“Chị đã có bầu được hai tháng rồi!”Tin báo bất ngờ của bà bác sĩ phụ khoa khiến tôi hồi hộp. Có con sau ba năm lập gia đình là tin mừng đối với tôi nhưng tôi phải làm sao trong lúc đang âm thầm thực hiện những chuyến vượt biển. Cố giữ vẻ tự nhiên bình thường, tôi hỏi: “Chắc vậy rồi hả cô?”Bà bác sĩ trả lời với ánh mắt nhìn thẳng: “Kết quả chính xác lắm, cho nên từ nay chị nên ăn ngủ đều đặn và đi đứng cẩn thận! Nhớ đừng vói kéo, leo trèo hay bơi biển thì đến ngày sinh chị mới được một cháu bé khoẻ mạnh.”Gật đầu tỏ vẻ ưng thuận nhưng tôi không nói gì. Lời căn dặn của bà bác sĩ được lưu dụng này có lẽ chỉ do thói quen nghề nghiệp nhưng nó chứa khá nhiều ẩn ý làm tôi suy nghĩ nhiều hơn. Biết mình mang mầm sống trong bụng, tất nhiên người đàn bà nào cũng phải biết làm gì để có đứa con mạnh khỏe khi chào đời vậy mà cách nói của bà vẻ như ám chỉ điều gì khiến tôi không khỏi bận tâm. Những ngày này, thành phố biển Nha Trang, nơi chúng tôi sống đang mất dần những người cư ngụ. Những người này không những chỉ là cư dân ven biển hay những người có lý lịch liên quan đến chế độ cũ mà cả giới trí thức được lưu dụng. Bà và tôi tuy là hai người làm việc mẫu mực ở hai nơi, nhưng cả hai đều hiểu ngầm là một ngày nào đó, sau một đêm nào đó, nếu có cơ hội, sẽ không còn hiện diện trong thành phố của mình nữa. Sau biến cố năm 1975, người Việt ở miền Nam tỏ ra hòa mình với sự đổi đời và tuân phục với chính sách mới nhưng âm thầm hành động theo ước vọng và ý nghĩ của mình. Vì mơ ước tìm lại tự do, quyền lợi thực sự của con người và những gì có được trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, không ít người kín đáo liên lạc với nhau để thực hiện những chuyến trốn ra khỏi nước bằng đường biển. Và vì đã có khá nhiều người biến mất sau những chuyến ghe thoát ra khỏi nước, chúng tôi thường có những ý nghĩ nghi ngờ về chuyện vượt biển khi thấy sự việc nào bất thường hay nghe sự vắng mặt của ai đó nơi làm việc của họ.Tôi biết chi tiết trong tờ khai sức khỏe của mình đã giúp bà bác sĩ đoán được phần nào lý do vợ chồng tôi không có con sau ba năm dài chung sống. Quả là vì tham gia vượt biển nên chúng tôi dự tính là tìm đến bến tự do rồi mới có con. Giờ đây, sự việc trái ngược với dự định khiến tôi hiểu rằng những gì mình muốn mà trời không muốn, phải chấp nhận. Trước khi chào từ giã, tôi đã cố gắng cười một cách bình thản rồi nói với bà là tôi biết chuẩn bị thế nào cho đứa con đầu lòng của mình. Chồng tôi rất vui mừng khi biết mình sắp được làm cha. Niềm vui khiến anh không nghĩ đến chuyến vượt biển sắp tiến hành trong vài ngày tới khiến tôi phải khuyên: “Em không thể tham gia chuyến này thì anh nên đi một mình. Ở đây dầu gì em cũng có việc làm, còn anh không nghề nghiệp lại không hộ khẩu. Sống bấp bênh như thế, chẳng thà trốn ra khỏi nước may ra còn có tương lai sáng lạng hơn.” Lắc đầu, anh nói: “Anh không bỏ em đâu. Đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa. Trước mắt là phải lo cho con!” Rồi y như lời, anh không tham gia chuyến vượt biển do chính người bạn thân của anh báo rõ ngày giờ. Sau đó ít tháng, khi nghe tin bạn bè của anh đến Phi Luật Tân thành công, anh thoáng buồn nhưng chẳng hề than van hay tiếc rẻ. Ngoài tâm niệm sướng khổ có nhau và không chịu cảnh vợ chồng ly tán người đi kẻ ở, anh đã chăm sóc tôi cẩn thận cho đến ngày đứa con trai đầu của chúng tôi ra đời. Từ khi có Tinô, chúng tôi không hề đề cập đến chuyện vượt biển. Để đáp ứng các nhu cầu cần thiết cho đứa bé, chúng tôi đã dồn hết sức lực và tâm trí vào các việc làm của mình. Ngoài việc dạy học mỗi buổi sáng tại một trường cấp hai, tôi đã nhận may tại nhà và làm thêm các loại bánh. Chồng tôi, tuy không có việc gì làm chính thức cũng giúp rất nhiều việc cho tôi lẫn mẹ của anh ấy. Ngoài những việc giúp tôi như may áo cổ sơ mi, thắt lá dừa làm bánh phu thê cho các mối đám cưới và bánh bán ngày rằm mùng một anh còn phụ mẹ anh những công việc xách nước, chặt củi và hong xôi. Những công việc của anh tuy nhẹ nhàng nhưng đã làm anh cay đắng vì chúng chỉ là những việc phụ giúp cho hai người đàn bà. Trước đây, anh đã làm rất nhiều nghề độc lập như đạp xích lô, kiếm củi, dệt khăn và buôn hàng theo tuyến đường tàu hỏa. Bởi chậm chạp và thật thà, anh bị thất bại này đến thất bại khác. Đạp xích lô thì không kiếm ra khách, đi chặt cây lấy củi thì chặt vào ngay đầu gối mình phải vào trạm xá điều trị, dệt khăn thì bị cụp lưng khi di chuyển máy dệt để sửa chữa phải đi châm cứu, và đi buôn thì bị gạt hàng giả mất cả vốn lẫn lời. Đã thế, mỗi lần anh đi buôn về, tôi thường nghe Thành, người thanh niên ở cùng xóm, nói rằng: “Đừng cho anh Hiệp đi buôn nữa chị à! Ảnh đi buôn như tụi em không được đâu! Mấy bà buôn dữ lắm! Hàng nhiều, tàu chật mà mấy bả chẳng muốn nhường ai, hết lấn người, lại giành chỗ, miệng lúc nào cũng chửi. Mà mấy bả muốn chửi cỡ nào, tụi em chửi lại cỡ nấy, đâu ngán! Còn ảnh mang tiếng có học không dám chửi lại nên mới bị mấy bả vừa đạp đầu bước qua vừa bị chửi. Mỗi lần thấy ảnh bị như vậy mà vẫn ngồi yên, không dám nói tiếng nào, em tức lắm. Hiền lành, cả nể như vậy nên kiếm nghề khác làm còn hơn!” Mỗi lần nghe vậy, tôi thường nén tiếng thở dài. Tôi biết là một ngày không xa, chẳng cần khuyên nhủ, anh sẽ không còn có thể đi buôn theo đường tàu Nha Trang Sài Gòn. Không phải vì anh sợ các bà buôn ăn hiếp mà vì vốn của anh đã cạn kiệt. Mẹ chồng tôi rất cay đắng khi nghe được những lời này. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, tự hào về sức học vượt bậc và tin tưởng công danh của con mình sáng lạng bao nhiêu thì sau ngày ấy bà ê chề với cảnh anh phải lao đao với công việc làm ăn bấy nhiêu. May là đứa con trai đầu của bà, anh chồng tôi, được thâu nhận làm nhân viên cho nhà máy đường ở một tỉnh miền Nam sau khi tốt nghiệp Đại Học Sài Gòn, nên có đời sống tương đối ổn định. Còn chồng tôi từ chối không nhận sự phân công tác của trường Đại Học sau khi tốt nghiệp nên mất cả việc lẫn hộ khẩu. Tình trạng lông bông của anh làm bà khổ tâm lắm nhưng đành cam chịu vì hiểu rằng anh không thể nào nhận công tác làm giáo viên của trường trung học ở một tỉnh lẻ miền Trung với bản phê bình “Học lực tốt nhưng tư tưởng chính trị không tốt”. Những người trong ban giám hiệu nhà trường chắc chắn sẽ không chấp thuận một người có tư tưởng chính trị không tốt trong đội ngũ giáo viên của họ. Sớm hay muộn, họ cũng sẽ tìm cách cô lập hay trục xuất anh khi biết ba anh là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đã chết vì chiến đấu chống lại sự tấn công bội ước của quân đội miền Bắc vào ngày mùng một tết năm Mậu Thân 1968. Ông đã tử trận với danh vị là sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa trong lúc trấn giữ đồn Pleiku chứ không phải như chữ chết đơn giản và trơn tuột mà chồng tôi khai trong lý lịch khi anh nộp đơn thi vào trường Đại Học Đà Lạt. Dù sao, mẹ chồng tôi rất an lòng khi vợ chồng tôi sống kề cận. Từ ngày không nghe chúng tôi nhắc nhở đến các chuyến vượt biển bà càng vững bụng hơn. Bà chỉ còn hai người con trai. Anh chồng tôi sau khi có việc làm, lập gia đình và ở luôn tại Nam Bộ, cho nên, khi sống với gia đình chúng tôi, bà cảm thấy ít lạc lõng trong đại gia đình chồng. Thực sự, vợ chồng chúng tôi chính là kẻ nương tựa vào mẹ chồng tôi. Những bữa ăn hàng ngày của chúng tôi đều dựa vào số tiền lời của những gánh xôi mà bà bán từ tờ mờ sáng. Lẽ ra bà không phải sống bằng nghề bán xôi dạo cực nhọc này. Bà vốn là tiểu thương buôn may bán đắt của gian hàng tạp phẩm guốc dép mũ nón tại chợ Phước Hải Nha Trang, được nhiều khách bạn hàng quý mến. Sau năm 1975, bà nghe đồn việc cải tạo công thương nghiệp nên sợ hãi sang nhượng lại gian hàng, để mua vài sào ruộng về trồng rau muống. Bà không có kinh nghiệm trồng rau nên thu nhập thấp hay có khi mất trắng vì thời tiết thất thường. May là bà nấu xôi ngon nên nghề bán xôi trở thành nguồn thu nhập chính cho bà sinh sống và hỗ trợ thêm cho con cháu. Mặc dù vợ chồng tôi làm rất nhiều việc nhưng thu nhập của chúng tôi chẳng được bao nhiêu. Lương giáo viên hàng tháng của tôi và số tiền ít ỏi từ các việc làm phụ của vợ chồng chúng tôi chỉ đủ trang trải cho các thứ vặt vãnh dành cho đứa con đầu lòng. Cũng may Tinô là đứa trẻ rất dễ tính cho nên sau khi nó ra đời tôi vẫn có thể tiếp tục làm nhiều việc hơn trước đó. Thường bú sữa mẹ theo giờ giấc nhất định nhưng Tinô chẳng bao giờ cáu kỉnh hay khóc lóc khi phải nhịn đói lâu hơn. Ngày Tinô vừa đúng một tháng tuổi là ngày tôi phải giao chiếc bánh cưới hai tầng cho gia đình chú rể vào lúc tám giờ tối để họ chuẩn bị cho ngày cưới hôm sau. Bảy giờ tối là giờ cho Tinô bú theo cữ nhưng tôi không thể theo giờ đã định vì còn điên đầu với chiếc bánh cưới chưa hoàn thành được. Trời tháng chín nóng chẳng khác hè, nhà lại ngày nhằm khu vực không điện phải thắp đèn dầu cho nên khí trời lẫn khí nóng của chiếc đèn dầu làm cho kem bơ mềm hơn thường lệ. Chỉ có thể trét mặt bánh chứ không thể nặn được những cánh bông hồng, tôi đành phải làm thêm loại kem khác: kem đường. Đây là một loại kem không bơ nhưng dễ dàng tạo những cánh hồng sắc nét vì độ cứng chuẩn mực của nó. Loay hoay thêm hai giờ tôi mới có được một chiếc bánh cưới vừa ý để giao cho khách. Tinô không thể bú theo thời gian qui định nhưng vẫn im lặng chờ cho đến lúc được cho ăn chứ không hề khóc la vòi vĩnh. Khi ôm nó vào lòng tôi hiểu là nó đã phải chịu đói rất lâu nhưng có lẽ do bản tính kiên nhẫn bẩm sinh, vẫn chờ cho đến khi được cho ăn. Vừa thương con, vừa biết ơn trời ban tính lành cho nó, nhưng lúc ấy tôi không biết rằng bản tính này liên quan rất nhiều đến những việc xảy ra cho Tinô sau này. Khi Tinô được bốn tháng và có thể ăn dặm thêm các thứ như cháo lỏng, rau đậu xay hay bột, tôi nghĩ ngay đến chuyện tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài những công việc thường làm, tôi đã tận dụng ngày chủ nhật để phụ chồng tôi đi buôn. Thời gian này, những người thầu ở chợ Lớn Sài Gòn thường thu mua các thứ hàng xuất khẩu như cà phê, hạt điều và các sản phẩm quý của rừng cho các nhà buôn bán thuốc Đông y, đặc biệt là hạt Ươi. Cà phê có nhiều tại Ban Mê Thuột, hạt điều ở các tỉnh Thuận Hải, duy chỉ có Ươi là thứ có nhiều ở tỉnh Khánh Hòa. Dựa vào sự thuận lợi là đang cư ngụ trong tỉnh có loại trái được các nhà buôn Sài Gòn nô nức thầu, tôi đã cùng chồng tôi đi xe đò ra tận nhà của những người bán Ươi ở ven núi rừng Hòa Mỹ, Hòa Đồng và Hòa Tân. Những người bán trái Ươi này vốn là những người chuyên sống bằng nghề đốn củi. Nhân biết giá trị của loại trái này, họ đã thu lượm, phơi khô và để dành bán khi có giá. Theo lời của họ, Ươi là một loại trái dùng để “ăn cho mát người”. Chữ “cho mát” mang nghĩa của khả năng giảm nhiệt độ và cũng có nghĩa là khi ăn loại trái này con người sẽ tránh được triệu chứng “nóng người” như mụn nhọt hay táo bón. Sự giải thích được tạm hiểu vì sao các con buôn ở Sài Gòn thích thu mua loại trái lạ lùng này, tuy nhiên, khi hỏi người bán vì sao chúng có tên Ươi thì ai nấy đều chịu. Gợi ý là có phải chúng được chiếu cố bởi mấy con đười ươi không, thì ai nấy cũng đều lắc đầu. Việc duy nhất mà họ có thể giải thích về loại trái có tên quái dị này là chọn một vài trái hình thoi tròn đầu, nhỏ như hạt dẻ, vỏ nâu đen sần sùi ngâm vào trong một tô nước rồi bảo chúng tôi quan sát sự nở bung dị kỳ của chúng. Sau khi vớt bỏ các lớp màu nâu thẫm của vỏ và nhặt những mảnh trắng deo dẻo đan dính với hình dạng không đều như đông sương cho chúng tôi nếm thử, họ nói là những miếng mà chúng tôi đang nhai trong miệng sẽ làm cho da dẻ chúng tôi tươi mát và sự tiêu hóa được nhuận trường. Để tán dương thêm giá trị hiếm quý của Ươi, người bán còn tả cảnh thu lượm khó khăn mà họ đã trải qua. Họ nói là Ươi thường chín rụng vào mùa mưa. Vì thế, nếu họ không ghi nhớ, thăm chừng, leo chặt và kéo cành về nhà tuốt trái phơi khô, chúng sẽ nở toét loét đầy mặt rừng và không có chuyện tích trữ từng bao bố bán cho con buôn. Qua chuyện kể của họ, chúng tôi hình dung được sự hiếm quý của những trái Ươi ra sao đồng thời tưởng tượng được cảnh cây rừng bị chặt phá và tước lột mỗi ngày như thế nào. Mặc dầu vậy, chúng tôi không thấy mình có tội. Những người bán này cũng như chúng tôi, là kẻ sống chật vật trong hoàn cảnh thay đổi của đất nước, phải vất vả với trăm phương ngàn kế mới mong nuôi sống gia đình. Trong khi những người bán phải khổ nhọc khuân vác những cành Ươi từ rừng về nhà thì chúng tôi phải vất vả vận chuyển các bao tải về thành phố mới kiếm được chút đỉnh tiền lời. Dù thể nào, thiên nhiên chẳng ưu đãi cho chúng tôi dài lâu. Buôn được vài chuyến thì nguồn Ươi cạn kiệt. Không có hàng buôn, vợ chồng tôi đành mua những thứ vặt vãnh như rau, khoai, bắp, đậu với giá rẻ hơn thành phố để bù số tiền xe đi lại. Nhiều lần như thế, các chuyến đi buôn của chúng tôi hóa thành những chuyến đi chơi. Các thứ mua được chỉ để tiêu dùng trong nhà và vốn liếng của chúng tôi lại từ từ chắp cánh bay. Trước tết Kỷ Tỵ năm 1989, Tinô vừa được vào nhà trẻ, tôi kiếm thêm việc làm ngay. Nhờ một người bạn đã từng quen với công việc mua bán, chúng tôi đăng ký được một gian hàng bánh mứt trong khu chợ tết Nha Trang. Vì chỉ dạy buổi sáng tôi đã dành hết thời gian cho việc buôn bán này. Tôi đã tự làm hầu hết các loại bánh mứt ngay cả việc rang nhuộm hạt dưa để không phải chi nhiều vốn cho việc mua đi bán lại. Sau những ngày bán tết năm đó, số lời của chúng tôi mua được năm phân vàng. Đó là số thu nhập khá lớn mà chúng tôi có được từ sau bao nhiêu năm sống chung với nhau. Mặc dù số vàng chỉ có thể dành cho vài tháng gửi trẻ hay chỉ mua được một hay hai hộp sữa bột hiệu Nhật cho Tinô nhưng nó đã làm chúng tôi hân hoan với ý nghĩ là có thể chăm nuôi Tinô đầy đủ cho đến ngày nó lớn khôn. Tôi cảm thấy được an ủi vì nghĩ rằng sự cần mẫn của mình đã được đền bù phần nào. Cảm giác bằng lòng với hiện tại thường xuất hiện nhiều hơn khi tôi không nghĩ đến chuyện cư ngụ, hộ khẩu, lý lịch của chồng tôi và những vấn đề liên quan đến quá khứ hay tương lai. Giống như người nào đó nói rằng “Không có thể vượt biển được thì ta đành vượt khó thôi!”