Anh em trong Giải phóng quân liên huyện nhớ mãi ngày hôm ấy: chỉ huy trưởng Tô Ký cưới vợ. Từ lâu vị chỉ huy này mê đánh giặc không chịu nghĩ tới việc lập gia đình, chỉ sợ vợ con “vướng tay vướng chân” nhưng rồi chuyện phải tới đã tới: chiến tranh là chuyện lâu dài, có thể kéo dài đời cha tới đời con, như chủ trương “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” mà ai cũng thấm nhuần. Trước khi vào tiệc liên hoan, hãy tìm hiểu về tân bang và tân giai nhân. Tô Ký theo cách mạng từ nhỏ. Cha là ông Tô Nếp hoạt động bí mật, tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa bị Tây bắt đưa về trại giam Xóm Chiếu và đưa đi thủ tiêu Lúc đó thực dân đưa các chiến sĩ cộng sản ra Mũi Tàu Nhà Bè, xỏ dây kẽm vào lòng bàn tay xâu từng chùm, lùa xuống xà lan đem nhận chìm ngoài biển. Trước Nam Kỳ khởi nghĩa, Tô Ký bị Tây bắt đưa lên trại tập trung giữa rừng gọi là cam des travailleurs Tà Lài, ta gọi là Căng Tà Lài. Đây là trại giam khoét trong rừng sâu dọc con đường 20 Sài Gòn - Đà Lạt, cách Định Quán 15 cây số. Trong năm đợt liền, Tây đưa lên đây mấy trăm nhà cách mạng chúng bắt được khắp Nam Kỳ lục tỉnh để ngăn chặn những cuộc khởi nghĩa mà chúng tiên đoán sẽ xảy ra trong lúc chánh quốc của chúng đang bị Đức quốc xã chiếm đóng. Dù vậy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn xảy ra. Tây thẳng tay đàn áp và tàn sát hàng ngàn người. Chúng vô tình tập trung một lực lượng dự trữ cán bộ cộng sản ưu tú trong căng Tà Lài. Vài tháng sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, chi bộ nhà tù quyết định cho tám đồng chí vượt ngục dưới sự cầm đầu của bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ Trấn Văn Giàu (Sáu Giàu). Bảy người kia là Châu Văn Giác, Dương Văn Phúc tự Năm Đông, Trương Văn Nhâm, Nguyễn Công Trung, Lê Anh Kiệt tức kỹ sư Văn, Nguyễn Tấn Đức và Tô Ký. Tô Ký theo hai anh Giàu và Giác đi về hướng Đà Lạt còn năm người kia đi về hướng Sài Gòn. Tô Ký bị Tây bắt ở Đà lạt đưa về căng Bà Rá. Sau đó lại đưa về khám Tây Ninh. Ngày Nhật đảo chánh Pháp, ngày 9-3-1945, Tô Ký vận động lính mã-tà giao súng cho anh em tù chánh trị rồi về nhà làm ăn. Anh trở về quê nhà, Tân Mỹ, Bình Lý (nay là xã Bình Mỹ) tiếp tục hoạt động. Khi ta cướp chánh quyền cuối tháng 8-1945, Tô Ký là chỉ huy trưởng Giải phóng quân liên quận Hốc Môn- Bà Điển- Đức Hoà. Về cô dâu, chị Tân là dân Hốc Môn, gia đình có truyền thống cách mạng. Vụ Tây xử tử người anh hùng Chín Bỉnh (Đặng Công Bỉnh người chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Hốc Môn) càng nung chí căm thù quân cướp nước trong gia đình chị Tân. Vợ Chín Bỉnh có bà con với mẹ chị Tân, nhà ở ấp Bến Đò, xã Tân Phú Trung. Có một điều kì diệu là trước đây Chín Bỉnh là tay anh chị, có ai ngờ lại trở thành một nhà cách mạng ngoan cường. Giai thoại cái chết đầy khí phách của “nguyên soái Bỉnh” được truyền miệng khắp Hốc Môn và các quận lân cận Gò Vấp, Thủ Đức, Đức Hoà. Đích thân chủ quận Hốc Môn tên Thọ, thiên hạ gọi là Quận Dẻo vì có tật chân, nhắc ghế mời Chín Bỉnh ngồi khi ông bị áp giải về dinh quận. Nhưng hãy trở lại cô dâu. Chị Tân đậu tiểu học vài năm thì ta cướp chính quyền. Ngày 25-8-1945 cả triệu người, phần lớn là thanh niên các quận nội ngoại thành kéo về Sài Gòn dự mít-tinh, chị Tân cũng ủi quần áo đi dự. Chị không quên gắn phù hiệu Thanh niên tiền phong vào ngực áo, nhưng gặp trục trặc vào giờ chót: các anh không cho chị đi “đàn bà con gái mà đi đâu. Có thể xảy ra lộn xộn, chết chóc”. Dù vậy, sau khi các anh đi rồi, chị Tân cũng đi. Những ngày rực rỡ cờ bay trống thúc, làm sao có thể nằm nhà được! Từ cuộc mít-tinh lịch sử đó, chị Tâm hăm hở tham gia mọi công tác mà cách mạng giao phó. Và trên đường kháng chiến, chị đã gặp chỉ huy trưởng Giải phóng quân Liên quận. Trong ngày vui đáng ghi nhớ nhất trong đời, hai anh chị quyết định mời trung tướng Nguyễn Bình tới chung vui. Đối với Nguyễn Bình, anh Ba Tô Ký rất có nhiều cảm tình. Anh gọi vị đặc phái viên của Bộ Tổng là “anh Ba” như giới chỉ huy thân cận của Nguyễn Bình. Ngay từ đầu, khi được thư mời dự hội nghị quân sự tại An Phú Xã, Tô Ký đã ủng hộ ngay. Anh nghĩ là “hiện nay Miền Đông đang cần thống nhất các lực lượng võ trang. Người đứng ra làm việc này phải là tay có bản lãnh mới thu phục được đám anh hùng tứ chiếng. Nếu không thì cũng phải là người của Trung ương phái vào. Chưa biết Nguyễn Bình “làm ra cơm cháo” gì không, nhưng mình phải vì việc lớn mà ủng hộ”. Chừng gặp Nguyễn Bình tại hội nghị, anh thấy rõ đặc phái viên Trung ương đúng là một người của tình thế khó khăn và quyết định ủng hộ của anh trước đây rất đúng. Kỷ niệm sâu sắc nhất của anh về Nguyễn Bình là đêm “hội sư” trên sông Đồng Nai vài tháng sau đó. Anh Ba Bình, đã cùng một số chỉ huy quân sự đi thị sát tình hình hai bờ sông Đồng Nai trên một chiếc tàu ta cướp được của Tây. Lúc đó ta phát động dân quân du kích tấn công các đồn điền cao su là nơi Tây thường chiếm để đóng quân và làm điểm xuất quân đánh ta. Đêm đó nhiều sở cao su dọc hai bờ sông Đồng Nai bốc cháy đỏ rực. Anh Ba Bình chỉ các đám cháy nói với các chỉ huy: - Xem kìa: Lửa Việt Minh thiêu đồn giặc. Ngày tới Thủ Đầu Một, anh Ba đã ra lệnh đốt sở cao su Phú Riềng, giải thoát dân “contrat”, chiếm xưởng máy đem về xây dựng Binh Công Xưởng. Qua những tiếp xúc với các chi đội khác, Tô Ký biết anh Ba Bình rất yêu mến binh sĩ và cán bộ quân sự. Anh Ba thường đến các trạm quán y thăm thương binh. Các bác sĩ và y tá đều xúc động khi thấy anh Ba lấy khăn tay đuổi ruồi bu trên các vết thương anh em binh sĩ, nhưng ruồi là giống lì nên anh Ba phải đắp khăn tay của mình lên mặt một thương binh. Anh Nguyễn Đức Hinh thường khoe chuyện anh Ba Bình và chị Thanh xách cặp gà tới tặng vợ anh sanh được vài tuần. Khi Hinh cám ơn thì anh Ba nói “đó là chánh sách đối với cán bộ chứ có gì riêng tư mà cám ơn”. Sau đó chị Thanh nói riêng với anh Hinh “anh Ba bảo mình có trách nhiệm lo cho hậu phương, vợ con có yên ổn thì chiến sĩ mới yên tâm mà đánh giặc nơi mặt trận”. Không riêng gì Nguyễn Đức Hinh mà nhiều anh em cũng được anh Ba chăm sóc. Có anh vừa báo tin cưới vợ anh Ba móc túi trao hết xấp tiền phụ cấp tháng mới lãnh để về làm lễ liên hoan mời bạn bè tới chia vui. Anh Lâm Thái Hoà gắn bó với anh Ba Bình cũng do thái độ chăm sóc ân cần của vị tư lệnh. Lúc anh Hoà đi công tác, anh Ba cho chị Thanh đến nhà giúp đỡ chị Hoà. Chị Phạm Thị Nhiệm, em giáo sư Phạm Thiều và là vợ của anh Phạm Ngọc Thảo sanh con so. Anh Bình cũng bảo chị Thanh tới săn sóc chị Nhiệm. Có chuyện vui, nhà bảo sanh ở Khu 9 đèn lù mù, Phạm Ngọc Thảo đứng ở đầu giường hỏi chị Thanh đang bế đứa nhỏ: “Trai hay gái?” Thấy “dây nhợ lòng thòng”, chị Thanh nói: “con trai”. Chừng xem kỹ lại là con gái. Trai hay gái gì cũng cám ơn vợ. Anh Thảo hấp thụ văn hoá Pháp nên ôm hôn vợ trước cặp mắt ngơ ngác của chị Thanh... Do biết những giai thoại đó, anh Ba Tô Ký mời anh Ba Bình làm chủ hôn đám cưới của anh. Không riêng vợ chồng anh mà cả Giải phóng quân Liên quận đều hãnh diện về sự có mặt của trung tướng. Anh Ba cưỡi ngựa tới dự hôn lễ cùng một số vị trong Bộ tư lệnh Khu. Vô tiệc anh Ba Tô Ký mới biết anh Ba Bình sống thật “thanh đạm”, không uống rượu, không uống cà phê. Không phải là thầy tu, nhưng vì con mắt hư, phải kiêng cữ các thức uống gây nhiệt. Tuy không dùng rượu, anh Ba vẫn hoà mình vào không khí vui nhộn của tập thể và cũng tỏ ra là “một cây văn nghệ xanh dờn”. Những ai có mặt trong tiệc cưới đó rất thú vị được biết một Nguyễn Bình thân mật gần gũi, khác hẳn chân dung vị tư lệnh mà khẩu hiệu số một trong đời là “kỷ luật” nghiêm minh.