Chương Ba

Chiều hôm ấy, khi tôi đang nấu bữa cơm tối, chồng tôi giục tôi cho Tinô ăn mau để chuẩn bị lên đường. Tinô vốn là đứa dễ ăn và các thứ cần dùng đều được chuẩn bị sẵn trong hai giỏ xách cho nên chỉ cần nghe tin báo là tôi có thể cho nó xong chén cơm trong vài phút và lấy hành lý đi ngay. Chỉ có việc  mà tôi lừng khừng, không quyết định được là số lượng thuốc ngủ cho Tinô uống sau khi cho nó ăn. Theo các câu chuyện kể, những đứa nhỏ theo cha mẹ vượt biển đã phải uống thuốc ngủ để tránh sự phát hiện của công an và vài đứa trong số ấy, vì uống quá liều mà khi ghe đến bến tự do thì không thể thức dậy được nữa. Tôi không muốn bị công an phát hiện và cũng không muốn liên lụy mọi người bị bắt theo mình nhưng tôi không muốn trường hợp xấu nào xảy ra cho con tôi. Suy nghĩ một hồi, tôi chỉ cho Tinô uống nửa muỗng cà phê thuốc ngủ. Lúc đó, với sự tưởng tượng về các xóm chài thưa thớt và những bãi biển vắng người của những chuyến đi trước, tôi tính là sẽ dùng đôi bàn tay của mình vỗ về thêm giấc ngủ cho nó. Tất cả mọi người trong đại gia đình của chồng tôi rối rít như thể chúng tôi sắp vào cửa tử. Quyến luyến vây quanh chúng tôi một lúc, ông nội chồng, mẹ chồng và các cô chồng của tôi lần lượt vào phòng thờ. Tôi biết là họ chuẩn bị tụng niệm để cầu nguyện cho sự an toàn của chúng tôi vì thế tôi đã nghẹn ngào không nói nên lời khi chào chia tay với những đứa em họ.
  Trước cổng, Long, em trai họ của chồng tôi, đang rồ máy chiếc Honda 67 cũ trong tư thế sẵn sàng. Cố tạo vẻ bình thường, nó đáp chào những người hàng xóm đang ngang qua lại. Còn chúng tôi chỉ lo ém chặt thành hàng sau lưng nó và giả như chẳng thấy ai. Chiều gần xẩm tối, lúc nhúc trên một chiếc xe máy cũ kỹ ọp ẹp rất dễ tạo sự chú ý của hàng xóm. Chúng tôi làm ra vẻ lơ láo vì không muốn trả lời những câu hỏi có tính cách thân mật và thường xuyên của những người đang ngồi ở các quán cóc cạnh nhà.
Vừa leo lên xe, chồng tôi hối hả nói:
  “Vào khu máy nước, đi qua ga Nha Trang rồi ra Quốc Lộ đi Long!”
   Ngạc nhiên, tôi thì thào:
  “Tại sao mình phải đi hướng đó? Em tưởng là mình xuất phát tại cầu Xóm Bóng chứ?”
  Chồng tôi đáp, nhỏ giọng không kém:
  “Không phải tại cầu Xóm Bóng! Anh không biết mình sẽ xuất phát nơi nào nhưng họ hẹn gặp mình ngay trên đỉnh đèo Rù Rì. Để đánh lạc hướng công an, mình đi về hướng Thành rồi lấy đường cải lộ tuyến bọc lại. Anh sợ nhiều nhóm đến cùng một chiều, đỗ cùng một lúc,  lao nhao một chỗ sẽ bị những chiếc xe qua lại, nhất là xe tuần của công an nghi ngờ.”
  Tôi không hỏi thêm. Các chuyến vượt biển nào cũng vậy, điểm hẹn thường khác với điểm xuất phát. Cần nhất là thoát khỏi sự chú ý của công an là ổn cả thôi. Đầu tôi lúc ấy chỉ ám ảnh thời gian ở trên ghe, thời tiết trong thời gian lênh đênh trên biển và sự cập bến. Theo lời của vợ chồng C. Sơn thì từ lúc  xuất phát đến khi cập đảo Palawan tối đa chỉ có bảy ngày. “Palawan! Cầu xin trời phật phù hộ cho chúng con đến đảo Phi bình an.” Tôi thầm nhủ. Tôi thường nghe đồn Palawan của Philippine là nơi cập bến của đa số những người vượt biển từ Nha Trang cho nên tôi rất hy vọng gặp lại bạn bè cũ tại đó. Ngước mặt lên trời tôi cầu nguyện thời tiết tiếp tục tươi đẹp như thế. Tôi chỉ mong được thượng lộ bình an và tàu đến bến bình yên; chứ không nề hà chuyện nhịn đói để dành thức ăn cho Tinô trong suốt hành trình. Thực ra, tôi đã chuẩn bị nhiều lương thực trong hai giỏ xách của mình kể cả nước và các thứ linh tinh dành cho chuyến hải hành. Nếu những người tổ chức không đủ cung cấp thức ăn, nước uống hay thuốc men cho chúng tôi, thì chúng tôi có thể tự xoay sở được.
  Khuôn mặt của Tinô lộ vẻ thích thú vì ngỡ được đi chơi cùng bố và mẹ nhưng có lẽ nó nhận ra sự im lặng căng thẳng của chúng tôi nên không hề bi bô như những lần được đi xe gắn máy. Đứng chẹt giữa chúng tôi, bá cổ bố và xoay người trong vòng tay ôm của mẹ, nó chỉ lặng lẽ nhìn cảnh vật hai bên đường. Những cơn gió hiu hiu trên đường không làm cho mắt nó sụp xuống và tôi không biết đến khi nào lượng thuốc ngủ mới tác dụng được. Khoảng hơn bốn mươi phút xe chúng tôi mới đến chân đèo Rù Rì, thế mà Tinô chẳng hề có chút dấu hiệu nào tỏ ra buồn ngủ. Chồng tôi nói Long ghé vào quán nước bên đường vì lúc bấy giờ chỉ mới năm giờ ba mươi lăm phút. Chỉ có hai người chủ quán và bốn người công nhân làm đường ngồi hai bàn khác nhau trong quán nhưng chúng tôi hết sức thận trọng. Cố tình cho mọi người tưởng mình là người lỡ đường trong chuyến đi chơi từ Ninh Hòa về thành phố Nha Trang, chúng tôi trao đổi với nhau bằng những câu lớn tiếng. Nhưng đến khi cùng túm tụm ở một bàn nước tách biệt, chúng tôi nói bằng giọng thì thầm vừa đủ nghe. Long cho biết chỉ cần mười phút là nó có thể lái chúng tôi đến đỉnh đèo. Chồng tôi đề nghị đến trễ hơn giờ hẹn khoảng ba hay năm phút để  tránh chuyện đổ bộ ồ ạt của các nhóm người vượt biển. Khuôn mặt đầy lo lắng của anh cho tôi biết là tinh thần anh đang bấn loạn với chuyện bị bắt. Chẳng khác gì anh, chuyện bị bắt quả tang trong lúc công an tuần bất ngờ  luôn ám ảnh trong đầu tôi nhưng tôi cố gắng trấn an anh là có thể đã có một chiếc xe đò đậu sẵn trên đỉnh đèo chờ đón người vượt biển bằng chuyện dàn cảnh xe hư dọc đường. Tôi còn thuyết phục anh là có thể những người tổ chức sẽ chở mọi người đến bãi biển nào đó như Lương Sơn, Đại Lãnh hay Sông Cầu rồi bắt chờ đến khuya để được người đưa ra ghe bởi vì theo kinh nghiệm của những chuyến đi trước, chưa bao giờ có chiếc ghe vượt biển nào xuất phát trước lúc nửa đêm. Từ sáu giờ chiều đến lúc ấy phải là khoảng thời gian vận chuyển đến bãi biển và thời gian chờ đợi tình thế an toàn trước khi khởi hành. Chồng tôi im lặng tỏ vẻ tán thành khi nghe tôi nói. Cùng nhau bàn luận thêm một lúc, chúng tôi đồng thuận là giữ đúng giờ qui định.
  Đồng hồ của Long chỉ sáu giờ, chúng tôi đến đỉnh đèo Rù Rì đúng như kế hoạch. Cảnh vật im lìm và con đường vắng vẻ trên đèo cao khiến đều chúng tôi hoang mang lo sợ. Trên con đường nhựa duy nhất trên đỉnh đèo, không có chiếc xe nào dàn cảnh hư như tôi ước đoán và cũng không có chiếc xe nào chạy ngang qua. Long tấp xe vào một bên đường, nơi có nhiều bụi cây thâm thấp lẫn những khóm cây um tùm, đối diện với những khối đá chồng chơ vơ không cây lá ở lề đường bên kia, dáo dác nhìn quanh. Khuôn mặt nó lộ vẻ lo sợ chẳng khác gì chồng tôi và tôi. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến vẻ hoang vắng và man dại của đèo Rù Rì trong màu lam nhạt của trời chiều. Gió trên cao thổi mạnh từng cơn. Những tiếng rít của những cơn gió khiến tôi cảm thấy rờn rợn. Quay ra sau, tôi cảm thấy hãi hùng hơn. Màu xanh thẫm của cây rừng và sự trùng điệp của núi đồi xuôi thoải về phía dưới sâu tạo nên một vẻ huyền bí và mơ hồ cho người quan sát. Chồng tôi kinh hãi chẳng khác gì tôi vì sự vắng vẻ và hoang dại của cảnh vật. Chúng tôi đã từng tham gia nhiều lần vượt biển nhưng chưa bao giờ chúng tôi trải qua một điểm hẹn trên đỉnh cao, nơi không nhà ở, không bóng người trong sương chiều mờ ảo như thế. Trong lúc phân vân chưa biết nên đi về hay đứng chờ, chúng tôi chợt thấy vài người đang xăm xăm đi lên từ dưới dốc đèo ở hướng đối ngược. Nhìn họ lơ ngơ giữa đường lộ với những chiếc xách nhỏ bên hông, chồng tôi hốt hoảng quay sang Long, hiện đang ngồi trên xe, nói một cách vội vã:
  “Long lái xe đi ngay đi! Đi mau đi, chứ nhiều tốp người cùng một lúc như vầy công an đi ngang bắt hết cả thì vạ lây!”
  “Anh chị đi bình an!” Long nói xong, nổ máy, rồ ga, và tăng tốc vụt đi.
 May là đường Quốc Lộ lúc này không có một chiếc xe nào qua lại. Nếu không, hai nhóm người lố nhố của chúng tôi sẽ tiết lộ đây là những người đang chuẩn bị trốn ra khỏi nước và sẽ bị rắc rối bởi sự lục xét và chất vấn của công an. Dù vậy, chúng tôi chẳng biết là mình sẽ được đón đi với hình thức nào và phải trốn ở đâu để người đón có thể tìm ra. Trong khi vợ chồng chúng tôi lúng túng nhìn nhau vì không biết phải đi hay đứng ở đâu, một giọng nói giục giã vang lên từ phía sau lưng:
  “Ê! Vào đây nè! Chạy vào trong này mau lên!”
  Quay về phía các bụi cây ở viền núi thoải xuống biển, tôi thấy một người thanh niên đang ngoắc tay với khuôn mặt hớt hãi. Theo hướng chỉ của người thanh niên này, chồng tôi vội vã xách chiếc giỏ lớn chạy vào trong các bụi cây. Tôi vừa cặp Tinô một bên nách vừa mang chiếc giỏ nhỏ bên hông cũng chạy theo, nhanh không kém. Khi đi tìm chỗ núp, tôi thấy vài người đang ẩn mình sau các bụi cây. Có lẽ họ ngồi chờ trước khi chúng tôi đến từ lâu lắm nên mỗi người im lặng ở mỗi nơi cố định.
  Nhóm người vừa lên dốc cũng được một thanh niên khác báo cùng thông điệp:
  “Đừng đứng ở ngoài đường nữa! Mau tấp vào các bụi cây bên trong này nè!”
  Nhóm đến sau, mỗi người mỗi ngã, hấp tấp như tôi, đi tìm các bụi cây cao nhất và rậm nhất để ẩn mình vì nơi đây chỉ toàn những bụi cây lụp xụp và thưa thớt. Ý nghĩ sẽ bị bắt bởi điểm hẹn khá lộ liễu, tôi đã tìm chỗ núp khác chỗ của chồng tôi. Tôi đã chuẩn bị là nếu bị công an phát hiện, sẽ ở lại chịu trận chứ không thể anh liên lụy theo. Vì muốn anh có thể thoát thân một mình mà không phải cáng đáng vợ con, tôi đã chia đều các thứ lương thực kể cả áo quần của Tinô cho hai chiếc giỏ của chồng tôi và của tôi trước khi chuẩn bị hành trang lên đường. Ám ảnh với trường hợp người đi, kẻ ở lại, tôi còn sắp sẵn kế hoạch phải làm gì nếu phải tìm đường trở về nhà một mình. Tôi đã định là sẽ quẳng các thứ liên quan đến chuyện trốn ra khỏi nước rồi giả làm kẻ lỡ đường nếu phải bị trường hợp như thế.
Một người đàn bà dẫn theo một đứa con gái cỡ mười sáu tuổi đến núp cùng một bụi rậm với tôi, hỏi:
  “Mình có cần vào trong sâu không?”
  “Không!” Tôi đáp nhỏ rồi nói thêm, “Ở chỗ này, mình có thể nhìn ra ngoài đường thăm chừng. Có xe đến rước là mình chạy ra đi ngay.”
  Người đàn bà chau mày:
  “Xe đến rước? Tôi có nghe xe nào đến rước đâu? Tôi nghe là mình phải đi trong rừng để đến bãi mà!”
  Nửa tin nửa ngờ với sự tiết lộ tôi vội quay đầu ra phía sau. Hàng hàng lớp lớp cây cối chi chít và thoai thoải theo núi đồi kéo tận dưới sâu khiến tôi không thể nào tin đó là con đường đi đến bãi, nhưng khi tôi đảo mắt về phía đường lộ mà chẳng thấy một chiếc xe nào dừng lại thì tôi chẳng hiểu người tổ chức sẽ đưa mình đi theo hướng nào và bằng phương tiện gì. Bàng hoàng vì không định rõ chuyện thực hư như thế nào và lo lắng vì không chuẩn bị cái địu con như C. Sơn dặn, tôi bỗng nghe Tinô khóc òa trong tức tưởi. Nó mếu máo gọi bố liên hồi khiến người đàn bà ngồi cạnh bên giãy nảy:
  “Trời ơi! Chị có bịt miệng nó lại ngay không! Để nó khóc như vầy, lộ ra, công an bắt mình chết.”
  Không thấy tôi có phản ứng nào đáp lại lời yêu cầu của mình, bà hỏi liên tiếp:
  “Chị có cho con chị uống thuốc ngủ chưa vậy? Đem con nhỏ theo như vầy mà chị không cho nó ngủ thì làm sao vượt biên được?”
  Vừa dỗ dành Tinô, tôi vừa trả lời: “Tôi đã cho nó uống thuốc ngủ rồi nhưng không hiểu sao đến giờ thuốc vẫn chưa thấm.”
  Người đàn bà hỏi rất nhanh:
  “Chị cho uống bao nhiêu rồi? Chắc chị cho nó uống ít quá nên nó chưa ngủ được chứ gì?
  “Tôi đã cho nó uống gần một muỗng canh rồi.”
  “Một muỗng canh? Chỉ một muỗng canh thôi thì làm sao đủ đô cho nó được? Chị cho nó uống thêm đi! Ít nhất  phải thêm hai muỗng canh nữa! Chứ nó khóc như vậy trước sau gì mình cũng bị công an bắt!”
  “Tôi không mang thuốc ngủ theo. Nếu có, tôi cũng không cho con tôi uống.” 
 Tôi nói với giọng gắt gỏng, rồi ôm xốc Tinô đứng lên định tìm lùm cây khác để núp. Đúng lúc ấy, chồng tôi đến:
  “Đi mau lên em! Họ nói là mình phải lên đường ngay chứ không kịp.”
  Ngơ ngẩn vì không hiểu chuyện gì xảy ra và tại sao phải đi sâu vào các lùm cây thay vì chờ xe đón ngoài đường Quốc Lộ nhưng tôi vẫn phải ôm Tinô và kệ nệ chiếc giỏ bên hông chạy theo mọi người. Chồng tôi hiểu sức nặng của Tinô và chiếc giỏ không làm tôi đi nhanh được nên ghé tay xách thêm chiếc giỏ mà tôi đang mang rồi thì thầm bảo tôi bước nhanh hơn. Những người đi trước tôi, không ai nói với ai lời nào, người sau nối đuôi người trước thành một hàng ngay ngắn như đã được căn dặn trước. Đi càng sâu vào các lùm cây thâm thấp mọi người càng đi rất nhanh, không khác nào đoàn lính ào ào tiến về cứ điểm, vì vậy, có lúc tôi có cảm tưởng như mình sắp sửa bị họ bỏ rơi. Chồng tôi cố gắng bước nhanh nhưng phải khệ nệ vì hai chiếc giỏ khá nặng; cho nên, có lúc tôi phải vượt anh, chạy theo sau những người đi trước để khỏi bị mất dấu. Càng đi chúng tôi càng nhìn mọi vật khó khăn hơn. Chẳng mấy chốc, vạn vật chìm hẳn vào bóng tối. Các lùm cây trở thành những bóng đen dị dạng trong không gian lam mờ huyền ảo. Nếu không căng mắt nhìn kỹ những người đi trước để nhận rõ hướng di chuyển của họ tôi sẽ không biết họ ở đâu vì bóng của họ như bị nuốt chửng và hòa lẫn trong những lùm cây đen dầy đặc xung quanh. Thỉnh thoảng người dẫn đường dùng đèn pin rọi đường để ra dấu cho chúng tôi bước theo. Bước đều đặn, không ai nói với nhau lời nào cũng như không hề hỏi người dẫn đường đang dẫn chúng tôi đi đâu. Hình như mọi người đều sợ tiếng nói của mình có thể vang đến một đồn gác nào đó của du kích hay công an biên phòng.
  Gió mát của núi làm Tinô ngủ gật trên vai tôi. Ôm chặt nó vào ngực có lúc tôi chạy thật nhanh, nhưng có lúc tôi phải dừng lại phụ chồng tôi xách một quai của chiếc giỏ lớn rồi giục anh đi mau hơn. Dù cố gắng thể nào, vợ chồng chúng tôi luôn cách đoàn người đi trước một khoảng nhất định. Càng lúc, sức mạnh của hai chiếc giỏ càng trì kéo hai bước chân của chúng tôi, thế nhưng, chúng tôi không thể quẳng bớt vài thứ để bước nhanh hơn. Phần lớn trọng lượng của chúng đều từ các bình nước dành cho Tinô bảy ngày ở trên ghe. Ám ảnh chuyện đói khát và chết khô của những chuyến vượt biển bất hạnh được nghe, chúng tôi quyết đem tối đa số lượng nước dành cho con mình cho dù phải vận chuyển khó khăn như thế nào.
  Những người đi trước chúng tôi chỉ quan tâm đến hướng tiến đến hơn là nhìn lại phía sau họ xem người theo họ có bị bỏ rơi hay không. Họ, không khác chúng tôi, nếu không đi nhanh, và không nhìn kỹ người đi trước, sẽ mất dấu trong tích tắc và sẽ bị lạc ngay. Cứ thế, chúng tôi cùng lầm lũi bước đi; không ai nói với ai điều gì và cũng chẳng để tâm đến người sau lưng mình. Riêng tôi, là người đi cuối cùng, vì sợ sự truy kích bất thần nào đó của công an, thỉnh thoảng ngoảnh lại nhìn sau lưng. Mỗi lần nghiêng đầu nhìn ra sau, tôi chỉ thấy những đám cây đen và đỉnh núi đá xa mờ trong màn sương. Thất vọng vì sự việc không diễn ra như mình phỏng đoán, tôi canh cánh lo sợ khi nghĩ đến sự chưa chuẩn bị cho đoạn đường phải đi đến đích.
  Lúc này, tôi bước vất vả hơn vì Tinô đã buồn ngủ mà không chịu úp mặt vào vai tôi. Nó không thích lối ngủ ngồi nên nhất quyết ngả người ra sau tìm chỗ nằm. Mắt nhắm mắt mở trong trời đen như mực, tưởng cái giường đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình sau lưng như bao lần ở nhà, nó nhất định ườn người ra sau đòi nằm dài thoải mái mới thôi. Thua cuộc, tôi chiều nó bằng cách ôm ngửa trên hai cánh tay mình trong khi bước liên tiếp.
  Đi thêm một quãng, đoàn người đang đi nhanh đột nhiên bước chậm lại và tản hàng. Một lạch nước ngăn trước mặt khiến cả bọn phải lục tục cúi mình để xăn quần bó vế. Mặc dù con lạch chỉ rộng chỉ khoảng ba sải tay của một đàn ông tầm vóc trung bình nhưng không ai dám lội qua vì chưa biết rõ độ nông sâu của nó như thể nào. Trong khi mọi người đứng thành hàng ngang để chờ lội theo sau người dẫn đường, chồng tôi giục tôi trao Tinô cho anh ẵm qua. Chuyền nó sang cho anh xong, tôi gấp rút kéo lai quần lên bó sát vào đùi rồi vác hai chiếc giỏ hai bên vai lội theo cạnh. Đến giữa dòng, anh bị trượt bởi những hòn đá trơn tuột dưới chân, té ngửa văng Tinô rớt ùm xuống nước. Đang ngủ ngon, bị ngộp, Tinô sặc sụa thét lên kêu mẹ inh ỏi. May là tôi đi cạnh, nên khi nó vừa rơi xuống là tôi phụ chồng tôi vớt nó lên ngay. Sang đến bên kia bờ, chúng tôi vội vàng lấy khăn lau khô rồi thay áo quần cho nó. Khi mọi người quấn quít hỏi han, tôi cất giọng van nài:
  “Xin tất cả làm ơn đi chậm lại! Tôi có con nhỏ như thế này mà mọi người đi nhanh quá tôi không theo kịp đâu.”
  Một người đàn ông nào đó phàn nàn:
  “Chẳng cần gì có con nhỏ. Tối đen như vầy mà mạnh ai nấy đi kiểu như hồi nãy thì một hồi không biết ai còn ai lạc.”
  Nghe lời này, mọi người đồng ý họp lại kiểm đếm số người hiện diện rồi chia hai người dẫn đường một đi trước, một đi sau. Thỏa thuận đâu đó, chúng tôi an tâm tiếp tục lên đường. Mọi người tỏ ra cởi mở và quan tâm với nhau hơn qua những lời đối thoại thì thầm. Còn Tinô, tuy ấm áp trong bộ đồ mới và được ẵm ngửa như mong muốn nhưng không ngủ lại được. Có lẽ vì không tin rằng mình ở trong vòng tay của mẹ, nó mở mắt thao láo nhìn tôi không chớp. Khi chồng tôi giơ tay đòi bế để xin lỗi cái sơ xuất của mình, nó lắc đầu quay đi rồi bá chặt cổ tôi nói “Má! Mẹ! Má! Mẹ!”Thế là tôi lại ôm đầu và mông nó trong thế ngồi như lúc ban đầu trong khi bước đi. Người thanh niên đi sau tôi, hình như ám ảnh cảnh Tinô rơi xuống nước, luôn miệng hỏi thăm sức khỏe của nó. Điều này làm tôi cảm thấy an tâm về tính đàng hoàng và nhân hậu của những người đồng hành với mình và hy vọng rất nhiều về sự thành công của chuyến đi.
  Chúng tôi đi rất lâu thì đến một nơi rất quang đãng. Những hàng cây thâm thấp của vùng này mọc rất thưa thớt và thẳng hàng. Những nhánh xòe như dạng cây đu đủ của chúng khiến tôi áng chừng đó là một rẫy khoai mì. Xuyên qua rẫy này, chúng tôi đi vào một khu vườn đầy cây ăn quả. Tại đây, người thanh niên dẫn đường đã dừng lại tại một gốc cây ít cành, thưa lá và bảo chúng tôi nghỉ một chút. Anh với những nhánh cây trên đầu, bứt trái, bỏ vào miệng nhai, rồi nói:
  “Anh chị nào muốn ăn chùm ruột cho đỡ khát thì hái đi.”
  Hai người đàn bà và mấy đứa nhỏ lao xao vói cành. Giọng nói của một bà vang lên:
  “Để tôi hái ít trái đem theo, phòng khi xuống ghe không
có nước uống.”
  Nghe thế, tôi cũng bắt chước hái vài chùm bỏ vào túi áo của mình.
  Những người đàn ông không hề quan tâm đến chuyện đói khát. Họ đặt hàng loạt câu hỏi cho hai người dẫn đường với giọng đầy hệ trọng và nghiêm trang: “Khi nào mình tiếp tục?”, “Có kịp giờ không?” và  “Còn bao lâu nữa mới đến nơi?”
   “Mình nghỉ một chút là phải đi ngay. Bên ghe hẹn mình ở bãi từ một giờ đến ba giờ. Nếu đến ba giờ mà không thấy mình họ sẽ đi luôn.” Người dẫn đường đáp bằng một giọng nghiêm trang không kém.
   ”Vậy thì mình đi ngay đi! Càng sớm càng tốt. Chẳng thà đến trước giờ hẹn còn hơn bị trễ.” Một người đàn ông nói.
  “Chỉ mong là mình đến đúng giờ hẹn bởi vì đường đi sắp tới rất gập ghềnh.” Người dẫn đường đáp lại với giọng hết sức lo âu.
  “Hơn nữa, nhóm mình phần đông là đàn bà và con nít không biết có đến bãi kịp không? Các chị các em cố gắng đi theo chúng tôi thật nhanh. Nếu không kịp giờ, ghe sẽ bỏ mình lại đó. Ông chủ ghe đã giao hẹn là không chờ.” Người thanh niên đi cuối nhóm sau khi Tinô bị rớt xuống sông, nói thêm.
Không ai đáp trả một lời; mọi người vội vã lục tục đứng dậy chuẩn bị lên đường. Tôi đã rút chiếc đèn pin trong giỏ ra khi đứng lên. Khi thấy tôi mở đèn để thử, người dẫn đường đi đầu cảnh cáo:
   ”Tôi xin dặn trước là không ai được dùng đèn. Mặc dù chúng ta phải đi trong tối trên con đường gập ghềnh nhưng phải lần bước theo nhau mà đi chứ không được bấm sáng đèn để soi đường. Nếu mà mấy anh chị không nghe lời, bị công an phát hiện thì đừng có trách.”
  Tôi không hỏi lại mặc dù rất thắc mắc tại sao anh ta bấm sáng đèn pin sau khi cảnh báo chúng tôi như thế. Kiểm số người hiện diện xong, người thanh niên dẫn đường này bảo chúng tôi đi theo.
“Cần phải đi ngay chính giữa để khỏi bị lạc!” Tôi đã nghĩ vậy khi chen vào sau lưng người thứ năm của đoàn người.