Dịch giả: Nguyễn Cao Nguyên
Chương 43

Nha trang tháng 9-1984
Tháng chín lại đem mùa mưa tới. Suốt hai tuần lễ, bầu trời lúc nào cũng đầy mây đen. Gió gào rú vật vả trên những ngọn dừa. Hàng ngày, từ cửa sổ phòng học nhìn ra, tôi chỉ thấy một màn mưa liên miên bất tận trút xuống thành phố đã ngập nước.
Mưa làm cho việc bán bún ngoài chợ của mẹ tôi gặp nhiều khó khăn. Dù mẹ tôi đã cố gắng che đậy, nhưng khách ăn vẫn không cảm thấy ngon miệng khi gió lùa qua những con đường lầy lội, thổi tạt những giọt nước mưa vào nồi bún. Nước mưa thấm vào quần áo nhuộm màu rẽ tiền của mẹ tôi làm thuốc nhuộm rã ra chảy xuống từng giòng đen đặc. Sau lưng bà, em gái tôi ôm chiếc gối ướt sũng, rượt đuổi theo những chiếc bong bóng nước trên mặt đường. Mớ vốn liếng còm cõi của mẹ tôi mỗi ngày một hao hụt thì cái tương lai đói khát của chúng tôi mỗi lúc một gần.
Một buổi chiều, sau giờ học cuối, tôi vội vàng rời trụ sở hội viết văn, tay cầm chiếc dù đã gãy che trên đầu. Bên ngoài chiếc cổng sắt lớn, Kim đứng thu mình trong chiếc áo mưa rộng thùng thình che khuất nửa khuôn mặt. Tôi chạy qua cổng, trên lối đi đầy lá úa đến gặp cô ta.
"Anh Kiên, em tìm được anh rồi." Kim nói, nhìn thẳng vào mặt tôi.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Kim đến tìm tôi ở trường. Từ khi tôi ở tù về đến nay, tôi chỉ bí mật gặp nàng vào ban đêm, dưới gốc cây mộc lan cạnh nhà tôi, hoặc ở miếng ruộng sau căn bếp nhà nàng. "Có chuyện gì hả?" Tôi hỏi.
Kim nhích sát gần tôi hơn. Đôi mi dài và dày của nàng chớp chớp như cánh bướm. Mắt nàng mở lớn như cánh cửa mở toang ra cho tôi tự do quan sát, dò tìm. Cả con người cô toát ra một vẻ mong manh yếu ớt mà bản năng tôi cứ muốn giang tay ra để che chở, bảo vệ. Nhưng đồng thời tôi cũng không thể quên được gốc gác của gia đình nàng. Lòng đầy mâu thuẩn, tôi đứng như một pho tượng giữa trời mưa.
"Chuyện của ông ngoại anh." Kim nói. "Em mới thấy ổng dưới phố, xem buổi xử của Tòa án Nhân Dân. Bữa nay, đảng Cộng Sản tổ chức một phiên tòa để thanh trừng những hiện tượng tiêu cực trong các cơ quan nhà nước. Lúc em bỏ đi thì ngoại anh đang đứng coi trong đám đông. Người ta đông quá, em sợ có chuyện không hay xảy ra cho cụ." Cô ta hạ thấp giọng. "Tại sao anh hỏi có chuyện gì không?"
"Tôi chỉ giật mình khi thấy cô ở đây, chỉ vậy thôi."
"Tại sao em cần phải có một lý do mới có thể gặp anh được?"
Câu nói sau cùng của nàng sưởi ấm lòng tôi. Tôi quên mình, quên cả cơn mưa tầm tả, chỉ còn biết có người con gái mảnh mai, đôi mắt dịu dàng đang trìu mến nhìn tôi.
"Mình đi chứ?" Nàng hỏi.
"Đị Đi đâu?"
Nàng cười: "Đi tìm ông ngoại anh, chứ đi đâu, thật ngớ ngẩn."
Tôi lặng lẽ gật đầu và nắm tay nàng dắt đi xuyên qua những con đường chằng chịt những cành sao. Ngón tay nàng cào nhẹ vào lòng bàn tay tôi. Sự va chạm của Kim cộng với nỗi bất an trong lòng khi song đôi cùng nàng trên những đướng phố chính ở Nha Trang giữa ban ngày làm tôi có cái cảm giác như có một luồng điện chạy ngay qua người khiến tôi cơ hồ như muốn ngất. Chúng tôi đi ngang qua khu chợ chính. Kim dắt tôi đến chỗ ngã tư nơi nàng đã nhìn thấy ngoại tôi. Cái công trường nơi sáu đại lộ chính của thành phố cùng tụ lại đã bị công an cô lập, và đầy dân chúng hiếu kỳ bu quanh. Công an trong đồng phục áo vàng hiện diện khắp nơi. Dù trời mưa, hàng ngàn người vẫn tụ tập quanh con đường chờ xem màn diễn mà chính phủ Cộng Sản đã loan báo mấy hôm trước. Dù màn chính chưa bắt đầu nhưng đám đông dân chúng rất hồi hộp, khích động. Bên kia ngã tư, tôi nhìn thấy ông tôi đang đứng dưới một cột đèn, một tay đặt trên chiếc gậy đi đường. Người ông ướt sũng nước mưa, nhưng ông không để tâm đến. Hai mắt ông đăm chiêu. Tôi biết ông đang suy nghĩ về một việc gì đó.
Tôi kéo tay Kim.
"Anh thấy ngoại rồi." Tôi nói. "Làm sao mình qua bên đó."
"Theo em." Nàng hét lớn át những tiếng ồn chung quanh.
Phải mất hai chục phút chen lấn chúng tôi mới tới gần một tên công an. Tôi nghe tiếng bước chân diễn hành vọng lại từ xạ Kim vỗ nhẹ vào vai tên công an ra dấu. Anh ta quay lại nhìn, cặp mắt đỏ ngầu vì nước mưa.
"Tụi em muốn băng qua đường." Kim nói với anh tạ "Được không anh?"
Tên công an giơ tay cản lại. "Chờ một chút. Toán tù đang đi tới."
Như phụ họa cho lời nói của anh ta, ở góc đường, theo sau toán công an, những tấm băng vải hiện ra, bay phành phạch trong gió, trên đó kẻ nguệnh ngoặc những khấu hiệu bằng mực đen "Chiến dịch sửa sai chống thành phần hủ hóa trong đảng." và "Những tư tưởng hủ hóa và những hành động chống lại xã hội nghĩa của bọn phản bội đáng bị tòa an nhân dân trừng phạt." Tên chỉ huy phó công an ngồi trên chiếc xe jeep, hô to những khẩu hiệu cộng sản bằng một chiếc loa. Sau mỗi câu khẩu hiệu, ông ta dừng lại chờ dân chúng vỗ taỵ Toán tù nhân, khoảng ba chục người, lảo đảo thành hai hàng, đầu gục xuống, tay bị trói ngược ra sau. Những chiếc nón giấy (loại nón của mấy anh hề trong các vở kịch Tàu) ghi tội trạng của họ: phản bội, phản động và phản xã hội chủ nghĩa.
Khi toán người bị gán tội đó đi ngang qua đám đông, dân chúng hai bên đường ném tới tấp vào họ những trái cây hư, gạch, đá, và miệng thì hô "Đảng cộng sản muôn năm" và "Đề phòng âm mưu thâm độc của bọn bành trướng Tầu và đế quốc Mỹ." Những nắm đấm giận dữ đấm vào không khí, những tiếng gào thét đòi thực thi công lý.
Tôi nhìn thấy ông tôi bên kia đường. Ông bước khập khểnh về phía trước, bỏ cây gậy trên mặt đất, tay run rẩy vói ra. Theo ánh mắt của ông, tôi nhìn vào đám người tù và nhận ra khuôn mặt thân thuộc của chị Loan.
Ngay khi nhận ra được ông tôi, chị khựng lại, hai chân run lẩy bẩy rồi chị quỵ xuống trên mặt đường đẩm nước. Chiếc nón khốn nạn phủ trên suối tóc đen dài của chị rơi ra và bị đám đông dẫm nát. Tôi nhìn thấy sợi giây thừng quấn ngang cổ, bắt chéo trước ngực rồi cột túm lấy tay chị ra phía sau lưng. Trông chị nhỏ quá trong đôi chân trần, như một cô bé.
Ngoại tôi chồm tới, níu vai kéo đầu chị sát vào mình, tay vuốt tóc chị. Miệng ông há ra nói gì đó nhưng tôi không nghe được vì tiếng ồn chung quanh. Từ góc đường, một tên công an nhìn thấy cảnh tượng não lòng đó. Hắn bước vội đến dùng bán súng đẩy vào lưng ông tôi. Anh ta ra tay mạnh bạo và hùng hổ, đẩy cả chị Loan và ông tôi té ngữa trên mặt đường.
"Ngoại ơi." Tôi hét lên.
Ông tôi không nghe được. Tôi quăng cây dù rách, đẩy tên công an đang giữ tôi và Kim, nhào vào đám đông. Ông tôi chống khủy tay lồm cồm ngồi dậy ngó quanh, ngơ ngác. Tôi đỡ ông đứng dậy, phủi những cọng rác dính trên người. Kim đột ngột hiện ra bên cạnh. Tên công an đánh ngoại tôi đứng cách đó mấy bước, che khuất Loan. Tôi nhận ra anh ta là cận vệ của ông Quy Bá.
"Ngoại có sao không?" Tôi hỏi ông.
"Ngoại không sao." Ngoại tôi đáp. "Đưa ngoại đi gặp con Loan. Ngoại muốn từ giả nó."
Tên công an đưa tay cảnh cáo. "Cấm không được bày tỏ tình cảm với tội phạm. Cậu rời khỏi đây ngay, đưa ông già đi theo." Một người nào đó trong đám đông la lên một câu châm chọc, tên công an quay lại nhìn.
Tôi đứng dậy nói với Kim.
"Em ở đây coi chừng ngoại dùm anh. Anh chạy đi từ giả chị Loan cho ngoại."
Trong khi tên công an quay mặt đi, tôi chạy vội lại quỳ bên chị Loan, và lần đầu tiên nhận ra ông Trần. Ngực ông ta đeo một tấm bảng lớn, đề: Tôi đã từng là một cán bộ, nhưng tôi đã làm xấu đảng và phản bội quê hương.Tôi không còn cứu vãn được. Hình như ông ta nhận ra tôi, và có vẻ ngượng ngùng xấu hổ. Môi ông ta sưng vù và cong lên bày ra một lỗ trống nơi mấy chiếc răng cửa cáu đen vẫn thường thấy trước đây. Ông ta vội vàng quay mặt đi.
Chị Loan vẫn quỳ trên mặt đường. Tóc chị ướt đãm nước mưa phủ lên mặt, một vài sợi dính vào miệng. Lòng trứng và ruột cà chua dính đầy trên quần áo chị. Tôi cảm thấy choáng váng như đang ở trong một giấc mơ khủng khiếp. Tiếng ồn ào của đám đông phẫn nộ phai dần. Tôi đưa tay ôm lấy hai má chị.
Chị vùi mặt vào bàn tay tôi khóc sụt sùi, hai vai rung lên. Thình lình, tôi thấy lưỡi chị lè ra khỏi miệng, lướt trên lòng bàn tay tôi đồng thời một vật gì đó rớt ra. Sau đó chị ngước nhìn tôi một cách cố ý. Trong bàn tay tôi, một sợi giây chuyền bằng vàng và một miếng ngọc to bằng một đồng xu ánh lên dưới bầu trời xám. Theo phản ứng tự nhiên, tôi khép bàn tay lại.
"Cất đi, Kiên." Chị nói. "Ngoại em cho chị hồi chị mới dọn vào nhà em. Nói với má em là chị gởi trả lại cho bà ấy."
Một cú dộng vào lưng làm tôi chúi mũi tới trước. Tôi nhìn lên, bóng tên công an hiện ra lù lù với cặp mắt tóe lửa.
"Tránh xa bọn tù nhân." Anh ta rít lên, tiếp tục dùng súng nện tôi.
"Đừng." Kim la lớn. Cô bỏ ngoại tôi trên đường chạy lại níu tay tên công an.
Trông thấy mặt cô gái, tên công an đang giận dữ chuyển sang sợ hãi. "Xin lỗi cô Kim, tôi không nhận ra cộ" Anh ta lắp bắp.
Kim cầm lấy tay tôi. "Chúng tôi đi ngay bây giờ. Chúng tôi không cố tình gấy rắc rối."
Chúng tôi trở lại chỗ ông tôi rồi cùng nhau lẫn vào trong đám đông biến mất.
°
Mưa tạnh hẳn và đêm phủ xuống. Ngay trước rạp Tân Tân, đối diện với công trường, một sân khấu lớn có treo những ngọn đèn màu đã được dựng sẳn. Bên trái là vành móng ngựa làm bằng gỗ dành cho các bị cáo. Giữa sân khấu, ba ông tòa ngồi trên một băng ghế, nhìn xuống những dãy ghế đầu nơi đám tù nhân đang đứng. Vì đây là tòa án nhân dân nên không cần luật sư biện hộ cũng như bồi thẩm đoàn. Hơn thế nữa, trong suốt buổi xử, bị cáo không được phép nói. Những người đại diện nhân dân đã quyết định tôi trạng của họ từ trước rồi. Lúc này chỉ là lúc các viên chức nhà nước tuyên đọc bản án.
Chúng tôi đứng ở một chỗ khuất, theo dỏi phiên tòa sau hàng trăm cái đầu lô nhộ Người ta đi ra đi vô, nói chuyện ầm ĩ, giành tìm một chỗ ngồi tốt. Thức ăn được chuyền tay nhau, mặc dù mọi người đang nhìn lên sân khấu. Tôi đứng chết trân, chăm chú nhìn vào chị Loan giữa đám tù nhân. Chị ngồi gục đầu xuống, hai vai cong, mặt giấu vào giữa hai đầu gối. Hai tay chị bị trói giật ra sau, tôi nhìn mà đau nhói trong lòng.
Khi phiên tòa bắt đầu, tên công an đứng trên sân khấu nổ ba phát súng. Tiếng súng dội đi dội lại trên công trường và mọi người im bặt. Một ông tòa đứng trước cái mi rô, tay cầm tờ giấy. Mọi vật chung quanh mờ nhạt đi cho đến khi tôi nghe tên chị Loan. Hai tên công an vừa lôi vừa đá, vừa hò hét đẩy chị lên vành móng ngựa. Một tên nhét một miếng giẻ vào miệng chị.
Một ông tòa kết tội chị và chồng chị có những hành hộng thoái hóa mà ông ta gọi là "biểu hiệu của loại nông dân cực kỳ nguy hiểm trong chủ nghĩa cộng sản, làm mất phẩm giá của xã hội chủ nghĩa và Mao chủ nghĩa". Họ đã phản bội tổ quốc, tiếp tay cho bọn phản động. Họ bêu xấu đảng cộng sản. Và vì những lý do đó, ông ta kết luận: "Họ phải bị trừng trị." Chị Loan bị kết án mười lăm năm lao động khổ sai không được ân xá. Chồng chị tù chung thân. Sau buổi xử án, cả hai bị xô xuống sân khấu và chở đi mất.
°
Ở nhà, mẹ tôi đứng chờ trước cổng dưới gốc cây ổi. Không khí mát mẻ sau cơn mưa. Những trái ổi úng nằm rải rác trên mặt đất ngay dưới chân bà và cái máy tưới vườn phun những màn nước như sương mù trên mặt đất trông như ma quỷ hiện hình. Mùi tỏi và mùi dầu chiên bốc ra từ quần áo khi bà ôm chúng tôi. Tôi nhận ra mẹ tôi cầm một xấp thư dày trên tay.
"Con đoán thử coi." Bà bật khóc. "Chúng ta có giấy xuất cảnh rồi. Ba tháng nữa, chúng ta sẽ vô Sài Gòn để được phỏng vấn ở tòa đại sứ Mỹ. Suốt mấy tháng chạy tới chạy lui chầu chực của con đã được bù đắp xứng đáng. Tối nay chúng ta sẽ có một bữa thịnh soạn để ăn mừng."
Cái tin bất ngờ đó làm tôi đâm ra bộp chộp, đưa ngay cho mẹ tôi sợi giây chuyền. Những giọt nước mắt mừng vui của tôi sao chua chát nơi đầu lưỡi.
Mẹ tôi ngắm nghía sợi giây chuyền, rồi hỏi: "Ở đâu ra đây?".
"Của chị Loan. Chị nói gởi trả lại cho mẹ. Con và ngoại mới ở phiên tòa của chỉ về."
Mẹ tôi nhìn ông tôi rồi buồn bả nói. "Ồ, ba, con xin lỗi... "
Ông tôi giơ tay cản lại. "Thôi con." Ông trả lời, khập khểnh bước vào phòng. "Chẳng ai có lỗi cả."
"Mẹ định làm gì với sợi giây chuyền đó?" Tôi hỏi.
Mẹ tôi trả lời không chút ngập ngừng: "Bán lấy tiền đi Sài Gòn, chớ còn làm gì nữa?"
"Mẹ bán sợi giây chuyền cũng được." Tôi đề nghị. "Nhưng con xin giữ miếng ngọc được không mẹ? Đó là vật kỷ niệm duy nhất còn lại của chị Loan."
Mẹ tôi cau mày: "Con có chắc là con muốn giữ miếng ngọc không?"
Tôi gật đầu.
"Thôi được." Mẹ tôi thở dài, tháo miếng ngọc ra khỏi sợi giây chuyền rồi trao nó cho tôi. "Con giữ lấy đi, trước khi mẹ đổi ý. Nhưng nhớ giữ cho kỹ, làm mất thì đừng có trách mẹ."