ác anh chị có đành lòng để cha mình phải đi ăn xin không? Ông không có nhà ở; phải đi ở nhờ ở đậu như vậy, gia đình có xót không? Nếu lỡ như túng cùng quá không ai nuôi ổng, ổng phải đi ăn xin mà sống, các anh chị có đành lòng không?...” Không khí phiên tòa như chùng xuống sau câu nói của người thẩm phán... Tháng 5/1994. Tôi đã được dự một phiên tòa xử phúc thẩm ly hôn ở Tòa án Nhân dân Thành phố mà có lẽ sẽ không thể nào quên. Trong phòng xử, có một ông cụ đã già lắm. Phản ứng chậm chạp, cặp mắt đục lờ, nói năng không mạch lạc. Chắc ông lão phải có vai trò quan trọng lắm trong cuộc ly hôn của con hay cháu ông, nên mới phải đến đây để chịu đựng cái không khí buồn chán của những vụ án ly hôn. Khi tòa cho mời nguyên đơn, bị đơn, tôi mới ngỡ ngàng khi biết ông lão, 74 tuổi, là nguyên đơn. Ông đã vậy, vợ ông còn lớn tuổi hơn - bà đã trên 80, tuy mập mạp nhưng đã lãng tai, đi phải có người dìu. Các người con, người nào người nấy đều đã tóc muối tiêu. Con trai út đã gần 40, còn trưởng nam trông cũng đã thành một ông già. Ở cái tuổi này, chắc chắn những sóng gió của tình yêu - nếu còn - giỏi lắm chỉ như những bọt sóng yếu ớt leo bờ dốc đứng của thời gian, chứ đâu đủ sức xô giạt hai ông bà đến tận nơi này? Vậy mà họ đã ở đây. Theo thủ tục thông thường, sau khi yêu cầu nguyên đơn xác nhận ý định ly hôn, tòa quay sang bị đơn. Bà lão nói sang sảng: “Không! Tôi không biết ly hôn là gì hết. Ổng bỏ tôi đi đã 43 năm nay, từ hồi con nhỏ này (chỉ một phụ nữ lớn tuổi) còn để chỏm. Bây giờ lại đòi ly hôn để chia tài sản. Tài sản còn gì để mà chia? Tài sản nào? Lúc ra đi, ổng chỉ để lại cho tôi tài sản là tám đứa con lúc nhúc, một mình tôi nuôi cho đến bây giờ”. Những đợt sóng phẫn nộ đã tràn về phía ông già. Ông lão không chối cãi gì, chỉ đính chánh là ông đi chưa tới 43 năm vì rõ ràng thằng út chỉ mới 39 tuổi. Ông đã sống với một người vợ khác, không con. Năm 1987 bà này chết, ông quay về với vợ con. Ông chẳng có lý do gì để được thiện cảm. Ông nói giọng khàn đục: “Tôi xin ly hôn để chia tài sản”. Ngôi nhà chung của ông bà xưa kia chỉ là một mái lá đơn sơ, nay đã cất lại thành ba căn nhà mới. Nhà không có giá, nhưng đất có giá. Bà lão đã kêu bán bớt một căn. Thật ra, không phải tự nhiên ông lão đòi chia tài sản. Do người mua lo xa đòi phải có giấy đồng ý bán của ông. Ông và gia đình thỏa thuận trị giá căn nhà 20 cây vàng, phần ông lấy ba cây, còn 17 cây cho bà và các con. Các con chỉ đưa ông một cây, còn hai cây họ giữ, ông già đòi hoài không được. Ông nói: “Tui khiếu nại - khiếu nại chớ không phải kiện - ra phường, quận 8, nhưng không được. Bả chửi tui quá. Mấy đứa con thì nói ba thưa đi, ba thưa tới đâu tụi con bán nhà theo ba tới đó. Tui khổ quá, một thân một mình, không làm gì ra tiền, không có tiền xài...” Ai cũng có lý cả. Vị thẩm phán hỏi sao hai cây vàng phần ông lão, các con không chịu đưa cho ông? Người con út: “Ông lấy một cây đi mới có một tuần là đã xài hết!”. Ông già nói chen vào: “Bị người ta lấy cắp mất”. Anh con út tiếp tục: “Nếu đưa nữa ổng xài hết, mai này ổng chết lấy gì lo cho ổng?”. Vị thẩm phán: “Bây giờ ổng sống không có tiền ăn, mà để dành chôn cất làm chi?”... Vị thẩm phán nói với giọng đầy tình cảm, khiến tôi liên tưởng đến người thầy giáo khả kính thời tiểu học đang nói về những bài học luân lý trong “Quốc văn giáo khoa thư”, về công cha, nghĩa mẹ, về tình người. Ông nói khá nhiều, tôi chỉ có thể ghi đại ý: “... Hai ông bà cũng lớn tuổi rồi, sống nay chết mai. Của cải rồi cũng đi hết cả, chỉ có tình nghĩa là không gì thay thế được. Các anh chị giận thì giận chớ ổng cũng là cha mình. Các anh cứ nói để hai cây vàng lo hậu sự? Cho dù ông già không có tài sản gì đi nữa thì khi ổng trăm tuổi già, các anh cũng phải lo cho ổng, chẳng lẽ để cho diều tha, quạ mổ? Ngay cả khi ổng không phải là cha của các anh, mà là người xa lạ, nhưng lâm vào cảnh khổ, là người với nhau, các anh còn phải thương yêu, cứu giúp kia mà? Để ổng phải đi ở nhờ, ở đậu người ta như vậy, gia đình có thấy xót không? Các anh chị có đành lòng để ổng đi ăn xin không? Nếu một mai túng cùng quá, ổng không có gì để sống....” Phiên tòa như chùng xuống sau câu nói của người thẩm phán, nhưng sau đó, các người con đưa ra nhiều lý lẽ rằng họ đâu có bỏ bê ông lão, chỉ tại ông muốn bỏ đi. Vị thẩm phán còn nói nhiều câu nữa, nhưng có câu tôi nhớ nhất là: “Tòa án quận 8 bác đơn ly hôn là có lý, vì không thể chỉ vì chia tài sản mà ly hôn. Vả lại, hai ông bà cũng già rồi. Nhưng để cho ông lão ở tuổi gần 80 không biết chết lúc nào, buộc lòng phải xin ly hôn để có tiền sống, là điều đau lòng”, và “Các anh chị đừng nghĩ rằng tòa bác đơn ly hôn là vì ổng có lỗi. Cũng không thể vì ổng có lỗi mà tước đi quyền làm cha của ổng. Các anh chị vẫn có bổn phận làm con...” Lúc tòa tuyên bố bác đơn ly hôn, mọi người lục tục ra về, ông lão vẫn còn ngơ ngác ở lại giữa căn phòng vắng. Tôi đến bên ông. Ông hỏi: “Vậy là sao?”. Tôi giải thích. Tôi có cảm giác người ông run lên trong nỗi thất vọng. Tôi hỏi: “Bác về đâu?”. “Về Biên Hòa”. Người con thứ ba đã ra khỏi phòng xử án có lẽ chợt nhớ, quay lại móc túi đếm đưa cho ông già ba tờ giấy bạc 5.000 đồng, nói “Để ba về xe”. Ông già đẩy ra: “Không, tao không lấy!”. Người con trai trưởng im lặng suốt phiên tòa, sau khi giúp mẹ bước lên xích lô, tất tả vòng trở lại cúi đầu: “Thưa ba con về”. Hai người con gái quay lại níu hai bên cánh tay ông, gần như lôi ông đi: “Đi, ba, đi về với tụi con, chớ ba ở đây làm chi? Tòa đã xử xong rồi. Tụi con đã nói là tụi con không ai bỏ ba hết, ba thích ở với đứa nào thì ba cứ về...”. Tôi có cảm giác đó là những lời nói trước mặt khách lạ. Trong lúc tôi cất sổ tay vào túi xách thì mọi người đều đã ra khỏi cổng tòa án. Tôi vội đi theo: ông già chỉ còn lại một mình! Tôi không bao giờ quên hình ảnh ông già xuôi theo con dốc đường Nam Kỳ Khới Nghĩa trong ánh nắng vàng vọt của buổi chiều. Đôi mắt đục lờ như ngơ ngác, chẳng biết mình sẽ đi đâu, về đâu?