật vấn. - Tôi xin lỗi, bất chợt tôi thấy không được khoẻ - bà ta vừa lẩm bẩm vừa cố đứng dậy. Cái cằm xệ của bà ta trắng bệch. - Bà có muốn nằm nghỉ một lát không? trong phòng làm việc của tôi có một cái giường. Tôi pha cho bà chén trà nhé? Bà ta xua tay: - Theo người đã trải qua, thì chỉ là choáng váng vì nóng, vì trèo cầu thang thôi. Vâng, cảm ơn ông, tôi sẽ nằm một lát. – bà ta làm động tác chống tay lên nệm sofa. - Để tôi giúp bà – ông đứng dậy, dựa vào một cái nạng, nắm cánh tay bà. Người què đỡ người tập tễnh, ông nghĩ. Da bàta lạnh và ướt át. Cái giường trong phòng làm việc thực ra khá dễ chịu. Ông làm việc có thể, là dẹp mọi thứ lộn xộn, bà cởi giày và nằm duỗi dài. Ông nhận thấy bắp chân khá nhẽo, mạch máu xanh xanh của bà ta qua bít tất. - Đừng để ý đến tôi – bà ta nói và đưa cánh tay lên che mắt – chẳng phải là điều chúng tôi thường nói, chúng tôi là những vị khách không mời mà đến đó sao? Cứ coi như không có tôi ở đây. - Tôi sẽ để bà nằm nghỉ - ông đáp – Lúc nào bà thấy khá hơn, tôi sẽ gọi taxi cho bà. - Không, không, không – bà nói – Đừng làm thế tôi sợ. Tôi còn ở với ông thêm một chốc nữa. - Tôi không nghĩ thế. - Ồ, có chứ, ông Rayment. Tôi sợ thế. Bởi trong tương lai đoán trước được, tôi sẽ làm bạn với ông – bà nâng cánh tay che mắt, và ông thấy bà mỉm cười yếu ớt – Đừng thất vọng – bà nói – chưa phải là tận cùng thế giới đâu. Nửa giờ sau ông lại tạt vào. Bà đang ngủ. Hàm dưới là răng giả thò ra ngoài, từ sau họng vọng ra tiếng loạt soạt yếu ớt như khuấy sỏi. Ông thấy âm thanh đó gần như không khoẻ. Ông cố trở lại quyển sách đang đọc dở, nhưng không thể tập trung nổi. Ông đăm chiêu nhìn ra ngoài cửa sổ. Có tiếng ho. Bà ta đang đứng ở ngưỡng cửa, bàn chân đi tất. - Ông có aspirin không? - Bà sẽ thấy paracetamol trong tủ ở buồng tắm. Tôi chỉ có thứ ấy. - Nhăn mặt với tôi không hay đâu, ông Rayment – bà ta nói – Tôi không đòi hỏi hơn thứ ông không có. - Vậy bà đòi gì? – ông không thể kìm được sự tức giận trong giọng nói. - Tôi không đòi hỏi ông. Tôi không đòi có một buổi chiều hoàn hảo trong căn hộ ảm đạm này của ông. - Vậy bà đi đi! Rời ngay khỏi nhà tôi, nếu nó làm bà mếch lòng. Tôi vẫn không hiểu vì sao bà đến. Bà muốn gì ở tôi? - Ông đã đến với tôi. Ông… - Tôi đã đến với bà ư? Bà mới là người đến với tôi! - Suỵt, ông đừng hét như thế, hàng xóm lại tưởng ông đánh tôi – bà ngồi sụp xuống ghế - tôi xin lỗi. Tôi biết tôi là kẻ không mời mà tới. Ông đã đến với tôi, tôi chỉ có thể nói thế. Ông chợt loé lên trong tôi – một người đàn ông một chân thương tật, không tương lai và không có tình cảm nồng nàn thích hợp. Đấy là nơi bắt đầu.tôi không biết chúng ta sẽ đi đến đâu. Ông có dự kiến gì không? Ông im lặng. - Ông có thể nghĩ đây là theo trực giác, nhưng đúng là thứ tôi làm. Tôi đã xây dựng đời tôi như thế, hoàn toàn theo trực giác, kể cả những thứ ban đầu tôi không có cảm tình. Trên cả những thứ ban đầu tôi không có cảm tình. Theo trực giác: cụ thể thì nó có ý nghĩa gì? bà ta có thể có trực giác như thế nào về một người hoàn toàn xa lạ, một người bà ta chưa hề để mắt tới? - Bà có thể lấy tên tôi trong danh bạ điện thoại – ông nói – Bà đang đánh liều đấy. Bà không hề có khái niệm về tôi thực ra là ai. Bà ta lắc đầu: - Không đơn giản thế đâu – bà nói, khẽ đến nỗi ông chỉ bắt được lời. Mặt trời đang lặn. Họ im lặng và giống như một cặp vợ chồng già tuyên bố hưu chiến, ngồi lắng nghe chim trên cây đang hót bản nhạc chiều. - Bà nhắc đến nhà Jokić – cuối cùng ông nói, - bà biết gì về họ? - Marijana Jokić, người chăm sóc ông, là một phụ nữ có giáo dục. Cô ta không kể với ông à? cô ấy đã học hai năm ở Học viện Mỹ thuật Dubrovnik và có bằng Phục chế. Chồng cô ấy cũng làm việc trong học viện. Họ đã gặp nhau ở đó. Anh ta là kỹ thuật viên, chuyên về kỹ thuật đồ cổ. Ví dụ, lắp ráp một con vịt máy để trong tầng hầm của trường đã hai trăm năm, han gỉ và rời từng bộ phận. Bây giờ nó kêu quang quác, đi lạch bạch và đẻ trứng như một con vịt bình thường. Đấy là một trong cấp độ bền của tác phẩm của bộ sưu tập. Nhưng than ôi, ở Úc nghề đó không được vời đến. Ở đây không có vịt máy. Vì thế anh ta làm ở nhà máy lắp ráp ô tô. Ông thấy có gì hữu ích trong những điều tôi kể chưa? Marijana sinh ở Zadar, cô ấy là một cô gái thành phố, không hề biết đến lừa, ngựa. Cô ấy là người trong trắng. Suốt từng ấy năm lấy chồng, cô ấy chưa từng bất trung lần nào. Chưa bao giờ bị cám dỗ. - Tôi không cám dỗ cô ấy. - Tôi hiểu. Theo ông nói, ông chỉ muốn thổ lộ tình yêu thương với cô ấy. Ông muốn ban phát. Nhưng tình yêu cũng phải có giá của nó, trừ khi chúng ta hiểu không có lương tâm. Marijana không muốn trả giá. Trước kia cô ấy đã rơi vào hoàn cảnh này, với một bệnh nhân mê cô ấy, họ không thể đừng được, thế là họ nói ra. Cô ấy thấy khó chịu. Cô ấy tự nhủ Giờ mình phải tìm việc khác thôi. Tôi nói thế đã rõ chưa? Ông im lặng. - Ông bị lôi cuốn phải không? – bà nói – Phẩm hạnh của cô ấy thu hút ông. Theo tôi hiểu, điểm lôi cuốn của cô ấy là sự đậm đà của trái cây chín muồi. Hãy để tôi gợi ý xem vì sao Marijana gây cho ông và nhiều người đàn ông khác cảm tưởng đó nhé. Cô ấy mặn mà vì được yêu hết mức trên cõi đời này. Ông sẽ không muốn nghe chi tiết, vì thế tôi không nói kỹ nữa. Nhưng lý do bọn trẻ, cậu con trai và cô bé, gây cho ông ấn tượng sâu sắc đến thế, là do chúng lớn lên trong tình yêu thương đằm thắm. Chúng thấy thoải mái trong thế giới này. Với chúng, đây là một nơi tốt đẹp. - Thế còn… - Phải, còn cậu con trai có cơ chết yểu. Cả hai chúng ta đều thấy. Quá đẹp trai. Quá rạng rỡ. - Một cậu trai lúc nào cũng muốn gào thét. Cả hai người mỗi lúc một thêm buồn, buồn thảm và thờ thẫn. Ông đứng dậy. - Trong tủ lạnh còn bánh nhân thịt trộn phó mát ricotta và rau bina do Marijana làm, bà có muốn nếm thử không? tôi không biết kế hoạch tiếp theo của bà là gì. Nếu bà muốn nghỉ lại qua đêm thì xin mời, nhưng chỉ thế thôi, sáng mai bà phải ra đi đấy. Chậm rãi, kiên quyết, Elizabeth Costello lắc đầu - Tôi e là không thể được, ông Rayment. Thích hay không thì tôi cũng lưu lại với ông một thời gian. Tôi hứa sẽ là một người khách kiểu mẫu. Tôi sẽ không treo quần lót trong buồng tắm của ông. Tôi sẽ không làm vướng chân ông. Tôi chỉ ăn thôi. Ông sẽ không thấy tôi trong phần lớn thời gian tôi ở đây. Thỉnh thoảng chỉ một cái chạm nhẹ vào vai, bên phải hoặc bên trai đỡ cho ông trên đường. - Sao tôi phải chịu như thế? Nếu tôi từ chối? - Ông phải chịu thôi. Đây không phải việc để ông nói.