Dịch giả: Nguyễn Cao Nguyên
Chương 27

Bà tôi không nói được nữa, chỉ ú ớ không ra lời. Bà gần như không còn nhận ra được người thân trong gia đình. Bà cũng không ăn được, ngoại trừ một vài muỗng cháo ông tôi rán ép đổ cho bà. Khi bệnh trở nặng, thận và bộ tiêu hóa ngưng làm việc. Bà đại tiện, tiểu tiện ngay trên giường liên tục. Mọi người trong gia đình dì tôi không hề giúp săn sóc cho bà tôi. Mùi bệnh của bà tôi trở thành một hiện hữu thường trực trong đời sống của chúng tôi.
Ngay cả mẹ tôi, có lúc cũng không chịu đựng nổi. Vừa mới lau dọn giường xong thì bà tôi lại tiểu tiện ra ngay trên tấm nệm rẻ tiền của bà. Một đôi khi tôi nghe tiếng gào của mẹ tôi trước nhà, nguyền rủa gia đình dì tôi không chịu giúp, oán trách cái đời sống bi thảm của bà tôi cứ kéo dài mãi.
Bà tôi nằm bất động trong nhiều ngày, nhìn ông tôi bằng đôi mắt vô hồn. Trong cơn hôn mê, miệng bà tôi liên tục phát ra những tiếng rù rì, tay níu lấy một vật vô hình nào đó. Tôi và Jimmy đứng cách giường bà mấy thước, nhìn cảnh mê loạn của bà mà lòng thầm mong cho bà sớm từ giả cõi đời.
Một buổi chiều, từ bến trở về, người dính đầy máu cá, lúc đang đi ngang cái sân đầy cỏ nhà dì tôi, tôi bỗng nghe tiếng bà tôi gọi. Cái giọng tỉnh táo của bà làm tôi ngạc nhiên đến bên cửa sổ phòng bà nhìn vào. Bà đang nằm ngữa nhìn lên trần, tóc đã rụng gần hết để lộ phần da đầu nhăn nheo, trăng trắng. Bà nằm trần truồng, tay giơ lên cao, như bắt một con bướm vô hình, Nước tiểu, phân nhiểu từ tấm nệm xuống mặt thềm xi măng bên dưới. Bà hơi ngóc đầu lên để nhìn tôi, môi run run khi bà kêu tên tôi.
Tôi muốn chạy lại bên bà, nhưng không biết sao vẫn đứng chôn chân tại chỗ. Tôi muốn la lên kêu mọi người nhưng âm thanh tắt nghẽn trong cổ họng. Tôi thấy hai hàng kiến bò dọc theo chân bà mà ngạc nhiên tự hỏi không biết chúng đã có ở đó từ hồi nào. Mắt bà tôi không hề rời khỏi mặt tôi. Giọng bà yếu dần đi. Tay bà buông thỏng xuống trên vùng ngực lép. Rồi bà trút hơi thở cuối cùng.
Tôi òa lên khóc. Lúc đầu, tiếng khóc thoát ra khỏi cổ họng tôi nghe khàn khàn như tiếng vịt kêu. Tôi hít hơi vào và khóc tiếp. Những tiếng khóc tiếp theo sau đó của tôi nghe thật xa lạ, cứ như tiếng khóc của ai đó. Vậy mà tôi không ngừng được.
Ánh Nguyệt từ trong phòng chạy ra, thấy tôi đang đứng bên cửa sổ phòng ngoại tay chỉ vào bên trong, chị hiểu ngaỵ Chị cũng bắt đầu khóc.
Tin bà tôi qua đời lan ra khắp làng. Ông ngoại tôi đã ra ngoài đi dạo như thường lệ; mẹ tôi thì ở ngoài chợ. Khi họ trở về thì nhà tôi đã đầy người bu quanh trước cửa. Tin bà tôi mất có vẻ như không làm ông tôi ngạc nhiên gì lắm. Không nói một lời, ông vào phòng đóng cửa ngồi cạnh xác bà tôi. Tất cả chúng tôi đứng im lặng chờ bên ngoài. Không một người nào trong hai gia đình nhỏ một giọt nước mắt.
Chiều xuống dần, mặt trời chìm vào mái ngói đỏ. Càng lúc càng có thêm nhiều người đến nhà tôi. Ông phường trưởng đến đứng sát phía sau mẹ tôi, mặt ông ta gần muốn đụng vào đầu mẹ tôi.
"Tôi xin chia buồn cùng chị." Ông ta nói với mẹ tôi. "Chúng tôi đến đây để phụ giúp chị trong việc chôn cất."
Mẹ tôi khẻ đáp, không ngước mặt lên: "Cảm ơn ông, nhưng chúng tôi có thể tự lo liệu được. Chúng tôi không dám làm phiền ông."
"Không phiền gì cả. Đó là bổn phận của nhà nước phải lo cho nhân dân. Mẹ của chị là dân trong phường."
"Cảm ơn ông." Mẹ tôi ngước nhìn lên. "Tuy ông là phường trưởng nhưng ông cũng tốn nhiều công lao để đưa vợ con từ Hà Nội vào đây. Sau mười lăm năm, cuối cùng họ đã đến đây. Ông có quyền ở nhà sum họp với gia đình. Chúng tôi có thể tự lo liệu chuyện đau buồn của chúng tôi được."
Dì tôi nhảy vào: "Im miệng đi. Để đồng chí phường trưởng làm nhiệm vụ."
"Chị ấy nói đúng." Ông phường trưởng có vẻ phật lòng. "Nhưng nếu chị thấy không cần tôi ở đây thì tôi về. Phong tục của chúng ta là phải kính trọng người đã mất. Tôi đã ra lệnh chuẩn bị lễ an táng. Tối nay, tôi cho phép mọi người phụ giúp cho gia đình chị. Xin thành thật chia buồn cùng chị." Ông ta quay lưng bước ra khỏi cổng.
Một tiếng đồng hồ sau, một toán đàn ông từ nhà quàn đến. Họ lau chùi và tẩm rượu đế lên thân thể bà tôi với sự phụ giúp của ông tôi. Khi rượu thấm và họ có thể làm cho xác chết giãn ra thì họ thay quần áo cho bà tôi. Rồi họ dùng một miếng vải đỏ cột hai ngón chân cái của bà tôi lại để cho linh hồn người chết khỏi xuất đi.
Một chiếc quan tài màu đỏ rẻ tiền được mang vào phòng ngủ ngoại tôi, phía dưới đáy được trải một lớp cát. Những gia đình giàu có thì dùng trà thay cát. Trà càng đắt tiền, địa vị của người chết càng cao. Chúng tôi phủ sơ một lớp bông trên mặt cát. Sau khi xác bà tôi được đặt vào quan tài, người ta để một dĩa dầu đốt cháy bên dưới để giữ cho linh hồn người chết được ấm áp. Không khí ngập mùi nhan tỏa ra từ một cái lư hương lớn. Sau đó là giờ cho bà con họ hàng đến thăm viếng người chết lần chót.
Đêm đó cả gia đình chúng tôi ngủ cạnh quan tài để bầu bạn với bà tôi. Trên nền xi măng lạnh, dì Đặng và mẹ tôi bàn chuyện chôn cất. Tôi và Jimmy nằm kế đó, chập chờn đi vào giấc ngủ. Dì Đặng chồm đến thì thầm vào tai mẹ tôi. Dù đang nửa tỉnh nửa mê, tôi vẫn nghe hết mọi chuyện:
"Mấy đứa con chị đã ngủ chưa Khuôn?"
"Chắc ngủ hết rồi, có gì không?" Mẹ tôi hỏi.
"Tôi không muốn chúng nghe chuyện này, tôi sẽ ra đi một ngày gần đây."
"Chị nói sao? Đi khỏi nhà tôi hay là trốn đi vượt biển?"
"Vượt biển." Dì thì thầm. "Tôi tìm được đường giây. Người chủ tàu cho tôi đem theo một người. Ba má tôi già quá rồi mà ở tận Sài Gòn, ở đây tôi chẳng có họ hàng gì nên tôi định đem một đứa con của chị đi theo. Chị phải quyết định rồi cho tôi biết chị cho đứa nào đị"
Tôi nằm im, nhưng trong đầu tôi kêu lên với mẹ tôi, van xin bà hãy chọn tôi. Sự im lặng của mẹ tôi làm tôi muốn điên lên vì không biết bà sẽ chọn ai. Tôi cơ hồ như không nằm im được.
Rồi tôi nghe tiếng mẹ tôi thì thầm: "Tốn bao nhiêu tiền?"
"Không tốn xu nào cả. Mình là bạn với nhau mà. Đây là dịp tôi trả ơn chị."
"Chừng nào thì tôi mới phải trả lời chị?"
"Một tháng. Lo đám tang xong rồi hãy quyết định."
"Thôi nói chuyện khác đị" Mẹ tôi nói.