Tường Vi ôm đầu, nàng rên khe khẽ, rồi rên lớn hơn, cuối cùng òa khóc. Cơn đau như nhiều hơn, dài hơn mỗi khi không có mặt chồng ở bên cạnh và nàng thấy mình bất hạnh nhất trên đời. Hai năm yêu thương đẹp như huyền thoại, mười năm làm vợ gian khổ quá nhiều, vậy mà ai cũng cho rằng nàng sung sướng. Họ có biết đâu, nàng đau đớn muốn gào lên, gào lên … Đông chạy ùa vào phòng như cơn lốc, ôm lấy vợ rối rít: - Em đau hả Vi? Lâu chưa em? Đã gọi Đồng chưa? Nàng vẫn khóc, ôm đầu lả trong tay chồng. Đông quýnh quáng đặt vợ xuống giường, nhấc điện thoại: - Alô! Đồng ơi! Đến ngay nhé, Vi đau rồi. Anh ôm lấy Tường Vi, vuốt ve tóc nàng, hôn mãi lên môi mắt nàng. Anh biết, tình yêu anh dành cho vợ giúp nàng chịu đựng cơn đau tốt hơn và bây giờ cũng vậy. Nàng bớt rên la, mở mắt ra nhìn anh yếu ớt nói: - Em dọn sẵn rồi, anh ăn cơm kẻo đói. Đông lắc đầu ghì vợ vào ngực: - Em đau, anh ăn không vô, chờ Đồng tới chích thuốc cho em đã. Anh lại hôn vợ, thoáng ngạc nhiên khi nàng đáp lại nụ hôn một cách đam mê, bị cuốn hút vào bờ môi trẻ thơ của nàng, anh hôn náo nức … Tiếng động cơ xe dừng lại trước nhà, anh bứt khỏi môi nàng thì thào: - Đồng đến rồi! Gã sếu vườn bước vào lúc cả hai đã tề chỉnh, hắn toét miệng cười bô bô: - Bé Vi lại đau hả? Có phải thằng Đông bạc đãi em không? Đông nhăn nhó: - Cậu làm như mình vũ phu lắm vậy, mình mới đi làm về, áo chưa kịp cởi đây. Gã sếu vườn nheo mắt: - Nhưng kịp làm giảm cơn đau của bé Vi bằng mấy cái mi mi chớ gì? Đông đưa tay đầu hàng thằng bạn "suy dinh dưỡng” trong khi hắn nhanh nhẹn lấy đồ nghề ra khám bệnh cho Vi. Vừa khám vừa chọc ghẹo cô bằng những lời khiến không ai có thể nín được cười. Tiếng rên tắt ở môi Vi. Gã sếu vườn cho ống nghe vào túi áo giọng bỡn cợt nhưng đầy trìu mến: - Đóa Tường Vi của anh, cái gì mà cậu hừ? Chẳng phải một phần cô ấy là của mình à? Thằng Đổng ù cũng nhường phần nó cho mình, vậy là kẻ tám lạng người nửa cân nhé. Ê! Mà nếu cậu đổ ghè dấm chua ra, thì mình sẽ lấy phần Thanh Thiên luôn và cậu chỉ còn nước tặng luôn đóa Tường Vi cho mình. Tường Vi ôm đầu, miệng khúc khích cười, nàng luôn tự hào, vì ai cũng quan tâm đến nàng. Đông nhìn, có vẻ khó hiểu. Tường Vi như là chưa từng lấy chồng, nàng vẫn đỏ mặt khi bị chọc ghẹo, vui sướng khi Đông chìu chuộng (hay ai chiều chuộng cũng vậy) và thường làm nũng với đám bạn ngày xưa. Đông không ghen, bởi biết vợ rất yêu mình và hiểu bạn mình nhưng anh thấy nó làm sao ấy. Nàng đã là thiếu phụ 30. Đồng chợt nghiêm giọng: - Tường Vi nè! Cho anh năn nỉ đi, vào bệnh viện để xác định bệnh, chứ chữa kiểu này không hay chút nào. Giỏi chút đi. Nụ cười Tường Vi tắt mất, cô phản kháng quyết liệt: - Không! Em không đến bệnh viện. Đau đầu khi trở trời thôi mà. Đông lắc đầu thở ra: - Tường Vi! Em đau bao nhiêu năm rồi biết không? Phải đến bệnh viện để tìm bệnh chớ, như vậy mãi làm sao có con được. Tường Vi bật khóc: - Anh thích có con, chớ đâu cần em, em bệnh khiến anh chán phải không? Vậy anh đi tìm vợ khác đi, em không trách đâu. - Sao em nói vậy? Vợ chồng gian khổ bao năm em không hiểu anh sao? Anh chỉ mong em lành bệnh, có con cho vui cửa vui nhà, để mỗi lần anh đi xa được yên tâm, vì em có con bên cạnh, không cô đơn hiu quạnh. - Em không cần con cái gì hết, em cần anh thôi. Tường Vi hét lớn, khóc ròng. Đông bối rối, Đồng cau mày, quyết định can thiệp: - Bé Vi nín đi! Em không đồng ý thì thôi vậy, nhưng phải uống thuốc nhé! Kìa Đông! Cậu chìu cô ấy đi. Đông để nỗi buồn sâu lắng vào lòng, cười nhẹ, ngồi xuống bên vợ dỗ dành: - Đừng khóc nữa em, anh không muốn em buồn, không đi thì không đi. Gục đầu vào ngực chồng Vi khóc mãi, đợi Đông dỗ chán mới nín. Đồng chích thuốc cho Vi, bắt uống thêm thuốc an thần rồi năn nỉ cô nằm nghỉ. Đợi cô nhắm mắt thiếp đi cả hai mới ra ngoài. Nhìn mâm cơm nguội lạnh trên bàn lòng Đông buồn bã. Cái hạnh phúc bao năm anh vun đắp từ trong gian khổ, dường như không là điều anh từng mong ước. Đông đi ra hành lang, ngồi xuống chiếc ghế nhỏ mà hai vợ chồng thường ngồi nhìn ra phố mỗi chiều. Lơ đãng châm thuốc hút, qua khói thuốc lãng đãng bay, anh chìm vào suy tư, quên hẳn bạn mình. Đồng đứng tựa vào cửa chăm chú nhìn bạn. Nó hơn mình hai tuổi, luôn chín chắn trong mọi quyết định, mỗi chuyện trái tim là không ổn chút nào. Nhìn bề ngoài cả hai thật xứng đôi, Đông vững chãi, điềm đạm, Vi yếu đuối hiền thục. Đông yêu vợ, chuyên chính, Vi thủy chung trọn đạo. Cực khổ đói rách gần 10 năm Vi chưa 1 lần than thở hay oán trách chồng, giờ đây sự nghiệp vững vàng, nàng không hề se sua, chưng diện xài phí. Vậy cái không ổn giữa hai vợ chồng là cái gì? Đồng thật không hiểu nổi. Có lẽ chuyện bệnh tật không con? Không! Là cái không khí trong ngôi nhà này, nó lạnh lẽo, trơ trơ, vô hồn – Đây không phải là tổ ấm. Đồng bàng hoàng phát giác ra điều ấy, càng bàng hoàng hơn khi nhìn thấy ở gương mặt bình thản, cương nghị kia một nỗi cô đơn sâu kín khôn cùng. - Đông! - Hử! – Đông chậm rãi nghiêm mặt nhìn bạn, thấy Đồng mặt thảng thốt, anh vội cười ngay, vỗ vào chiếc ghế bên cạnh, ra hiệu bạn đến ngồi. Đông nói trấn an: - Mình không sao cả, cậu đừng lo. Đồng làm thinh, anh châm thuốc hút, chậm rãi suy tính kỹ những điều muốn nói trong lòng. Khá lâu, Đồng lên tiếng: - Đông à! Nói thật lòng đi. Có phải từ lâu cậu không hạnh phúc? - Sao cậu nói vậy? Tường Vi thể chất yếu đuối, nhưng nàng rất yêu mình. - Được yêu chưa là hạnh phúc, người vợ nên là tri kỷ của chồng. Đông đứng lên đến tựa lan can nhìn ra đường: - Mình không thể đòi hỏi Tường Vi điều đó, cậu thừa hiểu mà. Đồng dúi tàn thuốc xuống nền, đạp chân lên, giọng ghìm nén bực tức: - Ngày ấy mình nói với cậu, Tường Vi thích hợp làm cô em gái được nuông chìu hơn làm vợ. - Ngày ấy mình rất yêu Tường Vi. - Thế còn hôm nay? Đông xoay người, trầm giọng xuống đều đặn: - Hôm nay mình mãi mãi yêu vợ mình. Đồng tàn nhẫn không khoan nhượng: - Vậy nỗi buồn nào trong trái tim cậu vậy? Đông châm điếu thuốc khác: - Trong tim có nhiều ngõ ngách lắm và tâm sự của mình hôm nay thật là nặng nề. Không phải vì Tường Vi đau ốm, mà vì sự nghiệp của mình còn quá bấp bênh. Vì sự nghiệp có phần lớn từ đồng tiền của một người, mà người đó thì đã biệt dạng, chưa biết ngày nào trở lại. Và còn vì Thanh Thiên … nhiều … vì nhiều thứ lắm Đồng à. - Thanh Thiên! – Đồng rụng rời đứng lên – Cô ấy làm sao? Đông ngước nhìn bầu trời vàng rực ánh nắng: - Không! Cô ấy chẳng làm sao, nhưng nỗi cô đơn và sự thanh đạm trong cuộc sống cô ấy, khiến mình nhức nhối cả con tim. Đồng thở phào: - Một nửa Thanh Thiên là đàn ông, cô ấy cứng rắn hơn cả tụi mình, cậu lo làm gì. Đông choàng tay qua vai bạn: - Ngày ấy chúng ta đều nghĩ như vậy, nhưng tuổi đời càng chồng chất, tư tưởng phải chín chắn hơn. Cậu có bao giờ nghĩ vì cô ấy xấu xí, nên mình thấy có nhiều nam tính? Gã sếu vườn nghệch mặt nhíu mày. Có thể như vậy. - Ê! Mà từ bao giờ cậu thấy điều ấy? Từ bao giờ? Từ bao giờ? Ba tiếng ấy vang dội mãi trong đầu chàng. Đó là ngày chàng khánh thành trung tâm tin học Thế Kỷ. Ước mơ theo đuổi 10 năm đã đạt thành, chàng chờ từng phút, từng giây những bạn bè thân yêu nhất đến chia xẻ niềm vui. Chàng đã dấu nỗi buồn vào tận đáy lòng vì Thanh Thiên không đến. Chàng quay quắt với muôn vàn câu hỏi tại sao trong đầu, cho tới lúc quan khách ra về, để rồi bàng hoàng khi gặp người bạn thân yêu, đứng khóc lặng lẽ sau góc nhà. - Thanh Thiên! - Chàng kêu lên, vì mừng rỡ, giận dỗi lẫn ngạc nhiên bởi dòng nước mắt Thanh Thiên. Cô ấy có bao giờ khóc? Để rồi chàng quên hết giận hờn, rối rít lên: - Thanh Thiên! Sao khóc vậy? - Không! Không có gì! – Cô cố gạt nhanh dòng nước mắt. Chàng nắm chặt tay bạn nghiêm khắc: - Cậu nói dối, nói đi, “cậu” chưa bao giờ biết nói dối, lại càng không biết khóc, không biết yếu mềm. Thanh Thiên, nói thật đi, chuyện gì đã xảy ra? Cô gái chợt cười, tiếng cười ròn rã vui tươi từ lâu vắng trên môi cô: - Đông tức cười thiệt, thỉnh thoảng phải nhớ đến mình là con gái chứ. - Con gái thì sao? - Con gái nước mắt tuôn ra ngoài, đàn ông nước mắt chảy vào lòng. Hai thứ nước mắt khác nhau nhưng tất cả do niềm vui hay nỗi buồn mang lại. - Vậy nước mắt cậu do đâu? – Đông khẩn khoản – Đừng nói tại mình nhé Thanh Thiên. Lần này là nụ cười thoáng mông lung như sương khói: - Tại cậu, vì mừng cho cậu ấy mà. Anh đã cười ròn rã, nắm tay cô chạy vào phòng đặt máy, mấy mươi chiếc máy trong 10 căn phòng đều đông đặc người, tất cả im lặng chăm chú. Anh thì thào kể cô nghe chiếc máy này sản xuất tại đâu, bao nhiêu tiền, chiếc máy kia có lợi ích gì trong nền kinh tế đang phát triển. Anh nói cô nghe những ước mơ tương lai và niềm lo lắng khoản tài chính dự bị không còn. Cuối cùng, trong phòng làm việc của mình, anh bật máy truỵền hình quan sát đám học viên cho cô xem và chỉ cô những sợi tóc bạc nhanh trên mái đầu mình. Cô nhìn rất lâu vào mái tóc, sẽ sàng hỏi: - Đông bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? - 32, hơn cậu 2 tuổi. - Hơn Tường Vi 5 tuổi, cô ấy còn rất trẻ thơ mà cậu đã bạc đầu rồi. Cô mỉm cười bối rối: - Không sao đâu, đàn ông có tí tóc bạc trông hay lắm. Anh chẳng thấy những sợi tóc của mình hay chỗ nào nhưng Thanh Thiên nói hay, thì nhất định hay rồi. Hai năm qua, tóc anh có nhiều sợi bạc mà Thanh Thiên chưa khóc lại lần nào. Còn anh nhớ câu nói người bạn gái “Nước mắt đàn bà tràn ra ngoài, nước mắt đàn ông tuôn vào lòng” bởi anh những giọt nước mắt nàng rơi, mới sực nhớ nàng hoàn toàn là phụ nữ. Đông nhìn đồng hồ vờ quên đi câu bạn hỏi, nói qua điều khác: - Còn nửa giờ nữa mình đi làm, cậu nói dùm cô y tá nào đến chăm sóc Tường Vi nhé! - Sao cậu không kiếm người giúp việc? Mấy năm nay thong thả rồi. Đông cười khổ: - Cô ấy không chịu, nói là tự cô ấy chăm sóc mình và nhà cửa. Đồng nhún vai đi vào phòng khách lấy đồ nghề, lúc trở ra buột miệng: - Vi là vợ cậu, chớ không phải là cô bé yếu đuối mồ côi ngày nào. Cậu hãy khéo léo nói cho Vi hiểu, con người phải biết đổi thay mình cho hợp với hiện tại, phải như con Tắc kè biến màu, hiểu chưa? Cái giọng Đồng thật dễ ghét, khiến Đông đỡ bực: - Vậy từ nay làm ơn đừng có lải nhải “cô bé của anh”, “đóa Tường Vi của anh” nữa nghe. Đồng đã xuống hết bậc thềm, anh dừng lại nheo mắt: - Nè, cậu ghen đó à? Đông nhăn nhó: - Cậu giúp cô ấy trưởng thành dùm mình đi. Đồng cười xòa, tấm thân cao lêu khêu, gầy nhom rung rung. Trời ạ! Vợ nó chớ phải vợ mình đâu chớ.