Dịch giả : Lê Kim
Chương 40
Chú bếp Tuồng nhảy theo bộ đội
Đi kháng chiến lặn lội khắp nơi


































Nguyễn Bình tại An Phú Xã
Huỳnh Văn Một kể chuyện miền Đông

Người ta nói cách mạng là một cuộc đổi đời; Với chú bếp Tuồng, điều đó là sự thật. Ta vừa cướp chính quyền là anh Năm Tuồng vứt bỏ bộ đồ ka ki vàng mã-tà nhảy theo cách mạng. Đây không phải là một quyết định đột xuất mà là một quá trình suy gẫm nhiều năm. Xuất thân từ con nhà nghèo phải sớm đi làm để kiếm sống, lại gặp lúc Tây bắt lính đưa ra mặt trận đánh giặc Xiêm nên Năm Tuồng đành thi vô lính mã tà có cái tên là Brigade Mobile (Lữ đoàn cơ động) chuyên gác tù và đàn áp các cuộc nổi loạn chống Pháp. Anh được đưa lên căng Tà Lài gác tù chánh trị bị tập trung trên rừng. Tà Lài nằm dọc đường 20 Sài Gòn - Đà Lạt, cách Định Quán hai mươi cây số, ở giữa rừng. Đây là nơi mọi người, từ tù đến lính, đều sợ vì sơn lâm chướng khí, bịnh hoạn mà chứng phổ biển nhất là sốt rét rừng. Ngoài ra còn cọp beo, rắn rít. Nhưng trong cái rủi có cái may: anh Tuồng được tiếp xúc với các nhà tri thức cách mạng như Trần Văn Giàu, Kỹ sư Vằn, Nguyễn Công Trung, hoạ đồ Lý, nhà báo Lê Văn Thử... Nhờ học ké chánh trị mà Năm Tuồng biết về tình hình đất nước, biết vì sao anh em Cộng sản khởi nghĩa cướp chánh quyền ngày 23-11-1940 gọi là “Nam Kỳ khởi nghĩa”. Cho nên khi ta cướp chánh quyền tại Sài Gòn ngày 25-8-1945, Năm Tuồng lột xác mã tà để đầu quân vô Cộng hoà vệ binh. Lúc đó có nhiều sư đoàn, tại sao lại chọn Đệ nhất sư đoàn tức Cộng hoà vệ binh? Lý do dễ hiểu. Anh em mã tà đi theo các sĩ quan của mình mà đứng đầu là hai anh adjudant (gọi là ông ách) Trương Văn Giàu và Nguyễn Văn Quạn, ở trong đơn vị GCL (Garde Civile Locale) Chí Hoà. Công tác đầu tiên của anh Năm Tuồng là đưa một trung đội xuống miền Tây với đồng chí Nguyễn Văn Tây, uỷ viên trong Lâm uỷ Hành chánh Nam Bộ kiêm Thanh tra chánh trị miền Tây. Mục đích chuyến đi này là giải quyết vấn đề Hoà Hảo tham gia chánh quyền đồng thời tiếp đón anh em chính trị phạm được tàu Phú Quốc do thuyển trưởng Bảy Ngạnh lái cùng khoảng hai chục ghe của Vàm Láng, Bình Đại ra Côn Đảo rước anh em về đất liền tham gia chánh quyền.
Nhờ có mặt tại Cần Thơ nên Năm Tuồng chứng kiến cuộc xuống đường cướp chánh quyền của Hoà Hảo xuất phát từ Cái Vồn dưới sự chỉ huy của Trần Văn Hoành là con của Trần Văn Soái tức Năm Lửa. Đó là ngày 9-9-1945. Trận đụng độ nẩy lửa diễn ra tại cầu Cái Khế. Các đội Bảo an Hoà Hảo võ trang gươm giáo ồ ạt từ bến bắc Cần Thơ tràn qua cầu. Bên kia cầu là anh em dân quân du kích dưới sự chỉ huy của Cò Hộ (Huỳnh Phan Hộ). Loạt đạn đầu ta bắn chỉ thiên. Hoà Hảo xông tới vì tin rằng súng bắn không chết tín đồ Hoà Hảo. Buộc lòng dân quân phải bắn đúng mục tiêu, những người đi đần gục ngã, tức thì mạnh ai nấy chạy, ném gươm giáo và nhảy xuống sông. Số võ khí vớt lên để đầy hai căn nhà. Vụ xô xát này mở màn cho mối bất hoà giữa Việt Minh và Hoà Hảo.
Vài tuần sau đó, Sóc Trăng làm lễ tiếp đón chánh trị phạm Côn Đảo thật long trọng. Địa điểm làm lễ là trường Taberd của tỉnh. Thanh niên tiền phong quần soóc xanh, sơ mi trắng, đội nón bàng, vác gậy tầm vông diễn hành phất cờ Việt Minh, nền đỏ sao vàng. Thuyền trưởng Bảy Ngạnh vừa về tới Đại Ngãi thì được lịnh trở ra Côn Đảo rước chánh trị phạm một chuyến nữa. Phải chạy đua nước rút với Pháp vì có tin chúng sẽ đưa quân sang chiếm lại thuộc địa Đông Dương, mà Sài Gòn là thành phố chúng nhắm trước tiên. Hai chuyến rước tù Côn Đảo này rất quan trọng trong lịch sử kháng chiến Nam Bộ. Các đồng chí lãnh đạo Nam Bộ phần lớn đều từ Côn Đảo về đất liền trong hai chuyến tàu này như Bác Tôn Đức Thắng, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Công Trung, Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Đức Thuận, Phan Trọng Tuệ, Võ Quang Anh.
Hay tin Tây sắp đánh Sài Gòn, đơn vị Năm Tuồng cấp tốc trở về Sài Gòn bằng ca nô. Tất cả có 50 Cộng hoà vệ binh mặc quân phục cũ, chỉ có ca-lô(1) là mới.
Đó là ngày 20-9-1945. Ca-nô vừa tới Tân An thì được tin Sài Gòn đã tản cư và quân ta đang chân đánh Tây ở Phú Lâm. Trương Văn Giàu ra lịnh đơn vị Năm Tuồng qua Gò Công đánh tàu Tây tại Cầu Nổi và tàu Nhật tại Chợ Gạo. Tại Cầu Nổi, lần đầu tiên Năm Tuồng được thấy Soái hạm Richelieu của Pháp. Tàu lớn quá thành ra con sông Bao Ngược có vẻ như nhỏ lại. Mấy cây súng Mút cổ lổ sĩ của ta chỉ gãi ngứa nó thôi.
Trận đánh bót Chợ Gạo mới có chuyện đang nói: Ông Dương Khuy, bí thư Mỹ Tho đích thân gánh lựu đạn dẫn đường anh em bộ đội. Tổng cộng dân quân du kích tham gia trận này khoảng 160 người, võ trang lựu đạn ta chế, vỏ tôn có bình dầu, ném nhiều trái mới nổ một trái...
Sau trận đánh tàu Richelieu ở Cầu Nổi, anh em binh sĩ có hơi mất tinh thần, “Tây mạnh quá, mình đánh sao xuể, bỏ về nhà làm ăn”: Nhưng Năm Tuồng không dễ bỏ cuộc, nói:
- Mất Gò Công còn Bến Tre, mất Bến Tre còn miền Tây. Mất Nam Bộ còn miền Bắc. Tự động bỏ về là đào ngũ. Phải chờ anh Trương Văn Giàu.
Để củng cố thực lực, ta lập ban quân sự liên tỉnh Mỹ Tho- Gò Công- Bến Tre với ba chủ tịch: Tiếp (Mỹ Tho) Côn (Gò Công) và Cái (Bến Tre). Công việc đầu tiên là in tiền kháng chiến để nuôi quân. Tiền lầy gọi là tín phiếu Đổ Chiểu in bằng nghệ. Mỗi người được phát 20 đồng để ăn Tết. Lúc đó tỏ hủ tiếu là năm cắc.
Tết đầu tiên của nước Việt Nam độc lập có chuyện khó quên là mùng 7 Tết Tây đánh tỉnh Bến Tre. Ta rút ra Chân Bình vào xế chiều. Sáng mùng 8, Tây đánh mạnh. Cộng hoà vệ binh liên quân cùng cánh Bình Xuyên của anh Ba Dương. Hai bên chia lương thực cho nhau ăn để chống giặc. Sáng mùng 9 máy bay lên quần bắn vùng Cổ Cò là nơi anh Ba Dương đóng quân. Anh Ba không xuống hầm mà “xây cây rơm”. không may bị trúng đạn tử thương. Tin này được hai anh Sáu Đối và Từ Văn Ri giữ bí mạt vì sợ anh em mất tinh thần. Sáu Đối đề nghị anh Trương Văn Giàu giúp đưa bộ đội Bình Xuyên về Rừng Sác. Anh Giàu đồng ý và uỷ quyền anh Quạn chỉ huy đơn vị Cộng hoà vệ binh hộ tống Bình Xuyên về miền Đông. Tính đi đường biển, có tin Cần Giờ bị Tây chiếm, đổi kế hoạch đi đường bộ. Trên đường đi, đụng địch ở Cửa Đại, đánh cả ngày, dân nấu cơm gánh ra mặt trận cho lính ăn. Mấy ngày đi ròng rã mới về tới Phước An. Trong chuyến đi này, Năm Tuồng gặp được các chỉ huy Bình Xuyên như Hai Vĩnh, Bảy Viễn... Kỷ niệm khó quên là bộ đội anh đóng trong một làng có cái tên gọi “ớn xương sống”: làng Dao Phay. Làng này thuộc tổng Ăn thịt, sau kêu trại là An thịt. Cộng hoà vệ binh đóng trong miếu thờ Cá Đao. Trên bàn thờ có hai bộ xương cá đao. Đang thiếu thức ăn thời may gặp anh Năm Chàng, chỉ huy Chi đội 2 Bình Xuyên tổ chức đăng, bắt cá đãi bộ đội Khu Tám. Nước ngọt vùng này quý như vàng, phải đi xa mới có. Đi tìm nước ngọt cũng chết sống như ra trận.
Đêm ấy, Năm Tuồng đi Tân Lập lấy nước, xuồng chìm vì gặp sóng tàu Tây. Trời tối, sông lớn, phải ôm xuồng chịu trận. Chừng mò vô xóm thì bị dân quân nghi là địch, lườm súng toan bắn.
Tới Lý Nhơn, Năm Tuồng gặp Bùi Sĩ Hùng là sinh viên năm thứ ba ngành y và là chỉ huy mặt trận An Hoá Giao Hoà. Đau tháng 10-1946, anh Trương Văn Giàu tới Rừng Sác rước quân về Bến Tre. Vì quân số đông phải chia làm hai, một do anh Giàu, một do anh Quạn chỉ huy. Về đường biển, cánh quân anh Giàu đi trót lọt, cánh anh Quạn bị sóng gió đánh gãy cột buồm và bánh lái, tám ghe kẹt lại Cần Giờ. Năm Tuồng bị phỏng hai chân không đi được. Bùi Sĩ Hùng cõng Tuồng tránh vùng địch chiếm. Phải đi lòng vòng từ Cần Giờ qua Tiều, rồi từ Tiều trở lại Cần Giờ tìm đường về Bến Tre. Trong thời gian này, Cộng hoà vệ binh biết cái khát như thế nào. Phải trầm mình dưới nước để trị khát. Thời may gặp chủ tịch Bảy Trân tiếp tế gạo khử, đường và nhất là nước ngọt. Suốt ba tháng đi loanh quanh trong Rừng Sác, áo quần sờn rách. Nạn rận tha hồ hoành hành. Anh em áp dụng phương pháp diệt rận thật hữu hiệu, cởi áo cởi quần ra, dùng ve chai chà đi xát lại. Rốt cuộc rồi cũng tổ chức được thuyền ghe vượt biển về tới Bến Tre.
Sau chuyến đi miền Đông này, Năm Tuồng được anh Trương Văn Giàu tín nhiệm. Khi được bổ nhiệm Khu phó khu Tám (Khu trưởng là Đào Văn Trường) Trương Văn Giàu chỉ định Năm Tuồng làm Trưởng ban quân nhu Chi đội 20 của Vĩnh Trà (Vĩnh Long- Trà Vinh). Đó là ngày 12-9-1946. Lúc đó Khu Tám có hai chi đội chủ lực 19 và 20. Chi đội 19 do các ông Đồng Văn Cống, Nguyễn Công Trung, Huỳnh Thế Phương chỉ huy. Chi đội 20 do các ông Ngô Văn Sung. Đặng Văn Thông chỉ huy. Cũng cần nhắc qua năm 1946 bộ chỉ huy ba khu 7, 8, 9 gồm có:
Khu 7: Nguyễn Bình - Dương Văn Dương
- Khu 8: Đào Văn Trường - Trương Văn Giàu
- Khu 9: Vũ Đức - Nguyễn Ngọc Bích.
Lần đầu tiên Nguyễn Bình được nghe báo cáo tường tận về chuyến viễn chinh của anh em Bình Xuyên dưới sự chỉ huy của Khu phó Dương Văn Dương là Sáu Đối mở đường máu về Rừng Sác. Nghe phân đội trưởng kiêm trưởng ban Quân nhu Chi đội 20 Năm Tuồng kể chuyện về bộ đội Cộng Hoà Vệ Binh, anh Ba Bình rất thú vị. Qua báo cáo của anh Năm Tuồng, anh Ba biết thêm về các anh chỉ huy Cộng hoà vệ binh, xưa đã từng là hạ sĩ quan trong quân đội Pháp như các anh Trương Văn Giàu, Nguyễn Văn Quạn. Như hạt giống tốt gặp đúng mảnh đất mầu mỡ họ phát huy khả năng nhanh chóng và trở thành chỉ huy giỏi có uy tín trong ba quân. Anh Ba thấy việc đề bạt Trương văn Giàu tư lệnh phó khu 8 cũng như Dương Văn Dương tư lệnh phó Khu 7 là hợp lý hợp tình. Đồng thời anh Ba ký giấy bổ nhiệm Nguyễn Văn Tuồng là đại diện Chi đội 20 tại Phòng Quân Nhu Nam Bộ. Ký tên Nguyễn Bình, uỷ nhiệm quân sự Nam Bộ kiêm Khu trưởng Khu 7. (Tổng thư ký Ban Quân Nhu Nam Bộ là Trịnh Đình Hoa).
Chú thích:
(1) Ca-lô (calot): Mũ vải của lính