Sau khi bố trí các chi đội theo hệ thống tại hội nghị An Phú Xã, Nguyễn Bình trở về Tân Uyên kiện toàn bộ chỉ huy Khu. Bấy giờ có mấy nhà trí thức bỏ Sài Gòn đi kháng chiến từ “mùa thu rồi ngày hăm ba”. Một trong các vị này là giáo sư Phạm Thiều biệt hiệu là “ông đồ xứ Nghệ”. Họ Phạm dự cuộc thi cuối cùng của Triều Nguyễn rồi theo tân trào học chữ quốc ngữ và chữ Tây. Trước Nam Kỳ khởi nghĩa năm 40, họ Phạm dạy chữ Hán tại trường Trung học Pétrus Ký. Trường này lớn nhất Sài Gòn, chỉ đứng sau trường Chasseloup dành cho con Tây và những người vô dân Tây. Trường lấy tên nhà thông thái Tây học Trương Vinh Ký, thường được gọi tắt là Pétrus Ký. Pétrus là tên thánh của ông Ký. Tuy là trường do Pháp lập ra, dạy theo chương trình Pháp, cả tiếng việt và chữ Hán (cũng gọi là chữ Nho) cũng phải giải nghĩa bằng tiếng Pháp, nhưng trường Pétrus Ký lại là cái nôi đào tạo những người yêu nước. Trong số mấy chục giáo sư dạy trường này có hơn phân nửa mang truyền thống bất khuất của nòi giống Tiên Rồng. Họ Phạm là một trong những vị đó. Ông phát động phong trào Truyền bá chữ quốc ngữ, kéo đám học trò của ông đi xoá nạn mù chữ. Lúc bấy giờ không khí học đêm của người lớn tuổi rất sôi nổi. Đâu đâu cũng nghe nghêu ngao mấy câu ca dao: “I tờ có móc cả hai, i ngắn có chấm, tờ dài có ngang”, và “O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thời mang râu...”. Khi ta cướp chánh quyền ngày 25-8-1945, họ Phạm là thủ lãnh Thanh niên tiền phong vùng Thị Nghè, cũng phóng xe đạp đi họp, cũng xách gậy đi biểu dương lực lượng trong cuộc mít tinh vĩ đại ngày tuyên bố Độc Lập 2-9-1945 giữa trung tâm Thành phố. Ngày 23-9, Tây đánh chiếm Sài Gòn, họ Phạm rút ra ngoại thành làm liên lạc cho đoàn quân Nam Tiến của Nam Long, sau đó trụ lại tại chiến khu Bình Đa, dọc sông Đồng Nai. Tuy không được nhanh nhẹn như đám thanh niên, họ Phạm cũng dám đạp xe lộn về Sài Gòn cùng với hai anh cán bộ trường quân chính Nguyễn Xuân Diệu và Mạnh Liên để nắm tình hình trong vùng địch tạm chiếm. Số là hàng ngày anh em trong chiến khu muốn biết cuộc sống của đồng bào bị kẹt lại Sài Gòn như thế nào. Tất cả đều trông vào họ Phạm đọc báo Hoa Văn xuất bản ở Chợ Lớn. Nhưng tin tức trong báo vẫn chưa đủ thoả mãn yêu cầu nắm dân tình và địch tình nên hai anh Xuân Diệu và Mạnh Liên quyết định đột nhập Sài Gòn để nắm tình hình. Hai anh nghĩ rằng khi Tây bung ra đánh chiếm các tỉnh miền Đông và miền Tây thì lực lượng chúng ở Sài Gòn sẽ không còn nhiều, việc canh phòng sẽ lỏng lẻo. Hai anh rủ họ Phạm cùng đi, mỗi người một chiếc xe đạp và năm đồng giằn túi để cơm nước trong ba ngày. Hẹn sẽ trở về Biên Hoà vào ngày thứ ba. Mời lơi thôi, không ngờ họ Phạm chịu mạo hiểm về thành. Tới Thị Nghè, ông giáo già tách ra, từ từ đạp về ngôi nhà cũ đã bỏ hoang từ ngày hăm ba. Không thấy thằng địch nào, ông mở cửa chui vào nằm lắng nghe tiếng động xung quanh. Cho đến lúc bụng đói, mới lần ra định mua khoai ăn đỡ, thay cơm. Bất ngờ gặp người láng giềng đã hồi cư. Họ đem cơm cho ông ngày hai bữa. Ban đêm ông giáo vi hành ra chợ Thị Nghè quan sát tình hình. Bất ngờ thoáng thấy một tên quen làm thông ngôn cho Tây. Lập tức ông rút nhanh về nhà. Đến ngày thứ ba, ông đạp xe về Biên Hoà, chờ hai bạn tại bến đò. Cả ba đều về đến chiến khu bình an vô sự. Người trí thức thứ hai sống bên cạnh Khu trưởng Nguyễn Bình là luật gia Lê Đình Chi. Ông Chi người miền Bắc nhưng vào Nam đã lâu, làm việc tại pháp đình Sài Gòn. Giới thẩm phán luật sư Sài Gòn chia làm hai phe sau ngày Nhật đảo chánh (9-3-1945). Số thân Pháp có toà áo đỏ do Trần Văn Tỷ cầm đầu. Số này ít thôi, phần lớn là những người già, từng hưởng ơn mưa móc của Tây. Số trẻ đứng hẳn về phía Việt Minh. Sôi nổi nhất là các anh Thái Văn Lung, Phạm Ngọc Thuần Gaston, Trần Công Tường... Ngoài ra có một số “trùm chăn đứng ngoài chờ xem gió chiều vào để xoay sở”. Luật sư Lê Đình Chi nhớ rõ cuộc tranh luận giữa hai phe già trẻ. Toà Tỷ tuyên bố trắng trợn là không bỏ Tây được vì cả đời ông đã bú sữa Tây. Gaston Phạm Ngọc Thuần tuy tuổi tác đáng cháu ông toà áo đỏ thân Tây số 1 đã thẳng thắn lên án bậc chú bác: “Ông nói vậy thì chúng tôi không coi ông là người Việt Nam nữa”. Ngày Nam Bộ kháng chiến, ông Lê Đình Chi bỏ hết sự nghiệp lại thành phố để ra đi “đáp lại lời sông núi”. Ngày ấy, anh Ba Bình bàn với hai nhà trí thức thân cận: - Giết rắn phải đập đầu. Tôi muốn đánh vào đầu não của chúng trong Sài Gòn. Muốn đánh phải nắm tình hình thật chính xác. Tôi định đột nhập vào sào huyệt chúng nó, hai ông thấy thế nào? Giáo sư Phạm Thiều gật gù: - Tôi đã về Thị Nghè trong ba ngày. Thấy cũng không nguy hiểm lắm. Luật gia Lê Đình Chi lắc đầu: - Thị Nghè là vùng ngoại ô. Còn khu trưởng thì lại muốn vô tận trung tâm Sài Gòn. Nguy hiểm hơn nhiều... Anh Ba Bình cười: - Hai ông mỗi người một ý, tôi biết nghe ai đây. Riêng tôi thì biết chuyến đi này rất nguy hiểm, nhưng không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con! Vấn đề là phải chuẩn bị thật kỹ, dự đoán nhiều tình huống bất ngờ nhất và nghĩ cách từng phó. Phương châm hành động của tôi là không bao giờ để mình rơi vào tình thế hoàn toàn bị động do những bất ngờ mà mình không tiên liệu trước. Im lặng một lúc lâu, ông Chi vỗ trán kêu lên: - Đã có cách. Tôi sẽ cùng đi với Khu trưởng về Thị Nghè. Đó là ngoại ô nên Tây không đặc biệt chú ý như ông Thiều vừa nói. Tại đó ta sẽ gặp bạn đồng nghiệp của tôi là luật sư Nguyễn Thành Vĩnh. Ông này có thể giúp khu trưởng đột nhập Sài Gòn tương đối an toàn. Cả Nguyễn Bình và Phạm Thiều đều chăm chú nghe ông Chi nói. Ông Bình hỏi: - Ông Vĩnh là người thế nào, xin nói rõ thêm... Ông Chi nói tiếp: - Anh Vĩnh quê gần Ngã ba Trung Lương, tỉnh Mỹ Tho. Nhà giàu đại điền chủ. Anh đi Pháp học luật tốt nghiệp rồi qua Nam Vang mở văn Phòng luật sư. Trước ngày Nhật đảo chánh, anh về nước hành nghề. Trong cuộc họp ngành tư pháp sau đó, anh Vĩnh được đa số bầu làm chánh án Toà án Sài Gòn có sự nhất trí của đại diện Mặt trận Việt Minh là đồng chí Trần Công Tường. Sau ngày 25-8-1945 ông Vĩnh tiếp tục giữ chức vụ chánh án Toà án Sài Gòn. Đến ngày hăm ba tháng chín, vào sáng sớm, dân chúng vùng Đa Kao tới đập cửa báo tin Tây đang bao vây bắt các luật sư theo kháng chiến như Thái Văn Lung, Phạm Ngọc Thuần. Lập tức anh Vĩnh ôm đồ tế nhuyễn chạy qua Thị Nghè, bỏ lại hai cái vila ở đường Pierre ở Đất Hộ (đường Phạm Đăng Hưng, nay là Mai Thị Lựu). Anh Vĩnh có hai xe hơi, một xe ngựa kiểu gentleman - farmer (chủ nông trại) để chiều chiều ra ngoại ô dạo mát... Anh Ba Bình gật gù cười: - Giầu như vậy, sang như vậy mà bỏ hết đi kháng chiến, dân Sài Gòn có khác! Ông Chi vui miệng kể tiếp: - Anh Vĩnh đang tính cất nhà theo kiểu tân thời. Đã nhờ kiến trúc sư Pháp vẽ kiểu, tính đập phá ngôi biệt thự số 35 đường Pierre cất lại mới. Nhưng thời cuộc làm vỡ kế hoạch. Tới đây ông Thiều mới chen vào: - Kể ra thì ông Vĩnh cũng hên. Nếu cất rồi thì cũng phải đập phá theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến, không cho Tây có chỗ sung công cư ngụ. Sau khi bàn bạc kỹ, anh Ba theo luật gia Lê Đình Chi từ An Phú Đông theo liên lạc về Thị Nghè gặp ông Vĩnh. Nghe ông Chi trình bày, ông Vĩnh nói: - Có anh Danh là tài xế của tôi đây. Tôi có rất nhiều bồi bếp, những chỉ giữ lại có hai người. Anh Danh là một, còn chị bếp Tám Sương là hai. Hai người này như người nhà. Anh Danh sẽ báo cáo tình hình Sài Gòn cho anh Ba nắm. Anh Danh được ông Vĩnh giới thiệu với ông Bình: - Đây là anh Ba ở ngoài bưng muốn vô Sài Gòn liệm tình hình. Tôi tính đưa anh Ba về nhà mình. Lâu nay không thấy tụi nó dòm ngó tới. Anh thấy có được không? Danh gật, mắt vẫn nhìn khách lạ mặc đồ xá xẩu đen, mang kính râm gọng đồi mồi, bộ tướng rất lẫm liệt. - Tôi thấy bọn Tây tà không còn theo dõi ngôi nhà của mình. Chúng đã biết chủ nhà đã bỏ ra bưng từ ngày hăm ba. Ông Vĩnh nói: - Tôi giao anh Ba cho anh. Anh lấy xe hơi của mình đưa anh Ba đi các nơi anh Ba muốn. Anh vừa là sốp phơ vừa là gạc-đờ-co cho anh Ba, nghe không? Danh lại nhìn khách lạ: - Dạ được! Nếu có ai hỏi tôi nói anh Ba là “tầng khạo” của ông chủ ở Mỹ Tho mới lên. Anh Bình cười: - Tầng khạo là cai điền phải không? Ông Vĩnh cười nói: - Anh Ba rành ngôn ngữ Nam Bộ quá! Anh Bình tiết lộ: - Tôi vào Nam lúc mười bẩy tuổi, sống ở Sài Gòn và có đi vài nơi trong Nam Kỳ lục tỉnh và cả Côn Đảo nữa... Trong ba ngày, tài xế Danh lấy xe đưa Nguyễn Bình đi khắp nơi trong thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn. Vẫn mặc bộ đồ xá xẩu, anh Ba ngồi băng sau, chễm chệ như một xì thẩu chủ hãng lớn đi chạy áp phe. Anh đặc biệt quan tâm tới các trại lính, đồn bót, các cơ quan quân sự. Ngay ngày đầu, anh Ba bảo anh Danh lái xe từ nhà thờ Đức Bà, chạy từ từ với tốc độ 30 km/giờ. Theo đúng luật giao thông công lộ, đi ngang bót Catinat nơi tên trùm mật thám Bazin có thể đang tra tấn để khai thác các chiến sĩ không may sa vào tay giặc. Xe từ từ lướt qua nhà hàng La Pagode sang trọng, qua nhà sách Albert Portail mà nhưng năm cuối thập niên 20 anh Ba thường vô mua sách, loại chính trị thường thức. Rồi xe đi ngang qua Nhà hát Tây, từ tiền đình nhà hát ngó ra chợ Bến Thành thẳng nhất kẻ chỉ. Anh Ba đặc biệt quan sát toà soạn báo Journal Officiel phía bên tay mặt. Đây là tờ công báo đăng tất cả nghị định của nhà nước thực dân mà Trần Huy Liệu khuyên anh nên đọc để tìm hiểu thêm về xứ Nam Kỳ... Xe tới toà soạn báo La Dépêche, cùng một dãy với rạp chiếu bóng Majestic và khách sạn Majestic ở cuối đường. Đây là tờ báo phản động nhất. Chủ báo là một tên thực dân già có vườn cao su bạt ngàn ở miền Đông. Cho nên nó dám bỏ tiền ra mướn một đơn vị - một trung đội - tới đóng ngay trên đồn điền của nó để bảo vệ tài sản. Tên nó là Hen ri de Lachevrotière... Kế bên toà soạn có một hiệu hớt tóc. Anh ba chợt vỗ vai anh Danh: - Dừng lại cho tôi vô cắt tóc trong hiệu này. Anh chạy xe ra bến tàu giải khát. Chừng hai mươi phút sau anh trở lại rước tôi. Anh Danh dừng lại sát lề, bước xuống xe, vòng ra sau lái mở cửa xe cho anh Ba xuống, cúi đầu chào, đúng kiểu cách của sốp-phơ làm việc cho các ông chủ triệu phú. Trong khi anh Ba ung dung bước vô hiệu cắt tóc anh sốp-phơ đảo mắt nhìn quanh xem có ai dòm ngó vị khách quý mà ông chánh án đã giao phó cho anh. Không thấy một tên nào mang kính râm đội nón nỉ ở ngã tư này. Anh yên tâm lái xe ra bờ sông đậu dưới bóng cây chờ đợi. Chưa bao giờ anh thấy kim đồng hồ nhích chậm đến thế. Đúng hai mươi phút anh lái xe chạy ngược lên đón anh Ba. Chừng anh Ba bước lên xe, anh Danh mới thở phào nhẹ nhõm. Ba ngày thấm thoát trôi qua. Hai ông khách quý đã về An Phú Đông an toàn. Chừng ấy ông Vĩnh mới thấy yên tâm. Trong ba ngày, ông lo lắng, hồi hộp, có lúc như ngợp thở. Ông đã gánh trên vai trách nhiệm quá nặng. Nếu vị khu trưởng có bề gì thì ông lãnh đủ. Nghe anh sốp-phơ kể chuyện anh Ba vô hiệu cắt tóc trên đường Catinat, ông kêu trời. Chưa thấy ai gan lì như vậy. Ngồi hớt tóc trên đường Catinat, chỉ cách bót thằng Bazin có mấy trăm thước. Đó là ấn tượng nổi bật nhất Nguyễn Bình để lại cho ông vào đầu năm 1946. ° ° Sau chuyến về thành, Khu trưởng Nguyễn Bình bàn với anh Tám Nghệ là vị chỉ huy quân sự mà ông đã chấm trong cuộc họp ở An Phú Xã. Sau hội nghị ở Bình Hoà ngày 15-12 Nguyễn Bình được chánh thức giao chức tư lệnh Khu 7 và chuyển bộ tư lệnh về Tân Uyên, mối giao du giữa hai ông Bình và Nghệ càng thêm khăng khít. Anh Tám Nghệ thường mời anh Ba về nhà mình ở Tản Tịch, kế bên cầu Rạch Rớ để bàn chuyển quân lẫn chuyện thơ. Cả hai đều say mê văn thơ nên đàm luận rất tâm đắc. Một hôm có anh Nguyễn Xuân Diệu và Phan Đình Công tới nhà anh Tám Nghệ bàn chuyện mở lớp quân chính ở Dốc Bà Nghiêm trong xã Tân Hoà. Ngày ấy anh Ba cũng có mặt tại đó. Anh Ba Bình liền thực hiện ý đồ của mình: - Trong những năm học quân sự, tôi nghiền ngẫm khá nhiều binh thư, từ Tôn Tử tới Napoléon. Về vị anh hùng của Pháp, tôi nhớ mấy câu có thể dùng làm kim chỉ nam cho các tướng lãnh. Một trong nhưng câu này là: “Hhai đòn bẩy chánh để huy động nhân dân là sự lo sợ và cái lợi”. Nói rõ ra là cây gậy và củ cải. Các đồng chí thấy có đủng không? Mọi người gật gù tán thưởng. Anh Ba nói tiếp: - Sau chuyện đột nhập Sài Gòn, tôi quyết định áp dụng câu đó. Với đồng bào mình trong thành, tôi sẽ đem sự an ninh và lòng tự hào cho họ. Còn với kẻ thù tôi sẽ gieo sự khủng khiếp cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên... - Bằng cách nào? - Tám Nghệ cười hỏi. - Tôi sẽ lập một đội quyết tử gồm các chiến sĩ thông minh, dũng cảm, chuyên thọc sâu, đánh hiểm, nhắm vào đầu não của địch. Xuân Diệu và Phan Định Công cùng kêu lên: - Giết rắn phải đập đầu. Anh Ba quay sang hai anh nói: - Tôi đã được báo cáo về các lớp huấn luyện quân chính của hai anh ở Bình Đa, Vĩnh Cửu. Hai anh tập trung một trung đội để lập tổ cảm tử đầu tiên đưa về nội thành. Có làm được không? Xuân Diệu nhìn Phan Đình Công rồi gật: - Dạ được. Xin khu trưởng cho thời hạn... Anh Ba cắt lời: - Càng sớm càng hay. Chấp hành lịnh của Nguyễn Bình, anh Xuân Diệu liên lạc ngay các học viên các khoá trước lập ra một đội cảm tử. Anh Ba Bình đặt tên là Ban trinh sát Quân chính và chọn ba anh tương đối chững chạc làm chỉ huy. Đó là anh Nguyễn Ngọc Sớm, Nguyễn Đình Chính và Trần Phong. Sớm là thợ quấn mô tơ ở Gò Vấp, Chính là lính Marine (Hải quân) bỏ ngũ theo cách mạng. Phong cũng là công nhân. Ngày 6-1-1946, ngày toàn dân bầu Quốc Hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, cũng là ngày Ban Trinh sát Quân Chính làm lễ ra mắt với cái tên mới: Ban Công Tác số 1.