Đức Thế Tôn đến thành Kiều-thưởng Di (Kausambi). Ở đó, lúc đầu, ngài rất lấy làm hoan hỷ. Dân chúng nhiệt tình nghe theo lời Ngài, nhiều người đã trở thành sa môn. Quốc vương Ưu Đà Diên (Udayana) là một trong số những tín đồ thuần thành, Ngài cho phép con trai Rát-tra-ba-la (Rashtrapala) xuất gia theo đại chúng. Tuy nhiên, cũng ngay tại thành Kiều-thưởng Di này mà Đức Thế Tôn đã gặp phải một trong những nỗi buồn da diết. Ngày nọ, một sa môn bị khiển trách về tội vi phạm một lỗi lầm nho nhỏ. Thầy không tự nhận lỗi nên bị phạt. Thầy lại không chấp nhận sự xử phạt, và vì thầy là người vui tính, thông minh lanh lợi, học rộng nhớ nhiều, nên có nhiều người theo phe thầy. Các thầy khác đã hoài công van xin thầy trở về chánh đạo.Họ nói với thầy: "Đừng tỏ vẻ kiêu ngạo, đừng tự cho mình không vấp phải lỗi lầm. Hãy nghe lời chúng tôi. Hãy bày tỏ tâm tình với các thầy khác, vì họ cùng chung chí hướng thầy; họ cũng sẽ bộc lộ tâm tình với thầy, vì thầy cũng cùng một tín ngưỡng như họ. Nếu như các thầy nghe lời nhau, giáo hội sẽ lớn mạnh, giáo hội sẽ hưng thịnh."Thầy ấy đáp: "Tôi không cần thầy dạy tôi những điều phải trái. Xin đừng trách tôi"."Đừng nói thế. Ngôn ngữ của thầy không hợp với giáo pháp. Thầy đanh đi ngược với giới luật; thầy đang gieo cấy mầm mống bất hòa trong giáo hội. Đi thầy, hãy sửa lại phong cách ăn ở. Hãy sống an hòa với đại chúng. Hãy tránh cãi vã, hãy thành tín với giáo pháp".Vô ích! Đại chúng quyết định trục xuất kẻ ương ngạnh, nhưng, một lần nữa, thầy ấy vẫn không nghe. Thầy ấy vẫn còn trong giáo hội: thầy ấy ngu muội quá, khỏi cần phải xử phạt gì nữa.Cuối cùng, Đức Thế Tôn đã đứng ra thu xếp. Ngài cố gắng khuyên giải các thầy sa môn; Ngài cầu mong các thầy hãy quên đi bao nỗi bất hòa, hãy cùng nhau tu tập êm đềm như xưa, nhưng chả ai để ý đến Ngài. Rồi một hôm, một sa môn còn bạo dạn đến bạch Phật:"Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy để yên, xin đừng nói gì cả. Ngài đã giác ngộ chánh pháp, xin Ngài hãy định tâm vào chánh pháp. Ngài sẽ an vui trong cảnh định. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ biết hướng đi của chúng tôi; chúng tôi tranh cãi nhưng không phải không tìm ra phương hướng. Ngài hãy thiền định và xin đừng nói gì cả".Đức Thế-Tôn không hề nổi giận. Ngài cố khuyên giải nhưng không được. Ngài thấy là Ngài không thể thuyết phục được các sa môn ở Kiều thưởng di; họ hình như bị một vài cơn điên đột khởi nào đó dẫn dắt. Đức Thế Tôn quyết định từ giã họ, nhưng trước tiên Ngài nói với họ:"Hạnh phúc thay cho ai có được người bạn chân tình; hạnh phúc thay cho ai có được người bạn sáng suốt. Chướng ngại nào mà hai bạn tài đức không thể vượt qua? Người không có bạn tâm giao khác nào vua không có đất nước: phải lang thang phiêu bạt trong cô đơn hiu hắt như thớt voi già trong cánh rừng hoang. Nhưng thà đi một mình còn hơn là chung sống với kẻ ngu muội. Người trí phải một đường một bóng; người trí phải tránh xa ác đạo; người trí phải giữ gìn thanh tịnh như thớt voi già trong cánh rừng hoang."Ngài ra đi. Không ai cố gắng giữ Ngài lại. Ngài đến một ngôi làng mà Ngài biết là Ngài sẽ tìm ra Bờ-ri-gu, một môn đệ của Ngài, Bờ -ri-gu rất sung sướng gặp lại Ngài và Đức Thế Tôn cũng được an ủi bội phần. Sau đó, A-nậu-lâu Đà, Nan Đà và Kim-tỳ-la cùng theo Ngài. Họ hết lòng cung kính và an ủi Ngài, họ cùng nhau chung sống êm đềm. Đức Thế Tôn nghĩ: "Trong giới đệ tử của ta, ít ra cũng có một số yêu quí ta và thuận hòa như thế."Một hôm, nhân lúc ngồi nghỉ mát dưới một tàng cây, Ngài chợt nhớ lại những phút giây xáo trộn ở Kiều-thưởng Di thì có một đàn voi dừng chân để nghỉ gần đó. Voi chúa xuống sông lấy nước mang về cho những voi khác. Chúng uống no nê; rồi thay vì cảm ơn voi chúa đã lấy nước cho uống, chúng lại ngược đãi nó, chúng vung vòi đánh đập nó, và cuối cùng, chúng đuổi nó đi. Đức Thế Tôn thấy tình cảnh của Ngài chả khác gì tình cảnh của voi chúa kia: cả hai đều là nạn nhân của sự vô ơn bạc nghĩa thô bạo. Voi chúa nhận thấy nét buồn hiện rõ trên khuôn mặt Ngài, nó đến gần, nhìn Ngài một cách trìu mến; rồi nó lặng lẽ bỏ đi, đi tìm thức ăn nước uống cho Ngài.Đức Thế Tôn sau cùng trở về Xá-vệ và an trú tại Kỳ-viên.Nhưng Ngài vẫn đau buồn nghĩ đến các sa môn thô ác ở Kiều-thưởng Di. Rồi, bỗng dưng, một hôm nọ, Ngài thấy họ vào Kỳ-viên. Trông họ âu sầu thê thảm: họ không được mọi người cúng dường, ai ai cũng phẫn uất về sự ngược đãi Đức Thế Tôn của họ. Họ đến để xin Ngài tha lỗi. Vị sa môn phạm tội cũng tự sám hối lỗi lầm của mình, và hình phạt của thầy cũng nhẹ nhàng thôi. Các bạn thân sơ của thầy đều nhận khuyết điểm. Mọi người tuyên hứa nghiêm trì giới luật. Đức Thế Tôn hoan hỷ lắm: giáo hội không còn ồn ào rạn nứt nữa.