( Thiếu chương 24 )Thương ngồi nghe như uống từng lời Dianne, bà đang kể đến đoạn sang Brazil huấn luyện các chuyên viên công tác xã hội chuyên làm việc với trẻ em đường phố. -Các bạn biết không, chỉ một kỹ thuật rất nhỏ nhưng giúp các em thật nhiều. Ví dụ như chúng tôi dạy các em khi có người muốn đến xâm phạm hay lạm dụng tình dục, thì các em cùng nhau nắm tay, dậm chân thật mạnh, nhìn thẳng vào mặt kẻ ấy và la lớn, ‘No No No.’ Những em bé từ 5 đến 10 tuổi đã thực hành điều này sau khi được chỉ dạy. Đơn giản vậy nhưng đã giúp được rất nhiều em thoát nạn. Người lớn chúng ta đôi lúc không hiểu được sự khó khăn của các em bé trong việc phản đối khi người khác có ý xấu với mình, nhưng lớn lên trên đường phố, các em không hề có khái niệm rằng mình có thể nói không. Bà ngừng lại khi thấy nước mắt tuôn thành dòng trên gương mặt Thương. Dianne đứng dậy, nhẹ nhàng đến bên Thương, ôm cô vào lòng, lấy tay xoa xoa vào lưng cô, dỗ dành, ‘It’s ok, it’s ok.’ Jo ngồi cạnh đi lấy hộp khăn giấy cho bạn, Thương nức nở một hồi mới kềm lại được, cô bối rối nhìn quanh tỏ ý xin lỗi các bạn chung khóa, nhưng ai nấy đều gật đầu thông cảm, hình như mắt mọi người đều ướt. Dianne đợi Thương trở lại bình thường mới quay lại chỗ ngồi, nhìn cô một hồi chợt bà lên tiếng: -Em biết không Thương, có một vị bác sĩ người Ấn Độ, khi làm phẫu thuật tim cho tôi đã nói một câu, ‘Dianne, chị phải lấy hết đau thương ra khỏi trái tim mình, chỉ giữ lại tình yêu thôi. Nếu không thì bao nhiêu lần phẫu thuật nữa cũng không đủ cho trái tim chị.’ Tôi muốn nói lại câu này với Thương, ‘em hãy chỉ giữ lại tình yêu trong trái tim, và lược bỏ đâu thương và hận thù, có vậy mới tiếp tục con đường em đang đi.’ Thương gật gật đầu ra ý hiểu, mỉm cười dù nước mắt cứ muốn rơi xuống. Khóa học tiếp tục sôi nổi dù không kém phần sâu sắc. Những câu chuyện thực tế của Dianne thật tuyệt vời, Thương không hiểu bà lấy đâu ra sức lực để đi được nhiều nơi trên thế giới trong một thời gian quá ngắn, và chịu đựng những môi trường sống khó khăn, cực khổ. Bà đi từ trại tị nạn Đông Nam Á qua Châu Phi, đến những vùng rừng núi xa xôi để truyền dạy những kinh nghiệm của Lý Thuyết Giá Trị Sống. Bà dùng thời gian trên máy bay hay giữa các chuyến đi để viết sách hướng dẫn cho giáo viên, phụ huynh, và các nhà giáo dục khác để họ áp dụng lý thuyết này trên thực tế với trẻ em. Thương ngạc nhiên khi biết rằng 50% các cơ quan cai trị ma túy ở Việt Nam đang dù Giáo Án Giá Trị Sống để giúp học viên từ bỏ nghiện ngập. Và show truyền hình được nhiều người theo dõi nhất tại Việt Nam của Trish và năm trẻ em bị tật nguyền cũng làm theo lý thuyết của Giá Trị Sống. Vậy mà Thương không hề biết đến sự tồn tại của nó. Chuyến này về Việt Nam phải nói má học hỏi them về kiến thức này mới được. Lời nói Dianne đưa cô về hiện tại: -Bây giờ mình làm một hoạt động mỹ thuật trước khi đi ăn trưa nhé. Sister Kioko đã chuẩn bị giấy bút và màu, tụi mình ra ngoài để vẽ đi. Cả bọn hăng hái lấy giấy ra, pha màu hí hoáy vẽ bức tranh theo đề tài hạnh phúc. Thương có cảm giảc như trở lại thời thơ ấu, mọi người cười nói rôm rả trong khi vẽ, các đề tài từ giáo dục đến gia đình, và cả chính trị được bàn luận. Khi brother Gal đưa bức tranh lên ai cũng cười ồ vì thấy anh vẽ một khuôn mặt cười toét như ông hề. Bức tranh của Jo đầy màu sắc mạnh mẽ đan xuyên vào nhau, chỉ chừa lại một khoảng trắng ở trung tâm bức vẽ, đó là hình một cái cây màu xanh vươn lên trong bão tố. ‘Hạnh phúc’ của Jo sao giống con người chị, ẩn dấu trong đáy sâu tâm hồn nhưng không hề chịu thua định mệnh. Bức tranh của Thương toàn gam màu pastel, chuyển từ hồng nhạt sang cam, vàng, và cuối cùng là xanh da trời. Mọi người thích thú nhìn bức vẻ đơn giản, khen rằng khi nhìn vào họ thấy lòng thanh thản hơn. Mọi người dùng bữa ăn trưa chay đơn giản. Các sisters của trung tâm Brahma Kumaris nấu thức ăn ngon tuyệt. Họ toàn dùng rau quả được trồng trong vườn nhà cùng các gia vị trộn lẫn để nấu thành thức ăn rất ngon. Lâu rồi Thương mới nếm được vị quả cà chua ngọt chín cây, cọng cải mơn mởn vừa hái xào lên ngọt lừ đầu lưỡi, miếng đậu phụ mềm mại lẫn vào trong những cọng mì vàng óng. Thương ăn từ từ để thưởng thức hương vị đồng quê, thầm tiếc cuộc sống đô thị hóa làm con người ngày càng xa ruộng đồng, cây trái, ra chợ mua những thức ăn đã được thu hoạch sớm hàng tháng nên hương vị không còn tươi ngon. Cô lặng lẽ ăn, lặng lẽ nhận ra ước mơ đè nén bấy lâu nay trỗi lại trong cô, cuộc sống tu hành đơn giản, tự túc mọi thứ và phục vụ những người kém may mắn. Lòng Thương bình an lạ thường, cô ngẩng mặt lên cười với Jo ngồi đối diện tình cờ ngó qua, tròn miệng nói ‘Thanh you chị’ để rồi bật cười khi thấy cái nhíu mày khó hiểu của người bạn gái đáng yêu. Jo nào biết khóa học cuối tuần này là bước ngoặt quan trọng nhất trong đời Thương.