Chương XVII

Náo nức ngày hội trường. Học sinh thuộc các thế hệ về dự rất đông. Từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã tròn nửa thế kỷ. Lớp lớp học sinh trưởng thành và tung cánh bay đến bốn phương trời, hôm nay lại trở về từ mọi miền đất nước: biên giới, hải đảo, Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế… Học sinh khóa đầu tiên đã ở tuổi sáu mươi. Ríu rít lứa tuổi mười bốn mười lăm hiện đang học tại trường… Tất cả đều là học sinh quây quần về tổ ấm. Những ngôi nhà êm đêm mái ngói như hai cánh chim mẹ ấp ủ trứng bạc và cưu mang những đứa con tìm về với mẹ.
Trường đã di chuyển nhiều lần trong những năm kbáng chiến chống Pháp chống Mỹ, cuối cùng lại trở về thị trấn Hoan Châu. Trường cũng đã đổi tên mấy lần, cuối cùng lấy lại tên ban đầu: trường phổ thông cơ sở Hoan Cbâu. Thầy Cao Xuân, hiệu trưởng đầu tiên cũng là người sáng lập, một học giả nổi tiếng, đã quá cố cách đây chưa đầy mười năm. Ảnh thầy được phóng to treo giữa phòng truyền thống. Và hai bên là ảnh chân dung các thầy các cô trong buổi đầu khai sáng. Hầu hết các thầy các cô đều đã trở thành giáo sư, viện sĩ… Trong tủ kính, bao nhiêu di vật gợi lên truyền thống cần cù học tập, nghiên cứu và chiến đấu oanh liệt của học sinh. Chiếc đèn dầu vỏ chai thời kháng chiến chống Pháp. Chiếc ba lô còn dính máu của bạn Tâm hy sinh trên đường mòn Hồ Chí Minh. Quyển vở học toán của bạn Khang lấy được trong công sự. Bức thư bị lửa bom cháy sém của bạn Lân gửi cho thầy Nguyễn An. Bài thơ tình của bạn Hoa viết ở chiến trưởng Quảng Trị… Đã có lần một ký giả người Mỹ vào xem phòng truyền thống phát biểu: "Người lính Mỹ không thể có những thứ này. Việt Nam thắng Mỹ là điều dễ hiểu".
Học sinh túm tụm từng nhóm, chuyện trò râm ran như đàn chim mùa bay về sum họp trên bãi phù sa quê hương. Tóc bạc. Tóc xanh. Tóc dài. Tóc ngắn. Những tà áo dài đủ màu sắc bay lượn như ngày hội bướm ở rừng Cúc Phương sau cơn mưa mùa xuân. Thăm hỏi nhau về gia cảnh. Nhiều người đã có cháu nội cháu ngoại. Có người thuận lợi trên con đường tiến thân. Có người phải gánh chịu bao nhiêu nỗi bất hạnh. Tất cả ngọt bùi, cay đắng mấy chục năm trời đều nhòa đi, và hiển hiện nơi đây trong giờ phút này là những tâm hồn trong trẻo của tuổi học trò. Từ ông bộ trưởng ô tô nhà lầu đến người lính ăn sương nằm gió ở biên cương đều ôm nhau nhòa nước mắt, nhớ lại cái thuở ăn cháo rau khoai ngồi học bên ngọn đèn dầu đến quá nửa đêm…
Người học trò cũ tóc bạc phơ gặp cô giáo mới trẻ măng, không nỡ xưng "em" nhưng vẫn "chào cô" một cách nghiêm chỉnh. Còn cô giáo mới thì gọi học trò cũ bằng "bác" và xưng "em" một cách e dè ngượng ngập… Một cảm giác vừa thân thuộc vừa là lạ lan truyền từ người này sang người ki, se se lạnh như làn gió heo may chợt đến giữa nắng hè oi bức, âm ấm nóng như hơi gió nồm thoảng qua giữa ngày đông giá buốt…
Cù Văn Hòn cùng một số bạn cũ đi xe đò về từ hôm qua, kéo nhau đến chơi nhà mấy người bạn và thăm hỏi thầy giáo đã từng dạy mình. Sáng nay, Hòn dậy sớm, đến dự hội với cảm giác Tựu trường của tuổi mười lăm, vừa đi vừa khe khẽ đọc bài giảng văn của thầy Đức:
Giờ nao nức của một thời trẻ dại!
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương!
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường,
Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc.
Sắp hạnh phúc như chương trình lớp học,
Buổi chiều đầu họ tìm bạn kêt duyên;
Trong sân trường tưởng dạo giữa đào viên;
Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ.
Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ;
Tim run run trăm tình cảm rụt rè;
Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe
Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp
… 
Dăm bảy năm nay Hòn rất ngại đến những nơi đông người, tránh những cuộc hội họp mà "có cô thì chợ cũng đông - cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui". Kỵ nhất là những cuộc gặp gỡ chúc tụng bia bọt với những người vừa thân vừa sơ. Tính đố kỵ và hiếu thắng của Quách Quyền Lực đã tạo cho Hòn một tâm lý luôn luôn "ẩn về phía sau" để nhường cho Lực trồi lên trên và hiện rõ trong các tấm ảnh in báo và màn truyền hình. Cơ quan tổ chức lễ lạt, họp cộng tác viên, Hòn cũng tụt xuống hàng ghế sau cùng.
Tiếp khách nước ngoài, tiếp các vị quan to, Hòn cũng ngồi vào một góc… Tất cả những gì mà Lực cho là sang trọng Hòn đều lảng ra… Thế mà vẫn chưa yên được. Con người hiếu thắng ấy truy đuổi đến tận cùng mọi động thái của Hòn có thể khiến Lực nghi ngờ là Hòn lấn át mình: Sự có mặt của Hòn trong một cuộc họp nào đấy… Tên Cù Văn Hòn được ghi vào một bản danh sách nào đấy… Bạn bè quây quần quanh Cù Văn Hòn trong một cuộc vui nào đấy Cù Văn Hòn vốn đã trầm tính càng trở nên trầm tính, ít nói. Mười năm làm việc với Quách Quyền Lực đã làm đảo lộn trong người Cù Văn Hòn biết bao nhiêu nhận thức về cuộc đời, thậm chí nhiều khi anh hoang mang đặt ra những câu hỏi: thế nào là tốt xấu, thế nào là trung thực, thế nào là giả dối, thế nào là nhân đức, thế nào là độc ác? Những câu tục ngữ do ông cha truyền lại có giá trị ở hoàn cảnh nào và đến mức nào: ở với bụt thì mặc áo cà sa ở với ma thì mặc áo giấy, ở bầu thì tròn ở ống thì dài, của người phúc ta,… Anh tự đay đi nghiến lại, xé ra rồi vò lại những khái niệm thông thường trong cuộc sống. Anh nhận thức sâu hơn về quan hệ bè bạn. Thức lâu mới biết đêm dài… Lâu là bao lâu? Là mấy ngàn đêm mấy ngàn ngày? Có khi gần hết cuộc đời mới biết "đêm dài". Có khi hết cả một cuộc đời cũng chưa biết "đêm dài"… Đã qua cái tuổi năm mươi, còn lại được bao nhiêu người bạn thực là bạn? Nhất là giữa thời buổi này, bạn bè như nắm sỏi trong lòng cối đá, cái chày của kinh tế thị trường giã xuống, sỏi bắn tung tóe… Hãy nhặt lại, nhặt lại những gì còn có thể nhặt lại… Tuổi thơ trong trẻo ơi, hôm nay ngày hội trường, tôi trở về nhặt lại những hạt ngọc trong tâm hồn bè bạn để níu giữ lòng tin yêu vào cuộc sống.
Bao nhiêu năm rồi, sáng nay Cù Văn Hòn mới đi lại nhiều đến thế, nói nhiều đến thế. Gặp hết người bạn này đến người bạn kia. Nắm tay nhau, thăm hỏi nhau đôi ba câu đối với Cù Văn Hòn cũng là nhiều rồi. Chỉ cần nhìn bạn, sống mũi cay cay, lòng dào lên những đợt sóng ngầm và hồi ức xô đẩy sáng lóe như nắng ban mai dồn về qua nghìn trùng biển đêm thăm thẳm. Thời gian dày đặc của nửa đời người đã xóa đi tất cả những vết nhơ, chỉ còn hiển hiện gương mặt sáng trong của bè bạn. Hoài niệm cũng là biểu hiện của tâm lý khao khát được sống đẹp. Giá nhân loại cứ vĩnh hằng là trẻ nhỏ, hồn nhiên yêu thương nhau, thì sẽ không có chiến tranh và cũng không nảy sinh những tính cách xấu xa như đố kỵ, hiềm thích, hiếu thắng…
Buổi sáng hội trường trong mát như buổi sáng năm nào xa lắc cắp sách đến dự ngày khai giảng. Cuộc đời của Cù Văn Hòn như cây điều sống dằng dặc qua mùa khô trên mảnh đất đồi cằn cỗi, cành lá héo rũ, bám dày bụi bặm, bỗng gặp cơn mưa đầu mùa… Được rửa sạch bụi đất, lá ngời lên sắc xanh, và tâm hồn Cù Văn Hòn lại rân rân chuyển nhựa đơm nhú những chồi lộc non…
Sân trường đang nhộn nhịp, một chiếc ô tô con sơn đen bóng nhoáng từ đường số một rẽ vào cổng. Mọi người chăm chú nhìn ra. Ô tô dừng lại. Cánh cửa mở. Quách Quyền Lực bước xuống với bộ complet thắt caravat, đội mũ phớt, xách chiếc cặp đen. Lực búi xùi công việc ở cơ quan đến tận nửa đêm qua, bốn giờ sáng nay xe mới khởi hành…
Mấy thầy trong ban giám hiệu đoán ông này là một cán bộ cấp cao về dự hội trường, vội chạy ra đón. Nhưng Lực đi rất nhanh, xua xua tay: "Tôi là cựu học sinh… tôi là cựu học sinh…". Thấy một cụ già tóc trắng xóa, Lực nghĩ là thầy giáo cũ, xồ đến, đặt cặp xuống đất: "Thầy ơi… thầy ơi em nhớ thầy quá… Không có thầy thì không có em ngày nay… Em vẫn cứ nhớ chi li từng lời giảng của thầy về đạo đức làm người… Không có những lời giảng về đạo đức của thầy thì không có em ngày nay… Một ngày làm thầy một đời làm cha, huống chi thầy dạy em suốt mấy năm ròng. Nói là làm cha chưa đủ đâu, thầy còn là mẹ của em. Thầy không cho em bú, nhưng tuổi thơ của em đã bú dòng sữa tinh thần, dòng sữa đạo đức, dòng sữa văn chương của thầy. Xa thầy biền biệt, em vẫn nhớ chi li gương mặt của thầy, giọng của thầy ấm áp như lời mẹ ru, bàn tay của thầy giơ lên mà em cảm thấy như bàn tay mẹ vỗ về em…".
Lực càng nói cụ già càng ngơ ngác. Mấy bạn học sinh cũng ngơ ngác. Cô Hằng bịt miệng cười… Cụ già ấy là một vị phụ huynh, Lực nhầm là thầy giáo. Hòn bước đến, gật đầu chào và xin lỗi cụ già, rồi nắm cánh tay Lực dắt vào gốc cây bàng:
- Thưa với thầy Đức, thầy còn nhớ học trò cưng của thầy không? Bài luận "Tình bạn trong cuộc đời cũng như ánh nắng của mặt trời. Đánh mất tình bạn cũng như đánh mất ánh nắng mặt trời", Lực làm hay nhất lớp, được thầy khen, cả lớp bạn nào cũng thích…
Thầy Đức mỉm cười:
- Lực đấy à, trông khác quá, thầy không nhận ra…
Thầy chưa nói hết câu, Lực đã ôm chầm lấy thầy, nước mắt dàn dụa:
- Thầy ơi… thầy ơi… Đề luận của thầy không những là bài văn chương mà còn là bài học đạo đức lớn của đời em. Khi nào thoáng chút sa ngã vì sự cám dỗ của đồng tiền của quyền lực, em lại nhớ tới đề luận của thầy, nhớ đến bạn bè những ngày ăn đói mặc rách vẫn cứu giúp nhau học hành. Bạn bè là ánh nắng mặt trời của cuộc đời em. Em nhớ mãi câu thầy hỏi "Nếu em đánh mất bạn bè thì đời em sẽ như thế nào?". Em không quên câu trả lời của em, câu trả lời đó là lời thề danh dự của suốt cuộc đời em: "Nếu em đánh mất bạn bè thì đời em chỉ còn bóng tối lạnh lẽo".
Bạn Cờn chêm vào:
- Thằng Lực nó nhớ ghê nhỉ.
Lực úp mặt vào ngực thầy:
- Quên sao được! Quên lời hứa lời thề nguyền của mình, nhất là lời thề nguyền đó với thầy, tức là đánh mất nhân phẩm của mình, đánh mất tư cách của mình, đánh mất bản lĩnh của mình, đánh mất tâm hồn của mình, đánh mất trí tuệ của mình, đánh mất kiến thức của mình…
Cái Hằng hồi xưa đã tham gia tích cực bình luận bài văn hay của Lực, nay đã trở thành "bà Hằng" gần năm mươi tuổi, xích gần vào thầy:
- Thưa thầy, nhà văn là phải, nói hay quá. Bọn em chỉ mong nói hay được một phần trăm như thế cũng sung sướng lắm rồi…
Cờn lườm Hằng:
- Thế mới là nhà văn. Hằng mà nói hay thì Hằng đã thành nhà văn rồi.
- Sao Cù Văn Hòn chẳng nói năng gì cả mà cũng là nhà văn?
- Đấy là mình khái quát. Cái gì chẳng có ngoại lệ…
Trong chương trình lễ kỷ mệm, có tiết mục đại diện các thế hệ học sinh cũ phát biểu ý kiến. Bạn bè cử Lực.
Sau lời giới thiệu trang trọng của thầy hiệu trưởng, Lực bước lên diễn đàn.
"Kính thưa các thầy các cô… Kính thưa…"
Lực sụt sịt, cầm mùi xoa lau nước mắt…
"Kính thưa các vị phụ huynh…".
Lực lại nâng chiếc mùi soa lên…
"Kính thưa các đại biểu…
Lực bỗng nghẹn lời, nước mắt ướt đẫm hai gò má.
Có tiếng xì xào của học sinh:
- Nhà văn dễ xúc động mày nhỉ?
- Dễ xúc động mới là nhà văn.
- Ông này là nhà văn hay nhà thơ?
- Nhà văn nhà thơ đều dễ xúc động.
Thầy hiệu trưởng đứng lên nhắc các em học sinh giữ trật tự. Cố nén cơn xúc động đột ngột, Lực lại tiếp tục đăng đàn một cách trôi chảy.
"Mỗi người chúng ta đều trưởng thành từ hai tổ ấm. Tổ ấm gia đình và tổ ấm nhà trường. Ai mà quên một trong hải tổ ấm đó là phi luân lý, phi đạo đức, phi nhân tính, phi văn hóa…".
Lực cao giọng nhấn mạnh những tiếng phi… phi, phi… Tiếng vỗ tay vang lên và kéo dài. Bây giờ Lực không cần dùng đến nước mắt nữa, mà cần dùng đến sự hùng biện.
"Từ trong tổ ấm đó mà hình thành bền vững tình thương. Lớp học sinh chúng tôi ngày ấy phải ăn cháo rau khoai để ngồi học đến hai ba giờ sáng bên ngọn đèn dầu ám khói đen. Sáng nào ngủ dậy, móc vào hai lỗ mũi ngón tay cũng đen xì muội. Có hôm rau khoai cũng không có mà ăn, phải nhịn đói đi học. Nhờ thế mà chúng tôi thương nhau đến tận bây giờ. Tôi với anh Hòn cùng ở trọ một nhà, trong bữa ăn nhường nhau từng con tôm con tép. Nhờ thế mà chúng tôi thương nhau đến bây giờ. May mắn hai anh em chúng tôi cùng làm một cơ quan, nhớ lại những năm tháng họe tập gian khổ, chúng tôi thương nhau như anh em ruột…
"Đời sống bây giờ đã khá hơn gấp trăm gấp nghìn lần. Các em được ngồi học dưới ánh điện. Các em không phải ăn cháo rau khoai. Các em có đài có ti vi để nắm được thõng tin nắm được kiến thức trên toàn trái đất. Các em được ăn cơm với cá với thịt. Trong túi rủng rỉnh có đồng tiền để uống bia… Đảng ta đã sáng suốt phát động công cuộc đổi mới để cho dân no dân ấm, đất nước phồn vinh.
Đảng ta sáng suốt tạo ra cái cơ chế thị trường… Nhưng hãy coi chừng, không ít người bị sa ngã vì cơ chế thị trường. Họ đã quên lý tưởng của Đảng của dân tộc, chạy theo đồng tiền, chạy theo đồng đô la một cách cuồng loạn như con thiêu thân lao vào đĩa dầu. Họ đã đánh mất phẩm chất cách mạng, đánh mất tình thương bạn bè, tình thương đồng chí đồng loại đồng bào đồng tộc. Mỗi ngày không kiếm thêm được một tờ đô la xanh thì họ ăn không ngon ngủ không yên. Lý tưởng của họ là gì? Là đô la, đô la, đôla, đô la…!".
Tiếng vỗ tay lại vang lên rào rào như trận mưa giông.
Quả thật Lực có tài hùng biện, càng ngày càng có tài hùng biện. Nghệ thuật chinh phục cử tọa đạt đến trình độ cao, biết nhấn mạnh chỗ nào, biết cao giọng chỗ nào để cử tọa vỗ tay. Khi người ta thích lý sự với những lời lẽ hùng biện là triệu chứng báo hiệu trái tim đã bị bào mòn mọi run rẩy cảm xúc của thời kỳ thanh xuân và chuyển sang thời kỳ xơ cứng, già cỗi.
Thầy hiệu trưởng ghé sát vào mi cơ rô: "Các em giữ trật tự".
Lực nuốt nước bọt một cái ực.
"Kẻ thù ngày nay không phải như kẻ thù ngày trước chỉ dùng vũ khí để dọa nạt chúng ta. Chúng biết rằng, đối với dân tộc Việt Nam, không thể chinh phục bằng vũ khí được Chúng dùng đồng đô la để chinh phục, bằng phương pháp diễn biến hòa bình. Vậy thì diễn biến hòa bình là gì? Diễn biến hòa bình ngay trong tâm hồn mỗi con người. Mỗi con người hãy cảnh giác với kổ thù ở ngay trong con người mình…"
Trong đám học sinh lại có tiếng xì xào:
- Nhà văn mà giỏi chính trị mày nhỉ?
- Giỏi chính trị mới làm nhà văn được.
- Xịt xịt xịt…
Tôi về đây dự hội trường không chỉ với tư cách là người cựu học sinh. Hơn thế nữa, với tư cách là người lính. Từ mái trường này, tôi ra đi cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Cũng từ mái trường này, tôi ra đi cầm bút để bảo vệ Tổ quốc. Cây bút tức là cây súng của tôi. Hồi chiến tranh, tôi cầm súng. Trong hòa bình, tôi cầm bút. Không bao giờ tôi từ bỏ vị trí tiền tiêu canh giữ cho Tổ quốc yên bình, cho đất nước phồn vinh, cho tâm hồn được trong sáng. Cây bút tức là cây súng của tôi. Cây bút tức là cây súng của tôi. Cây bút tức là cây súng của tôi…".
Tiếng vỗ tay lại vang lên như sấm.
Sau ngày hội trường, Lực tạt về nhà chừng nửa tiếng đồng hồ, đưa tiền cho bố mẹ. Rồi lại đi. Đi thăm và tặng quà bè bạn. Trong số hai trăm nhà văn hóa được mời dự Đại hội thành lập hội Văn hiến quốc gia sẽ tổ chức vào cuối năm nay, tỉnh này đã có tới tám người. Lực đến thăm hỏi tận nhà từng người. Đến nhà không gặp, Lực phóng ô tô đến cơ quan. Đến cơ quan không gặp, Lực phóng ô tô tới nhà. Phải gặp tận mặt, trao quà tận tay, để người đó biết rằng thằng Lực này rất chu đấo với bạn bè, rất quý trọng bạn bè làm công tác văn hóa. Mua tình cảm tám người để được tám cái phiếu bầu vào Ban chấp hành Hội Văn hiến, phải chớp lấy thời cơ, phải giành giật lấy từng cái phiếu?
Sau ngày hội trường, Cù Văn Hòn cùng mấy người bạn đi chơi nhà nhau. Lòng vòng suốt hai ngày. Nhưng không phải đi bộ như thuở học trò, mà đèo nhau bằng xe máy.
Gặp mưa, trú lại dọc đường. Gặp nơi lầy lội, cùng hè nhau đẩy xe. Nhỡ bữa, sà vào quán, có khoai ăn khoai, có bánh mướt ăn bánh mướt, có sắn ăn sắn… Lại hồn nhiên cười nói. Lại "mày mày tao tao" như trẻ nhỏ. Không đứa nào nghĩ mình đã có con dâu con rể, cháu nội cháu ngoại…
Đến Dốc Cướp, trời đã nhá nhem tối. Cái phố vắng tản cư hồi ấy đã trở thành thị trấn có ánh điện và lác đác mọc lên những ngôi nhà hai tầng. Tất cả cùng ríu rít dắt nhau đi bộ, đi hết mọi ngóc ngách từ đầu này đến đầu kia phố.
Quán sách ở lưng chừng dốc đã được xây bằng bê tông thay thế ngôi nhà mái nứa vách nứa…
- Hằng ơi, bầu vú của thằng Hòn đây? Cờn vừa nói vừa vẫy Hằng đến.
Đã ở cái tuổi gần năm mươi rồi mà Hằng còn đỏ mặt khi nghe Cờn nói đến "bầu vú". Chắc là Cờn trêu chọc mình…
- Hằng ơi, thăm lại cái bầu vú của thằng Hòn.
- Sao lại bầu vú?
Hồi đi học, thằng Hòn hay vào đây mua sách. Nhờ có quán sách này mà nó trở thành nhà văn nhà thơ. Thì cái quán sách là bầu vú của nó chứ còn gì nữa…
- Ôi, ông Cờn ơi, ông nói bóng bảy quá…
Thấy trên giá sách có cuốn truyện "Tuổi học trò" của Hòn, Cờn cầm xem lướt qua:
- Chúng mày ơi, thằng Hòn nó viết vê chúng mình hồi học trường Huyện đây này. Thế mà nó không tặng sách cho bọn mình.
Hằng, Cờn, Lô cũng xúm lại xem… Hòn mua mấy cuốn và ký tặng bạn bè, chữ ký run run.
Ra khỏi hiệu sách, Hằng nói:
- Các cậu ơi đứng chờ tôi một tí. Tôi đi mua đường sữa vào thăm ông bà Tôn. Anh Lực đi vắng, ta cũng phải vào thăm hai cụ một tí. Thấy ta vào, chắc chắn hai cụ mừng lắm…
Cả lũ kéo vào. Nhà đóng cửa. Vắng tanh. Chó sủa. Bà hàng xóm trông sang:
- Ông bà Tôn đang xem ti vi bên này. Có ai hỏi đấy?
Cờn nhanh mồm:
- Bọn cháu là bạn học hồi nhỏ với Lực vào thăm hai cụ…
Được biết là bạn của con, hai cụ về ngay. Bật sáng điện. Ba gian nhà gỗ rộng thênh thang và một chái bếp, chỉ có một ngọn đèn 60 wat. Cụ ông xách sô sang nhà bên cạnh xin nước giếng. Cụ bà vừa mừng vừa luống cuống:
- Mẹ già rồi, mắt kém, chẳng nhận ra đứa nào.
Cờn nắm tay mẹ, giới thiệu từng người một:
- Đây là thằng Lô, mẹ nhớ không? Thằng Lô mà hôm nào nhà nó có giỗ cũng mang phần xôi nếp rồng cho mẹ. Mẹ nhớ ra chưa?
- Mẹ nhớ rồi…
- Đây là cái Hằng, con dâu hụt của mẹ…
- Con dâu hụt?…
- Cái Hằng mà chúng nó cứ gán cho thằng Lực. Mẹ nhớ ra chưa?
- Mẹ nhớ rồi… Còn anh?
- Con ấy à?… Con là thằng Cờn. Con hay nói chuyện tếu cho mẹ cười. Mẹ nhớ ra chưa?
- Mẹ nhớ rồi… Còn anh? - Mẹ chỉ Cù Văn Hòn.
- Đây là thằng Hòn. Thằng bạn nối khố của thằng Lực. Hai thằng cùng ở một nhà trọ. Mẹ nhớ ra chưa?
Hai tay mẹ giơ ra:
- Hòn à con?
Hòn chạy đến ôm lấy mẹ. Mẹ nói trong nước mắt:
- Các con ăn đói mặc rách bấm chí học hành… Mẹ thương các con quá… Hôm qua thằng Lực về đây… Lúc nào nó cũng bận việc xã hội, nó chỉ về thăm bố mẹ một lát nó lại đi ngay. Chẳng bao giờ nó ở nhà với bố mẹ được một buổi một đêm. Tội nghiệp… lúc nào nó cũng bận việc xã hội… Chẳng lúc nào nó được nghỉ ngơi… mẹ biết các con vào thì mẹ bắt nó ở nhà chơi với các con… Anh em mấy chục năm giời mới được gặp nhau…
Ông Tôn xách sô nước bên nhà hàng xóm về:
- Các con ra rửa mặt mũi chân tay.
Hằng chạy ra, đỡ sô nước:
- Ấy chết? Cụ phải đi xin nước à? Nhà ta chưa đào giếng?
Bàn Tôn lại thều thào:
- Nhà có hai ông bà già, chẳng dùng hết mấy. Cứ sang xin hàng xóm vài sô dùng được cả ngày…
Với sự nhạy cảm của người phụ nữ, Hằng chau mày:
- Sao anh Lực lại không lo đào cho cụ cái giếng, mua cho cụ cái ti vi, nhà rộng thênh thang lại chỉ mắc một bóng điện…
- Để mẹ lo cơm nước cho các con…
Hằng đỡ lời:
- Chúng con ăn rồi!…
- Các anh có cần ăn gì thêm để mẹ vừa lòng?…
Cù Văn Hòn:
- Khoai? Khoai! Mẹ có khoai không? Mẹ có cà muối không? Mẹ có chè xanh không?
- Có chứ. Khoai thì mẹ sẵn. Cà muối cũng sẵn. Chỉ thiếu chè xanh, mẹ sang hàng xóm vay…
Thế là Hằng tất tưởi đi rửa khoai, luộc khoai, nấu nước chè xanh… Mọi người xúm xuýt ăn đã nư một bữa khoai lang luộc với cà muối, trươu với nước chè xanh, ngon đến thấu tận ruột gan… Lúc trưa, nốc một chầu bia, người cứ hao háo, bây giờ được thưởng thức cái vị dân dã tuổi thơ này, Hòn cảm thấy vô cùng mãn nguyện.
Nhà bố mẹ Cù Văn Hòn là địa điểm cuối cùng của cuộc hành trình. Vừa đến cổng làng Kẻ Lội, quê của Hòn, Cờn lại bô bô:
- Hằng ơi, đây cũng là bầu vú của thằng Hòn. Nhưng bầu vú này to hơn bầu vú ở Dốc Cướp.
- Cờn lúc nào cũng cứ liên tưởng đến cái ấy.
- Ơ! Hằng phê phán tôi chứng tỏ Hằng không đọc sách của thằng Hòn. Chả là có lần thằng Hòn viết: "Làng quê là cái bầu vú cho tôi nguồn sữa vô tận của cảm hứng sáng tạo".
Đang đánh trần đào ao, nghe tin Hòn về, Bá chạy đến ngay. Câu đầu tiên Bá hỏi Hòn:
- Lực đâu?
- Nó bận lắm, nó không về được.
- Tội nghiệp Lực lúc nào cũng bận công việc, chẳng rảnh rang được ngày nào mà đi chơi với bạn bè. Có một lần nghe tin nó về Dốc Cướp, tôi cuốc bộ lên tận nhà, định rủ nó xuống chơi, lội bùn, bơi sông Phùng một ngày cho thỏa chí. nhưng nó lại đi mất rồi.
- Lần sau tôi rủ nó về chơi dăm bảy ngày cho thỏa lòng mong đợi của Bá… Bây giờ hai thằng ta đi bắt lươn.
Hòn vác thuổng đi theo Bá đào lươn ở cánh đồng dọc sông Phùng. Bùn ngập quá gối, da thịt rời rợi mát, Hòn cảm thấy một niềm khoái cảm bình dị và hồn nhiên như thuở thiếu thời. Rồi Hòn bơi qua dòng sông Phùng. Tâm hồn Hòn như dòng sông quê không một phút yên lặng, dẫu đi xa, con sông vẫn vỗ sóng vào giấc ngủ, cồn cào mùa mưa lũ cày xới ngổn ngang kỷ niệm..
Bữa trưa hôm nay, Bá đãi một món ăn rặt mùi vị quê hương là lươn xào củ chuối rắc lưa thưa những lát ớt đỏ và dậy mùi lá lốt. Ăn no nê mà không ngán. Ăn xong, trải chiếu đầu hồi nhà, mát rượi gió nồm, đánh một giấc ngủ li bì đến nửa chiều… Hòn là bạn tuổi thơ, bạn quê hương chí cốt của Bá. Quý mến Hòn, Bá cũng rất quý mến bạn của Hòn…
Lúc chia tay, thật bất ngờ, Bá mang ra một gói thịt lươn đã rang khô có kèm theo năm quả ớt chín đỏ và một bó lá lốt, trao cho Hòn:
- Lực không về được. Tôi gửi quà cho nó. Hồi nhỏ đi học, Hòn ở trọ một nhà với nó, mỗi lần tôi mang thức ăn lên, nó rất thích món này…
Bá dặn tỉ mỉ:
- Món này nhắm với bia ngon lắm. Tôi đã làm kỹ rồi. Khi nào dùng, chỉ cần rim lại cho nóng, rồi thái lá lốt bỏ vào cuối cùng rắc ớt lên… Tôi tin Lực sẽ rất thích món ăn này…
Dạo trong vườn chùa Tập Phúc, Hòn lẩm nhẩm đọc đi dọc lại bài thơ "Những ngày xưa thân ái" của Phạm Hổ:
Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi tôi nhớ
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đắp trắng cỏ đường
Hai đứa chúng tôi
Sách vở cắp chung áo quần nhàu giấc ngủ
Cơm mo mẹ gói xách tùng teng
Nón rộng thùng quai
Túi ống diêm nhốt dế.
Những ngày xưa tươi đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai…
Nơi đây, hồi học trường Huyện, Lực và Hòn thường tới ôn bài trong những kỳ thi cuối học kỳ và cuối niên khóa. Có hôm, đem cơm nắm ra ăn trưa, ở lại học cả ngày. Vườn chùa yên tĩnh, chỉ có hai đứa ngồi tựa vào hai gốc cây cầm quyển vở mê mải ôn lý thuyết và làm bài tập các môn văn, toán, vật lý, hóa học… Thỉnh thoảng lại chụm đầu, truy hỏi nhau, đứa nào trả lời sai thì chịu một cái búng tai. Có hôm tai trái Lực bị búng đỏ lựng. Có hôm cả hai tai Hòn bị búng đỏ bừng.
Nhớ mãi buổi chiều hôm ấy, nắng nhạt, bụng đói cồn cào, hai đứa bàn với nhau hái mít xanh ăn. Lực trèo lên cây Hòn đứng dưới gốc. Vừa hái vừa ăn. Thỉnh thoảng Lực lại ném xuống cho Hòn một quả to bằng ngón chân cái. Cuộc "liên hoan mít xanh" đang dở chừng thì nhà sư ra vườn. Lực luống cuống tụt xuống, bị ngã, đầu va vào gốc cây chảy lọa máu, khóc hu hu. Hòn sợ tái mặt, ôm lấy Lực. Nhà sư vội chạy đến, bế vào nhà, lấy lá thuốc nam rịt vết thương…
Ngỡ là vết thương xoàng, không ngờ bị toạc một mảng da gần đỉnh đầu. Lực phải về nhà Hòn ở gần nửa tháng, mẹ Hòn nhờ một thầy lang chạy chữa. Hòn nói dối với bố mẹ Lực: "Ở phố ồn ào, không học ôn được, hai bác cho Lực ở nhà cháu để ôn bài một thời gian". Trong nửa tháng ấy, hai cậu càng gần gũi nhau, thân nhau hơn, thương nhau hơn.
Vết thương lành, Lực bị một cái sẹo khá to, tóc không mọc được. Mỗi lần Lực cúi xuống, cái sẹo phô ra trắng hếu.
Từ đó, các bạn thường gọi Lực là "thằng Lực sẹo". Lúc đùa vui, chúng nó thường dùng ngón tay trỏ dí vào sẹo và nói: "Đây là bảo bối của tình bạn thằng Hòn với thằng Lực".
Một hôm, đang ngồi học, mệt quá, Lực gục đầu ngủ trên bàn. Cờn dùng mực xanh bôi vào sẹo. Khi Lực tỉnh dậy, Cờn bảo: "Tao có phép lạ làm cho mày mất cái sẹo rồi". Lực đặt một cái gương phía trước và một cái gương phía sau để soi quả thật không thấy vết sẹo trắng nữa, đưa ngón tay sờ thì đầu ngón tay nhòe nhoẹt mực xanh. Lực phản ứng khá thông minh: "Mày có nghìn phép lạ cũng không xóa nổi vết sẹo này. Đây là chứng tích tình bạn vĩnh cửu của tao với thằng Hòn, xóa làm sao được".
Trở lại vườn chùa ngày ấy, Hòn cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản như một làn hương bay. Cái thiêng liêng của dĩ vãng hòa lẫn với cái tĩnh lặng của chùa chiền khiến Hòn ngỡ ngàng chìm vào một giấc mộng thần tiên.
Ao sen cuối mùa, lá úa nẫu buồn rũ rượi, lưa thưa vài ba bông hoa muộn ngơ ngác nuối tiếc sắc nắng rực rỡ ngày hè. Mặt nước xao động, cọn cá quẫy nhô đầu lên rồi lại chúi xuống để lại chiếc bong bóng vỡ trên mặt nước như tiếng thở dài. Gió thoảng, lá cành xao xác, rải xuống nền đất ẩm những giọt nắng rưng rưng. Cánh ong bay vút sáng qua tia nắng rồi lẫn vào trong vòm lá đang bắt đầu ngả sang màu vàng để hút mật từ những nhị hoa đã tàn héo. Con chim sâu nhảy nhót ném ra tiếng hót rời rạc tựa chiếc kim dẫn sợi chỉ luồn qua thời gian khâu lại hàng trăm mảnh hồi ức. Bất giác, chim bay lên, cành khẽ động, một vệt nắng đuổi theo như hiện tại mệt mỏi đuổi theo niềm yêu thương dĩ vãng… Hòn tựa lưng vào gốc cây, bâng quơ nhìn ra xung quanh. Tâm tư hòa tan vào trong mơ hồ của muôn vàn tiếng ong bay, gió thổi, cá quẫy, dế hót, lá rụng… rồi dần dần lắng đọng kết tinh thành tiếng gọi trìu mến của bằng hữu buổi thiếu thời… Quách Quyền Lực ơi, giá mày cùng trở lại với tao giữa vườn chùa hôm nay, cùng với tao ăn một quả mít non… Hãy cố giữ gìn, Quách Quyền Lực ơi, hãy cố giữ gìn, đừng để rơi vãi mất những hạt tình yêu đã thu lượm được trên đường đời dù phong ba bão táp… Chúng ta có thể quên những ngày gian khổ, nhưng đừng quên những bài học quý báu mà thời gian khổ đã dạy chúng ta…
Vô tình Hòn dẫm phải con sâu róm tóe máu đen. A… máu đen… Hòn lạnh gáy liên tưởng đến một cái gì rùng rợn. Không để cho sự liên tưởng ấy loang ra, Hòn tự dập tắt ngay… Thì ra trên hành tinh này có một loài động vật máu đen… Còn loài động vật nào máu đen nữa không?…
Máu con người không thể chuyển từ màu đỏ sang màu đen dù sống trong môi trường vô cùng tanh tưởi, bẩn thỉu, nghiệt ngã…