Chương XIII

11 giờ trưa. Cấu đến các phòng khua khoắng:
- Đi! Đi! Đi!
Đào hỏi Chiều:
- Ông Cấu bảo đi đâu?
- Không biết.
- Ông Cấu bảo đi đâu vào giờ này?
- Biết thế nào được.
Lúc Cấu quay lại, vẫn thấy Đào và Chiều ngồi cặm cụi làm việc:
- Đi nhanh lên! Mọi người ra cả rồi.
Hai cô vội xếp sổ sách, khóa tủ bàn, cùng đi ra cổng.
Trên xe U oát đã ngồi chật ních: Việt Sồ, Hòn, Lực, Phạm Lương, Chanh, Thuyên, Hoàng Bảo… Chanh ẩy Hòn ra phía cửa xe, lúng liếng con mắt: "Em được ngồi bên cạnh bác Bao…". Chiều giơ tay bịt mồm Chanh: "Tao cấm mày nói bác Bao… Mày trước sau rồi cũng bị vạ mồm…". Chanh vòng hai tay lên ngực, nghiêm chỉnh ngồi thẳng người:
"Em xin lỗi bà chị… Em lỡ mồm… Thầy em chưa lên xe, em nói bác Bao thì đã làm sao…".
Cấu đang đứng ngoài, thò đầu vào xe, lên giọng:
- Đủ chưa?
Chanh đớp ngay:
- Thưa thầy, đủ rồi ạ?
Hôm nay tôi cho đi liên hoan mừng ông Lực tai qua nạn khỏi. Đây là cuộc liên hoan "hòa giải dân tộc".
Việt Sồ nổi cáu:
- Cho ăn cái gì thì ăn, chứ "hòa giải dân tộc" cái cóc gì!
Ô tô chạy được một đoạn khá xa, Lực hỏi:
- Thủ trưởng Cấu cho chúng tôi đi đâu bây giờ?
- Thịt chó Quảng Bá!
Lực đùng đùng đấm tay vào thành xe, dẫm chân lên sàn xe, hét:
- Dừng lại! Dừng lại! Dừng lại! Dừng lại!
Chẳng ai hiểu đầu đuôi ra làm sao, ngồi im thin thít.
Cô Đào tái mét mặt. Chanh đưa tay quàng ngang hông cô Chiều. Thuyên đưa mắt nhìn người này người kia như muốn hỏi: có việc gì xảy ra?
- Dừng lại! Dừng lại! Dừng lại!
Đấu phanh ô tô. Lực hằm hằm mặt, bước thẳng xuống, đóng cửa một cái sầm… Cấu chạy theo, nắm tay Lực kéo lại:
- Em đùa. Đi đặc sản quán Bò tùng xẻo, chứ không phải đi ăn thịt chó.
Tiếng "chó" cuối câu của Cấu như một gáo xăng đổ vào cơn giận đang sôi lên trong người Lực. Lực rẫy tay một cái rất mạnh làm Cấu suýt ngã sấp xuống mặt đường… Từ ngày bị tai nạn "Thần tượng", tuyệt đối Lực kiêng kị các món ăn mà người ta thường cho là dễ bị xúi quẩy như thịt vịt, mắm tôm, mực, và nhất là thịt chó. Không những không động đũa đến thịt chó, mà Lực còn kị nhắc đến các từ đồng nghĩa như cầy, cún, nai đồng quê, gâu gâu, mộc tồn. Không những kị nhắc đến, mà Lực còn tránh nghe người khác nói những từ ngữ đó.
Bữa trưa nào cô Chanh cũng ra cửa hàng mua cơm mang về tận phòng cho Lực ăn. Chanh biết chọn những món hợp với khẩu vị của thủ trưởng và thường được thủ trưởng khen là "tuyệt vời". Duy có một hôm, không những không được khen là "tuyệt vời", mà còn bị đáp lại bằng vẻ rnặt gai gai với lời xỉ vả nặng nề: "Cô định xỏ tôi ạ? Cô muốn hạ bệ tôi ạ? Cô muốn thay tôi làm thủ trưởng ạ?".
Diễn giải điều này thật là đơn giản. Bữa cơm nào cũng quanh đi quẩn lại canh với thịt kho, lưỡi lợn, đậu rán, thịt gà luộc, thịt lợn luộc, chim quay… với một chai bia "Hà Nội", bữa ấy Chanh thay bằng món thịt lợn giả cầy cho lạ miệng. Chắc hẳn thủ trưởng sẽ ba lần khen "tuyệt vời", có ngờ đâu đến nông nỗi thế…
Điều kiêng kị của Lực quả thật có linh nghiệm. Chiều hôm ấy, cuối tháng, người bạn thân vào rủ Lực đi ăn thịt chó. Lực không nói không rằng, bước lên ô tô, giục lái xe phóng thẳng về nhà. Gần một tiếng đồng hồ sau, Lực đang ngồi ăn cơm với vợ con thì bỗng nhiên trên lối về gần nhà, một cành cây to rơi xuống mặt đường làm hai người bị thương. Hú hồn? Nếu ở lại ăn thịt chó, về chậm một tiếng thì đã bị cành cây này rơi đúng đỉnh đầu?… Ấy thế mà trưa nay Cấu lại mời Lực đi ăn thịt chó Quảng Bá? Cấu cũng thừa biết Lực đã kiêng kị tuyệt đối lâu nay, định đùa một chút cho vui. Dè đâu Lực nổi khùng nổi giận.
- Thôi, ta đi! Lão ấy không đl thì ta đi. Tính lão ấy cũng hâm hấp ấy mà - Cấu giục Đấu nổ máy - Vợ con cũng không chịu được tính lão ta, huống chi người ngoài.
Việt Sồ chỉ tay vào mặt Cấu:
- Sao mày biết vợ con hắn không chịu được hắn?
- Việc gì của nhà lão ấy mà tôi lại không biết. Ngày nào cũng đi lễ đình lễ chùa, rồi lên đồng lần này lượt khác mà lão ta cũng không đi theo thần theo phật được.
- Trên có trời dưới có đất, tao nói không sai, chẳng thà không biết thì thôi, chứ biết phép thần phép phật mà cứ dối thần dối phật thì sẽ bị quả báo. Tao đây nghiên cứu hàng chồng sách về thần học phật học, tao hiểu rõ thế giới tâm linh gấp trăm lần thằng Lực. Cái tâm cái đức mà tối tăm thì có lên đồng lên cốt hàng triệu lần thần phật cũng kbông soi sáng được. Thằng Lực có thể lừa được mày lừa được tao, lừa được thằng Hòn, ông Hoàng Bảo, thằng Phạm Lương, lừa được cô Thuyên cô Chiều cô Đào cô Chanh; chứ lừa thần phật ấy à… Hãy đợi đấy? Ngày nào mày cũng bám lấy thằng Lực thì phải nói cho thằng Lực nó biết thế. Mày nói với nó là thằng Việt Sồ, thằng Việt Sồ này này, thằng Việt Sồ nghiên cứu hết các sách thần học phật học. Chứ nó chỉ mới hiểu thần học, phật học bằng cái móng tay thằng Việt Sồ, đừng có ti toe bịp người này người kia. To gan mà bịp thần bịp phật thì hãy đợi đấy, hãy đợi đấy. Nó không theo một học thuyết nào về Thần học, Phật học; mà nó hành động theo bản thân nó, bản thân thằng Quách Quyền Lực. Đáng lẽ ngành tâm lí học phải lập ra một khoa gọi là khoa "Quách Quyền Lực học" chuyên nghiên cứu về thằng này. Nó là một hiện tượng kì lạ mà tao chưa được chứng kiến trong đời tao.
Phan Chấn vê vê sợi tóc xoăn trên trán:.
- Tao phong mày chức chủ nhiệm khoa "Quách Quyền Lực học", mày thì được phong học vị "nhà Quách Quyền Lực học", mày có nhận không?
- Tao nhận ngay?
Mọi người vỗ tay, cười hể hả:
- Hoan hô nhà "Quách Quyền Lực học"…
- Từ nay ta gọi Việt Sồ là nhà "Quách Quyền Lực học".
Ở quán nhậu "Lùn Xồm" đã say khướt rồi, Lực vẫn tỏ ra mình là "dân chơi" không kém ai, nốc hết cốc bia này đến cốc bia khác.
- Trăm phần trăm đi!
- Trăm phần trăm đi!
- Trăm phần trăm đi!
Lâu nay Lực bị mang tiếng là "quan cách". Quan cách ư? Ta vẫn là nghệ sĩ chính cống trăm phần trăm. Để chứng tỏ điều này, Lực tự điều chỉnh mình bằng cách chơi với các "nghệ sĩ Chí Phèo". Không những chơi mà còn gây thiện cảm đặc biệt với các Chí Phèo để được các Chí Phèo yêu mến. Lúc đầu, Lực nghĩ thầm, đây chỉ là sách lược; nhưng rồi lâu ngày Lực nhận thấy quả là đắc dụng và trở thành một chính sách dùng người của Lực. Chí Phèo dám nói những câu xô bồ mà người khác không dám nói. Chí Phèo dám làm những việc thất nhân tâm mà người khác không dám làm. Khi cần, mình dùng Chí Phèo làm lá chắn cho mình hoặc dùng làm mũi tên bắn vào người khác. Còn những người tốt ư? Những người đứng đắn ư? Tôi vẫn quý mến và kính trọng các ngài, tôi vẫn dùng các ngài khi tôi thấy cần thiết. Nhưng giữa thời buổi này, lắm lúc các ngài trở thành vô tích sự. Cơ quan gặp việc gì lộn xộn chẳng đâu vào đâu, các ngài sĩ diện, các ngài tự trọng, các ngài ngồi im; còn những Chí Phèo của tôi thì to tiếng nói át đi, xồn xồn ủng hộ tôi, thế là tôi thắng. Những lúc đó, các ngài giúp ích gì cho tôi? Vậy thì đối với Chí Phèo, tôi phải có chế độ ưu đãi đối với họ, gần gũi họ, thân tình với họ. Cứ nói toạc móng heo ra rằng, trong thời buổi này, dường như hai loại người có quyền lực nhất, hoặc là nhiều tiền, hoặc là Chí Phèo…
- Trăm phần trăm đi!
- Trăm phần trăm đi!
- Trăm phần trăm đi!
Giữa quán nhậu, Lực cũng "trăm phần trăm" như ai, cũng hét to như ai, cũng lảo đảo say như ai, cũng ngả vào ông bạn này cũng nghiêng vào ông bạn kia, cũng cười khà khà như ai. Các nghệ sĩ Chí Phèo khoái trá, thấy ông Lực đích thị là "người của mình". Ông Lực không có chút quan quách gì cả? Thằng nào nói ông Lực quan quách tức là nó có ý đồ xấu muốn hạ uy thế của ông ta… Sự hòa nhập của Lực thật là tuyệt, tuyệt, tuyệt, tuyệt diệu, tuyệt vời. Chẳng khác gì một chính khách nọ, sức khỏe hom hem, râu tóc bạc phơ, lại bị bệnh đau tim, khi tranh cử tổng thống cũng lên sân khấu nhảy múa với các cô diễn viên mười chín hai mươi. Khán giả càng hoan hô ngài càng rán sức nhảy và càng rán sức nặn ra những nụ cười. Trông ngài thật là tội nghiệp. Ngài cười, nụ cười tình nở giừa gương mặt già nua giống như giọt nắng hoàng hôn đậu trên lùm cây trinh nữ… Năm tháng trôi qua, dẫu còn ngắn ngủi, Lực lãnh đạo một cơ quan văn hóa văn nghệ mà đã tu dưỡng nhanh chóng để có phong cách sống như một nhà chính trị lão luyện. Điều mọi người dễ nhận thấy là Lực có tài nghệ phân thân để nhập vai rất đạt vào tất cả mọi trường hợp. Gặp quan lớn, Lực đĩnh đạc là một chính khách. Gặp Chí Phèo, Lực tỏ ra rất bụi. Gặp người đổi mởi, Lực nói giọng đổi mới. Gặp người bảo thủ, Lực nói giọng bảo thủ. Người nào cũng thấy cái lão này hợp kênh với mình… Có thể trong tích tắc trước Lực cười hớn hở thì tích tắc sau Lực khóc bi lụy; tích tắc trước Lực ngợi ca ông A thì tích tắc sau Lực chửi bới ông A…
- Trăm phần trăm đi!
- Trăm phần trăm đi!
- Trăm phần trăm đi!
Sau cuộc "trăm phần trăm" vởi các bạn Chí Phèo kéo dài gần ba tiếng đồng hồ, Lực về đến nhà đã hơn một giờ sáng. Dừng ô tô trước cổng, Đấu dìu Lực vào giường. Chẳng rửa ráy gì, Lực nằm lăn quay trên đống chăn. Nhưng chỉ mươi lăm phút sau, cái điểm thức trong vỏ não báo cho Lực biết: có một việc hệ trọng mà Lực chưa làm. Lực lơ mơ cố nhớ ra, việc gì nhỉ? Viêc gì nhỉ? Việc gì nhỉ? A, sám hối! Sám hối! Sám hối!
Tháng trước, Lực lặn lội lên Sơn La tìm ông thầy tướng. Nghe đâu ông này là con một cụ đồ quê Hà Tĩnh. Hồi cải cách ruộng đất, cụ bị quy là địa chủ. Sau khi ở tù ra, cụ mang cả gia đình lên Sơn La theo người em vốn là Vệ quốc đoàn về đó mở nông trường. Lúc rời quê, vỏn vẹn trong tay cụ chỉ có chồng sách chữ nho. Trong số sách đó. có mấy cuốn về tử vi về tướng số. Mặc dầu chính quyền cấm tiệt các thứ "mê tín dị đoan" vớ vẩn này, cụ vẫn ngày ngày nghiền ngẫm, nghiên cứu và truyền lại cho con. Cụ nói: "Con ạ, đã là chữ của thánh hiền thì phải trọng. Người ta có hà khắc để diệt chữ của thánh hiền thì cũng đến lúc người ta hối cải. Con phải học. Đời con chưa được dùng thì đời cháu đời chắt dùng…". Chẳng cần đợi đến đời cháu đời chắt, người con trai của cụ tới lúc tóc bạc râu dài đã phải dùng chồng sách nho ấy để giúp ích cho thiên hạ…
Mặc dầu mùa mưa, đường lên Tây Bắc sụt lở dễ gây nguy hiểm, Lực vẫn bảo Đấu lái xe lên nông trường. Lấy danh nghĩa một nhà báo, Lực gặp ông giám đốc và nhờ ông ta hướng dẫn tìm về đội bốn. Ông giám đốc nói: "Đường vào đó rất lầy lội, ô tô không đi được. Chúng tôi đi cũng đã vất vả lắm, huống hồ anh là người Hà Nội…". Lực kiên quyết: "Tôi là nhà báo. Tôi đã vào sinh ra tử với bom đạn ác hệt. Chẳng lẽ trong thời bình, tôi chùn bước trước khó khăn bùn lầy, đèo cao, rừng rậm, thử hỏi tôi còn xứng đáng là nhà báo nữa không? Tôi còn xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nữa không?… Chuyện đồn đại hư thực như thế nào, người đảng viên không có quyền nghe ngóng từ xa, mà phải đến tận nơi để tìm hiểu để chứng kiến để khám phá. Như thế mới đúng là người đảng viên Đảng Cộng sản…". Nghe giọng nói đanh thép của Lực, ông giám đốc không dám từ nan, cử người dẫn Lực lội đường lầy đất đỏ, lội suối trèo đèo, tìm đến tận nhà thầy tướng nằm quạnh vắng dưới chân núi. Người tới nhờ xem tướng chờ chực khá đông, nhưng nghe nói có nhà báo từ Hà Nội lặn lội lên giữa mùa mưa, ông đành cáo lỗi mọi người để tiếp nhà báo trước.
Thầy tướng chừng bảy mươi tuổi, dáng người nho nhã, không đeo kính dâm, mắt vẫn tinh tường, giọng nói trọ trẹ. Sau khi hỏi những điều cần thiết như ngày tháng năm sinh, xem tướng mạo…, thầy vừa nhìn chằm chằm lên mặt Lực vừa mân mê ngón tay trên cuốn vở giấy bản viết chữ nho… im lặng…
"À quên… ", Lực chợt nhớ… hơi giật mình… rút năm trăm nghìn đồng đặt trên cuốn vở. Từ xưa đến nay, chẳng có ai đi xem tướng mà đưa nhiều tiền như thế. Gần mười năm rồi, Lực đã thành công với kế sách "phóng tiền tiền thu nhân tâm", thì chắc hẳn đối với thánh thần cũng vậy - "phóng tiền tài thu thánh thần tâm". Thầy tướng xua tay, không nhận.
- Thưa thầy, đây là tấm lòng của con đối với thánh thần.
Thầy tướng lại xua tay.
- Đây là tấm lòng của con đối với thánh thần chứ không chỉ riêng đối với thầy.
Thầy tướng lại xua tay:
- Thánh thần cũng không nhận, anh cầm lấy…
Im lặng… Thầy tướng khẽ nhếch mép, tay vuốt râu cằm… Trống ngực Lực đập thình thình… "Hèm… vừa rồi anh có làm điều gì không phải đối với các vị thánh?". Ngực Lực nóng ran như muốn vỡ ra. Trúng quá! Trúng quá!… Những lời thầy nói tiếp theo, Lực nghe câu được câu chăng. Hai lỗ tai ù ù như cối xay… Chờ cho thầy nói xong Lực mới giữ được bình tĩnh, và cũng chỉ mong đến phút ấy để được hỏi một câu:
- Thưa thầy, bây giờ con phải làm gì để tạ lỗi các vị thánh?
- Hèm…
Thầy tướng lại vuốt râu cằm, giọng nói nhỏ và dễ nghe.
- Phải sám hối.
- Sám hối như thế nào ạ?
- Hèm… Anh chờ tôi nói…
Lúc này thì Lực rất tỉnh táo để nuốt lấy từng tiếng của thầy. Thầy dặn: trước khi đi ngủ và sớm mai ngủ dậy, phải sám hối. Ngồi im lặng một mình, suy nghĩ cho thấu tâm thấu trí những lỗi lầm của mình đối với các thánh, tự giày vò mình, tự xỉ vả mình để cho cái ngu tâm chuyển thành cái minh tâm… Sáng mai ngủ dậy, phải sám hối trước khi đặt chân xuống đất. Trước lần sám hối ban đêm, không nên ăn uống những thứ ô trọc như thịt chó, thịt dê, bia, rượu…
Chừng một tháng rồi, Lực làm đúng phăm phắp những lời thầy tướng dặn. Riêng đêm nay, phải hòa mình với các bạn Chí Phèo, Lực nhỡ uống quá nhiều bia… Nhưng, yên chí, Lực đã có cách. Về mặt này thì Lực rất có nghị lực.
Mặc dầu đã hơn một giờ sáng, Lực vẫn không thấy buồn ngủ, thức tiếp đến hơn hai giờ.
Đêm thanh tịnh. Trời đầy sao. Lực đứng giữa sân, ngửa mặt lên giữa không trung bao la, thở ra từng hơi dài để thải bớt cái khí ô trọc của bia. Lực tự nhận thấy những luồng khí nồng nồng khé khé chua chua xô nhau phun ra từ miệng mình. Khoảng mười phút, Lực chuyển chỗ, thở khí công, thăng bằng cơ thể. Rồi lại chuyển chỗ, ngửa mặt, thở ra từng hơi dài. Thỉnh thoảng Lực "hà…" một tiếng thật mạnh làm cho con chó giật mình sủa hoắng lên. Cuối cùng Lực đi vòng quanh sân, thót bụng xẹp lại, dồn hơi lên ngực, rồi dồn ra cổ họng… Hầu như cái khí ô trọc đã được thải hết, Lực cảm thấy người nhẹ bẫng, thoải mái lạ thường, từ từ đi vào nhà…
Lực nhẹ nhàng bước lên giường, ngồi xếp bằng, thả tâm trí vào cõi vô định. Sám hối!
Đêm ba mươi tết. Đêm cuối năm. Đã cuối năm rồi mà cái hạn năm qua vẫn chưa giải được. Cách đây mấy hôm, trong giấc ngủ, Lực gặp một cơn ác mộng kinh hoàng.
Hôm ấy, sau giờ làm việc buổi chiều, Lực không rẽ chơi một người bạn nào và cũng không đến yết kiến một vị cấp trên nào. Hoàn toàn dành thì giờ để đi lễ chùa. Chỉ đi lễ chùa và đi lễ chùa. Không pha tạp một chuyện trần thế nào khác. Cơ thể hoàn toàn trong suốt. Tâm thế hoàn toàn trong suốt. Trong suốt trong hương khói cửa thiền. Trong suốt trong thế giới tâm linh.
Và chính đêm hôm ấy, Lực ngủ ngon lành, nằm là ngủ ngay. Các vị thánh bị bôi xấu trong truyện ngắn "Thần tượng" hiện về với gương mặt đôn hậu và vị tha.
Đức thánh Trần cởi chiếc áo giáp và hạ gươm xuống, mặc bộ quần áo nâu bạc màu nước biển mà các vị bô lão trước đây thường mặc đi đánh cá ở vùng Thuỷ Nguyên. Thánh ngồi ăn cơm cà trong "bữa cơm quá lộ" trở về thăm lại chiến trường Bạch Đằng, ngồi giữa các bô lão, cười nói ồm ồm như sóng biển. Đức thánh Trần đây ư? Chẳng khác gì một ngư dân. Có phải đây đích thực là Đức thánh Trần?… Lực đem lòng nghi ngờ. Nếu trở về thăm chiến trường cũ thì Đức thánh phải đi voi đi kiệu và có hàng đàn lính hộ vệ, tiền hô hậu ủng. Nếu trở về thăm giữa thời buổi hiện đại này thì phải đi ô tô hạng xịn của Nhật Bản chứ? Mà phải loại ô tô đặc biệt đạn bắn không thủng, xăng đốt không cháy. Lúc ngồi uống rượu với các bô lão, phải vòng trong vòng ngoài lính cầm gươm bảo vệ. Rượu và thức nhắm của Đức thánh phải do một ngùời lính cận vệ mang ra để bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng… Cớ sao Đức thánh cũng uống rượu chung với các bô lão do dân làng đem ra? Cớ sao Đức thánh cũng ăn cà muối do dân làng đem ra? Nhỡ ra, trong rượu ấy, trong cà ấy, có thuốc độc thì sao? Hơn nữa, sao Đức thánh lại nhắm rượu với cà muối? Thức nhắm phải là một thứ sơn hào hải vị có tẩm sâm Cao Ly thì mới bảo đảm sức khỏe cho "lãnh tụ"… Lực đem lòng nghi ngờ. Đến cái giọng cười của Đức thánh cũng không khác gì giọng cười của các bô lão? Vô lí? Đã ở trong Hoàng triều bao nhiêu năm, rồng chầu phượng múa, được vua phong là "Hưng Đạo đại vương" thì ắt tiếng nói phải cao sang hơn, tiếng cười phải khệnh khạng hơn. Cớ sao giọng nói cười chẳng khác gì một lão ngư? Vô lí! Vô lí? Vô lí? Chắc hẳn đây không phải là Đức thánh Trần, mà là một gã Chí Phèo nào đến thử lòng tốt của ta?…
Dự xong "bữa cơm quá lộ" với các bô lão vùng Thuỷ Nguyên, Đức thánh Trần đứng dậy. Lập tức một đoàn quân hộ vệ hiện ra, giương cao cờ "Trần" rầm rập trở về kinh thành… Đúng rồi, đúng rồi, đúng là Đức thánh Trần.
Lực co rúm người, ngồi nấp vào bụi cây bên vệ đường, run như cầy sấy. Bụi cây không rậm rạp, mà lưa thưa những nhành hoa cứt lợn cứt chó. Lực dúi đầu vào bụi như đà điểu dúi đầu vào cát.
Đức thánh thấy có hiện tượng lạ, đến gần. Lực rạp người xuống đất, lạy như tế sao. Đức thánh mỉm cười, giơ tay nâng Lực dậy:
- Con là Quách Quyền Lực phải không?
- Dạ dạ dạ dạ dạ…
- Con đã bôi xấu ta trong truyện ngắn "Thần tượng" phải không?
- Dạ dạ dạ dạ dạ…
- Vừa rồi con nhầm tưởng ta là một ngư dân nên có ý coi thường ta phải không?
- Dạ dạ dạ dạ dạ…
Trong bàn dân thiên hạ, từ vua cho đến dân thường, con đều phải coi trọng, nghe không?
- Dạ dạ dạ dạ dạ…
- Không có dân thì làm sao mà có vua có nước.
- Dạ dạ dạ dạ dạ…
- Con phải lo tu thân tích đức, sống thành thật với mọi người, nghe không?
- Dạ dạ dạ dạ dạ…
- Con có muốn tiếp tục làm thủ trưởng cơ quan Văn hiến sang trọng nữa không?
- Dạ dạ dạ dạ dạ…
- Con không được kiêu căng, không được đố kị, học hỏi và thành thật cộng tác với mọi người xung quanh mình… Ta cho con vẫn được tiếp tục làm thủ trưởng.
- Dạ dạ dạ dạ dạ…
Lực líu lưỡi, không nói được câu nào. Đức thánh Trần biến mất. Lực tỉnh dậy. Sướng quá. Sướng quá. Sướng quá. Mình vẫn được tiếp tục làm thủ trưởng. Những thằng âm mưu lật đổ mình, phen này sẽ biết tay. Tao sẽ trừng trị chúng mày đến nơi đến chốn.
Uống hai viên xêđuxen. Ngủ ngon lành. Ròng rã mấy tháng nay, Lực mới được một giấc ngủ ngon. Thánh đã cho tiếp tục làm thủ trưởng, phải ngủ ngon để tự thưởng cho mình. Lúc này mà không ngủ ngon giấc thì còn lúc nào nữa. Ngủ đắm đuối. Ngủ mê mệt. Ngủ như chết.
Trong cơn mê, Lực thấy rôn rốt ở hai bàn chân. Rồi ống chân, bắp chân. Rồi đầu gốỉ. Rồi đùi. Rôn rốt. Rưn rứt. Nhoi nhói… Rồi đau điếng như có ai cầm lưỡi cưa cưa ngang cưa dọc. Lực giơ chân, không giơ được. Vùng chạy, không chạy được… Ôi trời ơi là trời, mối! Mối! Mối! Mối! Mối! Hàng ngàn con mối hàng vạn con mối từ dưới chân lúc nhúc bò lên tranh nhau rứt thịt rứt xương hai cái chân. Rứt hết thịt, chúng tranh giành kéo những sợi gân như trẻ con kéo co, kéo căng ra cho đến lúc gân đứt một cái "phựt". Gân đứt đôi và cuộn cong hai phía. Một con đục thủng xương, chui vào trong ống. Hàng ngàn con khác chui vào theo, bò vào phía trên, bò vào phía dưới. Chỉ trong giây lát, chúng xơi tuỷ sạch sành sanh. Hết tuỷ, chúng gặm xương. Rào rào tiếng mối gặm xương. Vụn xương rơi trắng cả một vạt đất…
"Ôi? Cứu tôi với? ", Lực muốn hét lên nhưng không hét được, muốn chạy nhưng không chạy được. "Cứu tôi với!…", Lực cố dồn hết sức lực để thốt thành tiếng. Đùng một phát, Lực chồm dậy. mồ hôi ướt đẩm như tắm. Động tác đầu tiên là sờ hai chân: chân vẫn còn nguyên. Có thật chân mình vẫn còn nguyên? Lực sờ từ đùi đến đầu gối đến bắp chân đến ống chân, mu bàn chân, gan bàn chân, mười ngón chân. Còn đủ cả. Có thật chân mình còn đủ các bộ phận?… Tay quờ đầu giường tìm kiếm đèn pin, Lực soi vào chân, soi từ trên xuống, soi từ dưới lên, soi phía sau bắp, soi phía trước gối. Hai tay run lẩy bẩy, điểm sáng của đèn pin cũng run lên. Còn đủ cả. Có thật chân mình còn đủ các bộ phận?… Chưa hoàn toàn tin vào mắt mình, Lực thả hai chân xuống đất và đứng dậy đi vài bước. A, vẫn đứng được… A, vẫn đi được…
Cơn ác mộng qua rồi. Lực tự giải mộng. Tại sao lại có cơn ác mộng khủng khiếp đến thế? Từ khi in "Thần tượng" đến nay, không một ngôi chùa ngôi đình nào ở Hà Nội mà mình không đi lễ. Đến làm việc hoặc họp hành ở một địa phương nào, hễ có đình chùa gần đó mình đều vào lễ… Cớ sao lại có cơn ác mộng này?
Một lần, đi tham quan khu di tích Lam Sơn, Lực thắp hương khấn vái xin các Ngài một hòn đá đem về thờ để tỏ lòng tôn kính các Ngài. Nhưng khi về nghỉ ở khách sạn Thanh Hóa, ông bảo vệ cho biết: đã có người lấy đá ở đó đem về, chỉ ít lâu sau gia đình bị lụn bại. Lập tức ngay giữa nửa đêm, Lực đi ô tô vượt trên ba mươi kilomet, đến Lam Sơn, trả lại hòn đá đúng ở vị trí cũ… Đã cẩn thận đến mức ấy, cớ sao lại có cơn ác mộng này?
Lực lục lọi, xới tung mọi ngóc ngách trong trí nhớ, mọi xó xỉnh trong trí nhớ: có lúc nào mình vô lễ với thần thánh? Có lúc nào mình biểu lộ thái độ hỗn hào với thần thánh? Có lúc nào mình sơ ý tỏ ra không vâng lời thần thánh?… Hay là… hay là… Lúc mình rúc đầu vào khóm cây cứt lợn cứt chó, chổng đít về phía Đức thánh Trần?… Hay là… hay là… khi Đức thánh báo cho mình vẫn được tiếp tục làm thủ trưởng, mình thoáng có ý nghĩ chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng: "Những thằng nào âm mưu lật đổ mình, phen này sẽ biết tay. Tao sẽ trừng trị chúng mày đến nơi đến chốn".
Dẫu sao thì có phút giây nào đó các vị Thánh không vừa lòng với mình nên mới có cơn ác mộng ấy. Vậy cơn ác mộng ấy giải mộng ra là thế nào?… Mối ăn mất chân, tức là không đi được, tức là phải ngồi một chỗ, tức là… bị tù… bị vào Hỏa Lò…Bị tù! Bị tù? Bị tù! Bị tù?
Bằng bất kì mọi giá để thoát ra cảnh tù tội. Bằng bất kì mọi giá để nắm lấy cái chức thủ trưởng cơ quan Văn hiến. Vừa phải tiếp tục dùng kế "Hàn Tín bò qua háng anh hàng thịt" vừa phải đi lễ tạ tội thánh thần.
Hình thức tạ tội cao nhất là đội bát hương.
Giờ phút thiêng liêng nhất đội bát hương là đêm ba mươi tết, trước lúc giao thừa, trước khi sang năm mới. Dĩ nhiên là lễ vật phải tốn kém hơn. Nguyên cái khoản tiền trao cho thầy cúng phải tốn kém gấp trăm lần. Đáng lẽ thầy ở nhà sum họp với gia đình, sắm sanh mâm cỗ cúng giao thừa, thì thầy phải đi lễ ở nhà khác, thầy thu nhiều tiền hơn là lẽ đương nhiên… Nhưng đối với Lực, điều đó không quan trọng. Trên trần thế, Lực đã từng thắng bởi kế sách "phóng tiền tài thu nhân tâm", thì trong cõi tâm linh cũng vậy thôi - "phóng tiền tài thu thần linh tâm". Đầu xuân năm ngoái, đi lễ đền thờ Bà Chúa Kho, Lực đặt lễ cao nhất là năm trăm nghìn. Vét sạch tiền trong túi, không còn tiền đi xe ôm, đành nhờ người lái xe đưa về tận nhà mới lấy tiền trong tủ bàn để trả. Quả thật, suốt cả năm, Lực được rất nhiều lộc…
Mới có mấy hôm mà người Lực gầy xọp đi, tụt gần năm kilôgam. Liệu còn đủ sức khỏe ngồi bất động hàng tiếng đồng hồ để đội bát hương? Chẳng phải lo, Lực có thừa nghị lực để đáp ứng tất cả những gì mà Lực cho rằng những điều đó thần linh đòi hỏi.
Từ tám giờ tối, cổng sắt khóa chặt hai ổ khóa. Bà con láng giềng biết Lực rất kỹ tính và rất nghiêm ngặt về tín ngưỡng, nghiêm ngặt đến quái dị, hễ thấy cổng có hai ổ khóa là không gọi người nhà ra mở cổng.
Vợ con sang phòng khác. Nhưng bà vợ thấy chồng mấy hôm nay sức khỏe sa sút, sợ không chịu đựng nổi bát hương trên đầu trong cơn khủng hoảng thần hồn nát thần tính, bảo thằng Vệ thỉnh thoảng "ngó xem bố có làm sao không?".
Vâng lời mẹ, thằng Vệ ló nửa cái đầu sau cánh cửa, rồi lại thụt vào, rồi lại ló ra, rồi lại thụt vào như con chuột sau bồ thóc Thấy bố làm cái việc lạ lạ, hay hay, nó ló ra liên tục, chứ không phải là "thỉnh thoảng" như mẹ nó dặn. Bố ngồi thẳng đừ như cái cột gỗ, không động đậy, không nhúc nhích. Hai con muỗi đốt trên mu bàn tay bố cũng không xua. Mắt bố mở to, chốc chốc lại lim dim, rồi nhắm nghiền lại, rồi mở to, rồi nhắm lại. Hai tay đỡ cái mâm đặt bát hương. Hương cháy đỏ trên đầu bố gần giống như cái đài người ta châm lửa khai mạc các cuộc đại hội thể dục thể thao. Hay nhỉ? Lạ nhỉ? Nhỡ ra - thằng Vệ nghĩ - tay bố tê không giữ nổi cái mâm thì nguy to, bát hương rơi xuống cháy quần áo, bỏng da bỏng thịt, thì gia đình ăn tết mất vui.
Thằng Vệ chẳng để ý gì ông thầy cúng lầm rầm khấn vái, mà chỉ chăm chăm nhìn bố, chú mục vào bố. Lúc đầu nó còn thò ra thụt vào, về sau nó áp nửa mặt vào cánh cửa, nửa mặt để hở ra ngoài, theo dõi cái động tác kì lạ của bố, không chớp mắt.
Lực "e hèm" một tiếng rất khẽ. Thằng Vệ không nghe; nhưng mẹ nó nghe được, nghĩ bụng chồng "e hèm" để cảnh cáo con cứ thò ra thụt vào sau cánh cửa, bèn túm lưng áo thằng Vệ kéo mạnh. Vệ giật nảy mình "tiên sư đứa nào!", quay lại, thì ra mẹ nó:
- Con xin lỗi mẹ.
- Con vào đây ngồi với mẹ để bố lễ thần lễ thánh.
Ngồi im được dăm ba phút, thằng Vệ lại lò dò ghé mắt xem. Bố tài thật. Bố không ngứa. Bố không gãi. Bố bất động tuyệt đối như ông Phật trong chùa.
Bát hương vẫn cháy đỏ đều đều. Nén nào cũng tàn cong xoắn tít như lò xo. Bất giác thằng Vệ reo lên:
- Tàn hương cong lắm mẹ ạ?.
Mẹ nó tỏ thái độ rất bực tức. Nhưng tiếng reo vô ý của nó lại là tín hiệu vui mừng chuyền đến cho Lực. A… tàn hương cong… tàn hương cong… tàn hương cong… Thần thánh vừa lòng với thái độ chân thành của mình… Lực cảm thấy người nhẹ bẫng như bay vào một cõi giới siêu linh… Dấn thân… dấn thân… và tự đày ải để sám hối… Dò dẫm quanh co qua những nơi nguy hiểm, rùng rợn… Lách qua một quãng dài tua tủa nhừng chùm gai bồ kết nhọn hoắt đâm vào da thịt túa máu… Bước qua lối hẻm chông chênh vách núi rải dày mảnh chai, Lực nghiến răng, bàn chân bị đâm nát… Trước mặt là lửa, ngọn lửa hung dữ như lưỡi quỷ liếm trên mặt đất Lửa cháy dài dặm đường, hắt lên những hình thù quái dị… Lực nhắm mắt, nhắm nghiền mắt, nhắm tịt mi mắt… bước.. bước… bàn chân cháy xèo xèo… Qua dặm lửa là tới cõi giới khác, tối như hũ nút. Tối bưng bít. Tối mênh mông. Đen kìn kịt. Rợn lắm… Cũng phải liều mà dấn tới, mà chui qua.
Bóng tối dày đặc và dường như có sức nặng đè lên đầu, dường như có sức mạnh ma quái bóp lấy cổ. Ôi, nghẹt thở quá, nghẹt thở quá… Qua khỏi hang tối rồi, ánh sáng đường đột lóe lên chan hòa, rực rỡ màu sắc. Đã được gặp Đấng Toàn năng… Thân thể Lực dường như hoàn toàn tan loãng trong cõi siêu linh huyền bí vô cùng thánh thiện…