Dịch giả : Lê Kim
Chương 14
Lãnh trọng trách đưa vàng ra Bắc
Trở vào Nam, Quỹ gặp tai ương

 
Thời gian sinh viên trường Thuốc (Đại học Y khoa Hà Nội) Ngô Văn Quỹ làm thư ký riêng của phái viên Bộ Tổng Nguyễn Bình không lâu nhưng có nhiều sự kiện khó quên. Trước nhất là tuần lễ vàng, đồng bào đóng góp vàng bạc cho kháng chiến mua sắm súng đạn đánh Tây. Tất cả số vàng lạc quyên của tỉnh nào thì tập trung về Uỷ ban kháng chiến của tỉnh đó. Tại miền Đông, Bộ chỉ huy được các tỉnh chuyển vàng về.
Lúc đó anh Ba Bình cùng một vài anh em văn phòng đóng trong nhà một chủ tiệm vàng ở xã Chánh Lưu, gần thị xã Thủ Đầu Một (nay là Sông Bé). Chính chủ nhà cân giùm số vàng lạc quyên. Tất cả là 32 ký. Có thêm vài chỉ. Anh Ba Bình quyết định để vài chỉ lẻ đó lại để văn phòng chi dùng còn trọn ba mươi hai ký kia thì đưa ra Bắc nhờ Trung ương mua súng đạn đưa vào Nam đánh Tây. Quyết định thì dễ, nhưng thi hành mới khó. Giao cho ai đưa số vàng này ra Bắc?
Đường xa vạn dặm, có nơi Tây chiếm, phải cắt đường rừng, băng rừng vượt núi. Nhưng khó khăn mấy cũng phải vượt qua. Đánh Tây là lẽ sống. Súng đạn là cần thiết. Nhìn quanh quẩn, không thấy ai có đủ khả nàng lãnh sứ mạng này tốt hơn sinh viên Ngô Văn Quỹ. Anh Ba nói:
- Anh phải đưa số vàng này ra Bắc đổi lấy súng đưa về đây. Không ai biết rõ Hà Nội bằng anh sinh viên y khoa...
Ngô Văn Quỹ bất ngờ trước sự tín nhiệm đó. Anh hơi lo vì trách nhiệm quá nặng, nhưng không thể thoái thác. Số vàng được đúc lại thành khối từng ký, cho vào bao để bộ đội tải trên lưng mỗi người năm ký.
Anh Quỹ chỉ huy một tiểu đội đặc biệt với ba tay súng, còn những người tải vàng thì võ trang lựu đạn.
Ngày lên đường, anh Ba dặn kỹ:
- Trên đường đi, tuyệt đối giữ bí mật. Không được nổ súng, trừ trường hợp bị phục kích. Tới nơi phải trao thư của tôi và vàng tận tay Bộ trưởng Quốc phòng. Có súng đạn thì tổ chức đưa về đây càng sớm càng tốt. Nên nhớ miền Đông là mục tiêu số một của tướng Leclerc.
Trên đường thiên lý, anh Quỹ không ngớt động viên anh em chân cứng đá mềm, cứ đi rồi sẽ tới. Chớ có sốt ruột hay nôn nóng.
Thấm thoát ngày tháng trôi qua, sau cùng tiểu đội tải vàng cũng tới thủ đô Hà Nội. Ngô Văn Quỹ trao thư và vàng tận tay Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là ông Hoàng Văn Hoan. Anh thở phào nhẹ nhõm: “mission accomplie” ( sứ mạng đã hoàn thành).
Nghỉ ngơi vài ngày, anh và tiểu đội lại đưa số võ khí Bộ Quốc phòng chi viện cho miền Nam. Trên chuyến trở về có anh Mã Thành Lợi cùng đi với đoàn.
Tới Quảng Ngãi, Quỹ và Lợi gặp chuyện bất ngờ.
Tướng Nguyễn Sơn, chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Nam gồm các tỉnh Nam Trung Bộ và cả Nam Bộ tịch thu số võ khí của hai anh. Theo dò hỏi, Quỹ được biết tướng Nguyễn Sơn đã từng tham gia cuộc Vạn Lý Trường Chinh của giải phóng quân Trung Hoa, rất được Bác Hổ tm nhiệm. Nguyễn Sơn có ý xây dựng Quảng Ngãi thành thủ đô Kháng chiến như Diên An của Hồng Quân. Theo khẩu hiệu của nước bạn “chánh quyền trên nòng súng”. Nguyễn Sơn tịch thu tất cả võ khí chi viện cho Nam Bộ đi ngang qua Quảng Ngãi và Liên Khu V.
Tất nhiên là Ngô Văn Quỹ không chịu khoanh tay. Anh nhiều lần xin gặp tướng Nguyễn Sơn, nhấn mạnh số súng đạn anh áp tải về Nam là súng đạn của khu trưởng Nguyễn Bình nhờ Trung ương mua với giá 32 ký vàng do chính anh đưa từ Nam ra Bắc.
Nhưng không ăn thua gì. Trái lại càng lãnh lấy tai vạ. Quỹ và Lợi bị giam lỏng tại trường Trung học Quảng Ngãi. Ngày ngày ăn không ngồi rồi giữa lúc tình hình chiến sự càng lan rộng ở miền Nam. Quỹ và Lợi rất sốt ruột... Không biết ngày nào mới được trở về Nam.
Thế rồi một bất ngờ lại đến. Lẩn này là một bất ngờ thú vị. Giáo sư Bác sĩ Hồ Đắc Di đánh điện gọi Ngô Văn Quỹ ra học năm thứ hai trường Y vừa được mở trong vùng tự do.
Như vậy là sinh viên Y khoa Ngô Văn Quỹ đã để ba năm đi một vòng từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc để trở lại mái trường Đại học Y. Nhưng anh không có gì phải hối tiếc. Anh đã được tham gia kháng chiến ở Nam Bộ ngay từ ngày hăm ba lịch sử và nhất là đã được làm việc với vị tướng lãnh mà Bác Hồ đã tin tưởng giao trọn miền Nam trong cơn khói lửa ngất trời.