Phần IV (4)

    
a đến sân sau bác Tám mới đứng lại, chống nạnh lên, chậm rãi hỏi Tư Cầu:
- Chắc bây giờ chú Tư nó vừa lòng lắm hén?
Tư Cầu cúi đầu làm thinh và lấy tay phủi phủi một sợi tóc quăn còn đeo dính trên chỗ gần nách áo.
Bác Tám thở phào ra một hơi dài rồi ra giọng chua chát nói thêm:
- Đó chú thấy không, qua đã nói đâu thì có đó vậy mà bữa hổm hễ qua động tới là chú em cự nự thiếu điều vuốt mặt không kịp?
Thấy bác Tám cự nự riết tới, Tư Cầu cũng bắt bực mình và nói sẵng lại:
- Bộ tại tui sao mà bác cằn nhằn hoài vậy!
Bác Tám không nhịn được cười:
- Hổng có chú em vô đó thì làm sao sanh chuyện được! Mà thôi, tai qua nạn khỏi rồi qua cũng mừng, thiệt hú hồn hú vía...
Tư Cầu cũng cười theo, rồi hỏi lại bác Tám:
- Bác canh chừng làm sao để cho thằng hai nó vô tới bên đít mà hổng biết gì hết ráo vậy?
Bác Tám trợn mắt:
- Cha, nói coi sướng không! Ở ngoài này qua lo thấy mụ nội chớ bộ như chú em sao! Tại thằng hai nó dìa bất tử, mà nó lại để xe đậu bên phía văn phòng và cuốc bộ đi êm ru ở phía ngã sau mới thắt họng mình chớ! Trong lúc đó thì qua cứ ngó lom lom về phía cổng đằng trước!
Tư Cầu hỏi tới:
- Hèn chi... nhưng rồi bác làm sao chận nó lại? Hồi bác giựt giựt cánh cửa đó cho đến chừng tui ló ra cũng lâu ớn mà?
Bác Tám mỉm cười:
- Mà cha làm cái gì ở trỏng mà... chậm lụt quá vậy! Nghe động là phải vọt ra liền chớ chú em! May mà qua trông thấy có con sóc ở trong lồng nên qua thả mẹ nó ra để...”dục huỡn, cầu mưu” chớ hông chết nhăn răng cả đám rồi!
Tư Cầu cảm động nắm lấy tay bác:
- Thiệt tui cám ơn bác hết sức! Nếu hổng có bác thì không biết giờ phút này tui và con Ba ra thế nào!
- Thôi chút đỉnh mà chú em, với lại bà hai bả cũng cám ơn qua năm bảy cái rồi! Qua nói đây không phải để khoe, chớ mấy người ỷ y có thằng già này ở ngoài quá mà! Còn bà hai nữa, vậy mà bả nói là tới trưa ông hai mới dìa! (rồi bác có dáng suy nghĩ nói tiếng) Thiệt qua phục mấy người là giỏi, chớ qua mà... hồi hộp như vậy, qua hổng.... mần ăn được gì ráo!
Tư Cầu cười xòa xô nhẹ vai bác:
- Thôi đi bác! Bác mà lâm vào cảnh như tui thì cũng... mê mê ra vậy chớ hơn gì! Tới chừng đó rồi mình sao... hết biết trời đất gì nữa hết!
Bác Tám làm mặt ngiêm:
- Kỳ tới gặp cảnh như vậy chú em làm ơn làm phước “biết” có thằng này giùm qua một chút, chỉ xin chú em một chút xíu đó thôi.
° ° ° ° °
... Một buổi sáng nọ, trong lúc bác Tám và Tư Cầu cùng một số anh em khác nữa ra tới sân nhà viên quan hai để làm “lao động” như mọi khi, thì thấy có một chiếc xe mười bánh chực sẵn ở đó với mấy người lính tây và một viên thông ngôn.
Viên thông ngôn ngoắc tốp người lao động lại:
- Anh em ơi, bữa nay anh em theo tôi đi chợ chơi!
Một người trong bọn tù mừng rỡ hỏi lại:
- Đi chợ chơi thiệt sao sếp?
Viên thông ngôn cười đáp:
- Thiệt mà! Hôm nay anh em đi mua một mớ cây ván với tôi để về sửa lại mấy chỗ hư mục trong các trại. Thôi, leo lên xe mau mau đi mấy cha nội!... Và tuy mọi người đều dư biết là lên xe để chạy vù lại chỗ mua cây ván rồi về luôn, nhưng ai nấy đều có vẻ chộn rộn vì được dịp đi ra “ngoài đời”, được dịp tránh khỏi nhìn trong giây lát cái cảnh quá nhàm của một chỗ ở mà ai cũng đều ngán như cơm nếp, nhứt là một chỗ ở mà họ không biết đến bao giờ mới rời khỏi được.
Chiếc xe quẹo ra đường cái chạy thẳng về phía Sài Gòn, và khi xe vượt qua một cái chợ buôn bán tấp nập, Tư Cầu có vẻ bực bội khi nhìn thấy dọc theo hai bên lề đường thiên hạ ai ai cũng đều có vẻ “bình yên vô sự”, có vẻ bằng lòng với cuộc sống lắm.
Những tiếng cười giòn tan của mấy chị đàn bà xách giỏ đi chợ vang thoáng qua tai Tư Cầu làm cho anh ta nhăn mặt, anh ta day qua cằn nhằn với bác Tám:
- Hổng biết họ vui sướng cái gì mà sao ra ngoài này tui thấy mặt nào mặt nấy cũng... tươi rói hết vậy bác?
Bác Tám thở ra:
- Coi, mình ở tù chớ bộ họ ở tù sao mà chú bắt ai cũng phải mặt ủ mày ê hết! Ở ngoài đời người ta vẫn sống như thường, thì cũng y như chú hồi còn ở vườn...
Tư Cầu vẫn càu nhàu:
- Nhưng họ làm như không thấy rằng có chiếc xe của tụi mình đi qua, và trong xe ấy có những thằng tù tội. Biết đâu một ngày nào đó đến phiên chồng họ, anh họ, cha họ cũng bị kẹt ngồi cú rũ trong xe như tụi mình. Thời buổi súng đạn này... nhấp nháy mấy hồi đó bác? Thì bác coi, trước đây có khi nào tụi mình nghĩ rằng có phen mình lọt vô tù đâu? Vậy mà cũng lọt tuốt luốt đó bác!
Bác Tám không mấy thích nghe những chuyện rắc rối đó nên bác xì một tiếng:
- Ối thôi, dẹp mấy thứ chuyện đó qua một bên đi chú Tư! (rồi bác chắc lưỡi hít hà níu vai Tư Cầu chỉ về một đám phụ nữ áo xanh áo tím ríu rít níu tay nhau chạy băng qua đường trước đầu xe) Ý chà chà, hằng hà sa số kìa chú Tư ơi! Nhờ mấy dịp này mà tụi mình đi “rửa” con mắt cho sướng chớ tội gì mà lẩm bẩm lầm bầm cho nó mệt thêm nữa!... Qua khỏi Chợ Quán, chiếc xe quẹo vô đường đi lên cầu chữ Y và đậu lại trước một cửa tiệm hai căn, bán cây ván và đồ sắt khá lớn.
Viên thông ngôn nhảy xống xe và hối liền:
- Thôi tới chỗ rồi, anh em xuống mỗi người một tay chất rút ba cái cây ván này lên xe rồi mình về cho sớm!
Trong lúc ấy, mấy người lính Tây cầm súng đứng bao quanh đó để canh chừng đám tù nhơn.... Bác Tám kề tai nói nhỏ với Tư Cầu:
- Thiệt mới có tới nơi là nó hối đi dìa liền! Vậy mà hồi lên xe còn làm bộ nói cho anh em đi chợ chơi chớ!
Tư Cầu mỉm cười đáp:
- Thì người ta phải nói như vậy cho nó... bùi tai một chút! Thôi ráp vô khiêng cây cho rồi đi cha nội! Tự nãy giờ giữa hai tụi mình, chỉ có bác là gỡ gạc nhiều nhứt!
- Gỡ gạc cái gì chú Tư?
- Thì hôm nay Tây nó đãi bác một bữa “rửa con mắt” no nê rồi còn gì nữa! Tui nghe bác chắc lưỡi hít hà liên hồi mỗi khi có bóng áo xanh áo đỏ xẹt qua, bộ hổng có vậy sao? Hay là bác còn đòi Tây nó chở đi một tua chợ Bến Thành nữa để ngắm nghía mấy cô mấy bà mặc đồ mốt!
Bác Tám xô mạnh Tư Cầu chúi tới:
- Thôi đi chú! Qua có chắc lưỡi hít hà để chỉ chỏ mấy cô cho chú em thưởng thức chơi chớ qua mà ăn thua gì!
Mấy anh em khác, mỗi người một câu, nói chuyện ồn ào trước cửa tiệm làm cho viên thông ngôn phải hối thúc thêm một lần nữa:
- Mau lên chớ mấy cha nội! Mấy cha làm cái gì mà như họp chợ vậy! Đây nè, chỉ có hai đống cây ván chất bên này thôi... anh em quăng bỏ hết lên xe rồi mình về!
Có người lên tiếng hỏi ông sếp:
- Sếp ơi sếp, hai đống cây tổ chảng như vầy một chuyến xe làm gì cho hết hả sếp!
Viên thông ngôn ngắm nghía số cây ván rồi nói:
- Một chuyến chưa hết thì hai chuyến. Anh em sao lo quá! Mà mau lên chớ mấy cha cà rịch cà tang đứng đó... ăn trầu hút thuốc hoài sao!
Bác Tám vọt miệng nói chen vào:
- Sếp ơi, năm khi mười họa mới được ra ngoài đời một lần, sếp cũng làm phước huỡn đãi cho tụi này một chút... Bề gì thì nội buổi sáng này anh em cũng rinh hết hai đống cây ván này dìa trỏng... Và bữa nay cũng hên quá: từ sếp cho đến mấy ông Tây theo canh gác, ông nào ông nấy cũng dễ dãi, cũng... nới nới cho anh em tụi tui hết!
Viên thông ngôn đành bọc xuôi theo:
- Thì ai có muốn làm khó làm dễ gì anh em đâu! Nhưng anh em cũng liệu... cựa quậy một chút chớ mình bê bối quá, tây tà nó cũng... khi dễ!
Một vài tiếng cười vang lên làm viên thông ngôn hơi sượng mặt nên ông ta vội rảo bước về phía viên đội Tây đang ngồi một cách uể oải trên một chồng cây ván gần đó.... Trong lúc anh em can phạm đang hì hục khiêng cây ván chất lên xe thì có một đứa bé trai ăn mặc xinh xắn lẫm đẫm bước lại. Có lẽ nó thấy đám người rộn rịp nên tò mò đi bê bê tới xem.
Một người trong bọn thấy đứa bé ngộ nghĩnh nên tươi cười ngoắc nó lại:
- Ê tụi, lại đây chơi cho vui!
Thằng bé không nhát với người lạ chút nào mà còn bươn bả tới, vừa lúc ấy có tiếng một chị vú kêu nheo nhéo ở phía sau:
- Bé Hai! Bé Hai! Mầy xớ rớ lại đó, cây ván rớt dập chưn dập cẳng mầy chết nghe hông!
Bác Tám đang cùng khiêng với Tư Cầu một cây đà dài cũng đứng rị lại nói chen vô nửa bỡn nửa thật:
- Coi, chỉ để nó lại chơi với tụi này một chút hổng được sao! Bộ chị nghe người ta thường nói “thứ dơ như tù” hay “đồ cho tù...” rồi chị lầm tưởng rằng tụi này cũng ẹ lắm hả? Thời buổi bây giờ thứ này có giá lắm nghe chị!
Nghe bác Tám nói như thế, cả bọn cười rộ lên làm cho chị vú sượng trân đứng xa xa ra đó để trông chừng đứa bé.
Bác Tám có vẻ hả hê quay sang nói với Tư Cầu:
- Ê chú Tư, chú coi thằng nhỏ này dễ thương quá há! (rồi giọng bác bỗng trở nên buồn buồn) Hồi qua bị bắt thằng út của qua ở dưới nhà cũng cỡ đó, nhưng bây giờ chắc nó lớn xộn rồi...
Tư Cầu lôi cây đà đi tới:
- Thôi đem bỏ khúc cây này lên xe cho rồi, chớ cứ đứng ì đây chịu trận hoài sao bác!
Bác Tám buộc lòng phải cất bước nhưng vẫn ngó ngoái lại đứa nhỏ và trách Tư Cầu:
- Chú em chưa có con cái gì hết mà sao thấy con nít không ham vậy cà! Còn bây giờ qua thấy đứa nhỏ nào qua cũng bắt nhớ bầy trẻ ở dưới nhà quá đỗi!
Tư Cầu cười khan:
- May mà tui không ngơ, chớ nếu đeo thêm con cái vô nữa, rồi lâm vào cảnh này thì mới lãnh đủ đa!
- Cái gì cũng có sướng có khổ chớ chú em cứ nằng nặc đòi sướng không thì... ở cõi trần này đâu có! (rồi bác chép miệng than) Cha, qua đi vắng đây ở nhà má bầy trẻ mắc lu bu lo chạy gạo, hổng biết có ai chăm nom gì tới thằng út không! Chắc là thả nó đi bắt cua bắt còng suốt ngày chớ gì!
Tư Cầu cười nói:
- Đọ, bác thấy không: có con có cái là như vậy đó, còn tui thì khỏe ru!
Vừa khi đó có tiếng xe xích lô thắng ken két ngoài lộ trước cửa tiệm, gần chỗ chiếc quân xa đậu. Cả bác Tám lẫn Tư Cầu đều ngẩng đầu nhìn ra...
Tư Cầu bỗng đứng khựng lại nhìn trân trân người đàn bà vừa ở trên xe xích lô bước xuống, rồi quay lưng về phía anh ta trong lúc móc bóp trả tiền cuốc xe.
Bác Tám thúc cây đà đi tới để buộc Tư Cầu cất bước:
- Thôi đi tới chớ chú! Hồi nãy qua nghe chú chê qua rậm rề rậm rật về cái vụ ngó liếc đó mà!
Tư Cầu vẫn ghìm đứng lại một chỗ và lẩm bẩm:
- Ủa lạ quá, sao tui trông ngờ ngợ...
Bác Tám quắc mắt hỏi liền:
- Gì nữa đó cha nội?
Viên thông ngôn đang rảo bước tới và mỉm cười đáp:
- Dạ phải đa bà chủ! Chắc bận này bà chủ có dư dả thời giờ để trò chuyện... thả cửa chớ gì!
Phấn liếc xéo Tư Cầu rồi hạ giọng thì thầm riêng với anh ta:
- Nói chuyện khỉ gì đâu! Cứ lo... cãi lộn không hà!
Rồi thấy viên thông ngôn đã đến nơi nó bèn quay sang nói liền:
- Sếp nói như vậy chớ tôi cũng chưa chuyện trò gì được nhiều lắm với anh Tư đây. Chắc sếp dư rõ, bà con thân thuộc lâu ngày gặp mặt nhau nên cứ hỏi thăm lung tung lên mà chẳng câu nào ăn nhằm vào câu nào hết!
Viên thông ngôn cười giả lả:
- Ối, bà chủ đừng có lo gì hết, thiếu gì dịp khác nữa! Để tôi về là lo liền chuyện thăm nuôi anh Tư đây cho bà chủ.
Phấn vội nói thêm:
- Cám ơn sếp nhiều lắm. Thế nào rồi đây tôi cũng sẽ nhờ sếp giúp cho một vài chuyện cần nữa.
Viên thông ngôn mau mắn đáp:
- Ơn với huệ gì, tôi bao giờ cũng sẵn lòng mà! Nè bà chủ, xe cũng sắp chạy rồi, bà chủ có gởi cho anh Tư đây món gì thì bà chủ liệu mà trao cho ảnh đi.
Phấn vội chạy vụt vô trong nhà xách ra ba bọc giấy đem tới đưa cho Tư Cầu.
Tư Cầu thấy mấy gói đồ to lớn quá quên phải kêu lên:
- Trời đất ơi, em cho anh cái gì mà lùm đùm lề đề dữ vậy? (kế thấy viên thông ngôn ngóng cổ nhìn vô mấy gói đồ, nên nó vội nói) Mà em phải trình cho ông sếp đây xét qua rồi anh mới lãnh được.
Phấn bèn đặt mấy gói đồ xuống đất và mở phanh ra:
- Đây sếp, chút đỉnh bánh trái chớ có gì khác đâu sếp!
Viên thông ngôn vội lấy tay ấn mép miệng túi giấy xuống và nói gạt ngang:
- Khỏi mà bà chủ! Với ai thì tôi không tin chứ với bà chủ... tôi nhắm mắt lại bây giờ cũng được! (đoạn ông ta quay sang Tư Cầu) Thôi cầm lên rồi ra xe anh Tư!
Tư Cầu nhìn qua Phấn:
- Thôi để anh một gói thôi, chớ nhiều quá...
Viên thông ngôn xách hai gói còn lại nhét luôn vô tay Tư Cầu:
- Cầm luôn đi cha nội! Mấy thứ này, ở trỏng đâu có sợ dư mà lo!
Rồi ông ta xô nhẹ Tư Cầu đi ra xe.
Phấn lật đật bước theo căn dặn thêm Tư Cầu:
- Vô trỏng nếu anh cần cái gì, anh nhắn ông sếp đây nói cho em biết nghe anh!
Tư Cầu ngó ngoái lại và lên tiếng bảo Phấn:
- Thôi em đi vô đi, chớ ra ngoài xe anh em đông lắm... Ờ mà quên nữa, lát nữa chú Ba có dìa em nhớ nói anh có gởi lời thăm chú nghen! (rồi không biết nghĩ sao anh ta ngập ngừng nói thêm) Hay là thôi... em khỏi nói với chú cũng được... có lẽ mình nên giấu nhẹm luôn thì tốt đó em! Nhà cửa của em đang vui vẻ như vầy, khi không anh chọt vô nữa cho nó sanh phiền phức thêm... anh hổng muốn... Phận anh, bề gì cũng lỡ kẹt... thì thôi để nó... yên như vậy cho rồi.
Phấn có vẻ cảm động khi nghe Tư Cầu nói dài dòng như vậy, nhưng cô ta làm ra bộ cứng cỏi cự nự lại:
- Em nói hổng có sao mà! Anh Ba ảnh là người biết điều chớ không phải như thiên hạ thường tình đâu!... Chiếc xe rồ máy om sòm.
Tư Cầu gượng cười nhìn lại Phấn, rồi hấp tấp chuyển mấy gói đồ lên trước để rảnh tay níu trèo lên xe.
Viên thông ngôn bước tới nghiêng đầu chào Phấn, rồi cất tiếng cho tài xế biết rằng mọi người đã lên xe đông đủ.
Chiếc xe từ từ chuyển bánh...
Tư Cầu cúi gầm mặt xuống chớ không dám nhìn ngoái lại về phía Phấn đứng nữa, vì tự nhiên anh ta thấy bồi hồi lạ kỳ. Trong lúc gặp mặt lại, hai người không bỏ lỡ dịp để... cắn đắn nhau, nhưng khi xe chạy rồi, Tư Cầu bỗng đâm ra nhớ nhung người cũ một cách gần như là đau xót mặc dầu đây chỉ là một cuộc tạm biệt... đầy hứa hẹn.
° ° ° ° °
... Tư Cầu và bác Tám đang lom khom cuốc đất ở phía sau nhà viên quan hai để trồng một líp cải làm “của riêng” cho có thêm rau ăn, thì thấy con Ba ở nhà trên bước uống. Con Ba ngừng lại và đứng dựa lưng vào cây cột của hai mái nhà cầu nối liền biệt thự ở phía trên và dãy nhà bồi bếp.
Mỗi khi thấy con Ba chàng ràng ở gần một bên mình, Tư Cầu đâm ra ngán trân nhứt là từ bữa anh ta theo xe đi chở cây rồi tình cờ gặp lại Phấn. Vì vậy anh ta làm như không hay biết gì hết và cứ cúi gầm mặt xuống cuốc đất tơi bời.
Bác Tám cũng làm ra vẻ thản nhiên nhưng rồi bác lại thì thầm bên tai anh ta:
- Ê chú, bà ra kia kìa!
Tư Cầu không ngừng tay cuốc:
- Ra thì thây kệ người ta, mọi khi bác cản tui dữ lắm mà!
- Ậy, qua cản là cản cái chuyện quá lố, chớ còn bình thường mình cũng phải đon đả chào hỏi, vì dầu sao bả cũng là người tốt đối với anh em trong căng đi làm cỏ-vê trên này. Thiệt đằng nào chú em mầy cũng đi quá lố hết: đi tới thì đi lút ga, còn sụt lùi thì... tuột thắng luôn...
Tư Cầu chưa kịp trả lời lại thì đã nghe con Ba cất tiếng kêu:
- Anh Tư ơi, anh bỏ đó lại đây hỏi thăm cái này chút coi!
Bác Tám nhìn anh ta mỉm cười:
- Đọ, cho chú em mầy trốn! Đi lợi đẳng đi cha nội!
Tư Cầu chẳng nói chẳng rằng ráng cuốc thêm một vài cái nữa, rồi dình dàng xách cây cuốc đem dựng ở góc nhà bếp, đoạn vừa rút khăn tắm dắt gần đó lau mặt, vừa thủng thỉnh đi lại phía con Ba. Đến nơi, anh ta đứng chình ình ra đó chớ không hỏi han nói năng gì hết. Con Ba thì vẫn dựa ngửa dựa nghiêng trên thân cột vừa nheo mắt nhìn anh ta vừa cười mủm mỉm. Một hồi lâu sau, cô ta đứng rột ngay lại, một tay chống nạnh một tay chỏi vào cột nhà:
- Cha, có chuyện vui mà giấu biệt hổng cho người ta biết tới hén!
Tư Cầu lẩm bẩm trong miệng:
- Có cái gì đâu mà vui hay hổng vui...
Con Ba lên giọng chanh chua để chận ngang:
- Thiệt anh giỏi quá trời, mới xẹt ra khỏi chỗ này một chút là có chuyện rồi!
- Chuyện gì... làm ơn nói ra thử coi?
Con Ba cười mũi:
- Xí, bộ anh nói người ta hổng biết hả! Anh đi theo mấy chuyến xe chở cây rồi gặp con mẹ nào đó hả?
Tư Cầu bắt đầu mất bình tĩnh:
- Ai học cho em biết đó? Mà người ta là người... bà con quen của anh chứ bộ ai sao mà em kêu con mẹ này con mẹ kia.
Con Ba cười lớn:
- Cha chưa gì mà binh rồi hén! (rồi cô ta hạ thấp giọng xuống thân mật hỏi thêm) Mà ai vậy anh?
Tư Cầu ấp úng đáp:
-... Đó là người ớ một “xứ” với anh, bây giờ người ta... có chồng buôn bán tiệm cây ở trên này nên tình cờ đi lại đó chở ván anh gặp...
- Mà người ta có bà con thân thích gì với anh hông, chớ sao em coi bộ lo lắng cho anh quá cỡ vậy?
Tư Cầu ngạc nhiên hỏi liền:
- Sao em biết rành quá vậy?
Con Ba mỉm cười đáp:
- Vậy mới tài! Nhưng thôi, để em nói thiệt cho mà nghe: con mẹ đó có nhờ thầy thông ngôn tìm gặp em để xin em nói vô với ông hai về việc thăm nuôi đặc biệt cho anh.
Tư Cầu thở ra:
- Hèn chi mà em biết hết!
Bỗng con Ba quay phắt lại nhìn đăm đăm vào mặt anh ta và nghiêm giọng hỏi gọn lỏn:
- Ai đó vậy anh?
Câu hỏi bất ngờ làm cho Tư Cầu đâm ra lúng túng:
- Thì hồi nãy anh đã nói... người ta là... bà con quen ở cùng xứ sở, người ta thấy anh bị nạn như vầy nên có lòng hỏi thăm và giúp đỡ...
- Hứ, bộ không có em lo cho anh ở trong này sao? Em có để cho anh đói khát hay rách rưới đau ốm gì sao mà anh phải làm phiền tới người ngoài như vậy chớ?
Tư Cầu nhăn nhó đáp:
- Anh có nhờ nhỏi gì người ta đâu! Đó là họ... có lòng tốt với mình, và ý là anh đã có căn dặn là khỏi phải vô thăm hỏi trong này làm gì cho mất công...
Con Ba cười gằn:
- Sợ đổ bể hén!
Tư Cầu bực mình hỏi sẵng lại:
- Cái gì mà đổ bể?
Con Ba trề môi rồi hỏi trớ đi câu khác:
- Chớ em hỏi anh: bộ con mẻ ở không lắm sao mà lại cứ đeo riết thầy thông ngôn để cậy thẩy lo giùm cái chuyện thăm nuôi cho anh? Nếu con mẻ... quen sơ sơ ở dưới vườn thì đâu có lẽ con mẻ lại “mặn” với anh như vậy.
Tư Cầu gạt ngang:
- Bậy nà, người ta nói là... bà con thân mà...
Con Ba liếc xéo anh ta:
- Ừ phải, thiếu chút xíu là bà con gần sát rạt phải không anh?
Tư Cầu tìm cách hỏi lảng ra:
- Em có hỏi gì nữa hông để anh còn ra cuốc đất phụ với bác Tám? Em đừng quên anh đây cũng thân tù tội như người ta, chớ bộ là ông nội họ sao mà ra đây cứ đứng cà nhỏng nói chuyện hoài.
- Cha, em coi bộ bây giờ anh hết cần ai hết hén! Được rồi, nếu anh không chịu nói thiệt thì em có thiếu gì cách làm cho con mẹ chủ tiệm cây khỏi có ngó tới anh được nữa!
Tư Cầu hốt hoảng hỏi liền:
- Trời ơi, còn tính chuyện gì nữa đó bà nội?
Con Ba cười một cách đắc chí:
- Chuyện gì để nữa rồi anh sẽ biết!
Tư Cầu bực mình cự nự:
- Thiệt có mấy bà vô thì rắc rối tổ mẹ! Người ta ở tù yên thân rồi mà nay người này xía vô, mốt người nọ thọt ra...
Con Bà nhìn anh ta cười:
- Ai biểu anh giấu hoài, anh làm như con này ngu lắm vậy? Bây giờ anh có chịu khai ra hết hông nè?
- Thì nếu em đã biết rồi em còn hỏi nữa làm chi...
- Hỏi cho biết bụng dạ của anh ra sao vậy mà!
Tư Cầu thở dài sườn sượt:
- Thì em nghĩ coi: người ta cũng có lòng lo cho mình... bây giờ hổng lẽ mình... chửi mắng người ta lại được sao!
- Cha, già hàm lẻo mép há! Mà bây giờ không nói on đơ gì hết, em hỏi thiệt anh có phải con mẻ là người đã cho anh leo cây thoa mỡ bò đó không?
Tư Cầu ấp úng đáp:
- Thì... em đã biết hết rồi... (rồi anh ta ngây ngô hỏi lại) Nhưng sao chuyện gì em cũng rành hết vậy?
- Hổng rành để mấy người tính qua mặt người ta hả? Chắc anh tưởng chuyện đó kín lắm chắc?
- Chắc thầy thông ngôn thẩy học lại cho em biết chớ gì?
- Mốc xì họ! Thẩy mà biết cái gì, nhưng thẩy mới nói mí mí là em đoán ra liền: người quen cùng xứ với anh mà lại có chồng khách-trú bên tiệm cây trên này, thì ai vô đó nữa! Anh quên rằng hồi anh mới lên Nam Vang anh đã mếu máo kể chuyện đó cho em nghe sao.
Tư Cầu xẻn lẻn nói gạt ngang:
- Bậy nà! Ai mà như vậy hổng biết!
Con Ba nghiêm mặt hỏi:
- Bây giờ anh tính sao đây?
- Thì tính gì nữa! Cái đó tùy em, mà theo anh nghĩ: chắc em hổng hẹp hòi gì với người ta... bề gì anh cũng mắc kẹt trong này chớ có ra luông tuồn ở ngoài tiệm cây được đâu.
Con Ba mỉm cười lấy ngón tay xỉa phớt qua trán Tư Cầu:
- Cha, ăn nói khéo quá há! Nhưng nếu không có mấy lớp rào dây kẽm gai, và không có ba cây súng chong trên mấy cái lô-cốt kia thì... bà nội ai bây giờ cản cũng hổng nổi anh!
Tư Cầu thấm ý cười trừ.
Con Ba lại hỏi tiếp:
- Nhưng anh có nói với người ta em là ai không?
- Em là bà quan hai chớ là ai nữa!
Con Ba giậm chân chắc lưỡi:
- Xí, lãng òm! Em muốn biết coi bà chủ tiệm đó có rõ em với anh là... là chỗ quen thuộc cũ hông? Anh có nói cho bả biết hông?
- Anh nói sơ sơ vậy thôi, nhưng có lẽ người ta cũng đoán ra được. Cái gì thì không biết chớ mấy chuyện đó có trời mà giấu được mấy bà!
Con Ba gật gù:
- Nếu anh hiểu được như vậy thì tốt lắm! Nhưng em còn để coi bả vô đây bả ăn nói thể nào, nếu biết điều thì em sẵn lòng giúp, bằng không... em cấm tiệt luôn!
Tư Cầu than thở:
- Mấy bà mà xâu xé nhau thì chỉ khổ cho thằng này thôi. Sao mấy bà hổng hè nhau, mỗi người một tay, như vậy có phải đỡ hơn không!
Con Ba cười rộ lên:
- Anh nói khôn quá tổ mẹ người ta! Đằng nào, anh cũng hưởng đủ hết hén!
Tư Cầu chỉ biết đứng đó cười trừ.
Thấy vậy con Ba lên tiếng bảo anh ta:
- Thôi đi ra ngoải đi, để rồi em liệu coi con mẻ với em đây ai giỏi hơn ai thì biết.
Tư Cầu dùng dằng chưa chịu đi và xuống giọng năn nỉ:
- Chắc em vui miệng nói chơi như vậy chớ... hổng sao phải hông em! Bề gì người ta cũng là gái có chồng.
Con Ba cắt ngang:
- Chớ bộ em hổng có hả?
- Có nhưng mà... có khác... (rồi sợ con Ba kiếm chuyện lôi thôi nữa, anh ta vội rảo bước đi vô phía bác Tám và ngoái lại nói với) Thôi, anh đi mần công việc nghen!
Con Ba mỉm cười lắc đầu nhìn theo Tư Cầu, một cái nhìn vừa trìu mến, vừa độ lượng...
° ° ° ° °
Thầy thông ngôn ở trong biệt thự viên quan hai chạy ra ngoắc Phấn:
- Mời bà chủ vô, bà quan hai đã xuống đợi bà chủ trong sa-lông rồi.
Phấn vội ôm hai gói to đựng trái cây lên và hất hàm chỉ về phía thùng rượu nằm dưới đất:
- Còn cái này tính sao đây sếp?
Viên thông ngôn ngó quanh để tìm một người lao công và khi nhận thấy Tư Cầu cùng bác Tám ở phía sau nhà bếp đi ló ra, ông ta vội kêu:
- Ê anh Tư, anh lại đây tôi nhờ anh một tay coi!
Tư Cầu ngó lại thấy có Phấn nên đứng khựng lại, hồi hộp đưa mắt nhìn trân trân. Phấn mỉm cười gật đầu như ra hiệu cho anh ta bước lại. Tư Cầu lột cái nón lá quăng xuống đất tính xâm xâm đi lại, nhưng bác Tám đã lẹ tay níu anh ta lại:
- Để qua lợi đẳng vác thùng rượu đó thế cho chú, chú Tư!
Tư Cầu ngơ ngác nhìn bác và hơi sẵng giọng hỏi:
- Sao lạ vậy?
Bác Tám đáp nho nhỏ:
- Hổng phải ai dành với chú mà té vàng té bạc gì, nhưng chú lợi đó khiêng thùng rượu vô cho thằng quan hai mà có mặt cả hai bà chứng kiến thì nó... nhẹ thể mình quá!
Tư Cầu cau mày suy nghĩ rồi đáp xụi lơ:
- Ừa, bác nói cũng phải... bị tui cũng hơi hấp tấp muốn gặp Phấn... tức là bà chủ tiệm đó.
Bác Tám vỗ vai anh ta vừa bước đi:
- Ối rồi đây thiếu gì dịp khác! Chú đừng quên: mình ở tù là ở tù với ba thằngTây, chớ trước con mắt của mấy bả, mình cũng... bảnh tỏn như thường phải hông chú!
Tư Cầu tươi cười gật đầu:
- Phải rồi, mà thôi bước mau lại đẳng giùm tui đi tía!... Thấy bác Tám đi lại tới, Phấn băn khoăn hỏi liền và hỏi nho nhỏ:
- Ủa sao anh Tư ảnh không chịu lại đây bác?
Bác Tám vừa nhắc thùng rượu lên vừa đáp:
- Dạ... bị chú có công chuyện cần riêng (rồi bác hạ thấp giọng nói nhanh tiếp)... Dạ, chắc bà chủ cũng dư rõ: nếu chú bê thùng rượu này vô để đứng lựng khựng giữa bà chủ và bà quan hai thì cũng... kẹt cho chú quá.
Phấn thở dài:
- Ừ phải há! (rồi cô quay sang nhìn bác Tám, mỉm cười hỏi luôn) Mà sao tôi coi bộ bác... rành về... chuyện này quá vậy! Chắc anh Tư có nói lại cho bác rõ phải hông?
Bác Tám nở mũi đáp:
- Dạ, tui với chú Tư là chỗ anh em thân trong tù... Tui được cái trọng tuổi nên có chỉ vẽ cho chú được một vài việc cũng... hay hay!... Viên thông ngôn chực trên thềm nhà lên tiếng báo bác Tám:
- Nè ông già, ông đem để “két” rượu đó ở trước hàng ba nghen! Còn bà chủ thì xin mời bà chủ đi ngã này.
Phấn quay sang bác Tám:
- Cám ơn bác nghen! Bác nói với anh Tư, tôi hỏi thăm ảnh nhiều thiệt là nhiều đó nghen!
Nói xong, cô vội vã vuốt sửa lại tóc tai cùng ngắm nghía sơ qua áo quần rồi hấp tấp bước theo viên thông ngôn vô sa-lông.... Viên thông ngôn gõ cửa sơ sơ mấy cái rồi bước vô trước và lên tiếng giới thiệu:
- Dạ thưa bà hai, dạ có bà chủ tiệm cây đến thăm bà hai.
Con Ba đang ngồi đọc báo, nghe nói vậy từ từ đứng dậy mà mắt vẫn không rời nhìn vào tờ báo như là còn mải mê xem lắm...
Phấn đứng lựng khựng ở đó, và tuy chưa rõ mặt mày của bà quan hai ra sao (vì tờ báo che khuất) nhưng nhìn thấy điệu bộ của “bà quan hai” như vậy nó đâm ra vừa bực, mà cũng vừa “khớp” nữa.
Con Ba quăng mạnh tờ báo xuống mặt bàn và ngước mắt lên hỏi viên thông ngôn:
- Bà chủ tiệm... quen thân với anh Tư đây hả thầy? (và không đợi ông này trả lời, nó quay sang phía Phấn, nhích đầu chào) Chào bà chủ, xin mời vô ngồi đây chớ làm gì mà đựng khựng ở đó vậy? (rồi nó lại nói bâng quơ) Cha, cái tiểu thuyết đăng trong báo coi hay quá mà họ lại chơi ác dứt ngang xương...
Phấn ké né ú ớ trong miệng:
- Dà...
Rồi bỗng như có hẹn, hai người đàn bà quắc mắt nhìn nhau lom lom để “đo lường” đối thủ trước khi bắt chuyện. Tia mắt của họ giao nhau tưởng chừng có thể... vang lên thành một tiếng rít giống y như hai thanh kiếm va chạm vào nhau vậy.
Con Ba, dầu sao cũng nhớ rằng mình là chủ nhà nên vội bảo viên thông ngôn:
- Thôi thầy để bà chủ đây cho tôi... Cám ơn thầy nghen!
Đoạn, nó quay sang Phấn đon đả mời một lần nữa:
- Coi, sao bà chủ đứng hoài vậy! Bà chủ ngồi xuống đây rồi chị em mình nói chuyện sau.
Phấn chưa kịp đến ngồi xuống ghế thì con Ba đã bước tới đỡ nhẹ lấy vạt áo dài trước của cô ta đưa ra chỗ có nhiều ánh sáng để xem mặt hàng, rồi trầm trồ liền miệng:
- Cha, bà chủ mặc thứ hàng này có bông ngộ quá! Mà cái màu này cũng hợp với nước da của bà chủ nữa... để bữa nào rảnh, tôi phải đi lùng ở mấy tiệm Bombay mua một áo thứ này mới được!
- Dạ... thứ hàng này họ bán thiếu gì.
Con Ba buông vạt áo xuống rồi ngó chăm bẳm Phấn từ đâu đến chân và mỉm cười hỏi thêm:
- Bà chủ được mấy em rồi mà tôi coi còn trẻ măng vậy?... Chắc còn nhỏ lắm! Cha, còn nhỏ tuổi mà đã làm... bà chủ như vậy thì tốt phước biết đâu mà kể!
Phấn thận trọng đáp:
- Dạ, tôi mới được một đứa trai.
Con Ba chắc lưỡi khen liền:
- Cha, gái một con, thuốc ngon nửa điếu! Hèn chi...
Phấn định chụp hỏi “hèn chi cái gì?” nhưng rồi giữ vẻ lễ phép hỏi lại:
- Dạ còn... bà hai được mấy em rồi?
Con Ba cười dòn tan rồi đáp:
- Tôi chỉ có một mình trơ như vầy đó bà chủ à!
Phấn mau miệng khen dồn:
- Bà hai trông còn trẻ đẹp sắc sảo quá, thiệt mấy cô mới lớn lên cũng chưa dễ gì bì kịp! Bà hai lại còn sang trọng quyền oai nữa... kể ra ít người được như vầy! Hèn chi...
Con Ba hơi cau mày nhưng rồi lại gật gù cười xòa và níu tay Phấn dắt lại bên ghế sa lông:
- Mời bà chủ ngồi xuống đây rồi chị em mình muốn nói gì thì nói, chớ chẳng lẽ tôi với bà chủ cứ đứng sững ở đó để... khen vần công cho nhau sao! (rồi chợt thấy mấy gói đồ, nó liền hỏi tiếp) Mà bà chủ ôm theo mấy gói gì lủ khủ đó?
Phấn như nhớ trực lại chuyện quà cáp nên vừa ngồi xuống lại đứng dậy đặt mấy bọc giấy trên mặt bàn giữa sa-lông:
- Dạ tôi có mấy ký bom nho này đem đến để bà hai dùng lấy thảo... Dạ, còn có một két sâm-banh để ở ngoài hàng ba, riêng kính tặng cho ông hai, xin nhờ bà hai nói lại giùm.
Con Ba chắc lưỡi kêu lên:
- Hổng biết thầy thông ngôn mắc toi đó có nói tôi với ông hai ở nhà đòi ăn đòi uống gì không, mà bà chủ phải lễ mễ đem lại như vậy!
- Dạ thưa bà hai, cái này là do ý tôi chớ thầy thông ngôn không hay biết chi ráo.
Con Ba đáp nửa thật, nửa giỡn:
- Cha, chưa gì mà bà chủ muốn... trám miệng trước tụi này há! Bà chủ làm như vậy nữa mích lòng lắm nghen! Chắc bà chủ dư biết: tôi nghe thầy thông ngôn nói lại là bà chủ đây là chỗ... bà con với anh Tư nên tôi mới sẵn lòng mời tới, chớ phải ai khác thì xin lỗi bà chủ, dầu cho chín xe mười vàng đi nữa cũng... khỏi đi!
Phấn thấy hơi bực mình nhưng cũng phải ráng xuống giọng cầu khẩn:
- Dạ cái đó thì tôi cũng... rõ nhiều. Anh Tư ảnh có kể sơ cho tôi biết rằng bà hai đây là chỗ... ơn nghĩa cũ của ảnh và bà hai cũng đã hết lòng giúp đỡ ảnh trong lúc ảnh bị kẹt trong này. Dạ vì vậy mà tôi mới dám đường đột tới đây để quấy rầy bà hai...
- Ối, nói là nói vậy chớ chỗ chị em mình, nếu hổng biết nhau thì thôi, một khi đã biết nhau rồi thì... dễ ợt, nhứt là cái chuyện này cũng là chuyện của anh Tư... Mà hễ chuyện của anh Tư là tôi sẵn sàng... bao lãnh hết!
Phấn gượng cười đáp:
- Thiệt cám ơn bà hai hết sức! Cũng may cho anh Tư gặp lại được bà hai ở chỗ này!
Con Ba thản nhiên tiếp lời:
- À cái đó thì có: anh Tư ảnh có gặp tôi lần nào thì cũng được may mắn ráo trọi hết, chớ không có rủi ro hay vấp váp gì hết á!
Phấn cắn môi suy nghĩ trong một vài giây, rồi đáp đẩy đưa:
- Dà, phần tôi thì tôi cũng mong như vậy...
Con Ba cười và ngọt ngào nói:
- Bà chủ khỏi mong với mỏi gì hết, cái chuyện đó là cái chuyện... đã có rồi mà!
Nghe con Ba nói một cách “chắc cứng” như vậy, Phấn cười gằn nhưng rồi lại vội nói đỡ:
- Thưa bà hai, như vậy anh Tư thiệt có phần lắm!
Con Ba như có vẻ hài lòng vì đã “dằn mặt” sơ được Phấn nên lại muốn tỏ ra độ lượng:
- À còn cái này mà tự nãy giờ tôi tính nói rồi bị lu bu nên quên khuấy đi mất: chị em mình nên tìm cách xưng hô lại cho nó đỡ khách sáo hơn đi! Bề gì thì bên nào cũng là chỗ... quen biết của anh Tư, phải không chị? Chị thứ mấy để tôi kêu cho tiện?
Phấn ấp úng đáp:
- Dạ... tôi thứ ba...
Con Ba kéo nhích ghế lại gần Phấn:
- Ủa, cũng thứ ba như tôi vậy sao? (rồi nó nháy nháy mắt lên giọng hỏi ỡm ờ) Ai cũng thứ ba hết rồi như vậy ai... lớn ai nhỏ đây?
Phấn ngả lưng dựa vào thành ghế phô-tơi rồi cười đáp lại một cách rất thản nhiên:
- Dạ cái đó thì tôi chẳng dám tranh rồi! Dạ cũng như cái chuyện... chim trời cá nước, mạnh ai bắt được nấy ăn...
Con Ba liếc xéo cô ta một cái nhanh như chớp:
- Hừ, hay quá há! Bây giờ tôi mới biết ngán... chị Ba rồi đa!
Phấn vội nói vớt:
- Dạ, bà hai dạy quá lời... Tôi vui miệng nói buông thùa vậy mà!
Con Ba chắc lưỡi một hơi:
- Đọ, đọ... tôi đã biểu chị Ba dẹp cái tiếng “bà hai” đó qua một bên rồi mà!
Đoạn nó vói tay bấm nút chuông điện gọi anh bồi và khi anh này chạy lên tới, nó quay sang hỏi Phấn:
- Chị Ba dùng nước ngọt nghen?
Phấn chưa kịp trả lời thì con Ba đã bảo anh bồi:
- Anh cho tui xin hai chai nước cam mau mau một chút, chớ tự nãy giờ mắc nói chuyện tầm khào mà quên mời khách uống nước.
Phấn vội nói chen vô:
- Dạ thưa chị... Hai, xin chị Hai coi tôi cũng như là chỗ quen biết trong nhà chớ khách khứa gì đó...
Con Ba tròn xoe mắt hỏi lại:
- Ủa, sao chị kêu tôi bằng thứ hai? Hồi nãy tôi nói giỡn chơi chớ bộ muốn đòi... lớn nhỏ gì sao?
Phấn thản nhiên đáp:
- Dạ, chị Hai đây là chị... quan hai, tôi xin kêu như vậy cho nó... phân biệt hơn.
Con Ba mỉm cười lim dim đôi mắt:
- Thiệt tới bây giờ tôi mới biết... ớn chị rồi đó!
Phấn cũng cười đáp lại:
- Dạ, chị Hai nói vậy chớ tôi... hiền khô hè!
Nhưng rồi Phấn nghiêm mặt lại nói tiếp:
- Dạ, chắc chị Hai đã rõ tôi đến đây, trước để... ra mắt chị Hai, sau nữa để nhờ chị Hai chút việc...
- Cha, chị này ăn nói văn vẻ quá ta! Việc gì vậy chị?
Phấn đáp hơi ấp úng:
- Dạ, cũng không có việc gì khác ngoài việc thăm nuôi cho anh Tư. Nói cho đúng ra, mọi sự ở trong này đã sẵn có chị Hai giúp đỡ săn sóc cho anh Tư, nhưng phần tôi, tôi cũng muốn gặp mặt ảnh...
- Ối tôi tưởng cái gì chớ việc đó dễ ợt? Thiếu gì người vô thăm nuôi chồng con đó chị Ba và họ cứ ra ngoài văn phòng xin giấy là được.
- Dạ, thầy thông ngôn cũng có nói cho tôi rõ việc ấy, nhưng tôi nghĩ chắc chị Hai đây có thể giúp cho việc thăm nuôi anh Tư của tôi được... đặc biệt hơn người khác, nghĩa là được sự dễ dãi hơn...
Con Ba nhìn chăm bẳm Phấn rồi hỏi:
- Bộ chị có chuyện gì cần phải bàn tán nhiều với anh Tư sao?
Phấn cười giả lả:
- Dạ, đâu có chuyện gì cần, nhưng chắc chị Hai cũng hiểu cho: tôi là người cùng xứ với ảnh, tôi có vô ra gặp mặt ảnh ở đây thì cũng chỉ để hỏi thăm hỏi nom về chuyện nhà cửa dưới vườn. Ảnh xa nhà lâu rồi mà biệt vô âm tín, ảnh nóng ruột lắm; liền sau khi tình cờ gặp ảnh ở ngoài tiệm cây, tôi đã có nhắn tin về dưới rồi, mà mãi tới hôm nay sao người quen họ chưa có lên hổng biết!
Con Ba chép miệng than thở:
- Cha tội nghiệp ảnh quá há! (đoạn cô ta dịu giọng bảo Phấn) Phần chị, chị ráng lo hỏi thăm về chuyện dưới nhà cho ảnh, còn phần tôi, tôi lo việc thăm nuôi cho chị. À, hay chị muốn nói chuyện liền với ảnh ở đây hông, để tôi làm cách cho chị giáp mặt. Việc này ông hai ổng biết được ổng sẽ cự nự tôi ghê lắm nhưng không sao...
Phấn vội nói:
- Thiệt cám ơn chị Hai lắm, nhưng theo ý tôi mình nên làm cho... đàng hoàng đúng phép đúng luật thì hơn. Chớ chị Hai thương tôi mà tính như vậy, rủi ra gặp ngày vận tháng xui có chuyện gì rắc rối xảy ra thì chẳng những làm phiền chị Hai mà còn để họa cho anh Tư nữa... Mình có thương ảnh thì nên thương cho... trót lọt...
Con Ba gật gù đáp:
- Chị nghĩ vậy chín chắn lắm! Được rồi tôi xin nghe theo lời chị. À, chị biên tên họ giao cho thầy thông ngôn để thẩy chạy về mặt giấy tờ cho, còn tôi để tôi thúc mấy sếp dưới văn phòng. Và nếu chị có chuyện gì gấp muốn nhắn với anh Tư, chị cứ vô đây nói với tôi rồi tôi... thông tin lại cho.
Nghe câu sau cùng ấy Phấn có vẻ kém hưởng ứng và lợ ngợ đáp:
- Dạ thôi, chắc không có cái gì gấp đâu, tôi phiền chị Hai như vậy cũng quá nhiều rồi...
Con Ba hiểu ý cười nói:
- Thôi tôi biết rồi! Nhưng tôi nói như vầy chị đừng giận nghen: bề gì bây giờ anh Tư cũng kẹt ở trong này nghĩa là ảnh... nằm trong bàn tay của tôi...
Phấn nín lặng một hồi rồi gượng cười nói:
- Dạ cái đó thì tôi thấy rõ ngờ ngờ rồi... Tôi xin chịu hẹp vậy!
Con Ba biết mình đi hơi quá nên vội nói lảng ra:
- Để tôi nhờ mấy ổng lục hồ sơ coi tội trạng của anh Tư nặng nhẹ thế nào để tôi còn nhờ ông hai ở nhà ổng can thiệp dùm đỡ phần nào hay phần nấy.
Phấn mau mắn nói vô:
- Ờ, tôi cũng quên nhắc với chị Hai về cái chuyện đó nữa! Dạ... chị Hai nhắm coi anh Tư có được mau thả ra không chị? Theo tôi biết ảnh hiền như cục đất có làm chi đâu mà mấy ổng bỏ tù bỏ rạc như vậy!
Con Ba cười xòa:
- Tôi thì cũng như chị, chị em mình làm sao biết được chừng nào ảnh ra! Còn cái việc ảnh “hiền khô” đó thì... để lâm chuyện rồi mới biết... thằng chả cũng dữ dàn trời mây chớ không như chị tưởng đâu! Nhưng dầu sao, tôi cũng xin hứa chắc với chị: để bữa nào ông hai ổng vui vui, tôi sẽ liệu lời nói vùa vô ổng.
- Chuyện gì tôi hổng biết chớ chuyện đó thì tôi tin chắc mẻm là chị Hai sẽ thành công rồi!
Con Ba liếc xéo:
- Cha, chị nói như vậy là khen hay chê tôi đó?
- Dạ tôi tình thiệt nói ngay như vậy đó chị Hai à! Tánh tôi thẳng băng chớ hổng cong queo ngoắt ngoéo như người ta...
Rồi cô đứng lên nói tiếp:
- Tôi xin kiếu chị Hai... Dạ, tự nãy giờ tôi làm rộn chị Hai nhiều quá.
Con Ba cũng đứng lên theo và nói gạt ngang:
- Ối chỗ chị em mình mà! Chị đừng có ngại gì hết, khi nào rảnh xin mời chị lại chơi, tôi ở đây cũng ít bè bạn lắm!
- Dạ, tôi cũng vậy. Suốt ngày tôi chỉ lẩn quẩn ở nhà... (rồi cô nhìn con Ba mỉm cười ý nhị) thiệt anh Tư ảnh có con mắt lắm!
Con Ba nhướng mắt hỏi lại:
- Sao vậy?
- Vì... chị Hai rất bặt thiệp lanh lợi mà lại lịch sự duyên dáng nữa...
Con Ba xô nhẹ vai Phấn:
- Thôi chị đi! Chị nói giả ngộ hoài! Còn chị không sắc sảo mặn mòi đó sao! Tôi gặp chị tôi cũng muốn mê nữa là... con trai mới lớn lên. Hèn chi hồi tôi mới gặp anh Tư ở trên Nam Vang ảnh lớ ngớ như là bị ma hốt hồn hay bị bùa mê thuốc lú gì vậy! Và mới ràng ràng đây nè, từ bữa ảnh đi chở cây về ảnh lầm lầm lì lì lắm lúc tôi thấy mà phát ghét! (rồi nó níu tay Phấn cười nói thêm) Nầy chị Ba, phải hồi tôi còn con gái mà tôi gặp chị như trường hợp bây giờ... tôi ghen lắm đa!
Phấn làm bộ kinh hãi:
- Ý mẹt ơi, gặp tay của chị Hai đây ghen thì tôi có nước chạy tét không dám ngoái cổ ngó lại... mà về nhà ngủ hổng chừng còn dám giựt mình nữa!... Con Ba vừa ở trên xích lô bước xuống là Phấn nhận thấy ngay. Cô vội giao thằng bé Kỳ lại cho chị vú và tất tả chạy ra đón:
- Dữ hông, bữa nay chị Hai mới đến thăm tụi này!
Con Ba hối hả níu lấy tay Phấn và lôi đi:
- Xin lỗi chị Ba, tôi tính lại đây hoài mà mắc công kia việc nọ thành thử cứ để lần khân mãi. Hôm nay có chuyện cần lắm nên tôi chờ ông Hai ổng qua sở là tôi phóng lại đây liền.
Phấn ngừng lại nhìn sững nó một hồi rồi hỏi:
- Chuyện gì vậy chị? Lành hay dữ? Hèn chi tôi lấy làm lạ sao chị lại đây sớm bửng... Bộ anh Tư đau ốm hay sao đó vậy chị?
Con Ba không đáp ngay mà lôi Phấn đi vào:
- Để vô nhà rồi tôi nói rõ cho chị hay... Mà có ai ở trỏng không chị?
Nhìn thấy vẻ mặt nghiêm nghị cùng cách phục sức lôi thôi của con Ba, Phấn càng đâm lo. Cô vừa đi vừa hỏi dồn tới:
- Cái gì đó chị? Anh Tư có sao không mà chị hổng nói liền cho tôi biết? Tôi mới vô thăm ảnh vào ngày hôm kia thấy ảnh... vui vẻ chớ có sao đâu!
- Chị khoan nóng, chuyện này nói ra đây không tiện. Tôi hấp tấp ra đây cốt có bấy nhiêu đó chớ ai muốn giấu chị làm gì chớ! Tôi hỏi chị có ai khác ở trong nhà không để chị em mình nói chuyện cho tiện mà chị cứ lo hỏi nôn tới hoài!
Phấn dịu giọng đáp:
- Xin lỗi chị Hai, bị tôi quýnh quá nên hổng nhớ gì hết... Dạ, trong nhà chỉ còn có mấy người làm công, còn ba của thằng Kỳ thì đi ra kho bạc lãnh tiền mua cây của nhà nước trả.
Con Ba gật gù:
- Ờ nếu vậy thì tiện lắm! Mà chị có chỗ nào riêng biệt văng vắng ở trong nhà để khỏi ai dòm ngó, vì chuyện này là chuyện... sanh tử của anh Tư lận!
Phấn tái mặt lập cập hỏi nho nhỏ:
- Trời... cái gì mà chị lại nói nghe ớn quá vậy? Chị nói phứt ra hổng được sao?
Con Ba như không để ý đến sự lo sợ của Phấn mà cứ lôi tuột cô đi và hỏi:
- Đâu chị Ba, chỗ nào tiện hả?
Phấn biết hỏi gấp cũng vô ích nên lẳng lặng dắt con Ba vào buồng trong. Đến nơi nó kéo một chiếc ghế mời khách và gượng cười nói:
- Xin lỗi chị Hai, tôi mời chị Hai vô trong này thiệt là không phải phép, nhưng ở đây thì khỏi sợ ai soi mói hết. Để tôi kêu con vú bưng nước lên...
Con Ba gạt ngang:
- Ối thôi nước với nôi làm chi chị!
- Dà...
Con Ba đảo mắt nhìn qua một vòng khắp gian buồng rồi chậm rãi nói:
- Chị Ba à, hôm trước tôi có nhờ người ta lục coi hồ sơ của anh Tư để xem tội trạng nặng nhẹ thể nào...
Phấn tò mò hỏi liền:
- Dạ nặng hay nhẹ hả chị Hai?
Con Ba lườm nó như có vẻ phật ý vì bị chận ngang nhưng rồi lại ôn tồn đáp:
- Nhẹ xều à!
- Vậy chắc ảnh... cũng hy vọng sớm được thả ra hả chị?
Con Ba thở dài:
- Thì tôi cũng nghĩ như vậy và mấy cha nội trên văn phòng cũng nói hổng sao, hổng sao... nhưng ai có dè đâu nó xảy ra chuyện bất tử như vầy!
- Bộ anh Tư ảnh làm cái gì bậy ở trỏng hả? (rồi cô cắn môi suy nghĩ đoạn quắc mắt hỏi sẵng) Hay là... hay là ảnh không giữ gìn tình ý để... lẹo tẹo đổ bể tùm lum ra rồi ông quan hai ổng bắt được?
Con Ba đứng phắt dậy cầm lấy cái bóp đầm xỉa xói vào mặt Phấn:
- Thiệt tôi đến đây uổng công quá! Phải tôi mà dè có thứ ghen ẩu ghen tả, nói bậy nói bạ như vầy, tui đấm thèm xuống đây làm chi cho tốn gần cả chục đồng bạc tiền xích lô!
Phấn biết mình nói quá lố nên vội đứng lên theo níu tay con Ba năn nỉ:
- Thôi mà chị Hai, tôi lạy chị... bị tôi lo quýnh quá không còn biết trời trăng gì nữa, xin chị đừng chấp nhứt làm gì tội nghiệp. Chị ngồi xuống đi, và chị làm ơn làm phước nói liền cho tôi rõ, chớ thiệt tình thì tôi... nóng ruột chịu hết nổi!
Con Ba thở dài ngồi xuống lại, nhìn Phấn lắc đầu cười gượng, rồi tằng hắng như để đổi giọng cho êm dịu hơn:
- Thôi chị cũng ngồi xuống đi. Ví dầu tôi với anh Tư mà có... lộn xộn để cho kẹt đạn kẹt vỏ như hồi nãy chị... nghi bậy như vậy, thì có nước tôi độn thổ luôn chớ dám vác mặt lại đây với chị hả chị Ba!
- Dà...
- Tôi cũng tưởng là số anh Tư đã hết nạn tai rồi, chớ có dè đâu mới đây tụi Tây nó đánh giặc đánh giã thua thiệt làm sao đó, nên tụi nó nổi khùng quyết định bắt một số anh em tù nhơn trong căng đem đưa ra Côn-đảo nay mai gì đây...
Phần hốt hoảng hỏi liền:
- Bộ trong số đó có lọt anh Tư vô hả?
Con Ba se sẽ gật đầu...
Phấn chụp níu lấy bàn tay con Ba:
- Trời đất ơi, sao kỳ cục vậy chị! Mà chị có chắc như vậy không?
Con Ba ngó mông ra phía ngoài cửa rồi thẫn thờ đáp:
- Sao không chắc! Người ta đã lập bản danh sách hẳn hoi rồi. Và tôi còn nghe nói cái số tù đưa ra đảo này dám bị xử bắn lắm nữa...
Phấn trợn mắt hỏi:
- Người ta đem bắn anh Tư nữa hả? Mà ảnh có tội tình gì lại chở ảnh ra ngoài đảo để giết hại như vậy cà? Sao chị ở trỏng mà chị hổng nói với người ta... còn ông quan hai đâu, chị hổng biểu ổng xét lại cho anh Tư nhờ, hay là... ổng bôi tên anh Tư trong sổ hổng được sao?
Con Ba nghe cô ta nói một hơi một dọc như vậy cũng đâm ra bực mình:
- Chị giỏi thì chị vô nói đi! Bộ chị tưởng tôi hổng biết lo sao? Nhưng tôi thử hỏi chị: cái chuyện đó ở trên tây tà người ta quyết định như vậy, ông hai ổng có môn giữ ba thằng tù chớ đâu có quyền bắt bớ hay buông tha gì đâu! Mà tôi hỏi chị thêm một câu này nữa: giả tỷ như ổng bôi tên anh Tư được đi, rồi sao đó phải lấy tên ai khác thế vô bây giờ?
Phấn đáp liền:
- Ý trời, tù tội cả đống ở trỏng lấy ai khác mà hổng được!
Con Ba nhìn cô ta một hồi:
- Đọ, chị nói như vậy là nói càn mạng đa! Chị hổng nghĩ rằng nếu có bắt được người khác thế vô thì cũng là... người như anh Tư, nghĩa là họ cũng có những người thương yêu họ và biết đâu họ lại còn có con thơ con mọn ở nhà... mình làm như vậy có phải thêm tội không?
Phấn xẻn lẻn cúi đầu, nhưng còn nói gượng:
- Thì tôi cũng nói bừa như vậy... nhưng chắc thiếu gì người khác một thân một mình... (rồi cô ngước mắt lên hỏi) Bây giờ chị tính sao đây, chẳng lẽ ngồi đó ngó để cho tụi nó xách đầu anh Tư đem bắn sao?
Con Ba không trả lời mà lấy bóp mở ra lấy thuốc hút. Nó ngồi trầm ngâm nhả khói bay từ từ... Phấn thấy vậy cũng bắt ngứa mắt, nhưng biết không thế nào làm khác hơn được nên đành ngồi chờ.
Con Ba đưa ngón tay búng nhẹ cho tàn thuốc rớt xuống đất rồi chậm rãi nói:
- Tôi cũng nghĩ nát nước hết mà chẳng tìm ra mưu kế gì được...
Phấn thở dài cựa mình một cách có vẻ bực bội làm chiếc ghế kêu răng rắc.
Con Ba thản nhiên nói tiếp:
-... Bởi vậy tôi mới ra đây, trước là để cho chị hay, sau là để... xem coi chị có cách nào gỡ nạn cho anh Tư chăng?
Phấn đâm ra lúng túng:
- Chị ở trỏng quen lớn với các quan quyền khắp mặt hết mà chị còn chịu co tay kia huống hồ gì tôi ở tí mú ngoài này! Hay là chị nghĩ coi mình có thể chạy chọt lo lót ông nào được không? Nếu được, nói nào ngay, tôi cũng có sẵn chút đỉnh tiền nong...
Con Ba đáp một cách không hăng hái chút nào:
- Kể ra thì cũng có chút ít hy vọng về mặt đó, nhưng... nhưng tốn hao lắm và nếu anh Tư khỏi bị đày ra đảo thì cũng bị giam lại ở đó chớ bộ ra được sao!
Phấn chụp nói liền:
- Tốn hao bao nhiêu tôi không tiếc miễn anh Tư còn đó là được, rồi thủng thỉnh mình lo chạy chọt sau để lãnh ảnh ra... Hay là nếu chị sợ dính dấp vô thì để tôi nói thẳng với thầy thông ngôn nhờ thẩy đi vận động với mấy ông bự giùm...
Con Ba nói gạt ngay:
- Hổng được đâu! Chuyện này là chuyện... kín, chị làm tài khôn tài khéo cho nó đổ bể tùm lum lên rồi Tây nó đem lưu anh Tư đi chỗ khác, ở ngoài này đi ở tù cả đám hết... Chuyện đó là chuyện chết chớ hổng phải nhảy a làm càn được đâu nghen!
Phấn cau mày nhìn con Ba một hồi lâu rồi nói:
- Coi, chị kêu tôi tìm cách gỡ nạn cho anh Tư mà hễ tôi nói ra câu nào thì chị bác đi tuốt hết? Như vậy còn bàn với tính gì nữa được! Chị đã nói chị chịu co tay thì ít nữa chị cũng để tôi... liều mạng cho ảnh chớ?
Con Ba ấp úng đáp:
- Thì tôi có nói gì đâu... Tôi sợ mình tính chưa được chín chắn, rủi ro có bề gì thêm nữa thì vô kế khả thi...
Phấn cười lạt:
- Chắc chị sợ tôi chạy chọt cho anh Tư được rồi tôi rinh ảnh mất hả? Hông đâu, nếu khỏi đi đảo thì bề gì ảnh cũng còn kẹt ở trỏng... chớ có bay mất đi đâu mà chị ngại hổng biết!
Con Ba đỏ mặt quăng mạnh tàn thuốc xuống đất, lấy dép chà lia cho tắt lửa, rồi hầm hầm nói:
- Chị đừng ỷ có ba đồng tiền đó rồi muốn nói quàng nói xiên gì thì nói nghen! Bộ chị nói tôi đây lo cho ảnh không được hả?
Phấn thản nhiên đáp:
- Thì cũng như... chị ỷ có ông quan hai vậy mà... Thôi bây giờ... xả càng, mạnh ai nấy lo cho anh Tư.
Con Ba đập mạnh tay vào thành ghế:
- Coi, bộ chị nói giỡn sao chớ! Mạnh ai ấy lo rồi chị hổng biết đách gì hết, rủi có trặc trẹo chuyện gì hư luôn công việc của tôi rồi sao hả? Chị giỏi chị... qua mặt anh Tư được chớ với tôi, xin lỗi... cái đó còn hơi lâu đa!
Phấn cười mũi:
- Chị Hai thiệt khó tánh quá! Bây giờ chị Hai tính sao đây chị làm ơn nói huỵch tẹt ra rõ đi chớ úp úp mở mở hoài, tôi ngu dốt lắm không biết được!
Con Ba định nói “trả đũa” lại nữa nhưng rồi lại chép miệng than:
- Anh Tư ảnh sắp ngoẻo tới nơi mà ở ngoài này tôi với chị mải lo ăn thua đủ với nhau như vầy hoài rồi làm sao được kìa!
Phấn cũng nhận thấy sự vô lý đó nên thở dài rồi dịu giọng nói:
- Thôi, chị ráng lo cho ảnh đi. Chị ở gần bên trỏng thì thế nào chị cũng dễ tính hơn tôi, rồi có cái gì cần tới, chị cứ nói với tôi để tôi ráng sức mà giúp vào. Chẳng lẽ bây giờ, mạnh đằng chị chị lo, mạnh đằng tôi tôi chạy... như vậy chẳng những tốn công vô ích mà nhiều khi còn tréo ngoe với nhau nữa...
- Thì đó, như hồi nãy tôi đã nói với chị: mình nên suy tính kỹ mới được! Thế nào rồi đây tôi cũng phải nhờ chị giúp vô một phần lớn, chớ một mình tôi, tôi đâu có ba đầu sáu tay mà lo cho xuể hết được. Vả cũng vì chỗ đó mà tôi vội vã ra đây cho chị hay...
Phấn ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, vậy chị chưa cho anh Tư ảnh biết tin đó sao?
Con Ba lắc đầu:
- Chưa chị à! Tôi tính để mình bàn với nhau trước đã rồi mai mốt đây tôi cho anh Tư hãy cũng không muộn.
- Rủi họ đưa ảnh đi liền sao chị?
- Không đâu, tôi biết ít lắm một tháng nữa mới có chuyện đó. Bây giờ mình cho ảnh hay trước, rủi ảnh chộn rộn lên thiên hạ trong căng biết hết thì càng thêm khó khăn nữa!
Phấn nhích ghế lại gần con Ba, rồi ngập ngừng hỏi:
- Chắc chị có tính ra một kế gì... Chị có thể nói sơ qua cho tôi nghe được không chị Hai?
Con Ba mím môi nhìn xuống đất một hồi rồi ngước mặt lên chậm rãi đáp:
- Cách này cũng hơi... mạo hiểm một chút, vì bây giờ anh Tư chỉ có nước là trốn đi.
- Ý trời, ở trỏng con ruồi bay ra hổng lọt rồi làm sao anh Tư ảnh đi cho thoát được?
- Ậy, chị đừng có lo... Tôi đã nghĩ ra cách rồi, nhưng phải có người ở ngoài này chứa chấp đỡ ảnh một vài ngày rồi mới có thể trốn luôn về dưới vườn được, chớ nếu để anh ra đi lớ ngớ ngoài đường ngoài chợ, giấy tờ không có thì chỉ vài tiếng đồng hồ sau là ảnh bị thộp cổ lại liền.
Phấn có vẻ lo ngại hỏi thêm:
- Nhưng “chứa” ảnh vào đâu bây giờ?
Con Ba mỉm cười nói:
- Thì việc đó... tôi xin nhờ đến tay chị.
Phấn trợn mắt:
- Ý hổng được đâu! Ba thằng Kỳ là người Tàu làm ăn nên họ kỵ việc đó lắm, đời nào thằng chả dám chứa thứ... quốc cấm ấy trong nhà.
- Coi, chị phải ép buộc thằng chả chớ!
Phấn nhăn nhó:
- Phải mình tôi thì cái gì cũng được hết ráo trọi, nhưng có thằng chả vô đó khó nói lắm. Chị bắt thằng chả chung ra vài chục ngàn thì thằng chả chịu liền, chớ bắt chứa anh Tư trong nhà một chút xíu thằng chả cũng lạy dài đó chị à!
Con Ba vẫn tươi cười như thường:
- Chị thiệt dở khẹt! Chị phải viện cớ rằng hồi đó thằng chả... hại anh Tư thiếu điều chết đứng thì bây giờ thằng chả ráng chứa chấp anh Tư trong nhà một đôi ngày mà ăn nhằm gì! Cái đó cũng như để đền bù thiệt hại khi xưa vậy mà!
Phấn mím môi suy nghĩ một hồi rồi nói:
- Tôi nghĩ rồi: hay là chị để tôi lãnh phần đưa anh Tư luôn tuốt về dưới vườn, đi có cặp như vậy hổng ai để ý sanh nghi được. Ờ phải đa, chị làm ơn kiếm giùm ảnh một cái giấy tờ gì tạm cũng được, hay thôi để tôi lo luôn vụ này cũng được vì tôi biết có chỗ chỉ tốn kém chút đỉnh là họ cho mình một cái giấy “lách xê” rồi...
Con Ba cười mũi:
- Nếu chị đưa ảnh về dưới được thì tôi đây đưa không được sao? Tôi cũng đã tính bỏ luôn ông hai để dông trốn theo ảnh một lượt... như vậy có phải gọn bân không?
Phấn nhổm người lên:
- Chị nói thiệt hay nói chơi đó? Chị dám bỏ ông quan hai để mạo hiểm trốn theo anh Tư sao? Hay là chị định nói dọa cho tôi ngán hả chị Hai?
Con Ba ngả người dựa lưng trên ghế rồi mỉm cười đáp:
- Ai mà thèm dọa làm gì hổng biết! Chắc chị chưa rõ: chớ giữa tôi và chị, người dám liều mạng cho anh Tư là tôi đây nè! Tôi cũng xin nhắc thêm: con này chưa lần nào làm phiền lòng anh Tư một chuyện gì, dầu là một chuyện chút xíu bằng ngón tay út cũng vậy đó chị!
Phấn cười lạt:
- Thì tôi biết chị giỏi rồi mà! Nhưng chị cũng giỏi luôn về cái chuyện ghen tranh của người ta nữa! Điều nói là nói vậy, chớ tôi dư biết nếu tôi đây có lo cho anh Tư đi trốn như hồi nãy tôi bàn đó, thì chị cũng phá ngang chớ dễ gì để cho thành công được!
Con Ba ngao ngán thở dài:
- Quả tình tôi có nóng tánh chút đỉnh, nhưng tôi đâu có đến nỗi tệ quá vậy! Tôi hỏi chị: tôi với chị cứ tranh giành nhau. rủi ro để cho anh Tư ảnh bị kẹt chết luôn rồi tới chừng đó chỉ có nước ngồi ngó nhau mà khóc!
Phấn vẫn còn cau có:
- Chị nói thì nghe ngọt lắm... nhưng hễ tôi dính vô chuyện anh Tư là chị nhảy đong đỏng lên! Ờ, nếu rủi ảnh bị kẹt thì cho ảnh chết luôn... ai biểu ảnh đụng đâu cũng làng chàng đó hết!
Con Ba cười xòa:
- Đừng nói bậy nà! Ảnh mà kẹt chết luôn thì tôi cũng không ngơ mà chị cũng... trớt vó, như vậy tôi với chị ghen tranh với nhau để làm gì hả?... Thôi tôi nhường cho chị đó; ít ra cũng có một người... hưởng được!
Phấn mắc cở cúi đầu làm thinh. Con Ba nhích ghế lại gần, thân mật vỗ nhẹ lấy vai nó:
- Tôi thiệt tình với chị và quý anh Tư lắm nên tôi mới cất công ra đây, chớ phải tôi có bụng xấu muốn chiếm... độc quyền ảnh thì tôi làm êm ở trỏng rồi!
Phấn có vẻ cảm động:
- Xin lỗi chị Hai... bị tôi rối ruột hết, với lại thiệt tình thì tôi cũng muốn nhơn dịp này mà... theo luôn anh Tư để... chuộc lỗi ngày trước, cái chuyện giữa tôi và ảnh chắc chị Hai cũng đã rõ, và hồi trở về dưới quê, tôi cũng đã năn nỉ ỉ ôi ảnh đủ điều để ảnh theo tôi mà ảnh cứ trơ trơ, tuy tôi dư biết lòng ảnh cũng... như cũ.
- Vậy hả! Tội nghiệp quá há! Nhưng thôi chị Ba à, phận mình dầu sao cũng đã yên thì không nên chộn rộn nữa làm gì! Không phải bây giờ tôi mới nói tốt, chớ tôi cũng đã nghĩ rồi chị ơi: nếu anh Tư đi một mình êm thì chẳng khó khăn gì mấy, chớ nếu có tôi hoặc chị trốn theo nữa thì rắc rối thêm nhiều lắm lắm.
- Sao vậy chị?
- Có gì lạ đâu: tới chừng đó, hoặc ông hai hoặc ông chủ ngoài này... mất vợ, thì trời cản mấy ổng cũng nhốn nháo cả lên, rồi thưa gởi tìm kiếm lung tung beng... như vậy có phải làm cho anh Tư.... mệt thêm không?
Phấn gật đầu nói liền:
- Ờ phải há!
- Bởi vậy mình có... thương anh Tư thì phải thương cho trót và cho đúng điệu. Phần chị, xin chị ráng nói khéo với ông chủ cho anh Tư ở đỡ đôi ba bữa đi chị!
- Đâu chị bày cách cho tôi coi, chớ bây giờ tôi lú ruột lú gan hết...
Con Ba mỉm cười đáp:
- Dễ như chơi mà: thì chị cứ bắt ép ổng luôn về hai mặt tình và... lý: một là ổng phải tính chuyện ơn nghĩa với anh Tư, hai là nếu ổng hổng tính cho xuôi thì để cho chị tính...
- Tính sao đó chị Hai?
- Thì chị cập tàu trốn luôn theo anh Tư chớ sao nữa!
Phấn phải cười xòa, nhưng rồi thắc mắc hỏi lại:
- Nhưng rủi thằng chả đi báo cáo rồi sao chị?
Con Ba cau mày:
- Ừ còn cái chuyện đó nữa há! Mà khỏi lo: chị nói trước với ổng nếu ổng sanh tâm làm bậy thì kẹt luôn cả chị nữa, vì chị là đồng lõa kia mà! Và chị nói thêm luôn: nếu ổng rục rịch thì chị còn khai càn luôn là ổng cũng có dính líu vô nữa, nhưng sau vì ghen nên ổng mới đi báo, và ổng còn đóng thuế đóng má cho bên kia nữa. Tây nó nghe nói vậy nó ham lắm nghen, vì ổng là ông chủ có bạc cắc nhiều mà!
Phấn lắc đầu cười:
- Thiệt tôi phục chị Hai sát đất! Chị mà tính cái gì ra là có môn chết thiên hạ hết!
Con Ba khiêm tốn đáp:
- Biết sao bây giờ chị! Ở đời, mình đâu có thể nào ở cho vừa lòng khắp mọi người được, và bởi vậy chỉ còn có cách: thương cho phải chỗ, ghét cho đáng nơi. Cái công việc mình tính đây cũng không phải là để hãm hại ông chủ ở nhà; mình chỉ “dạ hành tỏ” cho ổng ngán chơi nếu có trường hợp ổng không... vui vẻ thuận theo ý mình... Đó chị coi, đâu có cái gì ác đức đâu phải hông chị Ba?
Phấn mau mắn tán đồng:
- Phải rồi chị Hai à! Tôi cũng thấy không sao nên mới sẵn sàng nghe theo ý chị, vì bề nào thì ông chủ đây cũng là... chồng của tôi và thiệt ra thằng chả cũng thương tôi dữ lắm!
- Chớ bộ ông hai ở trỏng không thương tôi gắt củ kiệu đó sao?
Phấn cười xòa:
- Thì ai có nói gì đâu, nhưng của chị khác, của tôi khác... (rồi như sợ con Ba sẽ hỏi phăng tới về chỗ “khác nhau” ấy, Phấn vội nói lảng ra) Hổng nói giấu gì chị: nếu gặp tay khác thì hổng dễ gì tôi chịu nghe lời êm rơ vầy đâu nghen!
Con Ba lắc đầu:
- Thiệt tôi cũng... bái chị luôn! Nội cái tôi nghe chị nói sơ sơ qua, tôi cũng đủ ớn xương sống rồi.
Đoạn nó đứng dậy xách bóp lên:
- Thôi, tôi xin kiếu chị để cho tôi về lo sắp đặt công chuyện và hễ tôi tính xong đâu đó đàng hoàng tôi sẽ ra cho chị hay liền.
Phấn cũng đứng theo lên:
- Ờ, chị nhớ ra cho tôi hay liền nghen chị Hai. Mà chị về trỏng cũng liệu cách nào cho anh Tư ảnh rõ công chuyện này...
- Cố nhiên rồi, cái đó chị để kệ tôi. Còn phần chị, theo tôi nghĩ thì chị cũng nên ngưng luôn cái vụ đi thăm nuôi anh Tư bây giờ đi, như vậy để mình tránh được mọi sự tình nghi sau này.
Phấn đành miễn cưỡng nhận:
- Chị nói tôi hiểu rồi... đành chịu vậy chớ biết sao, chớ thật ra tôi cũng nôn gặp mặt ảnh lắm!
- Thì để nữa rồi mặc tình mà gặp (rồi nó liếc xéo Phấn)... hay là chị kiếm một căn nhà nào mướn sẵn để anh Tư ra là dông lại đó rồi. Như vậy “thăm nuôi” ảnh lu bù được đa! Ờ mà phải, chị nên tính như vậy đi, như vậy ông chủ tiệm đây đỡ ngán và cũng khỏi sợ tây tà nó dòm ngó nhà chị!
Phấn mỉm cười hoài nghi:
- Thôi chị đừng xí gạt tôi nữa chị Hai!
- Thiệt mà! Nhưng miễn là ông chủ đây đừng có ghen quá là được!
- Để tôi nghĩ lại coi... Mà thằng chả có ghen thì cũng ráng bấm bụng chịu cho nó quen...
Khi nghe con Ba cho biết là mình có tên trong đám đi đảo và có thể nguy được, Tư Cầu đứng ngẩn ngơ một hồi lâu rồi mới lấp bấp hỏi lại:
- Mà em chắc có như vậy không? Sao anh nghe anh em trong trại người ta xầm xì là sắp có thả nhiều lắm!
Con Ba trề môi:
- Thả xuống biển thì có!
Tư Cầu thở dài:
- Nếu vậy thì cái số của anh xui tận mạng rồi... Cha, hổng biết làm sao cho dưới nhà hay...
- Xui khỉ gì! Sao anh hay tin bá láp quá! Nói vậy cả trăm người khác bị đưa ra Côn đảo thì cũng tại số xui hết sao?
- Thì mình hổng biết đổ thừa cho ai bây giờ... chỉ còn cách nói là tại cái số...
- Có số hên xui hay không là cũng do nơi em đây nè!
Tư Cầu ngó nó lom lom:
- Em sao lúc nào cũng nói bông lơn được hết!
Con Ba nghiêm giọng nói:
- Em nói thiệt đa! Và sở dĩ cho anh hay là để bàn với anh chuyện tìm cách để anh thoát đi!
Tư Cầu trợn mắt rồi ngó dáo dác:
- Trốn đi! Cái này là em nói giỡn đa!
Con Ba không buồn trả lời câu đó mà hỏi luôn:
- Nhưng anh có dám mạo hiểm trốn không hả?
Tư Cầu hốt hoảng đáp:
- Ý hổng nên đâu!
Con Ba lắc đầu:
- Xí, cái gì anh cũng nói hổng nên hết! Vậy chớ anh để nó xách đầu đày ra Côn-đảo, rồi đem bắn đạp xác xuống biển cho cá mập cá xà nó xực... như vậy chắc nên lắm há!
Tư Cầu đáp xuôi xị:
- Thì ai mà muốn như vậy, nhưng em nghĩ coi mình làm sao ra lọt khỏi chỗ... Thập điện Diêm vương này?
- Cái đó để em lo.
Tư Cầu lắc đầu:
- Như vậy càng không nên nữa: anh không muốn em phải liên lụy vì anh. Phận anh, dầu có chết năm bảy mạng cũng chẳng ăn thua gì, còn em... em như vầy kể như cũng sung sướng hơn người ta rồi...
Con Ba bực mình:
- Em sung sướng hay không thì kệ mồ em! Bộ em dại lắm sao mà để cho anh trốn thoát rồi đưa đầu cho Tây nó thộp! Anh cứ việc xách cái thân xác của anh dông đi, mọi việc để kệ em...
- Rồi em cũng phải dông nữa chớ bộ dám ở lợi chịu trận à?
Con Ba chắc lưỡi:
- Thằng cha này sao... bư quá. Bộ em ngu để cho tụi nó làm khó dễ gì được em sao chứ! (rồi nó tha thiết nói tiếp) Mà ví dầu sau khi anh đi rồi, em bị rắc rối lôi thôi gì nữa, em cũng vui lòng mà! Chớ em hỏi anh: em quen biết với anh làm chi mà không nhờ cậy gì được ráo trong những lúc này?
- Em tốt với anh quá đỗi rồi, anh nỡ nào để em phải dính vô thêm cái thứ chuyện chết đó! Anh chỉ xin em một điều: là khi anh ra đảo rồi em làm ơn kiếm cách nhắn tin về dưới nhà giùm. Cha, chắc tía má anh ở dưới vườn được tin này ổng bả rầu thúi ruột! Thiệt anh chưa có làm được việc gì cho ổng bả vui lòng hết... (rồi anh ta mỉm cười chua chát) Còn cái chuyện tranh đấu cho nước nhà độc lập, anh cũng chưa làm khỉ gì nữa! Mới chộn rộn đôi chút là bị thộp đầu lên đây, rồi sắp sửa ra đảo để gởi xương ở ngoải... Ứ hự, cuộc đời của anh toàn là ăn xài lớn mà hổng mua được cái gì cho coi được hết!
Con Ba ngó châm bẩm anh ta:
- Còn trối trăn cái gì nữa thì nói luôn một lượt đi! Anh sao như con gà chết! Em đã nói hổng sao hết: em có cách nào cho trốn đi êm ru mà anh hổng chịu nữa hả? Thì anh vừa nói: anh chưa có làm cái gì nên thân nên hồn hết, vậy mà anh... chịu khó nằm ở đây chờ cho Tây nó chặt! Thiệt nhiều lúc em không hiểu trong đầu trong óc anh có cái gì ở trỏng nữa! Thôi được rồi để nữa em cho hai bác ở dưới vườn biết ngày nào mà Tây nó xách cổ anh đem ra bắn ở ngoài đảo, để hai bác biết mà cúng quảy và giỗ chạp cho anh... như vậy chắc anh mát ruột lắm hén!
Tư Cầu có vẻ mủi lòng:
- Em đừng nói xiên nói xéo, nói cay nói đắng như vậy làm gì... bộ như vầy chưa đủ rối ruột sao chớ! Con chó nó còn muốn sống ăn... bậy thay, huống hồ gì anh đây còn cha mẹ, còn anh em, còn bạn đồng đội... Mà em có chắc là anh đi êm được hông và khỏi phải bị lôi thôi gì hông?
Con Ba gật đầu:
- Chắc... (nhưng rồi nó nghiêm mặt nói thêm) Mà có chắc hay không là cũng do nơi anh: anh cứ làm như thường và tới chừng đó là dông một mạch, chớ cái điệu bộ xăng văng xéo véo như gà mắc đẻ cục tác của anh đó, thì chỉ có nước chết sớm, mà đố khỏi còn gây họa lây cho em nữa!
Tư Cầu nghển cổ, ưỡn ngực:
- Sao em... coi rẻ thằng này quá vậy! Để nữa rồi em coi... Nhưng chừng nào trốn hả em và trốn bằng cách nào? Chớ anh coi bộ ở đây con kiến bò ra cũng còn khó!
Con Ba cười rồi hạ thấp giọng:
- Bò ra hổng lọt nhưng leo ra thì được. Đây nè, anh liếc mắt nhìn chỗ nóc dãy nhà bồi bếp coi, chỗ đó anh có thể leo lên nhảy phóng ra ngoài dễ ợt.
Tư Cầu ngoái cổ nhìn đăm đăm về phía ấy... Thấy vậy con Ba lấy chân đá vào ống quyển anh ta:
- Coi, mới nói đó mà anh cũng ẩu rồi! Anh nhìn len lén hổng được hay sao mà phải ngó thiếu điều rớt con ngươi vậy!
Tư Cầu xẻn lẻn quay lại:
- Ờ chỗ đó coi bộ được đa! Nhưng sao Tây nó hổng rào một lớp dây kẽm gai cà?
- Bộ muốn lắm hả?... Thì anh nghĩ coi trên này là nhà của ông hai chớ bộ chỗ nhốt mấy cha nội ở dưới trại hay sao mà cần phải rào kỹ như vậy! Nhưng anh phải để ý ở hai đầu có lô cốt canh đó nghen.
- Cha, như vầy mới ló ra tụi nó hay hết còn gì?
- Hay khỉ gì được! Phía ngoài vách tuy trống trải, nhưng phía trong này thì anh khỏi lo, vì nhờ có mấy cây vú sữa cành lá um tùm de ra trên mái nhà. Anh chỉ leo lên đó rồi phóng đại ra ngoài, tới chừng đó dầu trên lô cốt tụi nó có thấy và ria theo thì cũng không kịp, mà hễ anh chạy tuốt được vô xóm nhà lá trước mặt thì kể như êm đi. Nhưng anh khỏi lo gì hết: tụi lính canh nó để ý bên phía mấy dãy căng của tù hơn là ngóng chừng lên trên này, nhứt là anh vọt ra vào lúc hơi sập tối trước giờ tập hợp về trại thì chắc ăn lắm.
Tư Cầu lại liếc chừng về phía mái của dãy nhà bồi bếp rồi thắc mắc hỏi:
- Nhưng từ dưới đất lên trên mái cao tổ cha rồi làm sao leo lên nổi?
- Hứ, bộ để nữa em cõng anh lên chắc! Anh cứ yên tâm về điểm đó: miễn làm sao tới ngày tới giờ ấy em sắp sẵn có cách anh leo được lên trển thì thôi!
- Sao em tính coi bộ chắc ăn quá vậy?
Con Ba mỉm cười:
- Từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ, cái gì có chắc ăn... chắc cứng thì em mới làm bằng không thì khỏi đi! (rồi nó nghiêm mặt bảo Tư Cầu) Nhưng mà nè, anh nghe em dặn kỹ đây: về dưới trại đừng có bép xép cái miệng một lời một tiếng nào hết đó nghen!
Tư Cầu gật đầu:
- Ừ mà!... Nhưng anh nói cho bác Tám biết sơ sơ được chớ? Bề gì anh cũng phải từ biệt bác...
Con Ba nhăn nhó:
- Thôi cho tôi xin đứt cái chuyện đó đi! Anh mà hở môi ra cho bác biết thì anh chết sớm! Bác cũng có tên trong số bị đưa ra đảo nữa đó nghen!
Tư Cầu hốt hoảng nói:
- Ý trời, bác cũng bị chung số phận đó sao! Vậy mà tự nãy giờ em hổng chịu nói liền...
Con Ba ngắt ngang:
- Nói làm chi chớ!
Tư Cầu ấp úng đáp:
- Thì sẵn dịp có anh đi, mình cho bác theo luôn.
Con Ba quắc mắt:
- Thôi đi tía! Thiệt mới căn dặn ràng ràng đây mà anh còn tính như vậy. Em nói cho biết: bị có anh kẹt vô trỏng nên em ráng sức mà lo, chớ thiên hạ thì... em xin chịu thua...
- Em ráng thêm một mình bác Tám nữa hổng được sao? Mình cho bác tháp tùng vô... có tốn hao gì đâu. Bác còn vợ con ở nhà... tội nghiệp người ta em à?
Con Ba sẵng giọng:
- Em nói hổng được là hổng được. Em cũng biết thương người ta lắm chớ chẳng phải không, nhưng trong trường hợp sống chết này, em nói thiệt: em thương anh nhiều hơn và trước hơn ai hết... nhiều và trước hơn cả mình em nữa!
Tư Cầu buồn bã đưa mắt nhìn quanh để kiếm bác Tám, nhưng chẳng thấy bác ở đâu hết. Anh ta thở dài chép miệng than:
- Thiệt ở đời có nhiều cái tréo cẳng ngỗng quá: người đáng được cứu thì lại để cho... chết! (rồi anh ta quay sang nhìn con Ba với đôi mắt cầu khẩn) Em à, đằng nào thì cũng nguy hiểm, vậy em cho bác theo đại với anh để cho có bạn một khi trốn được ra ngoài...
- Ý trời, một người mới dễ trốn, bây giờ anh lại tính dắt theo lùm đùm lề đề... năm bảy người nữa thì đứng cách xa mười cây số, tụi nó cũng biết rõ là mấy cha đi trốn. Em nói dứt dạt như vầy: một là anh vượt một mình anh, hai là anh ở luôn trong này cùng bác Tám để chờ ngày đi đảo cho đủ cặp, hai điều đó, anh phải lựa chọn một chứ đừng nói lằng nhằng gì nữa.
Tư Cầu trả lời xuôi xị:
- Thì thôi anh đi một mình vậy!
Bỗng anh ta nhớ trực lại điều gì nên hấp tấp nói liền theo đó:
- Ý mà hổng được em ơi!
- Cha này sao rắc rối tổ mẹ! Cái gì mà hổng được hoài hủy vậy hả?
- Anh hỏi em: rủi anh đi rồi ở nhà tụi nó nhè bác Tám mà tra bác thì sao? Cái chuyện đó dám có lắm nghen!
Con Ba chán nản thở ra:
- Dầu cho chắc có đi nữa thì... đành vậy chớ biết sao! Trời ơi, cái chuyện thoát khỏi nơi đây khó giàn trời, bởi vậy miễn sao anh đi cho trót lọt là mừng rồi chớ hơi sức nào mà lo bao đồng thiên hạ nữa được!
Tư Cầu lắc đầu nói:
- Anh đi mà để phiền lụy cho em, rồi bây giờ cho cả bác Tám nữa... cái đó thiệt không nên em à!
- Tụi nó bắt mấy người ở tù, rồi bắt đưa ra đảo, rồi đem đi xử tử... như vậy có nên không? Còn mấy năm nay đánh giặc đánh giã, bắn nhau rầm rầm... như vậy có nên nữa không? Thiệt nói chuyện với anh nhiều lúc tức ói máu!
Tư Cầu chẳng biết nói sao nên kiếm cách hỏi lảng ra:
- À còn điều này nữa: một khi anh thoát khỏi nơi này rồi làm sao anh có đủ giấy tờ và nếu đi dìa dưới rủi Tây chận xét dọc đường rồi anh tính sao đây? Ở trên này lạ nước lạ cái, đường đi nước bước một tấc anh chẳng rành... chết ở chỗ đó nữa!
Con Ba cười đáp:
- Cái đó anh khỏi lo: em đã sắp đặt sẵn hết cho anh, hễ anh ra rồi thì có chị Phấn ở ngoài chỉ lãnh phần... bao bọc anh sao cho êm thấm hết thì thôi!
Tư Cầu dẫy nẩy:
- Trời ơi, sao em lại để dính vô... cô Ba ở ngoải nữa! Nội mình em đây cũng đủ rồi...
- Cha, lo cho con mẹ chủ tiệm quá há!
- Hổng phải...
- Phải trái khỉ gì! Em với chị Phấn đã bàn tính đâu đó sẵn hết trơn rồi: anh vượt qua khỏi căng này thì có chỉ rước anh liền và tới chừng đó, hai ông bà mặc sức muốn làm gì đó thì làm...
Tư Cầu cự nự:
- Em sao cứ nói giọng đó hoài!
Con Ba ra dấu bảo Tư Cầu đi:
- Thôi ra ngoài với bác Tám đi! Mà nhớ không được hở môi cái gì hết đó nghen!
- Ừ mà!
Tư Cầu lủi thủi đi trở ra ngoài sân kiếm bác Tám. Thấy anh ta ra, bác Tám nhìn anh ta một hồi rồi cười hỏi:
- Mọi khi chú gặp bả, mặt mày chú tươi rói, còn hôm nay sao lại chù ụ như chim ục vậy? Bộ bả còn cự nự chú về cái chuyện chủ tiệm cây hả?
Tư Cầu lắc đầu nín thinh.
- Hay là bả trì kéo gì nữa phải không?
Tư Cầu lại lắc đầu.
- Vậy chớ chuyện gì? Qua coi bộ chú em ăn cơm gạo lức nhiều quá rồi mà vẫn còn... khó tánh!
Tư Cầu chẳng biết trả lời làm sao nên chỉ nói cho xuôi:
- Chuyện này là chuyện riêng... bác hổng biết đâu!
Bác Tám cười xòa:
- Chuyện riêng... thì lần nào cũng chuyện riêng của chú mầy hết mà làm cho qua đây xất bất xang bang! (rồi bác liếc xéo Tư Cầu) Chuyến này, qua mong sao cái chuyện riêng của chú mầy... để qua đứng yên qua một bên thì khỏe lắm!
Câu nói ấy làm cho Tư Cầu bứt rứt khó chịu. Anh ta vặn vẹo mấy ngón tay vào nhau một hồi rồi nói như than thở một mình:
- Không biết trời xui đất khiến cho tui gặp bác trong này làm gì...
Bác Tám có vẻ không bằng lòng:
- Coi, bộ chú em mầy phiền trách việc đó hả? Đã đành rằng có lúc qua cản mũi cản lái chú em thiệt, nhưng lần nào qua cũng “ủng hộ” chú em hết mình mà!
Tư Cầu vội đáp:
- Thì đó! Bác tốt bụng với tui quá nên tui... lo quá bác à! Tui làm phiền bác nhiều quá!
Bác Tám làm bộ cự nự:
- Chú em mầy đừng nói cái giọng đó nghen! Tuy qua có tật hay nói lốp bốp cái lỗ miệng nhưng thiệt tình qua thương chú em mầy lắm! Và qua chẳng thấy có gì phiền ráo.
Tư Cầu dợm nói nữa nhưng bác Tám đã xua tay:
- Qua hổng nghe thêm tiếng nào nữa đâu! (rồi bác dịu giọng bảo Tư Cầu) Thôi, sẵn tay chú mầy khô sạch, chớ qua mới đi tưới kiểng nên ướt chèm nhẹp hết, chú mầy làm ơn đi gói cất giùm ba cái hột ngải qua để phơi trên bực thềm đó! Lấy giống ngải quý đó để dìa dưới trồng một hàng trước nhà qua đó chú em!
Tư Cầu đứng ngó trân trân bác Tám một hồi, môi anh ta mấp máy như muốn nói một điều gì lắm, nhưng rồi anh ta lại cúi đầu lủi thủi đi ra chỗ bác Tám để phơi mấy hột ngải bông giống.... Đến nơi, Tư Cầu từ từ ngồi xuống dưới bực thềm một cách gần như là thành kính, rồi chậm rãi và trịnh trọng gói mấy cái hột ngải lại như gói một di vật quý báu nhứt đời. Xong xuôi đâu đó, Tư Cầu đứng dậy quay lại nhìn bác Tám: bác vẫn thản nhiên tiếp tục tưới mấy hàng bông kiểng... rồi anh ta liếc mắt về phía nóc dãy nhà bồi bếp: cái khoảng trời xanh xanh và lồng lộng ở ngoài kia ấy, tuy tối cần cho mạng sống của anh ta, nhưng quả thật không có chút gì hấp dẫn hết.
Mấy hôm nay lại có thêm một tốp anh em tù đi lên trên nhà ông quan hai để lo việc quét nước vôi lại tường vách trên ấy. Vì có thêm đông người làm nên khung cảnh trên nhà ông quan hai trở nên ồn ào rộn rịp chớ không vắng lặng trống trải như mọi khi. Và điều đó càng làm cho Tư Cầu thêm sốt ruột.
Mới rồi đây, con Ba có cho Tư Cầu biết là nên chuẩn bị... tinh thần cho sẵn sàng để chờ dịp thuận tiện là dông liền và cái dịp ấy, theo như con Ba đã căn dặn đó, thì cũng rất gần kề. Nay thấy người ở dưới trại lên thêm để làm “lao công” trên này, Tư Cầu bắt lo thêm: mọi khi lẻ tẻ một vài người thì còn dễ, chớ bây giờ đông quá... và Tư Cầu có cảm giác là ai ai cũng soi mói nhìn tới mình hết. Mấy lần anh ta định tìm con Ba để hỏi thăm về việc đó nhưng chẳng thấy con Ba ló mặt ở đâu cả.
Mãi đến chiều, trong lúc anh ta xách nước ra tưới bồn bông ở phía đằng trước biệt thự thì đã thấy con Ba đang đứng ngắm nghía mấy cụm lài mới trổ đầy bông búp. Tư Cầu xách thùng nước lại tưới cây kiểng ở đầu đằng này rồi đi lần lần đến trước chỗ con Ba đang đứng.
Không nhìn về phía con Ba, Tư Cầu vừa tưới nước vừa hỏi nhỏ:
- Cha, tự hổm rày đi đâu mất biệt vậy?
Con Ba thản nhiên đáp:
- Thì gần tới ngày đó rồi nên em phải lánh mặt gắt mới được. Gần ngày đi của anh nên em muốn đề phòng cẩn thận vậy mà!
Tư Cầu ngó về hướng mấy anh em lao động đang quét nước vôi:
- Gần tới ngày mà thiên hạ rần rần trên này như vậy rồi làm sao mà thoát cho êm được?
- Cái đó mới càng dễ thêm đa! Thiên hạ có chộn rộn như vậy mình làm cái gì mới không có ai để ý, chớ nếu lèo lèo vài người... dễ lộ lắm anh à!
- Nhưng còn cái vụ leo lên mái nhà kia nữa bộ em quên lửng chuyện ấy rồi sao?
Con Ba cười đáp:
- Chớ anh không thấy có mấy anh em lên trên này sơn phết tường vách đó sao? Năm bảy cái thang đó thiếu gì và chiều chiều trước khi về trại họ dựng sắp lớp ở phía dưới nhà bếp đó.
Tư Cầu khẽ gật đầu:
- Ờ phải, bị anh lo cái chuyện đông người rần rần mà quên phứt chỗ đó! Thiệt may quá em há!
Con Ba lấy tay bụm miệng cười:
- May khỉ gì! Chính em đã biểu ông hai cho sơn phết lại nhà cửa đó chớ bộ không hả? Đó anh coi, cái gì em cũng tính trước hết!
Tư Cầu chép miệng:
- Em thiệt giỏi khó ai bì kịp! Nhưng cái giỏi đó chỉ có... xài riêng cho một mình anh thôi thì uổng quá. Phải chi...
Con Ba không muốn cho anh ta dài dòng thêm nữa:
- Như vậy, bữa nào anh ra đi cũng được hết. Hay là mình định vào chiều ngày mai hả anh?
Tư Cầu đặt thùng nước xuống đất:
- Sao gấp dữ vậy em?
Con Ba cau mày rồi cười nói:
- Anh làm như anh còn bịn rịn ở đây lắm vậy! Chắc hổng phải vì em?
Tư Cầu thở dài:
-... Vì đủ thứ hết trọi!
Con Ba hỏi lại:
- Mình nhứt định vào chiều mai nghen?
- Sao cũng được.
- Anh này thiệt kỳ, anh làm như em ép anh trốn đi vậy! Thôi để em ra dặn trước mọi việc với chị Phấn và sáng mai thế nào em cũng gặp anh lần nữa và là... lần chót.
- Ờ...
- Mà anh ráng giữ gìn cho tự nhiên như thường từ đây cho đến chiều mai, nhứt là đừng có thố lộ một ly một chút gì cho bác Tám biết đó nghen!
Căn dặn xong, con Ba bỏ đi vào nhà...
Sáng hôm sau, nhân lúc Tư Cầu đang lau gạch bông trên nhà một mình, con Ba lẻn đến bảo anh ta:
- Xong xuôi hết rồi nghen anh Tư! Chiều nay trước khi tập họp về trại, anh liệu lúc mấy anh em khác lu bu tắm rửa, anh leo lên mái nhà rồi phóng ra ngoài. Có chị Phấn chực sẵn ở ngoài với bộ quần áo khác để anh thay đổi liền chớ anh cứ vác bộ bà ba đen này đi ngờ ngờ ngoài đường phố đố khỏi bị thiên hạ chú ý đến.
- Cha rắc rối quá há!
- Thì có gì đâu: chị Phấn đã mua sẵn một bộ quần tây, áo sơ-mi và một đôi xăng-đan theo ni cỡ của anh, anh ra ngoải xọt vô liền cho nó có vẻ người ở chợ búa một chút... chớ để đầu cổ chồm bồm như vầy sao được! Và đi kiếm lưỡi lam cạo giùm râu ria kia cho nó sáng sủa mặt mày và bảnh trai một chút coi!
- Được rồi mà!
- Cái gì mà được? Em nói thiệt chớ hổng phải giỡn đâu nghen! Đây nè, em còn chút đỉnh tiền, anh cầm lấy để xây xài và một khi ra ngoài đời thế nào chị Phấn chỉ cũng đưa thêm nữa. Thôi phần em như vậy kể như xong... Em chỉ giúp anh được có bây nhiêu đó!
Tư Cầu đẩy tay con Ba lại:
- Ý trời, em giúp anh như vầy biết đời kiếp nào anh trả ơn cho được! Còn số tiền này... em cất vô đi, anh hổng nhận đâu. Em xài lớn, còn anh dông về dưới vườn thì có tiêu pha gì đâu, với lại ra ngoài đã có cô Ba chủ tiệm cây rồi.
Con Ba vạch túi anh ta ra bỏ xấp giấy bạc vô trong ấy:
- Thì cứ cầm lấy đi, nếu dư dả nhiều thì làm vốn cưới vợ khác chớ chẳng lẽ anh cứ sống một thân một mình như vầy hoài à! Trong giờ phút này mà anh còn đưa qua đẩy lại... chẳng hóa ra phụ tấm lòng của em lắm sao!
Tư Cầu cảm động đưa tay giữ lấy miệng túi áo, mắt nhìn con Ba trân trân, và mãi một lúc sau mới ngập ngừng lên tiếng hỏi:
-... Như vậy, bây giờ tới chiều... anh không còn... gặp em lần nào nữa sao!
Con Ba chỉ khẽ gật đầu.
-... Rồi biết chừng nào mình gặp nhau nữa... sau khi anh thoát khỏi nơi đây?
Con Ba thở dài:
- Anh hỏi chuyện xa vời quá em làm sao trả lời được, nhưng chắc là còn lâu...
- Như vậy kể như anh khó lòng gặp lại em một lần thứ hai nữa!
Con Ba gượng cười đáp:
- Cái đó cũng hổng chắc được nữa! Đó anh coi: hồi hai đứa mình chia tay nhau ở bến tàu Nam Vang, có đứa nào tin rằng mình sẽ gặp lại đâu? Vậy mà em với anh vẫn... đụng đầu nhau tại đây như thường!
- Ờ phải... nhưng gặp nhau trong hoàn cảnh lắt léo như vầy thiệt anh cũng hổng ham!
- Cha chưa chi đã giở giọng đó rồi nghen! Thiệt mấy cha nội đàn ông nuôi cho họ mập thây, rồi họ nói trời trăng nghe coi sướng lắm! Như vậy một khi anh leo khỏi bức tường này kể như... hết tình hết nghĩa. Phải mà, ra ngoải đã có người khác...
Tư Cầu vội nói chận ngang:
- Trời ơi, giờ phút này mà em còn bắt bẻ anh từ li từ chút như vậy thì tội cho anh quá! Anh mang ơn em hổng hết có đâu...
Con Ba mỉm cười nắm lấy tay anh ta siết chặt:
- Em nói chơi cho khuây lãng vậy mà! Chớ chẳng lẽ bây giờ hai đứa mình ngồi ôm nhau khóc sao! Cái chuyện đó ở đây... kẹt lắm, với lại em cũng không ưa cái lối chia ly... phựt đèn màu để xuống... hai mươi câu giọng cổ ấy!
- Em sao lúc nào cũng giỡn được hết!
Con Ba tiếp tục nói bằng một giọng tha thiết:
-... Còn cái việc mang ơn thì dễ mà: khi nào về tới dưới, và luôn cả khi nào anh yên bề gia thất, đôi lúc anh ngồi nghĩ tới em một chút là đủ lắm rồi! (đoạn cô liếc nhìn Tư Cầu mỉm cười nói tiếp) Rất tiếc là ông trời đặt để ra em lại... không hợp để có thể sống luôn bên cạnh anh!
Tư Cầu lắc đầu:
- Thiệt anh nói hoài: em là người đàn bà hiếm có... em hơn người ta nhiều lắm!
- Hơn ở chỗ nào anh nói thử coi?
- Hơn ở chỗ... hơn ở chỗ nào, anh cũng hổng biết rõ nữa, nhưng chắc chắn là hơn...
Con Ba xô nhẹ vai Tư Cầu ra:
- Đây nè hơn ở chỗ: yêu thương anh mà không làm phiền rộn anh, yêu thương anh mà biết... hạ màn đúng lúc kịp thì... Có phải vậy hông?
Tư Cầu có vẻ trầm ngâm, rồi thẫn thờ đáp:
- Ờ... chắc cũng đâu đó...
Con Ba bước lùi ra sau một bước rồi khoanh tay trước ngực hỏi anh ta:
- Thôi, anh còn cần hỏi em điều gì nữa hông chớ đến chiều nay, anh lo liệu lấy một mình anh đa!