Chương XXIII

Hôm nay làm lễ gắn tấm biển mới trước cổng cơ quan. Theo lời dặn của Lực, Cấu đến rất sớm, lập bàn thờ cầu xin thần linh làm ăn được phát đạt. Trên bàn thờ có đặt nải chuối vàng ruộm và hai mươi ba quả hồng đỏ mà Cấu sai cô Đào ra chợ mua từ chiều hôm qua. Đào đã khéo léo làm vừa ý thủ trưởng: chọn mua nải chuối đúng số lẻ hai mươi ba quả, quả nào quả nấy màu vỏ vàng trơn và bằng nhau chằn chặn, hai mươi ba trái hồng cũng to bằng nhau và màu vỏ đỏ thắm… Để làm được việc đó Đào ra tận chợ Long Biên, hơn một tiếng đồng hồ qua nhiều quầy hàng mới chọn mua được nải chuối và những quả hồng như thế - "Thà mất công một chút còn hơn để thủ trưởng rầy la".
Bên cạnh đĩa hoa quả, đặt tấm biển sơn đen với dòng chữ phủ nhũ vàng: "Trung tâm phát triển tài năng và trí tuệ, phía dưới có dòng chữ nhỏ hơn: "Giám đốc: T.S. Hoàng Triều Thanh Cấu".
Cháy hết tuần hương, Cấu gọi Đấu cùng với ông thợ nề do Cấu dẫn đến gắn tấm biển lên cổng. Cấu đứng gần rồi đứng xa để ngắm và sai bảo Đấu điều chỉnh tấm biển xịch lên một tí, xịch sang trái một tí, xịch sang phải một tí. Vốn trước kia Cấu rất trợn trạo trong việc lễ lạt, kiêng kị; nhưng từ khi gắn bó với Quách Quyền Lực, Cấu trở thành người mốt của thời đại là phải coi trọng tâm linh.
Việc gắn tấm biển kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Anh em đến làm việc, dừng lại xem mỗi lúc một đông. Vừa xem vừa bình luận như bình luận một vấn đề trọng đại của cơ quan. Ai cũng chú ý dòng chữ "Giám đốc: T.S Hoàng Triều Thanh Cấu". Từ xưa đến giờ có ai khắc tên giám đốc vào biển hiệu cơ quan đâu, bây giờ mới thấy ông Cấu làm đầu tiên.
Sau đại hội thành lập Hội Văn hiến quốc gia, Quách Quyền Lực trúng vào Ban chấp hành, rồi được bầu làm tổng thư ký, rồi được phong là giáo sư, (nghe nói việc phong giáo sư là do chỉ thị mồm của một ông thượng đỉnh nào đó). Danh thiếp của Quách Quyền Lực in kín những dòng chữ: "Quách Quyền Lực. Giáo sư, nhà lý luận phê bình văn học. Bí thư Đảng đoàn Hội Văn hiến quốc gia, bí thư Đảng uỷ Viện Văn hiến, Tổng thư ký Hội Văn hiến quốc gia, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Văn hiến quốc gia, Viện trưởng Viện Văn hiến, tổng biên tập báo Văn hiến nghìn năm, tổng biên tập báo Văn hiến tương lai". Cái ghế ngồi của Quách Quyền Lực vững như bàn thạch, tha hồ tung hoành, tha hồ làm mọi việc theo ý mình.
Khâu đột phá đầu tiên của Quách Quyền Lực là xốc lại tổ chức để đưa nền học thuật của nước nhà lên ngang tầm đổi mới của Đảng của dân tộc. Trong cuộc họp toàn thể cơ quan đủ mặt một trăm phần trăm, Lực công bố quyết định Cấu được đề bạt làm Viện phó và tuyên bố phân công Cù Văn Hòn phụ trách kho sách kiêm trưởng ban phòng cháy chữa cháy. Lực phân tích một cách rành rọt và dõng dạc:
"Đây nhà nhiệm vụ quan trọng số một hàng đầu của cơ quan học thuật. Sách là tinh hoa trí tuệ tinh hoa văn hóa tinh hoa văn hiến của ông cha của dân tộc. Sách là kiến thức tinh túy là tài sản tinh túy của tổ tiên để lại. Sách là biểu hiện sáng tạo kỳ diệu của nhân dân lao động. Có nhiều người bây giờ chỉ chú tâm vào điện tử chú tâm vàP ti vi chú tâm vào anh téc nét, coi thường văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một thứ văn hóa kỳ diệu nhất, tuyệt vời nhất của nhân loại. Cơ quan ta lại có nhiều sách quý nhất trong nước, sách cổ sách kim sách tây sách đông đều đủ cả. Sách là tài sản quý báu nhất của cơ quan ta. Do đó, tôi phân công anh Cù Văn Hòn gánh trọng trách này. Anh Cù Văn Hòn là người rất cẩn thận, rất chu đáo, rất tỉ mỉ, rất chi li, rất cần cù như mọi người biết. Trọng trách phụ trách kho sách và phòng cháy chữa cháy là rất phù hợp với anh Cù Văn Hòn…
Tiếp theo việc xốc lại tổ chức là thành lập "Trung tâm phát triển tài năng và trí tuệ" do Cấu làm giám đốc. Sau khi nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ do Quách Quyền Lực ký, việc đầu tiên Cấu phải làm ngay tắp lự là treo tấm biển. Như vậy là cổng cơ quan có bốn tấm biển: Hội Văn hiến quốc gia, Viện Văn hiến, báo Văn hiến nghìn năm, báo Văn hiến tương lai; và hôm nay thêm tấm biển thứ năm: Trung tâm phát triển tài năng và trí tuệ. Thật là xôm trò. Chen chúc các biển hiệu chẳng khác gì Hàng Ngang, Hàng Đào. Thỉnh thoảng Cấu lại dẫn vài ba cô gái non tơ mười chín đôi mươi vào vào ra ra phấp phới váy màu và vàng hoe tóc Hàn Quốc để chạy quảng cáo. Mỗi lần nhìn thấy mấy cô hãnh diện lên cầu thang, Chanh lại vừa vỗ tay vừa hát: "Một đàn bươm bướm xinh…!".
Để tiến hành lễ treo biển, Lực và Cấu đã rủ nhau đi gặp thầy cúng để xem ngày tốt; rồi dẫn thầy cúng đến tận cơ quan để thầy chọn vị trí gắnbiển và đánh dấu vào bức tường. Cấu làm đúng i xì như lời thầy dặn. Đích thân Cấu đứng trên chiếc ghế cao, cầm tấm biển xê lên xích xuống theo dấu vạch của thầy cúng…
Từ trong phòng, Chanh cầm cốc bia bước ra, đứng sau lưng Cấu và kéo gấu áo của Cấu. Cấu giật mình, quay lại:
- Đ. mẹ đứa nào vô văn hóa.
- Thưa thầy, em đây mà… Thưa Cậu Trời, em đây mà… Thầy làm vất vả, em đưa bia mời thầy uống.
- Đang bận! Không bia với bọt gì cả!
Cấu nổi cáu. Chanh xoa dịu bằng cách nói lảng sang chuyện khác:
- Cậu Trời ơi, sao hôm nay cậu có cái áo len đẹp thế?
- Con bồ của tao nó vừa mua tặng.
- Con bồ nào? Có phải con bồ hôm trước nó mua tặng cậu bộ complet?
- Tao bỏ con bồ ấy rồi. Áo len này của con bồ khác.
- Làm đàn ông như cậu sướng thật, bồ bịch xúm lại như ruồi. Khi nào Cậu Trời không thích dùng bồ nữa thì cậu đừng vứt, cậu cho em để em đựng phong bì.
Mấy cô gái khoái chí nghe Chanh đối đáp với Cấu. Đào thì tủm tỉm cười.
Bim… bim… bim… Việt Sồ dừng xe trước đám đông, ngẩng mặt đọc dòng chữ trên tấm biển mới gắn và đốp ngay:
- Lâu nay tên họ của mày là Hoàng Cấu, hôm nay lại dở chứng là Hoàng Triều Thanh Cấu?
- Hoàng Triều Thanh Cấu là bút danh của tao. Độc giả đã quen với bút danh này rồi.
- À. Tao hỏi mày, mày mua được cái bằng "Thuốc sâu" từ bao giờ?
- Trước kia tao là phó tiến sĩ, theo quy định của Nhà nước bây giờ là tiến sĩ.
- Thế này mua được cái bằng "phun thuốc sâu" từ bao giờ?
- Đ. mẹ… tao không trả lời những câu hỏi vô văn hóa…
Bim… bim… bim… Việt Sồ lại bóp eòi inh ỏi. Mọi người giãn ra. Việt Sồ dắt xe vào. Mọi người lại theo Việt Sồ vào, ngồi quây quần trong phòng khách. Chanh cầm một quả hồng đến trước mặt Việt Sồ:
- Em mời anh lộc của thánh, anh ăn quả hồng đỏ thắm này để anh gặp số đỏ chóng trở thành tiến sĩ như thầy em.
- Con bé này! Mày xỏ tao?
- Phận em giun dế em đâu dám xỏ các nhà văn hóa.
- Mày chúc tao trở thành tiến sĩ tức là tao bằng thằng Cấu à, ngang với thằng Cầu à, một duộc với thằng Cấu à…
Mọi người cười ồ lên. Việt Sồ lại thao thao:
- Thời buổi nhố nhăng, tiến sĩ nhiều hơn lợn con. Mà lão nào nghĩ ra hai cái từ "tiến sĩ khoa học" và "tiến sĩ" là thâm lắm. Một đằng là "tiến sĩ khoa học". Một đằng là "tiến sĩ" trơn tức là tiến sĩ phi khoa học… Ha, ha, ha… cái lão nào thâm thật…
Chanh bấm nút chuông. Cái chuông reo lên một hồi dài tiếng chim hót. Đây là loại chuông đặc biệt cả khu này không ai có, do người bạn của Cấu làm giám đốc doanh nghiệp mua từ nước ngoài. Trước khi người giám đốc đi công du xa xứ, Cấu dặn: "Tao không cần quà cáp cao sang gì cả. Tao chỉ cần cái chuông phát ra tiếng kêu êm ái dịu dàng. Chứ loại chuông Việt Nam sản xuất tiếng kêu như đấm vào tai, đang ngồi viết say mê mà nghe tiếng chuông đó có khác gì nghe chửi"… Nghe tiếng chuông vui vui, Chanh bấm lần thứ hai thứ ba liên tục.
Cô Thơm, người giúp việc, chạy ra mở cổng. Chợt thấy Chanh, cô Thơm cúi đầu chào rất lịch sự, rồi giơ tay phải có ý nói rằng "mời chị đi trước".
- Gớm? Em cứ làm như chị là khách quý phái từ trên trời xuống - Chanh vừa nói vừa cầm tay cô Thơm đi nhanh vào nhà - Em với chị cùng là hạng bình dân cả.
Trong khoảng mấy tháng nay, ngày nào Cấu cũng dặn tỉ mỉ cô Thơm các động tác tiếp khách. Lúc đầu Cấu bắt cô Thơm thực hành để Cấu uốn nắn: đầu không cúi thấp quá mà chỉ hơi cúi xuống một chút, rồi cánh tay phải hơi giơ cao một chút để mời khách vào nhà, sau khi khách vào nhà thì phải tuần từ làm những động tác khác… Y như tuồng chèo, Thơm xuýt bật ra tiếng cười, nhưng kịp đưa bàn tay bịt miệng lại.
Bây giờ thì Thơm đã quen rồi, bất kỳ khách thân khách sơ khách sang khách hèn Thơm đều dập khuôn tuần tự đủ mọi động tác mà Cấu đã dạy. Cô Chanh đã vào đây đến hàng chục lần, lần nào cũng được Thơm đón tiếp như vậy, khiến Chanh phì cười: Thuyền đua thì lái cũng đua…
Cô Thơm mở tủ lạnh lấy ra một loong Coca đặt trước mặt Chanh cùng với một đĩa sứ nhỏ trắng muốt đựng chiếc khăn bông gấp tư. Rồi đi lên tầng ba. Rồi quay xuống, đứng sau lưng Chanh, nói nhỏ cho Chanh vừa đủ nghe: "Bác ấy xin phiền lòng chị đợi cho mươi phút…".
Trong khi chờ đợi, Chanh giở xem những cuốn sách đã đặt sẵn trên bàn - chắc là Cấu cố ý đặt ở đó để khách xem giải trí trong lúc Cấu còn bận việc.
Đây là cuốn "Tiến sĩ Hoàng Triều Thanh Cấu - trước tác và dư luận". Sách cỡ 19x27, bìa cứng, dày 500 trang, giấy cu sê in toàn bộ thơ văn của Cấu, những bản nhạc phổ thơ Cấu - mỗi bản nhạc Cấu trả thù lao cho nhạc sĩ bảy triệu đồng, những bài phê bình tác phẩm của Cấu do các giáo sư văn học và các nhà phê bình nổi tiếng viết. Đặc biệt trong cuốn sách có in hơn một trăm tấm ảnh: ảnh Cấu chụp chung với các nhà lãnh đạo cao cấp, với các vị giáo sư với các nhà văn hóa tên tuổi, có cả những tấm ảnh uống bia với khách nước ngoài với bạn bè và cả những tấm ảnh đang tắm biển với vợ… Đầu cuốn sách, in lời giới thiệu của giáo sư tiến sĩ Trần Thanh Đường: "… Hoàng Triều Thanh Cấu không phải viết những dòng chữ bằng mực mà bằng máu của mình, bằng gan ruột của mình…"
Đây là tuyển tập thơ của một thi sĩ bộ trưởng với lời đề tặng: "Thân quý tặng nhà văn nhà thơ tiến sĩ Hoàng Triều Thanh Cấu với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ của tôi".
Đây là cuốn tiểu luận "Ra sức xây dựng một nền văn hóa văn nghệ cường tráng của tỉnh nhà" của bí thư tỉnh uỷ tỉnh X. tặng riêng Cấu.
Dưới hai dòng đề tặng của hai cuốn sách đều ghi: "Chúc Hoàng Triều Thanh Cấu chóng bình phục sức khỏe. Bệnh viện Hữu Nghị ngày… tháng… năm…".
Chả là cách đây một tháng, Cấu bị cảm sốt phải nằm bệnh viện gần một tuần. Khách vào thăm tấp nập. Có hai lần Cấu báo cho bác sĩ biết: hai vị lãnh đạo cấp cao cỡ trung ương đến thăm. Bệnh viện bố trí cho Cấu tiếp tại một phòng riêng tương đối sang trọng. Ông thi sĩ bộ trưởng vừa đi công tác về nghe tin Cấu ốm, liền cùng vợ phóng ô tô vào thăm.
Ông bí thư tỉnh uỷ quê hương của Cấu nhận được tin, bèn cùng vợ phóng ô tô vượt hơn hai trăm cây số ra Hà Nội thăm. Tiếng tăm của Cấu lại một lần nữa lừng danh trong cả bệnh viện, khiến các thầy thuốc phải nể trọng và chăm sóc chu đáo hơn…
Xem lướt qua mấy cuốn sách, Chanh đưa mắt nhìn quanh phòng. Mỗi lần đến, Chanh lại thấy một vật trang trí mới - toàn là văn hóa phẩm. Một bức tranh cô gái khỏa thân. Một pho tượng đồng cao chừng hai mươi xăng ti mét: cô gái Thái Lan ưỡn ngực với hai bầu vú vạm vỡ và sáng ánh. Một tấm ảnh phóng to: cô nữ sinh ngồi trên đầu con rùa đội bia ở Văn Miếu. Một nắp thạp đồng Đào Thịnh phiên bản nhỏ bằng nắm tay trẻ sơ sinh: hình trai gái giao hoan. Tượng thạch cao bán thân có khắc dòng chữ "nhà văn hóa Hoàng Triều Thanh Cấu"… Chanh là người được chứng kiến sự đổi mới thường xuyên này: chừng nửa tháng Cấu lại sai Chanh đi mua sách và đem về tận nhà Cấu với lý do là Cấu phải có đầy đủ những cuốn sách quan trọng tại nhà mình để dễ dàng làm việc. Hôm nay Chanh mang vào cuốn "Những nền văn minh thế giới", lại thấy một cái mới: ở giữa bức tường treo tấm sơn mài đỏ sẫm viết chữ "Tâm" vàng ánh…
Toàn bộ bức tường bên trái là tủ sách rộng gần mười lăm mét vuông. Cấu đã gọi thợ vào tận nhà mình đóng cái tủ này, có cánh cửa bằng kính. Bên cạnh tủ có tấm biển nhỏ sơn xanh viết dòng chữ bằng sơn trắng: "Sách đang tra cứu, không cho ai mượn". Trong tủ, xếp ngay ngắn những cuốn sách bìa cứng dày cộp: Mác - Ăng ghen toàn tập, Lê nin toàn tập, Hồ Chí Minh toàn tập, Từ điển bách khoa Liên Xô, Từ điển bách khoa Việt Nam… Chanh lướt nhìn tủ sách rồi bĩu môi: Tủ sách mà lại để ở phòng khách, một kiểu phô trương lố bịch!
- Mày mang sách vào cho tao à? Tốt lắm!
Chanh ngoái đầu lại:
- Em chào thầy ạ. Vì thầy dặn em là phải đưa sách tận tay thầy, không được gửi qua tay ai, nên em phải ngồi đợi thầy… Thầy ơi, phòng làm việc của thầy chắc là chật lắm, không có nơi để sách, phải để tất tần tật sách ở phòng khách.
- Ừ phòng làm việc của tao chỉ có mười hai mét vuông.
- Thế mỗi lần cần tra cứu gì thầy phải đi từ tầng ba xuống tầng một, tội nghiệp thầy quá. Sao thầy không nói cơ quan làm cho thầy một cái phòng rộng hơn?
- Tao có thừa tiêu chuẩn được làm một phòng rộng, nhưng tao thấy cơ quan còn khó khăn, thu nhập của anh em đang thấp, tao phải chịu khó đi lên đi xuống.
- Tội nghiệp thầy quá, vì thương anh em mà thầy phải chịu khổ…
Chanh chỉ tay lên tấm biển có chữ "tâm":
- Thầy ơi, bức tranh này là bức tranh gì?
- Không phải bức tranh mà là chữ "tâm".
- Chữ "tâm" là gì hở thầy?
- "Tâm" là ăn ở cho có tình có nghĩa có đức.
- Thầy làm chữ "tâm" đẹp thế này, chắc tốn tiền lắm thầy nhỉ?
- Vài ba triệu gì đó. Thằng bạn tao nó tặng, nó mang đến tận nhà, nó thuê thợ gắn vào tường.
- Thầy có nhiều người bạn tốt thầy nhỉ. Chẳng mấy ai có nhiều bạn tốt như thầy.
- Trong nhà mày cũng nên treo một chữ "tâm".
- Gớm… em cứ nói thật… Nhà thầy là có nhiều mầu, được nhiều người quý, "thớt có tanh tao ruồi mới đỗ"… Chứ nhà em ấy ạ… "gang không mật mỡ kiến bò chi"… Hay thật thầy nhỉ? Hai câu thơ hay thật. Hai câu thơ của ông nào, thầy? Ông nào, thầy? Ông nào mà viết hay thế?
- Ông Nguyễn Du, nhà thơ lớn nhất nước ta, tác giả Truyện Kiều bất hủ. Phải có cái "tâm" lớn lắm, ông Nguyễn Du mới viết được hai câu thơ đau đời như thế…