LỬA NGUYÊN SƠ

Ông Ruông cho rằng việc ông cưới bà Ruông làm vợ là một cuộc nhận ra nhau (khác với bao nhiêu cuộc tưởng là nhận ra nhau )
Ta sẽ có một luận văn về tình yêu.
Trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ có câu ấy thật. Nhưng không thấy có luận văn nào về tình yêu. Chỉ thấy ông hay nhắc đi nhắc lại về cuộc gặp gỡ giữa ông và vợ ông với giọng điệu vừa như triết nhân vừa như một nhà khoa học hiện đại.
Theo cách nhìn của ông Ruông, cuộc gặp gỡ ấy có thể thuật lại như sau:
Vào một ngày thuộc hậu bán thế kỷ thứ hai mươi, lúc sao mai còn sáng rực ở chân trời phía tây, có nghĩa còn lâu mới sáng, thì ông Ruông nghe tiếng cha ông gọi:
-Dậy rút rơm cho bò ăn đi Ruông
Ra ngoài xã hội, ông là Lê Ruông. Nhưng ở trong nhà cha ông vẫn gọi ông là thằng Ruộng. Sở dĩ cha ông gọi ông bỏ rơm cho bò ăn sớm như thế vì đấy là bữa đi cày đầu tiên của mùa cày đầu tiên trong năm, mùa cày vỡ. Sau mấy tháng nghỉ cày bừa, cặp bò cày đâm lười nhác. Rơm đã được cho vào đầy máng, lũ chúng vẫn còn nằm ì trong chuồng. Ông Ruông phải lấy roi cày tặng cho mỗi con một roi, chúng mới chịu đứng dậy. Lúc lũ bò ăn rơm, ông vòng ra hè nhà sau, lấy cây cày ra khỏi hiên hè. Sau hơn một năm vừa cày ruộng vừa đọc sách, ông thấy trí não ông có phần khác so với lúc đi dạy học. Thường là nghĩ được những điều mới mẻ. Nhưng buổi sáng hôm ấy, lúc làm công việc khởi động cho buổi cày đầu tiên trong năm, thì chẳng có điều gì khác lạ xảy ra trong trí não ông. Lúc vác cày, lừa bò gần đến ruộng, ông có nghĩ đến việc các vị vua các triều đại xưa của nước Việt Nam của ông vào mùa cày đầu tiên trong năm cũng xuống đồng đi cày lấy ngày để mở đầu cho việc cày cấy trong năm của dân trong nước. Nhưng ý nghĩ ấy cũng chẳng phải là dấu hiệu báo trước với ông rằng đấy là một ngày trọng đại trong cuộc đời ông. Mắc bò vào cày đâu đấy xong yên, mặt trời vẫn chưa lên. Buổi sớm tinh mơ của mùa tháng giêng ở miền núi Tượng sông Tượng phải nói là rất tuyệt. Cả màu sắc trời mây, cả không khí để hít thở, thứ gì cũng tuyệt. Ông Ruông cảm thấy người nhẹ nhàng thoải mái, như vừa trải qua một cuộc du sơn ngoạn thủy hào hứng nào đó. Ngay cả tâm trạng này cũng không phải là để báo trước điều trọng đại sắp xảy ra. Đất vừa đủ ướt cho trạnh cày lật được đất là đúng tiêu chuẩn để cày vỡ. Cha ông đi thăm đồng về, bảo mừoi bữa nữa là cày được, sáng ấy là đúng mười bữa. Bước chầm chậm theo đôi bò cày cũng bước chầm chậm theo kiểu thuộc lòng, ông Ruông cứ thấy tức cười thầm. Công việc làm của ông trong những năm tháng trước đấy đâu có mấy khác với công việc làm của đôi bò cày. Kéo cây cày tới đầu bờ thì đôi bò cày tự động quành lại, cày lấp sống thì quành bên phải, bên ví, cày mở rõng thì quành bên trái, bên thá, đâu cần ông hô ví thá. Thì ông cũng vậy, đâu cần ai nhắc, tới giờ là lên lớp, khoa học thường thức thì con trăn con rắn là thuộc lớp bò sát, địa lý thì nước Việt Nam có hình cong chữ S, sử ký thì Bà Trưng quê ở Phong Châu, giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên… tức trích Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca. Giảng bài cho đám học trò tiểu học thì đâu cần phải cho sâu cho rộng. Năm nào cũng quành đi quành lại cách giảng ấy. Có nghĩa, tới bài ấy của môn học ấy, thì lại giảng giải như thế.
Tất nhiên là đám học trò dù ít dù nhiều cũng thêm được kiến thức. Nhưng với ông thì không. Dường như là ngồi ở bàn thầy dạy học, ông chỉ làm mỗi công việc nhai lại. Thấy cách kéo cây cày của cặp bò cày, ông thử đem liên hệ với chuyện dạy học của ông, vậy thôi. Như cha của ông, đâu có dạy học, mà cũng mắc phải nhai lại. Cứ ngồi vào mâm cơm, trông thấy mặt ông, là lại nhắc: Mày định không cưới vợ, ở vậy tới già sao Ruộng? Cha của ông cứ mỗi câu ấy nói suốt từ những năm ông ở tuổi hăm chín ba mươi cho tới lúc ông thôi dạy học, ra cày ruộng. Quả tình, cho tới lúc đó, ông cũng chẳng thể giải thích một cách rõ ràng cho người khác hiểu vì sao tới tuổi đó ông vẫn chưa cưới được vợ. Có kẻ thân tình nào gặng hỏi, thì ông lại vừa đùa vừa thật là chưa nhìn thấy người phụ nữ nào là vợ của mình. Bảo ông Ruông không nghĩ về phụ nữ thì cũng không đúng. Có thể nói như thế này không: chưa có người phụ nữ nào khiến cho ông thấy một người đàn ông thì phải có một người phụ nữ ở bên cạnh? Hay nói theo cách của dân gian là ông chưa gặp được duyên nợ? Ngay cả những lúc có tâm trạng phấn chấn nhất, ông cũng thường hay nghĩ đến những chuyện chẳng ăn nhập chi với sự thúc bách của cha ông. Như buổi sáng đầu tiên mùa cày vỡ, giữa cảnh trí nên thơ của đất trời, đầu óc ông lại đi xem xét chuyện dạy học của mình trước đấy có giống với chuyện kéo cày của cặp bò cày không. Có nghĩa, cho đến lúc ấy không hề có dấu hiệu nào báo trước đấy là ngày ông đạt được một cuộc tình mà theo ông là mẫu mực nhất trần gian.
Dân làng Dầu và dân làng Gàu ( ở phía đông làng Dầu} cùng cày ruộng trên đồng Đất Sét. Chỉ nghe tên gọi thôi cũng đủ biết đấy là thứ ruộng đồng chẳng màu mỡ gì. Ruộng đất cố định bấy nhiêu khoảnh, mà năm nào dân hai làng cũng cho ra đời thêm mấy chục đứa trẻ. Ông Ruông cho đấy là chỗ kỳ diệu của con người. Thêm miệng ăn, nhưng không thêm đất đai trồng trọt, mà vẫn sống được, sống một cách mãnh liệt nữa là khác. Cứ xem quang cảnh mùa cày vỡ trên đồng Đất Sét thì rõ. Chồng cày, đám vợ con thì dọn bờ, cuốc góc. Đến mùa cày đầu tiên trong qui trình trồng trọt, mùa cày vỡ, ở trong nhà ai cày cuốc được đều ra đồng hết. Chẳng có tính toán nào ngoài việc có bao nhiêu sức lực là đổ hết ra ruộng đồng. Cho nên, sau khi rời việc dạy học, ông Ruông cũng bị cuốn hút ngay vào thứ sức sống tạo hóa đã ban tặng riêng cho người làng quê ông. Dừng cày cho bò nghỉ xả hơi là ông lại cầm cây cuốc đi dọn bờ, cuốc góc. Sau này, khi có mưu toan vĩ đại với con cháu, ông mới thấy sức làm lụng của ông lúc đó là quá lớn (Cha của ông lúc bấy giờ không còn cày cuốc nổi nữa, trên khoảnh ruộng nhà chỉ có mỗi mình ông với cặp bò cày)
-Vô chuyện cày bừa, ông giáo cũng chẳng kém thua ai
Thấy cách làm lụng của ông Ruông, ông già Thạch cày ở ruộng kế bên thỉnh thoảng lại ngưng bò, vói sang, để tỏ khâm phục.
Không như ông Ruông một mình một thân với đôi bò cày, ông già Thạch còn có cô con gái đầu lòng xấp xỉ bốn mươi, chưa chồng con, cùng làm lụng với ông trên đồng ruộng. Theo truyền thống văn hoá dân dã ở miền núi Tượng sông Tuợng, con gái chừng ấy tuổi mà chưa lấy chồng thì được liệt vào danh sách gái lỡ thì. Nói theo nghĩa đen, lỡ thì là đã qua cái thời được đám con trai ngấp nghé, đeo đuổi. Nhưng lại còn có nghĩa là có thể ở vậy tới già. Công bằng mà xét thì con Hai Mén (người ta vẫn gọi cô con gái đầu lòng ông già Thạch như thế) không phải là xấu xí lắm. Có đổ thừa nước da chị ta hơi đen, bắp chân hơi to, hoặc khuôn mặt hơi thô, nên khó lấy chồng, thì cũng chẳng phải là lý do thuyết phục lắm. Bỡi biết bao người phụ nữ cũng có những đặc điểm thế mà vẫn chồng con đàng hoàng. Ơ làng Gàu, ngoài việc ruộng nương, người làng còn có nghề đương gàu tát nước. Gàu của con Hai Mén lỡ thì đó. Lời thiên hạ dùng khen tặng sự khéo tay của cô con gái đầu ông Hai Thạch lại vô tình củng cố cho xu hướng ở vậy tới già của người con gái bất hạnh đó. Ngày ngày đám con trai đàn ông ở các vùng chung quanh vẫn tiếp tục hỏi thăm đường đến nhà con Hai Mén lỡ thì, nhưng không phải là để săn đuổi tình duyên, mà chỉ để mua gàu tát nước. Ơ làng Gàu (cũng như ở làng Dầu ) cũng từng có nhiều người gợi ý cho đám con trai đàn ông trong làng, song, chẳng có anh nào chịu lấy chị. Tất nhiên là chẳng ai dám gợi ý này với ông giáo Ruông, vì người ta cho rằng ông giáo phải có một người vợ cũng gỉoi chữ nghĩa như ông. Lúc còn dạy học, ngày nào ông Ruông cũng ngang qua làng Gàu, thỉnh thoảng lại gặp chị ấy. Đến lúc thôi dạy học, ra cày ruộng, thì gặp nhau hoài, vì ruộng nhà ông với ruộng nhà chị thì liền bờ.
Ông Ruông chép trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ:
Buổi mai hôm ấy có lũ chim sơn ca hót vang trời. Thường, chúng chỉ hót vào lúc chiều xuống. Nhưng buổi mai ấy lũ sơn ca cứ vút lên bầu trời trên đầu ta mà hót. Đúng vào giây phút trọng đại ấy thì có chim sơn ca hót.
Phải. Vào cuối buổi cày đầu tiên mùa cày vỡ ấy thì xảy ra sự việc trọng đại. Gần cuối buổi, ông Ruông tháo cày cho bò nghỉ, rồi đi dọn bờ. Ở ruộng bên, ông giàThạch vẫn còn tiếp tục cày. Chị Hai Mén, từ sáng giờ vẫn làm công việc dọn bờ. Vừa dọn bơ, ông Ruông vừa nghĩ đến chuyện vợ con, và thấy hơi lo. Như đã nói, ông rất ít khi nghĩ đến chuyện vợ con, không hiểu sao hôm ấy trong lúc mệt nhọc thế, ông lại nghĩ đến chuyện ấy. Không phải ông lo kiếm không ra vợ, vì ra ngoài xã hội ông thấy còn khối đàn bà con gái chưa chồng. Ông lo là khi có vợ tất phải sinh con, có con tất phải lo nuôi con, thế chẳng còn thì giờ để đọc sách. Chính ông vui sống được sau khi thôi dạy học là nhờ vừa cày ruộng vừa đọc sách. Chợt ông nghĩ ra được một giải pháp mà ông cho là lưỡng tiện. Cứ lấy vợ, song, đừng sinh con. Như thế vừa làm cho cha của ông vui, vừa còn có thời giờ để đọc sách. Lúc cái giải pháp này lóe ra trong trí não thì ông Ruông chống cuốc, đứng thẳng người lên, nhìn sang bên ruộng ông già Thạch. Chị Hai Mén vẫn cặm cụi dọn bờ, sắp làm đến đoạn bờ ngang với đoạn bờ ông đang làm. Lúc ấy thì ông già Thạch đã tháo bò cày, đi cuốc góc. Cứ lấy vợ mà đừng sinh con là tiện nhất. Ông lập lại ý nghĩ ấy ở trong đầu đúng vào lúc chị Hai Mén đã tiến đến đoạn bờ ngang với nơi ông đang đứng nghĩ ngợi.
Ông Ruông chép trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ:
Có một thứ lửa bí ẩn chất chứa sẵn trong trái tim ta và trong trái tim nàng, đến lúc ấy thì phụt cháy lên.
-Em Hai
-Anh giáo.
Vì chép ra thành chữ nên phải có trứơc sau như thế. Sự thật thì ta với nàng cùng lúc thốt ra như thế. Những lời ấy thật ra chỉ là biểu hiện của thứ lửa nguyên sơ tiềm ẩn trong trái tim ta và trong trái tim nàng. Lời là lửa. Thốt ra thế là để thông báo cho nhau biết rằng cả ta và cả nàng đã cùng lúc nhận ra ngọn lửa ấy.
Ở một chỗ khác trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ ông Ruông còn bảo lúc hai người giáp mặt nhau (và nhìn nhau) chính là lúc cả hai cùng bị một thứ lực bí ẩn chi phối, ông chép:
Ta nghe người lảo đảo, tựa hồ nơi trái tim nàng đang tỏa ra một sức hút mãnh liệt làm lung lay toàn bộ tâm trí ta. Và ta tin là nàng cũng thế, cũng đang bị một thứ lực tương tự đang tỏa ra từ nơi trái tim ta, vì ta trông thấy người nàng cũng lảo đảo. Và rồi, cả ta lẫn nàng cùng chồm qua con bờ nhỏ, ôm chầm lấy nhau, cùng lúc khẽ kêu lên: anh giáo-em Hai.
Ngay tối hôm ấy, ông Ruông nói với cha mình:
-Con đã quyết định rồi, là sẽ cưới con Hai Mén con ông già Thạch ở làng Gàu
Cha ông Ruông có cảm thấy bị choáng váng, song đã liền lấy lại bình thường. Nếu là trước đấy, lúc cha ông còn đi cày nổi, chắc ông đã hét lên: Hết con gái hay sao mày đi cưới gái lỡ thì? Nhưng bấy giờ thì cha của ông đã yếu lắm, chẳng biết sẽ theo ông bà vào lúc nào. Nên vấn đề bây giờ không phải là lỡ thì hay không lỡ thì. Mà làm sao trước lúc chết, cha của ông được nhìn thấy mặt đứa cháu nối dõi.
-Con cưới đứa nào cũng được. Nhưng phải sinh cho cha một thằng cháu trai
Như vậy là đương nhiên ông Ruông phải hủy bỏ cái giải pháp lưỡng tiện đã nghĩ được hồi lúc sáng.