Chi đội 4 đóng trên bờ sông Vàm Cỏ giống như một tụ nghĩa đường của một Mạnh Thường Quân. Mười Trí là tay giang hồ theo lối xử thế “tứ hải vi gia”. Ông luôn luôn chiêu hiền đãi sĩ. Khách tới nhà không gà cũng vịt. Bà Mười cũng là tay mến khách. Dưới trướng Mười Trí có “giáo chủ“ Huỳnh Phú Sổ đang bị truy nã vì âm mưu chống lại Việt Minh. Sổ muốn nắm Chi đội 4 để mặc cả với Việt Minh nhưng Mười Trí không dễ mua mặc dầu Sổ tung đủ “bửu bối”. Bộ chỉ huy Đệ tam sư đoàn cũng tấp vô xin tá túc. Đám này gồm Nguyễn Hoà Hiệp, hai anh em Lai Văn Sang, Lai Hữu Tài, Lý Hồng Chương, Ngô Đình Đẩu Các tay này là nhân viên Phòng Nhì. Lúc mới cướp chánh quyền thì vỗ ngực xưng tên “cách mạng”, yêu nước hơn ai hết. Lúc đó Sài Gòn có bốn sư đoàn. Đệ nhứt do Kiều Công Cung, Trần Tử Oai, Trương Văn Giàu, Nguyễn Văn Quan chỉ huy. Đệ nhị do Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt cầm đầu. Đệ tam do Nguyễn Hoà Hiệp năm. Đệ tứ của Lý Huê Vinh... Nguyễn Bình không tín nhiệm các sư đoàn nói trên vì khi tiếng súng xâm lăng vừa nổ thì các tay “cách mạng sa-lông” thi nhau chạy như chuột. Kiều Công Cung, Trần Tử Oai đầu hàng trước nhất. Trần Tử Oai là cháu nội Trần Tử Ca, tên quận trưởng Hóc Môn đã bị Quản Hớn chặt đầu trong cuộc khởi nghĩa Mười tám thôn vườn trầu nổi tiếng với tên Thập bát phù viên. Tên Oai chạy về Xóm Củi đầu Tây. Lúc đó Oai chẳng oai tí nào. Trong khi Cộng hoà vệ binh do hai anh em Giàu và Quán chỉ huy đánh Tây nhiều trận ra trò thì Đệ nhị sư đoàn chỉ lo rút chạy. Vũ Tam Anh vốn con địa chủ, tên cúng cơm là Nguyễn Ngọc Nhẫn không đánh đấm gì. Vì tên có ba chữ N đứng đầu nên tự đặt là Tam Anh, thêm họ Vũ cho ra vẻ con nhà võ tướng. Chọn họ Vũ nhưng gốc là dân Mỹ Tho. Vũ Tam Anh cấu kết cùng Bùi Hữu Phiệt, Sáu Section, (tức Nguyễn Văn Sạch), lính mã tà trong lội section de lutte (trung đội dẹp loạn), Nguyễn Thành Long và Trần Xuân Nam để thao túng. Còn Đệ tam sư đoàn thì Nguyễn Hoà Hiệp là con cường hào Lái Thiêu rớt đíp-lôm, làm thư ký Bưu điện Lái Thiêu cưới con địa chủ ở Bình Hoà, làm thầu khoán cho Nhật. Tư lệnh Đệ tứ sư đoàn thì Lý Huê Vinh là chệt lai, đậu đíp-lôm của Pháp nhường lại làm gián điệp cho Nhật. Tây tới là Vinh “nhảy nai”. Nắm được tình hình này, Nguyễn Bình cương quyết giải giới các sư đoàn đã trở thành quân phiệt. Bắt đầu từ Đệ tam sư đoàn. Tây đánh lấn ra ngoại vi Sài Gòn Chợ Lớn, Nguyễn Hoà Hiệp dẫn quân chạy xuống Cao Lãnh. Tại đây chúng tha hồ vơ vét, bắt bớ các trí thức tản cư theo kháng chiến. Chừng tàu Tây thọc sâu vô sông rạch, uy hiếp các thị trấn nằm dọc hai con sông Tiền và Hậu, Nguyễn Hoà Hiệp lại kéo quân trở lên miền Đông. Xuồng ghe chở quân và chiến lợi phẩm cướp đoạt của dân như máy may, máy hát kéo dài mấy cây số. Gặp những nơi. đường nước khô cạn, chúng bắt dân kéo, để lại những luồng lạch mà dân gọi là đường nước Đệ Tam sư đoàn. Nguyễn Bình ra lệnh cho Huỳnh Văn Một, Chi đội 15 tước súng đám này. Do sáng kiến tổ chức đưa ghe thuyền rước binh lính Đệ Tam sư đoàn qua sông Vàm Cỏ, ông Một phân tán chúng từ tiểu đội, đưa về nhà dân cho ăn uống, đồng thời cho du kích giả làm dân hiếu kỳ đi xem tổng bộ đội. Hay tin “đại quân” đã bị Huỳnh Văn Một tước hết khí giới, bộ chỉ huy hốt hoảng bỏ chạy. Chúng tấp vô Chi đội 4 của Mười Trí xin tá túc để rồi “hồi sau phân giải”. Tại đây Nguyễn Hoà Hiệp vui mừng gặp hai tay tổ của Đệ Nhị sư đoàn là Vũ Tam Anh và Bùi Hữu Phiệt. Nhưng hắn chỉ ở lại Chi đội 4 có một ngày rồi lật đật chạy ra thành đầu hàng Tây tại ấp Vĩnh Lộc. Thế là công lao cướp bóc suốt mấy tháng trời của chúng bỗng chốc trắng tay: Chiến lợi phẩm Huỳnh Văn Một tịch thu của Đệ Tam sư đoàn gốm có: 52 súng mút, 27 súng lục, 30 máy may, 15 máy hát... Trở lại đám Vũ Tam Anh, Bùi Thế Phiệt. Vũ Tam Anh cao to để râu mép, thiên hạ gọi là ông Phán râu kẽm. Ngoài tên Nhẫn hắn còn có tên Niên. Tên nào cứng bắt đầu từ chữ N. Nhờ nắm được Sáu Section, vũ Tam Anh lui tới “tụ nghĩa đường” của Mười Trí. Anh và Phiệt mưu tính ám sát Nguyễn Bình, bèn bàn với Sáu Section: kiếm được chữ ký của “anh Mười” là kể như đạt kết quả 75%. Có chữ ký rồi, Sáu Section tập ký cả buổi để sau cùng ký vô một thiệp mời: “Mười Trí kính mời anh Ba Bình dùng bữa cơm gia đình vào chiều mai. Rất mong anh Ba tới. Ký tên Mười Trí”. Nhận được thư Mười Trí, Nguyễn Bình sửa soạn đi một mình. Nơi anh Ba đóng không xa mấy tổng hành dinh Chi đội 4. Thấy anh Ba nai nịt trước khi xuống tam bản, đại đội trưởng Hứa là Văn Yến hỏi: - Anh Ba đi một mình à? - Người ta mời qua ăn cơm gia đình, đi nhiều người sao được? - Nhưng bên anh Mười như cái chợ, anh Ba đi một mình không tiện. Để tôi đem vài đứa theo... Anh Ba khoát tay: - Khỏi. Đây qua đó cũng gần mà. Có gì thì tôi đã có cái này! Anh vỗ khẩu Wicker bên hông. Nói xong anh bước xuống tam bản chèo đi. Đúng lúc đó Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt cùng Sáu Section bí mật tới một miếu hoang gần Lò Đường dọc bờ sông. Tại đây chúng đã bố trí một thiện xạ thủ súng chờ con mồi tới nạp mạng. Vũ Tam Anh nôn nóng, chốc chốc lại nhìn xuống phía Nguyễn Bình sẽ tới. Bùi Hữu Phiệt nói: - Làm thịt được hắn thì bọn mình mới dễ thở. Ai hắn cũng nghi không triệt để cách mạng như hắn... Vũ Tam Anh cười: - Mà hắn nghi đúng. Bọn mình làm sao triệt để cách mạng được! Đâ quen với nếp sống đế vương, sáng cà phê hủ tiếu, bánh bao xíu mại, chiều tôm khô củ kiệu la ve. Vô đây thiếu mấy thứ đó, buồn chết. Sáu Section xía vô: - Bởi vậy anh em mới gọi anh là ông Phán râu kẽm - Hít một hơi khói thuốc Cotab, nói tiếp - Tướng độc nhãn rất đa nghi, nhưng có một người ông ta không nghi, mà người này mới là đáng ngại hơn hết. Hà hà... - Ai vậy? Phiệt và Anh cùng hỏi. Sáu hất hàm về phía văn phòng Chi đội 4: - Mười Trí chớ ai! - Anh nghĩ về Mười Trí như thế nào mà nói là đáng nghi? Mà nghi cái gì? - Nghi về điểm có triệt để cách mạng hay không. Theo tôi dân giang hồ đi theo kháng chiến một lúc nào đó thôi. Họ là hảo hán Lương Sơn, không ưa triều đình nên rút ra rừng lập giang san riêng. Nếu cách mạng kìm chế họ quá thì ngày nào đó họ sẽ bung ra thôi. Bùi Hữu Phiệt gật lia: - Anh Sáu nói rất đúng. Tôi thấy Mười Trí khí phách lắm. Đi theo kháng chiến mà ông ta không bỏ thói quen của một sơn trại chủ: vận xà-rông, sáng trà, trưa rượu, tối lai rai... nghĩ sao nói vậy chớ không ý tứ như mấy cha cộng sản. Vũ Tam Anh đắc ý: - Cũng nhờ Nguyễn Bình không nghi Mười Trí nên mình mới dùng được độc kế hôm nay. Một mũi tên, hai con nhạn. Cao Đăng Chiếm sẽ thấy lá thư mời ăn cơm gia đình của Mười Trí trong túi áo xá xẩu của Nguyễn Bình... Còn bằng chứng nào hùng hồn hơn? Nghĩ mà phục bọn mình sát đất! Bộ ba đang hí hửng bỗng xạ thủ đưa tay làm hiệu. Tất cả đều ngó xuống mé sông. Trên con sông vắng, buổi chiều tà, một bóng thuyền lướt êm. Tam bản chỉ có một người chèo. Sáu Section khẽ nói: - Nguyễn Bình đi có một mình. Dễ xơi quá! Xạ thủ nâng súng lên rà họng súng theo tam bản, đầu ruồi nhắm ngay ngực người chèo. Tất cả hồi hộp chờ đợi. Chiếc tam bản vô tình cứ lướt chầm chậm. Khi nó tới thật gần, xạ thủ sửa soạn bóp cò thì Sáu Section sốt ruột kêu lên: “Bắn đi?” Tiếng kêu bất ngờ đó làm xạ thủ giật mình, lúc bóp cò, nòng súng hơi nhích một chút. Do vậy mà đạn không ghim ngay vào ngực mà bay qua bả vai. Nguyễn Bình ngã xấp xuống ván thuyền ngay loạt súng đầu. Đạn trúng bả vai và cánh tay mặt. Anh Ba dùng tay trái móc khẩu wicker đưa lên miệng đẩy chót an toàn bắn ngay vào đám người lô nhô trong miếu hoang. Xạ thủ điều chỉnh mục tiêu nổ tiếp loạt thứ hai. Sanh mạng Nguyễn Bình như chỉ mành treo chuông. Cuộc đấu súng diễn ra vô cùng thất lợi cho ông: xạ thủ chiếm ưu thế tuyệt đối, có công sự phòng ngự và nắm chủ động. Bất ngờ một yếu tố đột xuất làm thay đổi tình hình: tiếng súng nổ vang từ trên sông. Nguyễn Bình đã có đội bảo vệ theo sau. Hoàng Thọ nghe súng nổ lập tức chạy tới. Xạ thủ và bộ ba sát nhân co giò chạy. Tam bản của Hứa Văn Yến cùng ba binh sĩ ào tới đúng lúc. Nguyễn Bình bị thương nhiều nơi, máu thấm đỏ bộ đồ xá xẩu. Hai Yến cấp tốc đưa anh về cho y sĩ khám và băng bó các vết thương. Anh Ba bắt tay Hai Yến, xúc động: - Cám ơn anh. Không có anh thì tôi nguy rồi. Thật không ngờ chuyện lại như thế... Hứa Văn Yến nói: - Tôi đã nói mà anh Ba không nghe. Tin người là đức tánh tốt của vị tướng, nhưng tin mà cũng phải ngờ... Ba Bình gật: - Đây là bài học đáng giá. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu được vì sao lại có chuyện này. Phải gặp Mười Trí mới được. Sáng hôm sau, Nguyễn Bình qua văn phòng Chi đội 4. Mười Trí vui mừng ra đón. Thấy khu trưởng băng bó nhiều chỗ, lấy làm ngạc nhiên, chú Mười hỏi: - Chuyện gì vậy anh Ba? - Anh Mười không biết thật sao? Súng nổ ở gần lò đường, sát một bên mà... Mười Trí gật: - Súng nổ thì tôi có nghe. Tụi nhỏ báo cáo có mấy thám báo địch mò vô bị mình bắn chạy trở ra. Tôi đâu có ngờ anh Ba bị thương trong vụ đó. Ba Bình cười: - Chỉ huy như anh Mười là khơi lắm! Chuyện không đơn giản như anh nghĩ đâu. Anh xem đây thì rõ! Ba Bình trao lá thư, Mười Trí càng ngẩn ngơ. Vài giây sau, ông chợt hiểu, nét mặt bình thản biến thành cơn thịnh nộ: - Ai? Thằng nào mạo chữ ký của tôi mời anh Ba qua đây để ám sát dọc đường? Nó phải chết? Ba Chiêu! Mầy đâu? Ba Chiêu là đại đội trưởng kiêm thư ký riêng của Mười Trí. Anh là dân Bà Quẹo, theo bộ đội Mười Trí ngay từ đầu. - Có đây, chú Mười? Mấy cho tập hợp tất cả ngay bây giờ. Điểm danh coi vắng mặt thằng nào? Ba Chiêu tập hợp ngay, điểm danh thì thấy thiếu ba người: Sáu Section, Bùi Hữu Phiệt và Vũ Tam Anh. Sáu Section cũng là đại đội trưởng, theo anh Mười ngay từ đầu. Còn hai tay Phiệt và Anh là “tân khách” dưới trướng Mạnh thường quân Huỳnh tướng quân. Nghe Ba Chiêu báo cáo, Mười Trí nói với Nguyễn Bình: - Vậy là quá rõ rồi! Ba thằng này bấy lâu ăn nhậu với nhau, tính toán cái gì đó. Tôi không ngờ chúng “ăn cơm tui mà hại tao”. Tôi thành thật xin tôi anh Ba. Vụ này tôi hoàn toàn không biết gì. Nếu biết thì tôi đã bẻ họng vặn cổ tụi nó rồi! Nguyễn Bình cười thoải mái: - Trọn đêm rồi tôi cứ thắc mắc: không lẽ anh Mười lại hại mình? Bây giờ mới rõ. Sáu Section thì tôi không chú ý. Còn hai tay Bùi Hữu Phiệt với Vũ Tam Anh thì tôi đã nghi ngờ từ lâu. Bùi Hữu Phiệt dựa vô bộ đội An Điền của Bảy Quới, rồi liên kết với bộ đội Cao Đài của Nguyễn Thành Long, đưa hết về ấp 4 Vĩnh Lộc cho Tây tiêu diệt trong một trận càn. Sau đó chúng âm mưu sát hại Tám Hoài tại cầu Bến Phân... Còn Vũ Tam Anh thì nắm Đệ nhị sư đoàn để làm lãnh chúa. Hắn cấu kết với Bùi Hữu Phiệt và Sáu Section ám hại tôi vì tôi biết rõ căn cội của chúng. Mười Trí hối hận, làm gà nấu cháo đậu xanh đãi anh Ba. Chú Mười đem chai rượu thuốc ra rót hai ly. - Xin mừng anh Ba tai qua nạn khỏi. Tôi biết anh Ba không uống rượu, nhưng mà “vô tửu bất thành lễ” Phải có rượu trong những tiệc mừng. Anh Ba chỉ “nhúng môi” cũng được. Hai bên cụng ly. Dù không uống rượu, anh Ba cũng nốc cạn một chung nhỏ - loại chung Duralex bán tràn các chợ vườn. - Tôi không uống rượu, nhưng nay phá lệ để đánh dấu ngày kết bạn tri âm với anh Mười... Mười Trí châm thêm chung nữa: - “Anh hùng tri ngộ tam bôi thiểu”, kết bạn tri âm uống ba chấm rượu là yếu lắm. Vô tiếp đi anh Ba. Hôm nay là một ngày vui đối với tôi: được kết bạn tri âm với trung tướng Nguyễn Bình, đặc phái viên Trung ương của Bộ Tổng. - Đây là chung thứ hai. Trước khi uống, tôi có một lời khuyên anh Mười. Có được không? Mười Trí hạ chung rượu giữa chừng, cười lớn: - Được quá chớ anh Ba. - Anh Mười đúng là một Mạnh Thường Quân, dưới trướng luôn có cả chục tân khách. Tôi thấy đó là chuyện thường tình của một tay giang hồ mã thượng. Tuy nhiên trong đánh tân khách có người này người khác, không ai giống ai. Một Mạnh Thường Quân tài đức song toàn phải biết phân biệt, người tốt với kẻ xấu... Mười Trí nhăn mặt: - Vụ vừa rồi tôi đã tự mắng đã nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Tôi quyết sẽ không tha ba tên khốn kiếp đó, nhất là thằng Sáu Section. Nó đã theo tôi ngay từ đầu mà bây giờ nó chạy theo hai cha chánh khách “si-kên” phản lại tôi... Lời khuyên của anh Ba, tôi sẽ nhớ đời. Bây giờ mời anh Ba một chung thứ ba cho đủ tam bôi... Nguyễn Bình đưa tay lên cản: - Cho tôi thiếu chung thứ ba. Tửu lượng tôi không kém. Nhưng vì con mắt yếu. Hai chung là vừa. Thêm chung tía là quá sức. Mà cái gì quá là không hay. Bây giờ tôi còn phải về làm việc với chú Hoàng Thọ. Mười Trí cười: - Đã kết nghĩa anh em thì cho tôi khuyên anh Ba một câu để trả lễ: anh Ba chớ nuông chiều thằng đệ tử của anh. Coi chừng có ngày anh Ba mệt vì nó. Nguyễn Bình gật gù: - Anh Mười nói chí lý. Có điều này chắc anh Mười chưa biết: trong vụ mưu sát vừa rồi, Hoàng Thọ cũng đã xách lính chạy tới Lò Đường. Chính nhờ súng nổ cùng lúc trên bờ và dưới sông mà bọn sát nhân phải bỏ chạy. Hứa Văn Yên và Hoàng Thọ đã kịp thời cứu tôi