Dịch giả : Lê Kim
Chương 7
Đoạn đường mới, tên phải đổi mới.
Nguyễn Phương Thảo “cải hiệu” Nguyễn Bình.

 
Trở về quê Bần Yên Phú, Thảo tính sổ: thấm thoát đã tám năm anh rời quê cha đất tổ. Trong tám năm lưu lạc miền Nam, anh đã học được rất nhiều, đúng như người ta nói: “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”! Điều anh tâm đắc nhất là đã biết được miền Nam cả về đất nước và con người, cả trên đất liền đến ngoài hải đảo. Dân miền Nam sao mà dễ thương dễ mến, hào hiệp, cởi mở, chân thật, hiếu khánh... Đất miền Nam trên cơm dưới cá, làm chơi ăn thiệt.
Sau những ngày đoàn tụ gia đình, Thảo tự thấy không thể sống thúc thủ ở Bần Yên Phú được. Như một cánh chim di trú đã biết những chân trời xa lạ không thể ru rú một cụm rừng, Thảo bắt đầu đi đó đi đây. Anh lên Hà Nội tìm Trần Huy Liệu. Khi chia tay, Liệu đã dặn Thảo: “Muốn tìm tớ cậu hãy đến các nhà báo. Làm báo viết văn là nghề của chàng”.
Thảo tìm Liệu không khó. Liệu báo tin vui:
- Đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản, còn cậu thì sao? Có muốn vào Đảng không? Tớ giới thiệu cho.
Thảo lắc đầu:
- Con chim bị tên sợ cây cong...
Liệu cười:
- Tớ cũng vậy! Nhưng thất bại là mẹ thành công. Mỗi lần vấp ngã là một bước tiến trên con đường mình tự nguyện dấn thân. Về phần cậu, nếu không thích thì thôi, tớ không rủ rê vì mỗi khi nhìn mắt cậu, tớ thấy hối hận: chính tớ đã đưa cậu vô con đường bất hạnh...
Nguyễn Phương Thảo khoát tay:
- Chuyện đã qua, không nên nhắc lại. Nhưng đã lỡ nhắc lại thì tôi cũng nói để xoá tan nỗi ân hận của anh. Tôi hận kẻ quá khích trong tù đã chủ trương thanh trừng những tên mà họ cho là phản Đảng, nhưng tôi không hề trách anh. Vì chính anh cũng là nạn nhân của những kẻ quá khích ấy. Vết thẹo trên cổ anh cũng như con mắt chột của tôi là dấu vết của một kinh nghiệm trả bằng xương máu... Ngày nay anh đã tìm được con đường để thực hiện lý tưởng của anh, tôi lấy làm mừng cho anh. Còn về phần tôi thì xin cho một thời gian suy nghĩ đã. Khi nào thấy cần tham gia, tôi sẽ nhờ anh giới thiệu.
Năm 1940 tình hình chính trị sục sôi với cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, đầu năm 1941 tới Khởi nghĩa Đô Lương... Giữa năm 1941 Mặt trận Việt Minh ra đời. Đây là một thời sự lớn. Thảo liền tìm Liệu và được Liệu giới thiệu công tác:
- Thời cơ sắp đến cho cách mạng Việt Nam. Chiến tranh thế giới nổ ra, hiện nay trục phát xít Bá Linh - La Mã - Đông Kinh tấn công ồ ạt, nhưng rồi đồng minh ngũ cường Anh Mỹ Pháp Nga Tàu sẽ phản công. Tình hình biến chuyển, cách nào mình cũng có lợi. Nhân dịp Pháp Nhật đấu đá nhau ta củng cố lực lượng võ trang. Hiện giờ ta rất cần súng. Cậu ở Hải phòng có nhiều chiến hạm. Làm sao ngoại giao chơi bời với đám thuỷ thủ vận động mua súng của chúng. Cậu có thể làm được không?
Thảo gật:
- Được chứ! Tôi nhận công tác mua sắm vũ khí cho dân quân. - Trầm ngâm một lúc Thảo nói tiếp - giai đoạn mới mình cũng phải có một cái tên mới. Nguyễn Phương Thảo còn hơi hướng Quốc Dân Đảng, mình không muốn nhắc tới. Tôi đã chọn được một tên mới...
Liệu cười hỏi:
- Tên gì có ghê gớm lắm không?
- Nguyễn Bình. Hai chữ thôi. Nguyễn là dòng họ còn Bình là...
Liệu cướp lời:
- Mình hiểu ý cậu rồi - tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tu-tề-trị-bình, đó là bốn bước của kẻ sĩ. Hay lắm? Cái tên đó nói lên chí lớn của cậu: bình thiên hạ.
Thảo bắt tay Liệu:
- Chịu thầy! Anh đi guốc trong bụng tôi.
Cảng Hải Phòng, chiến hạm Pháp đậu nghỉ ngơi sau những chuyến hải hành. Chiều chiều trong nhóm thuỷ thủ lên bờ dạo phố, vào quán giải khát và tán tỉnh các cô gái trong quán. Thảo nay là Nguyễn Bình cũng la cà các quán ấy tìm cách làm quen với đám thuỷ thủ. Một hôm anh tình cờ gặp một bạn học cũ nay là thuỷ thủ. Tên anh là Lê Phú.
- Ê Thảo. Lâu quá mới gặp!
- A, Phú. Mười năm mới thấy mặt nhau.
Hai bạn bắt tay. Bình nhìn anh bạn trong bộ đồ hải quân Pháp. Trên mũ vải có mấy chữ tên chiến hạm Commandant Bourdais.
- Sao anh bạn? Vợ con gì chưa? Bình gọi bia đãi bạn.
- Đời lính như cánh hải âu, nay đây mai đó. Vợ con làm gì cho thêm bận bịu. Còn Thảo?
- Mình cũng ham bay nhảy nên chưa dừng chân nơi nào. Có lẽ mình phải xin vô hải quân mới thoả chí tang bồng.
Lê Phú cười lớn:
- Trong Nam có câu: “con cá trong lờ đỏ lờ con mắt, con cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô”. Thói đời là đứng núi này trông núi nọ. Mình đã chán hê cái đời bèo bọt rong biển, thế mà có người lại mơ ước cái mà người ta muốn vứt đi.
Bình khai thác ngay:
- Sao mà bi quan chán đời vậy?
Lê Phú hất hàm về phía chiến hạm nói:
- Nhật đổ bộ lên Đông Dương, ngày càng lấn lướt Pháp. Paris đã đầu hàng nhục nhã, tuyên bố thành phố bỏ ngỏ để giữ nguyên vẹn các đền đài di tích lịch sử. Pháp ở đây hết sức nhân nhượng, nhưng được đằng chân lân đằng đầu, Nhật càng làm già. Mấy cha hạm trưởng hăng tiết vịt đòi đánh nhưng mấy tướng lục quân chỉ tìm đường rút chạy. Càng thất thế chúng càng cay cú. Giận cá chém thớt, mấy cha hạm trưởng hành hạ bọn này ghê quá!
- Có định nhảy không? Bình gợi ý.
- Cũng có ý đó, nhưng đang chờ xem đã...
- Nếu muốn nhảy thì mình giúp cho. Trong khi chờ đợi nên tìm hiểu tình hình.
Lê Phú gật:
- Đó là chuyện đương nhiên. Bọn này đang theo dõi tình hình hàng ngày tin chiến sự các mặt trận...
- Vậy mà có một mặt trận cực kỳ quan trọng mình cam đoan các anh không biết. - Bình cười vẻ bí hiểm.
- Mặt trận nào?
- Mặt trận Việt Minh! Có bao giờ nghe nói mặt trận đó chưa?
Lê Phú lúng túng:
- Có nghe loáng thoáng. Chỉ biết họ ở trong rừng sâu...
- Nếu họ có người xuống Hải Phòng này, Phú có dám tiếp họ không? - Bình nửa đùa nửa thật.
- Làm gì có chuyện đó!
- Nhưng nếu có thì Phú có dám gặp họ?
- Sợ gì chứ?
Bình hài lòng với cuộc gặp gỡ này.
Mới ngày đầu, không nên hấp tấp. Phải điều tra cẩn thận đã. Phải nắm chắc mới xúc tiến công việc.
Sau khi biết chắc Lê Phú là người tốt, Bình đặt vấn đề: cách mạng cần súng, nhờ Lê Phú tổ chức mua lén súng lấy cắp trong kho dưới tàu. Lính Hai quân ăn chơi quen thói cần tiền nên sẵn sàng lấy trộm súng đi bán cho bất cứ ai mua.
Lập tức Bình gặp Liệu để tìm người chuyển số súng đó. Liệu giới thiệu Bình với đồng chí Nguyên Văn Tuệ là bạn tù năm xưa. Liệu cho địa chỉ: chùa Phương Mỹ, huyện Thuỷ Nguyên.
Bình tới nơi. Anh xiết đỗi ngạc nhiên khi một nhà sư ra tiếp:
- Chào sư thầy. Tôi muốn gặp ông Tuệ.
- Tuệ là tôi đây.
- Tôi được anh Trần Huy Liệu giới thiệu tới chùa gặp anh.
Nhà sư mời Bình vô sau liêu bàn chuyện:
- Trụ trì này là sư cụ tên là Trụ. Sư cụ rất có cảm tình với cách mạng. Về đồng chí thì anh Liệu đã có nói với tôi rồi. Hai anh chàng hoạt động ở Sài Gòn và cùng ra Côn Đảo năm 30...
- Chuyện ấy xưa rồi. Tôi đã đoạn tuyệt với Quốc dân đảng. Bây giờ xin bàn chuyện hiện tại: theo sự phân công của anh Liệu, tôi đã mua được một số súng, đồng chí cho người xuống Hải Phòng đem về.
- Được bao nhiêu súng?
- Sáu súng trường cả đạn nữa. Chuyến tới sẽ quan trọng hơn. Tôi đang vận động anh em tháo gỡ hai cây đại liên trên tàu.
Nhà sư ngạc nhiên:
- Làm sao dám gỡ súng trên chiến hạm?
Bình tươi cười:
- Mình lợi dụng mâu thuẫn Pháp - Nhật. Nhật đòi Pháp giao các chiến hạm để nó lo phòng thủ Đông Dương. Thằng Pháp đang dùng dằng làm kế hoãn binh. Tôi có bạn học cũ trên chiến hạm Commandant Bourdais. Anh này có tinh thần yêu nước. Nghe cách mạng cần súng, anh bạn này vận động anh em lấy cắp súng dưới tàu bán cho ta. Thấy Tây không thiết tha tới chiến hạm, mình bước thêm bước nữa: gỡ hai cây trây-đơ.
Công tác mua súng thành công. Bình phấn khởi làm binh vận tại đồn Cửa Ông: Một đồng chí tên Tư Thành được Bình giao liên lạc với anh công nhân Phan Mạnh Hà đưa cả tiểu đội ở đồn Cửa Ông vô chiến khu Đông Triều ôm theo cả súng.
Như vết dầu loang, thắng lợi này kéo theo thắng lợi khác. Tổ binh vận thị xã Kiến An mang vô khu sáu súng trường, ba súng lục. Khí thế cách mạng ngày càng dâng cao. Nguyễn Bình làm một cú lớn: Nhật tổ chức một lực lượng vũ trang gọi là Đại Việt Quốc gia liên minh để chống Việt - Minh. Chỉ huy Liên Minh này là một cán bộ Đại Việt tên Bùi Sinh. Nguyễn Bình cho trinh sát tìm hiểu về Bùi Sinh, biết anh là người yêu nước nên tìm cách tiếp xúc. Bùi Sinh hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh, đưa hai tiểu đội Đại Việt Quốc gia liên minh vô chiến khu để làm nòng cốt cho ta đánh thị xã Uông Bí.
Tri phủ Nguyễn Quang Tạo bí mật ngả theo phong trào cách mạng. Nguyễn Bình gợi ý cho Tạo lên Tỉnh xin thêm súng để về phòng thủ huyện Thuỷ Nguyên. Lãnh được súng đạn rồi, Tạo đưa hết vô chiến khu: 15 súng trường, 500 viên đạn.