Dịch giả: Thanh Vân
Mười bảy

- Tôi có khách – ông tuyên bố với mụ Costello – Tôi e rằng tối nay sẽ không tiện cho bà. Có khi bà muốn có những cuộc dàn xếp khác.
- Tất nhiên rồi. Tôi mừng thấy ông trở lại với hoạt động xã hội. Để tôi xem nào.. Tôi sẽ làm gì nhỉ? Có lẽ đi xem phim. Ông biết có gì đáng xem không?
- Tôi chưa nói rõ ý mình. Khi nói có những cuộc dàn xếp khác, ý tôi là bà nên đi ở chỗ khác.
- Chà, vậy theo ông thì tôi nên ở đâu?
- Tôi không biết. Bà đi đâu không phải việc của tôi. Có lẽ nên trở lại nơi bà ra đi.
Im lặng.
- Ra thế. – bà ta nói – Ít ra ông cũng nói thẳng thừng – rồi thêm – Ông nhớ không Paul, câu chuyện về Sinbad và ông già?
Ông không đáp.
- Bên bờ một dòng suối nước tràn mênh mông, Sinbad gặp một ông già. "Tôi già và ốm yếu" – ông già nói – hãy đưa tôi sang bờ bên ia và Đức Allah sẽ phù hộ cho anh". Là một anh chàng tốt bụng, Sinbad nhấc ông già lên vai và lội qua dòng suối. Nhưng sang đến bờ bên kia, ông già không chịu tụt xuống. Ông ta quặp chặt chân quanh cổ Sinbad cho đến lúc Sinbad thấy ngạt thở. "Bây giờ ngươi là nô lệ của ta" ông già nói "ngươi phải tuân lệnh ta mọi việc".
Ông nhớ ra câu chuyện ấy rồi. Trong một quyển sách tên là Những truyện cổ hay, trong tủ sách của ông ở Lourdres. Ông nhớ sâu sắc bức tranh minh hoạ: lão già gầy giơ xương, đóng mỗi cái khố, đôi chân khẳng khiu quặp quanh cổ Sinbad, còn chàng lội trong dòng nước cao đến eo. Quyển sách ấy ra sao rồi? cái tủ sách và nhiều thứ khác của một cậu bé ở Pháp đã vượt đại dương đến một đất nước mới giờ ra sao? Nếu ông trở lại ngôi nhà của ông bố dượng ở Ballarat, liệu có tìm thấy chúng trong tầng hầm, truyện Sinbad, cáo và quạ, Jeanne d'Arc? Và bao truyện khác đóng trong những cái thùng các tông, kiên nhẫn đợi người chủ tí hon trở về và cứu chúng. Hay người đàn ông Hoà Lan ấy đã vứt chúng đi từ lâu, sau khi ông ta goá vợ?
- Phải, tôi nhớ rồi – ông nói – Tôi hiểu tôi là Sinbad trong truyện còn là là lão già? Trong việc này bà đang đứng trước một khó khăn. Bà không có ý leo lên vai tôi đấy chứ? – mà tôi làm việc này cho khéo sao được? tôi sẽ không giúp bà đâu.
Bà Costello cười, nụ cười bí ẩn.
- Có khi tôi đã leo lên cổ ông rồi – bà ta nói – mà ông không biết thôi.
- Không, chưa đâu, bà Costello. Tôi không dưới quyền bà, không một chút nào, và tôi sẽ chứng minh điều đó. Tôi yêu cầu bà trả lại tôi chìa khóa – chiếc chià khoá bà đã cầm mà không được phép – mời bà ra khỏi nhà tôi và không quay lại.
- Nói với một bà già như thế thật khó nghe, ông Rayment. Có chắc là ông muốn thế không?
- Bà Costello, đây không phải là một vở hài kịch. Tôi yêu cầu bà ra đi.
Bà ta thở dài:
- Giờ mới hay đây. Nhưng chắc là tôi không biết sẽ xảy ra chuyện gì với tôi trong cảnh mưa trút như thác và trời sắp tối đen tối mò như thế này.
Trời không mưa, cũng không tối. Một buổi chiều dễ chịu, ấm áp và êm ả, loại buổi chiều làm con người vui sướng vì được sống.
- Này – bà ta nói – chìa khoá của ông đây. – bà đặt cái biểu tượng của sự giải phóng lên bàn nước, cẩn thận quá mức – Tôi cần một sự chiếu cố ngắn ngủi đủ thu dọn đồ đạc và sửa sang diện mạo. Rồi tôi sẽ đi, và ông lại chỉ có một mình. Tôi biết chắc ông đang mong thế lắm.
Ông sốt ruột quay mặt đi. Vài phút sau bà ta trở lại.
- Tạm biệt - bà chuỷên cái túi mua hàng từ tay phải sang tay trái, chìa bàn tay phải cho ông – Tôi còn để lại một vali nhỏ. Một, hai hôm nữa tôi sẽ cho người đến lấy, khi tôi tìm ra chỗ khác.
- Bà mang ngay vali đi tôi sẽ thích hơn.
- Không thể được.
- Có thể lắm chứ, và tôi sẽ mừng hơn những bà làm thế.
Họ không nói gì thêm nữa. Từ cửa đàng trước, ông quan sát bà xuống cầu thang, nấn ná, từng một, tay xách cái vali. Nếu là một người đàn ông hào hoa, ông sẽ đề nghị giúp, dù chân ông có hỏng hay không. Nhưng trong trường hợp này, ông không muốn là người hào hoa. Ông chỉ muốn bà ta cuốn xéo ra khỏi đời ông.