Dịch giả Tịnh Minh
Chương 16
Tất Đạt Đa Và Vua Tần Bà Sa La

Một buổi sáng nọ, tráng sĩ ôm bình vào thành Vương-xá khất thực. Dân chúng qua lại trên đường đều tấm tắc thán phục sắc diện và phong thái đẹp đẽ cao sang của ngài. Họ tự hỏi: "Người này là ai? trông như một thiên thần, giống như ngài Đế-thích (Sakva) hay đấng Phạm-thiên (Brahma) vậy." Chẳng mấy chốc họ đồn ầm lên rằng có một nhân vật kỳ diệu đang vào thành khất thực. Mọi người muốn gặp mặt tráng sĩ; họ theo ngài đi quanh cùng khắp và các cô phụ nữ đổ xô đến các cửa sổ đứng ngắm chàng quạ Ngài vẫn đi nghiêm trang từng bước dọc theo đường lộ trong khi khắp thành rực lên một ánh hào quang kỳ lạ.
Có người đến báo tin cho quốc vương hay là một đạo sĩ như thiên thần đang khất thực trên đường phố. Vội lên sân thượng của hoàng cung, quốc vương Tần-ba-sa-la (Vimbasara) nhìn thấy tráng sĩ. Nét rực rỡ của ngài làm vua chói cả mắt. Quốc vương dâng ngài phẩm vật và cho người theo dõi, tìm hiểu tông tích của ngài. Nhờ thế mà quốc vương biết được vị khất sĩ kỳ đặc kia ẩn dật trên triền núi gần thành Vương-xá.
Ngày hôm sau. Tần-bà-sa-la xuất thành thẳng đến triền núi. Quốc vương xuống xe, một mình đi bộ đến chỗ tráng sĩ ngồi dưới một tàng cây râm mát. Gần đến cội cây, quốc vương dừng lại, yên lặng, ngạc nhiên, cung kính ngắm nhìn vị khất sĩ tự tại.
Khiêm tốn cúi đầu, quốc vương nói:
"Trẫm đã gặp ngài và rất lấy làm hoan hỷ! Đừng ẩn dật trên triền núi hiu hắt này nữa, đừng ngủ nghỉ trên mặt đất khô cằn này nữa. Ngài đẹp lắm, tuổi xuân của ngài còn huy hoàng lắm, hãy theo ta về thành. Trẫm sẽ dâng ngài một cung điện, và rồi ngài muốn gì sẽ được đó."
Tráng sĩ khiêm tốn thưa: "Tâu quốc vương, tâu quốc vương, chúc quốc vương vạn tuế! Dục lạc chả có nghĩa gì đối với tôi. Tôi sống đời ẩn sĩ, tôi chỉ biết an lành."
Quốc vương nói: "Ngài còn trẻ, đẹp, nhiệt huyết và phong phú lắm. Ngài sẽ được nhiều mỹ nữ diễm kiều ở nước trẫm hầu hạ. Đừng đi đâu nữa. Hãy ở lại đây và hãy là bạn tâm phúc của trẫm."
Tráng sĩ thưa: "Tôi đã từ bỏ giau sang phú quí."
"Trẫm sẽ hiến cho ngài nửa vương quốc của trẫm."
"Tôi đã từ bỏ vương quốc lộng lẫy nhất."
"Ở đây, ngài có thể thỏa mãn mọi điều mong ước."
"Tôi đã hiểu rõ giá trị trống rỗng của mọi điều mong ước. Dục vọng như thuốc độc. Người khôn ngoan trí tuệ phải biết khinh bỉ từ bỏ chúng. Tôi đã vất chúng như người ta vất một bó ra. khộ Dục vọng dễ hư như trái đậu trên cây. Chúng ngỗ ngáo như mây bay trên trời, chúng gian dối đổi chiều như gió mưa bất định! Đau khổ phát sanh từ dục vọng, bởi vì không ai thỏa mãn hết dục vọng của mình. Nhưng những ai tìm kiếm trí tuệ, ôm ấp chánh pháp, người ấy sẽ thấy an lạc hạnh phúc. Kẻ nào uống nước muối, người ấy khát mãi thôi; kẻ nào bỏ dục vọng, người ấy hết khao khát. Tôi không còn biết dục vọng là gì. Tôi đang kiếm tìm chánh pháp."
Quốc vương nói:
"Bạch khất sĩ, trí tuệ của ngài cao quí thay! Cho trẫm biết quê hương của ngài là gì? Phụ mẫu của ngài ở đâu? Ngài thuộc giai cấp nào?"
"Tâu quốc vương, có lẽ ngài đã nghe nói đến kinh thành Ca-tỳ-la-vệ? Đó là một hoàng thành trù phú, sầm uất. Quốc vương Tịnh-Phạn là phụ thân của tôi. Tôi đã từ giã phụ vương tôi để lên đường đó đây khất thực."
Quốc vương đáp:
"Xin chúc ngài gặp nhiều may mắn! Trẫm rất sung sướng được gặp ngài. Gia đình ngài và gia đình trẫm giờ đây có thêm mối tình thâm giao bền chặt. Bạch tôn giả, xin thương trẫm, khi nào ngài chứng đắc vô thượng bồ đề, xin ngài thương tình mà truyền đạt cho trẫm với."
Quốc vương đảnh lễ tráng sĩ ba lần rồi quay về kinh thành Vương-xá.
Tráng sĩ nghe gần thành Vương-xá có một ẩn sĩ lừng danh tên là Uất Đầu-lam-phất (Rudraka), con trai của Ra-ma (Rama). Ẩn sĩ này đã trao truyền giáo pháp cho nhiều môn đệ. Tráng sĩ đến nghe giảng thuyết nhưng cũng như A-la-lam, Uất Đầu-lam phất không biết gì về chánh pháp cả. Tráng sĩ lại lên đường, không chịu ở lại. Lát sau, ngài đến bờ sông Ni-liên-thuyền (Nairanjana). Năm môn đệ của Uất Đầu-lam-phất là Kiều-trần-như (Kaundinaya), A-xả-bà thệ, còn gọi là Át-bệ hay Mã-thắng (Asvajit), Thập-lực-ca Diếp (Vashpa), Ma-ha-nam-câu-lỵ (Mahanaman) và Bạt Đề (Bhadrika) đều xin theo ngài.