Sau khi a Cố và a Chế ra đi, mẹ con chị Xuân Ảnh và gia đình tôi khắng khít với nhau ngày một nhiều. Thân tình hơn cả bà con ruột thịt, chị Xuân Ảnh và tôi thường cùng nhau đến lớp, lấy thức ăn ở nhà bếp, về phòng ăn chung hay cùng sinh hoạt với nhau. Cuối tuần, chúng tôi thường cùng nhau đi phố, đi chùa hay viếng thăm một vài nơi ở vùng ngoại ô. Lâu lâu, chúng tôi được đi chơi bằng xe hơi của một nhân viên của sở Di Trú Nhật. Ông này thường vào trại mời Tuấn, con trai chị Xuân Ảnh, thông dịch mỗi khi sở Di Trú Nhật có thuyền nhân hay người tị nạn mới đến. Mê hoặc với sự thông minh và khả năng ngoại ngữ siêu việt của thằng bé mười lăm tuổi, ông đã coi Tuấn như con ruột. Ngoài những món quà dành cho nó và đưa nó đi chơi đây đó, ông còn chở cả hai gia đình chúng tôi đi chơi ở các vùng ngoại ô của Tokyo . Có lần chúng tôi được ông chở đến tận Chi Ba, cách Tokyo khoảng một trăm năm mươi cây số để viếng một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Nhật. Tại đây ông đã chỉ cho chúng tôi cách làm phép như: Đưa tay sờ vào chuông đồng để được hạnh phúc, vớt khói nhang trầm áp vào đầu để được thông minh. Khi tôi mua một cái ví đựng tiền, người bán hàng nhét vào một lá bùa và nói là nó sẽ mang tiền nhiều đến cho tôi. Từ chùa Chi Ba, ông nhân viên của sở Di Trú Nhật chở chúng tôi về nhà ông để giới thiệu với vợ con của ông và thưởng thức các món ăn Nhật do chính tay vợ ông nấu. Hôm đó cũng là ngày lễ trao chìa khóa nhà ông cho Tuấn, một hình thức bày tỏ là ông chính thức coi Tuấn như con ruột. Khi ông run run trao chìa khóa cho Tuấn, tôi hiểu là ông kỳ vọng nó sẽ đến thăm ông một ngày nào đó, bất cứ lúc nào, ngay cả lúc không có ông và vợ con ông ở nhà. Điều này thì không bao giờ xảy ra vì tôi biết chị Xuân Ảnh và Tuấn đang chuẩn bị rời xứ hoa Anh Đào này. Họ, dù phải theo học các lớp do trại Kokusai Kuyen tổ chức, sẽ lên đường đi Mỹ trong một ngày rất gần vì anh Phương, chồng chị Xuân Ảnh, nguyên là sĩ quan Không Quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hiện làm thông dịch cho một tòa án tại Boston, đã lo xong các thủ tục bảo lãnh họ đi theo diện đoàn tụ gia đình. Mơ ước Tuấn trở thành là con ruột mình là ước mơ viễn vông của ông nhân viên của sở Di Trú Nhật bởi vì ước mơ mà Tuấn ấp ủ từ lúc còn ở Việt Nam là được đến Mỹ gặp ba ruột sau bao nhiêu năm xa cách. Tôi biết điều này vì chị Xuân Ảnh thường tâm sự với tôi khi trong phòng chỉ có hai chị em chúng tôi.“Lan biết không! Chị không muốn đi vượt biển vì sợ chết nhưng Tuấn cứ hối chị tìm chỗ đi. Nó đi học nghe tin đứa bạn này đi lọt rồi, đứa bạn khác vượt biển đến đảo rồi nên nôn nóng nói chị tìm chỗ đi cho bằng được.”“Chắc nó không sợ vì không tưởng tượng được sự nguy hiểm của vượt biển. Còn chị nghe nhiều nên sợ và chờ anh Phương bảo lãnh phải không?” Tôi hỏi.“Không phải đâu Lan. Chị đâu hy vọng gì chuyện anh Phương bảo lãnh. Bởi vì ảnh nộp hồ sơ bảo lãnh đến tòa đại sứ Việt Nam ở Thái Lan bị tụi nó hỏi lý lịch, anh bỏ đơn không làm nữa. Ảnh nói là ảnh đã ở nước tự do, không còn thằng Việt Cộng nào được quyền hỏi lý lịch của ảnh. Ảnh viết thư bảo chị đưa Tuấn vượt biên.”“Sao lại vậy? Vượt biên đâu phải là dễ. Đi vượt biên là cầm chết chắc trong tay. Nếu được bảo lãnh đi thì an toàn hơn vượt biên chứ?”“Bởi vậy mới nói! Nhưng ảnh đã khăng khăng là không bảo lãnh nữa mà Tuấn cứ hối chị tìm chỗ đi vượt biên hoài nên chị đành phải làm theo. Sở dĩ chị không muốn vượt biên vì chị không biết bơi; hơn nữa ở Sài Gòn không gần biển, tìm người tổ chức vượt biên đâu phải là dễ. Mình đâu biết ai thật ai giả đâu Lan. Thiếu gì người bị gạt lấy vàng mà không đi được!”“Vậy rồi làm sao chị tìm được chỗ đi?”“Chị Nga đang học lớp mình là bạn chị. Lúc đó chỉ tìm được mối do gia đình chủ ghe tổ chức nên rủ chị luôn. Vì ghe dài có mười thước nên người chủ ghe chỉ tổ chức cho người trong gia đình và họ hàng của họ đi thôi.”“Còn đỡ hơn ghe của tụi em. Nó dài chỉ có bảy mét hà. Vì ghe của tụi em nhỏ xíu nên xuất phát ngay chỗ cầu Xóm Bóng Nha Trang mà công an không thèm bắt”“Ghe của tụi chị thì đi từ Bà Rịa Vũng Tàu. Vừa ra khơi là gặp bão ngay nhưng ông chủ ghe không chịu quay vào bờ. Ra xa thêm độ một ngày thì máy hư, nước tràn vào ghe rất nhiều nên những người lớn đều phải thay phiên nhau tát nước. Cố gắng được năm ngày, không ai còn sức để tạt nước nữa nên nước ngập vào ghe lai láng. Lúc đó, chị Nga gỡ ba tấm ván đưa cho mẹ con chị bảo lấy để làm vật phòng thân. Vợ chồng chủ ghe thấy tình cảnh ngặt nghèo nên để tụi chị gỡ ván chứ dễ nào họ cho mình rã ghe họ ra đâu Lan! Lúc đó chị nghe lời khuyên 'còn nước còn tát' của chị Nga nên miễn cưỡng giữ một tấm ván chứ chị không còn hy vọng gì được sống sót. Lan nghĩ coi, tấm ván thì nhỏ mà biển nước mênh mông làm sao mà sống nổi? Lúc đó Tuấn bị cảm sốt còn chị bị sưng tấy một bên mông vì nằm chẹt lên trên sợi dây thừng không nhúc nhích được. Mê mê tỉnh tỉnh, chị nghe tiếng người gọi nhau, tiếng rao bánh dày, tiếng hát cải lương, tiếng ca vọng cổ nữa. Chị tưởng gần bờ nên nói ông chủ ghe cố gắng chèo trở vào chứ chị biết đâu là ghe đã ngoài hải phận Quốc Tế. May sao lúc đó có tàu Tây Đức trông chiếc ghe của tụi chị bị vùi dập trước những cơn sóng lớn nên quyết định cứu.”“Có phải họ đã thả thang xuống vớt người ở ghe chị lên không?”“Không. Tàu họ không có thang sắt hay thang dây gì cả. Có lẽ họ chẳng bao giờ xuống tàu bằng thang và chẳng bao giờ cứu người nên không chuẩn bị thứ này.”“Vậy rồi làm sao họ vớt những người trên ghe chị lên tàu?”“Tụi chị phải đứng trên boong, chỗ gần mũi ghe, nhón chân, giơ hai tay thẳng lên trời chờ sóng nhồi ghe lên cao thì người trên tàu thò đầu xuống, vói tay kéo lên.”“Trời ơi! Vớt người kiểu gì mà nguy hiểm dữ vậy? Mà em chưa bao giờ nghe chuyện tàu lớn mà không có thang vớt người như tàu mà chị kể đâu! Nếu chẳng may thủy thủ của tàu bị rơi xuống biển thì họ làm sao?”“Bởi vậy, nghe như vậy thì chẳng ai tin! Nhưng tàu Golar Free cứu chị không có thang là chuyện thật. Mấy ông trên tàu nói phải làm theo cách như vậy để tụi chị có thể lên tàu thật nhanh nhứ giông sắp đến rồi. Thế là mọi người dưới ghe của chị đành phải nghe theo dù phải đứng trên boong ghe trồi trượt và nghiêng ngả bởi sóng gió”“Dễ sợ quá vậy!”“Cái kiểu vớt người của ghe chị dễ sợ lắm, Lan không tưởng tượng nổi đâu! Vậy mà hay một cái là mấy đứa nhỏ và mấy bà trên ghe nghe lời chỉ dẫn đều lần lượt được kéo lên. Đến phiên chị, phần vì chân ê bước không được do đùi bị tấy nhức, phần vì sợ té khi đứng chập chênh trên ghe, chị không tin là mình được kéo lên. Y như rằng, khi người thủy thủ ở trên tàu vừa nắm tay kéo chị lên là chị bị tuột tay rơi xuống nước ngay.”“Trời ơi!”“Ừ. Kinh khủng vậy đó! Biết sao không Lan? Chị bị dính đầy dầu do nằm gần chỗ máy dầu bắn ra mà mệt quá đâu hay biết gì. Cho nên khi người trên tàu Tây Đức chụp tay chị rồi mà vì tay chị trơn quá nên chị bị tuột và rơi xuống biển.”“Rồi chị làm sao?”“Chị chìm ngay khi rơi xuống nước chớ sao! Chứ có biết bơi đâu mà nổi được! Nhưng may là chị văng ra ngoài chứ văng xuống giữa tàu Tây Đức và cái ghe của tụi chị thì chị bị cả hai chiếc kẹp nát thây rồi. Lúc đó thằng Lương, em vợ ông chủ ghe, phóng ngay xuống chỗ chị vừa rớt rồi vớt chị lên ngay. Kéo chị lên ghe xong, nó nói chị lau người cho khô hết nước và hết dầu rồi tiếp tục đến ở chỗ mũi ghe đứng giơ hai tay lên và chờ sóng nhồi cho ghe cao lên để người trên tàu chụp lên nữa. Lúc đó chị nhất quyết không chịu nghe lời nó cũng như không nghe mấy người đàn ông đang còn lại ở trên ghe. Chị nói mấy ổng lên tàu hết đi để chị ở lại chết trong ghe cũng được. Chứ Lan nghĩ coi, lúc đó chị vừa đói lả, vừa bị thương bên mông, vừa thất hồn sau khi bị rớt xuống biển thì còn tinh thần nào để theo lời mấy ổng?”“Dạ, em hiểu. Nhưng... rồi sao nữa hả chị?”“Thằng Lương năn nỉ chị quá chừng. Nó hứa là sẽ đỡ chị đưa lên cao khi chắc chắn người trên tàu kéo chị lên được thì nó mới bỏ tay ra. Nó còn nói là chị không lên tàu thì nó không lên! Chị thối thoái hoài chẳng được nên đành theo lời nó. Cuối cùng, người ta cũng chụp được chị để kéo lên trên tàu; nhưng chị vừa được kéo lên là ngất xỉu ngay.”“Lúc đó Tuấn ở đâu?”“Tuấn được vớt lên tàu, nói chuyện với thuyền trưởng và người thủy thủ của tàu về chuyến đi của tụi chị nên đâu biết chuyện chị rớt xuống biển. Đến khi nghe nó nghe tin chị ngất xỉu thì khóc quá trời. Ông thuyền trưởng của tàu vừa thương cảm hoàn cảnh của mẹ con chị vừa không biết tình trạng sức khỏe của chị phải giải quyết thể nào nên đã cho tàu vòng trở lại Singapore để kiếm bác sĩ ra tàu khám và điều trị cho chị. Sau khi chị tỉnh lại nhờ thuốc chích, tàu mới tiếp tục hành trình. Vì chị mà hành trình của họ bị chậm trễ đó Lan! Tính từ ngày tàu vớt đến Nhật mất đến một tháng tròn.”“Ủa? Sao lúc đó họ không để mấy người trong ghe chị ở lại Singapore luôn?”“Ông thuyền trưởng nói với tụi chị là tàu ổng chở gas đến Nhật, nếu ổng hỏi sở di trú Nhật bằng lòng nhận thuyền nhân thì ông chở tụi chị đến đó luôn còn không thì tụi chị ở lại Singapore. Khi biết Nhật đồng ý và tụi chị bằng lòng theo tàu đi Nhật, ông chở tụi chị đến cảng Chi Ba của Nhật luôn. Tụi chị không chịu ở lại Singapore vì nghe nói trại ở đó khổ hơn trại ở Nhật. Tội một cái là chiếc tàu Tây Đức đã chiều theo ý muốn của tụi chị nên phải đài thọ tụi chị suốt cuộc hành trình.”“Giống ông thuyền trưởng Đan Mạch và các thủy thủ của táu vớt tụi em. Họ chăm sóc tụi em từ chuyện ăn uống, áo quần, an toàn và cả chuyện gọi về sở di trú Nhật hỏi chuyện địng cư trong mười ngày chúng em ở trên tàu. Tụi mình quả là may mắn vì trên thế giới này còn có rất nhiều người nhân đạo như thuyền trưởng của tàu cứu chị và thuyền trưởng của tàu cứu tụi em. Cũng nhờ những tấm lòng nhân ái của họ mà những người lênh đênh trên biển như tụi mình mới được sống sót và có ngày hôm nay. Em biết là chị không thể nào quên những ân nhân của chị cũng như em không bao giờ quên tấm chân tình mà những ân nhân của em dành cho em và gia đình em.”“Tàu vớt tụi chị là tàu Tây Đức và thuyền trưởng cũng là người Tây Đức nhưng thủy thủ thì gồm nhiều sắc dân khác nhau. Ông thuyền trưởng này tốt lắm Lan à! Ổng thường vào phòng thăm chị và khuyên chị phải cố gắng ra ngoài boong tàu phơi nắng mỗi ngày. Cũng nhờ thằng Tuấn nói tiếng Anh giỏi, nên mẹ con chị được ổng quan tâm nhiều. Còn mấy người thủy thủ trên tàu cũng thương nhóm người của ghe chị lắm. Họ tìm có thứ gì thì cho tụi chị thứ nấy. Đa số là áo thun và quần lót mới. Đàn bà của ghe chị toàn mặc quần lót đàn ông nên vào trại, tụi nó đặt tên là 'Nhóm mặc quần lót đàn ông' là vậy!” “Nhóm của tụi em thì họ đặt tên là nhóm 'Thiếu Lâm Tự'. Các nhóm khác có tên là 'Nhóm Đi Thẳng', 'Nhóm tàu lật', 'Nhóm bốn mươi chín người'... Dù ở nhóm nào chăng nữa, đến được đây, mình là những người may mắn. Chứ nếu không được tàu vớt, chúng ta đồng số phận với những người bị chết chìm thôi.”“Đúng vậy đó Lan. Mỗi chúng ta có một cái số trong cuộc hành trình tìm tự do này. Được tàu vớt, được tới đất liền, giấc mơ tự do của chúng ta đã trở thành hiện thực, còn những người kém may mắn phải mang ước mơ của họ xuống tuyền đài. Đã có quá nhiều chiếc ghe vượt biển bị chìm cho nên âm hồn của những người chết kêu khóc khắp đại dương. Mấy người ở trại này như bà Nga, con Thúy, con Lan, thằng Bình, ông Cảnh cũng nói là họ nghe những tiếng gào cứu bi thương ai oán khi ghe lênh đênh trên biển. Giờ nhớ lại những tiếng gọi, tiếng nói, tiếng ca hát trên biển, chị nghĩ là sinh hoạt của những oan hồn ấy còn quyến luyến những gì mà họ sinh hoạt khi còn sống.”Những câu chuyện kể của chị Xuân Ảnh thường làm tôi suy nghĩ nhiều về ước mơ và số phần của những thuyền nhân chúng tôi. Mặc dù rất an lòng với sự may mắn của mình, tôi thường chơi vơi với sự mất mát mà những người kém may mắn phải trải qua. Đã có rất nhiều cơn ác mộng đến với tôi hàng đêm. Có lúc tôi thấy những bức tường sóng khổng lồ cong đầu cuốn ghe chúng tôi. Có lúc tôi thấy ghe mình bị nướn tràn vào và chìm dần trong biển nước. Dù bị đắm bằng cách nào, tôi luôn thấy mình từ từ tách khỏi đám người đang chơi vơi trong lòng biển. Sau đó, Tinô rời khỏi tay tôi và lơ lửng trong màn nước tím đen. Những lúc như thế, tôi thấy mình cố gắng hết sức để giữ chặt Tinô vào lòng nhưng sự ngộp thở vì sức nước đã không cho tôi thực hiện quyết tâm của tôi. Những cơn ác mộng thường làm tôi la hét, tuốt đầy mồ hôi và kinh hoàng khi thức dậy. Mỗi khi bất chợt nhìn nước biển trên màn ảnh của vô tuyến truyền hình thì đầu tôi trở nên cứng đờ. Tôi biết một cách chắc chắn là những hình ảnh kinh hoàng cũ vẫn còn tiềm tàng trong tiềm thức của mình và thần kinh của mình không được bình thường vì chuyện chết biển vẫn chưa được xóa hết trong ý nghĩ của tôi. Đồng với sự bất ổn tinh thần của mình, tôi luôn luôn nghe lời tâm sự của chị Xuân Ảnh: “Nếu kiếp sau có bị Cộng Sản đày đọa cách mấy chị cũng ráng cam chịu chứ chị sợ vượt biển quá rồi Lan à. May là tụi chị có tàu Tây Đức vớt chứ ghe chị đi từ Bà Rịa ngang qua vịnh Thái Lan tránh sao được nạn hải tặc. Không ít chuyến vượt biển bị cướp bóc, hãm hiếp, thảm sát, ném xuống biển hay chết chìm vì ghe bị đục bởi bọn hải tặc đâu Lan. Phải nói là người Việt Nam mình đã trả một giá khá lớn cho hành trình tìm tự do đó Lan.”Tôi hiểu vì sao chị Xuân Ảnh nói như thế nên tôi đã không bàn luận gì về ý kiến của chị. Tuy nhiên, khi nghĩ đến những thuyền nhân kém may mắn, tôi hiểu sự dày vò trong nội tâm của họ trước khi họ quyết định bỏ lại quê hương, bà con ruột thịt, nhà cửa và tài sản để vượt biên như thế nào. Chắc chắn là họ đã lường trước được những gì xảy ra khi trường hợp xấu xảy đến mhưng họ vẫn quyết định ra đi hơn là ở lại.