Có lúc tôi cảm thấy tiếc là mình đã mất thời gian học hai khóa tiếng Nhật và Đời Sống Phong Tục Tập Quán của Nhật thay vì học tiếng Mỹ và được chuyển đến những trại có thể đi làm một cách hợp pháp như anh Thảo; nhưng, khi nghĩ lại những kỷ niệm mà mình có được ở trại Kokusai Kuyen, tôi đã hài lòng với sự sắp xếp của thượng đế. Những ngày trong trại đã cho tôi nhiều thứ tình của con người như tình đồng loại, tình nhân ái, tình thầy trò, tình bạn và tình đồng hương. Ngoài tình thương của những người nhân viên và các thầy cô giáo trong trại, chúng tôi đã có nhiều người bạn chân thật như vợ chồng Lắm, chị Xuân Ảnh, anh Th., chị Thủy, và các anh chị khác như anh chị Đạt, chị Nguyệt Ánh và chị Phương Thúy. Những người này đã gián tiếp hay trực tiếp giúp chúng tôi với tình thương chân thành và vô vị lợi. Anh Đạt hết lòng giúp anh Kh. và chồng tôi nhận hàng, giao hàng và khuân chuyển rất mệt nhọc và khó khăn nhưng thu nhập của hai người chẳng được bao lăm; cho nên, chị Thủy đã hỏi những người quen biết của chị ở Tokyo giúp họ có một việc làm đạt mức thu nhập cao hơn. Lo lắng đến chuyện sang Phi học Anh Ngữ và Đời Sống Phong Tục Tập quán Mỹ của chúng tôi trong hoàn cảnh tài chính eo hẹp và con nhỏ, vợ chồng chị Thủy đích thân đưa chồng tôi đến tận nhà chị PhươngThúy để nhờ chị xin việc làm cho. Đồng với sự lo lắng của vợ chồng chị Thủy, chị Phương Thúy còn quan tâm đến sự thiếu thốn và thiếu tiện nghi của các trại tị nạn ở Phi Luật Tân nên đã nhờ chồng chị, người Pháp, hỏi những người bạn của anh ta, cũng là người Pháp và có cơ sở kinh doanh tại Tokyo, một việc làm cho chồng tôi. Sau khi biết một người bạn của chồng chị, chủ một tiệm bánh lớn tại Shibuya, nhận người làm, chị Phương Thúy đã gọi điện thoại báo cho chúng tôi và hẹn ngày giờ đưa chồng tôi đến tiệm bánh và hướng dẫn nơi lấy những tuyến xe điện ngầm. Công việc mà chồng tôi nhận được là rửa chén nhưng chén chỉ là từ thay thế cho nồi, xoong, chao, khuôn, khay và các vật dụng làm bánh khác. Để làm công việc này anh phải leo rào ra khỏi trại vì thời gian trại mở cửa và đóng cửa thường trễ hơn và sớm hơn giờ làm và giờ tan việc của anh. Mỗi ngày anh thường rời trại lúc năm giờ sáng và về trại lúc mười giờ đêm cho nên tôi thường thức vào những thời gian này để chuẩn bị thức ăn cho anh, và nghe ngóng anh leo ra vào trại bình yên. Thỉnh thoảng, tôi dùng thẻ điện thoại gọi anh nơi cột điện thoại gần phòng sinh hoạt trong trại để báo anh biết tin trong ngày ở trại hay gọi anh về mỗi khi văn phòng cần gặp anh. Một việc mà tôi không hề bỏ sót ngày nào là thường nghe và hỏi anh về công việc trong ngày của anh khi cùng anh ăn tối.“Hôm nay anh đến chỗ làm sớm hơn mấy ngày trước vậy mà đến nơi đã thấy đầy khuôn, nồi, xoong, chảo trong hồ nước lẫn ngoài mấy cái bàn cạnh đó”“Đồ nhiều như vậy mà không có ai phụ anh sao?”“Không ai cả, chỉ một mình anh làm thôi.”“Là tiệm bánh lớn mà chẳng lẽ tiệm không có người rửa chén? Nếu trước đó không có anh làm thì ai làm công việc này cho họ? Em cứ tưởng là anh phụ việc cho người rửa chén đã làm ở đó chứ?”“Có lẽ vợ chồng chị Phương Thúy nói tình cảnh gia đình mình nên ông chủ cho người rửa chén trước làm công việc gì đó trong tiệm và nhường công việc này cho anh. Ông chủ nói là anh làm đến lúc nào muốn nghỉ thì nghỉ. Ổng cho phép anh muốn làm bao nhiêu tiếng trong một ngày cũng được, không hạn định; cho nên tụi thợ làm trong đó ngạc nhiên lắm, cứ hỏi lịch làm việc của anh như thế nào hoài.”“Vậy thì đúng là vợ chồng chị Phương Thúy đã nói thật hoàn cảnh mình với ông chủ của anh rồi. Không biết là ổng có biết anh phải leo rào ra khỏi trại để ra làm cho tiệm của ổng không nữa?”“Không biết. Nhưng mà thấy ổng quý anh lắm. Mỗi khi ổng xuống hầm làm việc, ổng chỉ bắt tay và chào hỏi ba người là ông người Pháp thường làm kem bông bằng kẹo gương, ông người Nhật trưởng nhóm thợ trang hoàng mặt bánh và anh thôi. Tay của hai ông kia còn sạch sẽ chứ tay anh không lúc nào được khô ráo.”“Bộ anh không đeo găng tay lúc rửa chén hay sao mà tay không được khô?”“Có chứ nhưng cái hồ rửa chén của tiệm bánh đó không giống mấy cái bồn rửa chén mà mình thấy trong trại đâu em! Nó sâu hơn cả cánh tay của anh cho nên muốn vớt các thứ dưới đáy hồ anh phải thọc tay sâu xuống để kéo lên; thế là có đeo găng tay thì nước cũng tràn vào ống tay làm ướt nhẹp cả hai cánh tay thôi.”“Vậy sao anh không xả nước ra rồi vớt mấy cái dưới đáy lên? Mắc mớ gì phải để nước tràn vô ống găng tay để tay bị ướt?” “Làm sao mà xả được em? Tụi thợ bỏ nồi, khuôn vào hồ liên tục, nếu mình xả lấy nước đâu cho tụi nó ngâm cho mình? Mà cũng nhờ có hồ nước ngâm như vậy anh rửa nhanh đưọc chút xíu chứ mấy thứ bột, đường nấu dẻo queo mà không ngâm nước thì biết đến khi nào anh mới rửa cho xong? Em không tưởng tượng được là tụi thợ trong chỗ anh làm bận đến chừng nào đâu. Tụi nó làm liên tục thành ra anh cũng rửa liên miên. Mà tiệm đắt khách cũng phải! Anh chưa từng thấy cái bánh kem nào trang hoàng đẹp như mấy cái bánh chỗ anh làm đâu em. Lối trang hoàng của họ rất nghệ thuật và trang nhã chứ không phải màu mè như mấy cái bánh kem mình thường thấy đâu. Đặc biệt nhất là bánh của họ thường được phủ mỏng bởi một lớp bột hay đường mịn gì đó. Màu của lớp mỏng này thường tiệp với màu của hoa và các kiểu trang trí. Đặc biệt nhất là các cánh hoa hồng, lá hay các vật trang trí khác làm bằng kem đường. Không biết ông người Pháp làm thế nào mà trông chúng giống như thủy tinh. Cũng nhờ các cánh hoa hồng trong như thủy tinh này mà cái bánh nào cũng thấy sang cả. Mấy ổng biết các kiểu bánh của mấy ổng đẹp và đặc biệt nên mỗi lần làm xong một kiểu bánh là mấy ổng xúm xít chụp hình trước khi đưa bánh lên tầng trên”.“Thích thật! Phải chi em được làm ở đó thì em học lóm cách trang trí bánh.”“Không được đâu em. Dễ gì mà ăn cắp nghề của người ta! Mỗi lần làm kem đường là tay người Pháp đóng cửa phòng kín mít. Đố ai mà biết ổng dùng cái thứ gì cho mấy cái hoa hồng thủy tinh. Mỗi lần làm xong, ổng mới đem mấy cái đĩa có các cánh hồng hay lá ra ngoài phòng giao cho ông trưởng nhóm thợ trang hoàng vào trong bánh. Ông này thì thường chỉ đạo cách trang hoàng, và chọn hộp có lót lớp vải nhung tiệp màu với kiểu và màu của từng loại bánh.”“Có khi nào họ cho anh thử miếng bánh nào không?”“Không đâu em. Họ làm nghề lắm. Làm gì có chuyện bánh hư để cho thợ. Bánh của họ không kịp giao cho khách lấy đâu của thừa mà cho mình ăn. Hơn nữa, bánh trong tiệm toàn là bánh ổ cho Giáng Sinh, sinh nhật, đám cưới hay các thứ tiệc tùng chứ có phải các loại bánh ngọt nho nhỏ như mình thường thấy ở tiệm Hưng Hoa ở Nha Trang đâu. Bánh của họ đắt lắm. Dân đặt bánh toàn là dân giàu có không hà. Anh nghĩ phải chi tụi nó có bán bánh kem nho nhỏ và giá rẻ thì khi nào lãnh lương, anh mua một cái cho con ăn thử cho biết mùi đời. Đằng này giá tối thiểu của một cái bánh nhỏ nhất và đơn giản nhất là một trăm đô Mỹ rồi! Anh nghe tụi thợ làm ở đó nói khách đến ăn uống hay đặt bánh toàn là người của các đại sứ quán gần vùng Tokyo này. Anh còn nghe tiệm có bán thức ăn nữa nên đoán là một nhà hàng lớn chứ anh chưa hề có thì giờ đặt chân lên trên đó để biết tiệm ra sao và bán những thứ gì.”“Em hiểu chứ. Những chỗ sang như vậy đâu phải là chỗ dành cho tụi mình. Em tưởng là họ cho anh nếm thử thì tả cho em nghe, không thì thôi. Bánh hay thức ăn đắt tiền chỉ dành cho người giàu có và sang trọng chứ mình ăn làm gì. Chỉ cần có tiền để nuôi con ở Phi là đã may mắn lắm rồi.”Tôi đã nói vậy khi kết thúc cuộc nói chuyện với anh nhưng trong giấc mơ của mình, tôi thường thấy những chiếc bánh sang trọng mà anh tả mỗi ngày. Có khi tôi thấy một tháp bánh choux à la crème với màu cà phê trang nhã và những chấm phá màu chocolate, có lúc tôi lại thấy một cái bánh trái tim với cái hoa hồng bằng thủy tinh đơn giản trên cái khay nhung đỏ, có lúc tôi lại thấy những cái Buche De Noel và những cái bánh cây thông. Rồi tôi lại thấy rất nhiều nước nhưng lần này tôi không thấy những cơn sóng mà chỉ thấy toàn nồi niêu xoong chảo trôi bồng bềnh và hai bàn tay ướt nhẹp với những kẽ tay lở lói của chồng tôi.Chồng tôi chỉ làm cho tiệm bánh một tháng rồi nghỉ luôn vì anh phập phồng lo sợ chuyện vi phạm điều lệ của trại sẽ ảnh hưởng đến chuyện định cư tại Mỹ và tin đồn về chuyến đi Phi Luật Tân sẽ khởi hành vào giữa tháng một. Nghỉ việc để giữ gìn sức khỏe trong những ngày đông lạnh còn là một lý do rất hợp lý. Trong những ngày lạnh năm ấy, chúng tôi được nhìn cảnh tuyết rơi đầu tiên trong đời và được chụp chung với tuyết nhờ chiếc máy hình sắm được từ số lương của chồng tôi. Sau những ngày tuyết, tôi bồi hồi nhìn lại lá cờ vàng ba sọc đỏ và những tà áo dài Việt Nam trong buổi lễ Tết Nguyên Đán. Được ban Quản trị trại cho phép, chúng tôi đã tổ chức được lễ chào cờ, văn nghệ, múa lân và đốt pháo để mừng xuân mới. Sau phần đốt pháo, các em nhỏ được hướng dẫn xếp hàng để nhận phong bì lì xì. Nhìn Tinô hớn hở với chiếc phong bì đỏ trên đường đi về phòng, tôi bồi hồi nhận ra là những người tị nạn chúng tôi dù đã gian truân trong những cuộc trốn chạy đầy hiểm nguy, vẫn mang theo quê hương mình đến tận nơi đây. Trước Tết ít ngày, không khí trong trại trở nên xôn xao vì phòng nào phòng nấy cũng bàn tán Hội Xuân Canh Ngọ do Hiệp Hội Người Việt tại Tokyo tổ chức. Chị Xuân Ảnh và vợ chồng tôi hớn hở đưa Tuấn và Tinô đi mua sắm tết. Chúng tôi ghé siêu thị mua cho Tinô một bộ đồ mới rồi ghé chợ mua hoa quả rau thịt và vài thực phẩm Việt Nam . Sau khi cùng nhau dọn dẹp và trang trí phòng với khăn trải bàn mới, bình hoa giấy mới và màn giăng, chị Xuân Ảnh và tôi nhuộm nếp màu xanh lục rồi dùng giấy bạc gói và nấu bánh tét để chuẩn bị cho Tết. Từ sáng sớm ngày mùng một Tết, chồng tôi và tôi bày bàn thờ với đủ các món hoa quả và thức ăn mặn ngọt để cúng giỗ cha chồng tôi. Tiếp đón bạn bè đến viếng một lúc, mẹ con chị Xuân Ảnh và gia đình tôi rủ nhau đi Hội Tết rồi đi chùa. Cùng những ngày Tết của chúng tôi, người Nhật cũng tổ chức Tết. Chị Thủy đã rủ vợ chồng tôi đưa Tinô ra ngoài trại để tham dự buổi biểu diễn văn nghệ do ban văn nghệ Nhật tổ chức tại Tokyo . Trong buổi biểu diễn này, chị Thủy và con gái đầu của chị tham gia hát đơn ca. Tôi cảm thấy rất tự hào khi nhìn con gái lớn của chị Thủy hát bài hát Nhật được nhiều thanh niên nam nữ Nhật vỗ tay cổ vũ và vô cùng xúc động khi nhìn chị mặc áo dài Việt Nam khi hát bài hát Việt Nam trên sân khấu rực rỡ của ngày hôm ấy. Càng đi chơi nhiều tôi càng thấy gần gũi và hòa mình vào cuộc sống của Nhật. Những con đường, những góc phố, những chiếc tàu điện và những mái tóc mượt của các cô gái Nhật là những hình ảnh thật đáng yêu trong ký ức của tôi. Mặc dù tin tức về một thanh niên phạm tội giết bốn đứa trẻ ở khu Saitama, gần Tokyo có lúc làm tôi sợ hãi nhưng nghĩ đến sự phân tích của thông tín viên, qua thông dịch, tôi tin hàng ngàn băng hình kinh dị mà người thanh niên tích trữ trong căn nhà biệt lập của anh đã tác động đến tâm thần của anh và dẫn anh đến những việc làm trái với đạo làm người. Theo tôi, đây là trường hợp rất cá biệt và hiếm hoi. Ngoài tin chấn động này, tôi không nghe gì đến các tội phạm khác trên đài truyền hình; cho nên tôi đã tự tin khi đi bộ một mình ngay lúc chiều tà trên con đường vắng đến siêu thị. Đây là đường tắt đẫn từ trại qua một rừng thông dọc theo một dòng sông đến siêu thị. Sở dĩ tôi tin tưởng tuyệt đối sự an ninh ở đây vì tôi biết Nhật không có tự do vũ khí, tinh thần kỷ luật của người Nhật cao và nhất là vì tôi chưa hề thấy một người ăn xin nào trên đường phố của thủ đô này. Đây là vấn đề mà tôi luyến tiếc nhất và suy nghĩ mãi khi tôi quyết định xa xứ sở này. Nguyên nhân chính mà tôi muốn rời nơi đây là tôi không tin mình có khả năng học chữ Nhật, không thể đọc báo chí Nhật, và không thể đọc các toa thuốc Nhật một cách thông suốt. Hơn nữa, tôi còn muốn sau này Tinô học tiếng Việt, đọc tiếng Việt thành thạo mà chữ Nhật, hoàn toàn khác chữ Việt, sẽ trở thành một vấn đề hết sức khó khăn đối với tôi. Thêm vào đó, nếu tôi phải lao động chân tay suốt cả ngày và không thời gian học thêm tiếng Nhật thì dù có gắng bao nhiêu tôi không có thể có thời gian hay điều kiện để dạy tiếng mẹ đẻ cho con tôi. Lập luận chỉ là thế, còn chuyện đến Mỹ vẫn là ước mơ duy nhất khi tôi nghĩ đến vấn đề định cư. Nhiều thủy thủ trên tàu Đan Mạch khuyên chúng tôi nên tìm cách định cư tại Mỹ vì nó là một quốc gia giàu có bậc nhất trên thế giới. Họ còn nói Mỹ là thiên đường của sự phát triển học vấn và không hề có phân biệt bất kỳ lứa tuổi nào trong các trường đại học; cho nên, muốn cuộc sống tiến bộ và mở mang thì nên chọn Mỹ làm nơi để định cư.Những người quản lý trong trại vẫn thường động viên những người được phái đoàn Mỹ bảo trợ sang Mỹ ở lại nhưng chẳng một ai trong chúng tôi thay đổi ý định. Sự khăng khăng từ chối của chúng tôi có lẽ đã làm họ thất vọng nhưng họ không từ nan việc giúp chúng tôi đến cùng. Trước ngày chúng tôi rời trại, trại thông báo lịch mở nhà kho cho những người sắp đi Phi tự do chọn lấy bất kỳ món gì tùy thích. Choáng ngộp với những thứ có được hai một ngày lựa chọn, chúng tôi quyết định mua thêm một chiếc va li để chứa tối đa số ký được phép mang theo. Khi xếp đặt các thứ vào các vali, chúng tôi không quên đặt vào những bộ quần áo của những người thủy thủ tàu Đan Mạch cho, của chị Thủy cho, của chị Xuân Ảnh cho và của cô giáo Nhật Ngữ Makino gửi tặng qua bưu điện nhân dịp Giáng sinh.Ngày 13 tháng 2 năm 1990 gia đình tôi cùng những người được Mỹ bảo lãnh tập họp trước phòng hành chánh để được đưa ra phi trường. Ngoài những người đã ra trại định cư như gia đình Lắm, hầu hết mọi người quen trong trại đều đến tiễn chúng tôi. Gia đình chị Thủy dù bận rộn với chuyện rời trại để ra ngoài định cư cũng đến chia tay với chúng tôi. Người bịn rịn bên hông xe buýt nơi cánh cửa mà chúng tôi ngồi tì vào tận cho đến lúc xe chúng tôi rời bánh là chị Xuân Ảnh. Vói tay vào trong để đưa tiền cho Tinô, chị căn dặn chúng tôi nhớ chăm sóc nó cẩn thận. Cử chỉ của chị làm tôi cảm tưởng đang chia tay với người thân thuộc của mình trong một xóm làng Việt Nam . Có khoảng hơn một trăm người Việt Tị Nạn ở các trại Nhật cùng lên đường sang Phi trong chuyến đi hôm ấy nhưng trong chuyến ghe vượt biển của chúng tôi thì chỉ có anh Thảo và gia đình chúng tôi. Tại phi trường, chúng tôi trông chỉnh tề chẳng khác gì những người đi du lịch. Chỉ khác là ai nấy đều phải đeo bảng tên và kè kè tập hồ sơ bên mình. Đây là lần thứ hai, tôi chia tay với những ân nhân của mình. Khi từ giã tàu Đan Mạch, tim tôi âm thầm mang theo tình thương yêu, sự quan tâm và nỗi lo lắng của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn cùng những kỷ niệm của mười ngày sống trên tàu với họ; thì ngày rời Nhật nó chất thêm những tấm lòng thương yêu giúp đỡ tận tụy của nhân viên trại, của các thầy cô giáo của tôi, các cô giữ trẻ của Tinô và của những người bạn Việt ở trong và ngoài trại Kokusai Kuyen. Bâng khuâng với niềm thương yêu đầy ngập, tôi tin lòng nhân ái của con người vẫn còn rất nhiều trên thế giới này và đời sống tinh thần lẫn vật chất của chúng tôi sẽ được bảo đảm ở những nơi sắp đến.