Bảy Viễn rút quân về thành trong tình thế cực kỳ gay cấn. Nguyễn Bình biết trước ý đồ đó nên cho các chi đội đuổi theo đồng thời điện các đơn vị ở ven đô chân đường chạy về thành. Lúc Bảy Viễn với sông Vàm Cỏ, Mười Trí ra đón và hứa sẽ thuyết phục Bảy Viễn bỏ ý định về thành để các chi đội bạn không đuổi theo hai đại đội của Bảy Viễn, tránh nạn nổ súng huynh đệ tương tàn. Mười Trí hết lời can gián nhưng Bảy Viễn chỉ thở dài: - Nhục lắm! Tao đã thua trí tụi nó. Tao đã lầm kế “điệu hổ ly sơn“ của hai thằng Nguyễn Bình với Hai Trí. Trong lúc họp ở Đồng Tháp thì chúng nó tảo thanh Rừng Sác. Sào huyệt tan hoang, tao có gì nữa mà ở lại? Đành phải noi gương người xưa mượn đất Kinh Châu mà ở đó chờ thời. Không giữ Bảy Viễn được, Mười Trí tìm cách giảm bớt tổn thất cho kháng chiến. Ông bí mật dặn thằng Ly là con đầu lòng của ông ra lịnh cho đại đội trưởng Xê không được đưa đại đội trọng pháo qua sông Vàm Cỏ khi chưa có lịnh của Mười Trí. Đại đội trọng pháo do Xê chỉ huy là của chi đội 4 Mười Trí cho Bảy Viễn mượn để lập liên quân định thị uy Nam Bộ. Vậy là trên đường về thành, Bảy Viễn mất hết một đại đội. Vào giờ chót thì Bảy Cao với hai tiểu đội của Bảy Viễn chạy về Nam Bộ ra mặt Nguyễn Bình. Bảy Viễn về thành rồi, Mười Trí nhận khuyết điểm với uỷ viên quân sự Nam Bộ là đã không giữ được Bảy Viễn. Anh Ba Bình mỉm cười trao cho Mười một tờ truyền đơn máy bay Pháp vừa rải xuống Đồng Tháp. Đó là tuyên ngôn của Khu bộ trưởng Lê Văn Viễn khi trở về với chánh nghĩa quốc gia. Mười Trí cau mày tức giận: - Rõ ràng đây là lời lẽ của bọn Pháp chớ đâu phải của Bảy Viễn. Mấy chữ “cộng sản độc tài”, “chiến sĩ Bình Xuyên bị ngược đãi” là giọng điệu của thằng Tây. Chúng viết sẵn, Bảy Viễn chỉ ký thôi. Anh Ba nói: - Chống lại truyền đơn này chỉ có anh Mười là có đủ uy tín, vì anh là bạn giang hồ đồng sanh đòng tử với Bảy Viễn. Anh Mười nên ra một bản thanh minh. Được chứ? Mười Trí gật: - Tôi sẽ thảo ngay tại đây. Anh Ba Bình đọc xong gật đầu khen: - Anh Mười viết ngắn mà hay. Để tôi in cho. Ông đọc lần nữa bức thanh minh: “Ông Lê Văn Viễn đã gạt được một ít chiến sĩ ra đầu Tây Vừa rồi ông ra tuyên ngôn ủng hộ bù nhìn Bảo Đại và Nguyễn Văn Xuân. Trước đây có Nguyễn Hoà Hiệp, Năm Lửa, nay tới Bảy Viễn. Bọn chạy theo giặc thì đồng bào Nam Bộ chẳng lạ gì. Nhưng tôi là bạn thân với Bảy Viễn nên phải có đôi lời thanh minh: Tôi rất buồn đã không ngăn cản được người bạn đã thề đồng sanh đồng tử từ thuở nhỏ. Chúng tôi từng đi giang hồ, từng chống cường quyền thực dán, từng vào tù ra khám, nhiều lần vượt ngục Côn Đảo về đất liền. Từ năm 1945 chúng tôi đi kháng chiến đánh Tây giành độc lập. mỗi người đóng quân một nơi nên chúng tôi ở xa nhau. Do đó mà bọn phản động chui vào xúi giục Bảy Viễn chóng Việt Minh. Nay thì Bảy Viễn ra mặt đầu Tây không màng lời khuyên can của tôi Bảy Viễn đã chôn vùi thanh danh giang hồ mã thượng, thiêu huỷ sự nghiệp ba năm chiến đấu chống thực dân. Xem bản tuyên ngôn, tôi thấy rõ lời lẽ của bọn Pháp và Việt gian chớ không phải của Bảy Viễn. Chúng làm sẵn cho Bảy Viễn ký. Tôi bác bỏ tình bạn bè qua một bên, cương quyết theo kháng chiến tới cùng để giành Độc lập, Tự do và Hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Vi chánh nghĩa, vì quốc dân, ta quyết chiến, ta sẽ thắng. Văn phòng quân sự, ngày 25-6-1948 Trung đoàn trưởng Trung đoàn 304 Huỳnh Văn Trí. Cùng lúc đó thì Bộ tư lệnh khu 7 cũng nhận được công điện 36 đánh từ ngày 10-6 của các chi đội 2, 3, 4, 5, 7, 9, 21, và 25. Nội dung như sau: “Yêu cầu quý vị chuyển lên Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ và Bộ Quốc Phòng nguyện vọng của chúng tôi: 1. Chiến sĩ Bình Xuyên chúng tôi đã đổ xương máu chiến đấu trong ba năm nay không phải là một vài tên du đãng thổ phỉ hay bọn phòng Nhì, côm-man-đô! 2. Những người anh cả chúng tôi là Khu bộ phó Dương Văn Dương, ông Tám Mạnh, ông Năm Hà. Còn mấy ông Viễn, Trí, Hoạnh, gần đây đã truỵ lạc không xứng đáng là đàn anh của chúng tôi nữa. 3. Chúng tôi hy sinh cho Tổ quốc chớ không hy sinh cho cá nhơn bọn anh chị không xứng đáng ấy. 4. Yêu cầu cho chúng tôi làm người chiến sĩ của quốc gia chớ không phải làm nô lệ cho bọn quân phiệt”. Lê Tâm không thể quên được chuyến đi tước súng một đại đội của Bảy Viễn khi tay này chạy về thành. Vừa hay tin, anh Ba quyết định dẫn quân đi tước võ khí đại đội nói trên để tránh những vụ va chạm đổ máu có thể xảy ra. Đây là một đại đội mạnh, mỗi tiểu đội đều có cây “luộc (mitrailleuse lourde) loại sết-sết bắn đạn nồi. Đại đội đang trong thế nghỉ ngơi nhưng rất trật tự. Anh Ba cho quân của mình dừng lại đằng xa và chỉ đi một mình với Lê Tâm đến trước ban chỉ huy đại đội. Lê Tâm không hiểu vì sao anh Ba lại đưa anh đi theo, chưa hỏi thì anh Ba đã nói: “số vũ khí này sẽ giao cho quân giới để sau đó phân phối cho các đơn vị nào thiếu”. Sự xuất hiện của trung tướng Nguyễn Bình khiến cả đại đội đặc biệt chăm chú. Hàng trăm cặp mắt ngó lom lom. Nhưng thấy vị tư lệnh đi tới một mình, không có súng gì cả, họ yên chí. Anh Ba hỏi ban chỉ huy: - Có phải các đồng chí là đại đội của Bảy Viễn bỏ lại? Đại đội trưởng Xê chào: - Thưa trung tướng, chúng tôi là đại đội súng lớn của Chi đội 4, là một trong hai đại đội theo hộ tống anh Bảy Viễn về nhận chức khu trưởng khu 7. Nhưng hay tin anh Bảy Viễn quyết định về thành, chúng tôi được anh Mười Trí ra lịnh tách ra. Anh Ba nói: - Thái độ của các đồng chí như vậy là rất tốt. Nhưng trong tình thế hiện nay, các đồng chí nên trao vũ khí cho Bộ Tư lệnh để tránh những va chạm với các đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ... Đại đội trưởng Xê kêu lên: - Tước súng của chúng tôi à? Không đời nào chúng tôi để tước súng. Đó là cái nhục mà không một chiến sĩ nào chấp nhận... Một người khác hoạ theo: - Nếu trung tướng không tin chúng tôi thì chúng tôi xin tự sát trước mặt trung tướng. Tới đây thì cả đại đội đều chụp súng chờ lịnh chỉ huy. Tình thế căng thẳng. Lê Tâm nghĩ thầm: “Nếu lính nổ súng vào anh Ba và mình thì đúng là bi kịch”. Nhưng anh Ba vẫn bình tĩnh nói: - Đừng! Đừng chết vô lý như vậy. Hãy giành cái chết trước quân thù, chết vì lý tưởng cao cả, chết vì độc lập, tự do thì nên, còn chết vì sự hiểu lầm giữa chiến hữu thì không nên. Tôi xin nói rõ một lần nữa ý định của tôi: Trong khi Bảy Viễn trốn về thành, các đồng chí tách ra: ở lại đây là một quyết định sáng suốt. Nhưng trong tình thế hiện nay, các đơn vị đã được báo động. Đã có lịnh tước vũ khí các đại đội của Bảy Viễn. Nếu các đồng chí nào không nghe lời tôi thì sẽ có những vụ xô xát đẫm máu đáng tiếc. Tốt hươn là giao súng ngay bảy giờ để rồi sau này súng sẽ trở về tay các đồng chí... Đại đội xôn xao, các chỉ huy phân vân. Anh Ba nói tiếp: - Tôi lấy danh dự trung tướng hứa chắc với các đồng chí: đây là biện pháp cần thiết đề bảo vệ các đồng chí. Sau này khi tình hình bớt căng, xét thấy các đồng chí là người chiến sĩ trung thành với cách mạng thì tất nhiên súng sẽ được giao trả lại các đồng chí. Tôi là quân nhân tôi biết cái nhục bị tước vũ khí, nhưng vì sinh mạng chung cho các đồng chí lẫn các đơn vị bảo vệ chiến khu, đề nghị các đồng chí cho giải giới! Ban chỉ huy đại đội gạt đầu quân lịnh. Cả đại dội vừa rơi nước mắt vừa hạ súng, dựng súng từng to ba người hình trụ. Anh Ba khoát tay cho bộ đội tới gom súng. Và đưa đại đội của Mười Trí về nơi tạm trú. Lê Tâm mừng rỡ: tấn bi kịch đã kết thúc êm đẹp. Đó là một bi kịch lạc quan. Nếu một người nào khác không phải là anh Ba thì không biết sự việc sẽ diễn biến thế nào.