Những ngày sống trong khu với Nguyễn Bình là thời gian tươi đẹp nhất đời cô liên lạc Hoàng Thị Thanh. Chị đi liên lạc là chính, nhưng những lúc không có việc thì chị làm mọi việc trong nhà như một người nội trợ. Bếp núc, tiền nong, giao dịch, một tay chị quán xuyến. Sống với vị tư lệnh khu, chị Thanh có nhiều kỷ niệm khó quên. Hồi cuối năm 1945 có sáu lính Nhật ôm súng chạy theo ta. Anh em cho chúng gác trước văn phòng anh Ba. Bọn này rất có kỷ luật. Ai ra vào chúng cũng bồng súng chào. Đến liên lạc như chị Thanh chúng cũng chào. Chị Thanh sợ lắm, nói với anh Ba bảo chúng đừng chào vì chị chỉ là liên lạc. Vả lại cách chào của lính Nhật bậm trợn quá, thấy mà phát sợ. Anh Ba Bình cười nhưng cũng bảo bọn Nhật bớt chào. Rồi thêm bốn lính lê dương chạy vô khu cũng được đưa về văn phòng Khu trưởng. Bốn tay này thèm ăn cơm cháy chão mà chúng gọi là bánh mì ba-ghệt (baghette là đũa, bánh mì ba-ghết nhỏ, và giòn như que đũa). Được chị Thanh cho ăn cơm cháy với trứng chiên, chúng rất thích. Lúc đầu anh em không cho lính Tây với Nhật mang giầy. Không quen đi chân không, nhất là trong rừng, chúng có vẻ khổ sở, anh Ba cho phép chúng mang giày trở lại. Súng ống là vật bất ly thân, bị mình tước, chúng buồn lắm. Anh Ba bảo trả lại súng cho chúng. Anh nói; “Người chiến sĩ có cây súng là bạn đồng sanh đồng tử, có thể nói họ quý stúng hơn quý vợ”. Anh Ba không phải nói suông, bản thân anh cũng rất quý súng đạn. Trong buổi đầu ta rất thiếu súng đạn, một mặt Khu cho người đi mua, một mặt khuyến khích bộ đội đánh địch và cướp súng. Nghe anh Ba nói người lính quý súng hơn quý vợ, chị Thanh cười hỏi nhỏ: “Anh Ba đâu có vợ mà nói như vậy!”. Anh Ba cười không nói gì nhưng vài ngày sau khi vui miệng, anh tiết lộ bí mật: Sau khi từ Côn đảo về anh đã hăm chín (anh sinh năm 1908) mẹ anh muốn cưới vợ để cột chân anh lại, nhưng các mối mẹ anh chọn, anh không ưng mối nào. Mẹ thắc mắc, anh giải thích: “Con thích có vợ đẹp. Không đẹp thì cũng phải xinh. Kém văn hoá thì có thể học tập trau dồi thêm. Chứ xấu thì làm sao đẹp được?”. Nghe xong chị Thanh cười thầm chỗ yếu của anh Ba là ở chỗ đó, nhưng cũng là chuyện bình thường, ông bà mình đã từng nói “trai tài gái sắc”. Anh Ba có cách dùng người đặc sắc. Trước nhất là chọn người thích hợp với công tác. Chẳng hạn như về liên lạc thành, anh chọn phụ nữ thích hợp hơn thanh niên. Mà là phụ nữ đẹp và phải thông minh để ứng phó với bọn lính kín ở các trạm kiểm soát ven đô. Khi đã chọn xong phải giáo dục nghiệp vụ cẩn thận. Anh chọn chị Thanh làm liên lạc thành cũng theo tiêu chuẩn trên, người Tàu ít bị địch để ý, anh đề nghị chị Thanh cải trang “á xẩm” Anh cho thợ may cắt hai bộ đồ xẩm đồng thời kiếm người dạy tiếng Quảng Đông cho chị Thanh. Người này là cô Ngọc, cán bộ Hoa Kiều vụ Thủ Đầu Một. Sau thời gian học thực hành cấp tốc, chị Thanh có thể nói chuyện bằng tiếng Quảng Đông chút ít. Nhìn chị trong bộ đồ xẩm trông rất xinh, anh Ba cười thú vị. Các bạn trẻ cũng đùa: “xẩm lai bằng hai xẩm thiệt”... Xong rồi phải tạo giấy tờ giả để ra vô thành. Anh Ba giao công việc này cho ông giáo Chương là người có uy thế trong vùng. Ông Chương đưa chị Thanh hoá trang “á xẩm” đến văn phòng bang trưởng Quảng Đông làm giấy đàng hoàng chớ không phải là giấy giả. Chừng tất cả mọi thứ cần thiết đã đầy đủ, anh Ba còn cẩn thận trắc nghiệm lần chót trước khi cho chị Thanh về thành. Anh đóng vai người Tàu hỏi chuyện chị Thanh. Thật là bất ngờ: Anh nói tiếng Quảng Đông rất rành, dường như đã nhiều năm sanh sống ba Tàu: Chị nghĩ có lẽ sau khi được Tây trục xuất về quê quán Hải Phòng năm 35 dường như anh Ba bí mật sang Tàu học trường võ bị Hoàng Phố, nhưng chuyện đó chị chưa được nghe anh Ba kể lần nào. Thêm một chi tiết nhỏ để thấy mối quan tâm của vị thủ trưởng với nhân viên. Không rõ anh Ba tìm đâu ra một phù hiệu Tôn Văn để ghim lên ngực áo xẩm của chị Thanh. Anh ngắm nghía cẩn thận rồi bắt tay chúc: mã đáo thành công. Chị Thanh về thành chuyến đầu tiên suôn sẻ. Chừng chị về anh Ba rất mừng, bắt tay xiết chật, nói: vạn sự khởi đầu nan, chuyến đầu trót lọt thì các chuyến sau cùng trót lọt. Xin có lời khen. Đêm ấy anh Ba trao cho chị Thanh xem bài thơ viết trong sổ tay: Một phút xa em một phút buồn Ước gì anh ở cạnh em luôn Em ơi có phải em đi vắng Chiều nay anh thấy ngẩn ngơ buồn Nơi nơi nhuộm đẫm màu hiu quạnh Một phút xa em một phút buồn. Chị Thanh mang về một xấp báo thành. Anh Ba rất thích đọc báo thành để tìm hiểu tình hình địch và ta trong thành. Đêm đêm anh ngồi bên ngọn đèn dầu đọc báo. Đèn ỉu mà mắt anh lại kém anh nhờ chị Thanh đọc tiếp mấy tờ báo sau. Nhờ đọc báo như thế, chị Thanh biết thêm một khả năng đặc biệt của anh Ba: vừa ngủ vừa nghe. Đang đọc chị nghe anh ngáy ngon lành, chị ngưng đọc dượm đi để anh ngủ. Nhưng chị vừa đứng lên thì anh Ba kêu lên: “Đọc đi, tôi nghe mà?”. Chị lại ngồi xuống: “Nãy giờ em đọc những gì, anh nói nghe?”. Anh Ba kể vanh vách. Thật là lạ! Lần đầu tiên trong đời chị mới thấy một người có thể nghe khi ngủ. Những ngày sống bên cạnh anh Ba không lâu, nhưng mãi mãi ghi sâu vào tâm hồn cô liên lạc thành.