Chương 20

-Cô Yên ơi cô Yên.
-Ơi cô đây nè.
-Tụi con tìm được trái cô thích nè, cô biết là trái gì không?
-Me keo hả? Thiệt hả? Sao tìm ra ở đâu mà hay vậy nè? Chao ơi lâu lắm rồi cô không thấy lại được trái này đó. Cám ơn mấy đứa nghe.
-Dạ, tụi con thấy cây ở góc sân có trái chín nên hái cho cô đó.
-Ý chết, có xin phép ai chưa vậy?
-Dạ có mà, tụi con hỏi mấy cô phòng lễ tân khách sạn rồi. Họ dễ chịu lắm cô.
Nguyên và Tranh sà lại xem me keo là trái gì mà Yên mê đến vậy. Hai người nhấm nháp thử rồi phán:
-Cũng ngồ ngộ, chát chát, mà sao Yên thích dữ vậy ta.
-Kỷ niệm thôi Nguyên à, lúc Yên lớn lên chung quanh chỉ có cây me nước này thôi, còn gọi là me keo. Yên nhớ mình chỉ đợi nó chín rồi nhớ mấy anh hái trái cho, thịt thì ăn còn hột chơi ô quan hay đồ hàng. Rồi khi đi xa, trong trí nhớ Yên thấy trái me keo này là ngon nhất.
-Mình chơi ô quan đi cô.
-Ok, lâu lắm rồi cô không được chơi ô quan.
Nguyên nhìn đồng hồ phán:
-Không được đâu, mọi người phải ngủ trưa nửa tiếng, đúng 2giờ sẽ có khóa Giá Trị Sống của cô Yên. Muốn chơi thì đợi ngày mai vào giờ tự do hãy chơi.
Mấy đứa nhỏ than dài xin khỏi ngủ trưa, Yên cười an ủi.
-Ngủ đi mấy đứa, ngủ mới có sức quậy 2 ngày nữa. Chứ tụi con mà thiếu ngủ thì đi chơi sẽ kém vui lắm. Mình nhắm mắt lại nghen, giỏi nghen.
...
Yên hít thở sâu một hơi, nhìn quanh một vòng đám học trò rồi dịu dàng hỏi:
-Tại sao 'tôn trọng' lại là một giá trị sống mà các em chọn lựa? Mỗi người hãy để ra 2 phút suy nghĩ 1 lý do vì sao em thích được tôn trọng, sau đó ghi vào tập. Khi nào xong thì úp tập xuống cho cô biết.
-Sương nói đi em? Vì sao em chọn 'tôn trọng'?
-Tại vì em thấy người lớn không tôn trọng trẻ em, mà em muốn mình được tôn trọng dù mình nhỏ nhất nhà.
Nhiều cái đầu gật gù trước ý kiến của Sương. Yên tiếp:
-Cám ơn em. Phúc thì sao, cô thấy em gật đầu khi Sương nói, em nghĩ gì về ý kiến bạn.
-Em đồng ý với Sương. Em muốn được tôn trọng dù em không phải là người có quyền trong gia đình. Em muốn được hỏi ý kiến dù em chưa làm ra tiền. Em rất tức giận khi nghĩ rằng mình chẳng được coi ra gì chỉ vì mình còn nhỏ.
Bích thêm:
-Đúng rồi, chỉ vì mình là con gái thì không tôn trọng mình. Trong khi các anh em thì được cưng chiều, chẳng phải làm việc nhà gì cả, lại hư hỏng mà vẫn không bị la. Em là con gái thì cái gì cũng phải làm, đúng sai gì cũng không được để ý đến.
-Bích nhắc đến một giá trị nữa có liên quan chặt chẽ đến tôn trọng, đó là công bằng. Bích cảm thấy bị phân biệt đối xử chỉ vì bạn ấy là con gái, như vậy là không có công bằng. Công bằng là một giá trị sống nữa mà các em đã chọn hôm nay. Bây giờ các em bỏ ra một phút suy nghĩ về những việc không công bằng xảy ra chung quanh mình, ghi vào vở để chia sẻ trong nhóm nhỏ nhé.
Nhìn quanh Yên hài lòng khi thấy các em lúi húi ghi xuống những cảm nghĩ của mình. Trước buổi đi chơi này, ba cô đều cảm thấy đám học trò ngày càng trưởng thành hơn, chúng có những thắc mắc và suy nghĩ khá phức tạp. Cả ba nghĩ đã đến lúc phải dạy chúng những kién thức mà ở trường và ở nhà chúng không có dịp học. Sau một hồi suy nghĩ, Yên và hai bạn quyết định dạy các em về giá trị sống. Các em cùng nhau chọn ra 5 giá trị sống mà chúng thấy là quan trọng nhất, đó là yêu thương, tôn trọng, công bằng, hòa bình, và trách nhiệm. Các cô dùng phương pháp thảo luận nhóm nhỏ và nhóm lớn để dạy đề tài này cho các em. Trái với sự lo lắng của các cô, tụi nhỏ tiếp thu khá nhanh và rất thích thú những khóa học này. Suốt buổi đi chơi chúng rất ngoan, tuân theo thời khóa biểu các cô đề ra, biết giữ tốt trách nhiệm của mình dù không kém quậy phá những lúc được thả lỏng. Yên cảm thấy thật hãnh diện khi thấy chúng trưởng thành mỗi ngày dưới sự hướng dẫn của các bạn và mình. Cô tin rằng cứ đà này các em sẽ trở thành những công dân tự tin, có tài, có trách nhiệm, và hữu ích cho xã hội.
Nguyên nhìn Yên đưa tay chỉ vào đồng hồ ra dấu chỉ còn năm phút. Yên mỉm cười cám ơn bạn rồi giơ tay ra hiệu cho cuộc thảo luận của các nhóm nhỏ ngừng lại.
-Chỉ còn 5 phút là hết giờ khóa này. Cô cám ơn sự chú tâm và tham gia nhiệt tình của các em. Cô phải công nhận các em đã trưởng thành nhiều, đã lớn lên và tiến bộ hơn ngày xưa nhiều lắm. Cô rất hãnh diện được làm cô giáo của các em. Mong rằng những gì mình học được ở khóa hôm nay sẽ được các em mang về nhà và thực hành. Mình sẽ có thời gian 5 phút để thay đồ bơi rồi cả nhóm sẽ ra biển chơi dưới sự hướng dẫn của cô Tranh nghen.
-Yeah, hoan hô, hoan hô.
-Ê Nhung, mà có mang đồ bơi cho tao hông?
-Có chứ.
-Anh Phương ơi, đồ bơi em gửi anh đâu rồi.
-Trong giỏ tao chứ ở đâu, mày hỏi nhảm quá à, lẹ lẹ lên mày.
Yên quay lại nhìn hai bạn mỉm cười. Tranh hối hả:
-Em ra biển trước để chuẩn bị, hai chị dẫn các em ra sau nghen.
...
Yên và Nguyên cười lăn ra cát khi thấy dáng đi như vịt của đám học trò. Tranh cho trò chơi ác thiệt, bắt các em cột dây ngang bụng, đầu dây là một trái cà tím dài ngoằng, nhiệm vụ tụi nhỏ là làm sao dùng trái cà đó đẩy những trái chanh về đích bên kia mà không được dùng tay. Tiếng cãi nhau, cười đùa, chọc ghẹo vang dậy cả bờ biển. KHông ít du khách ngoái đầu lại nhóm của Yên và cười ké khi thấy trò chơi lạ. Tụi nhỏ được chú ý lại càng phá hơn.
Phụng la:
-Như ơi trái cà mày bầm dập hết rồi kia.
-Thì của bạn cũng có hơn gì đâu.
-Ha ha, anh Phương ơi, trái chanh anh đi đâu mất tiêu rồi, sao anh lại chiếm trái chanh của em.
-Ủa vậy hả, tao đâu có biết mày. I trái của tao kia kìa, trời ơi phải quay lại sao?
Tranh huýt còi dừng trò chơi, cô gập bụng cười và ra khẩu lệnh:
-Thôi mình ngừng, các em tháo dây ra được rồi.
Tụi nhỏ được lời liền nằm dài ra cát, cười lăn cười bò, đứa này ghẹo đứa kia làm vang cả bờ biển dài.
Chợt Yên nghe tiếng gọi:
-Ờ kìa Yên, Yên hả?
Giật mình nhìn lên Yên thấy Đông đi cùng vài người lớn tuổi. Cô vội vàng ngồi dậy, rủ sạch cát từ áo và tóc, bước đến bắt tay Đông theo thói quen:
-Hi Đông. What are you doing here?
Đông cười, nụ cười rạng rỡ cả khuôn mặt ngăm ngăm vì gió biển:
-Chào Yên, đây là ba mẹ Đông, còn đây là hai bác của _Đông. Cả nhà Đông ra đây dự đám cưới sẵn dịp đi biển dạo luôn. Yên dẫn học trò đi chơi sao.
Yên cúi mình chào người lớn:
-Dạ con chào các bác ạ.
Quay qua Đông cô cười:
-Đúng rồi Yên dẫn các em đi chơi và sẵn dịp dạy khóa luôn.
Thấy cô quay lại nhìn, không cần ra hiệu tụi nhỏ đồng thanh hô:
-Chúng em chào anh Đông ạ. Chúng con chào các bác ạ. Các bạn mạnh giỏi ạ.
Ba Đông cười hiền lành:
-Ngoan ngoan, tụi nhỏ ngoan quá.
Đông dẫn cả nhà đi, không quên vẫn tay chào Nguyên và Tranh cùng các học trò. Chưa được mươi bước ba anh đã hỏi vặn:
-Con có cô bạn xinh thế từ bao giờ mà chẳng giới thiệu cho bố mẹ biết?
-Thôi đi, giới thiệu để bố mẹ đòi hỏi cưới liền à. Người ta là Việt Kiều đó, lỡ có hiểu lầm thì ê mặt chết.
Mẹ anh chen vào:
-Ồ thì ra người nước ngoài về, sao mà dễ thương và lễ phép thế. Mẹ cứ tưởng mấy cô nước ngoài là không coi ông bà già ra gì hết chứ.
Bác Hai cười khà:
-Xem ra hai ông ba thích cô bé này thật rồi Đông ơi, liệu mà cố gắng kiếm cô ấy về không thì mỗi ngày sẽ điếc tai đó. Ở mà bạn con là cô giáo à.
-Dạ, dạy chung trường Anh Văn với con. Giỏi cực kỳ, thông minh và bản lĩnh lắm, chắc là không đến phiên cháu của bác đâu.
-Sao mất tự tin thế cậu. Ngày xưa bố mày đâu có tệ vậy đâu, phải không bà? Ông Trần quay sang bà cười.
-Thôi đi ông, chỉ được cái miệng thôi. Ngày xưa tôi thương ông côi cút thì có. Bà Trần đáp trả không nhân nhượng.
Mấy người cười xòa trong khi Đông lắc đầu ngán ngẩm, bảo đảm mấy ngày tới đây đố có mà yên được với ông bà. Thế nào cũng điều tra về Yên từ gốc đến ngọn cho xem. Kiểu này chắc anh phải trốn về Sài Gòn trước quá. Mà công nhận thật là có duyên, ra đến Mũi Né mà anh và Yên cũng tình cờ gặp nhau. Néu như thật có chuyện duyên số, anh mong rằng đây là dấu hiệu của duyên số hai người.