Margaret đến thăm ông lần thứ hai, lần này, không báo trước. Hôm đó là Chủ nhật, chỉ có mình ông ở nhà. Ông mời trà song bà từ chối. Bà đi quanh căn phòng, đứng lại sau ghế ông ngồi, vuốt tóc ông. Ông im lìm như một tảng đá. - Thế là hết hở Paul? – bà hỏi. - Hết cái gì? - Anh thừa biết em định nói gì. Anh định chấm dứt việc sinh hoạt tình dục? Cứ nói thẳng ra đi, để em còn biết đường ăn ở sau này. Margaret không phải người ăn nói quanh co. Ông rất thích điểm ấy của bà. Nhưng ông biết trả lời ra sao đây? Phải, tôi chấm dứt cuộc sống tình dục, từ nay trở đi hãy đối xử với tôi như một hoạn quan? Ông nói vậy sao được khi thực tế có thể không như thế? Vậy sự thực ra sao? Nhỡ con ngựa ô say đắm của ông lại khịt mũi rống lên thì sao? thời xế chiều của đàn ông mà. Xuống đấy, nhưng cũng lên ngay đấy! - Margaret – ông nói – hãy cho tôi thời gian - Thế người giúp việc ban ngày của anh thì sao? – Margaret nói, đánh trúng vào điểm yếu – Anh và cô giúp việc có ăn ý không? - Cảm ơn em, cô giúp việc ban ngày và tôi hoà thuận. Nhưng với cô ấy, tôi chỉ là người sáng sáng không ra được khỏi giường. Với cô ấy, tôi có thể là chết trong cảnh như vẫn đọc trên báo, hàng xóm ngửi thấy mùi khó chịu và gọi điện báo cảnh sát phá cửa. - Đừng quá thống thiết thế, Paul. Chẳng ai chết vì bị cắt cụt một chân. - Đúng, nhưng người ta có thể chết vì dửng dưng với tương lai. - Thì cô giúp việc của anh phải cứu đời anh chứ. Thế là hay đấy. Cô ta đáng được tặng huân chương. Cô ta đáng được tiền thưởng. Bao giờ em mới được gặp cô ta đây? - Đừng xúc phạm thế, Margaret. Em hỏi tôi một câu hỏi, và tôi đang cố trả lời thành thật. Nhưng Margaret không nao núng: - Bây giờ em đi đây – bà nói – Anh không phải đứng dậy, em sẽ ra một mình. Khi nào anh lại sẵn sàng cho xã hội loài người, cứ gọi cho em nhé. Trong các buổi vật lý trị liệu, bác sĩ báo trước với ông rằng các cơ đùi sẽ có phản ứng dữ dội, kéo vùng hông và dương vật về phía sau. Ông dựa vào cái khung, đưa bàn tay rảnh thăm dò phần dưới lưng. Liệu ông có thể cảm thấy bắt đầu nhô ra về phía sau không? Hoặc cái chi xấu xí này có trở nên xấu hơn không? Gía như ông nhượng bộ và cho lắp chân giả, sẽ có lý do mạnh hơn để tập đoạn chân còn lại. Còn thế này, đoạn chân ấy chẳng ích lợi gì cho ông. Mọi thứ ông làm với nó là mang nó đi loanh quanh như một đứa con không mong muốn. Nó muốn co vào, phản ứng, rút lại, cũng chẳng có gì lạ. Nhưng nếu cái thứ bằng da bằng thịt còn kháng cự, thì một cái chân đúc bằng nhựa màu hồng, đầu có khớp nối, dưới có hình giày, một công cụ buổi sáng lắp vào, buổi tối tháo ra và buông lên sàn, còn phản ứng nhiều hơn biết chừng nào! Ông nhún vai khi nghĩ đến điều đó. Ông chẳng muốn làm gì với nó nữa. Đi nạng còn hơn. Đi nạng ít ra còn có cảm giác thật. Dù sao chăng nữa, mỗi tuần một lần ông cũng cho phép xe ô tô ghé qua đón ông đến lớp phục hồi ở phố George, Norwood do một phụ nữ têN là Madeleine Martin điều hành. Lớp có độ nửa tá người tật khác, tất cả đều ngoài sáu mươi. Ông không phải là người duy nhất không lắp chân giả, nhưng là người duy nhất từ chối. Madeleine không thể hiểu nổi cái mà bà gọi là thái độ của ông. - Trên phố có nhiều người ông không thể nhận ra họ đang đeo chân giả, vì họ đi đứng tự nhiên – bà nói. - Tôi không muốn trông tự nhiên – ông nói – Tôi thích cảm thấy tự nhiên hơn. Bà lắc đầu, mỉm cười hoài nghi: - Đây là một chương mới trong đời ông – bà nói – Chương cũ đã khép lại rồi, ông phải nói lời từ biệt với nó và chấp nhận cái mới. Chấp nhận, đó là tất cả những gì ông cần làm. Rồi sau đó, mọi cánh cửa ông tưởng như đóng lại sẽ mở ra. Ông sẽ hiểu thôi. Ông không đáp. Ông có thực sự muốn cảm thấy tự nhiên không? Ông có cảm thấy tự nhiên trước khi xảy ra sự cố trên đường phố Magill không? Ông không biết. Nhưng có lẽ không biết mới là thứ cảm thấy tự nhiên. Thần Vệ nừ Milo có cảm thấy tự nhiên không? Bất chấp không có cánh tay, vệ nữ Milo vẫn là một vẻ đẹp lý tưởng của phụ nữ. Tương truyền trước kia nàng có tay nhưng bị gãy và sự mất mát đó chỉ làm cho vẻ đẹp của nàng thêm thấm thía. Nếu như ngày mai người ta phát hiện thực ra thần Vệ nữ do một người cụt tay làm mẫu, ắt nàng sẽ bị tống xuống tầng hầm ngay lập tức. Sao vậy? vì sao hình ảnh chắp vá của một người phụ nữ được ngưỡng mộ lại không phải là hình ảnh của một người phụ nữ rời từng đoạn, chưa nói đến việc đoạn tay cụt được khâu lại gọn gàng? Ông sẽ phải làm nhiều thứ mới đạp xe được xuống phố Magill lần nữa, để gió táp vào mặt. Ông sẽ phải làm rất nhiều, cái chương hiện giờ đã đóng lại mới được mở ra lần nữa. Ông ước giá Wayne Blight không bao giờ ra đời. Thế là xong. Nói cho thoả. Nhưng ông giữ mồm giữ miệng. Các chi có ký ức của nó. Madeleine nói với cả lớp, và bà nói đúng. Lúc ông dấn một bước trên nạng, nửa người bên phải vẫn đu theo một vòng cung để cái chân cũ đu theo, đêm đêm bàn chân lạnh lẽo của ông vẫn tìm kiếm người anh em lạnh lẽo của nó. Madeleine nói với họ rằng công việc của bà là lập lại chương trình cũ vì hiện giờ bộ nhớ lỗi thời ra lệnh cho chúng ta phải giữ thăng bằng ra sao, đi ra sao, chạy ra sao. - Đương nhiên chúng ta muốn giữ lại bộ nhớ cũ – bà nói – Nếu không, chúng ta sẽ không phải là con người. Nhưng chúng ta không nên bám lấy chúng, khi chúng cản trở tiến trình của chúng ta. Không giữ, khi chúng chắn đường chúng ta. Các vị có đồng ý với tôi không? Chắc chắn là có rồi. Giống hệt các nhân viên y tế ông gặp gần đây, Madeleine đối xử với những người già giao cho bà trông nom như thể họ là trẻ con – những giữ trẻ không được lanh lợi, có phần uể oải, có phần lờ đờ cần phấn chấn lên. Bản thân Madeleine chưa đến sáu mươi, có khi chưa đến năm mươi hoặc bốn mươi lăm, chắc chắn bà ta nhanh nhẹn như một con linh dương. Madeleine dùng khiêu vũ để tái lập trình cho bộ nhớ của cơ thể. Bà cho họ xem băng video những người trượt băng trong các bộ áo bó chặt màu đỏ thắm hoặc vàng, trượt thành vòng thòng lọng, vòng tròn, đầu tiên là chân trái rồi đến chân phải theo nhạc nền của Delibes. - Hãy nghe xe, hãy để giai điệu thấm vào các vị - Madeleine nói – để âm nhạc thấu suốt cơ thể các vị, để nó nhảy múa trong người các vị - Xung quanh ông, những người cùng lớp đã lắp chân giả cố ra sức bắt chước động tác của người trượt băng. Vì ông không thể làm thế - không thể trượt băng, không thể khiêu vũ, không thể đi lại, thậm chí không thể đứng thẳng mà không cần giúp – ông nhắm mắt lại, bám lấy chấn song và lắc lư theo nhịp nhạc. ở tận nơi nào đó, trong một thế giới tưởng tượng, ông đang nắm tay cô gái duyên dáng của ông trượt quanh sân băng. Tất cả những cái này là trò thôi miên đây! Ông thầm nghĩ. Kỳ quặc làm sao, lỗi thời làm sao! Chương cá nhân của ông (mỗi người có một chương trình cá nhân) gồm những bài tập thăng bằng. - Chúngta sẽ tập thăng bằng lại – Madeleine giải thích – với cơ thể mới của chúng ta – Bà gọi như thế đấy cơ thể mới của chúng ta, chứ không phải là cơ thể cũ bị cắt xén của chúng ta. Cũng như trong bệnh viện người ta gọi là thuỷ liệu pháp thì Madeleine gọi à vật liệu-nước. Trong một cái vũng hẹp trong căn phòng đàng sau, ông nắm chấn song và đi trong nước. - Giữ chân cho thẳng – Madeleine nói – Cả hai chân. Giống như cái kéo vậy. Cắt, cắt, cắt. Hồi xưa, ông sẽ ngờ vực những người như Madeleine Martin. Nhưng lúc này Madeleine Martin là tất cả mọi thứ để ông tin. Vì thế khi ở nhà, lúc có Marijana quan sát lúc không, ông tập hết bài tập trong chương trình cá nhân, thậm chí còn lắc lư-theo-nhạc. - Tốt lắm, rất tốt cho ông - Marijana nói và gật đầu – ông theo nhịp điệu là tốt lắm đó – Nhưng chị chẳng buồn giấu vẻ chế nhạo của người có nghề trong giọng nói. Tốt ư? Ông muốn nói với chị - Có thật không? Tôi không chắc là tốt cho tôi. Làm sao mà tốt được, khi tôi thấy toàn bộ việc này từ đầu chí cuối chỉ là nhục nhã? Nhưng ông không nói ra lời. Ông nén mình lại. Ông đã bước vào cái miền nhục nhã này, cái nơi là nhà mới của ông; ông sẽ không bao giờ ra khỏi; tốt hơn hết là im miệng; tốt hơn hết là chấp nhận. Marijana thâu thập hết quần của ông và mang về nhà. Hai ngày sau chị mang lại, ống bên phải đã gập lại và khâu gọn gàng. - Tôi không cắt đi đâu – chị nói – Nhỡ ông thay đổi ý kiến và lắp chân giả. Chúng ta xem nào. Chân giả, chị phát âm từ này như thể nó là tiếng Đức. Thesis, antithesis, rồi prosthesis. Vết mổ cho đến lúc này không gây rắc rối gì và ông tưởng đã lành, nay bắt đầu ngứa ngáy. Marijana rắc bột kháng sinh lên và băng lại, nhưng vẫn tiếp tục ngứa. Ban đêm mới thật khổ. Ông phải cố thức để khỏi gãi. Ông thấy vết thương như một viên đá quý lớn cháy rực trong đêm tối, vừa là lính gác lẫn tù nhân, ông buộc phải núp mình bảo vệ nó. Cơn ngứa giảm, nhưng Marijana tiếp tục chăm sóc đặc biệt cho đoạn chân cụt, rắt thuốc bột, trông nom. - Ông có nghĩ chân ông lại mọc ra không, ông Rayment? – một hôm chị hỏi, hoàn toàn bất ngờ. - Không, tôi chưa bao giờ nghĩ thế. - Có chứ, có khi thỉnh thoảng ông nghĩ như thế. Giống trẻ con ấy mà. Trẻ con tưởng cắt cụt đi, nó lại mọc. Ông hiểu ý tôi không? Nhưng ông không phải là trẻ con, ông Rayment. Vậy sao ông không muốn lắp chân giả? hay ông bẽn lẽn như một cô gái? có thể ông nghĩ, ông đi trên phố, ai cũng nhìn ông. Ông Rayment kìa, ông ta chỉ có một chân! Không phải thế đâu. Không đúng thế đâu. Chẳng ai nhìn ông hết. Ông lắp chân giả, chẳng ai nhìn ông. Không ai biết. Không ai để ý. - Tôi sẽ suy nghĩ – ông nói – Còn nhiều thời gian mà. Mọi thời gian ở trên đời. Sau sáu tuần lễ thuỷ liệu pháp, lắc lư và tái lập trình, ông bỏ lớp của Madeleine Martin. Ông gọi đến trường của bà sau giờ làm việc và để tin nhắn trong máy. Ông nghĩ ngay cả đến việc gọi cho bà Putts. Nhưng biết nói gì với bà Putts? Trong sáu tuần lễ, ông đã sẵn sàng tin vào Madeleine Martin và cách chữa trị bà đưa ra, chữa trị cho bộ nhớ cũ. Bây giờ ông không tin bà ta nữa. Thế thôi, chẳng có gì hơn. Nếu trong ông còn chút lòng tin, nó đã chuyển sang Marijana Jokić, chị không có trường lớp, không lời hứa hẹn, chỉ có sự chăm sóc. Ngồi vắt vẻo lên thành giường ông, vừa ép bàn tay trái lên háng ông Marijana vừa quan sát, gật gù lúc ông uốn cong, duỗi thẳng và quay tròn khúc chân cụt. Bằng động tác ép nhè nhẹ, chị giúp ông mở rộng độ uốn. Chị xoa bóp bắp thịt nhức mỏi, chị lật ông nằm sấp và xoa bóp phần dưới lưng. Từ sự đụng chạm với bàn tay chị, ông học được mọi thứ ông cần biết: chị không hề khó chịu với tấm thân bị huỷ hoại và ngày càng nhẽo này, chị sẵn sàng nếu có thể, và nếu ông cho phép, truyền qua các đầu ngón tay một lượng dồi dào sức khoẻ và sự tươi tắn cho ông. Đấy không phải là một cách chữa trị, không làm vì tình yêu, mà chắc chỉ là thông lệ chăm sóc chính thống. Nhưng thế là đủ. Nếu có tình yêu thì chỉ về phía ông thôi. - Cảm ơn chị - ông nói lúc hết giờ, ông nói mà có cảm giác chị nhìn ông hơi chế nhạo. - Ông đừng lo – chị đáp. Một buổi tối, sau khi Marijana ra về, ông gọi một chiếc taxi, rồi một mình men cầu thang đi xuống, nắm chặt thành cầu thang, toát mồ hôi vì sợ cái nạng trượt mất. Lúc chiếc taxi đến, ông đã ra đến phố. Trong thư viện công cộng, - may mắn thay, ông không phải rời tầng trệt – ông tìm thấy hai cuốn sách về Croatia: một cuốn hướng dẫn đến Illyria và bờ biển Dalmatian, còn một cuống hướng dẫn đến Zagreb và các nhà thờ ở đấy, cũng có một số sách về Liên bang Nam Tư và các cuộc chiến tranh gần đây. Tuy nhiên chúng cũng không giúp ông hiểu gì về tính cách và con người Croatia. Ông xem một quyển sách nhan đề Các dân tộc ở Balkan. Khi taxi đến, ông đã xong và đợi. Các dân tộc ở Balkan: giữa Đông và Tây, tiêu đề đầy đủ là thế. Xem để hiểu gia đình Jokić cảm thấy ra sao khi còn ở quê hương: bị kẹt giữa Chính thống giáo phương Đông và Công giáo phương Tây. Vậy họ cảm thấy như thế nào ở Australia, nơi phương Đông và phương Tây có ý nghĩa hoàn toàn mới? quyển sách có nhiều trang ảnh đen trắng. Một trong những bức ảnh chụp hai cô gái nông dân khăn trùm đầu đang dắt lừa chất củi nặng trĩu theo con đường mòn trên núi lởm chởm đá. Cô gái trẻ hơn mỉm cười bẽn lẽn trước ống kính, để lộ cái răng hồng. Các dân tộc ở Balkan xuất bản từ năm 1962, trước khi có Marijana trong bụng mẹ. Không ai biết ngày tháng các bức ảnh. Hai cô gái ấy bây giờ chắc đã làm bà, có khi đã chết và được chôn cất. Con lừa cũng thế. Đây là thế giới mà Marijana ra đời, một thế giới xa xưa của những con lừa, dê, gà, của những cái xô lấy nước sáng sáng băng phủ kín, hay chị là một đứa con trong thiên đường của những người lao động? Có lẽ gia đình Jokić mang theo bộ sưu tập ảnh riêng của mình từ đất nước cũ: lễ rửa tội, lễ kiên tín, lễ cưới, những buổi họp mặt của gia đình. Thật tiếc là ông không được xem. Ông có khuynh hướng tin vào những bức ảnh hơn lời nói. Chẳng phải vì ảnh không thể lừa dối mà vì chúng đã được để trong buồng tối, hãm và không thể thay đổi. Trong khi đó, các câu chuyện hình như lúc nào cũng thay đổi – ví dụ chuyện cái kim trong mạch máu, hoặc chuyện ông và Wayne Blight chạm trán nhau trên đường phố Magill chẳng hạn. Máy ảnh có khả năng nắm bắt hình ảnh trong ánh sáng và biến nó thành thực thể, với ông dường như là một thiết bị siêu hình hơn là cơ học. Nghề đầu tiên của ông là kỹ thuật viên trong buồng tối, thích thú lớn nhất của ông luôn là công việc trong buồng tối. Khi hình ảnh xuất hiện như một bóng ma dưới bề mặt dung dịch, khi những nét sẫm trên giấy bắt đầu khít lại với nhau và trở nên sinh động, đôi khi ông rùng mình ngây ngất, như thể ông có mặt trong ngày khai thiên lập địa. Chính vì thế sau này ông bắt đầu mất hứng trong nghề nhiếp ảnh: trước tiên là khi bắt đầu có ảnh màu rồi khi nó thành đơn giản vì phép màu cũ của dung dịch nhạy sáng dần dần hết thời, nổi lên sự say mê sắp xếp kỹ thuật hình ảnh không cần các chất, những hình ảnh có thể loé trong thinh không mà không cần hãm lại ở bước đâu, có thể cho vào máy và chui ra từ bộ phận điều khiển của máy, không đúng với sự thực. Lúc đó ông từ bỏ việc ghi chép thế giới bằng hình ảnh, và chuyển sang cứu vãn quá khứ.Có thể nói gì về sự ham mê bẩm sinh của ông với màu đen, trắng và các sắc độ xám hơn là thích thú cái mới? có phải phụ nữ không hiểu ông, nhất là vợ ông chính là những cái đó: màu sắc, sự chân thật? Ông kể với Marijana rằng ông gìn giữ những tấm ảnh cũ vì độ trung thực của chúng, những người đàn ông, đàn bà, trẻ co ndc mời xuất hiện trước ống kính người lạ. Nhưng không hoàn toàn vì thế. Ông cũng giữ gìn chúng vì độ trung thực của bản thân các bức ảnh, những bức ảnh in từ âm bản, phần lớn là những tấm cuối cùng, độc nhất. Ông cho chúng vào một nơi yên ổn và ngắm nghía chúng chừng nào có thể, chừng nào ai cũng có thể làm thế, vì chúng được gìn giữ ở nơi tốt đẹp sau khi ông qua đời. Có lẽ đến lượt một người xa lạ hiện vẫn chưa ra đời sẽ tìm ra và giữ gìn một bức ảnh của ông, của Rayment tuyệt giống trong Di sản Rayment. Còn về chính kiến của gia đình Jokić cũng như chỗ thích hợp họ có thể chiếm giữ trong bức tranh khảm về lòng trung thành và sự thù địch của Balkan, ông không bao giờ căn vặn Marijana và cũng không hề óc ý định làm thế. Với phần lớn những người di cư, cảm giác về đất nước cũ của họ chắc chắn lẫn lộn. Chồng sau của mẹ ông là một người Hà Lan, ông ta đưa mẹ con ông từ Lourdres đến Ballarat, giữ một bức hình đóng khung Nữ hoàng Wilhelmina đứng trong phòng khách, cạnh pho tượng nhỏ bằng thạch cao Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Sinh nhật Nữ hoàng, ông ta thắp một cây nến trước ảnh Nữ hoàng, như thể bà là một vị thánh. Châu Âu bất trung, ông ta thường nói vậy về châu Âu, bức ảnh Nữ hoàng chứa đựng phương châm Trouw, niềm tin, lòng trung thành. Tối tối ông ta vội vàng bật radio sóng ngắn, cố bắt qua những tiếng tách tách lời này lời nọ của Đài Hilversum. Đồng thời ông ta thất vọng với đất nước ông mới tin, so với ý niệm ông đã hình thành từ xa. Mặc dù người vợ còn hồ nghi và hai đứa con riêng không vui vẻ, Australia ắt phải là mảnh đất có nhiều cơ hội. Nếu các thổ dân không thân thiện, nín lắng khi có mặt họ hoặc chế nhạo thứ tiếng Anh ấp úng của họ cũng chẳng sao: thời gian và sự làm việc chăm chỉ sẽ mài mòn thái độ thù địch. Ông ta vẫn giữ niềm tin khi Paul gặp ông ta lần cuối, đã chín mươi tuổi, nhợt nhạt như một cây nấm, lê bước ket các chậu cây trong nhà kính xiêu vẹo. Vợ chồng Jokić ắt phải giữ một kiểu niềm tin nào đó như của ông già Hà Lan kia. Trong khi các con họ, Drago, Ljuba và đứa kia nữa, sẽ hình thành một hình ảnh riêng về Australia, đầy đủ hơn và nhạt nhẽo hơn.