Tháng 7-1951, đúng vào lúc trung tướng Nguyễn Bình sửa soạn lên đường ra Bắc thì một chiểu công của Ban công tác Thành tới tai người anh cả của binh chủng tinh nhuệ này. Một cảm tử của ta đã diệt được Thủ hiến Nam phần Thái Lập Thành và tướng Chanson, uỷ viên cộng hoà Pháp (tương đương Thống đốc Nam Kỳ trước kia). Chiến công này xảy ra tại thị xã Sa Đéc, ngay lễ đài dựng trước toà hành chánh tỉnh. Hãy nghe chị Lưu Hồng Cúc báo cáo nội vụ: - Tôi là Lê Thị Chẳn sanh đẻ tại Phú Hữu, Cái Tàu Hạ, Sa Đéc nhưng quê nội ở ngã tư Long Hồ, Vĩnh Long. Mười sáu tuổi lên Sài Gòn làm mướn và được anh Bảy Khám gốc Vĩnh Long giới thiệu vô đội cảm tử thành. Về sau được điều về đội 963 hoạt động trong thị xã Vĩnh Long. Tại đây tôi lấy bí danh Lưu Hồng Cúc. Tôi thứ mười nên anh em gọi là Mười Cúc. Tổ của tôi chỉ có bốn người. tôi là tổ trưởng; ba người kia là các anh Mười Kiên quê ở Trà Vinh, Hùng quê ở Vĩnh Long và Hạnh cũng ở Vĩnh Long. Chỉ huy đội 963 lúc đó là anh Võ Quốc Quân. người đồng hương với tôi (Cái Tàu Hạ). Khi anh Quân hy sinh, anh Trần Xuân Vỹ quê ở Bến Tre lên thay. Để tiện hoạt động, tôi dựa vào đạo Cao Đài. Tôi giao thiệp với lễ sanh Thanh Châu Ơn là người “có máu mặt” trong tỉnh Vĩnh Long. Ông này là chức sắc cao cấp trong đảng Việt Nam Phục Quốc Hội. Tôi thầu chở muối cho Cao Đài để bí mật chở súng giấu dưới muối đưa về Cái Tàu Hạ, từ đó đưa xuống ghe vô căn cớ. Một lần bị lính gác cầu Lẩu chặn xét, tôi cho người gọi lễ sanh Thành Châu Ơn can thiệp “qua truông” được. Ba ngày trước vụ mưu sát, trinh sát ta được tin tướng Chanson và Thủ hiến Nam phần Thái Lập Thành đi kinh lý Sa Đéc để trấn an tinh thần dân chúng sau những tổn thất dồn dập: ngày 28-4-1951, tướng Harteman, tư lệnh không quân Pháp đi máy bay B26 bị mất tích ở Tiên Yên. Ngày 30-5-1951 con tướng De Lattre là trung uý Jean de Lattre tử trận ở Ninh Bình. Hay tin này, anh Trần Xuân Vỹ bàn với tôi mưu sát hai nhân vật quan trọng này. Đơn vị có hai trái lựu đạn OF. Chỉ cần một người cảm tử dám mang hai trái lựu đạn này tới lễ đài. Anh Mười Kiên xung phong lãnh trách nhiệm này. Tôi bàn bạc mọi việc với “Kinh Kha” mấy ngày và lo kiếm bộ đồ sắc phục Phục Quốc với phù hiệu để anh Mười Kiên cải trang mà vô lọt khán đài danh dự tiếp cận tướng Chauson và Thái Lập Thành. Ngày trọng đại đã đến. Cả tổ cùng đi để động viên anh Mười Kiên. Bất ngờ làm sao, vào phút chót anh Kiên “sọc dưa”, Hùng đi kèm bực mình nói: “Không dám làm thì đưa hai trái đó cho tôi”. Anh rút chốt cả hai trái thọc vô hai túi quần xăm xăm đi tới khán đài danh dự. Nhờ có bộ sắc phục Cao Đài mà anh Hùng không bị lính gác ngăn chặn. Cách tướng Chanson ba thước, Hùng đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Lựu đạn nổ tung tức khắc. Trái thứ hai nổ tiếp theo. Tất cả nhốn nháo. Cuộc lễ tự động giải tán. Thái Lập Thành chết tại trận còn Chanson chết trên đường bay về Sài Gòn. Chúng lục xét các hồ sơ của Phục Quốc Hội thấy có tên Cúc, Kiên và Hạnh. Tôi bị bắt nguội. Chúng giải tôi về Toà Thánh Tây Ninh cột dưới gốc cau tra tấn ác liệt. Tôi cắn răng chịu đau, không hề khai rồi bí mật nhắn lễ xanh Thanh Châu Ơn lên Tây Ninh xin lãnh về “để giáo dục”. Rất tiếc là về tráng sĩ Kinh Kha Việt Nam đã hy sinh vì đại nghĩa, chị Cúc chỉ biết anh tên Hùng, thậm chí họ của Hùng chị cũng quên. Đúng Hùng là một chiến sĩ vô danh mà thị xã Sa Đéc phải dựng tượng để hậu thế noi gương. Trong lịch sử kháng chiến, chưa có một vụ ám sát nào mà cả Phòng Nhì lẫn Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đều mù tịt như vụ cảm tử thành tên là Hùng diệt tướng Chanson và thủ hiến Thái Lập Thành tại thị xã Sa Đéc ngày 31-7-1951. Báo chí Sài Gòn đều đổ tội cho Cao Đài và đảng Việt Nam Phục Quốc Hội. Tin diệt tướng Chanson, uỷ viên Cộng Hoà Pháp ở Nam Phần đến với anh Ba Bình khi anh rời chiến khu Dương Minh Châu. Đây là một an ủi, là một món quà quý báu tiễn chân anh. Tướng Chanson là uỷ viên Cộng hoà Pháp thứ hai bị Ban công tác Thành “giũ sổ”. Uỷ viên Cộng hoà Pháp thứ nhất bị diệt là đại tá Hanh Imfelt, một người Pháp gốc Thuỵ Sĩ làm uỷ viên Cộng Hoà tại Lào nhưng lại lấy Sài Gòn làm trung tâm hoạt động. Anh thợ hớt tóc trẻ - chưa tới hai mươi tuổi - Võ Hồng Tâm đã diệt tên này trong phòng số 28 khách sạn Hôtel des Nations, đường Charner (Nguyễn Huệ), giữa Sài Gòn... Với nhưng tin chiến thắng ấy anh Ba Bình ra đi trong niềm vui của người đã gieo hạt giống, tin tưởng mùa màng sẽ tốt tươi sau khi mình nằm xuống. Trước tình cảm cao đẹp ấy, các va chạm về nhân tình thế thái bỗng trở nên nhỏ nhen không đáng bận tâm.