Có một chiếc xe đỗ ở bên kia đường đối diện với căn hộ của ông, một chiếc Commodore màu đỏ dãi dầu mưa gió. Nó ở đấy từ trưa. Không nhìn rõ người sau tay lái, nhưng chỉ có thể là Miroslav Jokić. Khó mà biết được Miroslav làm gì ở đấy. Anh ta đang rình vợ? hay thử doạ hai con người tội lỗi? Chống nạng mất hết mươi phút mới xuống hết cầu thang và ra cửa, rồi lại mất gần từng ấy thời gian sang bên kia đường. Lúc ông đến gần chiếc xe, người đàn ông trong xe hạ cửa kính xuống, phà ra một đám khói thuốc lá nồng nặc. - Anh Jokić? – ông nói. Jokić không phải người vạm vỡ, lóng ngóng như ông hình dung. Trái lại, anh ta cao và dẻo dai, gương mặt ngăm ngăm đen và hẹp, mũi khoằm. - Tôi là Paul Rayment. Chúng ta nói chuyện được không? tôi có thể mời anh ly bia được không? ngay góc phố có một quán rượu. Jokić xuống xe. Anh ta đi ủng làm việc, mặc quần jeans xanh, áo phông đen, áo khoác da màu đen. Giống một người đánh xe ngựa, ông nghĩ. Bất giác, một ảo ảnh đến với ông, thân hình kia ở trên Marijana, phủ lên chị, ấn vào trong chị. Lọc cọc nhanh hết mức có thể, ông dẫn đường. Quán rượu khá vắng vẻ. Ông vào một ngăn và Jokić, môi mím chặt, theo sau. Ông liếc nhìn bàn tay Jokić. Những ngón tay dài có nhiều túm lông đen, móng tay cắt gọn. Cổ cũng có lông. Marijana có thích những dám lông trông như bộ da gấu ấy không? ông không hề có kinh nghiệm đối phó với những ông chồng bị thiệt hại. Ông cảm thấy có lỗi với người đàn ông này không? ông chẳng thấy gì. - Chúng ta có thể đi thẳng vào việc được không? anh muốn biết vì sao tôi đề nghị giúp việc học hành của con trai anh phải không? tôi không phải là người giàu có, anh Jokić à, nhưng tôi sung túc và không con cái. Tôi cho con trai anh chị vay vì tôi thấy cậu ta giỏi giang. Tôi rất ấn tượng với Drago. Cậu ta tỏ ra có nhiều hứa hẹn. Còn cái trường mà cậu ta chọn, trước kia tôi chưa nghe thấy, nhưng Drago kể với tôi rằng có tiếng tăm tốt và tôi ghi nhận. Tôi rất tiếc lời đề nghị của tôi đã gây ra chuyện bât hoà trong nhà anh. Tôi phải nói với anh cũng như với vợ anh, là lúc này tôi mới hiểu. Về phần chị nhà, tôi chỉ có thể nói đơn giản rằng quan hệ của tôi với chị ấy luôn luôn đúng mực – ông do dự. Cái nhìn của người đàn ông như nòng súng chĩa vào ông. Đáp lại, ông nhìn thẳng vào anh ta – Tôi không dính dáng với đàn bà, anh Jokić ạ, không hề. Đoạn đời ấy của tôi đã lùi lại phía sau rồi. Nếu tôi vẫn làm chuyện yêu đương, tôi sẽ làm theo cách khác. Khi nào biết tôi hơn, anh sẽ hiểu. Ông đang nói dối chăng? Có lẽ, nhưng ông không cảm thấy thế. Dù ông không quên đôi bắp chân của chị, dù ông sẵn sàng cho hết mọi thứ để được vùi mặt vào ngực chị, song lúc này ông yêu Marijana bằng trái tim thuần khiết và nhân từ như Chúa yêu chị, điều này phi lý đến mức người đàn ông này hoặc bất cứ người nào khác cũng căm ghét ông. - Tôi và vợ tôi cười từ năm 82 – Jokić nói. Giọng trầm, giọng một con gấu, ông nghĩ thế - mười tám năm. Khi tôi gặp cô ấy, cô ấy đang là sinh viên Học viện Nghệ thuật Dubrovnik. Hồi trước tôi ở trong quân đội liên bang, rồi kiếm được việc làm trong HỌc viện, làm thợ hàn. Thợ hàn và thợ thủ công, nhưng phần lớn là thợ hàn. Vì thế chúng tôi mới gặp nhau. Sau đó chúng tôi chuyển sang Đức, chúng tôi làm việc cật lực, dành dụm tiền nong như người nghèo – ông có hiểu ý tôi không? – và xin chuyển đến Australia. Em gái tôi cũng thế. Bốn người đi cùng nhau. Hồi ấy Drago còn bé. Hồi đầu chúng tôi ở Melbourne, tôi làm việc trong một cửa hàng hàn. Rồi tôi cùng mấy người bạn đến Coober Pedy thử vận may với ngọc mắt mèo. Ông có biết Coober Pedy không? - Tôi biết Coober Pedy. - Nơi ấy nóng lắm, rồi Marijana đến. Chúng tôi ở đó ba năm. Quá ư vất vả với một người phụ nữ. Các ông coi ngọc mắt mèo là điềm may. Với tôi thì không. Ông có hiểu ý tôi không? nhưng các bạn tôi giúp tôi, chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau. - Phải. - Quá vất vả cho một người đàn bà có con. Vì thế tôi kiếm việc làm cho Holden và chúng tôi dọn đến Elizabeth. Công việc ổn định, nhà cửa khá tốt – anh ta đặt cái ly rỗng xuống. Im lặng. Chấm dứt câu chuyện. Đấy là chuyện đời tôi, hình như anh ta muốn nói – Mệt chưa, ông conston Terrace! - Anh có tình cờ quen biết một người đàn bà tên là Elizabeth Costello, một bà già, là nhà văn chuyên nghiệp? Jokić lắc đầu. - Hình như bà ta biết anh. Bà ấy thuật lại với tôi một số điều giống như trong tiểu sử anh vừa kể, anh và Marijana gặp nhau ra sao, hai người làm gì ở Dubrovnik, vân vân. Không nói đến Melbourne hoặc Coober Pedy. Vả lại, Elizabeth Costello đang viết một quyển sách mới. Hình như bà ta dùng tôi làm một nhân vật, bà ta bảo thế. Bà ta chú ý đến tôi nên quan tâm đến cả Marijana của anh. Hiển nhiên là bà ta đang săn tìm quá khứ của hai người. Jokić đợi ông nói xong nhưng không thể, vì nghe chúng có vẻ quá ngớ ngẩn. Điều ông ngập ngừng không nói ra là – đây là câu chuyện hiểu lầm, tôi và anh mắc phải do bà Elizabeth Costello gây nên. Nếu muốn trách một người nào đó, thì cứ trách bà ta. Bà ta ở đàng sau mọi việc. Elizabeth Costello là người gây ra mối bất hoà này. - Nếu anh không phiền vì câu tôi nói – thay vào đó, ông tiếp – anh nên làm lành với Marijana. Vì lợi ích của Drago, mong anh chị chấp nhận khoản vay này. Ai cũng thấy Drago tha thiết được học ở Cao đẳng Wellington. Chúng ta có thể làm khoản vay hợp thức hay không tùy anh chị. Làm giấy tờ hoặc bỏ qua, đối với tôi chẳng có gì khác. Lẽ ra lúc ấy ông nên gọi thêm ly bia cho Jokić. Lẽ ra ông nên làm việc đó rất thoải mái, để Jokić có thời gian nuốt sự hãnh diện vào lòng và thân mật như bạn dù miễn cưỡng. Nhưng ông lại không làm. Ông đã nói đủ, bây giờ đến lượt Jokić, đến lượt Jokić trả tiền đồ uống của anh ta, đến lượt Jokić nói. Ông hy vọng sau cuộc gặp này, việc ông giúp sẽ kết thúc, dù miễn cưỡng. Tuy nhiên đối với Marijana, người đàn ông này là bố hai đứa con như thiên thần, có khi là cả ba, ông thấy mình không tò mò về anh ta. Ông chỉ quan tâm đến Marijana, Marijana và bất cứ thứ gì của Marijana, phải tìm ra cách đến với các con chị. Sự quan tâm của ông với Marijana có vụ lợi hay không? ông có so sánh tình yêu vụ lợi của ông với tình yêu không vụ lợi của Chúa với Marijana không? ông không biết. Câu hỏi quá mơ hồ với tâm trạng hiện tại của ông. Jokić cắt ngang dòng suy nghĩ của ông: - Ông có căn hộ thật đẹp. Một câu hỏi? một lời bày tỏ? ắt phải là một câu hỏi, vì Jokić chưa bao giờ bước chân vào nhà ông. Ông gật đầu. - Sung túc. Ông nói ông sung túc. Ông sung túc trong căn hộ của ông. - Đủ sống, ý tôi là thế. Chẳng phải làm gì cho căn hộ. "Đủ sống" là cách diễn đạt thường dùng khi thấy lúng túng nói đến chuyện tiền nong. Trong trường hợp của tôi, có nghĩa là tôi có thu nhập đủ sống. Có nghĩa là tôi có đủ tiền chi dùng và để dành chút ít. Nếu thích, tôi có thể làm từ thiện, hoặc có thể làm một việc tốt như gửi tiền cho con trai anh vào trường chẳng hạn. - Con trai tôi vào một trường hào nhoáng, nó sẽ có những bạn bè hào nhoáng, và muốn có đủ thứ đồ hào nhoáng khác nữa, ông có hiểu ý tôi không? - Có. Một trường học khác thường có thể làm nó ra vẻ kẻ cả với nguồn gốc xuất thân của nó. Tôi không phủ nhận điều đó. Đừng hiểu lầm tôi, anh Jokić, tôi không sốt sắng lắm với những trường xa phí đâu. Không phải tôi tìm ra tên trường Wellington. Nhưng đó là nơi Drago muốn đến, và tôi ủng hộ cháu. Tôi đoán Wellington không ndn nỗi khác thường như nó ra vẻ thế. Một trường thực sự khác thường chẳng cần quảng cáo. Jokić ngẫm nghĩ. Anh nói: - Hay chúng ta làm một quỹ tài sản uỷ thác cho Drato. Ông biết không, như thế không còn là việc cá nhân nữa. Một quỹ tài sản uỷ thác? Không phải là một ý dở, hay là giải pháp đắt giá cho một vấn đề đơn giản. Nhưng cái người tị nạn từ chế độ xã hội chủ nghĩa này hiểu gì về quỹ tài sản uỷ thác? - Chúng ta sẽ suy nghĩ về việc này – ông nói – nếu anh muốn hợp pháp, hết sức hợp pháp và kín kẽ. Chúng ta có thể nói chuyện với một luật sư. - Hoặc một nhà băng – Jokić nói – chúng ta có thể mở một tài khoản uỷ thác cho Drago. Ông gửi tiền vào tài khoản uỷ thác đó. Vậy là an toàn. Trong trường hợp…ông hiểu đấy. Trong trường hợp gì? trong trường hợp ông, Paul Rayment, thay đổi ý định và bỏ rơi Drago trong cơn hoạn nạn ư? Hay trong trường hợp ông chết? trong trường hợp nhỡ ông say đắm vợ của Miroslav Jokić? - Phải, chúng ta có thể làm thế - ông sống tuy lòng đầy nghi ngại. Có cần bịa ra một cái quỹ tài sản uỷ thác để giữ gìn lòng tự hào của Jokić không? - Còn Marijana… - Phải, Marijana. Anh muốn nói gì về Marijana? - Marijana lúc nào cũng mệt mỏi vì công việc điều dưỡng. Cô ấy nhận làm hai nơi, cho ông và một bà già khác nữa, bà Aiello. Không hẳn là điều dưỡng mà đúng hơn là nội trợ. Ông còn tăng thêm việc, năm mươi giờ, sáu mươi giờ một tuần lễ, cô ấy phải cố gắng, ngày nào cũng cố gắng. Như thế là không tốt, cái việc nội trợ này, với một người có học. Cô ấy về nhà, lúc nào cũng mệt đứ đừ. Vì thế chúng tôi cho rằng, cô ấy nên bỏ nghề điều dưỡng và kiếm việc loại khác. - Tôi xin lỗi. Tôi không biết Marijana làm việc hai nơi. Chị ấy không nói gì với tôi về công việc thứ hai này. Jokić trừng trừng nhìn ông, mỉa mai. Ông đang bỏ lỡ, không hiểu điều gì chăng? - Tôi sẽ thiếu chị ấy nếu chị ấy bỏ việc – ông nói. Marijana là người có năng lực. - Đúng thế - Jokić nói – Tôi đây, tôi chỉ là thợ cơ khí, ông biết đấy. Thợ cơ khí ở Croatia, ở Australia chẳng là gì hết. Nhưng Marijana là người có học. Có văn bằng phục chế, cô ấy có kể với ông không? Không làm phục chế ở Australia, nhưng vẫn có bằng chứ. Ở Munno Para, cô ấy có nói đến việc đó không? OK, Drago mê nhiều thứ, cô ấy có thể chuyện trò với nó. Sau đó cô ấy gặp ông, Rayment. - Tôi trò chuyện với Marijana rất giới hạn – ông thận trọng đáp – Quan hệ của tôi với chị ấy giống như với những người khác. Rất hạn chế. Gần đây bà Costello, người mà tôi vừa nhắc đến, mới cho tôi biết chị ấy có học về nghệ thuật. Dần dần ông vỡ lẽ vì sao Jokić đánh vợ và đuổi vợ ra khỏi nhà, sẵn sàng bỏ một ngày làm việc ngồi trong xe ở Coniston Terrace. Chắc Jokić tin rằng vợ anh ta dù muốn hay không đã sa vào tình cảm đích thực của một khách hàng nhiều tiền và dễ dàng thân thiết với giới nghệ thuật và nghệ sĩ, dụ dỗ chị rời khỏi gia đình và tổ ấm, đồng thời môi trường thanh lịch của Coniston Terrace dạy chị coi thường tầng lớp lao động ở Munno. Jokić đang khẩn khoản xin ông giúp đỡ, nài nỉ bản tính tốt hơn của ông. Nếu sự nài xin ấy thất bại thì sao nhỉ? Jokić có đánh ông không? Hãy nhìn tôi, đối thủ đáng ghét của anh đây! Ông sẽ quả quyết. Anh vẫn có đủ chân tay mà Chúa ban cho anh, trong khi tôi phải kéo lê cái thứ tởm lợm này theo khắp nơi. Một nửa thời gian đi tiểu, tôi tè ngay trên sàn! Tôi không thể cám dỗ vợ anh bỏ anh nếu tôi thử, vì mọi từ ngữ đều chẳng còn cảm xúc gì! Đúng lúc ấy, trí nhớ bật lên hình ảnh Marijana dướn người lau bụi trên nóc giá sách, Marijana với đôi chân khoẻ khoắn, cân đối. Nếu tình yêu của ông với Marijana thực sự thuần khiết, tại sao nó cư ngụ mãi trong tim cho đến lúc đôi chân chị vụt loé sáng trước mắt ông? Vậy tình yêu, dù là thứ tình yêu ông quả quyết chỉ là công việc. Cũng cần một hình ảnh đẹp mới trở nên sống động? vậy về mặt lý thuyết, đôi chân cân đối có ảnh hưởng gì đến tình yêu, hoặc có ý nghĩa gì với niềm khao khát? Hay đó chỉ là bản chất tự nhiên mà con người không băn khoăn? Súc vật yêu đương như thế nào nhỉ? loài cáo, loài nhện chẳng hạn? những con nhện cái có các đôi chân cân đôi như thế không, có sức hấp dẫn mạnh mẽ làm các chú nhện bối rối không? Ông tự hỏi Jokić nghĩ sao về việc này. Chắc anh ta chẳng đòi hỏi gì. Một ngày là đủ cho ông chán ngấy Jokić, và ông ngờ rằng Jokić cũng chán ông. - Anh uống thêm một ly nữa nhé? – ông hỏi chiếu lệ. - Không, tôi phải đi. Jokić phải đi. Ông phải đi. Họ đi đâu, cả hai người? một người vềcái giường vắng vẻ ở Munno Para, còn người kia về cái giường trống rỗng ở Coniston Terrace, nơi ông có thể nằm thao thức suốt đêm nếu ông muốn, lắng nghe tiếng đồng hồ kêu tích tắc trong phòng khách. Họ có thể gầy dựng gia đình cùng nhau cũng có sao đâu.