Ngày 23-8 Nguyễn Bình chỉ huy hai đại đội Phạm Hồng Thái và Ký Con cùng cánh quân thứ hai gồm hai đại đội Đề Thám và Hoàng Văn Thụ từ Thuỷ Nguyên về chiếm Hải Phòng. Địch hoảng sợ bỏ chạy. Nguyễn Bình chọn nhà băng Năm Sao làm trụ sở Bộ Tư lệnh Đệ Tứ Quân Khu. Tên này được đặt theo quyết định của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ họp từ ngày 15 đến 20-4-1945 tại Hiệp Hoà, Bắc Giang. Hội nghị quyết định cả nước chia làm bẩy quân khu. Bắc Bộ có bốn quân khu Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Trần Hưng Đạo cũng gọi là Đệ tứ Quân Khu. Trung Kỳ có hai chiến khu Phan Đình Phùng và Trưng Trắc. Nam Bộ có một chiến khu: Nguyễn Tri Phương. Đệ Tứ Quân Khu có các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Móng Cái và Lạng Sơn. Cũng có người gọi theo xưa là chiến khu Đông Triều hay chiến khu Duyên Hải. Đóng tại Hải Phòng, tư lệnh Nguyễn Bình thay đổi cách ăn mặc cho thích ứng tình thế. Ông thay bộ nâu sồng bạc màu để mặc quân phục ka ki may kiểu Nhật. Vóc dáng to cao, mặc nhà binh xem ra rất vẻ tướng lãnh. Tin từ miền Nam cho biết quân Anh Ấn tới Sài Gòn giải giới quân Nhật. Bọn Pháp được tên tướng Anh Gracey thả từ các khám giam. Bọn này thừa lúc quân Pháp từ chánh quốc sang bắt đầu gây hấn dưới sự yểm trợ của quân Anh. Nghe tin này tim Nguyễn Bình sôi lên. Miền Nam là quê hương thứ hai của anh: Anh nhớ lại bao kỷ niệm tưởng đã nằm im dưới lớp bụi thời gian. Hai mươi năm trước, một trang thiếu niên mười bẩy đã bước lên cảng Khánh Hội, qua Cầu Móng đi về Chợ Cũ. Tất cả đều xa lạ. Ngôi nhà đồ sộ có vòng rào kiên cố đập vào mắt: nhà chú Hoả. Rồi căn phố nuôi cơm tháng trong hẻm với nhưng chiếc ghế bố và những bữa cơm ồn ào vui vẻ. Nổi bật nhất là căn gác trọ ngôi nhà số 2 đường Lefebvre với bảng hiệu Nam Chấn Hưng. Đó là nơi anh chung sống với nhà văn - tướng cướp Sơn Vương. Thời gian tuy ngắn nhưng ghi đậm cảm tình... Rồi căn nhà ở Đakao, nơi anh mở tiệm giặt ủi với số tiền Sơn Vương cướp của tên phó giám đốc sở cao su Minot ở biên giới. Và sau cùng là bagne 2, căng tù Quốc dân Đảng, nơi anh phải trả giá quá đắt cho việc chọn lầm lý tưởng. Ký ức nung nấu lòng căm thù: không thể ngồi yên nhìn quân cướp nước dày xéo đồng bào trong Nam. Phải làm gì đây? Nguyễn Bình đang xốn xang vì tình cảm gắn bó với miền Nam thì có đặc phái viên của Bộ quốc phòng tới. Nguyễn Bình đọc giấy giới thiệu: Xin giới thiệu đồng chí Lê Quang Hoà là đặc phái viên Quốc phòng... Ký tên: Võ Nguyên Giáp. Chờ Nguyễn Bình đọc xong, phái viên nói: - Anh Trần Cung có nói về anh. Anh đã hoạt động trong nam, bị thực dân đày ra Côn Đảo. Khi được phóng thích, anh về Hải Phòng, xây dựng chiến khu Dông Triều, tiền thân của Đệ Tứ Quân Khu ngày nay... Nguyễn Bình cắt lời: - Đồng chí đi hẳn vào đề đi? - Hiện nay Tổng bộ Việt Minh đặc biệt quan tâm tới việc củng cố các chiến khu để bảo vệ chính quyền cách mạng. Tôi đang làm bí thư Ban cán sự tỉnh Sơn Tây thì được điều động vào quân đội. Anh Võ Nguyên Giáp phân công tôi về làm công tác chính trị trong lực lượng võ trang ở đây. Nguyễn Bình nhìn khách không chớp. Đây là chuyện lạ. Ngày chiến đấu gian lao, sống chết chẳng thấy người này tới giúp mình, nay bỗng nhiên tới đòi chia quyền lãnh đạo. Nguyễn Bình gật gù cười lạt. Đoán biết ý chủ, khách nói: - Xin nói rõ thêm. Anh vẫn là tư lệnh. Còn tôi chỉ làm công tác chính trị... Nguyễn Bình cắt ngang: - Tôi chưa thông về việc này. Cho tôi có thì giờ suy nghĩ đã! Tự biết mình không đủ uy thế để thuyết phục vị tư lệnh Đệ Tứ Quân Khu, Lê Quang Hoà đành rút lui, ông sẽ về báo cáo với cấp trên. Phải là người thế nào mới được Nguyễn Bình nghe. Vì đây là một tay hảo hớn “dọc ngang nào biết trên trời có ai”.