Chương Mười Bốn

“Có Tàu! Có tàu! Có tàu kìa!”
  Tiếng reo inh ỏi của Tài đã đánh thức tôi dậy. Dáo dác nhìn quanh một lúc, tôi hững hờ nhìn bóng tàu ở xa thật xa. “Lại thêm một sự lơ là và rẻ rúng!” Tôi đã nghĩ thế nhưng lòng rất thanh thản và an bình. Ánh sáng dịu dàng của bình minh và sự tương đối phẳng lặng của mặt biển đã cho tôi cảm giác như mình đang ở trong giấc mơ đẹp sau khi trải qua cơn ác mộng kinh hoàng. Nhớ đến vật đẩy dưới đáy ghe nơi mình nằm, tôi vội vàng ngoái đầu ra ngoài sườn ghe để tìm hiểu, nhưng xung quanh chiếc ghe của chúng tôi giờ chỉ là một vùng biển xanh thẫm với những ngọn sóng vừa phải đang nhấp nhô lên xuống. Vì mặt biển tương đối phẳng lặng nên sàn ghe của chúng tôi không có độ nghiêng khá lớn như tối hôm qua nhưng điều ấy không thể thuyết phục là tôi đã bị ảo giác đánh lừa. Tôi tin chắc là cái vật đẩy nào đó đã nâng chiếc ghe chúng tôi cao hơn mặt biển và đã đưa chiếc ghe chúng tôi ra khỏi vùng có giông khi nó tạo ra những tiếng rột roạt ngay mạn thuyền tôi nằm tựa vào. Chính cái vật đẩy đó đã đưa chúng tôi đến vùng biển tương đối êm dịu này trước khi bỏ đi. Giờ đây không có nó, chiếc ghe chúng tôi trở lại tình trạng ù lì gần như bại liệt và những người phụ lái phải ra sức chèo để tránh tình trạng nước theo chân vịt vào khoang ghe.
  Trong lúc mọi người chểnh mảng nhìn quanh biển, những đứa nhỏ đột nhiên la khóc dữ dội. Tinô cũng òa khóc theo trong khi uốn éo mình mẩy của nó trong lòng tôi. Biết nó cũng ở vào tình trạng khổ sở vì rít róng, tù túng và đói khát như những đứa trẻ kia nên tôi đành cởi chiếc áo của nó ra để liệng xuống biển trước khi ẵm nó lên nóc buồng lái xin ông chủ cho ngồi lại chỗ cũ. Sở dĩ tôi làm vậy là để nó đỡ bớt nóng nực và hy vọng xin nước cho nó từ cái thùng chứa gần đó. Ngày hôm trước, ông chủ ghe rất dè sẻn cho mọi người nước uống vì số nước trong thùng còn lại rất ít. Những cây đá mà ông định dùng làm nước uống đã tan chảy và bị tạt xuống biển từ bao giờ; cho nên, nước trong thùng chứa chẳng có được bao nhiêu từ những mảnh đá vụn tan ra và hiện thời chỉ để dành cho những đứa con nít. Tinô được uống nước lại được thoát khỏi cái áo đầy nước biển và chất nôn ói nên trông vui vẻ hẳn lên. Sự hài lòng của nó làm tôi yên tâm phần nào trong lúc vẫn còn xốn xang với cảnh nó ở trần, không có áo mặc. Tự an ủi là chiếc lưng đầy sảy của nó cần được thoáng khí, và không thể dùng chiếc áo khá bẩn của nó nữa để biện minh cho việc làm của mình, tôi dự định là sẽ dùng chiếc áo khoác dơ dáy của mình để bọc tấm thân nhỏ nhoi của nó khi trời về đêm. Vài bà mẹ cũng đã tháo áo và cả quần của con họ quẳng xuống biển vì chúng bẩn đến độ làm da non của mấy đứa nhỏ đỏ ửng và lấm tấm sảy. Trong khi dằn vặt và chua xót với cảnh con mình trần truồng như thế, những người mẹ chúng tôi đắm chìm trong ý tưởng riêng. Không khí buồn tẻ bao trùm lấy chiếc ghe cho dù nó lờ l?ng trên mặt biển như chiếc du thuyền.  Không hề tỏ ra chút chú tâm, hai người phụ lái đẩy mái chèo một cách lờ đờ, miễn cưỡng và không định hướng.
Tiếng nói đầy thất vọng của Tài vang lên:
“Chiếc tàu đó đi nữa rồi!”
 Thông điệp này đã làm tôi buồn bã như những lần trước; nhưng lần này không hiểu sao, tôi lại trông ngóng và mong chờ sự loan báo mới của Tài với hai chữ “Có tàu!” Những lời đồn đãi về sự cạn kiệt của tấm lòng nhân đạo thế giới trước khi vượt biển vẫn còn đọng trong trí của tôi nhưng tôi không tin là thế gian đã mất hết lòng nhân đạo. Tôi vẫn còn hy vọng và tin tưởng là chúng tôi sẽ được cứu vớt trong một ngày nào đó, miễn là ghe chúng tôi không bị dìm chìm bởi giông to sóng lớn hoặc được tấp vào một bờ đất nào đó. Nhìn màu nước xanh đậm của biển, tôi bỗng nhớ những ngày ra bãi ngồi ngắm trời, mây nước. Lúc ấy, từ bờ nhìn ra khơi tôi thường hay mơ ước được lênh đênh giữa biển trời như thế để thấy tâm hồn thư thái, an bình và riêng biệt. Giờ đây, ở giữa vùng nước mênh mông như ước muốn cũ, tôi lại cảm thấy ngao ngán màu xanh biển đến kinh hoàng. Ao ước duy nhất của tôi lúc này là tìm thấy được màu xanh của lá để chiếc ghe nhỏ bé của mình có được một bờ bến tấp vào. Tuy nhiên, bến bờ mà tôi muốn đến là một hoang đảo nơi chúng tôi có thể tìm thức ăn nước uống trong lúc chờ máy bay phát hiện hoặc những chiếc tàu ngang qua cứu giúp chứ không phải là nơi thuộc đất nước mà ghe chúng tôi vừa trốn thoát đi. Ở đó, chắc chắn là sự bắt bớ và tù đày đang chờ chực chúng tôi.
“Có tàu, có tàu! Có chiếc tàu lớn đàng kia kìa!” Tiếng reo của Tài làm tôi giật mình đưa mắt nhìn theo cánh tay chỉ của nó.
Một tiếng nói đầy bất mãn của một thanh niên nào đó vang lên:
“Có tàu! Có tàu! Cho một trái lựu đạn này là có cũng như không!”
Hốt hoảng, tôi la lớn:
“Ê! Đừng có làm bậy đó nghe! Mình đang ở trong hải phận Quốc Tế mà gây tiếng nổ; mấy tàu khác họ tưởng là tàu hải tặc làm khó dễ với mình là lớn chuyện đó!”
Vì quá sợ hãi tôi đã nói vậy chứ lời nói của tôi chẳng đúng lý lẽ gì; nhưng bà chủ ghe vừa nghe tôi nói đã trừng mắt về phía những người thanh niên đang đứng cầm chèo:
“ Đứa nào vừa nói như vậy đó? Thằng Tèo? Thằng Luân? Hay thằng Châu? Tao cấm tụi mày làm chuyện bậy bạ! Nghe chưa!”
Tôi vội đính chính:
“Nếu những người trên những chiếc thuyền lớn có ống dòm thấy ghe mình có toàn đàn bà con nít bơ phờ, xơ xác thì không nghĩ là ghe hải tặc đâu nhưng nếu mình gây nổ ở vùng biển Quốc Tế là bất hợp pháp.”
Bà chủ ghe không đáp lời tôi, vẫn quay mặt về phía những người chèo lớn giọng:
“ Có nghe không Tèo? Luân? Châu? Tao nói không ném lựu đạn là không ném lựu đạn! Đứa nào không nghe lời thì đừng trách tao.”
Châu đáp lại với giọng trấn an:
“Thằng Tèo nói chơi thôi mà dì! Chứ nó có lựu đạn gì đâu!”
“Có hay không chỉ có tụi mày biết, nhưng tao nói không là không!”
Bà chủ la như vậy rồi quay lại giải thích với tôi:
“Tụi nó thường đem chất nổ để?ánh b?t cá. Tôi không biết tụi nó có đem theo lúc này không nhưng tôi phải la như vậy để ngừa tụi nó làm bậy.”
Tôi im lặng vì sốc. Tôi đã tiếc nuối mãi về chuyện để mất vũ khí tự vệ của mình, mà có ngờ đâu những người thanh niên trên ghe có cả chất nổ trong tay. Nếu vợ chồng chúng tôi còn chiếc dao xếp của cha chồng tôi thì vẫn không thể nào bảo vệ được Tinô khi mà sức mạnh của người cầm vật nổ sẽ khống chế tất cả mọi người trong tình trạng lộn xộn trên ghe. Hình dung những chuyện chẳng lành sắp xảy ra, tôi hoàn toàn xuống tinh thần, và cảm thấy nản nề hơn khi nghe tiếng nói đầy thất vọng của Tài:
“Chiếc tàu đó lại đi nữa rồi!”
“Có tàu, rồi lại không có tàu! Nói hoài mà không thấy có tàu nào đến cứu thì tao quăng mày xuống biển để cá ăn thịt trước đó!”
Tiếng lầm bầm của ông chủ ghe làm tôi hoảng sợ. Tôi biết ông nói cho có nói hoặc là để hả giận với những điều xảy ra ngoài ý muốn chứ không có ý hại Tài khi mà tôi nghe phong phanh nó là cháu ruột của ông hay của vợ ông gì đó. Thế nhưng sự bất mãn của người phụ lái đến người chủ ghe đã cho tôi thấy rõ ràng dấu hiệu khủng hoảng tinh thần của những người đang điều hành chiếc ghe. Rùng mình với những tưởng tượng không hay trong trí, tôi hứa với lòng là sẽ không bàn bạc hay nói năng gì với ai nữa để được yên thân.
Tài không bất bình với những lời cằn nhằn của ông chủ ghe, nói như reo:
“Có tàu! Có tàu kìa!”
  Mọi người dồn mắt nhìn theo hướng chỉ của nó. Vài người ngồi trước mũi lao xao:
“Đúng rồi! Có tàu! Có tàu!”
“Hình như cái tàu đó đang đi tới phía ghe của mình!”
“Cầu trời cho cái tàu đó vớt mình!”
Sự rộn rã của mọi người làm tôi cảm thấy hân hoan hẳn lên. Mắt của tôi như muốn căng ra để nhìn cho kỹ chiếc tàu đàng xa. Đúng như mọi người nhận định, m?t chiếc tàu đang di chuyển rất chậm nhưng mũi của nó hướng về phía ghe chúng tôi chứ không phải ngang qua trước tầm nhìn của chúng tôi như những chiếc tàu trước đó.
“Hình như chiếc tàu bỏ đi lúc nãy. Nó vòng trở lại để đến ghe mình.” Tiếng nói của anh Thảo vang lên.
 Lòng tôi ngập tràn vui sướng và hy v?ng khi nhận ra chiếc tàu th?c s? đang trực chỉ đến chiếc ghe của chúng tôi. Càng lúc nó càng hiện rõ hơn nhưng càng đến gần, nó di chuyển rất chậm chạp. Tôi đã hồi hộp khá nhiều khi thấy những bóng người lăng xăng chạy trên boong tàu. Hình như họ đang tìm cách di chuyển chiếc tàu đến gần ghe chúng tôi trong lúc cố gắng hạn chế những con sóng lớn có thể gây lật chiếc ghe quá nhỏ bé của chúng tôi.
“Tàu Xã Hội Chủ Nghĩa rồi bà con ơi! Cờ nó có sao!”
“Thôi rồi! Kỳ này mình bị tụi Xã Hội Chủ Nghĩa bắt giao cho công an rồi!”
Giật mình, đảo mắt theo hướng nhìn của những người loan tin, tôi thấy trên mạn thuyền có một chiếc cờ xanh màu nước biển nhạt và ngôi sao trắng ở chính giữa. Tôi đã phân vân rất lâu vì không biết đó có phải là cờ của nước Xã Hội Chủ Nghĩa hay không; nhưng sau một hồi ôn lại trí nhớ, tôi chắc chắn rằng mình chưa hề thấy nó khi học thuộc cờ của các nước trên thế giới. Bởi vì nếu đã từng, thì tôi đã có thể thuộc hai màu trang nhã của nó một cách dễ dàng rồi. Tôi cũng không tin đó là tàu của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa vì điệu bộ đi lui tới vội vã của những người trên tàu biểu hiện sự lo lắng quan tâm hơn là vây bắt để trừng trị. Dù suy luận như thế, tôi không dám bàn tán một lời nào ngay cả bày tỏ sự tán thành với lời phán của một người đàn bà nào đó:
“Có bị tụi Xã Hội Chủ Nghĩa bắt cũng lên tàu, chứ kiểu này thì trước sau gì tụi nhỏ cũng chết.”
Quay về phía tiếng nói ấy, tôi thấy nhiều cánh tay vẫy của người đàn bà con nít đang ngồi, quỳ lổn nhổn trên sàn tàu. Vài người khóc nức nở trong khi chắp tay xá lạy rối rít. Chồng tôi và những người thanh niên gần đó cũng đỏ hoe mắt khi đưa tay vẫy gọi. Họ, chẳng khác gì tôi, tuy hy vọng được cứu vớt nhưng vẫn ám ảnh sự lạnh lùng và dửng dưng của những con tàu của ngày trước đó, nên đã không ngừng tuôn nước mắt trước sự thật đang xảy ra. “Cảm ơn trời phật đã xui khiến cho những người trên tàu ấy cứu mạng con của con.” Tôi đã thì thầm lời này khi xiết chặt vòng tay quanh người của Tinô.Trong lòng tôi, Tinô nhìn chằm chằm về phía trước với ánh mắt mong đợi và khao khát. Thì ra, trong cái đầu non nớt, nó cũng ý thức được là những người đang chạy tới chạy lui trên con tàu lớn ấy sẽ là những vị cứu tinh của nó.
Khi khoảng cách giữa chiếc tàu lớn và chiếc ghe của chúng tôi chỉ còn độ bốn mươi mét, một người đàn ông có dáng dấp bệ vệ như thuyền trưởng đang đứng tựa thanh chắn của boong tàu đưa tay ra hiệu cho chúng tôi lái ghe tới chỗ mà ông muốn. Lúc này chiếc tàu lớn đã ngừng hẳn nhưng có lẽ máy của nó vẫn còn hoạt động nên đã tạo nhiều ngọn sóng cuồn cuộn xung quanh. Trước vẻ ngần ngừ của hai người thanh niên đang cầm mái chèo, ông chủ ghe quyết định chèo ghe một mình. Tôi đã thấy sự căng thẳng nhiều lần trên khuôn mặt của ông chủ ghe trong những ngày vượt biển nhưng chưa bao giờ thấy khuôn mặt ông căng thẳng hơn lúc ấy. Dọn quang một chỗ nơi mạn ghe phải rồi đứng trong tư thế vững vàng, ông khoát mái chèo một cách rất dè chừng và cẩn thận. Tim tôi đập thình thịch khi thấy chiếc ghe cưỡi trên những ngọn sóng vì hiểu là nó có thể lật úp một cách bất thình lình nếu người lái ghe lỡ tay trong phút giây ngắn ngủi nào đó. Nếu như thế thì chẳng có đứa con nít nào có thể vớt lên khỏi mặt đại dương chưa kể những người không biết bơi như tôi. Chẳng khác gì tôi, mọi người hồi hộp theo dõi sự di chuyển của chiếc ghe trên những con sóng dập dềnh thay vì nhìn lên chiếc tàu trước mặt. Xoay ngang một cách khó khăn trên những con sóng, chiếc ghe dịch từ từ đến vị trí song song với hông của chiếc tàu rồi tiến đến nơi chỉ định. Người đàn ông ở trên boong có dáng dấp bệ vệ và đứng đắn của một thuyền trưởng tỏ ra rất căng thẳng khi cho thả chiếc dây thừng lớn khổ màu xanh biển nhạt xuống chỗ ghe dừng. Chỉ vài phút, những người thanh niên trên ghe nắm được đầu mối rồi phụ nhau cột nó trước mũi để giữ cho chiếc ghe yên định phần nào ở chỗ gần thang sắt. Nhốn nháo reo mừng, đàn bà, con nít đứng lên, ùn ùn tiến về phía mạn trái gần mũi ghe, nơi cập gần sát chiếc thang sắt của chiếc tàu lớn khiến cho chiếc ghe chònh chành, nghiêng ngả không ngừng. Trong khi ông chủ ghe cố gắng ghìm tay chèo để giữ sự thăng bằng cho chiếc ghe, anh Thảo kêu nài mọi người đi từ từ chớ đừng chen lấn vậy mà chẳng ai màng để ý đến họ. Không thể giữ im lặng được nữa, tôi nói lớn:
“Từ từ chờ đến phiên không được sao vậy?  Mấy ngày trong giông tố không bị sao hết, nay ai nấy tranh nhau leo lên thang để bị rớt chìm dưới nước, không ai cứu kịp thì đừng có mà hối hận!”
 Bà chủ ghe đang dượm người đứng lên, nghe tôi nói như thế thì ngồi lại chỗ cũ, đưa mắt về phía mà tôi đang nhìn chằm chằm. Từ trên chiếc thang sắt, hai người đàn ông, một đen một trắng, đang leo xuống để phụ ẵm những đứa nhỏ lên tàu. Họ đã xuống lên nhiều lần trên chiếc thang sắt để lần lượt đưa tất cả những đứa trẻ lên tàu một cách an toàn và cẩn thận. Khi chiếc ghe vơi người, ông chủ ghe đến bên vợ, đưa tay ẵm đứa con út bên hông, hỏi tôi với khuôn mặt rạng rỡ:
“Cô thấy tui chèo tài không? Không phải dễ đâu.”
Tôi đáp:
“Ai cũng biết anh tài mà! Không phải chỉ có chuyện cập ghe gần chiếc tàu này đâu mà cả những ngày ghe trong giông to sóng dữ nữa.”
Tôi định nói thêm: “Anh đích thực là 'Anh Hùng' như tên gọi!” nhưng gượm lại vì nghĩ lời tông bốc chẳng tăng thêm ích lợi gì khi phần thưởng dành cho sự tài trí của ông đã được đáp bằng sự cứu vớt bất ngờ rồi.
Chồng tôi đã ẵm Tinô theo sau ông chủ ghe để leo lên thang sắt. Khuôn mặt anh lộ vẻ hân hoan chẳng khác gì ông chủ ghe làm tôi nhớ lại là chẳng hề nghe người đàn ông hay thanh niên nào cầu nguyện trong những phút hiểm nguy. Có lẽ đối với họ, sự hợp lực để đối phó cho sự an toàn của chiếc ghe thiết thực hơn những điều mà đàn bà và con nít chúng tôi làm trong tình trạng bất khả năng của mình. Giờ đây, chặng đường nguy hiểm đã qua, và sự an toàn chắc chắn đang chờ đợi trên chiếc tàu lớn trước mặt, niềm vui sướng của chúng tôi rộng thênh thang chẳng khác biển trời.
Người đàn ông da trắng, đứng tuổi có dáng vẻ oai nghiêm đúng là thuyền trưởng như tôi đoán. Ông đã cho nhân viên tháo dây thả chiếc ghe trôi đi khi tất cả chúng tôi lên hết trên boong. Trong lúc anh Thảo tường trình cho ông những gì xảy ra cho chiếc ghe chúng tôi bằng tiếng Anh, ông chủ ghe luyến tiếc nhìn chiếc ghe đang bồng bềnh trên mặt biển, và nói với chúng tôi rằng:
“Phải chi máy không hư, đến được đảo Phi thì mình có thể giữ nó làm vật kỷ niệm rồi! Thấy nó nhỏ như vậy mà chắc ghê chưa!”
Theo hướng nhìn của ông, tôi xúc động nhìn lại vật đưa mình qua chặng đường sóng to biển dữ trong những ngày vừa qua. Đúng như ông nói, tuy chỉ là chiếc ghe nhỏ nhưng nó không bị rã, vỡ hay bị đánh tan bởi những con sóng lớn. Có lẽ ông đã lường trước khả năng của nó nên đã trét, trám hay đóng ghép kỹ càng trước khi lên đường với hy vọng lưu giữ nó ở bờ đất Phi Luật Tân như một kỷ vật. Giờ đây, càng lúc càng xa chiếc ghe nhỏ nhoi và trơ trọi trên mặt biển, tôi cảm tưởng như xa một vật thân thương của mình chẳng khác gì tâm trạng của ông chủ ghe. 
Anh Thảo nói chuyện với ông thuyền trưởng xong, báo cho chúng tôi biết là chiếc tàu cứu chúng tôi không phải là tàu Xã Hội Chủ Nghĩa mà là tàu buôn dầu của Đan Mạch. Tàu này sẽ đi đến Nhật, vì thế thuyền trưởng sẽ đưa chúng tôi đến đó, còn chuyện định cư nước nào thì sẽ phân giải sau. Vừa nghe báo thế, cả nhóm người chúng tôi ồ lên reo mừng sung sướng. Những người đàn ông và thanh niên đều thở phào nhẹ nhõm trong khi nhìn nhau bằng những đôi mắt vui tươi. Với ánh mắt tươi vui không kém, anh Thảo kể cho chúng tôi nghe là ghe chúng tôi được cứu nhờ một thanh niên trên tàu thường chạy bộ trên boong mỗi buổi sáng. Sáng nay, sau khi chạy bộ, người thanh niên này dùng ống nhòm ngắm biển thì thấy chiếc ghe nhỏ với những đứa nhỏ trần truồng và phờ phạc nên chạy báo cho thuyền trưởng ngay. Thuyền trưởng, người điều khiển tàu dầu Đan Mạch này, đã từng cứu vớt nhiều chiếc ghe vượt biển của thuyền nhân Việt Nam khi ngang qua lại vùng biển Thái Bình Dương nhiều lần, nên khi nghe tin, liền cho họp thủy thủ đoàn để bàn tính chuyện cứu vớt. Bởi vì chiếc tàu dầu của ông khá lớn trong khi chiếc ghe chúng tôi quá nhỏ, ông đã bàn với các nhân viên của ông cho tàu làm một vòng cua  khá rộng và giảm tốc độ của nó khi đến gần ghe chúng tôi để tránh sự lật úp. Đồng với sự tính toán này, ông đã ra lệnh cho đầu bếp nấu xúp và chuẩn bị thức ăn cho chúng tôi. Nhìn những khuôn mặt đầy xúc động của chúng tôi, anh Thảo cho biết thêm là thuyền trưởng đã lấy danh sách của nhóm để chọn phòng ở cho chúng tôi theo gia đình và giới tính.
Khoảng hai mươi phút sau, chúng tôi lần lượt rời khỏi boong tàu để đến phòng mình tắm rửa. Trên đường đi, tôi đã rón rén từng bước vì hiểu rằng sự dơ bẩn của bản thân mình có thể tổn hại đến sự sang trọng và sạch sẽ của những tấm thảm đỏ dưới chân. Những người thủy thủ trên tàu đã chia cho chúng tôi áo quần của họ khi kèm theo những chiếc khăn tắm và xà phòng. Vợ chồng tôi được hai bộ đồ của người đầu bếp người Phi Luật Tân nên đã bỏ hai bộ áo quần dơ dáy đến độ không thể sử dụng lại được c?a mình. Riêng Tinô, tôi đã phải giặt chiếc quần dài của nó rồi cho nó mặc lại ngay khi quần còn ẩm ướt. Những đứa khác hoặc trần như Tinô hoặc trần lẫn truồng vì những bộ đồ cũ của chúng không thể nào sử dụng được nữa. Có những đứa thiếu niên phải bơi trong những chiếc áo phùng phình của các thủy thủ đô con như đang mặc áo đầm và vài người đàn bà cũng trong tình trạng như vậy.
Tắm rửa xong, chúng tôi được hướng dẫn đến phòng ăn. Phòng này ở tầng dưới tầng của các phòng chúng tôi ở. Nó là một phòng ăn rộng rãi và rất lịch sự. Tuy cạnh bếp, nhưng quầy ngăn giữa khu nấu với các bàn ăn đẹp và lịch sự chẳng khác nào ba rượu của các nhà hàng khang trang và sang trọng trong các phim nước ngoài mà tôi từng xem được trước đây; cho nên, khi đi nhận thức ăn, tôi có cảm giác như mình đang được phục vụ trong một nhà hàng quý phái. Chúng tôi được tự do chọn bàn ăn để ngồi theo nhóm và những người mình muốn ngồi chung. Phần lớn mọi người đều ngồi theo gia đình và gần cửa sổ kính, nơi có thể ngắm biển dễ dàng. Những khuôn mặt hí hởn và hạnh phúc của mọi người trong lúc chờ lấy thức ăn cho tôi cảm tưởng như cả nhóm sắp ăn tiệc mừng cho ngày được hồi sinh của mình. Hít hà với mùi thơm của xúp và bánh nướng, tôi chợt nhớ hôm nay là ngày 2 tháng 4 năm 1989. Mười bốn năm trước, nó là ngày buồn của thành phố biển Nha Trang của chúng tôi, còn bây giờ là ngày chúng tôi được phục sinh. Những tô xúp trước mặt chúng tôi là những tô xúp đầy nghĩa tình của lòng nhân ái mà chủ nhân của chúng đã ban phát cho chúng tôi với một sự tiếp đãi rất ân cần và đầy tình người. Đây là món ăn mà chắc chắn là tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời của mình. Và sau này cho dù tôi có món ăn cao lương mỹ vị nào chăng nữa, không có món nào có thể sánh bằng.
Trưởng đầu bếp và người phụ tá của ông có lẽ động lòng vì thấy vẻ háu đói của mấy đứa nhỏ khi ăn xúp thịt bò nên đã bàn nhau cho mỗi đứa nhỏ thêm một ly sữa, một trái táo và cho chung hộp bánh. Chúng tôi chỉ có thể nói cảm ơn với họ khi nhận các thứ chứ không thể nào bày tả hết tấm lòng biết ơn của mình. Dường như thấu hiểu sự giới hạn của bất đồng ngôn ngữ và tính mắc cở của chúng tôi mà những người này hiếm khi hỏi chuyện chúng tôi. Ăn xong, những người lớn trong nhóm chúng tôi dọn dẹp đâu đó sạch sẽ rồi dặn dò những đứa con nít nhất là những đứa thiếu niên không được tò mò hay táy máy đồ vật trên tàu. Trước khi rời phòng ăn, chúng tôi còn nhắc nhở mấy đứa nhỏ về chuyện giữ danh dự cho người Việt Nam rồi dặn dò kỹ lưỡng về chuyện giữ thiện cảm của người ngoại quốc dành cho người Việt để sau này họ còn tiếp tục cứu vớt những chiếc ghe vượt biển của những thuyền nhân đi sau.
Chưa kịp về phòng, chúng tôi được ông thuyền trưởng mời lên boong chụp hình chung làm kỷ niệm. Chụp hình xong, ông hỏi anh Thảo địa chỉ để đánh điện tín về nhà cho thân nhân chúng tôi được an tâm. Chúng tôi đã cấp cho ông ba địa chỉ: nhà ông bà chủ ghe, đại diện cho nhóm ghe, nhà chị Hạnh đại diện cho nhóm hoa tiêu của anh Thảo, và nhà chồng tôi với tư cách là khách tham gia chuyến vượt biển.