Dịch giả : Lê Kim
Chương 46
Bắt Phán Huề lòi ra chuyện lớn
Tây mưu đồ lập chiến khu ma








































Nguyễn Bình tại An Phú Xã
Huỳnh Văn Một kể chuyện miền Đông

Quân khu 7 đang họp bàn vấn đề chánh quy hoá bộ đội, biến các chi đội thành trung đoàn thì có tin điện từ Chi đội 7 cho biết bắt được Phán Huề, nguyên là chủ tịch tỉnh Bà Rịa đã bị Tây bắt trong cuộc tấn công tỉnh Bà Rịa. Không rõ vì sao Phán Huề lại lén lút trở vô khu giải phóng. Đoán biết có chuyện quan trọng, Khu trưởng Nguyễn Bình bèn cùng Mai Văn Vĩnh: Chị đội trưởng Chi đội 7 cấp tốc về Bà Rịa.
Khi bị bắt, Phán Huề nghĩ là cuộc đời mình đã tàn, nhưng Hai Vĩnh khéo léo đối xử để Phán Huề lên tinh thần. Hai Vĩnh đóng vai chiến sĩ quốc gia bất mãn về sự lãnh đạo của cọng sản khéo đến mức Phán Huề tin thật và tiết lộ âm mưu thành lập chiến khu quốc gia của chánh phủ quốc gia Nam phần Việt Nam dọn đường cho giải pháp Bảo Đại. Phán Huề thú nhận lãnh nhiệm vụ vô khu dụ dỗ một số cán bộ kháng chiến về với chánh nghĩa quốc gia.
Phán Huề cũng tiết lộ Bảy Viễn đã phái Lai Hữu Tài dự các cuộc họp của các giáo phái lập Mặt trận Quốc gia Liên hiệp ủng hộ giải pháp Bảo Đại.
Hai Vĩnh tương kế tựu kế viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân tỏ ý hoan nghinh chủ trương kêu gọi chiến sĩ quốc gia bỏ Khu về Thành và đang nghiên cứu để thi hành chủ trương đó.
Đọc bức thư của Hai Vĩnh, Phán Huề phấn khởi, không ngờ mình đã tự thú tội lỗi của mình. Khi Hai Vĩnh báo cáo mọi việc, Nguyễn Bình ra lịnh giải quyết ngay Công An và Quốc vệ Đội Bà Rịa.
Xong rồi, Nguyễn Bình trở về Bộ Tư định lo đối phó với nguy cơ Bảy Viễn ngả theo Phòng Nhì, bắt tay thủ tướng Nguyễn Văn Xuân lập chiến khu quốc gia giả hiệu.
Từ lâu ta đã nắm được tin Bảy Viễn dung túng bọn Phòng Nhì trong Chi đội 9. Nay lại biết rõ thêm là bọn Tư Sang, Năm Tài đã lái Bảy Viễn đi quá xa. Phải ra sức kéo Bảy Viễn trở lại đường ngay nẻo thẳng. Làm sao?
Sau mấy ngày suy tính, Nguyễn Bình cho mời giáo sư Đặng Minh Trứ, chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh thành Sài Gòn-Chợ Lớn bàn cách liên hệ chặt chẽ với anh em Chi đội 9 mà một đại bộ phận đóng trong địa bàn thành phố. Giáo sư Trứ dạy trong trường trung học Pétrus Ký và cùng ra khu tham gia kháng chiến ngay từ đầu với các đồng nghiệp Phạm Thiều, Hồ Văn Lái, Nguyễn Văn Chì, Trần Văn Các. Trong những năm đầu, ông Trứ hoạt động ở miền Đông với luật gia Lê Đình Chi, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, giáo sư Phạm Thiều. Đến khi thành lập Uỷ ban kháng chiến hành chánh thành Sài Gòn-Chợ Lớn, ông được bổ nhiệm chủ tịch.
Sau khi nghe Nguyễn Bình trình bày Phòng Nhì cố lái Bảy Viễn ngả theo giải pháp Bảo Đại, ông Trứ tán thành việc mời một đại diện Bình Xuyên vô Uỷ ban kháng chiến-hành chánh thành Sài Gòn-Chợ Lớn. Người đại diện sẽ do Bảy Viễn và các chỉ huy các Chi đội trong Liên Khu Bình Xuyên chỉ định, nhưng ta có thể đoán trước được là Mười Trí. Nhân vật Mười Trí thì Nguyễn Bình đã nắm được phần nào nhờ có thời gian hai bên đóng sát nhau.
Theo thư mời của giáo sư Đặng Minh Trứ, ngày 24-3-1948, các vị chỉ huy Bình Xuyên gồm có Lê Văn Viễn, khu bộ phó Khu 7 kiêm chỉ huy trưởng Chi đội 9, Dương Văn Hà, Bộ tư lệnh Liên Chi Bình Xuyên, Trần Văn Đối, phó tư lệnh Liên Chi Bình Xuyên, Huỳnh Văn Trí, chi đội trưởng chi đội 4, Lâm Văn Đức tức Tư Tỵ, chi đội 25, Nguyễn Văn Hoạnh, chi đội 21, Lê Văn Chàng, chi đội 2, Ngô Văn Lực chi đội 3 cùng với các ông Nguyễn Hộ, uỷ viên Dân quân thành, Cao Đăng Chiếm, phó giám đốc sở Công An Nam Bộ kiêm trưởng ty Công an thành, đến dự hội nghị.
Đúng chín giờ, giáo sư Trứ trình bày lý do cuộc họp. Hội nghị bầu chủ tịch danh dự: cố khu phó khu 7 Dương Văn Dương vừa được truy phong thiếu tướng.
Chủ tịch hội nghị là Khu phó Lê Văn Viễn, thư ký là ông Nguyễn Hộ.
Ông Đặng Minh Trứ báo cáo về việc thành lập Uỷ ban Kháng chiến-hành chánh thành Sài Gòn-Chợ Lớn, cần có một đại diện Liên Khu Bình Xuyên trong Uỷ ban.
Hội nghị nhất trí cử ông Mười Trí làm đại diện trong Uỷ ban. Tiếp theo đó ông Bảy Viễn phát biểu cảm tưởng:
- Có đại diện Liên Khu Bình Xuyên trong Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh Sài Gòn- Chợ Lớn thì mọi sự lủng củng sẽ dễ giải quyết. Ban tiêu dùng sản vật Nam Bộ sẽ hoạt động đắc lực hơn để giúp chánh phủ có đủ tiền cung cấp cho quân đội toàn Nam Bộ.
Mười Trí cũng phấn khởi phát biểu:
- Ngày 11-3-1948 vừa qua tôi đã dự cuộc hội nghị Uỷ ban Kháng chiến-hành chánh Nam Bộ. Các anh trong Uỷ ban nhìn nhận trước đây có vài lủng củng do thiếu gần gũi, do hệ thống làm việc không ăn khớp. Nếu trong các Uỷ ban Kháng chiến - Hành chánh có đại diện Bình Xuyên thì sẽ tránh được những ngộ nhận đáng tiếc. Các anh Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Ung Văn Khiêm, Lê Duẩn, Diệp Ba, Lê Đình Chi, Nguyễn Thành Vĩnh đều tỏ ý một ngày nào đó Khu bộ phó Lê Văn Viễn về Nam Bộ họp thì chắc chắn tình hình sẽ sáng sủa hơn.
Bảy Viễn đưa hai tay lên tỏ vẻ hân hoan:
- Nhất định là tôi sẽ về Nam Bộ họp với các anh để giải quyết một lần cho xong những lủng củng đã kéo dài quá lâu. Tôi hứa chắc là sẽ lên đường một khi nhận được công điện của Nam Bộ.
Ai nấy đều phấn khởi trước kết quả tốt đẹp của cuộc họp. Riêng giáo sư Trứ thì vui mừng đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng mà trung tướng Nguyễn Bình giao cho: Kéo Bình Xuyên về kháng chiến.
Trước đầy giáo sư nghĩ Nguyễn Bình chuyên đánh giặc nhưng nay mới biết về chính trị, anh Ba Bình cũng có bài bản, từng bước thu phục nhân tám.
Nhưng hãy còn quá sớm để kết luận Bảy Viễn tính gặp Nguyễn Bình để đòi lại hai đại đội của hai anh Nghiệp và Dư đã bỏ Chi đội 21 khi Bảy Viễn bắt chính trị viên Lê Hiền. Bảy Viễn không chấp nhận chế độ chính trị viên và cán bộ người Bắc trong Chi đội 9 của ông ta. Ngoài ra còn nhiều đụng chạm khác như vấn đề thu thuế Bình Xuyên và khu Sài Gòn thường dẫm chân nhau...
Trong khi Bảy Viễn chịu gặp Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ thì bọn Sang, Tài rất lo. Chúng sợ Bảy Viễn ngã theo kháng chiến thì vai trò chúng nhận lãnh của Phòng Nhì bên cạnh Bảy Viễn khó thành công. Năm Tài tìm cách cản trở:
- Ngài khu bộ phó chớ xuống Đồng Tháp Mười. Giang sơn nào anh hùng nấy. Tụi cộng sản ma giáo lắm. Chúng rất nhiều mưu ma chước quỷ. Chúng tôi lo cho ngài khu bộ phó lắm.
Bảy Viễn cười:
- Người ta mời mà mình không đi là dở. Người ta sẽ nói là mình sợ. Dân giang hồ không hề biết sợ một thứ gì. Để tao đi. Tụi bây đừng có làm kỳ đà cản mũi...
Nhưng anh em Sang Tài không bỏ cuộc trong việc cản ngăn Bảy Viễn đi xuống Đồng Tháp Mười.